Phân tích và bình luận quan niệm thơ của Xuân Quỳnh qua
bài "Nếu ngày mai em không là
Lê Hồng Minh
Nếu mặt trời tắt nắng, nếu trái đất ngừng quay, nếu cây không nở
hoa, nếu tế bào không tự nhân đôi, thì phôi thai sẽ chỉ là phôi
thai. Trái tim ta chỉ là ý nghĩa vu vơ bởi vì tế bào quá nhỏ. Và ta
có thể yêu nhau không? Điều ấy có nghĩa là sự sống rất mơ hồ.
Không ai trả lời được, không dám trả lời hoặc không dám khẳng
định vào cái tất yếu của tự nhiên? Đặt ra một giả định, để những
câu hỏi chơi trò chơi tung hứng, từ đó Xuân Quỳnh đưa ra quan
niệm về thơ ca của mình trong bài thơ "Nếu ngày mai em không
làm thơ nữa".
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng xem xiếc, đặc biệt là trò
chơi tung hứng của các anh hề. Tất cả bay đi, có hướng hoặc
tưởng như vô hướng nhưng đều trở lại đôi bàn tay tài tình của
người nghệ sĩ. Cái vô hướng ấy chỉ là suy tưởng của người xem,
nhưng nó đã là sơ đồ rõ ràng của nghệ sĩ xiếc. Đó là nghề nên
bắt buộc và đó cũng là tài nên biến hóa khôn lường. Với Xuân
Quỳnh cũng vậy, thơ đã là máu thịt, là bẩm sinh của chị. Người ta
nói thơ Xuân Quỳnh như là "người phụ nữ tất yếu phải sinh con,
cây phải đơm hoa kết trái". Nhưng Xuân Quỳnh vẫn đặt ra một
giả thiết:
"Nếu ngày mai em không làm thơ nữa"
Thì:
"Cuộc sống sẽ trở thành bình yên
Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm
Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc "
Thơ không còn gợi sóng tâm hồn nữa, nó không còn là bão, là
giông với cuộc sống. Mà nó để cuộc đời lặng lẽ, bình yên trôi
theo thời gian. Mọi ngày như nhau, mọi giờ như nhau, mọi phút
như nhau, nhàn nhã đến chán nản và vô vị. Cuộc sống không thơ
như cuộc đời hai cô gai trong "Toả nhị Kiều" của Xuân Diệu hay
buồn tẻ như "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. Sống mà không biết
mình có đang tồn tại hay không và đang sống vào khoảnh khắc
thời gian nào, bởi:
"Trận mưa xuân dẫu làm ướt áo
Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu
Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau
Không xôn xao khi nắng hè đến sớm "
Sự rung cảm tinh tế đã chết rồi ! Khi còn thơ, nghĩa là khi tâm hồn
ta còn nhạy cảm, ta có thể cảm thấy cái lành lạnh của hơi xuân.
Ta có thể dự cảm trước bước đi rõ rệt của thời gian. Hay đó là
một chút "xôn xao", một thoáng nhớ nhung nhưng da diết đến
nao lòng của hạ, của đông. Nhà thơ Chế Lan Viên đã có sự so
sánh rất tài tình "Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét". Nỗi
nhớ ấy tất yếu như quy luật khách quan, nó cùng nhau đến và
song song tồn tại. Và ngay cả khi ra đi, nó cũng cùng nhau.
Nhưng có còn gì đâu khi em không làm thơ nữa "Mùa đông về
quên nỗi nhớ nhau", "Lòng em có còn cảm xúc chi đâu". Hai chữ
"chi đâu" đều là thanh bằng mà sao sắc lạnh, thâm thía. Xuân đã
về rõ rệt, đã để lại vết tích trên áo, đã thấm lên da thịt. Nhưng em
lạnh lùng "còn cảm xúc chi đâu". Câu thơ như rũ bỏ, hay sự quên
của trí nhớ. Không có bây giờ và cũng không nhớ cả ngày xưa
nữa ư? Không phải! Vẫn nhớ đó chứ! Nhưng lại nhớ rằng mình
đã mất đi rồi những dự cảm tinh tế sâu sắc khi không còn làm thơ
nữa. Đó là sự chua xót đến chát chúa, nghẹn ngào.
Đã chết đi rồi cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Và ra nhận
ra một điều, chính thơ làm ta cảm nhận, làm ta có cái nhìn, có
cuộc sống phong phú, tinh tế, sắc nhạy trước thế giới tự nhiên.
Và rồi: "Chuyện hôm nay sẽ trở thành kỉ niệm". Nhưng người ta
không thể sống bằng kỉ niệm. Lúc ấy ta chỉ là một con người hoài
cổ, đứng trên nó và sống với nó cũ kĩ và lạc lõng. Ta trôi trong
dòng chảy của thời gian mà sống với một dòng chảy tưởng
tượng. Ta sống ảo, nghĩa là ta yêu ảo, nghĩa là ta không tồn tại
trong mắt mọi người và ngay cả trong ý thức đâu đó còn sót lại
của ta.
"Nếu ngày mai em không làm thơ nữa", tâm hồn em sẽ chai sạn,
khô cứng, thờ ơ, bàng quan với tất cả:
"Gió thổi nơi này không lạnh lối nơi kia
Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo"
Bỗng nhiên em cảm thấy rằng, người yêu người là vô vị, là nhạt
nhẽo, là vu vơ, nực cười. Cái mà giá trị cao cả nhất của văn thơ,
cái mà được xem như chân lý vĩnh hằng trở thành tầm thường
đối với em. Vậy em có còn gì không? Hỡi tâm hồn nghèo nàn, cô
độc kia?
Em không có nỗi khổ, em không có kinh ngạc, không có lý tưởng
và khát vọng:
"Em không còn thấy nhớ những sân ga
Những nơi đã đi, những nơi chưa hề đến"
Sân ga là vạch nối, là bến đợi, bến đỗ của những chuyến đi xa, là
vạch nối nghĩa là quan trọng, là bến đợi nghĩa là có thời gian, là
bến đỗ nghĩa là khắc đậm trong kí ức. Nhưng "em không còn
thấy nhớ". Đây không còn là cái quên của vô thức mà là của tâm
thức. Và cũng không đơn giản là quên mà đã đánh mất ý thức
nhớ tự nhiên và bắt buộc. Không tồn tại khát vọng ở đây nữa!
Nơi đã đi là quá khứ. "Nơi chưa hề đến" là tương lai. Thực tại đã
mất, quá khứ nhạt nhoà, tương lai mù mịt. Em sống có cái gì?
Mục đích và lý tưởng ở đâu? Lý do để em tồn tại? Tất cả đều
nằm trong chữ "nhưng, chẳng, không" lạnh lùng.
Em không còn yêu em nữa. Vậy làm sao em có thể yêu anh:
"Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu
Tấm lòng anh trong mỗi chuyến đi xa
Khát vọng anh dẫu nhoà trong sông biển
Sóng xô bờ chẳng rộn đến tâm tư"
Từ "không thể hiểu" đến không "nhớ", và đến bàng quan là một
hành trình đi đến tuyệt vọng. Từ "tấm lòng anh" cái xa nhất, đến
những kí ức, khát vọng "nơi đi, nơi đến" gần em hơn một cách cụ
thể, và chính em "tâm tư" mơ hồ đã là một sự bất lực nghiệt ngã.
Con sóng "dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ" ngày xưa em viết,
nay không đủ sức gợn một chút dư âm kí ức nào trong cõi hồn
đang giá lạnh của em :
"Âm điệu ấy chẳng còn gieo tiếng nhạc
Chất men nào làm em choáng váng
Cũng phai dần theo những tháng năm xa"
Thơ phải làm nên nhạc, nhạc chính là chất men, là dư ba của tâm
hồn thi sĩ. Sự đa tài, mẫn cảm, tinh tế ngày xưa của em nồng nàn
đến choáng váng, giờ cũng phai lạt. Tất cả đều đi từ có đến
không, từ nồng nàn đến lạt lẽo, từ vĩnh cửu đến hữu hạn, từ lãng
tử đến thực tế lạnh lùng:
"Hết ngọn lửa lạ lùng, thôi màu mây phiêu lãng"
Thơ chết trong trái tim em, là chết trong ánh mắt, cái nhìn :
"Ơi trời xanh - ta trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh"
Bầu trời là cái khôn cùng, bao la, rộng lớn. Nhưng ngày xưa nó
hữu hạn và có đáy trong em. Em thâu giữ nó, làm chủ nó bằng
tâm hồn rộng mở của em. Nay em bất lực "Ơi màu xanh - ta trả
lại mi". Trời xanh, nay lại không xanh. Mắt em không xanh thực,
nay lại xanh. Tất cả đều hoán vị, đổi ngược "Nếu ngày mai em
không làm thơ nữa?".
Thơ là cuộc sống, là tất cả những gì nhỏ nhặt xung quanh Xuân
Quỳnh. Chị giả sử "Nếu ngày mai em không làm thơ nữa". Nhưng
ngày mai là ngày nào cụ thể trong tương lai của chị. Tại sao
không phải hôm nay hay ngày xưa. Điều ấy có nghĩa là bây giờ
vẫn làm thơ, và biết đâu ngày mai là cái ngày mà tất cả mọi sinh
vật đều đi đến. Ý thức được tương lai và đang làm việc trong
thực tại nghĩa là đang sống. Xuân Quỳnh lo lắng cho tương lai thì
khát vọng được sống, được làm thơ lại càng mãnh liệt. Chị cảm
nhận được những tinh tế của sự vật, và bởi thế chị thấy cuộc
sống này quá đẹp, nên sợ khi phải đánh mất nó. Đôi khi sự lúng
túng này lại là một ngẫu hứng của chất lãng tử nghệ sĩ. Biết rất
sợ đấy mà vẫn đánh đố, vẫn chơi trò. Xuân Quỳnh khẳng định
quan niệm thơ ca của mình bằng phương pháp phản chứng. Đó
là cách làm nổi bật vấn đề, vai trò của vấn đề. Cuộc sống sẽ là vô
nghĩa nếu ta thiếu tình yêu, sự tinh tế, lòng nhân ái đối với thế
giới xung quanh. Cái yếu đuối của thơ cũng chứa đựng sức
mạnh của con người, đó là khát vọng. Tình cảm mềm yếu, sâu
sắc nhưng lý tưởng rõ ràng, bền vững. Ta tưởng như đó là sự
mâu thuẫn, nhưng nó lại hoà quyện, bổ sung cho nhau. Đạt được
sự cân bắng ấy là đạt được cái chất thơ nhất. Chị ý thức rắng
mất chất thơ ấy sẽ chết, nghĩa là không bao giờ mất. Đó là cái
mà Xuân Quỳnh tìm kiếm trong giả định "Nếu ngày mai em không
làm thơ nữa".
Thơ Xuân Quỳnh nhẹ nhàng, hồn hậu, tự nhiên mà lại rất sâu
sắc, triết lý. Kinh nghiệm sống và trái tim nồng nàn đã đưa chị trở
thành thi nhân của Việt Nam. Người nghệ sĩ ấy luôn đi tìm cái
đẹp trong những khám phá mới, và ta đi tìm cái đẹp trong người
nghệ sĩ ấy.