Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Tiếp tục giữ vững các thành quả của tiêm chủng mở rộng docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.63 KB, 7 trang )

Tiếp tục giữ vững các thành quả của
tiêm chủng mở rộng
Mặc dù phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhiều chiến lược lớn
trong năm 2010, song hoạt động tiêm chủng mở rộng (TCMR)
trên cả nước vẫn duy trì bền vững những thành quả của mình,
khẳng định sự thành công của một chương trình y tế quốc gia
có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội.
Tiêm chủng trở thành nhu cầu không thể thiếu của cộng đồng
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ
Trung ương, Chủ nhiệm Dự án TCMR quốc gia cho biết, năm
2010 đánh dấu nhiều nhiệm vụ quan trọng của hoạt động TCMR
trên cả nước, đó là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm giai đoạn
2006-2010; năm thứ 10 tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại
liệt trong khi virut bại liệt vẫn còn lưu hành và là năm thứ 5 duy trì
thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh; triển khai vaccin mới (vaccin 5
trong 1) và tổ chức Chiến dịch tiêm bổ sung vaccin sởi cho trẻ em
từ 1-5 tuổi; thực hiện lịch tiêm chủng mới… Phải trải qua không ít
khó khăn, song trong năm qua, TCMR đã hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ của mình. Đó là tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới
1 tuổi đạt trên 90%, tiêm vaccin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ
nữ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi những vùng có nguy cơ uốn ván sơ
sinh) tiếp tục duy trì.
Sau 10 năm công bố thanh toán bại liệt, Việt Nam vẫn giữ vững
thành quả này, cùng với đó là thành công trong việc duy trì loại trừ
uốn ván sơ sinh sau 5 năm được cộng đồng quốc tế công nhận. Tỉ
lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà cũng giảm đi rõ rệt. Trong năm
2010, TCMR đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm vaccin sởi bổ
sung cho 7 triệu trẻ em từ 1- 5 tuổi trên cả nước, nhằm có được
miễn dịch bền vững với căn bệnh này để tiến tới loại trừ vào năm
2012. Phạm vi bao phủ của vaccin viêm não Nhật Bản ngày càng
mở rộng, Việt Nam cũng sản xuất thành công 10 vaccin sử dụng


trong TCMR. Được sự tài trợ của GAVI (Liên minh Vaccin và
Tiêm chủng toàn cầu) lần đầu tiên vaccin Hib được đưa vào
TCMR ở Việt Nam và trở thành vaccin thứ 11 được sử dụng miễn
phí cho trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu
không có vaccin này thì hằng năm Việt Nam có tới hàng trăm
nghìn trẻ mắc viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib,
trong đó hàng nghìn trẻ có thể tử vong.

Tiêm chủng cho trẻ em ở Tây Nguyên.
Đánh giá cao sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế
Song song với những hoạt động trên, công tác giám sát bệnh trong
TCMR được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Các phòng thí
nghiệm virut bại liệt, sởi đã thực sự đóng góp quan trọng cho công
tác phát hiện sớm bệnh để đề xuất các biện pháp can thiệp thích
hợp, kịp thời không để dịch lan rộng.
Khẳng định sự an toàn của các vaccin trong TCMR, PGS.TS. Lê
Văn Phủng - Viện trưởng Viện Kiểm định quốc gia vaccin và sinh
phẩm y tế cho biết, tất cả vaccin được sử dụng tại Việt Nam được
kiểm định nghiêm ngặt, khoa học từ quá trình sản xuất, nhập khẩu
đến tận từng bàn tiêm, mũi tiêm. Để giảm thiểu tối đa những phản
ứng phụ sau tiêm, các bậc cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng theo
đúng lịch và thực hiện tốt những khuyến cáo của TCMR.
Đánh giá những thành quả đạt được của TCMR trong thời gian
qua, GS.TS. Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định,
TCMR là một trong những chương trình y tế quốc gia thành công
nhất, sau 25 năm đi vào cuộc sống, TCMR đã làm thay đổi cơ cấu
bệnh tật ở trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, tác động mạnh
mẽ đến kinh tế - chính trị - xã hội. Ngành y tế đánh giá cao sự hỗ
trợ của các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO, GAVI, PATH…,
đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chương trình này.

Vẫn còn nhiều thách thức cho những người làm tiêm chủng
Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, trong năm qua, do nhiều lý do
khác nhau, việc cung cấp vaccin chậm từ một số đơn vị sản xuất
vaccin trong nước như vaccin viêm gan B, vaccin viêm não Nhật
Bản, vaccin DPT làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả tiêm
chủng. Giá vaccin sử dụng trong Chương trình TCMR tăng cao và
phê duyệt giá muộn. Chương trình TCMR rất mong muốn bao phủ
vaccin viêm não Nhật Bản trên phạm vi cả nước nhưng do kinh phí
còn hạn hẹp nên chưa thực hiện được. Năm 2010 là năm đầu tiên
triển khai vaccin phối hợp “5 trong 1” nên việc thực hiện, thống kê
báo cáo còn gặp nhiều khó khăn.
Một thách thức rất lớn đối với TCMR tại các tỉnh miền núi, vùng
sâu, vùng xa, vùng khó khăn chính là chất lượng dịch vụ của hoạt
động này. Đội ngũ cán bộ làm công tác TCMR nhiều nơi không ổn
định, hay bị thay đổi nhiều, còn thiếu và yếu cũng dẫn đến việc
quản lý đối tượng tiêm chủng chưa tốt, vẫn còn tồn tại những
trường hợp trẻ bỏ mũi tiêm, phụ nữ mang thai chưa tiếp cận được
với vaccin phòng uốn ván.
Sau những thành công của TCMR có nhiều người cho rằng Việt
Nam đã làm quá tốt về tiêm chủng, dẫn đến chủ quan, giảm sự
quan tâm và đầu tư đối với hoạt động này. Trong khi những bệnh
đã thanh toán, loại trừ vẫn có nguy cơ quay trở lại, nhiều bệnh
truyền nhiễm khác đang rất cần được đưa vào TCMR. Các chuyên
gia khẳng định, vaccin là một sự lựa chọn an toàn và chất lượng
đối với tất cả mọi người, thành công của hoạt động tiêm chủng trên
khắp thế giới đã mang lại hiệu quả to lớn về sức khỏe, sự phát triển
thể chất của trẻ, giảm chi phí xã hội cho y tế, chỉ riêng việc thanh
toán bệnh bại liệt đã giúp cho chính phủ của các quốc gia tiết kiệm
được 1,5 tỷ USD mỗi năm.


Bài và ảnh: Lê Hảo

×