Hình tượng con người công dân và con người
cá nhân trong văn học Việt nam trung đại
Thủ công nghiệp với tính chất là nghề phụ gia đình của nông dân ngày
càng phát triển rộng khắp. Trong những nghề thủ công đương thời, nghề
làm giấy và nghề khắc ván in phát triển. Đây là tiền đề hết sức quan
trọng cho việc truyền bá và lưu hành văn chương.
Sự mục ruỗng của guồng máy nhà nước phong kiến thống trị đương thời
đã trực tiếp tạo những ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến toàn bộ quá
trình suy vi của Nho giáo. Chế độ thi cử thời vua Lê, chúa Trịnh không
ổn định. Theo Phan Huy Chú chỉ trong vòng chưa đầy trăm năm 1678 -
1765, các đời vua Lê, chúa Trịnh nối nhau đã có đến 12 lần thay đổi
phép thi Hương [146, 70]. Chính sự mất ổn định trầm trọng này đã góp
phần không nhỏ vào việc tạo ra sự chán chường trong tâm lý chung của
các thế hệ học trò đương thời. Triều đình lại cho bán học vị công khai
với giá cả rõ ràng, sinh đồ ba quan là một ví dụ điển hình.
Sau sự kiện 1527, tầng lớp Nho sĩ xuất hiện hai xu hướng:
Xu hướng thứ nhất chịu ra làm quan (tức xuất sĩ) tuy thu hút được nhiều
Nho sĩ, nhưng lực lượng của xu hướng này có hai vấn đề rất đáng lưu ý:
một là họ bị phân chia thành hai khối, hai phe đối nghịch nhau, hoặc là
theo Nam triều (triều Lê) hoặc là theo Bắc triều (triều Mạc). Họ cùng
học chung sách vở, nghe giảng chung một đạo lý, nhưng lại hiển đạt ở
hai nơi và đứng trên hai chiến tuyến. Họ thường công kích nhau. Nhưng
dù theo Lê hay Mạc thì Nho gia vẫn cứ là Nho gia, họ cũng có nhiều
điểm tương đồng trong nhận thức. Hai là: đối với lực lượng Nho sĩ lập
danh chốn quan trường này là bản thân sự liên giữa họ với nhau cũng rất
lỏng lẻo. Sống giữa thời loạn, việc thiếu niềm tin cậy lẫn nhau cũng là
điều bình thường. Và chính điều bình thường này đã góp phần làm cho
thời loạn càng thêm loạn.
Xu hướng thứ hai của lực lượng Nho sĩ sau sự kiện năm 1527 là lánh
mình ẩn dật (tức là xử sĩ). Thực ra, rất ít ai vừa đỗ đạt xong lại chịu xa
lánh quan trường. Lực lượng xử sĩ trong giai đoạn này gồm hai bộ phận
chính: một là những người thật sự uyên thâm, đa văn quảng kiến nhưng
không chịu đi thi. Số này không nhiều và trong thực tế, ảnh hưởng xã
hội của họ cũng không rộng lắm. Hai là những người từng đỗ đạt, từng
được bổ nhiệm làm quan nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì buồn
nản, trao trả chức tước cho triều đình rồi trở về. Số này đông hơn và ảnh
hưởng của họ đối với xã hội cũng rộng lớn hơn.
Nho giáo suy thoái, Phật giáo lại có cơ hội phát triển. Từ đầu TK XV,
ngay sau khi rút khỏi vũ đài chính trị và tư tưởng (nhường chỗ cho Nho
giáo), Phật giáo đã tìm cách phát triển và củng cố vị trí của mình trong
lòng xã hội. Từ TK XVI trở đi, ở Đàng Ngoài, chùa chiền được trùng tu
và xây dựng liên tiếp, người xuất gia tu hành ngày một đông. Trong số
họ nhiều khi có cả những người đã từng là môn đồ của cửa Khổng sân
Trình trước đây (Phạm Thái là một ví dụ điển hình; Nguyễn Du; Nguyễn
Gia Thiều ảnh hưởng từ Phật giáo cũng không ít).
Một số dòng Thiền tông cũ hồi sinh, nổi bật nhất là dòng Lâm Tế, dòng
Thiền tông mới là Lân Giác ra đời; trong đời sống tư tưởng của đông
đảo xã hội Đàng Ngoài, những quy phạm có nguồn gốc đạo đức từ Phật
giáo ngày càng được đề cao và chùa chiền thực sự trở thành trung tâm
sinh hoạt văn hoá có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp.
Ở Đàng Trong, ngay từ đầu Phật giáo rất được đề cao. Và từ đó đến mãi
các thế kỷ sau, Phật giáo chiếm vai trò quan trong về mặt tư tưởng của
cư dân xứ hoang hoá này.
Cũng có thể nói, ở thời kỳ này có cuộc hội nhập giữa Đạo giáo với văn
hoá dân tộc. Ở Đàng Ngoài, vua Lê - chúa Trịnh nhiều lần đến viếng
hoặc cầu đảo ở các đền, miếu và Đạo quán. Ở Đàng Trong chúa Nguyễn
cũng rất cởi mở với Phật giáo và Đạo giáo. Tóm lại, lúc bấy giờ nhiều
người lên tiếng quảng bá cho quan điểm Tam giáo đồng nguyên hoặc
Tam giáo đồng quy nhưng đời sống tư tưởng cũng chẳng phải vì thế mà
có được cuộc hội nhập thực sự hài hoà giữa Nho, Phật và Đạo.
3.2.2. Cơ sở văn học
Trước hết cần nói đến lực lượng sáng tác.
Trong văn học Việt Nam trung đại, nhà Nho vẫn là lực lượng sáng tác cơ
bản. Đối với nhà Nho đỗ đạt, vấn đề xuất - xử tương ứng với hai thái độ
ứng xử; hành - tàng luôn luôn đặt ra (phần lớn là ngay trong bản thân
từng nhà Nho) Đây chính là chỗ khó khăn cho nhà nghiên cứu khi
phân thành hai loại hình tác giả. Tuy nhiên có thể thấy, cơ sở kinh tế,
văn hoá, xã hội, bối cảnh không gian, thời gian tồn tại cho từng loại, kéo
theo đó là cái nhìn, quan niệm của họ về con người và thế giới có những
điểm khác nhau Từ đây, trên một mức độ nhất định cũng có thể khái
quát thành hai loại nhà Nho hành đạo và ẩn dật hai loại hình được coi là
chính thống trong văn học trung đại Việt Nam. Nhà Nho hành đạo muốn
thực hành những nguyên tắc của đạo lý Nho gia, sẵn sàng dấn thân nhập
cuộc thực hiện lí tưởng trí quân trạch dân, mong ước một xã hội phong
kiến mẫu mực theo mô hình Nghiêu Thuấn. Hình tượng tác giả hiện lên
trong sáng tác của họ luôn với tư cách là con người hành động, thực tiễn,
ưu thời mẫn thế, sẵn sàng xả thân vì Nghĩa. Sáng tác của nhà Nho hành
đạo mang đậm màu sắc đạo lý, mang tính quy phạm cao; quy phạm trên
cả hai phương diện nội dung, tư tưởng và hình thức, thể loại, ngôn ngữ.
Nhà Nho ẩn dật, vẻ ngoài lại như là một biểu hiện đối cực của loại nhà
Nho hành đạo. Họ phủ nhận việc hành đạo nhưng là loại hành đạo ngu
trung, thiếu tỉnh táo. Tác giả ẩn dật (không chỉ có riêng nhà Nho) trong
văn học Việt Nam có thể kể từ Huyền Quang Lý Đạo Tái, Chu Văn An,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Dữ đến Ngô Thế Lân,
Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến. Đề cao và bảo toàn Danh - Tiết là đặc
điểm cơ bản, chủ đạo trong ý thức, tư tưởng của tác giả ẩn dật. Để thực
hiện điều này trước hết họ tìm đến một môi trường, một không gian vô
trần, cô tịch, tránh mọi mối liên hệ xã hội (Thực ra cũng khó tránh được
những dăng mắc của lưới đời, không ít trường hợp phải chấp nhận bi
kịch. Câu chuyện Sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích; giấc mơ làm
một Đào Tiềm của Yên Đổ là những bằng chứng sinh động cho bi kịch
vừa nêu). Họ coi thường danh lợi, quên cả dòng thời gian thế sự vì trong
núi không có lịch, tự nhận về mình bao nhiêu thứ dại dột, ngu hèn, tăm
tối (chỉ là một cách nói phản ngữ). Hình tượng nhà Nho giữ Tiết là hình
tượng đẹp nhất trong sáng tác của tác giả ẩn dật.
Khác với hai loại trên, nhà Nho tài tử ra đời muộn (từ TK XVIII), khi
trong xã hội đã xuất hiện những yếu tố mới: đô thị, tư tưởng thị dân. Con
người phát hiện ra mình là một thực thể tồn tại thực sự với những nhu
cầu, khát vọng sống cá nhân. Nhà Nho tài tử, gốc, dĩ nhiên vẫn là Nho
nhưng càng ngày càng xa rời những quy phạm, chuẩn mực khắt khe,
giáo điều của đạo lý Nho giáo. Giá trị cao nhất trong quan niệm về con
người, về nhân sinh đối với họ là Tài (nhất là tài văn chương nghệ thuật
cầm, kỳ, thi, hoạ) và Tình (đặc biệt là tình đối và giai nhân). Tài gắn liền
với Tình, với Sắc, với hưởng thụ. Chính họ là lớp nhà Nho tạo nên trào
lưu nhân đạo chủ nghĩa độc đáo trong văn học nửa sau TK XVIII - nửa
đầu TK XIX. Kiểu tác gia này rất nhạy cảm với các vấn đề mới nảy sinh,
trong đó tự ý thức về bản thân mình, khẳng định cái tài hoa, độc đáo, sự
sáng tạo trong nghệ thuật là khát vọng vươn tâm thời đại lúc bấy giờ.
Thứ hai, truyền thống trữ tình của văn học dân tộc và sự trỗi dậy của
những tư tưởng, tình cảm mới, văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học
trung đại, đậm tính trữ tình. Đây là cơ sở tốt nhất để các tác giả tự bộc lộ
tư tưởng, tình cảm cá nhân của riêng mình.
Từ TK XVI, đặc biệt là từ TK XVIII, con người luôn sống trong tâm
trạng lo âu, phấp phỏng, sầu buồn, họ chìm trong triền miên đau khổ bởi
nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân sâu xa gây nên là các thế lực thống
trị Chính vì thế chưa bao giờ hình tượng con người cá nhân xuất hiện
trong văn học nhiều như thế.
Thời kỳ này, con người phát hiện ra mình là một thực thể tồn tại thực sự
với tất cả những nhu cầu khát vọng cao nhất của nó.
4. Kết luận
Thứ nhất, ở thời kỳ ổn định và phát triển của nhà nước phong kiến, mối
quan tâm hàng đầu của văn học chính là hình tượng con người công dân
gắn bó với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và công
cuộc xây dựng đất nước. Ý thức trách nhiệm, những tình cảm công dân
lớn lao, cao cả được đặc biệt đề cao.
Thứ hai, trong giai đoạn nhà nước phong kiến trượt dài trên cái dốc suy
thoái, con người cá nhân với ý thức cá tính, tài năng với nhu cầu tự
khẳng định và khát vọng mãnh liệt về tự do, tình yêu, hạnh phúc lại là
hình tượng trung tâm của các tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn
cao cả. Sự chuyển biến từ chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con
người công dân đến chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người cá
nhân thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học Việt Nam trung đại.
Thứ ba, con người cá nhân hình thành và phát triển mạnh mẽ ở văn Việt
Nam trung đại giai đoạn hậu kỳ đã trở thành một động lực nội sinh quan
trong góp phần hình thành phong trào Thơ Mới xuất sắc 1932 - 1945./