Phong Trào Đấu Tranh Chống Thực Dân Pháp
Của Nhân Dân An Giang (Từ Năm 1867 Đến
Những Năm Đầu Thế Kỉ XX)
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn
công Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược nước
ta. Sau đó, chúng quay vào đánh Gia Định. Năm
1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, quân Pháp chiếm
Gia Định, Biên Hòa và Định Tường (1862). Ba
tỉnh miền Tây Nam Kì bị cô lập. Trước tình hình
đó, triều đình Huế “chủ động giảng hòa”. Hòa ước
ngày 5/6/1862 được kí kết, triều Nguyễn đã giao
ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho Pháp.
Nhân dân Nam Kì nổi lên chống Pháp. Ở Cần
Giuộc có Quản Là, Đồng Tháp Mười có Võ Duy
Dương, Nguyễn Trung Trực đánh chìm tàu
L’Espérance trên vàm Nhật Tảo (Tân An),
Trương Định chọn Gò Công làm trung tâm kháng
chiến.
Lúc này nhân sĩ Nam Kì bị phân hóa, có kẻ theo
giặc như Tôn Thọ Tường, Huỳnh Công Tấn, Trần
Bá Lộc, có những sĩ phu yêu nước theo phong trào
“Tị địa” đến các tỉnh miền Tây Nam Kì như Phan
Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân. Đặc biệt, vùng Thất
Sơn (An Giang) trở thành căn cứ kháng chiến
chống Pháp của Hoàng than A-soa (Cam-pu-chia).
Sau khi chiếm Vĩnh Long, ngày 22/6/1867, quân
Pháp đem 1000 quân và tàu chiến đánh chiếm
thành Châu Đốc, An Giang thất thủ. Ngày hôm
sau, chúng đánh chiếm Hà Tiên. Ngày 26/6/1867,
Đô đốc Hải quân Pháp De La Grandière tuyên bố
ba tỉnh miền Tây Nam Kì thuộc Pháp.
Sau tháng 6/1867, nhân dân ba tỉnh miền Tây
Nam Kì phất cao ngọn cờ kháng chiến chống quân
xâm lược như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long có
Phan Tốn, Phan Liêm, năm 1868, Nguyễn Trung
Trực đánh chiếm thành Kiên Giang gây cho Pháp
nhiều thiệt hại.
Tại Châu Đốc, lãnh binh Lê Văn Sanh và Đỗ Đăng
Tàu bí mật tổ chức các đội thuyền ở núi Sam,
mương Vệ Thủy (phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc),
kéo dây ngang sông Hậu ngăn tàu chiến giặc. Sau
đó, hai ông rút vào Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú).
Trong buổi đầu quân Pháp đặt chân đến An
Giang, chúng đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của
nhân dân An Giang, điển hình là cuộc khởi nghĩa
Bảy Thưa (1867-1873) do Quản cơ Trần Văn
Thành lãnh đạo.
Trích:
Sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, ngày 22/4/1873, Đô
đốc Nam Kì ra Nghị định “nghiêm cấm không cho
dân chúng được theo đạo Lành”, vì Đạo này xúi giục
dân chúng đi lạc khỏi đường ngay nẻo chính.
(Societes, Diverses Privincé, 1875-1882.)
Nhiều nhà yêu nước như Nguyễn Văn Tư, Trần
Văn Tuấn (quê ở Long Xuyên), kết án tù chung
thân đày qua đảo Réunion, Phan Văn Trang (quê
Thạnh Mỹ Tây) làm Xã trưởng can tội “đồng lõa”
bị xét xử năm 1875 và bị đày đi Côn Đảo.
Trích:
Trần Văn Thành (1820 - 1873), quê quán tại làng
Bình Thạnh Đông (nay thuộc xã Phú Bình, huyện
Phú Tân). Dưới thời vua Tự Đức, ông từng giữ chức
Quản cơ. Sau đó, ông xin giải ngũ. Năm 1849, Trần
Văn Thành gia nhấp giáo phái Bửu Sơn Kì Hương
của Đoàn Minh Huyên. Ông cùng gia đình khai khẩn
tại ruộng Bửu Minh các (nay thuộc xã Thạnh Mỹ
Tây, Châu Phú). Công việc khai khẩn không thành,
ông trở về Cồn Nhỏ (xã Phú Bình, huyện Phú Tân).
Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm An Giang,
Quản cơ Trần Văn Thành tổ chức nhân dân trong
vùng lập bè cản trên sông Hậu. Sau đó, ông cùng
gia đình rút vào căn cứ Bảy Thưa chiêu mộ nghĩa
binh lập căn cứ tổ chức đánh Pháp.
Thà thua xuống Láng xuống bưng
Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần
(Vè Vương Thông)
Sau cuộc đàn áp khởi nghĩa của Nguyễn Trung
Trực tại Rạch Gía, thực dân Pháp tổ chức cuộc
bình định vùng chiếm đóng. Thời gian này, Quản
cơ Trần Văn Thành xúc tiến xây dựng căn cứ
Láng Linh – Bảy Thưa, chiêu mộ nghĩa binh
khoảng 1200 người. Thực dân Pháp ra lời chiêu
dụ, nhưng ông nhất định từ chối.
Năm 1872, Trần Văn Thành quyết định phấ cờ
khởi nghĩa, lấy tên là “Bình Gia Nghị” tuyên bố
đánh Pháp.
Trích:
Căn cứ Láng Linh là cánh đồng rộng, xưa kia đầm
lầy, rừng rậm, ít có kênh rạch thông vào, việc đi lại
khó khăn. Láng Linh có nhiều thú to, rắn độc. Rừng
Bảy Thưa nổi tiếng có cây Bảy Thưa. Phía Bắc giáp
núi Sam, phía đông giáp sông Hậu, phía tây dựa vào
Thất Sơn.
Căn cứ chính của ông đặt tại Hưng Trung (nay
thuộc xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú), xung quanh
có thiết lập các đồn làm tuyến ngăn giặc: đồn Cái
Môn, đồn Giồng Nghệ (Mặc Cần Dưng, huyện
Châu Thành). Trạm canh Ông Tà (Tri Tôn), đồn
Hờ (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), đồn Hàng
Tràm (xã Phú Bình, Phú Tân),…Mỗi đồn được
trang bị súng thần công, súng điểu thương, hỏa hổ
với 150 nghĩa binh phòng thủ.
Sau nhiều lần chiêu dụ không thành, quân Pháp
tấn công Bảy Thưa. Chúng chia thanh hai cánh
quân: từ Châu Đốc tiến dọc sông Hậu đánh chiếm
đồn Hàng Tràm, đồn Hờ, rồi tiến vào Láng Linh.
Cánh quân thứ hai từ Long Xuyên do chủ tỉnh E.
Puech và đại úy Gayon chỉ huy chuẩn bị 4 ngày
lương tiến đánh từ rạch Mặc Cần Dưng vào Sơn
Trung và đánh thẳng vào Hưng Trung.
Trích:
Tại Hưng Trung, Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh đối
phó, tuy bị bao vây ông đứng sau chiến lũy làm bằng
những tấm ván và những bao gạo chồng lên nhau, để
đốc thúc nghĩa binh chiến đấu. Nghĩa quân trong các
chiến lũy thổi tù và, đánh trống và reo hò để tăng uy
thế. Bên cạnh Trần Văn Thành còn có con trai ông hỗ
trợ cho ông bắn.
(Theo Báo, Le Courrier de Saigon, 5/4/1873.)
Trước áp lực mạnh mẽ của quân Pháp, nghĩa
quân đã chống trả quyết liệt với tinh thần chiến
đấu dũng cảm nhưng cuối cùng bị thất bại vào
ngày 19/3/1873 (nhằm ngày 21/2 Âm lịch), Trần
Văn Thành hy sinh cùng ngày.
Quân Pháp chiếm đồn Hưng Trung, thấy 10 xác
nghĩa quân, 5 người khác bị thương. Chúng bắt 13
người, thu được 16 đại bác bắn đá (súng điểu
thương), 70 cây đao, một số giấy tờ xác nhận Trần
Văn Thành có liên hệ nhiều nơi trong Nam Kì lục
tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bùng nổ trong điều
kiện khó khăn vì hầu hết các phong trào chống
Pháp ở Nam Kì lục tỉnh đều thất bại. Thực dân
Pháp đang thiết lập bộ máy cai trị ở Nam Kì,
trong khi một số quan lại triều đình Huế phần lớn
hạ vũ khí đầu hang. Bọn Việt gian thân Pháp làm
tay sai đắc lực đàn áp các phong trào chống đối.
Vì vậy, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bùng nổ trong
điều kiện bị cô lập, không liên kết các phong trào
khác trong vùng, nên Pháp rảnh tay tập trung lực
lượng đàn áp.
Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thể hiện tinh thần yêu
nước, ý chí phản kháng chống kẻ thù thực dân của
nhân dân An Giang, Quản cơ Trần Văn Thành là
tấm gương về lòng yêu nước, hy sinh vì độc lập, tự
do cho dân tộc.
Sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1873), nhiều hoạt
động yêu nước vẫn diễn ra ngấm ngầm trong
nhân dân, điển hình là phong trào của Ngô Lợi ở
núi Tượng.
Trích:
Ngô Lợi sinh ngày 5/5 năm Tân Mão (1831) tại Tân
Trà (Mỹ Tho). Ông còn có tên là Ngô Viện, Năm
Thiếp. Người trong Đạo gọi là Bổn Đức sư. Ông định
tổ chức cuộc khởi nghĩa tại Mỹ Tho nhưng thất bại.
Ngô Lợi bí mật đến núi Tượng (thị trấn Ba Chúc,
huyện Tri Tôn) lập căn cứ chiêu mộ nghĩa
binh.Ông sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và
cho dựng hai ngôi chùa Tam Bửu (1884) và Phi
Lai (1887). Từ năm 1886 đến năm 1897, quân
Pháp ở Châu Đốc 5 lần kéo quân vào làng An
Định đàn áp khủng bố. Lấn cuối cùng, chúng đã
giải tán làng An Định, cưỡng chế 407 gia đình
(1994 người) đưa về quê quán. Năm 1890, Ngô Lợi
mất, phong trào tan rã.
Đầu thế kỉ XX, trào lưu tư sản ảnh hưởng mạnh
mẽ, trong đó có phong trào Đông Du. Phan Bội
Châu đã vào Thất Sơn thăm dò chuẩn bị lập căn
cứ vũ trang chống Pháp. Kì Ngoại hầu Cường Để
từng đến Tân Châu, Long Xuyên liên kết nhiều
chí sĩ yêu nước. Ông đã bàn bạc đưa Nguyễn
Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật chuẩn bị đi Nhật.
Trích:
Nguyễn Quang Diêu sinh năm 1880, quê quán ở Cao
Lãnh (Đồng Tháp). Năm 1909, ông gia nhập phong
trào Đông Du. Tháng 7/1913, ông xuất dương sang
Nhật, nhưng bị bắt ở Trung Quốc. Thực dân Pháp kết
án 10 năm tù khổ sai, đày sang Guyane, Nam Mỹ.
Sau đó ông vượt ngục đi nhiều nước Âu, Á rồi trở về
nhà. Cuối cùng trú ngụ ở làng Vĩnh Hòa (Tân Châu)
gây cơ sở hoạt động, làm thơ, dạy học. Ông mất năm
1936.
Nhiều hình thức hoạt động yêu nước chống Pháp
bí mật hoạt động như Hội Kín (1911), căn cứ
chính đặt tại Thát Sơn do nhà sư Nguyễn Văn
Vân trụ trì chùa Bửu Sơn, trong đó có Phan Hữu
Trí và Phan Phát Sanh (Phan Xích Long) là lãnh
tụ của phong trào. Phong trào hoạt động bí mật ở
Châu Đốc. Sau sự kiện phá khám lớn ở Sài Gòn
(1913) không thành, Phan Xích Long bị bắt. Năm
1917, phong trào tan rã.
Tại Láng Linh, Trần Văn Nhu (con trưởng nam
Trần Văn Thành) quy tụ nhiều người nhân kỉ
niệm 40 năm ngày khởi nghĩa Bảy Thưa thất bại,
thực dân Pháp đàn áp. Chúng đốt chùa bắt 56
người và kết án 20 người đày đi Côn Đảo.
Từ năm 1921-1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc có những
hoạt động yêu nước ở An Giang. Với nghề hốt
thuốc Bắc, cụ đi lại hoạt động ở nhiều nơi như
chùa Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên),
chùa Giồng Thành (xã Long Sơn, Phú Tân), chùa
Trắng (huyện An Phú).
Nhìn chung, phong trào yêu nước chống thực dân
Pháp ở An Giang cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX
đều thất bại, nhưng thể hiện lòng yêu nước, tinh
thần độc lập tự chủ, chí căm thù và sức mạnh quật
khởi của nhân dân An Giang.