KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT
NAM GIAI ĐOẠN 1900 - 1930
Trải qua những thí nghiệm, tìm tòi, người Việt Nam đã làm cho kho từ
vựng tiếng Việt ngày thêm phong phú bằng cách sáng tạo thêm từ mới,
tiếp nhận thêm từ mới của Trung Quốc, Nhật Bản đọc theo âm Hán
Việt, Việt hóa một số từ Pháp, làm cho ngữ pháp tiếng Việt ngày càng
mạch lạc, sáng sủa hơn nhờ nắm vững qui luật của ngôn ngữ dân tộc,
đẩy lùi câu văn biền ngẫu, đồng hoá vào hệ thống ngữ pháp tiếng Việt
một số yếu tố của ngữ pháp tiếng Pháp. Sau bao nhiêu cố gắng của các
nhà báo, nhà văn, câu văn nghệ thuật nhằm mô tả chân thật cuộc sống
bình thường được hình thành như chúng ta đã thấy trong tác phẩm của
Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh.
+ Báo chí:
Báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển dòng văn
học hợp pháp ở giai đoạn này. Báo chí chính là nơi để các nhà văn công
bố tác phẩm của mình, cũng là nơi để các nhà văn thử nghiệm, rèn
luyện văn xuôi quốc ngữ. Báo chí là nơi sưu tầm và giới thiệu văn học
trung đại Việt Nam, giới thiệu văn học Pháp và văn học Trung Quốc. Báo
chí có tác dụng khích lệ, mơ ước về sự nghiệp văn học, kích thích những
người cầm bút phỏng tác, sáng tác. Báo chí còn là nơi trao đổi ý kiến,
tìm tòi cách làm giàu ngôn ngữ, và cũng là nơi để các nhà văn rèn luyện
cách mô tả cuộc sống bằng các thể loại và hình thức mới để hình thành
nhà văn và tập hợp thành đội ngũ nhà văn.
Báo chí ở giai đoạn này đã đi từ chỗ là một công cụ tuyên truyền của
Pháp dần dần ngày càng gắn chặt hơn với văn học, thúc đẩy văn học
phát triển.
+ Dịch thuật:
Phong trào dịch thuật bắt đầu ở Nam bộ và nhanh chóng phát triển
trong phạm vi cả nước. Công việc dịch thuật được thúc đẩy bởi nhiều
động cơ và các tác phẩm dịch đã có sức hút lớn đối với độc giả thành
thị lúc đó. Việc dịch thuật đã buộc các nhà văn vay mượn, sáng tạo làm
cho tiếng ta thêm phong phú, rèn luyện văn xuôi nhanh chóng trưởng
thành. Việc dịch thuật cũng giúp cho các nhà văn tiếp nhận nghệ thuật
sáng tác mới, cụ thể là loại hình mới, từ đó các tác giả bắt đầu viết bút
ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch
- Cuộc sống ở thành thị và công chúng thành thị:
Những năm đầu thế kỷ XX, cuộc sống ở thành thị Việt Nam đã thay đổi
nhiều. Tầng lớp tiểu tư sản ngày càng đông đảo, nhịp độ và tốc độ cuộc
sống gấp và nhanh, một lối sống tư sản hóa được lan tràn khắp các ngõ
ngách của phố phường. Các tầng lớp khác nhau trong xã hội tuy có mức
sống, cách sống khác nhau, thậm chí còn đối lập nhau nhưng vẫn gần
nhau về những nét tâm lý, thị hiếu: thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc,
muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khát cái lạ, cái
luôn luôn thay đổi. Chính cuộc sống mới đưa đến cho con người thế
giới quan và nhân sinh quan mới và cũng vì thế đặt ra cho văn học
những yêu cầu khác trước.
Con người Việt Nam lúc bấy giờ đang sống giữa cuộc sống đua chen
cạnh tranh, cần sống thực, không thể thỏa mãn với những lời giáo huấn
về đạo lý cương thường. Người ta cần hiểu rõ, hiểu kỹ cuộc sống với tất
cả những tình tiết đầy đủ, những chi tiết cụ thể, gây được cảm giác,
thỏa mãn được sự tò mò. Người ta cần sống những cảnh ngộ của kịch,
những số phận của tiểu thuyết, những cảnh ngộ, số phận của con người
cụ thể trong cuộc sống bình thường. Ngưòi ta muốn nếm trải cái có thật
chứ không phải được khích lệ bằng những gương trung hiếu minh họa
đạo nghĩa. Ngưòi ta cũng muốn rút ra từ đó những bài học quí giá về
cuộc sống chứ không phải là bài học đạo lý. Người ta muốn xúc cảm,
muốn mở mang như những người cá nhân, chứ không phải xúc động
như khi chiêm ngưỡng những tấm gương cao của vị thánh xuất chúng.
Thế là vào khoảng trước và sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, một lối
sống thành thị tư sản hóa và một công chúng thành thị đã hình thành.
Ðó không chỉ là đối tượng mô tả, phục vụ mà còn là nhân tố làm nảy
sinh nền văn học mới.
- Vấn đề đổi mới về quan niệm sáng tác:
Sự thay đổi về quan niệm sáng tác đã dẫn đến nhiều đổi mới trong nền
văn học giai đoạn này. Nó không chỉ là một đặc điểm của giai đoạn văn
học mang tính chất giao thời như đã trình bày ở phần trên, mà nó còn
là một trong những nhân tố thúc đẩy sự ra đời của văn học mới, đẩy
mạnh sự phát triển của cả bộ phận văn học hợp pháp.
Bấy giờ vì muốn đáp ứng nhu cầu thị hiếu và thẩm mỹ của công chúng
thành thị nhà văn sáng tạo tác phẩm như một kế sinh nhai. Ðộc giả
trước đây đi tìm văn phẩm, bây giờ tác phẩm phải chạy theo người tiêu
thụ. Nhà văn thành một nghề, văn học trở thành hàng hoá. Người sáng
tác đã xa dần quan niệm "trước thư lập ngôn" sáng tác để thể hiện
"tâm, chí, đạo" dùng tác phẩm văn chương để di dưỡng tinh thần và
giáo dục con cháu.
Trước kia nhà nho không chú ý đến vấn đề phản ánh chân thực, cụ thể
cuộc sống đời thường. Các tác giả của bộ phận văn học mới để hết tâm
lực vào mô tả sao cho "chân tình, chân cảnh" con người và cuộc sống xã
hội, chủ yếu là con người bình thường và cuộc sống bình thường. Ðối
tượng được tập trung miêu tả trong tác phẩm bấy giờ là cuộc sống
thực, cuộc sống đời thường và những con người cũng có thực trong
cuộc sống.
Sự thay đổi quan niệm văn học và sự hình thành phương pháp sáng tác
mới là cả một quá trình lâu dài giằng co, tranh chấp giữa cái cũ và cái
mới. Hiện tượng này tìm thấy trong toàn bộ đời sống một nền văn học
mới.
- Chính sách văn hóa nô dịch của thực dân:
Thực dân Pháp đã thực hiện chính sách văn hoá nô dịch ở Việt Nam,
nhằm làm cho nhân dân Việt Nam đoạn tuyệt với những truyền thống
tốt đẹp đồng thời phục hồi những mặt lạc hậu phản động trong văn hoá
xưa. Tuy nhiên, sự mở mang tương đối của thực dân đã đem lại nhà
máy giấy, nhà máy in, một số trường học mới dạy chữ quốc ngữ, báo
chí Ðấy là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn học
hợp pháp.
Thế nhưng chính sách văn hoá nô dịch của thực dân cũng tạo nên nhiều
lực cản đối với phát triển của văn học hợp pháp, làm hạn chế nội dung
tư tưởng của bộ phận văn học này. Vì lưỡi kéo kiểm duyệt quá ngặt
nghèo của thực dân, các tác giả khi phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội
phải bỏ qua hiện thực của cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng của
nhân dân. Bị lôi cuốn vào quỹ đạo của chính sách văn học thực dân,
nhiều nhà văn đã mang ảo tưởng dùng hoạt động nghệ thuật để bảo
tồn nền văn hoá dân tộc, đó là một giải pháp cứu nước lúc bấy giờ.
2. 3. Một số nội dung tiêu biểu của văn học hợp pháp:
* Văn học hợp pháp phản ánh hiện thực xã hội trên con đường tư sản
hóa
Vào đầu thế kỷ XX có nhiều vấn đề mới đặt ra cho người cầm bút. Hiện
thực cuộc sống ngày càng đa dạng, phức tạp với biết bao vấn đề mới lạ
đập vào mắt nhà văn. Họ có thể nào làm ngơ trước nó. Cần phải mô tả
chân thật, sinh động cuộc sống xã hội, đó là điều làm cho nhà văn luôn
trăn trở và hướng đến.
Với ý thức không "tô điểm sai cảnh thực" ý thức mô tả "chân tình, chân
cảnh", "khiến người ta nghe câu văn như trông thấy cảnh, tai nghe thấy
người mà sinh ra cái lòng quan cảm" giúp các nhà văn viết về xã hội tư
sản hoá với những con người, tình huống, cảnh ngộ, sự việc cụ thể.
Xã hội được miêu tả trong văn học hợp pháp là một xã hội náo nhiệt, xô
bồ mà đồng tiền tư sản, lối sống tư sản, đạo đức tư sản đang dần dần
chiếm địa vị ưu thắng ở thành thị. Trong khi đó ở nông thôn bọn cưòng
hào, quan lại, địa chủ cấu kết nhau hà hiếp dân lành. Cuộc sống của
người dân nghèo vốn đã lam lũ, khốn khó lại phải chịu đựng thêm bao
nhiêu tai hoạ do chúng gây ra.
Xã hội tư sản trong sáng tác của nhà văn lúc đó như một xã hội mục
nát, không hề có những con người ưu tú. Ở vào giai đoạn này, ý thức hệ
tư sản đang lấn dần vị trí của ý thức hệ phong kiến, nhưng nó vẫn chưa
giành được phần thắng về mình. Vì vậy khi giải quyết các vấn đề của xã
hội, nhà văn thường rơi vào hiện tượng lưỡng phân. Họ chưa thể khẳng
định xã hội tư sản, cũng không thể khẳng định một lý tưởng xã hội
khác. Nhà văn chỉ mới nhìn thấy sự đau khổ, đổ vỡ, sự không hài hòa
của con người và xã hội. Mang tâm trạng của người trí thức tiểu tư sản
bấp bênh, hoang mang, dễ dao động, lại bị lép vế trong xã hội thời đó,
nhà văn chỉ dừng lại ở mức độ xót thương, cảm động và đau khổ.
Hiện thực được mô tả trong văn học hợp pháp có tính chất chân thực,
cụ thể đa dạng nhưng chưa phải là những vấn đề mấu chốt của xã hội
hiện thời. Chưa có ai đi sâu và lưỡi kéo kiểm duyệt của thực dân cũng
không cho phép đi sâu vào đời sống cùng khổ của nhân dân lao động để
moi ra những mâu thuẫn sâu sắc giữa địa chủ phong kiến tư bản đế
quốc với người dân cùng khổ trong xã hội. Giá trị tố cáo, phê phán của
văn học hợp pháp còn nhiều hạn chế. Văn học hợp pháp không hề đặt
vấn đề đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến thống trị hay bọn tư bản
đế quốc. Các tác giả chỉ muốn cải tạo chúng về mặt đạo đức.
Nhìn chung, văn học hợp pháp phản ánh hiện thực trên lập trường đạo
đức là chính. Ðây là yếu tố làm nên hạn chế trong nội dung hiện thực
của bộ phận văn học này, vì nó đã giới hạn con mắt quan sát của tác giả
không cho tác giả trực tiếp và toàn tâm toàn ý nhìn vào hiện thực, phân
tích và lý giải hiện thực.
* Cái tôi và chủ nghĩa cá nhân trong văn học hợp pháp:
Xã hội Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX đang trên con đường tư
sản hóa, con người không thể tiếp tục nép mình vào cái ta chung, xã hội
tư sản không dành chỗ cho những con người chỉ sống theo trật tự trên
dưới, theo quan hệ họ tộc, làng xã. Cái tôi của chủ nghĩa cá nhân rất
phù hợp với xã hội hiện thời. Nhà văn, nhà thơ cần phải đưa nó vào
trong tác phẩm.
Sự tiếp nhận nền văn hoá phương Tây ở các tác giả thời này có nhiều
mức độ khác nhau. Riêng đối với các tác giả tân học hoặc chịu ảnh
hưởng của nền học vấn mới như Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh,
Tản Ðà, Ðông Hồ, Tương Phố hay cả Tân Dân Tử, Trần Thiên Trung
thì cùng một lúc họ phải chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Ðông lẫn
phương Tây. Ðiều này đặt ra cho họ một sự lựa chọn hết sức gay go. Ði
theo chủ nghĩa cá nhân của ý thức tư sản hay giữ gìn đạo đức phong
kiến. Chủ nghĩa cá nhân mở ra cho con người một chân trời tự do: tự
do trong quan hệ tình cảm, nhất là tình yêu đôi lứa, chủ nghĩa cá nhân
giải phóng con người khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến khắt
khe. Nhưng nó mới quá! Làm sao tránh được những bỡ ngỡ, người ta
không thể không đến với nó trong sự dè dặt, ngại ngùng. Trong khi đó,
đạo đức phong kiến lại vốn là khuôn vàng thước ngọc, quyết định mọi
giá trị đạo đức trong xã hội hàng nghìn năm qua, chưa thể dứt bỏ trong
chốc lát. Người sáng tác bị đặt vào tình thế lưỡng phân. Ðối với họ cả
hai phía đều có sức hấp dẫn và thu hút lạ kỳ, ngay cả trong thị hiếu của
công chúng cũng thế.
Thơ văn hợp pháp giai đoạn đầu thế kỷ XX đã bắt đầu nói đến những
tình cảm riêng tư, sâu kín của con người. Những bài thơ nặng sầu mộng
lần lượt ra đời. Người ta bắt đầu nói đến cái khổ của yêu đương, xa
cách, nhớ nhung. Nhà văn, nhà thơ đã cất lên tiếng than não ruột cho
những mối tình tan vỡ. Chủ nghĩa cá nhân đã xuất hiện nhưng mang
một đặc điểm riêng biệt, nó khác với chủ nghĩa cá nhân trong văn học ở
giai đoạn 30-40 và cũng không giống với chủ nghĩa cá nhân trong văn
học giai đoạn 40-45. Nhìn chung, ở vào thời điểm này, cái tôi và chủ
nghĩa cá nhân tuy đã xuất hiện nhưng nó chưa đủ sức để chống đối
những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Các tác giả còn chịu ảnh
hưởng của nhân sinh quan phong kiến, cho nên cái tôi còn nhiều màu
sắc phong kiến. Chủ nghĩa cá nhân còn rất yếu ớt bởi các tác giả còn
đứng về phía đạo đức phong kiến can ngăn con người khỏi phải rơi vào
hố cá nhân chủ nghĩa.
* Nội dung yêu nước và vấn đề cứu nước của văn học hợp pháp:
Các tác giả của văn thơ hợp pháp phần lớn là những người đứng ngoài
cuộc đấu tranh cứu nước của dân tộc. Họ không được sưởi ấm bởi
ngọn lửa của các phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ở họ vẫn
tiềm tàng một tinh thần dân tộc cao cả. Họ sáng tác không để tuyên
truyền, vận động cứu nước như các tác giả của dòng văn học cách
mạng, nhưng trong tác phẩm của họ vẫn phảng phất một tinh thần yêu
nước. Chính từ những trang viết chất chứa tình cảm đau xót, căm hờn
hay tiếc nuối về đất nước đã cho ta thấy được tình yêu quê hương đất
nước ở họ. Nói chung, nội dung yêu nước trong văn học hợp pháp được
thể hiện một cách mờ nhạt, bóng gió xa xôi. Vấn đề cứu nước cũng
được đặt ra nhưng nó không mang tính thiết thực, thậm chí thể hiện
tính chất cải lương.
2. 4. Ðặc điểm nghệ thuật của văn học hợp pháp:
Văn học hợp pháp vừa kế thừa nghệ thuật sáng tác của các nhà nho
thời trung đại, vừa tiếp nhận nghệ thuật hiện đại của nền văn học
phương Tây. Các tác giả đã tiến hành một cuộc cách tân trong nghệ
thuật, lấy truyền thống làm cơ sở và nền văn học hiện đại phương Tây
như một chất xúc tác thúc đẩy quá trình cách tân đó. Trong lịch sử văn
học Việt Nam, đây là giai đoạn duy nhất có hiện tượng đan xen giữa hai
hình thức nghệ thuật: nghệ thuật của văn học trung đại và nghệ thuật
của văn học hiện đại. Chính sự lắp ghép và pha tạp các yếu tố cũ và mới
đã làm cho nhiều tác phẩm ra đời trong giai đoạn này mang tính chất
trung gian, vừa thể hiện chất hiện đại nhưng vẫn mang dáng dấp truyền
thống.