Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

MAY MẮN HAY THỰC TÀI? doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (92.63 KB, 7 trang )

MAY MẮN HAY THỰC TÀI?
May mắn là một phần của cuộc sống và mỗi người thỉnh thoảng trong đời đều có cơ hội nhận
được nó. Nhưng may mắn lại rất quan trọng trong đời sống kinh doanh và có lẽ là phần quan
trọng nhất trong đời sống doanh nhân. Đã là doanh nhân thì tối thiểu phải tin vào vận may.
Nhưng sẽ tốt hơn nếu họ nhận biết được khi nào thì vận may mỉm cười. Và rồi theo thời gian,
những doanh nhân giỏi có thể học được cách tự tạo vận may.
May mắn trong kinh doanh khác với may mắn lặt vặt trong đời sống như việc bạn nhặt được
20 đôla ai đó đánh rơi trên vỉa hè. May mắn trong kinh doanh được gọi bằng một mỹ từ là “có
tài”. Không ai nghĩ là một người cần tài cán gì để nhặt được 20 đôla trên vỉa hè. Nhưng khi người
ta gặp may trong kinh doanh, họ lại tin tuyệt đối rằng không chỉ là may mắn mỉm cười với họ,
thành công của họ là nhờ vào tài năng sáng chói. Sát thủ số một của những người khởi nghiệp
chính là việc lẫn lộn giữa may mắn với có tài. Bạn phải có đủ tính khiêm nhường để phân biệt hai
từ này.
Thách thức lớn nhất là mọi người, từ báo chí, các cổ đông, đồng nghiệp, đến cha mẹ, người
thân, đều “chăm chỉ” thuyết phục bạn điều ngược lại. Họ sẽ ra rả vào tai bạn: quả thật bạn là
thiên tài, bạn xứng đáng được khen tặng từ những thành công kỳ diệu của công ty. Vì sao vậy?
Bởi vì đối với họ, bạn là:
1. Nguồn cung ứng công việc
2. Nguồn cung cấp tiền bạc
3. Ông chủ
4. Người yêu
5. Niềm tự hào và nguồn vui.
Với những mối quan hệ như vậy, họ sẽ chẳng được gì nếu nói thẳng cho bạn biết sự thật
phũ phàng: Thành công của doanh nghiệp mà bạn gầy dựng có lẽ chỉ là do “chó ngáp phải ruồi”.
Khác biệt thứ hai giữa “may mắn trong kinh doanh” và “may mắn trong đời sống hàng ngày”
là cái trước có thể được tạo ra, còn cái sau chỉ hy vọng vào cầu nguyện. Bạn không thể nuôi
chí lớn để có thể nhặt được 20 đôla trên hè phố, nhưng bạn có thể gầy dựng một công ty gặp
may thường xuyên hơn một công ty bình thường. Quả thật cũng có một công thức nghe có vẻ
khoa học cho việc tạo ra cái gọi là may mắn trong kinh doanh với yếu tố then chốt là: Những điều
may mắn xảy đến với những doanh nhân khởi sự công ty có triết lý kinh doanh tốt, có đạo lý và
luôn sáng tạo.


Vì sao?
Vì nhiều người tài sẽ tập trung vào các công ty có những phẩm chất này, nhưng hóa ra chỉ
có vài công ty hiếm hoi như thế thôi. Đa số người giỏi và thông minh thích dành thời gian trong
một môi trường tích cực để đóng góp tốt hơn cho xã hội khi có cơ hội, thay vì tốn thì giờ trong
một môi trường tiêu cực gây phương hại cho cuộc sống. Bạn có thể ngạc nhiên nhưng tôi chắc
đó là sự thật.
Và khi những con người tài ba và nhiệt huyết đến với một công ty có triết lý kinh doanh tốt,
có đạo lý và luôn sáng tạo, họ sẽ cống hiến hết mình. Khi những con người thông minh, đầy
nhiệt huyết làm việc chăm chỉ, nhiều điều bất ngờ sẽ xảy ra cho công ty, có cái tốt, có cái không
tốt. Vì không một ai hoạch định trước điều bất ngờ nhưng có lợi sẽ đến, nên khi xảy ra thì chúng
được phủ một lớp vỏ có tên gọi là “may mắn”. Nói cách khác, phương pháp hay nhất để chắc
chắn vận may đến là hãy để cho nhiều sự việc xảy ra. Đơn giản thế thôi!
Để áp dụng công thức này, người chủ doanh nghiệp cần thực hiện hai nhiệm vụ:
1. Tạo ra một môi trường thu hút những con người có tài
2. Đủ khôn ngoan tránh đường để vận may đến.
Doanh nhân giỏi chẳng may mắn và cũng chẳng quá tài giỏi. Họ chỉ đủ tài để nhận ra khi nào
thì họ may mắn! Đó là một sự phân biệt tinh tế nhưng rất quan trọng.
Dĩ nhiên, những công ty tầm thường về ý tưởng, kém cỏi về triết lý kinh doanh cũng được
nhiều người khởi sự nên. Những con người này cùng với doanh nghiệp của họ thất bại vì may
mắn không đến với họ, chứ không phải vì thiếu kỹ năng làm chủ doanh nghiệp. Trước hết, những
công ty có “số phận đen đủi” này thiếu hẳn một ý tưởng thú vị hay có giá trị, do chủ doanh nghiệp
chỉ muốn vơ tiền cho đầy túi mà thôi. Chẳng trách gì những người tài giỏi sẽ không đến với họ để
cùng tạo ra vận may.
Tuy nhiên, một công ty có triết lý kinh doanh tốt, có ý tưởng sáng tạo lại không do mô hình
hoạt động của công ty quyết định, mà là do cách truyền thông sứ mạng công ty của người chủ
doanh nghiệp. Một chủ doanh nghiệp tạo được sức hút và đam mê khi nói về sứ mạng của công
ty mình, sẽ tạo ra một môi trường thu hút người tài và tạo cho họ hưng phấn cống hiến ngay từ
đầu. Đó chính là cách vận may kéo đến.
Tripod kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo cho các khách hàng như Ford và Visa. Đó là mô
hình kinh doanh của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi luôn mô tả cho đồng nghiệp sứ mạng của Tripod là

tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành truyền thông, cho phép mọi người xuất bản tri thức và
thông tin đến toàn thế giới bằng cách dùng phần mềm Homepage Builder của Tripod. Thế là chỉ
sau một đêm, câu chuyện, quan điểm, ý kiến của một cá nhân, nhóm người hay một nền văn hóa
được lan tỏa đến mọi người. Tôi tuyên bố trong công ty: “Tripod ra đời không phải chỉ để kiếm
tiền. Chúng ta tham gia cuộc chiến quan trọng nhất để hiện thực hóa Tu chính án đầu tiên của
Hiến pháp Mỹ”. (Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ - First Amendment - bổ sung 6 quyền,
trong đó có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ND)
Mezze, chuỗi nhà hàng do tôi đồng sáng lập sau này tại Berkshire Hills, Massachusetts, phục
vụ thức ăn và đồ uống cho dân địa phương và du khách đến từ thành phố New York và Boston.
Đó là mô hình kinh doanh của chúng tôi. Nhưng sứ mạng của Mezze lớn hơn nhiều: đặt ra một
chuẩn mực về chất lượng và cách phục vụ cho tất cả các đơn vị bán lẻ tại Berkshire. Tôi bảo với
nhân viên rằng: Nếu các bạn làm việc chăm chỉ để hoàn thiện Mezze, chúng ta sẽ đặt chuẩn cao
cho mọi người. Và nếu làm thế chúng ta sẽ cùng nhau thu hút nhiều du khách hơn đến với nơi
bé nhỏ này của thế giới.
Village Ventures, công ty đầu tư vốn mạo hiểm do tôi đồng sáng lập năm 2000, kiếm tiền
bằng cách tận dụng tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu vốn, làm cho vốn mạo hiểm chỉ tập
trung ở một ít thành phố lớn. Đó là mô hình kinh doanh của chúng tôi. Nhưng sứ mạng của
Village Ventures thì khác: tạo điều kiện cho doanh nhân có thể khởi sự ngay trên mảnh đất mà
họ muốn cư trú. Thay vì phải đổ xô lên Boston hay San Francisco để tìm vốn mạo hiểm, các
doanh nhân tại Boise, Idaho, Providence, Rhode Island có thể nhận vốn từ Village Ventures,
ngay tại quê nhà của họ, từ đó họ gầy dựng nên công ty ở nơi mà gia đình họ sinh sống.
Những sứ mạng như của Tripod, Mezze và Village Ventures tạo ra “sức hút của chính nghĩa”,
một loại thần dược cuốn hút nhân tài và tạo cảm hứng cho họ. Chính nghĩa là từ hiếm được
dùng trong thế giới kinh doanh hiện đại, nhưng đó là điều mà mọi người khao khát nhất trong
công việc. Và trong kinh doanh, không gì chính nghĩa bằng một công ty có triết lý kinh doanh tốt,
có đạo lý và luôn sáng tạo, với sứ mạng được lan truyền một cách đầy đam mê và quyến rũ. Mục
đích chính của các công ty mà tôi đề cập ở trên không phải là kiếm tiền, mà là để bảo vệ Tu
chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ và tạo ra công ăn việc làm ở những nơi còn khó khăn. Mọi
người yêu thích điều đó. Một điều không phải ai cũng tin nhưng sự thật là bất cứ ai thức dậy vào
buổi sáng đều muốn theo đuổi một mục đích cao cả, chứ không chỉ muốn bỏ tiền cho đầy túi.

Vì vậy sứ mạng của công cuộc kinh doanh là kiếm tiền từ một việc làm mà bạn thật sự tin
tưởng. Khi mọi người đã lên con tàu của bạn rồi, họ không muốn rời bỏ nó, họ bảo vệ nó và họ
sẽ làm mọi cách để cho tàu không chìm và mọi thành viên trên tàu đều sống sót. Những con
người này được giải phóng do không chỉ tìm được cách kiếm tiền mà họ còn cảm thấy thoải mái
từ việc làm của mình. Điều đó làm cho họ hưng phấn và lao động cật lực. Khi những người tài
chịu làm việc, họ sẽ tạo ra ý tưởng đột phá và sau đó là vận may.
Công thức để đạt may mắn trong kinh doanh của tôi rất đơn giản. Hãy khởi sự một doanh
nghiệp sáng tạo, có đạo lý, có triết lý kinh doanh tốt. Tạo ra mục đích chính nghĩa bằng cách cẩn
thận thiết kế sứ mạng và hãy truyền thông sứ mạng này với niềm đam mê và sự hào hứng. Công
ty của bạn sẽ nhanh chóng thu hút những người giỏi và họ sẽ có cảm hứng làm việc chăm chỉ.
Đối đãi công bằng với họ, cho họ kế hoạch hành động rõ ràng, cho họ toàn quyền phát huy sáng
tạo. Kết quả: ý tưởng đột phá, may mắn, thành công, và sau cùng là lợi nhuận sẽ đến. Trong
công thức này, bạn phải có khả năng quên nó, tức đừng bận tâm đến nó hàng ngày.
CHỦ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC SINH RA
CHỨ KHÔNG ĐƯỢC TẠO THÀNH
Năm 1998, vai trò của “doanh nhân” - một thuật ngữ chỉ mới ra đời 150 năm trước đây - bắt
đầu bùng phát lên trong nhận thức toàn cầu. Thành công của những công ty Internet như Ebay
và Yahoo! bỗng khơi dậy trong bọn trẻ ước mơ làm chủ doanh nghiệp Internet, thay vì trở thành
phi hành gia hay bác sĩ như trước đây. Phải kể đến việc giới thiệu các chủ nhà hàng kiêm bếp
trưởng (tức một bếp trưởng mở nhà hàng) của các chương trình truyền hình cáp tác động không
nhỏ đến trí tưởng tượng và tinh thần của dân Mỹ. Việc khởi nghiệp ở bất cứ ngành nghề nào đột
nhiên trở thành đề tài nóng bỏng.
Khi tôi còn nhỏ, từ chủ doanh nghiệp được xem như đồng nghĩa với từ nhà phát minh, gợi lên
hình ảnh một ông cậu lập dị say mê làm thí nghiệm trong tầng hầm những mong tìm ra một loại
bơ đậu phộng mới. Nhưng đến cuối những năm 1990, từ chủ doanh nghiệp đồng nghĩa với triệu
phú và nhân vật nổi tiếng. Và điều đó đồng nghĩa với việc mọi người muốn trở thành chủ doanh
nghiệp. Vấn đề ở chỗ: chẳng có bao nhiêu người thực sự là chủ doanh nghiệp.
Tôi thường bị hỏi: “Anh quyết định trở thành chủ doanh nghiệp từ lúc nào?” Tôi không hề
quyết định điều đó. Nó chỉ xảy ra tự nhiên mà thôi. Tôi bắt đầu cắt cỏ thuê vào năm lên 10, rồi
chuyển qua dọn tuyết trên những lối đi cạnh các sân cỏ mà tôi đã cắt khi được 13 tuổi. Cuối cùng

tôi tráng nhựa cho những lối đi đó khi tôi được 16 tuổi. Lý lẽ của tôi rất đơn giản: tôi có khách
hàng và công việc mà tôi đảm nhiệm càng khó khăn, bẩn thỉu và chán ngắt thì tôi càng được trả
nhiều tiền. Quá dễ hiểu!
Chủ doanh nghiệp là người được sinh ra chứ không phải được tạo thành. Người ta không
quyết định trở thành chủ doanh nghiệp, mà bẩm sinh họ đã là chủ doanh nghiệp. Những ai quyết
định mình sẽ trở thành chủ doanh nghiệp nên biết rằng họ vừa mới ra một quyết định sai lầm đầu
tiên trong vô khối những sai lầm khác trong kinh doanh về sau.
Minh họa rõ ràng nhất về việc quyết định trở thành chủ doanh nghiệp xảy ra không biết bao
nhiêu lần trong ngành kinh doanh nhà hàng. Niềm tin bám rễ trong đầu óc nhiều người là bất cứ
ai biết nấu nướng đều có thể trở thành một chủ nhà hàng. Chỉ cần thuê vài sinh viên dễ thương
phục vụ món ăn do bạn chế biến cho những khách ăn đang háu đói chờ sẵn ở cửa nhà hàng
trong đêm khai trương: Oa, bạn đã bước vào ngành kinh doanh ăn uống. Đơn giản thế đấy,
nhưng nếu bạn nói với ai về dự định mở nhà hàng của mình, lập tức bạn sẽ nghe nói đó là một
ngành kinh doanh khó ăn.
Thực tế, cả hai nhận định trên đều đúng: Bất cứ ai biết nấu ăn đều có thể mở nhà hàng và đó
cũng đúng là một ngành kinh doanh không dễ ăn chút nào. Phải, nó khó ăn chính vì ai cũng có
thể mở được nhà hàng. Hãy để tôi giải thích.
Không khó để có thể hiểu và phân tích ngành kinh doanh nhà hàng. Nó thuộc một số ít ngành
kinh doanh mà bạn có được thông tin rõ ràng về khách hàng qua mỗi ngày kinh doanh. Nếu
khách hàng của bạn thích món bò hầm, đưa chúng vào thực đơn. Nếu họ không thích, lấy ra khỏi
thực đơn. Nếu khách hàng boa người phục vụ hậu hĩnh, tiếp tục thuê anh ta. Nếu họ không bỏ ra
một đồng để boa, cho anh ta nghỉ việc. Quá đơn giản. Chuẩn bị món ăn và nấu ăn là nhiệm vụ
cơ bản của con người. Vì vậy khi đi ăn ngoài, chúng ta như những bé sơ sinh háu đói nhưng rất
khó chiều. Vì vậy, thực khách sẵn lòng cho bạn biết họ nghĩ gì và bỏ phiếu cho bạn bằng những
đồng tiền của họ.
Thử so với ngành kinh doanh phần mềm, khó chơi hơn nhiều! Bạn mất hai năm phát triển sản
phẩm và rồi thêm một năm để có thể bán được sản phẩm đầu tiên. Sau đó, tức là 3 năm đã trôi
qua, bạn phải cần đến nhiều tháng nữa để biết được khách hàng nghĩ gì về sản phẩm của mình
sau khi họ ứng dụng trong việc kinh doanh. May mắn thay, sử dụng phần mềm không phải là
chức năng cơ bản của con người, nhưng để nhận được phản hồi về sản phẩm phần mềm, tôi sẽ

gặp hàng đống khó khăn.
Khi người ta nói kinh doanh nhà hàng là khó, họ ngụ ý: “Có nhiều nhà hàng đã thất bại”. Điều
này hoàn toàn đúng. Trung bình có đến 4/5 nhà hàng và quán ăn dẹp tiệm, nhưng không phải do
ngành kinh doanh này khó nuốt. Chỉ đơn giản bởi vì 4/5 số người mở nhà hàng lẽ ra không nên
làm chủ. Họ đã nghĩ theo cách nghĩ truyền thống là bất kỳ ai nấu ăn được đều có thể mở nhà
hàng, do đó họ làm chủ vì những lý do sai lầm như sau:
1. Họ thích thức ăn và hiểu về thức ăn hơn những kẻ phàm ăn bình thường khác.
2. Họ thích nấu ăn cho bạn bè. Và những người bạn này thì thường thúc giục họ: “Anh nấu
được đó, hãy nghĩ đến chuyện mở nhà hàng đi.”
3. Họ muốn có nhiều bạn, và thết đãi mọi người ăn uống miễn phí là cách hay nhất để kết
bạn.
4. Họ thích được mọi người chú ý đến.
5. Họ vẫn thích được thiết kế một nhà hàng.
Những điều trên chẳng dính líu gì đến việc mở một nhà hàng cả. Họ không hề nghĩ đến các
việc cần thiết khác như thỏa thuận thuê mướn mặt bằng, xin giấy phép xây dựng, rồi lo giấy phép
bán rượu, quản lý hàng tồn hay động viên nhân viên. Nhưng dù sao thì tất cả những điều này
không hề làm chùn chân những người muốn lao vào ngành kinh doanh ăn uống. Những con
người bất hạnh này chỉ quyết định đơn giản là họ muốn làm chủ, thay vì nỗ lực tìm hiểu xem
mình thực sự có tố chất của một người khởi nghiệp không. Đó chính là lý do làm cho 4/5 nhà
hàng mới mở thất bại.
Không phải nhoáng một cái là bạn sẽ biết được mình có thiên bẩm làm chủ hay không. Không
hẳn việc bạn chưa hề đứng bán một xe nước giải khát ngăn cản bạn không thể trở thành Bill
Gates. Cũng không phải vì bạn đã bán được một cốc nước chanh cho bà hàng xóm tốt bụng nên
bạn có khiếu làm chủ.
Sau đây là một câu hỏi lựa chọn mà bạn có thể dùng để tự vấn xem mình có khả năng làm
chủ đích thực hay không:
Khi bạn nhìn lên một đám mây, câu nào phù hợp với cách suy nghĩ của bạn nhất?
A. Oa, đám mây tạo thành một họa phẩm tuyệt vời.
B. À, làm sao có thể mô tả đám mây này cho người khác đây.
C. Một câu hỏi ngớ ngẩn. Tôi chưa bao giờ ngắm mây cả.

D. Để xem tôi có thể sản xuất được một hóa chất an toàn có thể tạo ra hay đánh tan mây
trong một khu vực địa lý xác định không.
E. E hèm, tôi muốn biết chính xác một đám mây được hình thành như thế nào.
Nếu bạn chọn câu A, bạn sẽ thành công với những nghề như họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa, kiến
trúc sư, cắm hoa, trang trí nội thất hay trang điểm. Bạn có óc mỹ thuật đấy. Việc thành lập công
ty sẽ làm uổng phí phẩm chất này của bạn.
Nếu bạn chọn câu B, bạn nên làm nghề giáo hay viết văn. Chúng tôi cần những người như
bạn. Nhưng chúng tôi không muốn bạn thành lập doanh nghiệp.
Nếu bạn chọn câu C, vận may của bạn thuộc ngành huấn luyện cơ bản. Bạn không có thời
gian để ngắm mây hay nghe gió. Binh nghiệp là con đường phù hợp để bạn phát huy năng lực
tập trung của mình.
Nếu bạn chọn câu D, hãy đọc ngay chương 3. Bạn rất có thể trở thành một doanh nhân tốt.
Và nếu bạn chọn câu E, hãy đọc tiếp. Bạn vẫn còn hy vọng.
Trong thế giới kinh doanh, câu trả lời E cũng tốt như câu D. Bạn có thể không trở thành một
chủ doanh nghiệp, nhưng bạn phù hợp để điều hành một doanh nghiệp. Bạn muốn tìm hiểu chi
tiết của vấn đề: Mây là gì? Chúng được tạo thành bằng gì? Điều gì làm mây xuất hiện hay tan
biến? Bạn sẽ là một nhà hóa học lớn cho một công ty khởi nghiệp, đứng đầu một nhóm nghiên
cứu tìm ra những hóa chất mới an toàn cho môi trường. Bạn cũng có thể là một luật sư chuyên
lo bằng phát minh sáng chế và giải quyết các vấn đề liên quan đến những yêu cầu an toàn môi
trường từ các cơ quan nhà nước. Bạn cũng có thể là một chuyên gia tiếp thị và bán hàng hăm
hở với những kế hoạch tinh vi để tung sản phẩm mới, làm việc với chiến lược phân phối và lo
đương đầu với những thách thức của dịch vụ khách hàng.
Nếu bạn trả lời câu E, nhiều khả năng bạn trở thành nhà quản lý thay vì doanh nhân. Bạn nên
tham gia chương trình huấn luyện quản lý tại một ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley, hoặc
gia nhập công ty tư vấn về quản lý như Bain. Sau đó bạn nên làm việc từ 3 đến 4 năm trong một
công ty lớn. Bạn cũng nên xem xét cả việc học luật, thậm chí cả y khoa. Chắc chắn sẽ có lúc bạn
sẽ vào một trường đào tạo quản lý. Bạn nên đến bất cứ nơi nào giúp bạn tiếp cận với những kinh
nghiệm hay ho nhất, hoặc những chương trình đào tạo kinh doanh kinh điển nhất.
Nhưng đừng bao giờ khởi sự một doanh nghiệp. Rất có thể bạn sẽ thất bại, không phải do bạn
kém tài mà vì bạn quá thông minh.

(Trích “May mắn hay thực tài” – Tác giả: Bo Peabody, người dịch: Quách Tuấn Khanh)

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×