Tải bản đầy đủ (.pdf) (30 trang)

Ung Thư Tuyến Giáp Trạng (Thyroid) potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.43 KB, 30 trang )

Ung Thư Tuyến Giáp Trạng (Thyroid)

Tuyến giáp trạng có hình dạng của một con bướm nằm trước cổ, bên dưới
thanh quản, gồm hai phần (2 lobes hoặc 2 thùy). Hai phần này được ngăn ra
bởi isthmus, nằm giữa. Một tuyến giáp trạng bình thường có kích thước
khoảng 3-4 cm, nằm dưới da nên khó có thể sờ nắn.
Tuyến giáp trạng gồm hai loại tế bào, cả hai đều tiết nội tiết tố.
• Tế bào follicular (thyroid follicular cell) tiết ra nội tiết tố giáp trạng, nội
tiết tố này ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp,thân nhiệt và trọng lượng.
• Tế bào C tiết ra calcitonin, nội tiết tố này điều tiết lượng calcium trong
máu.
Bốn tuyến cận giáp (parathyroid) nằm sau tuyến giáp trạng. Các tuyến này
tiết ra nội tiết tố parathyroid có nhiệm vụ giúp cơ thể duy trì một lượng
calcium cân bằng.
Căn bản về ung thư
Ung thư xuất phát từ tế bào, đơn vị căn bản của mô. Bình thường tế bào da
tăng trưởng, sinh sản và tạo tế bào mới. Mỗi ngày tế bào da già lão, chết và
tế bào mới thay thế.
Đôi khi tiến trình sinh hóa trật tự này trở nên bất thường. Tế bào mới xuất
hiện khi không cần thiết, và tế bào già lão hoặc tế bào hư hoại không chết
như đã định. Các tế bào dư thừa này tạo thành khối, gọi là khối u hay bướu.
Bướu hay khối u có thể "lành" (benign) hoặc "độc" (cancerous):
Bướu lành:
• Ít khi gây tử vong
• Không ăn lậm (invasive) đến các mô lân cận
• Không lan xa đến những bộ phận khác trong cơ thể
Bướu độc như ung thư:
• Có thể gây tử vong
• Có thể tái phát sau khi đã được cắt bỏ, chữa trị
• Có thể ăn lậm đến các mô lân cận
• Lan ra các bộ phận khác; việc lan tràn của khối u gọi là metastasis.


Các loại ung thư tại tuyến giáp trạng
1. Papillary: chiếm 80-90% những loại ung thư giáp trạng, khởi thủy từ loại
tế bào follicular. Loại ung thư này tăng trưởng chậm, nếu tìm thấy sớm, việc
trị liệu có kết quả rất khả quan.
2. Follicular: Khoảng 15% các loại ung thư giáp trạng, loại ung thư này xuất
phát từ tế bào follicular, tăng trưởng chậm; nếu tìm thấy sớm, việc trị liệu có
kết quả rất khả quan.
3. Medullary: Khoảng 3% các loại ung thư giáp trạng, loại ung thư này khởi
thủy từ tế bào C. Loại ung thư này tạo ra một lượng calcitonin rất cao; nếu
tìm thấy sớm và trị liệu sớm trước khi ung thư lan ra những nơi khác, kết
quả rất khả quan.
4. Anaplastic: Loại ung thư giáp trạng hiếm có (khoảng 1-2%), khởi thủy từ
tế bào follicular. Loại ung thư này rất khó tìm và khó chữa vì tế bào ung thư
tăng trưởng nhanh chóng.
Dù chưa biết rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp trạng, nhưng y học đã
tìm ra một số yếu tố liên quan đến loại ung thư này, gia tăng tỷ lệ bị ung thư,
gọi là "risk factors". Tuy nhiên, vẫn có nhiều bệnh nhân bị ung thư mà
không có yếu tố rủi ro nào cũng như người có nhiều yếu tố rủi ro nhưng vẫn
không bị ung thư.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy các yếu tố sau đây gia tăng tỷ lệ ung thư
tuyến giáp trạng:
• Quang tuyến: Những cuộc chữa trị quang tuyến quanh vùng cổ sẽ gia tăng
tỷ lệ ung thư tuyến giáp trạng, loại papillary hoặc follicular. Nguồn quang
tuyến thông thường nhất đến từ việc trị liệu. Từ những năm 1920 -1950, bác
sĩ thường sử dụng quang tuyến để chữa trị chứng sưng hạch hạnh nhân
(tonsils, amidal) ở trẻ em, mụn ở mặt (acne) cũng như những chứng bệnh
khác tại đầu & cổ. Những bệnh nhân này về sau, đa số đều bị ung thư tuyến
giáp trạng.
Những loại quang tuyến dùng để chẩn bệnh như X-ray chụp hình phổi hoặc
răng thường có lượng quang tuyến rất thấp so với loại quang tuyến dùng vào

việc trị liệu. Tuy nhiên, khi dùng thường xuyên lượng quang tuyến có thể
lên cao, nên thảo luận với bác sĩ, nha sĩ về việc dùng hình quang tuyến để
chẩn bệnh và chỉ dùng khi cần thiết.
Một nguồn quang tuyến khác đến từ việc thử bom nguyên tử, những nhà
máy chứa chất phóng xạ gặp tai nạn. Chẳng hạn như nguồn quang tuyến đến
từ hậu quả phóng xạ nguyên tử (radioactive fallout) khi thử bom nguyên tử
(tại Hoa Kỳ cũng như những nơi khác trên thế giới vào những năm 1950 -
1960), từ những trung tâm nguyên tử lực (nuclear power plants) gặp tai nạn
(Chernobyl năm 1986) và chất phóng xạ thải ra từ những nhà máy sản xuất
võ khí nguyên tử như Hansford tại tiểu bang Washington năm 1940. Những
chất phóng xạ này thường là I-131 (I*). Trẻ em nhiễm phóng xạ idodine, tỷ
lệ ung thư tuyến giáp trạng gia tăng rất cao khi trưởng thành.
• Thân quyến bị ung thư tuyến giáp trạng, loại medullary: Sự thay đổi, hay
biến thái của di thể (gene) RET truyền từ cha mẹ đến con cái. Thử máu có
thể tìm ra di thể RET đã biến thái. Khi tìm ra sự bất thường của di thể RET
trong những bệnh nhân với ung thư tuyến giáp trạng, loại medullary, bác sĩ
có thể đề nghị việc thử máu cho thân nhân của người bệnh hoặc có thể đề
nghị việc cắt bỏ tuyến giáp trạng trước khi phát ung thư. Khi loại ung thư
này tìm thấy ở nhiều người trong một gia đình, sách vở y học gọi là "familial
medullary giáp trạng cancer" hoặc "multiple endocrine neoplasia (MEN)
syndrome". Bệnh nhân với chứng MEN có thể bị một vài loại ung thư khác.
• Thân quyến bị bướu cổ (goiter) hoặc polyp tại ruột già: Tỷ lệ ung thư tuyến
giáp trạng loại papillary gia tăng trong những người có thân quyến bị bướu
cổ hoặc bị chứng polyps ở ruột già & trực tràng.
• Bị bướu cổ hay nổi khối u tại tuyến giáp trạng gia tăng tỷ lệ ung thư tuyến
giáp trạng.
• Phái tính: Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ ung thư tuyến giáp trạng ở phụ nữ cao gấp 2-3
lần phái nam
• Tuổi tác: Bệnh nhân với chứng ung thư tuyến giáp trạng thường ở tuổi 40
trở lên. Bệnh nhân với loại anaplastic thường ở tuổi 60 trở lên.

• Iodine & cách dinh dưỡng: Tuyến giáp trạng cần iodine để tạo nội tiết tố
giáp trạng. Iodine có trong hải sản như tôm cua và muối iodized. Thiếu
iodine trong thức ăn có thể gia tăng tỷ lệ ung thư tuyến giáp trạng, loại
follicular; quá nhiều iodine có thể gia tỷ lệ ung thư tuyến giáp trạng loại
papillary.
Triệu chứng
Ung thư tuyến giáp trạng thường không gây triệu chứng cho đến khi vào thời
kỳ trầm trọng:
• Khối u trước cổ gần quả táo Adam (nếu là phái nam)
• Khản tiếng hoặc phát âm khó khăn
• Sưng tấy hạch bạch huyết, nhất là những hạch ở quanh cổ.
• Khó nuốt, khó thở
• Rát cổ họng
Ngoài ung thư tuyến giáp trạng, những triệu chứng kể trên có thể xuất hiện
khi bị nhiễm trùng, bị bướu cổ hoặc những chứng bệnh khác. Nên đi khám
bệnh để tìm nguyên nhân.
Chẩn bệnh
Khi có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, nên đi khám bệnh. Bác sĩ ghi
nhận bệnh sử và thực hiện một hoặc nhiều loại thử nghiệm sau:
• Khám tổng quát: Bác sĩ sờ nắn vùng cổ, tuyến giáp trạng, hạch bạch huyết
và soi thanh quản để tìm dấu hiệu của sự sưng trướng.
• Thử máu để thẩm định lượng thyroid-stimulating hormone (TSH), quá
nhiều hay quá ít nội tiết tố này có nghĩa là tuyến giáp trạng không hoạt động
bình thường. Khi bác sĩ truy tìm loại ung thư medullary, sẽ đo lượng calcium
trong máu hoặc lượng calcitonin trong máu.
• Siêu âm: Dụng cụ này dùng sóng âm thanh để chụp hình thể của tuyến giáp
trạng và tìm kiếm những khối u; nếu có, đo kích thước của những khối u và
thẩm định xem những khối u này có chứa chất lỏng hay không. Khối u chứa
chất lỏng thường là bướu lành, khối u đặc là bướu độc.
• Radionuclide scanning: Bệnh nhân uống dung dịch chứa chất phóng xạ,

chất phóng xạ theo máu luân lưu khắp cơ thể. Những khối u "thấm" chất
phóng xạ xuất hiện rõ trên màn hình. Khối u có ít chất phóng xạ hơn những
tế bào chung quanh được gọi là khối u lạnh (cold nodule), những khối u lạnh
có thể là bướu độc hay ung thư. Những khối u nóng (hot nodules) "thấm"
nhiều chất phóng xạ hơn những tế bào chung quanh thường là những bướu
lành.
• Sinh thiết: Làm sinh thiết là cách chẩn bệnh ung thư chính xác nhất. Bác sĩ
làm sinh thiết bằng cách dùng kim hoặc dao mổ:
- Fine-needle aspiration: Bác sĩ dùng một kim nhỏ và hút tế bào từ tuyến
giáp trạng để thử nghiệm. Đôi khi, siêu âm được sử dụng để định chỗ của
khối u, giúp việc lấy tế bào dễ dàng hơn.
- Giải phẫu: Bác sĩ dùng dao mổ mở ra một vùng da ở cổ để lấy tế bào giáp
trạng làm sinh thiết.
Quý vị có thể đặt những câu hỏi sau trước khi bác sĩ trích mô (làm sinh
thiết):
-Trích mô ảnh hưởng đến việc chữa trị ra sao?
-Bác sĩ chọn phương thức nào để trích mô?
-Việc trích mô kéo dài bao nhiêu lâu? Tôi sẽ thức trong khi làm sinh thiết?
Có đau đớn lắm không?
-Làm sinh thiết có rủi ro không? Có gây ra việc lan tràn ung thư không? Tôi
có bị xuất huyết? Nhiễm trùng?
-Chừng nào thì tôi biết kết quả? Ai sẽ là người giải thích kết quả cho tôi
hiểu?
-Nếu tôi bị ung thư, ai sẽ là người nói chuyện với tôi về những bước sắp tới?
Và bao giờ?
Định kỳ ung thư
Sau khi chẩn bệnh, bác sĩ cần định kỳ ung thư trước khi hoạch định cách
chữa trị. Định kỳ ung thư là việc đo kích thước khối u, thẩm định xem ung
thư đã lan chưa, nếu đã lan tràn thì lan đến bộ phận nào.
Ung thư tuyến giáp trạng lan đến hạch bạch huyết, phổi và xương. Khi ung

thư lan từ nơi xuất phát đến bộ phận khác, khối u mới có cùng loại tế bào
như khối u khởi thủy. Thí dụ, nếu ung thư tuyến giáp trạng lan đến phổi, tế
bào ung thư tại phổi là tế bào ung thư tuyến giáp trạng; đây là ung thư tuyến
giáp trạng lan đến phổi, không phải ung thư phổi. Do đó, căn bệnh được
chữa trị như ung thư tuyến giáp trạng. Bác sĩ gọi loại ung thư lan tràn là
"metastatic disease" hay ung thư di căn.
Việc định kỳ có thể bao gồm một hoặc nhiều loại thử nghiệm: Bác sĩ có thể
dùng siêu âm, MRI, CT để tìm xem ung thư đã lan đến hạch bạch huyết hoặc
đã lan ra những nơi khác trong vùng cổ. Đôi khi, bác sĩ dùng những loại
dụng cụ dùng chất phóng xạ để tìm ung thư, radionuclei scan, khắp thân thể
gọi là "diagnostic I-131 whole body scan". Tế bào ung thư tuyến giáp trạng
trong thân thể thu nhận chất phóng xạ này.
Chữa trị
Tùy theo loại ung thư, thời kỳ ung thư, kích thước khối u, tuổi tác và ung thư
đã lan hay chưa, ung thư tuyến giáp trạng có thể được chữa trị bằng cách
giải phẫu, Iodine chứa chất phóng xạ (radioactive iodine), nội tiết tố, ngoại
quang tuyến (external radiation), hoặc hóa chất. Đôi khi một hoặc nhiều
cách chữa trị được sử dụng cùng lúc.
Bác sĩ có thể giới thiệu quý vị đến một chuyên viên, hoặc quý vị có thể nhờ
bác sĩ giới thiệu đến chuyên viên bác sĩ chuyên khoa về tuyến nội tiết,
endocrinologist; bác sĩ chuyên khoa về việc chữa trị tuyến giáp trạng hay
"thyroidologist". Những chuyên viên chữa trị ung thư bao gồm bác sĩ chuyên
khoa chuyên khoa ung thư, bác sĩ xạ trị ung thư hoặc bao gồm cả chuyên
viên điều dưỡng về ung thư và dinh dưỡng.
Giải phẫu và ngoại xạ trị là loại chữa trị tại chỗ, cắt bỏ hoặc diệt trừ ung thư.
Khi ung thư đã lan xa, việc chữa trị "tại chỗ" có thể dùng để giảm triệu
chứng.
Nội tiết tố giáp trạng, radioative iodine và hóa chất là những loại chữa trị
toàn thân. Những chất này theo máu luân lưu khắp cơ thể, diệt trừ tế bào ung
thư khắp nơi.

Trong bất cứ thời kỳ nào của ung thư, bác sĩ cũng có thể dùng những cách
chữa phụ, giảm đau, giúp bệnh nhân dễ chịu gọi là supportive care.
Nên thảo luận với bác sĩ về phản ứng phụ và việc chữa trị sẽ ảnh hưởng đến
sinh hoạt hàng ngày ra sao. Hóa chất và xạ trị thường gây hư hoại các tế bào
bình thường nên phản ứng phụ thường xảy ra. Phản ứng phụ không đồng
nhất cho mọi người, và có thể thay đổi từ lần chữa trị này sang lần chữa trị
khác.
Trước khi bắt đầu bác sĩ sẽ giải thích rõ ràng về việc trị liệu và phản ứng phụ
có thể xảy ra, và cách tiết giảm.
Trước khi chữa trị, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ những câu hỏi sau:
Chứng bệnh của tôi ở thời kỳ nào?
Tôi bị loại ung thư nào?
Làm thế nào để lấy bản sao của bản tường trình từ bác sĩ Bệnh Lý
(pathologist)?
Những cách chữa trị nào có thể dùng được? Bác sĩ đề nghị cách nào, lý do
tại sao? Các cách chữa trị có thay đổi không?
Tôi sẽ bị những biến chứng gì? Làm cách nào để giảm bớt những biến
chứng này?
Có biến chứng nào ảnh hưởng lâu dài hay không?
Cách chữa trị có ảnh hưởng nhiều đến đời sống hằng ngày hay không?
Có cuộc thử nghiệm lâm sàng nào cho chứng bệnh của tôi hay không?
Tôi có cần đi khám bệnh định kỳ thường xuyên không?
Giải phẫu
Giải phẫu là phương cách thông thường nhất để chữa trị ung thư tuyến giáp
trạng, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn thể tuyến giáp trạng tùy theo
loại tế bào, thời kỳ ung thư, kích thước khối u và tuổi tác của bệnh nhân.
Có hai cách giải phẫu chính:
a. Cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp trạng (total thyroidectomy): Ngoài tuyến giáp
trạng, bác sĩ cắt bỏ cả hạch bạch huyết ở cổ và đôi khi, cả những tế bào khác
quanh tuyến giáp trạng. Khi tìm thấy tế bào ung thư tại hạch bạch huyết có

nghĩa là ung thư đã lan ra những nơi khác trong thân thể. I-131 và ngoại
quang tuyến có thể cũng được sử dụng trong việc chữa trị những bệnh nhân
này.
b. Cắt bỏ một thùy (lobectomy) là cách để chữa trị một số bệnh nhân với loại
ung thư papillary hoặc follicular. Bác sĩ có thể cắt bỏ những tế bào chung
quanh hoặc cả hạch bạch huyết, I-131 và ngoại quang tuyến có thể cũng
được sử dụng trong việc chữa trị những bệnh nhân này.
Hầu như mọi bệnh nhân sau khi giải phẫu đều cần uống (thuốc) nội tiết tố
giáp trạng.
Nếu bác sĩ cắt bỏ cả tuyến cận giáp, bệnh nhân sẽ cần uống thêm calcium và
sinh tố D suốt đời.
Đôi khi, giải phẫu gây hư hoại thần kinh hoặc bắp thịt và tạo ra việc thay đổi
giọng nói hoặc vai cao vai thấp.
Trước khi giải phẫu, quý vị có thể đặt câu hỏi với bác sĩ:
-Bác sĩ sẽ thực hiện cách giải phẫu nào cho tôi?
-Có cần cắt bỏ hạch bạch huyết hay không? Tuyến cận giáp có phải cắt bỏ
không? Tại sao?
-Nếu đau đớn, có thể dùng thuốc gì?
-Tôi sẽ ở lại bệnh viện bao nhiêu lâu?
-Tôi có bị phản ứng phụ lâu dài hay không? Nhiễm trùng, sưng trướng, chảy
máu?
-Tôi có cần dùng nội tiết tố giáp trạng không? Nếu cần thì bao giờ bắt đầu?
Tôi có cần dùng thuốc suốt đời không?
-Khi nào thì tôi có thể trở lại sinh hoạt bình thường?
Nội tiết tố giáp trạng
Sau khi giải phẫu và dùng I-131, bệnh nhân cần nội tiết tố giáp trạng để thay
thế lượng nội tiết tố do cơ thể tạo ra. Tuy nhiên nội tiết tố cũng được dùng
để chữa trị ung thư tuyến giáp trạng loại papillary hoặc follicular. Nội tiết tố
khiến tế bào giáp trạng tăng trưởng chậm lại.
Nội tiết tố giáp trạng hiếm khi tạo phản ứng phụ. Bác sĩ sẽ thử máu thường

xuyên để thẩm định lượng nội tiết tố hiện diện trong máu. Quá nhiều nội tiết
tố giáp trạng sẽ gây xuống ký, gia tăng thân nhiệt và đổ mồ hôi, đôi khi đau
lồng ngực, vọp bẻ ở bắp thịt và tiêu chảy, những triệu chứng này gọi chung
là hyperthyroidism. Khi thiếu nội tiết tố giáp trạng, bệnh nhân sẽ lên ký, cảm
thấy lạnh, khô da và khô tóc, những triệu chứng này gọi chung là
hypothyroidism.
Hãy thảo luận với bác sĩ trước khi uống nội tiết tố giáp trạng:
- Tại sao tôi cần thuốc này?
- Thuốc này có công dụng gì?
- Tôi phải dùng thuốc bao nhiêu lâu?
Radioactive iodine (radioiodine therapy) Iodine chứa chất phóng xạ (I-131)
Iodine chứa chất phóng xạ (I-131) được dùng để chữa trị ung thư tuyến giáp
trạng loại papillary hoặc follicular. Chất này huỷ diệt tế bào ung thư và tế
bào giáp trạng bình thường còn sót lại sau khi giải phẫu. Loại thuốc này
được dùng với một lượng nhỏ nên không tạo phản ứng phụ với những người
bị dị ứng. I-131 thấm qua ruột non vào máu luân lưu khắp cơ thể rồi tích tụ
lại ở những tế bào giáp trạng. Những tế bào giáp trạng ung thư khắp nơi
trong cơ thể sẽ bị hủy diệt bởi I-131.
Khi lượng iodine thấp, bệnh nhân có thể uống thuốc tại nhà. Nếu cần dùng
một lượng iodine cao, bệnh nhân sẽ ở bệnh viện trong những phòng cách ly
để những người chung quanh không bị nhiễm chất phóng xạ. Lượng phóng
xạ sẽ giảm khỏi cơ thể trong vài ngày và hoàn toàn ra khỏi cơ thể trong 3
tuần lễ.
Trong thời gian chữa trị, bệnh nhân có thể bảo vệ bàng quan bằng cách uống
nhiều nước; uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải I-131 dễ dàng.
Một vài bệnh nhân bị buồn nôn, ói mửa trong ngày đầu tiên; vài người bị
sưng trướng tại tuyến giáp trạng. Khi ung thư lan xa, những vùng cơ thể
nhiễm ung thư có thể đau đớn.
Bệnh nhân có thể bị khô miệng hoặc mất vị giác trong một thời gian ngắn
sau khi dùng I-131, nhại kẹo cao su hoặc ngậm kẹo sẽ bớt khô miệng.

Nam bệnh nhân có thể bị hiếm muộn, phụ nữ cần ngừa thai một năm sau khi
chữa trị.
Một số nhỏ bệnh nhân bị ung thư nhiều năm sau khi dùng I-131.
Một lượng lớn I-131 cũng diệt tế bào giáp trạng bình thường, sau khi chữa
trị, bệnh nhân sẽ cần dùng nội tiết tố giáp trạng để bù cho việc cơ thể không
còn tiết ra nội tiết tố giáp trạng nữa.
Quý vị có thể đặt câu hỏi với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng I-131 để chữa trị:
-Tại sao tôi cần được chữa trị bằng loại thuốc này?
- Thuốc này có tác dụng gì?
-Tôi cần làm gì để tự chăm sóc trong khi chữa trị?
-Tôi có cần vào bệnh viện để chữa trị không? Nếu cần thì ở bệnh viện bao
lâu?
- Làm thế nào để bảo vệ thân quyến tôi? và trong thời gian bao lâu?
-Tôi có cần làm gì để sửa soạn cho việc chữa trị không? Tôi có cần tránh các
thức ăn uống chứa iodine không? Nếu cần thì tránh bao nhiêu lâu? Việc
chữa trị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày ra sao?
- Phản ứng phụ của I-131 là những gì? Tôi cần làm gì để giảm phản ứng
phụ?
- Trong tương lai, tôi có dùng I-131 nữa không?
Ngoại xạ trị
Dùng tia quang tuyến cao độ để đốt tế bào ung thư. Ngoại quang tuyến được
dùng tại nơi ung thư nên chỉ ảnh hưởng đến phần cơ thể đó. Ngoại quang
tuyến được sử dụng sau khi dùng I-131 không có kết quả, thường chữa 5
ngày mỗi tuần trong nhiều tuần lễ.
Hầu hết bệnh nhân được chữa trị tại bệnh viện, mỗi lần chữa trị chỉ kéo dài
vài phút. Phản ứng phụ thường tùy thuộc vào lượng phóng xạ sử dụng và nơi
chữa trị. Xạ trị tại cổ thường gây khô, rát miệng và cổ họng, khản tiếng, khó
nuốt; vùng da trên cổ bị nóng rát, tấy đỏ.
Nên thảo luận với bác sĩ về phản ứng phụ và việc chữa trị sẽ ảnh hưởng đến
sinh hoạt hàng ngày ra sao. Trước khi bắt đầu bác sĩ sẽ giải thích rõ ràng về

việc trị liệu và phản ứng phụ có thể xảy ra, và cách tiết giảm.
Quý vị có thể đặt câu hỏi với bác sĩ trước khi bắt đầu chữa trị:
- Mục đích của việc chữa trị là gì?
-Tôi cần báo cho bác sĩ biết về những phản ứng phụ nào?
- Có cách nào phòng ngừa không?
- Có phản ứng phụ lâu dài nào không?
- Khi nào thì bắt đầu? Bao lâu thì chữa trị xong?
-Tôi có cần làm gì để sửa soạn cho việc chữa trị không?
Hóa chất trị liệu
Bác sĩ dùng hóa chất để hủy hoại tế bào ung thư, thuốc theo máu luân lưu
khắp cơ thể nên được xem là một loại chữa trị toàn thân (systemic), tại tuyến
giáp trạng và khắp cơ thể. Đây là các chữa trị dùng cho ung thư loại
anaplastic và giảm triệu chứng cho các loại ung thư khác.
Thuốc được chích vào mạch máu, theo máu luân lưu khắp cơ thể diệt trừ tế
bào ung thư khắp nơi. Bệnh nhân có thể ở tại bệnh viện, trung tâm y tế văn
phòng bác sĩ, hoặc tại nhà.
Việc chữa trị ung thư thường gây hư hoại cho những tế bào lành mạnh, nên
thường có phản ứng phụ. Phản ứng phụ tùy thuộc vào loại và lượng thuốc sử
dụng. Hóa chất thường ảnh hưởng đến những tế bào tăng trưởng nhanh
chóng như tế bào lót màng nhày trong miệng. Phản ứng phụ thường thấy
nhất là buồn nôn, ói mửa, lở miệng, biếng ăn và rụng tóc. Các phản ứng phụ
này sẽ thuyên giảm và châm dứt sau khi hoàn tất việc chữa trị.
Trước khi chữa trị qúy vị nên đặt câu hỏi với bác sĩ:
- Mục đích của việc chữa trị là gì?
-Tôi cần báo cho bác sĩ biết về những phản ứng phụ nào?
-Có cách nào phòng ngừa không?
- Có phản ứng phụ lâu dài nào không?
Ý kiến thứ nhì
Trước khi bắt đầu việc chữa trị, quý vị có thể tham khảo một bác sĩ khác để
lấy ý kiến về chẩn đoán và chữa trị. Nhiều hãng bảo hiểm sẽ trả chi phí này

nếu quý vị hoặc bác sĩ yêu cầu.
Quý vị cần một thời gian để thu góp tài liệu, y sử, các kết quả thử nghiệm và
sắp xếp buổi tham khảo với một bác sĩ khác. Việc chờ đợi thường không ảnh
hưởng đến kết quả của việc chữa trị. Để an tâm hơn, quý vị có thể thảo luận
về việc chờ đợi này với bác sĩ của mình.
Nhiều cách để tìm một bác sĩ cho ý kiến thứ nhì: Hỏi bác sĩ của mình, hỏi
chi tiết tại bệnh viện, những tổ chức y tế địa phương, trường Y khoa… để
lấy tên một vị bác sĩ chuyên khoa.
Khám bệnh định kỳ
Bệnh nhân cần gặp bác sĩ để khám bệnh theo định kỳ. Ngay cả khi không có
dấu hiệu nào về ung thư tái phát, vẫn cần thăm bệnh vì mầm ung thư có thể
còn sót lại trong cơ thể. Báo cho bác sĩ biết nếu bị bệnh giữa những buổi
khám bệnh định kỳ. Ngoài ra, việc theo dõi lượng nội tiết tố giáp trạng rất
quan trọng, bác sĩ sẽ đo mực thyroglobulin trong máu (nội tiết tố giáp trạng
được dự trữ trong tuyến giáp trạng dưới hình thái thyroglobulin). Khi tuyến
giáp trạng bị cắt bỏ, lượng thyroglobulin sẽ rất thấp hoặc không có trong
máu. Khi tìm thấy một lượng thyroglobulin cao, có nghĩa là ung thư đã tái
phát.
Khoảng 6 tuần lễ trước khi đo lượng thyroglobulin, bệnh nhân phải ngừng
uống nội tiết tố giáp trạng và dùng một loại nội tiết tố có hiệu lực ngắn hạn.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần ngưng tất cả mọi loại nội tiết tố giáp trạng khoảng
một tuần lễ trước khi đo thyroglobulin. Việc này bệnh nhân rất mệt mỏi, lên
ký. Sau khi thử máu, bệnh nhân sẽ tiếp tục uống nội tiết tố giáp trạng để duy
trì cơ thể.
Bác sĩ có thể dùng TSH chích vào cơ thể. Nếu có tế bào giáp trạng còn sót
lại, các tế bào này sẽ tạo ra thyroglobulin và lượng thyroglobulin sẽ lên cao
trong máu. Bệnh nhân dùng TSH sẽ không cần ngưng uống nội tiết tố giáp
trạng.
Bệnh nhân được chữa trị chứng medullary sẽ cần thử nghiệm mức calcitonin
và các chất khác trong máu.

Ngoài việc thử máu, việc khám bệnh có thể bao gồm:
- Siêu âm tại cổ để tìm dấu vết ung thư
- Scan toàn thân, bệnh nhân ngưng dùng nội tiết tố giáp trạng trong nhiều
tuần lễ hoặc dùng TSH. Bệnh nhân cần ngưng ăn tôm cua (chứa nhiều
iodine) trong 1-2 tuần lễ trước khi scan. Bác sĩ chích một lượng nhỏ chất
phóng xạ, tế bào ung thư sẽ thu nhận chất phóng xạ, và scan sẽ nhận ra
những nơi có tế bào ung thư.
- PET scan: Bác sĩ chích một lượng nhỏ đường phóng xạ, tế bào ung thư
dùng đường phóng xạ nhiều hơn tế bào bình thường, và scan sẽ nhận ra
những nơi có tế bào ung thư.
- CT scan và MRI
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng rất quan trọng trong mọi giai đoạn, trước khi, trong khi và sau
khi chữa trị ung thư. Bệnh nhân cần một lượng đầy đủ calorie, protein, sinh
tố, và khoáng chất. Khi cơ thể được bồi bổ đúng mức, bệnh nhân thường
cảm thấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống vì nhiều
nguyên nhân, mệt mỏi, biếng ăn hoặc khó nuốt thức ăn. Khi dùng hóa chất
trị liệu, bệnh nhân có thể không còn nếm được thức ăn, hoặc cho rằng thức
ăn không còn hương vị, thơm ngon như trước. Bệnh nhân cũng có thể chịu
các phản ứng phụ như biếng ăn, buồn nôn, ói mửa, hoặc tiêu chảy.
Có nhiều cách để bồi bổ cơ thể khi không thể ăn uống đầy đủ. Hãy thảo luận
với chuyên viên về dinh dưỡng (registered dietitian) để chọn cách dinh
dưỡng thích hợp với đầy đủ calorie, protein, sinh tố (vitamins), và khoáng
chất (minerals).
Khi có thể, nên duy trì sự hoạt động, đi bộ, yoga, bơi lội hoặc những hoạt
động khác có thể gia tăng năng lực. Nên thảo luận với bác sĩ về việc vận
động cơ thể và báo cho bác sĩ biết khi việc vận động gây đau đớn.
Những nguồn trợ giúp
Chứng bệnh nan y như ung thư có thể thay đổi cuộc sống của người bệnh và

cả thân nhân. Những thay đổi này khó thích nghi và chấp nhận, nên điều dễ
hiểu là bệnh nhân cũng như những người thân yêu thường trải qua những
giai đoạn khó khăn, phân vân, bất an, buồn rầu.
Người bệnh có thể lo âu về gia đình, công việc làm, hoặc sinh hoạt hàng
ngày kể cả việc chịu đựng và thích nghi với việc trị bệnh, những chuyến ra
vào bệnh viện, phản ứng phụ và những phí tổn trị liệu.
Sống với căn bệnh nan y, người bệnh thường sợ hãi, tự trách, giận dữ hoặc
buồn rầu. Những cảm tính này sẽ khiến đời sống nặng nề buồn thảm hơn.
Bệnh nhân có thể tìm những nguồn trợ giúp chia sẻ qua bạn hữu, thân nhân,
chuyên viên tâm lý hoặc cả những bệnh nhân khác.
Nguồn trợ giúp có thể bao gồm:
Bác sĩ, y tá, những chuyên viên trong nhóm trị liệu có thể trả lời hầu hết
những câu hỏi liên quan đến bệnh trạng. Chuyên viên xã hội, chuyên viên
tâm lý hoặc những vị lãnh đạo tôn giáo có thể giúp đỡ phần tinh thần.
Chuyên viên xã hội có thể giới thiệu hoặc chỉ dẫn những nguồn tài trợ, việc
chuyên chở, trị liệu tại nhà…
Những nhóm trợ giúp: bệnh nhân và người thân gặp gỡ các bệnh nhân khác
và thân quyến họ để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về căn bệnh và việc
chữa trị. Những nhóm trợ giúp này có thể gặp gỡ qua sự họp mặt, điện thoại,
hoặc qua internet.
Các chuyên viên tại 1-8-4-CANCER (điện thoại miễn phí trên lãnh thổ Hoa
Kỳ) có thể giúp bệnh nhân tìm những chương trình trợ giúp, dịch vụ và các
tin tức, tài liệu liên quan đến ung thư.
Sự hứa hẹn của ngành khảo cứu ung thư

×