Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

BÌNH ĐỊNH - Tây Sơn địa linh - Hữu Vinh pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (174.75 KB, 6 trang )

Tây Sơn địa linh - Hữu Vinh
Ấp Tây Sơn, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn:
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Theo sách Nhà Tây Sơn của Quách
Tấn-Quách Giao, ấp Tây Sơn gồm phần đất An Khê và Bình Khê. Ngày nay,
vùng đất này được kéo dài từ huyện An Khê (Gia Lai) đến huyện Tây Sơn
(Bình Định) và được phân chia làm ba phần: Tây Sơn thượng đạo (vùng An
Khê), Tây Sơn trung từ chân đèo An Khê đến vùng Hữu Giang, Tả Giang (Tây
Sơn), Tây Sơn hạ đạo thuộc các xã phía đông huyện Tây Sơn đến giáp giới
huyện An Nhơn.
Vào thời khởi nghĩa Tây Sơn (khoảng 1771) vùng đất này không chỉ dân
cư thưa thớt, núi rừng chiếm ngự; mà còn là vùng tiếp giáp của đông Trường
Sơn núi non trùng điệp với đồng bằng, nhiều nhánh của dãy Trường Sơn hùng
vĩ đâm ra biển. Dòng sông Côn phát nguyên từ dãy Trường Sơn len lỏi qua núi
rừng, đồng bằng, chia ấp Tây Sơn ra làm hai nửa và thoát ra biển Quy Nhơn
qua cửa Thị Nại. Có thể nói đây là vùng núi sông hùng vĩ, nhiều ngọn núi cao
lớn trông đồ sộ, hiên ngang. Ở vùng đèo An Khê có núi Hiển Hách, đó là một
danh sơn có nhiều cây gỗ quí. Đèo An Khê xưa gọi là đèo Vĩnh Viễn, cao 740
m và dài trên 10 cây số chạy từ tây xuống đông. Trước kia, khi quốc lộ 19 chưa
mở, đèo chỉ là con đường nhỏ, có nhiều dốc ngược quanh co, lởm chởm đá, có
khúc phải dạng hai chân mà leo mới khỏi té, nên gọi là dốc Chàng Hảng. Dưới
dốc này có một cái ngoẹo tên gọi ngoẹo Cây Khế, vốn có một cây khế rất sai
quả, khách qua đèo thường dừng chân nghỉ ngơi. Cách ngoẹo Cây Khế chừng
trăm thước có cây ké, cây cầy cổ thụ tàn cao, bóng cả. Chuyện kể rằng, có lần
Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân qua đây bỗng thấy trước mặt có hai con rắn mun
to lớn lạ thường ra chặn đường, không ai dám đi qua. Nguyễn Huệ bèn chắp tay
khấn: "Nếu quỉ thần có phù hộ tôi để tôi dựng lên nghiệp lớn, thì xin tránh
đường cho tôi đi. Bằng không thì cắn chết tôi, chứ đừng hại những người theo
tôi". Lạ thay, Huệ vừa khấn xong hai con rắn cúi xuống ngậm một thanh đao
cán đen mun, lưỡi sáng như nước, kính cẩn dâng cho Nguyễn Huệ, rồi bò vào
bụi cây biến mất. Thanh đao đó được Nguyễn Huệ gọi là Ô Long Đao và
thường dùng lúc ra trận. Nhớ ơn rắn thần dâng đao, Nguyễn Huệ sai người


dựng ngôi miếu nơi chân đèo, tục gọi là Miếu Xà.
Từ chân đèo An Khê trở xuống Tây Sơn Trung cũng có nhiều ngọn núi
trông hùng vĩ. Trong đó, có núi Ông Bình tuy không cao lắm nhưng cây cối rậm
rạp có vẻ bí hiểm. Mới nhìn tưởng không có đường vào, nhưng thực ra có nhiều
nẻo vào ra thông thương với các ngọn núi xung quanh. Đối diện hòn Ông Bình
có hòn Ông Nhạc khí thế cũng rất hùng hiểm. Từ hai ngọn núi này núi chạy
từng từng, lớp lớp vào hướng nam và đông nam với các núi Màn Lăng, Bà Phù,
còn gọi là hòn Nhật, hòn Nguyệt. Từ Tây Sơn Trung xuôi xuống Tây Sơn Hạ
gặp dãy Hoành Sơn chắn ngang. Dãy Hoành Sơn tuy chỉ cao trên 350 thước, có
dòng Côn men theo nên là đại địa. Không những thế, trên dãy núi này có nhiều
hòn núi nhỏ với các tên hòn Bút, hòn Nghiên, hòn Ấn, hòn Kiếm Trước mặt
núi còn có nhiều gò đất nhỏ mọc giăng hàng như đội ngũ quân lính, xa xa có
long bàn, hổ phục Từ Hoành Sơn càng chạy về phía nam núi càng cao, có
ngọn cao ngàn thước. Đó là phía nam sông Côn, còn phía bắc sông Côn vùng
Tây Sơn Trung cũng có nhiều ngọn núi cao lớn như hòn Ngăn, hòn Bong Bóng
(Vĩnh Thạnh). Phía đông hòn Ngăn cách một dòng suối có hai ngọn núi cao
ngất, song song như hai răng nanh, đó là hòn Vỏ Cá, Đa Két và nhiều núi thấp
hơn như Bạc Má, Nước Đỏ
Khi đến Tây Sơn Hạ núi không còn liền dãy nữa, chỉ có hòn Trưng Sơn
(Phú Lạc) cao nhất vùng (442 thước) trông rất khôi hùng. Nhìn gần giống con
bò đực sung sức, nên người dân trong vùng quen gọi Hòn Sung, ở xa trông
giống như ngọn bút, cùng với Hòn Nghiên bên kia sông Côn làm "bạn văn
chương". Ngoài ra, trên sườn núi còn có nhiều u nổng nổi lên, có chín u trông
rõ, gọi là "cửu diệu tinh" với các tên gọi: độc xỉ sơn, độc nhũ sơn Từ hòn
Trưng Sơn, các mạch núi khác chạy thẳng xuống hướng đông đến hòn Mạ
Thiên Sơn, tục gọi hòn Mò O nằm giữa An Nhơn và Phù Cát. Cùng với các
mạch núi chính, nổi lên giữa các cánh đồng, thôn xóm còn có các hòn núi đất
như Hương Sơn, Trà Sơn, Khánh Long, Chà Rang Mỗi hòn núi đều có dáng
thế khác nhau, hòn Hương Sơn giống như con chó nằm ngủ, Trà Sơn, Khánh
Long thì giống như hai con cừu, còn Chà Rang có nhiều cây chà là, đến mùa

trái chín người ta rủ nhau lên núi hái chà là đông vui.
Nói tóm lại, về hình thể vùng Tây Sơn Thượng núi non trùng điệp, nhiều
ngọn núi cao liền mạch như thế tựa phía sau lưng vững chắc. Từ đỉnh đèo An
Khê có thể nhìn xuống Tây Sơn trung với tả, hữu ngạn sông Côn thế núi non
trải dài chập chùng mờ trong sương khói, dòng Côn giang uốn lượn, đồng bằng
thoáng đãng, trù phú, đây đó mọc lên những hòn núi đất như điểm xuyết thêm
nét đa dạng của sông núi. Đại thể địa linh vùng Tây Sơn là thế, nhưng ảnh
hưởng của nó là cả vùng đất Bình Định. Có lẽ với địa linh như vậy, nên từ thời
các vua Chăm Pa đã xây dựng thành Đồ Bàn (An Nhơn - giáp với huyện Tây
Sơn) và những cụm tháp Chàm còn tồn tại đến ngày nay. Khi nhà Tây Sơn khởi
nghĩa thành công đã cho xây thành Hoàng Đế, đến nhà Nguyễn xây thành Bình
Định, rồi đến các phong trào kháng Pháp như Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đèo An Khê là nơi anh hùng Ngô
Mây ôm bom cảm tử. Con đường 19 nối liền đồng bằng Bình Định với Tây
Nguyên qua Tây Sơn cũng là nơi diễn ra chiến dịch Át-Lăng mồ chôn giặc
Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 19 là con đường chết của giặc Mỹ
và quân đánh thuê Nam Triều Tiên. Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, từ
con đường 19, đèo An Khê - nơi ngày nào rắn thần dâng đao cho Nguyễn Huệ,
đến Phú Phong (Tây Sơn) đã trở thành điểm "thác đổ triều dâng", quân giải
phóng đã cầm chân và nhấn chìm sư đoàn 22 ngụy, để khi chúng xuống tới Quy
Nhơn chỉ còn là tàn quân.
Địa linh sinh nhân kiệt là thế!

Theo dấu cổ thành - Lê Viết Thọ
Đồ Bàn - Hoàng Đế, những tên gọi ấy gắn với những bước đi thăng trầm
của lịch sử trên cùng một mảnh đất: thành Đồ Bàn của Champa trong giai đoạn
Vijaya, được xây dựng từ cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI và tồn tại cho đến thế kỷ
XV, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn)…
Tôi khẽ từ từ chạm tay lên vách tường cổ đỏ au trong lòng tháp. Thời
gian, đó là những bước chân của gió và cát, đọng lại thành những vết lở loét

hiện hình trên từng phiến gạch. Màu thời gian, chỗ đỏ - phơi mình mà đỏ, chỗ
xạm đen - dấu vết của nghi lễ chăng? Và đây nữa, những dấu rêu phong còn in
hằn trên từng phiến thạch. “Đừng quá triền miên trong lòng tháp” - tôi nhớ lại
lời khuyên của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam và bước chân ra ngoài
đỉnh đồi để ngắm nhìn tháp Cánh Tiên bay trên nắng cổ thành Đồ Bàn.
Tháp Cánh Tiên có thể là dấu vết còn của một quần thể kiến trúc đậm đặc
tháp mang phế tích hãy còn đây đó trong thành. Vươn cao 20m trên đỉnh đồi,
tháp Cánh Tiên như một sự bứt phá trên tầm cao không gian, như một lời khẳng
định về bản lĩnh và sức sáng tạo của con người. Toàn thân tháp là cả một hình
khối mạnh mẽ, từng chi tiết cũng như muốn thu mình, đột phá, đầy ấn tượng.
Những cột ốp nổi dọc theo mặt tường thành mảng lớn, các vòm cửa vươn cao
hình mũi giáo. Bốn tầng tháp, mỗi tầng có 4 tháp góc, mỗi góc lại có những
tầng nhỏ, tạo dáng như lá lật nhỏ dần về phía trên. Bệ đỡ cho các tháp góc là bộ
diềm mái, và đỡ cho bộ diềm mái là một hệ thống đá điểm góc, trang trí nhiều
lớp. Maraka đá ở góc tháp tạo cho Cánh Tiên hình thù bề thế, sang trọng mà
huyền bí. Tất cả tạo thành một cảm giác như những đôi cánh đang bay lên; vừa
thanh thoát, nhẹ nhàng, lại vừa duyên dáng, huyền diệu, như một người con gái.
Với tài sáng tạo của con ngươi, từ một công trình tôn giáo, tháp đã thành một
tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, vươn xa trong những chân trời thẩm mỹ và
tâm linh và được đánh giá là tiêu biểu cho phong cách Bình Định, có niên đại
nửa sau thế kỷ XI, đầu XII, nằm trong giai đoạn lịch sử từ triều Harivarman IV
(1074-1081) đến triều Harivarman V (1113-1139).
Không chỉ một lần tôi đã đến Cánh Tiên, và đã để rối lòng mình bằng
những đánh giá khác nhau. Tôi đã bị ám ảnh quá sâu bởi những đánh giá nặng
nề về phong cách Bình Định “khung hướng đi đến chỗ đơn giản hóa và đến chỗ
nghèo nàn”, “đều là những công trình kỳ lạ và không đẹp lắm” (Ph.Stern, nhà
khảo cổ học Pháp). Cho đến một lần, đến Cánh Tiên vào chiều tà, khi những tia
nắng vàng cuối cùng vương trên nền tháp đỏ au, tôi đã tìm được câu trả lời cho
mình. Cả khối tháp như tung cánh, thanh khiết lạ kỳ. Tưởng như, mọi khối hình
đất, đá đang cất mình, thoát khỏi cái trọng lượng nặng trĩu, bay lên trong không

gian.
Chao ôi, Ph.Stern đã quá nặng lòng với các phong cách tiền Bình Định.
Bởi tháp Chăm lúc này, không chỉ mang nhiệm vụ là nơi để thờ cúng, mà còn là
dấu hiệu về sự trưởng thành của một vương quốc. Tháp vươn lên đồi cao, như
để sánh với núi Meru huyền thoại. Và tất cả các chi tiết đều phải co lại, phải
gồng mình lại, để nổi lên thành hình khối, gân guốc, mạnh mẽ.
Buông tầm mắt ra xa, bên những nếp nhà của cư dân cổ thành, những
làng nghề truyền thống của đất kinh xưa quần tụ với một mật độ khá đậm. Và
kia nữa, những dấu tường thành còn thấp thoáng: thành Đồ Bàn - Hoàng Đế.
Theo sử cũ, thành xưa “thành vuông, mỗi bề dài một dặm. Có bốn cửa,
trong có điện, có tháp. Điện đã đổ, tháp còn 12 toà, còn gọi là tháp Con Gái”
(Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư) mà dấu xưa của nó ẩn dưới lớp thành Hoàng Đế,
nơi mà năm 1776 Nguyễn Nhạc “nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành
Đồ Bàn, đào lấy đá ong xây dựng thành luỹ, mở rộng cung điện” (Lê Quý dật
sử). Dưới ba cạnh bắc, tây, nam hiện đã được thành Hoàng đế phủ lên và cạnh
đông và cạnh bắc một phần đã được xây dựng lại là những dấu tích liên quan
đến lịch sử của mảnh đất này mà chưa từng được khai quật khảo cổ học. Hẳn
nhiên, dưới từng viên gạch kia, từng lớp đất đá kia, là trầm tích lịch sử, tiềm ẩn
nhiều khám phá mới, đón chờ các nhà khoa học.
Tử Cấm Thành, lăng Võ Tánh, một dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, đã
nhuốm màu hoang phế bởi sự khắc nghiệt của thời gian. Những sư tử đá bờm to,
dữ tợn, căng tròn sức sống; những con voi tròn lẳn, khỏe khoắn tạo ấn tượng
trang nghiêm, vừa hiện thực, vừa mang dáng vẻ quyền quý, vương giả. Những
bức tượng như một sự hiện hình của phong cách Bình Định thông qua ngôn ngữ
của điêu khắc. Những đôi mắt tượng tròn, to, như vừa dõi bước chân người,
như đang trong một lời ướm hỏi, rằng phải chăng những triều đại đã đi qua,
những đô thị đã biến mất, chỉ văn hóa là còn lại. Văn hóa, đó là cái con người
có thể nhìn thấy bằng tâm thức.
“Cái gì chẳng thể mất được nó vẫn tồn tại mãi mãi với thời gian” - tôi bắt
gặp những dòng này trong phần cuối Đồ Bàn thành ký (Nguyễn Văn Hiển). Đồ

Bàn cũng như những giá trị văn hoá đích thực khác, sẽ còn tồn tại mãi với thời
gian như những thông điệp của người muôn năm trước trao truyền cho nghìn
thế hệ sau. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là lưu giữ, “nối nghìn xưa với
nghìn sau”.
Một chuyến xe ngựa lộc cộc, rảo qua những con đường của đất kinh xưa,
đưa du khách đến với những làng nghề đất Vua, rảo qua những đền - tháp Chăm,
rồi thưởng ngoạn những hương vị ẩm thực của đất kinh xưa; ta dừng bước chân
trên cổ thành Đồ Bàn vào một đêm trăng, cái ánh trăng đã từng ám ảnh các thi
nhân Bình Định, cái ánh trăng đã góp phần làm nên một trường thơ loạn ghi
danh trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Tại sao không?

×