Ấn chương Việt Nam - Ấn và Chương trong tổ chức hành
chính cấp thành, trấn, doanh
Dưới triều Nguyễn, Chương chỉ xuất hiện và tồn tại từ thời Gia Long cho đến năm 1832
triều Minh Mệnh. Do mối liên hệ giữa ấn chương và tổ chức hành chính quan chế triều
Nguyễn, nên cần phải tìm hiểu sự phân chia khu vực hành chính của Việt Nam đầu thời
Nguyễn. Khi lên ngôi, Gia Long chia nước thành ba khu vực: Bắc, Trung và Nam. Bắc
thành ở miền Bắc quản 11 trấn và các đạo phủ lẻ; Gia Định thành ở miền Nam quản 5
trấn; Trung phần từ Thanh Hoa trở vào đến Bình Thuận gồm 3 trấn và 9 Doanh thì trực
thuộc thẳng triều đình (Kinh đô Huế). Tháng 9 năm 1802 Gia Long đặt Bắc thành và
phong Khâm sai chưởng Tiền quân Bình tây Đại tướng quân Nguyễn Văn Thành làm
Tổng trấn. Sử cũ chép: “Lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, ban cho sắc
ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc, phàm những việc cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng
đều được tùy tiện mà làm rồi sau đó mới tâu lên”[226]. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành
được nhận lãnh bộ ấn kiềm Bắc thành tổng trấn chi ấn, ấn bạc núm hình sư tử.
Trong Châu bản đời Gia Long chúng tôi tìm thấy hình dấu Bắc thành tổng trấn chi ấn
北城總鎭之印 (ấn của Tổng trấn Bắc thành). Dấu hình vuông, kích thước 8,8x8,8cm, sáu
chữ Triện chia 3 hàng nét vuông vức[227]. Dấu đóng cuối dòng ghi niên hiệu ngày tháng
năm Gia Long thứ 17 (1818), cạnh dấu có dòng chữ ghi tên viên Tổng trấn và Hiệp Tổng
trấn là Lê Tông Chất và Lê Văn Phong[228]. (H. 167)
Trong tập Công văn cổ chỉ chúng tôi tìm thấy 2 dấu kiềm hình vuông, kích thước
2,7x2,7cm trong khắc 2 chữ Triện Bắc thành[229] 北城 dòng niên đại bị rách 2 chữ đầu
chỉ đọc được 10 chữ Hán Thập nhất niên thập nguyệt thập cửu nhật. Phía dưới là
dòng 5 chữ Hán lớn Nhị thập tứ nhật đáo (Đến ngày 24), hình dấu kiềm Bắc Thành đóng
đè lên chữ Tứ nhật. Bên phải dòng niên hiệu có 3 chữ lớn Phó duyệt trình (trao cho duyệt
trình lên trên) và dưới là hình dấu kiềm Bắc thành nữa. Qua 2 dấu kiềm Bắc thành chúng
tôi đã xác định chính xác 2 chữ bị mất là “Minh Mệnh” và dòng ghi niên đại đầy đủ là
Minh Mệnh thập nhất niên thập nguyệt thập cửu nhật (Ngày 19 tháng 10 năm Minh Mệnh
thứ 11 [1830]). Bởi vì dấu kiềm Bắc Thành chỉ tồn tại đến năm Minh Mệnh thứ 12
(1831) thì triều Nguyễn xóa bỏ cấp thành và đổi trấn thành tỉnh, các ấn kiềm (trong đó có
Kiềm Bắc thành) được thu hồi không dùng và thay vào đó là loại ấn triện mới. Bốn góc
(ở vị trí bốn góc dấu lớn) của đoạn ghi ngày tháng dòng niên đại của văn bản có 4 chữ
Tuyên Quang trấn ấn đã giúp chúng tôi khẳng định đây là một bản sao có đóng dấu kiềm
của Bắc thành (cấp chính quyền chủ quản của trấn Tuyên Quang). Bản sao y bản chính
này được thay thế cho bản gốc lưu lại hồ sơ làm bằng chứng, và như vậy nó được coi là
một văn bản mang tính pháp quy có giá trị như bản gốc chính. (H. 168)
Năm Gia Long thứ 7 (1808) Gia Long thấy địa thế Gia Định rộng lớn nên đổi Gia Định
trấn làm Gia Định thành cho quản lý 5 trấn, sử cũ ghi: “Đến tháng 9 năm 1808 bắt đầu
đặt chức Tổng trấn Gia Định thành, lấy Nguyễn Văn Nhân[230] làm Tổng trấn, Trịnh
Hoài Đức[231] làm Hiệp Tổng trấn. Ban ấn Tổng trấn thành Gia Định (ấn bạc núm hình
sư tử)”[232]. Như vậy Nguyễn Văn Nhân được sử dụng bộ ấn Kiềm Gia Định thành tổng
trấn chi ấn. Đến mùa thu năm Minh Mệnh thứ 1 (1820) Lê Văn Duyệt[233] lĩnh chức
Tổng trấn Gia Định thành thay Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Duyệt đã nhận lại bộ ấn kiềm
Gia Định từ tay Nguyễn Văn Nhân.
Trong Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ hình dấu Gia Định thành tổng trấn chi ấn
嘉定城總鎭之印 (ấn của Tổng trấn thành Gia Định) có hình thức kích cỡ giống như ấn
Bắc Thành tổng trấn chi ấn, 7 chữ Triện chia 3 hàng, vị trí có khác là đóng ở đoạn ngày
tháng dòng ghi niên hiệu, ghi năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Đây là ấn dấu của Lê Văn
Duyệt trong một bản truyền sai về địa phận Gia Định[234]. (H. 169)
Đời Gia Long đến đầu Minh Mệnh, các cấp trấn, doanh, đạo đều dùng một loại ấn chất
liệu bằng đồng, núm khắc con hổ, vuông hai tấc, ở vị trí cuối cùng dòng chữ trong dấu
khắc chữ “Chương” 章. Ví dụ, 1 dấu có chữ chương áp trên văn bản tập Công văn cựu
chỉ. Dấu hình vuông cỡ 8,4x8,4cm, 6 chữ Triện xếp thành 3 hàng, kiểu chữ khắc vuông
vức, đó là 6 chữ Thanh Hoa trấn thủ chi chương[235] 清華鎭守之章 (Chương của chức
Trấn thủ trấn Thanh Hoa). Dấu được đóng dưới chữ “nhật” phía dưới dòng ghi niên đại
Gia Long tam niên thập nguyệt nhị thập ngũ nhật (Ngày 25 tháng 10 năm Gia Long thứ 3
[1804]). Trong văn bản ghi rõ chức quan của con dấu này là Khâm sai chưởng Hữu
doanh Đô thống chế lãnh Thanh Hoa trấn. Thời Gia Long đến đầu Minh Mệnh, đứng đầu
các trấn vẫn là các võ quan, bên cạnh có các chức Hiệp trấn, Tham hiệp phụ giúp. (H.
170)
Các doanh ở Trung kỳ dùng ấn chương, như dấu Quảng Nam doanh chi chương[236]
廣南營之章 (chương của doanh Quảng Nam) có kích cỡ giống như dấu Thanh Hoa trấn
thủ chi chương, chữ “Doanh” 營 ở giữa dài gấp đôi hai chữ hàng bên. Vị trí dấu cũng
đóng dưới chữ “nhật” của dòng ghi niên đại năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Đứng đầu
mỗi doanh là chức Lưu thủ, có các chức Cai bạ và Ký lục phụ tá. (H. 171)
Lật giở chính sử chúng tôi thấy những điểm không khớp giữa chính sách và thực tiễn về
ấn chương thời Nguyễn. Sử cũ ghi vào năm Tân Tị Minh Mệnh thứ 2 (1821): “Đúc… ấn
đồng cho các doanh, trấn, đạo, phủ, châu, huyện (Trước thì ấn triện có các doanh, trấn,
đạo đều khắc 5 chữ Triện: Mỗ doanh, Mỗ trấn, Mỗ đạo chi chương). Đến nay đúc ấn triện
cho các doanh, trấn, đạo đều khắc 4 chữ Triện Mỗ doanh ấn, hoặc Mỗ trấn ấn, hoặc Mỗ
đạo ấn”[237].
Có những cấp dùng ấn chương thay đổi đúng như quy chế là việc đổi “chương” thành
“ấn” như trấn Thanh Hoa. Trong Châu bản triều Nguyễn xuất hiện dấu Thanh Hóa trấn
ấn[238] 清華鎭印 (ấn của trấn Thanh Hóa), có kích cỡ bằng “chương” cũ, nhưng viền
ngoài dấu nhỏ hơn cỡ: 0,7cm. Dấu có 4 chữ Triện nên khuôn chữ to hơn, kiểu chữ khác
hơn, vị trí dấu đã thay đổi, đóng vào trên chữ “nguyệt” của dòng ghi niên hiệu năm Minh
Mệnh thứ 7 (1826) (H. 172). Nhưng có những doanh cho đến năm Minh Mệnh thứ 7
(1826) vẫn dùng chương như dấu Quảng Nam doanh chi chương mà chúng tôi đã giới
thiệu ở trên.
Tính chất phức tạp của ấn dấu thể hiện rõ trong giai đoạn này. Trên cùng một tập công
văn có cùng dạng văn bản như nhau (Niên đại ghi cùng một thời gian, có cấp đơn vị
ngang nhau, ở cùng một khu vực Trung kỳ) lại xuất hiện 2 hình dấu khác nhau hoàn toàn
về tên cấp hành chính và tên ấn, mà trước đó không lâu chúng có tên cấp hành chính và
tên ấn như nhau. Hai dấu Quảng Nam doanh chi chương và Bình Định trấn ấn 平定鎭印
(ấn của trấn Bình Định) cùng đóng trong một tập với cùng niên đại ghi trên văn bản là
Minh Mệnh thứ 7 (1826)[239]. Nếu theo quy định cũ, Bình Định vẫn là doanh thuộc
Trung kỳ như Quảng Nam. Sự thay đổi doanh thành trấn phải được tiến hành đồng bộ
cùng một lúc? Việc dùng ấn cũng phải được thực hiện cùng một lúc (?) (H. 173)
Những trên thực tế lúc này - Minh Mệnh thứ 7 (1826), vua Minh Mệnh đang tiến hành
phân chia lại khu vực, thay đổi điều chỉnh phẩm cấp quan chức, tên gọi các cấp, thực chất
mới tiến hành sơ bộ bước đầu một số nơi, chưa triệt để đồng bộ trong thời gian ngắn, nên
tạm thời cùng một lúc công nhận hai loại ấn triện trên. Đến năm Minh Mệnh thứ 8
(1827), doanh được đổi hết làm trấn và tất cả các “chương” được bộ Lễ thu hồi. Tới năm
Minh Mệnh thứ 12 (1831) ở miền Bắc và năm Mệnh Mệnh thứ 13 (1832) ở miền Nam,
bãi bỏ cấp thành (Tổng trấn) và tất cả các trấn được đổi làm tỉnh trực thuộc thẳng triều
đình, giai đoạn tản quyền đến đây chấm dứt.