NHỮNG BẤT CẬP TRONG NGHỊ ĐỊNH 75/CP
VỀ CÔNG CHÚNG VÀ CHỨNG THỰC
TRẦN VĂN BẢY
ThS. Giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường Đại
học Luật TP. HCM
Có thể nói hoạt động công chứng đã xuất hiện khá
sớm ở Việt Nam(1). Khi xâm lược nước ta, thực dân
Pháp đã áp đặt kiểu mẫu công chứng của họ vào nước
ta mà điển hình là Sắc lệnh ngày 24 tháng 8 năm
1931 của Tổng thống Cộng hòa Pháp về tổ chức công
chứng (được áp dụng ở Đông Dương theo Nghị định
ngày 7 tháng 10 năm 1931 của Toàn quyền Đông
Dương P.Pasquies). Sau Cách mạng tháng Tám năm
1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục
kế thừa mô hình công chứng đã có trước đó tuy có
lược bỏ những quy định cũ trái với nền độc lập và
chính thể dân chủ cộng hòa. Nhưng do những điều
kiện khách quan mà trong suốt hơn 40 năm sau đó,
hoạt động công chứng ở nước ta bị đình trệ, hầu như
không tồn tại, mọi giao dịch, giấy tờ thuộc lĩnh vực
công chứng đều do Ủy ban hành chính thực hiện.
Ngày 27 tháng 2 năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã
ban hành Nghị định 45/HĐBT chính thức khôi phục
lại hoạt động công chứng ở nước ta. Tuy nhiên, vì
nhiều lý do khác nhau Nghị định 45/HĐBT cũng đã
cho phép những nơi chưa thành lập được Phòng Công
chứng thì UBND tiếp tục thực hiện một số việc công
chứng.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định
45/HĐBT, bên cạnh những thành tựu bước đầu đã
cho thấy văn bản này chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu
giao dịch ngày càng gia tăng trong điều kiện nền kinh
tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Ngày 18
tháng 5 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định
31/CP về tổ chức và hoạt động của công chứng Nhà
nước để thay thế Nghị định 45 /HĐBT. Trên cơ sở
đó, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 1411-TT.CC
ngày 3 tháng 10 năm 1996 để hướng dẫn thực hiện
Nghị định 31/CP. Các văn bản này đã khắc phục một
số điểm bất hợp lý trong hoạt động công chứng
nhưng phải thừa nhận rằng nội dung của Nghị định
31/CP và Thông tư 1411 còn có quá nhiều bất cập,
gây khó khăn, lúng túng trong hoạt động của các cơ
quan công chứng, đặc biệt là gây nên sự phiền hà cho
các cá nhân, tổ chức khi họ có yêu cầu công chứng.
Để kịp thời giải quyết những bất cập đó, Chính phủ
đã ban hành Nghị định 75/CP ngày 8 tháng 12 năm
2000 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2001) về
công chứng, chứng thực để thay thế Nghị định 31/CP.
Tiếp đó, ngày 14 tháng 3 năm 2001, Bộ Tư pháp ban
hành Thông tư 03/2001/TP-CC để hướng dẫn thực
hiện Nghị định 75/CP.
Qua nghiên cứu và qua khảo sát thực tiễn hoạt động
công chứng, chúng tôi nhận thấy Nghị định 75/CP
còn nhiều điểm bất cập, chưa rõ ràng, thậm chí không
chính xác, gây khó khăn, lúng túng trong hoạt động
công chứng. Trong phạm vi bài viết này, bước đầu
chúng tôi xin nêu ra những vấn đề bất cập sau đây:
I. VỀ KHÁI NIỆM CÔNG CHỨNG:
Điều 2 Nghị định 75/CP quy định:
Công chứng là việc Phòng Công chứng chứng nhận
tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao
dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế,
thương mại và quan hệ xã hội khác, cũng như thực
hiện các việc khác theo quy định của pháp luật.
Chứng thực là việc UBND cấp huyện, cấp xã xác
nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của
cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện
các giao dịch của họ theo quy định của pháp luật.
Tinh thần của Điều 2 nói trên thể hiện sự cố gắng
phân định công chứng với chứng thực. Tuy nhiên,
việc chỉ dựa vào tiêu chí duy nhất là chủ thể có thẩm
quyền thực hiện chứng nhận để phân định là không
chính xác. Theo chúng tôi, để làm rõ hoạt động nào là
công chứng, hoạt động nào là chứng thực cần phải
dựa vào bản chất của hoạt động ấy. Bản chất của hoạt
động công chứng là thông qua sự chứng nhận của cơ
quan công quyền làm cho các văn bản, giấy tờ trở
nên có độ tin cậy cao hơn so với các văn bản, giấy tờ
chưa được công chứng, hay nói một cách khác là đem
lại cho các văn bản, giấy tờ này “ dấu ấn” của công
quyền. Từ cách hiểu đó, chúng tôi cho rằng những
loại việc gọi là chứng thực như quy định tại Điều 2
Nghị định 75/CP xét về bản chất phải được gọi là
công chứng, để phân biệt với hành vi thị thực hành
chính của Ủy ban nhân dân. Bởi lẽ, xét về bản chất
thì hành vi công chứng (và cả hành vi chứng thực có
tính chất công chứng như quy định của Nghị định
75/CP) khác với hành vi thị thực hành chính. Về vấn
đề này, Tiến sĩ Đặng Văn Khanh đã rất có lý khi cho
rằng hai loại hành vi nói trên khác nhau ở chỗ:
Một là, đối tượng của hành vi thị thực hành chính là
những văn bản giấy tờ thuộc lĩnh vực quản lý hành
chính (như chứng nhận tình trạng hôn nhân, chứng
nhận lý lịch …); còn đối tượng của hành vi công
chứng là những hợp đồng, giao dịch, giấy tờ thuộc
các lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại … (như hợp
đồng dân sự, di chúc…).
Hai là, bản chất của hành vi thị thực hành chính là sự
nhận xét, áp đặt mang tính chất hành chính của chính
quyền đối với một sự kiện pháp lý cụ thể nào đó và
đối với công dân thuộc quyền quản lý của mình; còn
bản chất của hành vi công chứng là việc chứng nhận
ý chí, nguyện vọng của đương sự khi họ lập các văn
bản, giấy tờ phục vụ cho các giao dịch của họ(2).
Như vậy, đã khá rõ là hành vi công chứng và hành vi
thị thực hành chính là khác nhau. Về mặt nguyên tắc,
hành vi công chứng phải do cơ quan công chứng thực
hiện; còn hành vi thị thực hành chính sẽ do cơ quan
hành chính thực hiện. Tuy nhiên, xuất phát từ lịch sử
và điều kiện thực tế ở nước ta, cũng như để giải quyết
sự quá tải của cơ quan công chứng, giảm thiểu sự
phiền hà trong nhân dân thì không nhất thiết mọi việc
công chứng đều quy định cho Phòng Công chứng.
Chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục giao cho Ủy ban nhân
dân thực hiện một số việc công chứng đơn giản, phổ
biến nhưng cần nói rõ những việc ấy vẫn phải được
gọi là công chứng chứ không vì giao cho Ủy ban
nhân dân (hoặc một cơ quan nào đó) mà dẫn đến việc
gọi khác đi là chứng thực hay thị thực. Khi đó, bên
cạnh việc thực hiện một số hành vi công chứng, Ủy
ban nhân dân còn thực hiện các hành vi thị thực hành
chính, một loại việc vốn dĩ thuộc chức năng quản lý
của Ủy ban nhân dân.
Cần nói thêm rằng, theo Nghị định 75/CP và Pháp
lệnh lãnh sự ngày 13 tháng 11 năm 1990 thì cơ quan
đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng có thẩm quyền
chứng nhận một số loại việc. Tuy nhiên, trong khái
niệm về công chứng như đã nói trên không đề cập
đến hành vi chứng nhận của cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài. Vậy hành vi chứng nhận của cơ
quan này sẽ được gọi là gì? Tại Điều 25 Nghị định
75/CP quy định cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài có thẩm quyền công chứng các việc thuộc thẩm
quyền của Phòng Công chứng và các việc khác theo
quy định của Pháp lệnh lãnh sự, trừ việc giao kết hợp
đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, thế chấp bất động
sản tại Việt Nam. Như vậy, câu trả lời đã khá rõ là
hành vi chứng nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài phải được xem là hành vi công chứng.
Bởi các lý do nói trên, chúng tôi kiến nghị trong các
văn bản pháp luật điều chỉnh về công chứng cần đưa
ra khái niệm chính xác về công chứng theo hướng
những việc gì xét về bản chất là việc công chứng thì
gọi là công chứng bất luận việc đó pháp luật giao cho
cơ quan nào đảm trách. Việc làm rõ khái niệm công
chứng chẳng những có ý nghĩa giúp phân biệt công
chứng với thị thực hành chính mà nó còn có ý nghĩa
quan trọng trong việc quy định trình tự, thủ tục công
chứng, cũng như giá trị pháp lý của chứng thư.
II. VỀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG
CHỨNG:
Giá trị pháp lý của văn bản công chứng là một nội
dung quan trọng nói lên bản chất nền công chứng của
mỗi quốc gia.
Điều 14 Nghị định 75/CP quy định:
Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, trừ trường
hợp được thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc
không tuân theo quy định của pháp luật hoặc bị Tòa
án tuyên bố vô hiệu.
Quy định trên được hiểu là về mặt nguyên tắc văn
bản đã được công chứng thì có giá trị chứng cứ, còn
nếu văn bản mặc dù đã được công chứng nhưng rơi
vào một trong ba trường hợp nói trên thì nó không
phải là chứng cứ. Trong khi đó, theo lý luận chứng cứ
thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo
trình tự pháp luật quy định, được các cơ quan tiến
hành tố tụng dùng làm căn cứ chứng minh trong vụ
án. Như vậy, văn bản đã được công chứng bất luận
trong trường hợp nào nếu nó thỏa mãn tính hợp pháp,
tính khách quan, tính liên quan thì đều có thể trở
thành chứng cứ (còn việc sử dụng chứng cứ đó để
chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của đương sự nào đó
lại là vấn đề khác).
Ví dụ: Hợp đồng mua bán động sản có giá trị trên 50
triệu đồng, theo quy định của Nghị định 75/CP phải
do Phòng Công chứng chứng nhận nhưng giả sử lại
được chứng thực tại UBND cấp huyện. Trong quá
trình thực hiện hợp đồng phát sinh tranh chấp, các
bên khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong
trường hợp này, hợp đồng nói trên đã được chứng
thực không đúng thẩm quyền nhưng vẫn có thể được
Tòa án xem là chứng cứ trong vụ án.
Tương tự như trên, các văn bản giấy tờ chưa được
công chứng nhưng vẫn có thể được các cơ quan tiến
hành tố tụng xem là chứng cứ để giải quyết vụ án.
Bởi các lý do như đã trình bày, chúng tôi cho rằng
việc xác định giá trị pháp lý của chứng thư bằng cách
xem nó có giá trị chứng cứ là chưa chính xác, vì nó
không làm tăng giá trị pháp lý của chứng thư so với
các văn bản, giấy tờ chưa được công chứng.
Điều 14 Nghị định 75/CP sau khi xác định giá trị
công chứng của các chứng thư có quy định thêm
rằng: đối với hợp đồng đã được công chứng thì sẽ có
giá trị thi hành đối với các bên giao kết.
Việc xác định giá trị thi hành chỉ “đối với các bên
giao kết”, theo chúng tôi là chưa đầy đủ, bởi ngoài
các bên giao kết, việc thực hiện hợp đồng, giao dịch
còn có thể xuất hiện loại chủ thể thứ ba. Ví dụ: trong
hợp đồng mua bán nhà, sau khi đã được công chứng
thì đương sự phải liên hệ với cơ quan thuế để đóng
thuế trước bạ, sau đó làm thủ tục đăng bộ tại Sở địa
chính - nhà đất. Các cơ quan này căn cứ vào hợp
đồng mua bán nhà đã có chứng nhận của cơ quan
công chứng để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu
của đương sự (từ đó cũng có thể hiểu rộng ra là nếu
hợp đồng mua bán nhà mà không có sự chứng nhận
của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan
thuế và cơ quan đăng bộ có quyền từ chối giải quyết
yêu cầu của đương sự). Do vậy, chúng tôi cho rằng
giá trị thi hành đối với hợp đồng, giao dịch đã được
công chứng không chỉ đối với các bên giao kết mà nó
còn có hiệu lực thi hành đối với các chủ thể có liên
quan.
Cũng tại Điều 14 có quy định: “trong trường hợp bên
có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì
bên kia có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Tuy nội dung trên không nói rõ là cơ quan Nhà nước
nào có thẩm quyền giải quyết và giải quyết như thế
nào, nhưng theo những quy định của pháp luật hiện
hành thì trong trường hợp này đương sự phải khởi
kiện ra Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành điều
tra, xác minh thu thập chứng cứ, hòa giải và xét xử
theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Dĩ nhiên,
các bên đương sự phải xuất trình chứng cứ để bảo vệ
cho yêu cầu của mình. Rõ ràng, trong trường hợp này
mặc dù hợp đồng, giao dịch đã có sự chứng nhận của
cơ quan công chứng, nhưng khi có tranh chấp thì việc
giải quyết tranh chấp cũng không khác gì với trường
hợp hợp đồng, giao dịch chưa được công chứng. Điều
đó có nghĩa là việc đương sự mất nhiều thời gian,
công sức, tiền bạc (trong quá trình công chứng) cũng
không bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các giao dịch
của mình và cũng có nghĩa hoạt động công chứng
chưa thật sự “góp phần bảo đảm an toàn pháp lý
trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ
xã hội khác, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng
cường pháp chế XHCN” như mục đích của hoạt động
công chứng mà ngay trong Điều 1 Nghị định 75/CP
đã khẳng định.
Việc xác định giá trị pháp lý của văn bản công chứng
không thể không đề cập đến trường hợp văn bản công
chứng vô hiệu. Như trên đã nêu, Điều 14 Nghị định
75/CP quy định: văn bản công chứng có giá trị chứng
cứ, trừ trường hợp:
1. Văn bản công chứng được thực hiện không đúng
thẩm quyền;
2. Văn bản công chứng được thực hiện không đúng
theo quy định pháp luật;
3. Văn bản công chứng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.
Chúng tôi cho rằng, khi văn bản công chứng rơi vào
trường hợp 1 hoặc trường hợp 2 sẽ là căn cứ pháp lý
để Tòa án tuyên bố vô hiệu chứ không phải khi rơi
vào các trường hợp nói trên thì sẽ làm cho văn bản
công chứng mặc nhiên vô hiệu. Bởi ngoài Tòa án ra,
không có cơ quan nào có quyền phán quyết văn bản
công chứng vô hiệu. Ngay trong Nghị định 75/CP
cũng chỉ quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại
của các cơ quan hành chính đối với việc từ chối công
chứng, chứ không có quy định nào cho phép các cơ
quan hành chính được giải quyết khiếu nại về việc
văn bản công chứng có vi phạm pháp luật để từ đó
tuyên nó vô hiệu. Trong khi đó, các văn bản pháp luật
về tố tụng đều có quy định cho phép Tòa án trong
quá trình thụ lý và giải quyết vụ án có quyền tuyên
bố hủy bỏ văn bản của các cơ quan, tổ chức khác.
Từ những phân tích nói trên chúng tôi kiến nghị:
Một là, cần khẳng định các văn bản công chứng có
giá trị bắt buộc thi hành đối với các chủ thể có liên
quan.
Hai là, khi có tranh chấp đối với hợp đồng, giao dịch
đã được công chứng thì đương sự có quyền yêu cầu
Tòa án phán quyết. Nếu có căn cứ cho rằng văn bản
công chứng đó là hợp pháp thì Tòa án có quyền bắt
buộc các chủ thể phải thi hành mà không cần giải
quyết theo trình tự, thủ tục như các vụ tranh chấp hợp
đồng, giao dịch chưa được công chứng. Nếu kiến
nghị này được chấp nhận thì đương nhiên phải xem
xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên
quan đến tố tụng và thi hành án dân sự.
Ba là, chỉ có Tòa án mới có quyền phán quyết văn
bản công chứng vô hiệu.
III. VỀ PHẠM VI VÀ THẨM QUYỀN CÔNG
CHỨNG:
1. Về phạm vi công chứng:
Điều 3 Nghị định 75/CP quy định: hợp đồng, giao
dịch được công chứng trong trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải
công chứng;
2. Hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định không
phải công chứng nhưng cá nhân, tổ chức tự nguyện
yêu cầu.
Đây là quy định mới trong Nghị định 75/CP thể hiện
sự thông thoáng và mở rộng phạm vi công chứng so
với Nghị định 31/CP trước đây. Việc công chứng đối
với hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thứ hai,
theo chúng tôi sẽ gặp phải những vướng mắc, lúng
túng trong thực tiễn. Trong điều kiện hiện nay, pháp
luật nước ta chưa hoàn thiện, chưa làm rõ việc gì phù
hợp pháp luật, việc gì không phù hợp pháp luật, do
vậy phạm vi công chứng như đã nói trên là quá rộng,
nếu triển khai thực hiện sẽ rất phức tạp. Xin đơn cử
trường hợp: giả sử trong thực tiễn đương sự yêu cầu
Phòng Công chứng chứng nhận hợp đồng “mang bầu
thuê” thì cơ quan công chứng sẽ giải quyết như thế
nào? Nếu từ chối công chứng yêu cầu này thì Phòng
Công chứng sẽ phải chứng minh rằng hợp đồng nói
trên là trái pháp luật, cụ thể là trái với điều khoản nào
của văn bản pháp luật nào? Cần nói thêm rằng, việc
từ chối công chứng phải đúng pháp luật và nếu đương
sự có yêu cầu thì cơ quan công chứng phải trả lời
việc từ chối công chứng đó bằng văn bản. Nếu không
đồng ý với việc từ chối công chứng nói trên thì
đương sự có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa.
Trong tương lai, chắc rằng sẽ xuất hiện những yêu
cầu công chứng mà xét về mặt pháp lý rất khó phân
định tính phù hợp hay không phù hợp pháp luật. Thật
ra, ở các nước có nền công chứng phát triển đều quy
định phạm vi công chứng rất rộng. Ở nước ta, việc
mở rộng phạm vi công chứng để đáp ứng đầy đủ và
kịp thời các yêu cầu của cá nhân, tổ chức là một xu
hướng tất yếu. Song thiết nghĩ, việc mở rộng phạm vi
công chứng phải có bước đi và lộ trình thích hợp.
Chúng tôi cho rằng, trước mắt chỉ nên cho phép công
chứng những việc mà pháp luật đã có dự liệu. Vấn đề
đặt ra là các nhà làm luật cần làm tốt công tác dự liệu
để tránh bó hẹp quá mức phạm vi công chứng, đến
khi điều kiện cho phép thì sẽ mở rộng phạm vi công
chứng như đã nói trên.
2. Về thẩm quyền công chứng:
Từ Điều 21 đến Điều 25 của Nghị định 75/CP đã quy
định khá rõ thẩm quyền của cơ quan công chứng.
Qua nghiên cứu và khảo sát thực tiễn chúng tôi nhận
thấy một số vướng mắc sau đây:
Một là, theo Nghị định 75/CP thì phạm vi công
chứng hợp đồng, giao dịch là rất rộng, không giới
hạn, chỉ trừ những hợp đồng, giao dịch trái pháp luật
hoặc trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, khi quy định
thẩm quyền công chứng cho Phòng Công chứng và
Ủy ban nhân dân cấp huyện, Nghị định 75/CP lại
phân định hợp đồng, giao dịch thành hai loại: hợp
đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản và hợp
đồng, giao dịch liên quan đến động sản. Trong khi
đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngoài
hai loại hợp đồng, giao dịch nói trên còn có những
hợp đồng, giao dịch không liên quan đến bất động
sản hoặc động sản (Ví dụ: Những thỏa thuận dân sự
về việc làm hoặc không làm một việc nào đó).
Vậy đối với loại hợp đồng, giao dịch này có thuộc
thẩm quyền công chứng của Phòng Công chứng hoặc
Ủy ban nhân dân cấp huyện không? Rõ ràng, theo
quy định của Nghị định 75/CP thì thẩm quyền công
chứng hợp đồng, giao dịch đã không bao quát hết các
loại hợp đồng, giao dịch thuộc phạm vi công chứng.
Do đó chúng tôi kiến nghị, khi quy định thẩm quyền
công chứng nên chia hợp đồng, giao dịch làm hai
loại: hợp đồng, giao dịch có liên quan đến bất động
sản và hợp đồng, giao dịch còn lại để đảm bảo sự
thống nhất giữa thẩm quyền công chứng với phạm vi
công chứng.
Hai là, Nghị định 75/CP quy định đối với các hợp
đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị từ
50 triệu đồng trở lên phải do Phòng Công chứng
chứng nhận, nếu dưới 50 triệu đồng thì UBND cấp
huyện có quyền chứng nhận. Vấn đề gây tranh luận là
50 triệu đồng nói trên là trị giá của hợp đồng hay trị
giá của động sản, đối tượng có liên quan trong hợp
đồng đó?
Ví dụ: hợp đồng thuê ô tô, giá thuê là 12 triệu đồng/
năm, trong khi đó giá trị của ô tô là 100 triệu đồng.
Vậy hợp đồng thuê tài sản này có thuộc thẩm quyền
chứng nhận của UBND cấp huyện không? Một số ý
kiến cho rằng phải lấy giá trị của động sản để xác
định thẩm quyền công chứng. Vấn đề đặt ra là khi đó
căn cứ vào đâu để xác định giá trị của động sản? Lúc
này có thể xuất hiện ba khả năng:
- Khả năng thứ nhất là giá trị động sản do đương sự
thỏa thuận;
- Khả năng thứ hai là giá trị động sản do cơ quan
công chứng xác định;
- Khả năng thứ ba là giá trị động sản phải do Hội
đồng định giá xác định.
Nếu chấp nhận khả năng thứ nhất hoặc khả năng thứ
hai thì sẽ không đảm bảo tính chính xác và tính pháp
lý, còn nếu chấp nhận khả năng thứ ba thì sẽ rất phức
tạp, việc công chứng bị kéo dài, gây tốn kém cho
đương sự. Chúng tôi nghĩ rằng, nên lấy giá trị của
hợp đồng, giao dịch làm căn cứ phân định thẩm
quyền công chứng vì đó là cách đơn giản nhất để giải
quyết những vướng mắc không đáng có như đã nói
trên.
Ba là, Nghị định 75/CP quy định cơ quan công chứng
có thẩm quyền chứng nhận chữ ký của cá nhân trong
các giấy tờ phục vụ cho các giao dịch của họ. Thực
tiễn công chứng hiện nay đang gặp phải vướng mắc
và lúng túng, đó là đối với loại giấy tờ nào thì được
công chứng chữ ký, đối với loại giấy tờ nào thì không
được công chứng chữ ký mà phải công chứng theo
trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch. Để
giải quyết những vướng mắc này, chúng tôi cho rằng
cần có Thông tư hướng dẫn thống nhất của Bộ Tư
pháp.
Bốn là, Nghị định 75/CP không quy định cho UBND
cấp xã thẩm quyền chứng nhận bản sao giấy tờ. Thực
tiễn cho thấy nhu cầu công chứng bản sao rất lớn,
chiếm 80 – 90% số việc công chứng(3). Nếu không
phân cấp cho UBND cấp xã thẩm quyền công chứng
bản sao sẽ dẫn đến quá tải ở Phòng Công chứng và
UBND cấp huyện, đồng thời gây ra sự phiền hà rất
lớn cho người dân trong việc đi lại, chờ đợi để chứng
bản sao. Hiện nay, một số địa phương có hiện tượng
“xé rào” để cho phép UBND cấp xã được công chứng
bản sao Chứng minh nhân dân và Sổ hộ khẩu(4).
Chúng tôi cho rằng công chứng bản sao là hành vi
công chứng đơn giản, pháp luật cần cho phép UBND
cấp xã được công chứng bản sao đối với một số loại
giấy tờ nhất định để giải quyết những bất cập nói
trên.
Năm là, Nghị định 75/CP tiếp tục giao cho UBND
cấp xã thẩm quyền chứng nhận văn bản từ chối nhận
di sản. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản là
loại việc khá phức tạp, đòi hỏi người thực hiện công
chứng phải có nghiệp vụ công chứng và sự am hiểu
pháp luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự
và Nghị định 75/CP thì việc công chứng văn bản từ
chối nhận di sản chỉ được thực hiện khi đã chứng
minh việc từ chối nhận di sản của người thừa kế
không nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của họ đối
với người khác, mà việc chứng minh này sẽ rất khó
khăn, phức tạp. Thiết nghĩ, với thực trạng đội ngũ cán
bộ tư pháp cấp xã hiện nay còn nhiều bất cập, pháp
luật nên giao thẩm quyền này cho UBND cấp huyện
để tránh những sai sót có thể có trong thực tiễn công
chứng.
Sáu là, Nghị định 75/CP quy định: “cơ quan, tổ chức
đã cấp bản chính giấy tờ có quyền cấp bản sao giấy
tờ đó”. Quy định nói trên có ý nghĩa thực tiễn rất lớn
nhằm giảm thiểu sự phiền hà cho người dân, đồng
thời giải phóng khối lượng bản sao hiện đã quá tải ở
các cơ quan công chứng. Tuy nhiên, trong thực tiễn
công chứng chúng tôi nhận thấy chỉ có cơ quan đăng
ký hộ tịch là làm tốt quy định này. Đa số các cơ quan,
tổ chức khác không triển khai cấp bản sao cho người
dân (Ví dụ: cơ quan Công an hiện không cấp bản sao
Chứng minh nhân dân và Sổ hộ khẩu). Một số cơ
quan, tổ chức khác khi triển khai thực hiện việc cấp
bản sao đã có sự nhầm lẫn giữa hành vi cấp bản sao
với hành vi công chứng bản sao. Ví dụ: một số