KHÓ KHĂN TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA
CHỦ NGHĨA DÂN TÚY TẠI HOA KỲ
M ặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nông dân Mỹ vào cuối thế kỷ XIX đã phải
trải qua nhiều thời kỳ đầy gian khó. Các tiến bộ về cơ khí đã làm tăng sản lượng
trên mỗi hecta đất trồng. Diện tích canh tác tăng rất nhanh vào nửa sau thế kỷ XIX
do các tuyến đường sắt và các cuộc khai phá của người da đỏ ở vùng đồng bằng đã
dần tạo ra các miền đất mới cho những người định cư phương Tây. Tương tự, diện
tích đất trồng cũng tăng lên ở các quốc gia khác như Canada, Argentina và
Australia, làm trầm trọng hơn những khó khăn trên thị trường thế giới, nơi tiêu thụ
phần lớn các loại nông sản của Mỹ. Khắp mọi nơi, lượng cung quá lớn đã đẩy giá
nông sản xuống thấp.
Nông dân tại vùng Trung Tây ngày càng tỏ ý phản đối mức cước phí vận chuyển
bằng đường sắt mà họ cho là quá đắt để chuyên chở hàng hóa của họ đến nơi tiêu
thụ. Họ cho rằng các loại thuế bảo hộ, trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn đã khiến
cho giá cả trang thiết bị dùng cho nông nghiệp ngày càng tăng. Phải chịu áp lực
đồng thời do chi phí cao và giá nông phẩm trên thị trường lại quá rẻ, nông dân rất
bất bình đối với các gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất và đối với các ngân
hàng đang tạm giữ tài sản thế chấp của họ. Ngay cả điều kiện thời tiết cũng rất
khắc nghiệt. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, hạn hán đã tàn phá vùng Great
Plains (Đồng bằng Lớn) ở phía Tây và khiến hàng nghìn nông dân ở đây bị phá
sản.
Tại miền Nam, chế độ nô lệ chấm dứt đã đem lại nhiều đổi thay lớn. Nhiều đất
nông nghiệp nay được canh tác bởi các lĩnh canh, tức là những người thuê đất để
làm ruộng và phải trả cho chủ đất một nửa nông phẩm thu hoạch được thay cho
tiền thuê đất, tiền hạt giống và tiền chi trả cho các trang thiết bị cần thiết. Ước tính
khoảng 80% nông dân Mỹ da đen và 40% nông dân Mỹ da trắng ở miền Nam đã
làm việc theo hệ thống bóc lột này. Đa phần trong số họ đã không thoát khỏi vòng
luẩn quẩn của nợ nần, và hy vọng duy nhất của họ là tăng cường canh tác để thoát
khỏi vòng luẩn quẩn đó. Điều này đã khiến bông và thuốc lá được sản xuất quá
nhiều, khiến cho giá giảm và khiến đất đai tiếp tục bị suy kiệt.
Nỗ lực có tổ chức đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp được thực
hiện bởi giới chủ vùng Husbandry, một nhóm các nông dân nổi tiếng trong phong
trào Grange. Được khởi xướng bởi các viên chức Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 1867,
ban đầu, phong trào Grange tập trung vào các hoạt động xã hội chống lại sự cô lập
đối với phần lớn các gia đình nông dân Mỹ. Sự tham gia của phụ nữ vào phong
trào này rất được ủng hộ. Bộc phát từ cuộc khủng hoảng năm 1873, phong trào
Grange đã nhanh chóng lớn mạnh, có tới 20.000 tăng hội và 1,5 triệu thành viên.
Những người theo phong trào Grange đã thành lập các hệ thống quảng cáo, bán
hàng, các khu vực sản xuất, các nhà máy, các hợp tác xã riêng của họ, nhưng đa
phần cuối cùng hầu hết đều đã thất bại. Phong trào này cũng đã đạt được một số
thành công về chính trị. Trong những năm 1870, một số bang đã thông qua Đạo
luật Grange nhằm hạn chế các mức cước phí chuyên chở bằng xe lửa và các mức
phí lưu kho.
Năm 1880, phong trào Grange bước vào giai đoạn suy thoái và được thay thế bằng
Liên minh Nông dân. Liên minh này có nhiều hoạt động tương tự như phong trào
Grange nhưng công khai hơn về mặt chính trị. Năm 1890, Liên minh này - ban đầu
là các tổ chức tự trị của tiểu bang - đã có tới 1,5 triệu thành viên từ New York đến
California. Cùng lúc đó, một nhóm người Mỹ gốc Phi - Liên minh Nông dân da
màu Quốc gia - cũng đã có tới hơn một triệu thành viên. Là liên minh giữa hai
vùng Nam Bắc rộng lớn, các liên minh này đã xây dựng các chương trình kinh tế
dành cho nông dân Mỹ nhằm bảo vệ họ chống lại những luật lệ phân biệt tầng lớp
và việc xâm phạm vốn tập trung.
Đến năm 1890, mức độ suy kiệt đất đai đã trở nên nghiêm trọng nhất từ trước đến
nay sau nhiều năm canh tác quá mức để đối phó với thuế McKinley. Phối hợp với
các đảng viên Dân chủ tại miền Nam và các đảng thứ ba nhỏ lẻ ở miền Tây, khối
Liên minh Nông dân đã vận động mạnh mẽ để tăng cường quyền lực chính trị.
Một Đảng chính trị thứ ba - Đảng Nhân dân (còn gọi là Đảng Dân túy) - đã nổi
lên. Trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ từ trước tới nay, chưa có cơn sốt chính trị nào
tương tự như cơn sốt ủng hộ Đảng Dân túy. Cơn sốt này đã lan truyền khắp các
thảo nguyên và các vùng trồng bông. Cuộc tuyển cử năm 1890 đã mang lại quyền
lực cho Đảng này tại 12 bang phía Nam và phía Tây, đồng thời đã đưa các nghị sỹ
và các đại biểu của đảng Dân túy vào Quốc hội.
Đại hội đầu tiên của Đảng Dân túy đã diễn ra vào năm 1892. Các đoàn đại biểu
của nông dân, người lao động và các tổ chức cải cách đã nhóm họp tại Omaha,
bang Nebraska nhằm tác động tới hệ thống chính trị của Hoa Kỳ - một hệ thống
mà họ đánh giá là đang bị tham nhũng nghiêm trọng do các tập đoàn độc quyền về
tài chính và công nghiệp. Tuyên bố của Đảng nêu rõ:
Chúng ta gặp gỡ nhau khi đất nước đang phải chứng kiến sự suy thoái về đạo đức,
chính trị và vật chất. Tham nhũng thống trị các hòm phiếu, các cơ quan lập pháp,
Quốc hội, và động chạm tới cả các quan chức tại tòa án Cùng sản sinh ra từ sự
bất công của chính phủ, chúng ta đã chia thành hai giai cấp lớn - giai cấp nghèo
khổ và những nhà triệu phú.
Tuyên bố của họ kêu gọi quốc hữu hóa đường sắt, mức thuế quan thấp, các khoản
bảo đảm cho vay bằng các nông phẩm không hư hại trong các kho chứa thuộc
quyền sở hữu của nhà nước; và quan trọng hơn cả là vấn đề lạm phát tiền tệ thông
qua việc mua vào của Kho bạc Nhà nước, và cuối cùng là tỷ lệ đổi tiền xu bạc theo
tỷ lệ truyền thống là 16 ounce bạc tương đương với một ounce vàng.
Phái Dân túy đã thể hiện sức mạnh của họ ở miền Tây và miền Nam; ứng cử viên
chức tổng thống của họ đã đạt được hơn một triệu phiếu bầu. Nhưng vấn đề tiền tệ
đã mau chóng làm lu mờ các vấn đề khác. Các phát ngôn viên nông nghiệp ở miền
Tây và miền Nam đã thuyết phục dân chúng bằng lập luận cho rằng mọi khó khăn
của họ bắt nguồn từ việc thiếu tiền trong lưu thông, bởi vậy, việc gia tăng lượng
cung tiền có thể sẽ gián tiếp làm tăng giá nông phẩm và tăng lương trong các
ngành công nghiệp, nhờ đó, các khoản nợ sẽ được trả bằng đồng tiền bị lạm phát.
Tuy nhiên, các nhóm bảo thủ và các nhà tài chính đã đáp trả rằng tỷ lệ quy đổi
1/16 đã khiến giá đồng bạc tăng gần gấp đôi so với giá cả thị trường. Một chính
sách mua vào không hạn chế có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang mất hết lượng dự
trữ bằng vàng, khiến đồng đô-la mất giá nghiêm trọng và tàn phá sức mua của các
tầng lớp lao động và trung lưu. Họ cho rằng chỉ có chế độ bản vị vàng mới đem lại
sự ổn định.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1893 đã khiến các cuộc tranh luận này thêm
phần căng thẳng. Các ngân hàng vỡ nợ liên tục ở miền Nam và miền Trung Tây.
Nạn thất nghiệp tăng vọt và giá nông sản tụt giảm thảm hại. Cuộc khủng hoảng
này và việc Tổng thống Grover Cleveland nhất quyết bảo vệ chế độ bản vị vàng đã
khiến Đảng Dân chủ bị chia rẽ nghiêm trọng. Các đảng viên Đảng Dân chủ từng
ủng hộ đồng bạc đã gia nhập Đảng Dân túy khi cuộc bầu cử tổng thống năm 1896
đang đến gần.
Đại hội Đảng Dân chủ năm đó đã chứng kiến một trong những bài diễn văn nổi
tiếng nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Khẩn thiết yêu cầu đại hội đừng đóng
đinh nhân loại vào cây thập ác bằng vàng, William Jennings Bryan, một đảng viên
trẻ tuổi quê ở bang Nebraska đã giành được vị trí ứng cử viên tổng thống của
Đảng Dân chủ. Đảng Dân túy cũng ủng hộ Bryan trong cuộc bầu cử này.
Trong các hoạt động tranh cử sau đó, Bryan đã giành được sự ủng hộ ở các bang
miền Nam và toàn bộ miền Tây. Nhưng ông đã thất bại ở các khu vực đông dân cư
hơn - vùng công nghiệp phía Bắc và phía Đông. Cuối cùng, ông đã thất bại trước
ứng cử viên Đảng Cộng hòa là William McKinley.
Vào năm sau đó, nền tài chính Mỹ bắt đầu được cải thiện, một phần là nhờ việc
phát hiện ra vàng ở Alaska và vùng Yukon. Điều đó đã tạo cơ sở để quan điểm bảo
thủ về cung tiền tăng lên. Năm 1898, cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ đã thu hút sự
chú ý của dân chúng, khiến họ không còn để ý đến các vấn đề của Đảng Dân túy
nữa. Chủ nghĩa Dân túy và vấn đề sử dụng đồng bạc đã tiêu vong. Tuy nhiên,
nhiều ý tưởng cải cách khác của phong trào này thì vẫn còn sống mãi.