CÁC BIẾN CHỨNG CỦA TIỂU ĐƯỜNG
Tuần trước, chúng ta đã có dịp bàn luận về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh tiểu
đường, cùng cách truy tìm căn bệnh. Hôm nay, chúng ta trò chuyện tiếp về các
biến chứng (complications) hay xảy ra khi bị tiểu đường.
Tiểu đường có thể gây nhiều biến chứng lắm. Có biến chứng cấp thời, đe dọa tính
mạng ngay bây giờ, có những biến chứng xa, làm giảm tuổi thọ, làm ta thấy đời
kém vui Bệnh xảy ra càng sớm, càng gây nhiều biến chứng.
Chúng ta đã biết, tiểu đường có 2 loại: loại 1 xảy ra sớm, trước tuổi 40, do thiếu
chất insulin trong cơ thể, loại 2 thường xảy ra muộn hơn, sau tuổi 40, do các tế bào
không sử dụng được chất insulin, dù insulin có sẵn đấy. Tiểu đường loại 1 gây
nhiều biến chứng hơn loại 2.
Chúng ta sẽ lần lượt đi qua những biến chứng của tiểu đường.
Biến chứng cấp thời
1. Hôn mê do đường máu lên quá cao:
Đường trong máu lên cao quá có thể gây hôn mê, nguy đến tính mạng.
Hôn mê do đường máu quá cao hay xảy ra ở người bị tiểu đường loại 1, khi họ
quên chích insulin. Hôn mê có khi cũng xảy ra khi người bệnh gặp những căng
thẳng về tinh thần (buồn bực, âu lo) hay thể chất (bị bệnh nhiễm trùng, sau khi giải
phẫu, ), dù vẫn đang dùng thuốc chích insulin đều mỗi ngày. Hôn mê do đường
máu lên quá cao được báo hiệu bằng các triệu chứng tiêu hóa: ăn không ngon
miệng, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đi tiểu nhiều. Người bệnh cần được nhập viện
ngay để chữa trị, nếu không, sẽ đâm mất sáng suốt rồi đi dần vào hôm mê. Khi thử
máu, thường thấy đường máu cao đến 500 mg/dl.
Người bị tiểu đường loại 2 cũng có khi bị hôn mê khi đường máu lên quá cao
(thường 1.000 mg/dl), tuy theo một cơ chế khác.
2. Hôn mê do đường máu xuống quá thấp:
Đường máu xuống quá thấp cũng gây hôn mê. Đường xuống thấp do ta dùng
thuốc, nhưng có hôm vui quá, quên cả ăn, hoặc có hôm hăng quá, vận động hơi
nhiều. Có khi đường xuống thấp chẳng vì lý do nào rõ rệt.
Nếu đường xuống thấp ban ngày, ta thấy đói lắm, đến toát mồ hôi, run cả tay chân,
nóng nảy, nổi quạu. Đường xuống thấp ban đêm, có khi không gây triệu chứng, có
khi khiến ta gặp ác mộng, toát mồ hôi, hoặc bị nhức đầu buổi sáng lúc mới thức.
Rủi đường xuống thấp thêm nữa, đầu óc ta bắt đầu mất sáng suốt, có những hành
vi khác thường, và rồi hôn mê, hoặc giật kinh phong.
Sự chữa trị cần khẩn cấp. Không khó. Nếu còn tỉnh, hãy dùng ngay bất cứ thứ gì
có đường: kẹo, các thức uống ngọt. Nếu không còn tỉnh, trong môi trường nhà
thương, bác sĩ sẽ truyền ngay vào tĩnh mạch cho ta một ống thuốc chứa nước
đường. Chỉ vài phút sau, ta lại mở mắt, vui vẻ chuyện trò với bác sĩ. Cũng nên trữ
sẵn ở nhà thuốc chích glucagon. Khi chưa kịp gọi 911, một mũi thuốc chích
glucagon 1 mg thường rất được việc, giúp ta qua cơn nguy khốn (glucagon là chất
có tác dụng ngược với insulin, làm đường tăng cao trong máu).
Các biến chứng xa
Có người may mắn không bao giờ bị những biến chứng xa, về lâu về dài của tiểu
đường, ngược lại có người bị, và bị nhiều biến chứng cùng lúc. Nói chung, các
biến chứng thường xảy ra 15-20 năm sau khi bệnh định ra.
1. Các biến chứng tim mạch:
Tiểu đường hay làm hư hoại các mạch máu, đưa đến bệnh ở nhiều cơ quan khác
nhau. Nếu bệnh làm hư hoại các mạch máu ngoại biên dẫn máu đến nuôi chân, các
mạch máu này tắc nghẽn, gây chứng đau các bắp thịt chân khi đi đứng, chứng hoại
thư (gangrene) bàn chân. Nếu bệnh làm hỏng mạch máu dẫn máu đến cơ quan sinh
dục, bệnh gây chứng bất lực ở đàn ông.
Hậu quả hẹp tắc các động mạch tim (coronary artery disease) và tai biến mạch
máu não (stroke) cũng hay xảy ra. Bệnh hẹp tắc các động mạch dẫn máu đến nuôi
tim có thể đưa đến chết cơ tim cấp tính (hay được gọi nôm na “heart attack”).
Thường chết cơ tim cấp tính gây đau ngực dữ dội, song, người tiểu đường có khi
không cảm thấy đau vì những thần kinh dẫn truyền cảm giác từ tim cũng đã hư
hoại mất rồi. Sự định bệnh chết cơ tim cấp tính ở người tiểu đường khó khăn hơn
ở người không mang bệnh tiểu đường. Tiểu đường còn có thể làm sưng cơ tim,
gây suy tim.
Bạn biết rồi, thuốc lá, cao áp-huyết cũng gây bệnh hẹp tắc động mạch tim. Thuốc
lá làm nghẽn luôn các mạch máu ngoại biên. Người tiểu đường, đã có sẵn những
hư hoại gây do tiểu đường, tuyệt đối nên giã từ thuốc lá. Nếu người tiểu đường
cũng có cao áp huyết, để cứu vãn mọi sự, việc chữa trị bệnh cao áp-huyết cần sớm
và mạnh. Tiểu đường và cao áp huyết lại hay đi đôi với nhau. Thuốc chữa cao áp
huyết nhiều loại. Có loại làm đường cao thêm trong máu, do ngăn cản sự tiết
insulin từ tụy tạng. Có loại làm mỡ trong máu (cholesterol, triglycerides) lên cao.
Thường bác sĩ sẽ tránh dùng những loại thuốc này cho bạn, nếu bạn vừa cao áp
huyết, vừa bị tiểu đường.
2. Biến chứng ở mắt:
Mắt giống một máy ảnh, giúp ta nhìn thấy các hình ảnh của thế giới bên ngoài.
Trong mắt có một màng lót nằm ở phía sau gọi là võng mạc (retina), hoạt động
như phim của máy ảnh. Võng mạc nối liền với thần kinh thị giác. Các hình ảnh khi
vào mắt, chiếu lên võng mạc. Võng mạc thu nhận các hình ảnh, và thần kinh thị
giác biến những hình ảnh này thành những tín hiệu truyền về óc. Nếu phim trong
máy ảnh xấu, hư, ảnh rửa ra tất nhòa, không rõ. Tương tự như vậy, nếu võng mạc
bị hư hoại, các hình ảnh thu nhận trên võng mạc bị mờ. Thần kinh thị giác dù tốt,
cũng chỉ trung thực truyền những tín hiệu mờ trên võng mạch về óc, và kết quả là
ta không nhìn thấy rõ. Khi võng mạc hư hoại nhiều quá, ta bị mù. Ở Mỹ, xứ không
có chiến tranh và ít các bệnh nhiễm trùng mắt nguy hiểm, tiểu đường là nguyên
nhân dẫn đầu gây mù lòa. Khám đáy mắt có thể thấy những tổn thương do tiểu
đường gây trên võng mạc.
Biến chứng hư hoại võng mạc mắt tùy thuộc vào tuổi của người bệnh lúc mới bị
tiểu đường, cũng như thời gian mang bệnh. Càng sớm bị, thời gian mang bệnh
càng lâu, càng nguy. Khoảng 85% người tiểu đường sau sẽ có biến chứng tổn
thương võng mạc. Những người còn lại may mắn không bao giờ bị tổn thương
võng mạc. Tổn thương võng mạc do tiểu đường có cách chữa: bắn tia Laser đốt
những vết thương trên võng mạc (photocoagulation). Bị tiểu đường, nên đi khám
bác sĩ mắt hàng năm.
Ngoài sự hư hoại võng mạc, tiểu đường còn gây bệnh tăng áp suất trong mắt
(glaucoma), đục thủy tinh thể (cataract). Dù các biến chứng vừa kể không xảy ra,
khi đường lên cao, mắt cũng hay mờ. Mang bệnh tiểu đường, và tự nhiên thấy mắt
kém đi, nhìn một thành hai, mắt lúc tỏ lúc lu, thấy những điểm lờ mờ trôi lờ lững
trước mắt (floating spots), hoặc đau trong ổ mắt, bạn nhớ cho bác sĩ biết.
3. Biến chứng suy thận:
Ở Mỹ, khoảng nửa số người suy thận là do tiểu đường. Suy thận là nguyên nhân
dẫn đầu gây tử vong và tàn tật cho những vị bị tiểu đường.
Suy thận thường xảy ra 12 năm sau khi tiểu đường bắt đầu xuất hiện. Bệnh thận
càng tiến triển mau lẹ nếu có cao áp huyết đi cùng. Suy thận ở giai đoạn cuối cần
lọc thận hay thay thận. Chữa trị tiểu đường cẩn thận có thể làm chậm tiến triển của
suy thận. Bị thêm cao áp huyết, cao áp huyết cần được kiểm soát chặt chẽ. Một số
thuốc chữa cao áp huyết có thêm tác dụng làm giảm sự tiến triển của bệnh thận
gây do tiểu đường.
Nhiễm trùng đường tiểu (urinary tract infection) làm thận người tiểu đường suy
nhanh hơn, nên nếu xảy ra, cần được chữa trị tới nơi tới chốn. Một vấn đề nữa: các
thuốc có thể hại cho thận, như những thuốc chống đau nhức Advil, Ibuprofen,
Motrin, Naprosyn, , nên tránh dùng nếu không thực sự cần thiết.
4. Các tổn thương ở hệ thần kinh:
Tiểu đường còn làm thương tổn hệ thần kinh ở khắp nơi trong cơ thể, có lẽ chỉ trừ
trên óc. Các tổn thương tuy không thực sự nguy hiểm, nhưng khiến ta khó chịu:
- Khi các thần kinh nhỏ ở tay, chân tổn thương, sẽ gây tê, đau ở tay hay chân,
thường là cả hai bên. Cái đau như điện giật, cảm thấy sâu trong xương, nặng hơn
về đêm.
Sự chữa đau không dễ. Đầu tiên, ta nỗ lực đưa đường máu xuống mức bình
thường. Nếu không ăn thua, loại thuốc trị bệnh sầu buồn như Elavil, hoặc thuốc
Tegretol (dùng chữa bệnh kinh giật) được thử để làm giảm đau. Những thuốc này
có tác dụng xoa dịu những cái đau gây do thần kinh. Thuốc thoa Bengaz chẳng ăn
thua gì, nhưng kem thoa có tên Capsaicin (mua không cần toa bác sĩ) các bác sĩ lại
cho rằng tốt. Với những cơn đau dữ dội, có khi phải cần đến thuốc giảm đau mạnh
chứa chất nha phiến như codeine.
Người tiểu đường cũng có thể bất ngờ liệt bàn chân, bàn tay, không nhấc bàn
chân, bàn tay lên được, hoặc mắt tự nhiên lé. Những biến chứng này từ từ sẽ bớt.
- Khi các thần kinh tự động (autonomic nervous system) điều khiển sự hoạt động
của các cơ quan bên trong cơ thể bị tổn thương, nhiều triệu chứng xảy ra. Thường
nhất là các triệu chứng tiêu hoá: khó nuốt, đầy hơi sau khi ăn, bón hoặc tiêu chảy.
Tiêu chảy hay xảy ra về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ. May thay, các thuốc cầm
tiêu chảy thường dùng có thể kiểm soát được tiêu chảy do tiểu đường. Với tiểu
đường, bệnh dội ngược bao tử - thực quản (gastro-esophageal reflux, các thức
trong bao tử dội ngược lên thực quản sau khi ăn) cũng hay xảy ra.
Bình thường, khi ta đứng lên ngồi xuống, hệ thần kinh tự động nhanh chóng điều
chỉnh hệ thống tim mạch, để áp huyết luôn ở trạng thái cân bằng, và lúc nào cũng
có đủ máu lên óc ta. Khi hệ thần kinh tự động đã hư hoại vì tiểu đường, cơ chế
điều chỉnh áp huyết bị xáo trộn. Đang nằm hoặc ngồi mà đột ngột đứng lên, áp
huyết hay bất ngờ hạ thấp, khiến người bệnh thấy chóng mặt, có khi ngất xỉu.
Trường hợp này, người bệnh được khuyên nằm ngủ với đầu giường nâng cao
(bằng cách chèn gỗ hoặc vật cứng dưới đầu giường). Người bệnh cũng nên tránh
đứng bật dậy buổi sáng lúc mới thức. Ngược lại, nên ngồi dậy chầm chậm, và ngồi
ở cạnh giường một lát trước khi đi lại. Các vớ chân đặc biệt (giúp máu từ chân về
tim nhiều hơn) cũng giúp làm giảm triệu chứng. Khi hệ thần kinh tự động hư hoại,
bọng đái hay làm việc bất thường, gây khó tiểu hoặc không kiểm soát được nước
tiểu. Đàn ông thường ghét bệnh tiểu đường hơn phụ nữ, vì sự tổn thương các dây
thần kinh tự động do tiểu đường còn khiến dương vật không thể cương cứng, gây
bệnh bất lực.
5. Các vết loét và nhiễm trùng ở chân:
Một trong những biến chứng quan trọng khác của tiểu đường là những vết loét ở
chân và bàn chân. Tiểu đường làm hư hoại các dây thần kinh cảm giác ngoại biên,
nên chân người tiểu đường ít, hoặc không cảm thấy đau khi bị vật lạ đâm vào.
Chân dễ thương tổn, do người bệnh không cảm thấy đau nên không để ý, tìm cách
tránh né các vật làm hại. Giầy không vừa chân cũng hay làm bỏng phồng, trầy lở
da chân, gây các vết loét. Phần khác, như ta đã biết, tiểu đường làm hỏng các
mạch máu ngoại biên dẫn máu đến nuôi chân và bàn chân. Các vết loét vì thế lâu
lành và hay bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng nếu nặng, có thể đưa đến cưa bàn chân
hay chân.
Những phương cách sau được xem là hữu hiệu để ngừa các vết loét và nhiễm
trùng bàn chân khi bị tiểu đường: mỗi ngày bạn nên tự thăm khám chân, bàn chân
và để ý những dấu chứng:
- Sưng, đỏ, đau, có mủ, có đường đỏ chạy dài từ bàn chân lên chân.
- Các chỗ da chai cứng (corns, calluses): da dưới những chỗ này hay bị thương
tổn.
- Móng chân dài quá, cần cắt ngắn bớt.
- Những vùng đau ở chân gây do giầy chật. Những vùng hay bị sót, thường không
được để ý kỹ là vùng gót chân và giữa các ngón chân.
Nếu mắt bạn kém, nhìn không rõ, bạn có thể nhờ người nhà xem xét bàn chân hộ.
Đồng thời, nhờ bác sĩ khám chân cho bạn ít nhất mỗi năm 1 lần.
Mỗi ngày bạn rửa chân với xà-bông nhẹ và nước ấm, sau đó dùng lotion chống
khô da (moisturizing lotion) thoa chân giúp da chân khỏi khô (da khô dễ tổn
thương và nhiễm trùng). Bạn tránh dùng nước nóng, và nhớ dùng tay thử trước,
xem nước nóng đến mức độ nào trước khi nhúng chân vào bồn tắm. Đừng đi chân
đất bạn ạ, dù ở nhà, và nên đi giầy thật vừa vặn hầu tránh bị trầy lở chân, hoặc có
những chỗ chai cứng (corns, calluses) gây do giầy. Bạn nhớ bỏ giầy ra ít nhất 1 lần
mỗi ngày. Khi mang giầy mới, những ngày đầu, bạn chỉ nên mang giầy tối đa 1
tiếng mỗi ngày để khỏi phồng da chân. Có nhiều loại giầy được chế tạo đặc biệt để
bảo vệ chân, tốt cho chân của người tiểu đường. Nếu không, bạn có thể dùng các
giầy thể thao cũng tốt. Trước khi xỏ chân vào giầy, bạn nhớ xem xét cẩn thận, tìm
các vật lạ trong giầy có thể làm thương tổn chân bạn. Vớ nên thay mỗi ngày. Dùng
những loại vớ đặc biệt giúp tránh phồng da (antiblister socks) càng thêm tốt. Khi
cắt móng chân, bạn nên cắt ngang các móng chân, thay vì cắt vanh tròn. Cắt vanh
tròn theo ngón chân dễ phạm phải thịt. Bạn cũng nên đi khám podiatrist (chuyên
viên săn sóc bàn chân) đều đặn. Podiatrist giúp cắt bỏ các chỗ da bàn chân dầy
cứng, những móng chân mọc bất thường, đâm sâu vào thịt (ingrown toenails).
6. Các biến chứng nhiễm trùng khác:
Ngoài những nhiễm trùng ở chân, người tiểu đường cũng dễ bị nhiễm trùng ở
những nơi khác trong cơ thể, vì sức kháng cự của cơ thể giảm. Một vài bệnh
nhiễm trùng, do vi trùng hay nấm, ít xảy ra ở người bình thường, lại hay xảy ra nơi
người tiểu đường. Chẳng hạn, bệnh lao, bệnh nấm âm đạo (gây ngứa âm đạo),
bệnh viêm tai ngoài rất nguy hiểm do vi trùng Pseudomonas.
Như ta thấy, bệnh tiểu đường đưa đến nhiều biến chứng quan trọng. Sự chữa trị
ngoài mục đích làm giảm các triệu chứng do tiểu đường gây ra (mệt mỏi, xuống
cân, tiểu nhiều, tiểu đêm, khát nước, ), còn nhắm ngăn ngừa các biến chứng.