Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

DI TRUYỀN TRONG UNG THƯ doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (398.92 KB, 14 trang )





DI TRUYỀN TRONG UNG THƯ

MỤC TIÊU:
1. Giải thích được đặc điểm sinh học của ung thư
2. Giải thích được cơ chế cơ bản của sự hình thành ung thư
3. Nêu được vai trò của gen sinh u trong cơ chế phát sinh ung thư
4. Nêu được vai trò của gen kìm hảm u trong cơ chế phát sinh ung thư
I. SINH HỌC TẾ BÀO CỦA UNG THƯ:
Các tế bào cơ thể người sinh sản thông qua phân bào và được tổ chức thành các
mô. Sự duy trì các mô nhờ vào sự điều hòa rất chặt chẽ của các yếu tố quan trọng như:
phân bào và tế bào chết theo chương trình, vị trí phân bố tế bào trong mô, không gian giới
hạn, và duy trì kích thước quần thể. Các dòng tế bào sinh dưỡng cuối cùng đều chết theo
chương trình định sẵn, còn duy trì sự tồn tại của các tế bào và mô là do các tế bào mầm là
những tế bào duy nhất có được khả năng sống sót giúp duy trì các phiên bản gen của
chính tế bào sinh dưỡng.






Như vậy các tế bào trong cơ thể đa bào có tính hợp tác. Đột biến, cạnh tranh và chọn lọc
tự nhiên trong tế bào sinh dưỡng chính là tính chất cơ bản của ung thư. Tế bào ung thư
được xác định bởi hai đặc tính di truyền được:
(1) phân bào bất chấp các giới hạn bình thường;
(2) xâm nhập và sinh sản ở những vị trí bình thường dành cho những loại tế bào khác.
1. Các loại ung thư khác nhau là do xuất phát từ các loại tế bào khác nhau:


Ung thư được phân loại theo nguồn gốc của mô và tế bào. Ung thư xuất phát từ các
tế bào biểu mô gọi là carcinoma; từ mô liên kết và các tế bào cơ gọi là sarcoma. Ngoài hai
nhóm này có các nhóm nhỏ như: leukemia có nguồn gốc từ tế bào tạo máu, lymphoma, và
ung thư nguồn gốc tế bào thần kinh.
Ở người có khoảng 90% các loại ung thư là carcinoma, nguyên nhân có lẽ do phần lớn sự
phân bào trong cơ thể xảy ra tại biểu mô và mô này là nơi tiếp xúc thường xuyên nhất với
các tác nhân vật lý và hóa học gây tổn thương và tạo thuận lợi cho ung thư phát triển.
2. Phần lớn các ung thư xuất phát từ một tế bào bất thường duy nhất:
Ngay khi ung thư đã di căn, thường vẫn có thể nhận ra được khối u nguyên phát ở




một cơ quan xác định và được cho là xuất phát từ sự phân chia một tế bào ban đầu đã trải
qua những biến đổi di truyền nhờ đó có thể sinh sản vượt trội các tế bào xung quanh.
3. Phần lớn các ung thư đều do sự thay đổi chuỗi DNA của tế bào
Các tế bào của một ung thư thường có chung bất thường trên chuỗi DNA. Nghiên
cứu các tác nhân gây ung thư cũng cho thấy bằng chứng thay đổi cấu trúc gen là nguyên
nhân của ung thư. Người ta thấy có tương quan rõ ràng giữa sinh ung thư (carcinogenesis)
và sinh đột biến (mutagenesis) trên ba nhóm tác nhân sinh ung thư: hóa học (thường gây
thay đổi trong chuỗi nucleotid), bức xạ ion hóa như tia X (thường gây gãy và chuyển đoạn
nhiễm sắc thể) và virus (cài DNA lạ vào tế bào).
Ung thư thường xuất hiện sau các đột biến riêng biệt trong một tế bào với hiệu ứng
tích lũy. Tuy nhiên có những tác nhân sinh ung thư làm tăng khả năng xảy ra những đột
biến kế tiếp, hoặc với liều lượng đủ cao sẽ làm cho ít nhất một tế bào đạt đến trạng thái
ngưỡng trở thành tế bào ung thư.
4. Một đột biến duy nhất chưa đủ để gây ra ung thư
Cơ thể có chừng 10
16
lần phân bào xảy ra trong suốt đời người. Ngay cả trong một

môi trường không có tác nhân sinh đột biến thì đột biến tự phát vẫn xảy ra với tần xuất
khoảng10
-6
trên mỗi gen mỗi lần phân bào.
Hơn nữa, một đột biến riêng rẽ không đủ để biến một tế bào thành tế bào ung thư.
Cơ chế sinh ung thư nói chung bao hàm một chuỗi các đột biến độc lập hiếm gặp trong tế
bào. Nghiên cứu dịch tễ học về quan hệ giữa tần suất ung thư với tuổi cho thấy phần lớn
các loại ung thư đều có tần suất tăng nhanh theo tuổi. Từ các nghiên cứu dịch tễ học có




thể ước tính được rằng cần có từ 3-7 đột biến hiếm và độc lập mới đủ biến một tế bào
bình thường thành tế bào ung thư.
5. Ung thư phát triển từ những tế bào bị sai lạc nhẹ
Đối với những ung thư có nguyên nhân bên ngoài rõ ràng, thường thấy rõ khoảng
thời gian từ lúc bị tác dụng cho đến khi phát hiện bệnh: ung thư phổi phát triển sau thời
gian 10-20 năm từ khi nghiện thuốc lá; 5 năm sau nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và
Nagasaki mới thấy tần suất bệnh leukemia tăng rồi đạt cao nhất lúc sau 8 năm v.v Trong
thời gian nung bệnh kéo dài đó, tế bào tiền ung thư trải qua nhiều biến đổi trong gen.
Phần lớn các ung thư ở người chỉ có thể chẩn đoán được trong giai đoạn khá muộn,
nhưng một số trường hợp vẫn quan sát được các giai đoạn sớm của bệnh qua nghiên cứu
diễn tiến tự nhiên của bệnh, ví dụ: ung thư cổ tử cung.
6. Sự phát triển ung thư có thể được kích thích bởi các tác nhân không gây
thay đổi chuỗi DNA của tế bào
Hóa chất sinh ung thư thường không đủ gây ra khối u trong lần đầu tiếp xúc, nhưng
có thể gây ra tổn thương di truyền tiềm ẩn để sau đó có thể phát hiện được qua sự tăng
mạnh tỉ lệ phát sinh ung thư trong các lần tác dụng tiếp theo hoặc bằng chính hóa chất đó,
hoặc bằng tác nhân khác hẳn. Một chất gieo mầm cho ung thư được gọi là một tác nhân
khởi phát u (tumor initiator). Tác nhân khác tuy không sinh đột biến nhưng nếu tác dụng

lên tế bào đã bị khởi phát u có thể gây ra ung thư gọi là tác nhân trợ phát u (tumor
promotor). Chất trợ phát u chỉ có thể gây ra ung thư sau khi có tác dụng của một chất sinh
đột biến khởi phát u.




7. Tăng tần suất đột biến thúc đẩy nhanh sự phát triển ung thư
Sự xuất hiện khối u và tiến triển thành ác tính phụ thuộc vào tần suất đột biến. Tần
suất đột biến lại có thể tăng hoặc là do các chất sinh đột biến trong môi trường, hoặc là do
bản thân tế bào bị khiếm khuyết bộ máy nhân đôi, tái tổ hợp và sửa chữa DNA. Ví dụ,
trong rối loạn di truyền xeroderma pigmentosum hiếm gặp, người có khiếm khuyết hệ
enzym sửa chữa các tổn thương do tia cực tím gây ra trên DNA chỉ phơi nắng rất ít cũng
có thể bị ung thư da. Hay gặp hơn là hội chứng ung thư đại tràng không polyp di truyền,
hội chứng Bloom, và thiếu máu Fanconi thường xảy ra do khiếm khuyết cơ chế sửa chữa
và nhân đôi DNA. Các rối loạn di truyền hiếm gặp trên được truyền qua tế bào mầm do
đó có mặt ở tất cả các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên khiếm khuyết gen cũng có thể do đột
biến ở các tế bào thân. Một số đột biến bổ sung là yếu tố quan trọng trong phát triển nhiều
loại ung thư.
8. Ung thư thường do rối loạn sự biệt hóa hoặc sự chết tế bào
Tế bào ung thư tránh được các cơ chế kiểm soát phân bào bình thường. Nhưng chỉ
có tăng phân bào vẫn chưa đủ để phát triển khối u vì nếu mỗi lần phân bào tạo một tế bào
gốc mới và một tế bào sau đó sẽ biệt hóa và dừng phân chia thì cuối cùng cũng chỉ có
thêm nhiều tế bào biệt hóa bị bong ra; giữa sinh sản và phá hủy vẫn có sự quân bình. Do
đó phải có rối loạn quá trình biệt hóa sao cho các tế bào con dù đã biệt hóa nhưng vẫn
phân chia vô hạn và tránh được chết theo chương trình. Nói chung, những thay đổi dẫn
đến ngăn cản sự biệt hóa hoặc ngăn cản sự chết theo chương trình của tế bào, đều giữ vai
trò quyết định với phần lớn các ung thư.





9. Để di căn, tế bào ung thư phải lọt qua được màng đáy
Để di căn các tế bào ung thư phải phá vỡ được liên kết trong biểu mô, rời khỏi mô
nguồn gốc, xâm nhập các mô khác cho đến khi gặp được mạch máu hay bạch huyết, lọt
qua màng đáy và tế bào nội mô thành mạch để đi vào dòng tuần hoàn, ra khỏi dòng tuần
hoàn để tập trung ở vị trí mới, sống sót và sinh sản tiếp tại môi trường mới. Trong mỗi
giai đoạn kể trên, tế bào ung thư phải thể hiện các tính chất khác nhau. Chẳng hạn trong
các carcinoma, sự mất kết dính giữa các tế bào do mất các phân tử E-cadherin trong các
liên kết dính và desmosom, còn khả năng xâm nhập qua mô liên kết là do khả năng tạo ra
các enzym phá hủy protein chất nền ngoại bào.
Phần lớn các ung thư có khả năng cho di căn dường như cần có thêm một số đột
biến hay biến đổi sau gen. Sự chuyển dạng như vậy chỉ có một số ít tế bào nào đạt được
các đặc tính cần thiết cho sự di căn và tồn tại được trong môi trường thì mới sinh ra được
khối u thứ phát. Có sự không đồng nhất về khả năng gây di căn giữa các tế bào của cùng
một khối u.
Nói chung để diễn tiến đạt đến tính chất ung thư có thể phụ thuộc vào các yếu tố:
tốc độ đột biến, số lượng các thể trong quần thể, tốc độ sinh sản, và ưu thế chọn lọc của
các cá thể đột biến.
Các tế bào ung thư thường thể hiện tính đa dạng bất thường về kích thước và hình
dạng nhân và về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể: các gen được nhân bản hoặc mất đi,
nhiễm sắc thể bị mất, nhân đôi, hoặc chuyển đoạn với tần suất cao hơn nhiều so với tế bào
bình thường.




II. DI TRUYềN HọC PHÂN Tử CủA UNG THƯ
Vì ung thư là hệ quả của một loạt các đột
biến gen được chọn lọc tự nhiên, cho nên sẽ

không thể có hai trường hợp ung thư nào giống
hệt nhau về mặt di truyền cho dù đều thuộc cùng
loại bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có một
nhóm gen gây ra các rối loạn hoạt động tế bào
trong ung thư.
Các gen điều hòa bình thường có thể phân
chia thành hai nhóm theo tác dụng của sản phẩm
của chúng: (1) kích thích tăng số lượng tế bào,
hoặc (2) ức chế. Cách thứ nhất là làm cho các gen
bị kích thích trở thành siêu hoạt tính: loại đột biến
này trội (chỉ cần một trong hai phiên bản gen thay đổi), allel bị đột biến gọi là gen sinh
ung (oncogene), allel bình thường gọi là tiền gen sinh ung (proto-oncogene). Cách thứ
hai làm mất hoạt tính gen ức chế, đột biến loại này thường lặn (phải mất cả hai phiên bản
gen mới làm tế bào thoát khỏi ức chế), gen bị mất gọi là gen kìm hãm khối u (tumor
suppressor gene).
A. TIỀN GEN SINH UNG VÀ GEN SINH UNG
1. Một proto-oncogen có thể trở thành oncogen bằng nhiều cách khác nhau




Có khoảng 60 proto-oncogene được tìm thấy và mỗi proto-oncogene có thể biến
thành oncogene gây một loại ung thư nào đó. Phần lớn các gen này được thấy dưới các
dạng đột biến khác nhau trong một số loại ung thư.
Phần lớn các proto-oncogene mã hóa cho một số thành phần thuộc bộ máy điều
hòa hoạt động của tế bào trong cơ thể, chẳng hạn cơ chế tiếp nhận tín hiệu từ các tế bào
lân cận để phân chia, biệt hóa hay chết. Các sản phẩm của proto-oncogene có liên quan
với cơ chế thông tin liên tế bào: protein chế tiết, thụ thể xuyên màng, protein gắn GTP,
protein kinaz, protein điều hòa gen v.v Các phân tử này lúc bình thường đều tham gia
vào chuỗi phức hợp truyền tín hiệu phân bào khi cơ thể thiếu hụt tế bào. Đột biến có thể

khiến cho chúng tiếp tục phát tín hiệu ngay cả khi cơ thể không cần thêm tế bào.
Ví dụ proto-oncogen erbB mã hóa thụ thể yếu tố phát triển biểu bì (EGF), khi EGF
gắn lên miền ngoại bào của thụ thể, miền nội bào phát sinh tín hiệu kích thích. Một đột
biến của c-erbB có thể cắt đi miền ngoại bào của thụ thể làm cho miền nội bào liên tục
phát tín hiệu ngay cả khi không có mặt EFG, như vậy proto-oncogen đã bị biến thành
oncogen. Tương tự, một đột biến điểm tại vị trí tương ứng của gen ras có thể tạo ra
protein Ras bất thường không còn khả năng thủy phân GTP gắn lên nó, do đó protein này
cứ duy trì mãi ở trạng thái hoạt tính, truyền đi tín hiệu phân bào ngay cả khi không được
lệnh.
Các kiểu đột biến chuyển proto-oncogene thành oncogene gồm: đột biến điểm, mất
đoạn, chuyển đoạn nhiễm sắc thể, khuếch đại, hoặc là xen đoạn như kiểu DNA của
retrovirus. Biến đổi xảy ra tại vùng mã hóa protein có thể tạo ra sản phẩm tăng hoạt tính,
còn tại các vùng điều hòa thì có thể làm cho gen được biểu hiện quá mức. Ngoài ra gen




cũng có thể được biểu hiện quá mức do có quá nhiều phiên bản do sai sót khi nhân bản
nhiễm sắc thể. Với các gen riêng biệt và đáp ứng với các chất sinh ung thư riêng biệt, có
thể có những kiểu bất thường đặc trưng. Ví dụ: họ gen myc thường có biểu hiện quá mức
hoặc khuyếch đại. Protein Myc bình thường trong nhân đóng vai trò truyền tín hiệu phân
bào; số lượng dư thừa protein Myc làm tế bào tiếp tục phân bào trong điều kiện mà tế bào
bình thường đã dừng phân bào.
2. Retrovirus có thể làm vector cho oncogen gây chuyển dạng tế bào
Khi retrovirus xâm nhập tế bào, RNA của virus được sao bản thành DNA nhờ
enzym sao mã ngược và DNA được xen vào nhiễm sắc thể của vật chủ, bền vững tại đó và
di truyền được qua nhiều thế hệ tế bào tiếp theo.
3. Retrovirus có thể chuyển dạng tế bào chủ bằng cách xen DNA của nó vào
cạnh proto-oncogen của vật chủ
Có hai cách để biến một proto-

oncogene thành oncogene: sau khi
retrovirus đã nhập vào, chuỗi DNA có
thể bị biến đổi hay cắt ngắn làm cho
sản phẩm protein có hoạt tính bất
thường, hoặc là gen bị đặt dưới sự kiểm
soát của các gen trợ phát và tăng cường
(promoters, enhancers) của hệ gen




virus, khiến nó tạo ra sản phẩm với số lượng dư thừa hoặc không phù hợp. Retrovirus
cũng có thể gây hiệu ứng oncogene bằng một cách khác: các phiên bản DNA của chúng
được xen vào hệ gen vật chủ tại vị trí gần hoặc ngay bên trong proto-oncogene. Kết quả
tạo thành đột biến xen, di truyền cho tất cả hậu sinh của tế bào vật chủ đầu tiên.
Nghiên cứu trình tự chuỗi DNA cho thấy trong một số trường hợp chuyển đoạn,
proto-oncogene biến thành oncogene vì đã bị nối vào một gen khác, do đó tạo ra sản phẩm
protein bị thay đổi; trong một số trường hợp khác proto-oncogen bị đưa sang một vùng
nhiễm sắc thể khác, nơi nó được kích thích thể hiện, sinh ra protein bình thường nhưng
với số lượng dư thừa.
B. GEN KÌM HÃM U
Như trên đã nêu, có hai kiểu tổn thương của gen gây phát triển bướu ác tìm thấy
trong tế bào ung thư: (1) sự kích hoạt một số proto-oncogen sẽ gây tăng chức năng quá
mức bên trong tế bào bị tổn thương, và (2) sự bất hoạt một số gen ngăn chận u gây mất
chức năng kiểm soát trong tế bào. Trong phát sinh ung thư ở người, đột biến mất hay rối
loạn các gen kìm hãm u cũng chiếm vai trò không kém phần quan trọng so với đột biến
proto-oncogen thành oncogen.
Các gen kìm hãm u dường như có vai trò quan trọng trong cơ chế điều hòa chu kỳ
tế bào nhằm kiểm soát sự tăng sinh tế bào. Một số gen khác có khả năng đáp ứng với sự
xuất hiện tổn thương của DNA bằng cách ngăn cản đột biến lan rộng đến các gen trọng

yếu khác. Gen kìm hãm u bị đột biến làm mất chức năng điều hòa, gây chuyển dạng ác
tính. Tuy nhiên, do tất cả các cá thể đều có 2 bản sao cho mỗi gen nên Knudson (1971) đã




đưa ra giả thuyết 2 tổn thương (two-hit): ung thư xuất hiện do hệ quả của 2 tổn thương
của gen trong cùng 1 tế bào, gây bất hoạt cả 2 bản sao của gen kìm hãm u.
Trong trường hợp ung thư riêng lẻ, hay ung thư không di truyền, khả năng đột biến
cả 2 gen trong cùng một tế hầu như rất hiếm. Tuy nhiên, người thuộc “gia đình ung thư”
có thể đã thừa hưởng 1 bản sao gen kìm hãm u bị đột biến, vì vậy, chỉ cần có 1 sự kiện đột
biến riêng lẻ nữa thôi cũng đủ để ung thư phát triển. Khi đó ung thư thường xãy ra ở
người trẻ tuổi hơn.
1. Mất một phiên bản gen kìm hãm u tạo ra tố chất di truyền ung thư
Đối với mất một phiên bản gen kìm hãm u, có thể dựa vào nghiên cứu một loại ung thư
hiếm của người là u nguyên bào võng mạc (retinoblastoma).
Tế bào bị khiếm khuyết một trong hai phiên bản gen kìm hãm u nói chung vẫn như bình
thường nhưng có thể bị mất phiên bản còn lại và trở thành ung thư. Phân tích DNA khối u
cho thấy phần lớn tế bào hoàn toàn không có phiên bản gen kìm hãm u và đoạn nhiễm sắc
thể lân cận của một trong hai bố mẹ. Điều này phản ánh tính dị hợp tử bị mất trong vùng
lân cận với vùng gen khiếm khuyết. Mất tính dị hợp tử tại vị trí đặc hiệu của hệ gen là sự
kiện then chốt trong loại ung thư xãy ra do đột biến gen kìm hãm u.
2. Gen kìm hãm u có thể bị mất vai trò do virus DNA gây u hoạt hóa bộ máy
nhân bản DNA của tế bào
Virus DNA gây u thường sinh sản tự nhiên bằng cơ chế không phụ thuộc việc phát
sinh ung thư. Chẳng hạn virus SV40 sản sinh ra protein hoạt hóa nhanh bộ máy của vật
chủ nhân bản DNA. Virus lợi dụng các protein của vật chủ để nhân bản và sao mã hệ gen





của nó, quá trình tiếp diễn cho đến khi tế bào bị giết và giải phóng ra hàng loạt virus mới
có khả năng gây nhiễm. Tuy nhiên đôi khi DNA virus lại không nhân bản được và thay vì
nhân bản lại bị nhập vào nhiễm sắc thể của vật chủ một cách bền vững. Nếu gen virus
hoạt hóa bộ máy nhân bản DNA được sao mã có thể gây tác dụng như một oncogen gây
chuyển dạng ung thư. Nhưng không như retrovirus, oncogen này là một phần của gen
virus chứ không có gen tương ứng ở tế bào vật chủ bình thường.
Một sản phẩm gen kìm hãm u khác nữa cũng bị protein virus bất hoạt gọi là p53 (do có
phân tử lượng 53kD). Tương tự Rb, nó cũng liên quan đến phát sinh nhiều loại ung thư kể
cả những loại không do virus gây ra.
3. Đột biến gen p53 làm mất đi cơ chế bảo hiểm đối với sinh sản tế bào và dẫn đến
mất ổn định di truyền
Một số người có thể được di truyền từ cha mẹ một phiên bản gen p53 duy nhất còn
hoạt động, cũng giống như trường hợp dị hợp tử với Rb, những người này có tố chất dễ
ung thư. Ung thư có xu hướng phát sinh ở loại mô bất kỳ và trong lứa tuổi khá sớm,
thường là tuổi thanh niên. Kiểu tố chất di truyền này gọi là hội chứng Li-Fraumeni. Ở
bệnh nhân hội chứng Li-Fraumeni, tế bào bình thường chứa một phiên bản gen p53 bị
khiếm khuyết còn tế bào ung thư thì cả hai phiên bản bị khiếm khuyết, dạng đột biến đặc
trưng của gen kìm hãm u.
Để khẳng định vai trò của protein p53, người ta bổ sung protein này vào môi
trường nuôi cấy tế bào và thấy tế bào ngừng sinh sản. Protein p53 khi gắn lên DNA có
thể kích thích phiên mã một gen điều hòa khác tạo ra sản phẩm protein 21kD, protein này




gắn lên phức hợp của G1 cyclin với protein Cdk2, là các phức hợp bình thường kích thích
tế bào vượt qua điểm G1 trong chu trình tế bào. Khi gắn lên các phức hợp này, protein
21kD ức chế hoạt tính kinaz của chúng, do đó ngăn cản tế bào chuyển qua pha S để nhân
bản DNA.

Trái với Rb, p53 được tìm thấy rất ít trong phần lớn các tế bào bình thường. Khi tế
bào bình thường bị chiếu xạ cực tím hay gamma, chúng đáp ứng bằng cách tăng nồng độ
protein p53. Nồng độ p53 tăng gây ra ức chế phân bào: tế bào hoặc là bị giữ lại ở pha G1,
hoặc là chết theo chương trình, không chuyển qua pha S. Các tế bào không có gen p53 thì
mất khả năng này, do đó cứ tiếp tục phân chia, nhân bản DNA mà không dừng lại để sửa
chữa những mối đứt hoặc tổn thương khác trên DNA do tia bức xạ đã gây ra.
Như vậy, chức năng bình thường của p53 có thể là bảo hiểm cho tế bào khi DNA
đã bị tổn thương. Ngoài ra p53 cũng có thể là yếu tố kiểm soát phân bào. Nhiều tế bào
ung thư chứa lượng lớn các phân tử p53 đột biến, điều đó nói lên rằng các đột biến gen
khác trong tiến trình dẫn đến ung thư cũng kích thích gen p53 hoạt động. Mất hoặc bất
hoạt p53 có thể gây hai mối nguy hiểm: (1) các tế bào đã bị đột biến sinh ung thư không
còn bị ngăn cản sinh sản; (2) khi tế bào phân chia thì các đột biến sinh ung thư mới lại
tiếp tục xuất hiện. Trong số các tổn thương di truyền liên quan đến ung thư có lẽ đột biến
gen p53 phổ biến nhất, chiếm tới trên 50% trường hợp.
C. MỖI TRƯỜNG HỢP UNG THƯ CÓ KIỂU TỔN THƯƠNG DI TRUYỀN
RIÊNG




Cách phân loại truyền thống các ung thư tỏ ra quá giản lược: cùng một loại bệnh
nhưng khi xem xét kỹ lưỡng hóa ra lại gồm nhiều loại khác nhau, có thể có cùng một số
tính chất nhưng mỗi bệnh có chuỗi tổn thương di truyền riêng của mình. Sinh học phân tử
đang bắt đầu cung cấp phương tiện xác định chính xác gen nào được khuyếch đại, gen nào
bị mất, gen nào biến đổi trong các tế bào khối u của từng bệnh nhân.
Tóm lại, ung thư là một bệnh của gen, trong đó cơ chế kiểm soát sự tăng sản bình
thường bị mất. Cơ chế căn bản của tất cả các trường hợp ung thư là sự đột biến hoặc trong
các tế bào mầm hoặc thường gặp nhất là trong các tế bào sinh dưỡng. Vẫn còn nhiều điều
cần phải tìm hiểu thêm về mối liên quan của các tiến trình di truyền của quá trình sinh ung
và mối liên quan của những yếu tố trong môi trường có thể làm biến đổi DNA và gây ra

ung thư.
TS.BS. LÊ QUỐC SỬ

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×