KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT
NAM GIAI ĐOẠN 1900 - 1930
Giờ đây, người ta lại hướng đến những bức tranh sơn dầu theo kiểu
phương Tây.
Ðối với sáng tác văn chương, ngày trước người ta quan niệm cái đẹp toát
lên từ sự hài hoà cân đối của một bài thơ Ðường luật, từ sự hoàn chỉnh
của phép đối, của cách gieo vần Giờ đây, những yếu tố đó đang chịu
sự lấn át dần bởi chất phóng khoáng , tự do vừa tìm thấy được từ văn
học phương Tây.
Theo quan niệm ngày xưa, ý thức thẩm mĩ được biểu hiện qua lĩnh vực
đời sống vật chất và tinh thần của con người, đồng thời cách ứng xử của
người Việt cũng thể hiện ý thức thẩm mĩ.Tạo được sự hài hoà trong cuộc
sống về đạo lí ở lĩnh vực gia đình, họ tộc, cộng đồng làng xã cũng là một
góc thẩm mĩ không nhỏ. Ðến giai đọan này những quan niệm ấy vẫn
được duy trì. Hơn nữa, vào những năm này, đối với con người, thiên
nhiên vẫn còn là một nét thẩm mĩ lớn. Sự sống không thể thiếu thiên
nhiên, sự sống dựa vào thiên nhiên , thiên nhiên làm đẹp sự sống. Thiên
nhiên vẫn còn tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác của văn thi sĩ. Nói
chung, nó vẫn còn gắn bó với con người như trước .
Nhìn chung , ý thức thẩm mĩ của người Việt Nam ở giai đoạn 1900 -
1930 có những thay đổi. Sự thay đổi đó do hoàn cảnh chính trị, xã hội
chi phối. Chúng ta phải thấy một điều : Nó cũng đang đứng trước sự gạn
lọc, biến đổi. Và, chính cái chất vững bền đã giúp nó vượt qua mọi thử
thách để giữ lấy những gì thuộc về truyền thống của dân tộc Việt Nam ,
không bị mất gốc , lai căng bởi ảnh hưởng tư tưởng văn hoá nước ngoài.
II Tình trạng phân hóa trong văn học giai đoạn 1900 - 1930 :
1. Lực lượng sáng tác
Trong thời kỳ trung đại, nền văn học của ta có sự hiện diện của cả hai
lực lượng sáng tác: Lực lượng nhà nho và lực lượng nông dân. Mỗi bên
có công chúng, đề tài, đời sống, phương thức truyền đạt riêng, lý tưởng
thẩm mĩ và các thể loại thường dùng cũng khác nhau.
Lực lượng sáng tác của văn học viết thời trung đại chủ yếu là nhà nho,
những trí thức phong kiến. Nhà nho thời phong kiến có một địa vị đặc
biệt trong xã hội. Họ chỉ đeo đuổi việc học chữ Hán. Họ rất am hiểu lời
dạy của thánh hiền, thông suốt các tín điều của nho giáo. Kiến thức của
nhà nho không vượt khỏi phạm vi sách vở của thánh hiền. Lẽ tất nhiên
họ cũng am hiểu tường tận các chủ trương của Lão - Trang, thấm nhuần
tư tưởng Phật giáo. Có thể nói rằng việc học hành của nhà nho theo tinh
thần tam giáo đồng nguyên.
Nhà nho là những người thích "hành đạo". Họ bước vào đời với hòai bão
"phải có danh gì với núi sông". Họ học thật chăm chỉ để thi đỗ đạt, mong
tìm chút danh phận rồi từ đó đem sức lực cống hiến cho đời (dĩ nhiên đó
là những nhà nho chân chính) nhưng khi xã hội phong kiến suy vi, nhà
nho lại bất bình chán nản. Lúc ấy họ tâm đắc với giáo điều của Lão -
Trang. Họ thường tìm đến cuộc sống ẩn dật. Nhưng họ cũng khó có thể
quên đời được, lại ray rức, trằn trọc, lương tâm bị dằn xé như trường hợp
của Nguyễn Khuyến:
"Cờ đương giở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng "
(Tự trào)
Có thể thấy một điều đặc biệt ở nhà nho là họ thường hay băn khoăn về
vấn đề xuất xử và ở vào những giai đoạn xã hội phong kiến suy vong thì
lối sống ẩn dật là lối sống phổ biến của những nhà nho có khí tiết. Thời
kỳ ẩn dật cũng là thời kỳ nhà nho sáng tác nhiều nhất.
Ðầu thế kỷ XX, giai đoạn lịch sử đầy biến động, có sự chi phối mạnh mẽ
của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, của văn học phương Tây, lực lượng
nhà nho không tách rời sự phân hóa:
* Có những nhà nho vì yêu nước thương dân, không cam tâm làm nô lệ
đã tiếp tục đứng lên chống Pháp (Phan Bội Châu, Ngô Ðức Kế, Phan
Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng ) họ được tiếp
nhận và phát triển luồng tư tưởng cách mạng từ châu Âu đưa đến. Họ
vừa họat động chính trị vừa sáng tác văn chương. Buổi đầu khi phong
trào cách mạng lên cao, các nhà nho có nhu cầu đưa những vấn đề mới
của xã hội vào văn học nên họ sáng tác say sưa. Bằng những cách tân
nghệ thuật họ nhiệt tình thể hiện những vấn đề mới của xã hội, cuộc
sống và con người. Tác phẩm của họ thường phong phú về số lượng, đa
dạng về đề tài và có những tác động mạnh mẽ đối với xã hội, làm "dậy
sóng" phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Ý thức hệ phong kiến không còn
chi phối tư tưởng của họ một cách nặng nề như trước nữa. Họ không còn
muốn nói đến đạo lý thánh hiền và cũng chẳng hề gò câu đẽo chữ để tạo
sự bóng bẩy cho bài thơ, bài văn. Họ chỉ hướng đến một mục đích duy
nhất : giải phóng đất nước, xây dựng quốc gia hùng cường.
Ðến giai đoạn thoái trào của phong trào cách mạng, sau nhiều lần thất
bại, công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước theo con đường cách mạng
dân chủ tư sản không thành công, nhà nho cảm thấy buồn chán, bi quan.
Họ lại trở về với bản chất của nhà nho trước kia: sống hướng nội, thích
bộc bạch tâm sự, hoài cổ, hay làm thơ thuật hoài. Văn chương của họ lúc
này trở về với đặc điểm văn chương ở thế kỷ trước. Nói chung, lực
lượng nhà nho tiến bộ này tuy đã được tắm gội trong các phong trào
cách mạng tư sản, được hít thở không khí hiện đại từ các sách tân thư,
tân văn nhưng cái cốt cách nhà nho của họ không thể nào biến dạng
được. Lực lượng nhà nho nêu trên khá đông đảo, thơ văn của họ như
một dòng chảy không ngừng, dù đã lạc hậu lỗi thời nhưng vẫn tiếp tục
duy trì cho đến những năm ở thập niên thứ ba của thế kỷ này.
* Bên cạnh những nhà nho cấp tiến ấy, một số nhà nho khác "vẫn tự hào
về thơ phú, chữ nghĩa đạo lý thánh hiền, vẫn làm thơ phú" . Nhưng xã
hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đang trên con đường tư sản hóa không
dành chỗ cho cuộc sống ẩn dật của nhà nho bất đắc chí cho nên hình
tượng người ẩn sĩ cũng mất dần trong văn học.
* Vào giai đoạn này có xuất hiện một số trường hợp nhà nho rời nông
thôn ra thành phố sinh sống bằng nghề viết văn. Sống ở thành thị, giữa
những người dân thành thị dần dần bản thân họ cũng bị thành thị hóa.
Họ dùng những thể thức văn học cũ để gởi gắm những cảm xúc cá nhân,
những cảnh vật và không khí thành thị. Họ đã khai thác tất cả những
kinh nghiệm sáng tác trong văn học dân gian và các truyện nôm của các
nhà nho tài tử trước kia. Họ là những người có đóng góp đáng kể cho
tiến trình hiện đại hóa văn chương Việt Nam.
Ðến đầu thế kỉ XX, nhà nho không còn là lực lượng sáng tác chính. Bên
cạnh họ đã có xuất hiện một lực lượng sáng tác mới. Ðó là lực lượng trí
thức tân học. Ðây là những người vừa mới được đào tạo từ các trường
Pháp - Việt. Phần lớn trong số họ bắt đầu từ công việc làm báo, có
những nhà cựu học viết bằng chữ Hán. Dần dần, theo con đường dịch
thuật, phỏng tác họ chuyển từ viết báo sang viết truyện ngắn, kịch,
nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi của công chúng thành thị. Họ khác
với các nhà nho cấp tiến, chú trọng đến văn hóa hơn là chính trị. Nhìn
chung, họ là những người mạnh dạn đến với cái mới. Tuy nhiên ở họ
không tránh khỏi những dằn dặt, trăn trở khi chọn cho mình một hướng
đi để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Họ đến với cái mới vì ước
nguyện dung hòa hai nền văn hóa Âu - Á.
2. Quan niệm sáng tác :
Quan niệm sáng tác của văn học trung đại là quan niệm của nhà nho,
chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo, đến giai đoạn này người
sáng tác không theo duy nhất một quan niệm như trước nữa.
- "Văn dĩ tải đạo", "Thi ngôn chí" đó là quan niệm chủ yếu và phổ biến
của nhà nho trong thời kỳ trung đại. Quan niệm đó vẫn tồn tại trong giai
đoạn 1900 - 1930. Phan Bội Châu, một người có nhiều tư tưởng tiến bộ
nhưng vẫn vướng víu với quan niệm cổ hủ này, khi cho rằng sáng tác
văn chương là để "lập công" "lập chí", "lập ngôn". Tản Ðà, người đã
mạnh dạn cách tân phương pháp sáng tác cũ, tiến hành một cuộc cách
mạng trong nghệ thuật thơ ca nhưng vẫn có tư tưởng phân biệt loại văn
"vị đời" và "văn chơi".
- Vào giai đoạn này đã xuất hiện quan niệm sáng tác mới, thể hiện ở
nhiều phương diện :
+ Quan niệm văn học phục vụ chính trị : chính vì ý thức được văn học
phục vụ chính trị- sáng tác văn chương nhằm tuyên truyền vận động cứu
nước- đã khiến nhà văn phải quan tâm đến đối tượng công chúng là toàn
thể nhân dân, trong đó có cả quần chúng lao động. Người sáng tác phải
tìm mọi cách để lưu truyền phổ biến tác phẩm của mình. Cho nên văn
học không còn tính chất bình kín trong một nhóm người nhỏ hẹp, mà nó
đã được công bố rộng rãi bằng nhiều hình thức. Giờ đây người ta tìm
cách in ấn và sử dụng in ấn để xuất bản tác phẩm văn học. Khi đã có
xuất bản thì văn chương không còn là của riêng ai hay của một giai cấp
nào, mà được xem là những giá trị văn hóa của toàn xã hội.
+ Quan niệm về thể loại cũng khác trước, tiểu thuyết và kịch được công
nhận là một thể loại văn học, không còn bị khinh rẻ. Nho sĩ ngày trước
chuộng thơ, gởi gắm tâm hồn của mình trong thơ, bộc bạch tâm sự chí
khí bằng thơ. Lớp nghệ sĩ mới hôm nay lại say mê văn xuôi, hướng về
văn xuôi nhiều hơn. Họ nhận thấy văn xuôi có nhiều khả năng phản ánh
chân thật, cụ thể đa dạng cuộc sống tư sản hóa đầy những cảnh đời phức
tạp, bon chen. Ðối với các nhà nho, vấn đề mô tả hiện thực cuộc sống
không phải là điều mà họ quan tâm đến. Ngược lại các tư tưởng của nền
văn học mới để hết tâm sức vào vấn đề phản ánh hiện thực. Mặc dù vấn
đề phản ánh hiện thực khách quan trong văn học ở giai đoạn này còn bị
chi phối bởi quan niệm đạo đức nhưng vẫn thể hiện được sự nâng cao
vai trò nhận thức của văn học đối với cuộc sống ở họ so với trước.
+ Văn học trung đại sùng cổ nhân, trọng quá khứ, nhân vật lý tưởng của
nó là những trang tài tử giai nhân hoặc anh hùng cái thế. Nhưng nhân vật
của văn học mới là những con người rất bình thường, bao gồm đủ mọi
thành phần trong xã hội. Nói chung nhân vật trong văn học mới rất đa
dạng, vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của văn học phong kiến. Chính thái
độ tư tưởng thẩm mĩ mới của các nhà văn đối với cuộc sống và con
người trong giai đoạn này đã dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực
và chủ nghĩa lãng mạn trong giai đoạn sau.
+ Ðây cũng là một giai đoạn xuất hiện quan niệm mới, xem việc sáng
tác văn chương là một nghề kiếm sống, "nôm na phá nghiệp kiếm ăn
xoàng" (Tản Ðà).
Nhìn chung, sự phân hóa trong quan niệm sáng tác "tìm thấy trong toàn
bộ đời sống của nền văn học mới, trong loại tác giả này và loại tác giả
khác, tuy cùng thời nhưng khác nhau về quan điểm tư tưởng - thẩm mĩ,
về nguồn gốc xuất thân và học vấn, tài năng, tuy hai bình diện đối lập
nhau của một thể thống nhất của một tác giả" và "đó là một quá trình lâu
dài, chồng chéo lên nhau, giằng co, tranh chấp giữa cái cũ và cái mới"
("Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời", Trần Ðình Hựu và Lê Trí
Dũng, tr 318).
3. Phương pháp sáng tác :
Văn chương thời trung đại là sản phẩm của những cá nhân riêng lẽ
nhưng vẫn mang một đặc trưng chung, bởi nó được tạo nên bằng một
phương pháp sáng tác chung, thể hiện qua một số yếu tố : ngôn ngữ, thể
loại, kết cấu, nhân vật
Ðầu thế kỉ XX, người sáng tác không còn tuân thủ theo một hệ thống
phương pháp sáng tác duy nhất ấy nữa. Hoàn cảnh khách quan và nhân
tố chủ quan đã đẩy người sáng tác đến sự lựa chọn khá gay go và phức
tạp: Bám lấy phương pháp sáng tác cũ hay đi tìm phương pháp sáng tác
mới. Tình hình đó đã tạo ra tình trạng phân hóa không thể tránh khỏi
trong phương pháp sáng tác.
+ Một số nhà nho đã chọn con đường cách tân nghệ thuật sáng tác của
nhà nho. Họ vẫn theo phương pháp sáng tác cũ nhưng có những đổi mới
đáng kể.
+ Một số người thuộc lực lượng trí thức tân học thì chọn con đường học
theo phương Tây để sáng tác. Họ bắt đầu từ công việc dịch thuật, qua
phỏng tác và cuối cùng là sáng tác.
Trong lịch sử văn học Việt Nam đây là giai đoạn duy nhất có hiện tượng
đan xen hai yếu tố cũ và mới thể hiện trong sáng tác của một tác giả, có
khi trong cùng một tác phẩm. Hai yếu tố cũ và mới được kết hợp nhuần
nhuyễn và phổ biến trên khắp các thể loại tạo ra những giá trị đặc biệt,
không thể xếp vào kho tàng văn học trung đại, mà cũng chưa thể công
nhận đó là một tác phẩm của nền văn học hiện đại.
4. Công chúng :
Ðối với văn học trung đại, lực lượng sáng tác nhà nho cũng chính là lực
lượng công chúng của nền văn học đó. Nhà nho khi sáng tác không hề
nghĩ đến công chúng và cũng không cần phải có công chúng. Người
thưởng thức văn thi phẩm của họ là chính bản thân họ hay người tri kỷ
của họ. Vào đầu thế kỷ XX, lực lượng sáng tác nhà nho vẫn còn, văn thơ
của nhà nho vẫn hiện diện trên văn đàn. Công chúng say mê văn chương
chữ Hán, chữ Nôm tất nhiên vẫn còn. Mặc dù đã mất hết hào hứng của
thời kỳ trước, còn chăng chỉ là những hình ảnh của "Sĩ khí rụt rè gà phải
cáo" hay "Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi". Lực lượng công chúng này
đang thu hẹp dần. Sự tồn tại của họ chứng minh cái tình nghĩa sâu nặng
đối với Hán học của một số người trí thức phong kiến. Ðứng trước
những đổi thay của thời cuộc, những con người này không muốn, có thể
chưa muốn chạy theo cái mới khi mà trong suy nghĩ của họ vẫn còn
quan niệm rằng những thứ đó do giặc ngoại xâm mang đến, những thứ
đó là phi đạo đức, là trái với thánh hiền.
Giữa lúc văn học của nhà nho và lực lượng công chúng của nền văn học
đó đang suy yếu dần thì một lực lượng công chúng mới bắt đầu xuất
hiện. Công chúng mới (bao gồm nhiều loại người khác nhau, đang sống
trong các đô thị thời đó, có các nhà nho từ nông thôn ra có những người
học vấn Tây học và cả những người không học vấn) không thấy hấp dẫn
trước món ăn tinh thần của nhà nho. Cuộc sống hiện đại là cuộc sống sôi
động, gấp rút. Văn chương của nhà nho không phù hợp với cuộc sống
hiện đại.
Thế là ở hai địa bàn khác nhau, nông thôn và thành thị có sự hiện hữu
của hai loại công chúng khác nhau. Lớp công chúng cũ vẫn trung thành
với nền văn chương cũ. Lớp công chúng mới, chịu ảnh hưởng của văn
hóa phương Tây, của cuộc sống mới, có nhu cầu thị hiếu mới, đòi hỏi sự
đổi mới của văn học;