Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1900 - 1930_2 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (151.17 KB, 11 trang )

KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 1900 - 1930

Nhìn chung, nền văn hoá Việt Nam được thai nghén và trưởng thành
trong cái nôi văn hoá Ðông Nam Á. Tư tưởng phương Ðông đã ăn sâu
vào phong tục, tập quán và tâm khảm của con người. Lối sống theo làng
xã, họ tộc đã tạo nên thế tự trị lâu đời cho người Việt Nam. Con người
Việt Nam có nếp sống chuẩn mực từ trong cách ăn mặc cho đến việc
ứng xử. Thế mà đến đầu thế kỉ XX, sự du nhập của văn hoá phương Tây
vào Việt Nam đã làm thay đổi những giá trị cổ truyền của dân tộc. Văn
hoá Việt Nam chuyển dần sang nền văn hoá hiện đại chịu ảnh hưởng của
văn hoá phương Tây.

Trên bình diện văn hoá vật chất, ảnh hưởng đáng kể nhất là trong phát
triển đô thị, công nghiệp và giao thông- các lĩnh vực mà phương Tây
vốn mạnh.

Về mặt văn hoá tinh thần: Trước kia ở Việt Nam tồn tại ba tôn giáo được
du nhập từ nước ngoài. Ðó là Phật giáo, Nho giáo và Ðạo giáo. Kitô giáo
vốn đã xuất hiện ở Việt Nam từ các thế kỉ trước (XVI ,XVII) , đến giai
đoạn 1900- 1930 đã có nhiều ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của
người Việt Nam. Ngoài ra, còn có những đổi mới trong việc giáo dục,
trong lĩnh vực văn tự - ngôn ngữ, báo chí, văn học nghệ thuật.

Về giáo dục : Ði đôi với những đổi thay về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo
dục ở giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều yếu tố mới. Thực hiện chính
sách cai trị thuộc địa, Pháp đã tỏ ra rất khôn khéo trong vấn đề này. Khi
đã bình định xong toàn cõi Việt Nam, chúng chưa bỏ ngay việc học và
thi cử bằng chữ Hán mà tiến hành theo từng bước. Ðầu tiên là bổ sung
những bài thi mới vào những kì thi vốn có từ trước. Cho nên Tú Xương
đã mỉa mai :



Bốn kì trọn vẹn thêm kì nữa
Á , ớ , u , Âu ngọn bút chì
( Ði thi )

Mãi đến năm 1919, nhà Nguyễn còn cho tổ chức kì thi Hội cuối cùng.
Nhưng các ông nghè, ông cử, ông cống thời đó chỉ có danh hiệu mà thôi,
chứ không được bổ dụng vào các ngạch quan lại như trước nữa. Dần
dần, các trường dạy chữ Nho bị đóng cửa. Các giáo chức đều bị bãi bỏ.
Thay thế vào đó Pháp đã ban bố học chính tổng quy ( 1918 ). Bắt đầu từ
lúc đó, chính quyền thực dân kiểm soát tất cả công việc về giáo dục.
Tiếng Pháp được dạy trong nhà trường ngày càng phổ biến rộng hơn. Từ
năm thứ hai, thứ ba học sinh phải học tiếng Pháp.

Mục đích của Pháp là hướng tới việc đào tạo lớp người làm tay sai cho
chúng. Pháp không hề đặt ra nhiệm vụ phát triển trình độ dân trí. Và,
những đổi thay về giáo dục ấy đã dẫn đến kết quả là tỉ lệ người đi học so
với dân số còn rất ít. Hầu hết học sinh là con em của tầng lớp giàu có
hoặc con em của người dân thành thị có điều kiện thuận lợi trong việc
học tập.

Chữ quốc ngữ : Chữ quốc ngữ ra đời từ thế kỉ XVII, là thành quả tập thể
của nhiều giáo sĩ Bồ Ðào Nha, Ý, Pháp trong đó công lao lớn nhất
thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes. Cuối thế kỉ XIX, chữ quốc ngữ
đã được người Pháp mang ra phổ biến nhưng bị sự phản ứng quyết liệt
của các nhà nho, cũng như những người yêu nước Việt Nam. Nó bị xem
là thứ chữ của quân xâm lược. Sang đầu thế kỉ XX, những sĩ phu yêu
nước trong phong trào Duy Tân nhận thấy những ưu điểm của chữ quốc
ngữ đã cổ động sử dụng chữ quốc ngữ. Tác giả Văn minh tân đọc sách
viết : Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương

tiện đầu tiên, để cho trong thời gian vài ba tháng đàn bà, trẻ con đều biết
chữ Ðó thực là là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy [ 43/
76]. Nhưng đến sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi Hán học mất
địa vị chính thống và trong xã hội đã hình thành những yêu cầu mới,
những thành phần công chúng mới thì chữ quốc ngữ mới được xem là
thứ chữ của dân tộc. Việc đổi mới chữ viết đã mang nhiều ý nghĩa lớn,
nó không chỉ tạo điều kiện dễ dàng trong việc học, viết , đọc mà còn
cung cấp phương tiện hiện đại cho nền văn học mới.

Về văn học : Việc phổ biến sử dụng chữ quốc ngữ cũng góp phần thúc
đẩy việc xây dựng và phát triển nền văn xuôi Việt Nam Nền văn học
trung đại Việt Nam chưa chú ý phát triển văn xuôi. Ở giai đoạn nửa cuối
thế kỉ XIX đã có xuất hiện những sáng tác văn xuôi bằng chữ quốc ngữ
của Trương Vĩnh Kí và Huỳnh Tịnh Của . Nhưng đây chỉ là những mò
mẫm ban đầu, những thí nghiệm lẻ loi chưa có tính chất phổ biến. Sang
đầu thế kỉ XX , văn xuôi Việt Nam mới thể hiện những tiến bộ rõ rệt.
Bên cạnh đó, do có sự tiếp xúc với văn học phương Tây mà nền văn học
Việt Nam giai đoạn này đã xuất hiện thể loại mới: Thể loại tiểu thuyết
hiện đại, vốn là đặc thù của văn hoá phương Tây. Khởi đầu là quyển tiểu
thuyết in bằng chữ quốc ngữ, xuất hiện ở Nam kì năm 1887 với tựa đề
Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Nhưng đến giai
đoạn 1900-1930 thì thể loại tiểu thuyết hiện đại mới phát triển trong
phạm vi cả nước. Những tên tuổi tiêu biểu là Hồ Biểu Chánh, Trần
Thiên Trung, Trương Duy Toản, Hoàng Ngọc Phách, Trọng Khiêm,
Nguyễn Trọng Thuật Chất văn xuôi, tính cách cá nhân phương Tây
còn ảnh hưởng đến cả lĩnh vực sáng tác lâu đời trong văn học Việt Nam,
đó là thơ. Thơ Tản Ðà, thơ Trần Tuấn Khải trong giai đoạn này đã mang
những giai điệu mới.

Nghệ thuật sân khấu thời này cũng xuất hiện các hình thức mới: Kịch,

cải lương. Kịch nói ra đời do có sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây.
Lúc đầu xuất hiện những vở kịch dịch từ tiếng Pháp, dần dần về sau các
nhà viết kịch đã tự sáng tác và hình thành nên một phong trào sáng tác
kịch. Thời này có nhiểu vở kịch đã tạo nên tiếng vang trong xã hội:
Chén thuốc độc ( Vũ Ðình Long ) ; Ông Tây An Nam (Nam Xương ) ,
Hoàng Mộng Ðiệp ( Vi Huyền Ðắc ) ,

Cải lương là một hình thức văn nghệ dân gian ở Nam kì. Nó là sự kết
hợp giữa loại hình kịch nói với các hình thức ca hát tài tử của dân gian.
Ðây là thể loại mới xuất hiện từ khi có sự giao lưu với văn hoá phương
Tây .

Ðầu thế kỉ XX , công tác dịch thuật, biên khảo, nghiên cứu phê bình văn
học bắt đầu phát triển mạnh theo một chiều hướng tiến bộ, đã để lại
nhiều công trình đáng trân trọng làm cho văn học Việt Nam tiếp xúc
rộng rãi với văn học thế giới, giới thiệu với công chúng Việt Nam nhiều
thể loại mới, làm phong phú vốn từ ngữ và trau dồi câu văn Việt Nam.

Ở giai đoạn này đã có diễn ra một cuộc tranh luận về văn học rất sôi nổi,
tiêu biểu là cuộc tranh luận về Truyện Kiều của Phạm Quỳnh với Ngô
Ðức Kế và Huỳnh Thúc Kháng. Nội dung tư tưởng của văn học giai
đoạn này (trừ văn học nô dịch) nổi bật ba xu hướng: Xu hướng yêu
nước, xu hướng lãng mạn, xu hướng hiện thực . Xu hướng văn học yêu
nước có sự thăng trầm theo diễn biến của các phong trào Cách mạng.
Khi phong trào cách mạng dân chủ tư sản lên cao, văn thơ yêu nước
thuộc các tổ chức này là những lời tố cáo tội ác kẻ thù rất đanh thép. Nó
là bức tranh phản ánh thời sự của xã hội đương thời; là những lời động
viên kêu gọi toàn dân chống giặc cứu nước. Ðến lúc phong trào cách
mạng theo xu hướng tư sản bắt đầu thất bại thì tiếng nói yêu nước lại
bộc lộ bằng những hình thức khác nhau: Lối nói bóng gió, lối gởi gắm

kín đáo, lối dùng hình ảnh tượng trưng hoặc mượn lời nhân vật lịch sử
để thổ lộ tâm tình rất phổ biến.

Xu hướng hiện thực mới được manh nha trong giai đoạn này qua một số
tác phẩm của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh, Vũ
Ðình Long, Các tác giả đã phanh phui những xấu xa của xã hội thực
dân nửa phong kiến, phơi bày cảnh khổ của nhân dân.

Xu hướng lãng mạn được khơi nguồn từ các tác phẩm của Ðông Hồ,
Tương Phố, Tản Ðà, Hoàng Ngọc Phách. Ðấy là những sáng tác đã gợi
lên tiếng lòng sâu kín, những nỗi buồn đau và những mơ ước hảo huyền
của lớp người đang bi quan, chán nản trước cuộc sống. Sự xung đột giữa
lễ giáo phong kiến cũ và chủ nghĩa cá nhân bắt đầu xuất hiện.

Văn chương hiện thực và lãng mạn giai đoạn này như khúc nhạc dạo đầu
chuẩn bị cho buổi hoà tấu sẽ được diễn ra vào giai đoạn 1930 - 1945.
Vào thập niên thứ ba của thế kỉ đã xuất hiện các sáng tác của Nguyễn
Aïi Quốc được gởi từ nước ngoài về như: Con rồng tre, Nhật kí chìm
tàu, Bản án chế độ thực dân Pháp, Ðường Cách mạng Nguyễn Aïi
Quốc đã khai sinh cho dòng văn học của giai cấp vô sản của nước ta.

So với văn học và sân khấu thì các ngành nghệ thuật: hội hoạ, điêu khắc,
kiến trúc biến đổi chậm hơn. Lực lượng chuyên nghiệp về mĩ thuật lúc
này chủ yếu vẫn là những nghệ sĩ dân gian. Bên cạnh đó cũng có sự xuất
hiện những thế loại vay mượn từ phương Tây như tranh sơn dầu, tranh
bột màu với bút pháp tả thực. Nói chung về nội dung, hình thức tính chất
dân tộc và đại chúng vẫn còn được duy trì mạnh ở lĩnh vực này.

Báo chí: Một sự kiện rất quan trọng không chỉ ảnh hưởng trong đời sống
xã hội mà còn tác động đến sự phát triển của văn học giai đoạn này là sự

ra đời và phát triển của báo chí. Báo chí đã xuất hiện ở Nam kì từ cuối
thế kỉ XIX với tờ Gia Ðịnh báo (1865 ). Nhưng đến đầu thế kỉ XX, báo
chí mới phát triển trong phạm vi toàn quốc và có những đóng góp đáng
kể cho văn học. Báo chí giai đoạn này không chỉ là công cụ để thông báo
tin tức, tuyên truyền mệnh lệnh mà còn là nơi để công bố những tác
phẩm văn chương mới, nơi để nhà văn thử nghiệm ngòi bút của mình.
Báo chí cũng là một phương tiện đặc biệt cho công chúng học tập chữ
quốc ngữ. Những bài viết đăng trên báo cũng là những bài tập đọc cho
những người theo học chữ quốc ngữ thời này. Năm 1913, Ðông Dương
tạp chí ra đời. Năm 1917, Nam Phong tạp chí được thành lập. Ðây là hai
tờ báo đã có những đóng góp cho văn học giai đoạn này. Sau đại chiến
thế giới lần thứ nhất, một số báo chí cách mạng, báo chí tiến bộ hoặc có
xu hướng tiến bộ lần lượt xuất hiện như : Hữu Thanh , Tiếng Dân, Ðông
Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, kể cả các tờ báo bí mật của Thanh niên
Tân Việt và báo tiếng Pháp như : Chuông Rạng, An Nam ở Sài Gòn,
Người cùng khổ ở Pháp cũng được phát hành trong giai đoạn này.

2.3- Vấn đề thẩm mĩ :

Cũng như mọi dân tộc khác, người Việt Nam ta có ý thức thẩm mĩ riêng
của mình. Ý thức thẩm mĩ của người Việt Nam cũng vận động và phát
triển qua các chặng đường lịch sử từ thời dựng nước đến nay. Ý thức ấy
nói chung là phát sinh từ cuộc sống. Nó luôn luôn nằm trong sự biến đổi,
gạn lọc để đi lên nhưng nó lại có chất bền vững để chịu đựng với thử
thách của thời gian và không gian. Những nhân tố nào đã tạo nên môi
trường thẩm mĩ để cho con người nảy sinh ý thức thẩm mĩ ? Ðó chính là
thiên nhiên là vị trí địa lí , vị trí văn hoá, là cộng đồng làng xã, là vận
mệnh đất nước, vận mệnh nhân dân [63 /107 ]. Ở giai đoạn 1900 - 1930,
tình hình chính trị xã hội có nhiều biến động lớn lao như đã trình bày,
cho nên môi trường thẩm mĩ không còn như trước nữa. Lối sống tư sản

đã tấn công quyết liệt vào xã hội phong kiến Việt Nam, cùng với nó là
sự du nhập ồ ạt của nền văn hoá phương Tây. Tất cả đã làm thay đổi hẳn
bộ mặt trang nghiêm của xã hội phong kiến vốn tồn tại vững chắc hơn
10 thế kỉ qua. Kẻ thù mang vào đất nước chúng ta nhiều cái mới. Sự phát
triển của đô thị tư sản đã phá dần thế tự trị làng xã ngày trước. Lối sống
sôi động, gấp rút theo cường độ của xã hội hiện đại đánh mất những sinh
hoạt gia đình, họ tộc, làng xã, vốn là một phương diện tạo nên các mối
quan hệ tốt đẹp của con người được hình thành rất lâu. Ðứng trước
những đổi thay của con người và xã hội; đối diện với những cái xấu xa,
hợm hĩnh do thực dân Pháp đưa đến, con người Việt Nam đã phản ứng
quyết liệt trong buổi đầu. Họ tỏ ra bực tức, căm giận, không thể chấp
nhận nổi, lắm lúc phải hét to lên trong sự bất lực :

Muốn mù , trời chẳng cho mù nhỉ ,
Giương mắt trông chi buổi bạc tình
( Trần Tế Xương )

Nhưng dù căm tức, dù bực bội đến đâu họ vẫn phải sống với nó, phải
thích nghi với nó; dần dần lại bình thường hoá trước cái xấu, cái lố lăng
của phương Tây, của xã hội tư sản. Cuối cùng , chính những người nệ cổ
nhất, những nhà nho bảo thủ nhất cũng phải chạy theo cuộc sống mới,
phải học lối sống mới. Trạng thái tâm lí của con người đã thay đổi trước
những biến động trong xã hội, cho nên ý thức thẩm mĩ của con người tất
yếu cũng đổi thay. Quan niệm về cái đẹp của cuộc sống, của con người
khác trước. Và cũng chính vì thế quan niệm về cái đẹp trong nghệ thuật
không giống như xưa nữa. Thử nhìn lại trong lĩnh vực sinh hoạt đời sống
thường ngày như ăn, ở, mặc và trong lĩnh vực nghệ thuật, ý thức ấy có
những biểu hiện mới nào?

Trước hết chúng ta bàn đến lĩnh vực sinh hoạt. Biểu hiện rõ nhất qua cái

mặc . Người Việt Nam vốn chuộng sự đoan trang và kín đáo trong cách
mặc. Áo dài của người phụ nữ Việt Nam với nét đẹp truyền thống thể
hiện sự mềm mại, uyển chuyển, thướt tha, êm dịu, không khoe khoang
mà lộng lẫy nay phải ở vào thế bị cạnh tranh với chiếc váy đầm, với
quần Âu. Lẽ dĩ nhiên, cái mới vẫn còn ở trong thế bị xem là hợm hĩnh
nên không ít người lúc bấy giờ đã mỉa mai:

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè
( Trần Tế Xương )

Bộ đồ Âu phục , đôi giày Tây cũng làm cho người đàn ông phải đắn đo
cân nhắc với Áo hàng Tàu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh .

Trong cách ở của người Việt Nam thời này cũng có những thay đổi.
Chen lẫn với kết cấu nhà theo kiểu truyền thống là những hình thức
trang trí mới được học tập từ phương Tây. Cạnh những câu đối, hoành
phi, những hương án bàn thờ, trong gian nhà khách lại xuất hiện thêm
những bộ xa lông, những tủ chè không chạm tùng, hạc, mai, lộc, bát tiên,
tứ quý nữa mà chạm cành nho, con sóc. Cái đồng hồ quả lắc được chiếm
một phần ở vách nhà trên Cái đẹp lúc bấy giờ không chỉ là sự trang
nghiêm cổ kính mà phải có phần lộng lẫy, mới lạ và có chút gì đó xa
hoa. Cuộc sống sôi động, chen chúc phức tạp đòi hỏi người ta phải
nhanh chóng , gọn ghẽ, luôn luôn động [33/ 17 ]. Cái đẹp cũng phải
thích ứng với cuộc sống như thế. Cuộc sống trong xã hội phong kiến
vốïn mang tính ổn định, trầm lặng. Con người trong xã hội thời đó
thường hướng nội. Cái đẹp cũng được hình thành từ tính cách và đặc
điểm đó của con người và xã hội. Trước kia, người ta chuộng hàm răng
đen rưng rức, người ta quý cái môi trầu cắn chỉ và thấy tất cả sự duyên
dáng ở chiếc nón quai thao. Nhưng bây giờ, để thích nghi với cuộc sống
mới, cái đẹp lại được thể hiện với hàm răng trắng như ngà. Người ta

không còn ca ngợi mái tóc dài mà lại thích rẽ tóc lệch Nói chung,
quan niệm cái đẹp được quy định lại theo những đổi thay của cuộc sống
và trạng thái tâm lí con người.

Trong lĩnh vực nghệ thuật chúng ta càng thấy rõ điều này hơn. Ví dụ
như lĩnh vực hội hoạ. Ngày trước, con người phát hiện ra nét đẹp từ
những bức tranh dân gian sinh động như tranh làng Hồ qua nét vẽ gợi
cảm, gợi ý, tập trung vào đề tài cuộc sống và con người lao động Xem
tranh đó ta không bao giờ thấy buồn, thấy chán ngán. Vẻ đẹp của nó
chính là sự kết hợp giữa tình cảm chân thật với phong thái của dân tộc.

×