RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TÍNH TOÁN
TRONG ĐỊA LÍ
Trong đề thi yêu cầu thực hiện các tính toán, cần ghi công thức,
đơn vị tính ra sau đó có thể chỉ lập bảng điền kết quả tính ngoài
nháp (hoặc bấm máy tính). Sau đay là một số dạng tính toán
trong địa lí thường gặp:
1. Tính độ che phủ rừng .
- Độ che phủ rừng = (Diện tích rừng / Diện tích vùng) x 100%
- Đơn vị: %
VD: Tính độ che phủ rừng nước ta năm 1943 biết diện tích rừng lúc
đó là 142500km2, diện tích cả nước là 331212 km2.
2. Tính tỉ trọng trong cơ cấu.
- Tỉ trọng trong cơ cấu = (Giá trị cá thể / Giá trị tổng thể ) x 100%
- Đơn vị: %
VD: Bài tập 2 trang 86 SGK.
3. Tính năng suất cây trồng.
- Năng suất cây trồng = Sản lượng / Diện tích
- Đơn vị: tấn/ha hoặc tạ/ha.
* Chú ý đơn vị cho đúng với yêu cầu đề bài.
VD: Tính năng suất lúa nước ta năm 2005 (tính bằng tạ/ha) biết
diện tích gieo trồng là 7,3 triệu ha và sản lượng lúa là 36 triệu tấn.
4. Tính bình quân lương thực theo đầu người.
- Bình quân lương thực theo đầu người = (Sản lượng lương thực / Số
dân)
- Đơn vị: kg/người.
VD: Tính bình quân lương thực có hạt theo đầu người ở Đồng bằng
sông Hồng năm 2005 biết số dân ĐBSH lúc đó là 16137000 người,
sản lượng lương thực có hạt là 5340 nghìn tấn.
5. Tính thu nhập bình quân theo đầu người.
- Thu nhập bình quân theo đầu người = (Tổng thu nhập quốc dân /
Số dân)
- Đơn vị: USD/người.
VD: Tính thu nhập bình quân theo đầu người của Hoa kỳ năm 2005
biết GDP của Hoa Kỳ lúc đó là 12 445 tỉ USD và dân số là 296,5 triệu
người.
6. Tính mật độ dân số.
- Mật độ dân số = (Số dân / Diện tích)
- Đơn vị: người/km2
VD: Tính mật độ dân số nước ta năm 2006 biết số dân nước ta lúc đó
là 84156000 người và diện tích cả nước là 331212 km2.
7. Tính tốc độ tăng trưởng một đối tượng địa lí qua các năm: lấy
năm đầu tiên ứng với 100%.
- Lấy giá trị năm đầu = 100%
- Tốc độ tăng trưởngnăm sau = *Giá trị năm sau / giá trị năm đầu) x
100%
- Đơn vị :%
VD: Bài tập 1 Câu a Trang 98 SGk
8. Tính tốc độ tăng trưởng trung bình/năm của một đối tượng
địa lí trong một giai đoạn.
- Tốc độ tăng trưởng trung bình/năm =
[(Giá trị năm sau - giá trị năm đầu / Giá trị năm đầu) x 100%] /
Khoảng cách năm
- Đơn vị: %
VD: Tính tốc độ tăng trưởng trung bình/năm của giá trị sản xuất
lưong thực nước ta giai đoạn 2000-2005 biết giá trị sản xuất lưong
thực năm 2000 là 55163,1 tỉ đồng và năm 2005 là 63852,5 tỉ đồng.
RÈN LUYỆN KĨ NĂNG THỰC HÀNH ĐỊA LÍ
I. CÁCH NHẬN BIẾT, XÁC ĐỊNH LOẠI BIỂU ĐỒ ĐỂ VẼ
1. Khi đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ gì thì ta vẽ biểu đồ đó. Ví dụ :
“Hãy vẽ biểu đồ hình tròn thể hiện cơ cấu lao động của Việt Nam
theo ngành nghề….”. vì thế nhớ đọc kĩ để tránh lạc đề.
2. Nếu đề bài không yêu cầu vẽ cụ thể thì ta phải dựa theo một số
cụm từ gợi ý để biết đề bài muốn mình vẽ cái gì. Vì nếu không vẽ
đúng yêu cầu sẽ không có điểm hoặc sẽ bị trừ điểm.
Các cụm từ gợi ý thường gặp :
* Đề bài có cụm từ cơ cấu, tỉ trọng, tỉ lệ (chỉ có 1, 2 hoặc 3 năm dù
không có số phần trăm thì cũng vẽ biểu đồ tròn, khi đó ta phải tính
phần trăm cho từng yếu tố).
* Đề bài có các thành phần trong tổng thể, trong một yếu tố
chung như các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch
vụ…hoặc các sản phẩm xuất, nhập khẩu….nông sản, lâm sản, tiểu thủ
công nghiệp…thì cũng vẽ biểu đồ tròn.
* Đề có số phần trăm (%) mà tổng số tròn 100% (từ 3 năm trở
xuống) thì vẽ tròn. Trong trường hợp không đủ 100% thì cũng
vẽ tròn.
Ví dụ :vẽ biểu đồ biểu hiện giá trị hàng nhập khẩu của Việt Nam năm
1999 sau :
+ Hàng công nghiệp nặng : 20%
+ Hàng máy móc, thiết bị : 65%
+ Hàng tiêu dùng : 10%
Như vậy còn thiếu 5% nữa mới tròn 100% thì ta vẫn vẽ tròn và ghi
thêm các loại khác 5%.
* Trong các trường hợp như trên nhưng lại biểu hiện cho nhiều năm
thì ta chuyển sang biểu đồ miền.
* Đề có cụm từ: tốc độ tăng trưởng, tốc độ phát triển, nhịp điệu phát
triển, nhịp điệu tăng trưởng, tình hình tăng trưởng, tình hình phát
triển, quá trình tăng trưởng, quá trình phát triển. Thì vẽ biểu đồ đồ
thị (tức dạng đường).
* Đề có cụm từ: tình hình, so sánh, số lượng, sản lượng thì vẽ biểu đồ
cột. Nếu với những cụm từ trên diễn tả cho các đối tượng trong một
tổng thể kể cả có số phần trăm (%) theo nhiều năm thì cũng vẽ biểu
đồ cột. Chú ý đề bài thay vì có nhiều năm lại chỉ diễn tả một năm cho
nhiều vùng kinh tế hoặc nhiều quốc gia thì vẽ biểu đồ cột thanh
ngang.
II. CÁC ĐIỂM LƯU Ý KHI VẼ BIỂU ĐỒ.
Nên dành một trang để vẽ, đầu trang nên ghi tên biểu đồ bằng chữ
IN HOA. Cuối trang nên dành 5, 6 dòng để ghi chú.
1. Biểu đồ tròn.
* Vẽ hình tròn bán kính tốt nhất bằng 3 cm, chọn trục gốc để dễ so
sánh và nhận xét ta chọn trục gốc là đường thẳng nối từ tâm vòng
tròn đến điểm số 12 trên mặt đồng hồ.
* Vẽ theo trình tự bài cho không được vẽ tuỳ tiện và theo chiều kim
đồng hồ bắt đầu từ trục gốc.
* Trong và trên biểu đồ không nên ghi chữ, vẽ mũi tên hoặc móc
que…. Nó sẽ làm rối biểu đồ, thay vào đó là các màu sắc hoặc các kí
hiệu riêng và được chú giải ở phần ghi chú.
* Số ghi trong biểu đồ phải ngay ngắn rõ ràng không nghiêng ngã.
Trường hợp không thể ghi số trong biểu đồ được vì phần đó quá nhỏ
thì ta ghi số ngay sát trên phần đó ở phía ngoài mà không cần gạch
thẳng hay vẽ mũi tên.
* Phần ghi chú và nhận xét nên ghi ở bên dưới biểu đồ hoặc ghi bên
cạnh không được ghi bên trên. Ghi chú phải theo đúng trình tự bài
cho.