I.
Vai trò của hợp đồng trong kinh doanh
Ở Việt Nam, mà cụ thể trong kinh doanh các doanh nghiệp chưa quan tâm thực sự
đến việc soạn thảo hợp đồng. Hầu hết, các doanh nghiệp khi phải ký một hợp đồng
nào đó thì sẽ lên mạng và tìm một hợp đồng mẫu. Mà không biết rằng, không có
một dạng hợp đồng chuẩn mực nào cho mọi mối quan hệ kinh doanh. Tùy thuộc
vào từng giao dịch, chúng ta sẽ cần đến những điều khoản thích hợp. Tuy nhiên, có
những điều khoản mẫu cần hiện hữu trong mọi bản hợp đồng nhằm giảm thiểu các
rủi ro tranh chấp pháp lý cũng như những hiểu nhầm đáng tiếc đồng thời đảm bảo
các quyền pháp lý cần thiết cho doanh nghiệp. Chúng còn được gọi là lớp áo giáp
chống đạn cho mọi hợp đồng, hay điều khoản "áo giáp".
Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp các bên giao kết hợp đồng với nhau và
tiến hành các hoạt động kinh doanh, nhưng rồi khi một tranh chấp nhỏ xảy ra, một
trong hai bên đối tác lại lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong hợp đồng để thu lợi riêng
cho mình. Nếu một hợp đồng được soạn thảo không chặt chẽ sẽ làm nảy sinh nhiều
nguy cơ rủi ro mà hậu quả không lường trước được. Bởi vì chi phí để giải quyết
tranh chấp bằng con đường tòa án thì rất tốn kém. Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà
cả uy tín kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chris Kelleher, phụ trách chuyên mục “Pháp lý” của tạp chí Entrepreneur khẳng
định rằng rất ít doanh nghiệp sẽ phủ nhận thực tế việc có mặt tại toà án luôn phức
tạp và tốn kém chi phí, không chỉ về mặt các chi phí pháp lý liên quan mà còn bao
hàm các nội dung phán quyết của toà án dẫn tới các chi phí khác phát sinh. Hơn thế
nữa, không ít trường hợp bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian quý giá, mối quan tâm
và suy nghĩ khi phát sinh một tranh chấp pháp lý, trong khi nếu bản hợp đồng được
soạn thảo chặt chẽ thì tất cả các khoản tiền bạc, thời gian và công sức này sẽ được
dành cho công việc phát triển kinh doanh.
Như vậy hợp đồng có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Vai trò của hợp đồng được thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
- Hợp đồng là sự thỏa thuận, là những quy định mang tính pháp lý, là sự ràng buộc
giữa các bên tham gia về quyền và nghĩa vụ.
- Hợp đồng là sự thỏa thuận mang tính chất pháp lý, là căn cứ, là cơ sở để giải quyết
những tranh chấp liên quan đến những vấn đề mà các bên đã thỏa thuận và thống
nhất.
- Hợp đồng là “hòn đá tảng” cho các hoạt động đầu tư và phần lớn các hoạt động kinh
doanh khác của doanh nghiệp.
- Hợp đồng sẽ thiết lập các mối quan hệ giữa các đối tác về nhiều vấn đề, nhiều lĩnh
vực như: các quyền tài sản, nhân lực, khách hàng, nhà thầu, chi phí, quyền lợi và
trách nhiệm…
- Hợp đồng là một trong những văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc đăng ký các giao
dịch khác nhau trong hoạt động kinh tế, trong hoạt động sản xuất kinh doanh hay
trong giao dịch nhân sự.
II.
Những hạn chế, sai sót trong hợp đồng mà các doanh nghiệp thường gặp trong
thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp:
1. Không tự mình soạn thảo: Thay vì tự mình soạn thảo bản dự thảo đầu tiên của hợp
đồng và yêu cầu luật sư hoàn thiện nó thì các doanh nghiệp lại thuê luật sư nghiên
cứu và soạn thảo toàn bộ hợp đồng nên dẫn tới DN bị động hơn trong khi đàm phán
và bị hạn chế trong việc đưa ra những điều khoản có lợi nhất cho mình. Hơn nữa,
tự mình soạn thảo hợp đồng thường có hiệu quả về mặt chi phí tốt hơn so với việc
nghiên cứu, chỉnh sửa hợp đồng sau khi thuê luật sư soạn thảo.
2. Điều khoản thanh toán không rõ ràng: các điều khoản thanh toán là phần không
thể thiếu trong hợp đồng và không được phép bỏ qua hay để tới tận khi ký kết hợp
đồng mới xem xét. Một hợp đồng chặt chẽ thì tránh những quy định tối nghĩa về
số tiền được nợ, hay phải có công thức rõ ràng để xác định số nợ, đưa ra các điều
khoản quy định rõ ràng số tiền được nợ là bao nhiêu và nợ tới khi nào, các hình
thức chế tài nếu một bên không thanh toán hay thanh toán chậm, quy định phân
chia trách nhiệm thanh toán các khoản thuế liên quan tới hợp đồng. Các điều khoản
thanh toán rõ ràng sẽ tránh được sự tranh chấp về sau cũng như sự chây ì thanh toán
khi thực hiện hợp đồng.
Ví dụ: Nếu trong hợp đồng có điều khoản thanh toán quy định cụ thể số tiền, ngày
trả và lãi suất phạt chậm trả trong trường hợp chậm trả nhưng lại bỏ sót thời hạn
chậm trả tối đa sẽ dẫn đến sự chây ì trong thanh toán và gây bất lợi cho doanh
nghiệp khi tranh chấp xảy ra.
3. Suy diễn: các doanh nghiệp thường suy diễn khi soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp
đồng. Tuy nhiên cần phải quy định rõ ràng tất cả các nghĩa vụ và các tình huống giả
định trong hợp đồng chứ không phải là suy diễn. Ví dụ:
Nếu bạn mua của đối tác một thiết bị nào đó thì đừng nghĩ rằng họ sẽ phải giao kèm
theo những phần mềm hay phụ tùng liên quan. Hãy quy định rõ ràng.
Đối tác không cần biết bạn sẽ thiệt hại như thế nào nếu như họ giao hàng chậm.
Quy định thời hạn rõ ràng là điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng.
Nếu các bên đồng ý vận chuyển và giao hàng tại một điểm nhất định, nên có quy
định rõ ràng về địa điểm giao hàng và chi phí vận chuyển do bên nào chịu.
Trong giai đoạn đàm phán, nếu chưa hiểu rõ điều khoản nào của hợp đồng hãy hỏi
lại cho kỹ và ngược lại, nếu đối tác chưa hiểu điều nào, bạn hãy giải thích cho rõ.
Đừng cho rằng đối tác hiểu tất cả những gì bạn nói. Sau đó hãy quy định rõ trong
hợp đồng.
4. Lỗi trong đàm phán
- E ngại nên bỏ qua một số điều không đàm phán. Nên nhớ rằng không có điều
gì là không thể đàm phán. Mọi thứ, thậm chí cả những điều mà đối tác khẳng
định không thể thì vẫn có thể đàm phán. Với bạn, một số phần của hợp đồng có
thể quan trọng hơn các phần khác, nhưng nên nhớ là tất cả các phần đều trở nên
quan trọng nếu có tranh chấp xảy ra. Do vậy, trong giai đoạn đàm phán nên xác
định trước những vấn đề nào không thể chấp nhận và những vấn đề nào có thể
chấp nhận.
- Đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế:
So với hợp đồng thương mại trong nước, việc đàm phán để giao kết hợp đồng
thương mại quốc tế thực chất là đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, các
doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải những vấn đề sau đây:
Lỗi do không biết ngoại ngữ
Đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế có thông qua nhiều ngôn ngữ khác
nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc … tuỳ theo đối
tác ký kết hợp đồng sử dụng loại ngôn ngữ nào.Vì vậy, để có thể đàm phán về
hợp đồng thương mại quốc tế thành công, các doanh nghiệp Việt Nam phải có
các chuyên gia về ngôn ngữ.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng
rộng rãi trong giao tiếp cũng như trong quá trình đàm phán hợp đồng. Vì vậy,
việc sử dụng tốt tiếng Anh sẽ là thế mạnh của những doanh nghiệp muốn hoạt
động và phát triển trong thương trường quốc tế nói chung và trong đàm phán
về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ
trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt
Nam không chỉ tự tin, chủ động, độc lập trong đàm phán mà còn tiết kiệm
được chi phí (ví dụ chi phí thuê phiên dịch, chi phí dịch tài liệu liên quan đến
hợp đồng…), giữ được bí mật nghề nghiệp, tạo sự nể trọng từ phía đối tác …
và nhất là tránh được các lỗi trong nội dung hợp đồng do không biết ngoại ngữ
nên không hiểu hết ý của đối tác.
Không biết sử dụng nghệ thuật đàm phán
Nghệ thuật đàm phán thể hiện ở sự chuẩn bị tốt các phương án đàm phán để
dễ dàng đối phó với mọi yêu cầu của phía đối tác. Một sự chủ quan, bất cẩn sẽ
đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Trong trường hợp như vậy sẽ khó có được
những hợp đồng thương mại có lợi cho mình.
Nghệ thuật đàm phán với đối tác nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam
phải có sự hiểu biết về phong tục, tập quán, thói quen của nước đối tác cũng
như môi trường kinh doanh của nước họ.Sự hiểu biết về tập quán kinh doanh
của nước đối tác sẽ tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng chia sẻ
nhiều vướng mắc trong đàm phán, từ dó tạo thuận lợi khi đàm phán về từng
điều khoản cụ thể trong hợp đồng.
Nghệ thuật đàm phán cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải vừa có sự
cương quyết, vừa có sự nhân nhượng với bàn hàng nước ngoài khi đàm phán
về tưng điều khoản cụ thể trong hợp đồng
Không am hiểu luật pháp của nước bạn hàng và luật pháp quốc tế
Để tiết kiệm thời gian, việc nghiên cứu trước pháp luật nước ngoài, đặc biệt là
pháp luật của nước bạn hàng cũng như pháp luật hoặc tập quán quốc tế là hết
sức cần thiết. Sự hiểu biết này sẽ giảm thiểu được những sự bất đồng ý kiến và
tiết kiệm thời gian đàm phán.
Không am hiểu về nghiệp vụ buôn bán quốc tế
Điều này đòi hỏi người đi đàm phán phải có kiến thức tốt, chuyên sâu về
nghiệp vụ thương mại quốc tế. Nói cách khác, những nguời đi đàm phán để ký
kết hợp đồng thương mại quốc tế phải là các nhà chuyên nghiệp về lĩnh vực
thương mại quốc tế cụ thể mà họ chuẩn bị đàm phán. Ví dụ, đàm phán để ký
kết hợp đồng thương mại quốc tế mà đối tượng mua bán là những thiết bị phức
tạp như máy bay, cột thu phát sóng truyền hình … sẽ hoàn toàn khác với mua
bán gạo, than đá, sắt thép. Hợp đồng vận chuyển hàng hoá XNK bằng đường
biển cũng sẽ có những tiêu chí kỹ thuật khác so với hợp đồng chuyển giao
công nghệ liên quan đến vận hành một nhà máy lọc dầu …
5. Vi phạm về hình thức của hợp đồng:
Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện ý chí ra bên ngoài dưới hình thức
nhất định của các chủ thể hợp đồng. Thông qua cách thức biểu hiện này, người ta
có thể biết được nội dung của giao dịch kinh doanh đã xác lập. Hình thức của hợp
đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng, bởi đó là chứng cứ xác nhận các
quan hệ kinh doanh đã và đang tồn tại giữa các bên, từ đó xác định trách nhiệm khi
có vi phạm xảy ra. Hình thức của hợp đồng có thể là lời nói, văn bản hoặc các hành
vi cụ thể. Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch kinh doanh phải được
thể hiện bằng hình thức văn bản hoặc phải được công chứng, chứng thực, đăng ký
hay xin phép thì các bên phải tuân thủ quy định về hình thức khi ký kết hợp đồng.
Khoản 2, Điều 401, BLDS 2005 quy định:
"2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn
bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo
các quy định đó. Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình
thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vi phạm hình thức (đối với hợp đồng được
thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép,
thì phải tuận theo các quy định đó) không đương nhiên bị vô hiệu. Nó chỉ bị tuyên
bố vô hiệu khi một trong các bên hoặc người thứ ba yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp
đồng đó vô hiệu do không tuân theo quy định về hình thức của hợp đồng. Theo
khoản 1, Điều 136, BLDS 2005 quy định: "1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố
giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của
Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập."
Trong khi đó, hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức được quy
định tại điều 134, BLDS 2005, cũng thuộc vào trường hợp điều chỉnh của quy định
trên. Do đó, có thể hiểu rằng hợp đồng chỉ bị vô hiệu về hình thức, khi trong thời
hạn hai năm kể từ ngày hợp đồng được xác lập mà một trong các bên hoặc người
thứ ba yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu. Quá thời hạn trên, không ai có
quyền khởi kiện yêu cầu hợp đồng tuyên bố vô hiệu về hình thức nữa, đương nhiên
nó vẫn có hiệu lực.
Mặc dù luật có hướng mở cho hình thức của hợp đồng, tuy nhiên khả năng hợp
đồng bị vô hiệu do pháp luật có quy định khác hoặc các bên hoặc người thứ ba yêu
cầu tuyên bố vô hiệu là rất cao. Do đó, việc chú trọng hình thức hợp đồng để hạn
chế rủi ro là cần thiết.
Ví dụ: từ ngày 08/08/2010 việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương
mại chưa hình thành từ một cá nhân thì bắt buộc phải lập thành văn bản và công
chứng (theo điểm a, khoản 1 điều 20 thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 01/09/2010
về quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của nghị định số 71/
2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 cùa Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành luật nhà ở). Do đó, khi việc chuyển nhượng này không được lập thành
văn bản và/hoặc không được tiến hành công chứng thì coi như vô hiệu => các Tổ
chức tín dụng nhận đảm bảo bởi hợp đồng mua bán này sẽ coi như mất trắng tài sản
đảm bảo.
Hoặc như: các hợp đồng ủy quyền liên quan đến các giao dịch bất động sản thì bắt
buộc phải được lập thành văn bản và được công chứng.
Ở nhiều nước trên thế giới, pháp luật có những điều khoản cụ thể đối với một số
hợp đồng, bắt buộc từng loại phải được thể hiện bằng hình thức nhất định, nếu vi
phạm quy định này, hợp đồng đã ký kết sẽ không có giá trị pháp lý. Vi phạm các
quy định bắt buộc về hình thức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến pháp luật và trật tự công.
Vì vậy, chừng nào sự thống nhất của các bên chưa được thể hiện bằng những hình
thức nhất định theo đòi hỏi của pháp luật thì chừng đó chưa có hợp đồng. Pháp luật
một số nước coi sự vi phạm về hình thức là vi phạm lợi ích công cộng nên hợp đồng
vô hiệu tuyệt đối. Ví dụ, pháp luật của Đức đã đưa ra các đòi hỏi đầu tiên là phải
tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về hình thức để nhằm bảo vệ những người không có
kinh nghiệm đối mặt với những tình huống bất ngờ, cũng như để hạn chế phương
pháp chứng cứ. Tuy nhiên, việc pháp luật quy định hợp đồng phải được thiết lập
bởi những hình thức nhất định sẽ vô tình tạo nên khoảng cách nhất định giữa sự
thỏa thuận mong muốn của các bên với hiệu lực của hợp đồng. Hay ở một số nước
theo hệ thống luật Anh - Mỹ (common law), người ta quan niệm hình thức văn bản
là bắt buộc đối với các hợp đồng có giá trị. Đơn cử Anh và Úc, hợp đồng bắt buộc
phải được lập thành văn bản khi giá trị của nó lớn hơn 10 bảng Anh. Quy định này
xuất phát từ hệ thống luật án lệ coi các văn bản hợp đồng có giá trị bắt buộc và có
tính chất như luật đối với các bên và đó chính là căn cứ cơ bản để cơ quan có thẩm
quyền xem xét giải quyết tranh chấp. Nhờ đó, hợp đồng ở các nước này được soạn
thảo rất chặt chẽ.
Một số nước theo hệ thống luật lục địa (continental law) như Pháp, Thụy Sỹ thì
coi tự do ký kết hợp đồng là nguyên tắc cơ bản. Ở các nước này, sự thoả thuận thể
hiện ý chí chung của các bên đã là điều kiện đủ để hình thành nên hợp đồng, cho dù
chúng được thể hiện dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc này coi trọng “chữ tín”,
nghĩa là khi đã cam kết điều gì thì các bên phải tự giác thực hiện. Thực tế này đã
giúp loại bỏ các trường hợp hợp đồng bị vô hiệu vì có vi phạm về hình thức.
Có lẽ do không coi hình thức là điều kiện xác định tính hợp pháp của hợp đồng mà
luật của nước Pháp có sự phân biệt giữa giao dịch kinh doanh không có hiệu lực với
giao dịch kinh doanh do không tuân thủ theo thủ tục nhất định (mà trên thực tế dù
hợp đồng có hiệu lực song lại không thể chứng minh được, hoặc không đủ chứng
cứ để chứng minh trước toà án về sự tồn tại của hợp đồng khi có tranh chấp). Tuy
nhiên, sự phân biệt giữa giao dịch kinh doanh không có hiệu lực và giao dịch kinh
doanh có hiệu lực nhưng không thể chứng minh được trên thực tế là không lớn, bởi
nếu giao dịch có hiệu lực nhưng không thể chứng minh được một cách dễ dàng thì
rất khó khăn để xác định sự tồn tại của nó, mà chỉ có thể được xác định khi có sự
thừa nhận của các chủ công ty mà thôi. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của mình, các chủ công ty Pháp thường ký kết hợp đồng bằng văn bản cho dù pháp
luật có đòi hỏi hay không.
Hệ thống pháp luật của Đức lại hoàn toàn khác. Mặc dù, hình thức của giao dịch
kinh doanh không có chức năng chứng cứ, nhưng vi phạm điều kiện về hình thức
sẽ đưa đến sự vô hiệu của hợp đồng. Sự giải thích duy nhất đối với việc trói buộc
một chế tài mạnh như vậy là do nhà làm luật quan tâm tới việc bảo vệ các bên trước
những tình huống bất ngờ. Do đó, Đức đã đưa vào phần chung của Bộ luật dân sự
nguyên tắc: giao dịch pháp luật không được thực hiện bằng hình thức hợp pháp thì
sẽ bị vô hiệu hoặc không có giá trị. Điều này được lý giải là các đòi hỏi hình thức
được dự liệu để nhằm bảo vệ những người không có kinh nghiệm trước sự bất ngờ,
cũng như hạn chế phương pháp chứng cứ. Luật dân sự Việt cũng có cách tiếp cận
như vậy về hình thức hợp đồng.
Đối với các giao dịch thương mại, khuynh hướng của các nước thuộc hệ thống luật
châu Âu là hướng tới sự không bắt buộc về hình thức. Khuynh hướng này đã được
thể hiện rất rõ trong nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế, theo đó không có sự
bắt buộc về hình thức của hợp đồng. Ngược lại, ở Mỹ, Bộ luật thương mại đòi hỏi
hợp đồng mua bán hàng hoá phải thể hiện bằng văn bản nếu giá cả vượt quá một
con số xác định và hướng tới mục đích tất cả các giao dịch đều phải được thể hiện
bằng văn bản.
Như vậy, không có hệ thống pháp luật nào có thể miễn trừ hoàn toàn các đòi hỏi về
hình thức, song việc có thừa nhận hình thức là điều kiện hiệu lực của hợp đồng hay
không lại phụ thuộc cách tiếp cận vấn đề của pháp luật từng nước. Do vậy, trong
giao dịch kinh doanh, trước khi tiến hành ký kết hợp động kinh doanh với các đối
tác nước ngoài, bạn cần xem xét và nắm vững các quy định pháp luật về hợp đồng
của nước đó. Và nếu khi ký kết Hợp đồng kinh doanh quốc tế, công ty thoả thuận
với đối tác để luật điều chỉnh Hợp đồng là luật của nước mình, thì khi tranh chấp
xảy ra, công ty sẽ đỡ mất thời gian tìm hiểu pháp luật nước ngoài và có thêm lợi thế
để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
6. Hạn chế do sự chồng chéo, gò bó của các quy định của pháp luật:
Sự chồng chéo của các quy định của pháp luật đã gây không ít khó khăn cho các
doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo cũng như thực hiện hợp đồng.
Ví dụ:
- Theo cơ chế điều hành lãi suất của NHNN tại thông tư 12/2010/TT-NHNN và Luật
các TCTD năm 2010 cho phép các TCTD cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi
suất thỏa thuận. Ngoại trừ một số ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên được NHNN ấn định
mức lãi suất 11% đối với cho vay ngắn hạn thì các TCTD được phép chủ động thỏa
thuận lãi suất với khách hàng (theo thông tư 09/2013/TT-NHNN ngày 25/03/2013).
Tuy nhiên, khoản 1, điều 476, Bộ Luật dân sự 2005 lại quy định: lãi suất vay do các
bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Điều này đã dẫn đến tranh cãi và không ít cơ quan Tòa án cũng lúng túng không
nhất quá trong việc áp dụng luật vào thực tế các vụ tranh chấp HĐTD, gây khó khăn
cho các TCTD khi soạn thảo và thực hiện các HĐTD. Cụ thể như:
Ngày 15/04/2010, NHTM CP Sài Gòn (SCB) đã khởi kiện bà Nguyễn Thị Kim C
theo HĐTD số 040.42439.09, thời hạn cho vay: từ ngày 27/03/2009 đến ngày 27/
03/2010. Số tiền vay 2.700.000.000 đồng. Lãi suất cho vay trong hạn 0,875%/tháng,
đến ngày 01/03/2010 lãi suất trong hạn điều chỉnh 1,4%/tháng. Lãi suất quá hạn
bằng 150% lãi suất trong hạn.
Nội dung khởi kiện: bà C phải trả toàn bộ tiền lãi phát sinh theo HĐTD đã ký kết.
Bản án sơ thẩm số 24/2011/DS-ST ngày 01/08/2011 về việc tranh chấp hợp đồng
vay của tòa án nhân dân quận 10- TP.HCM quyết định “Mức lãi suất điều chỉnh
thời điểm 01/03/2010 là 1,4%/tháng cao hơn 150% lãi suất cơ bản của NHNN công
bố là 1%/tháng nên lãi suất điều chỉnh là 1,4%/tháng và lãi suất quá hạn là 2,1%/
tháng không được chấp nhận; chỉ chấp nhận tính lãi theo lãi suất các bên thỏa
thuận trong HĐTD với lãi suất trong hạn là 0,875%/tháng và lãi suất quá hạn
bằng 150% lãi suất trong hạn là 1,3125%/tháng”.
Không đồng ý với bản án trên, SCB đã kháng cáo lên Tòa án Nhân dân TP.HCM,
tuy nhiên bản án phúc thẩm số 273/2012/DS-PT ngày 30/03/2012 của Tòa án Nhân
dân TP.HCM đã quyết định y án sơ thẩm.
Qua sự việc trên cho thấy, sự chồng chéo của hệ thống pháp luật đã dẫn đến việc
xét xử và xử lý sự việc hoàn toàn theo ý chỉ chủ quan của Tòa án, không thống nhất
ngay trong một bản án: lãi suất trong hạn thì theo quy định của Luật dân sự 2005,
còn lãi suất quá hạn thì lại tuân theo Luật các TCTD 2010.
- Trong Bộ luật Dân sự 2005 quy định quyền hoản (điều 415), đơn phương chấm dứt
(điều 426) hợp đồng dân sự còn trong Luật Thương mại 2005 thì lại quy định tạm
ngừng (điều 308), đình chỉ (điều 310) hợp đồng. Việc sử dụng từ ngữ khác nhau để
quy định cho những vấn đề không khác như thế dễ dẫn đến sự nhằm tưởng giữa các
vấn đề đó có sự khác nhau. Và có thể dẫn đến “những phân biệt không nên phân
biệt”. Làm cho người áp dụng và sử dụng luật sẽ lúng túng và gặp nhiều khó khăn.
- Trong Bộ Luật dân sự 2005 quy định mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận (điều
422). Điều này có thể hiểu, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên căn cứ vào điều
kiện hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng mà quy định mức phạt hợp đồng cho phù hợp
với điều kiện thực tế đấy và không bị ràng buộc bởi một giới hạn nào của mức phạt
hợp đồng. Còn Luật Thương mại lại quy định mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng
do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá tám phần trăm giá trị
phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (điều 301). Với quy định này thì quyền lựa chọn
mức phạt hợp đồng do các bên thỏa thuận đã bị giới hạn trong khuôn khổ tám phần
trăm, cho dù là các hợp đồng có tính chất khác nhau như thế nào đi chăng nữa thì
mức phạt cũng chỉ nằm trong khuôn khổ đó. Việc Luật Thương mại quy định giới
hạn tối đa mức phạt hợp đồng như vậy không chỉ mâu thuẩn với quy định tại Bộ
luật Dân sự hiện hành mà còn là một quy định trái với thực tiễn hoạt động của các
doanh nghiệp.
7. Đại diện tham gia ký kết hợp đồng
- Năng lực hành vi dân sự của cá nhân:
Căn cứ vào các Điều 17, 18 và 19 của BLDS thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người
thành niên và người thanh niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như
vậy, theo quy định này thì chỉ có người nào có đủ từ 18 tuổi trở lên mới bằng chính
hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Còn những trường
hợp khác chưa đủ 18 tuổi thì khi giao kết, xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự
nào đó phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Quy định này nhằm bảo vệ
các giao dịch khi được xác lập phải được xác lập bởi những người có đủ khả năng
để tự nhân danh mình quyết định mọi hành vi của mình, đảm bảo không gây thiệt
hại cho người khác.
Trong trường hợp người đã đủ 18 tuổi nhưng lại mắc bệnh như bệnh tâm thần hoặc
mắc các bệnh khác gây ra tình trạng mất năng lực hành vi thì cũng không được tự
mình giao kết hợp đồng mà phải có đại diện pháp luật.
Tương tự như vậy, đối với những người từ 6 tuổi đến duới 18 tuổi khi giao kết hợp
đồng cũng phải có người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Do đó, cá nhân khi tham gia giao kết hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự,
trường hợp khác thì phải có ngừơi đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Năng lực hành vi dân sự của tổ chức:
Về nguyên tắc, thời điểm tổ chức, doanh nghiệp hay pháp nhân được coi là có năng
lực hành vi dân sự đầy đủ phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Pháp luật doanh
nghiệp được coi là nguồn pháp lý chủ yếu điều chỉnh/quy định năng lực hành vi
dân sự của tổ chức/doanh nghiệp/pháp nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp/tổ chức đó
hoạt động trong lĩnh vực nào thì sẽ chịu thêm sự điều chỉnh của văn bản pháp luật
của lĩnh vực đó, ví dụ pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, ngân hàng tín
dụng, bảo hiểm v.v
Thông thường năng lực hành vi của pháp nhân hay tổ chức được tính kể từ thời
điểm doanh nghiệp đó được thành lập về mặt pháp lý/thừa nhận sự tồn tại về mặt
pháp lý, ví dụ như kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép thành
lập hoặc ngày mà pháp luật quy định phải khai trương hoặc phải đăng ký thì mới
được coi là đã thành lập. Và chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức hoặc pháp nhân được
coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân. Theo quy định của BLDS thì năng lực
dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt
từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Quy định này có nghĩa rằng sự hình thành pháp
luật và được pháp luật công nhận thì pháp nhân đó có năng lực dân sự đầy đủ, có
các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.
Hiện vẫn còn có một số doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định này, không xem xét
năng lực hành vi dân sự của đối tác trước khi ký kết hợp đồng. Dẫn đến trường hợp
hợp đồng bị vô hiệu do đối tác không có năng lực hành vi dân sự.
- Đại diện cho tổ chức/pháp nhân và đại diện uỷ quyền
Đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến vị trí pháp lý của các
bên cũng như đến hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 139 Bộ
luật dân sự 2005 thì người đại diện phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Đại diện cho tổ chức/pháp nhân thông thường được quy định trong điều lệ của pháp
nhân hoặc trong quyết định thành lập của pháp nhân.
Trong thực tiễn, việc uỷ quyền cũng được ghi nhận trong một loạt các tài liệu có giá
trị chứng cứ khác như quy chế hoạt động của tổ chức đó, quyết định quy định trách
nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lãnh đạo và thành viên của doanh nghiệp và
kể cả trong thông báo chào hàng v.v… Và những giấy tờ này, về nguyên tắc có giá
trị hợp lệ để chứng minh cho việc phân công của lãnh đạo doanh nghiệp/tổ chức đối
với các lãnh đạo và thành viên khác của tổ chức/doanh nghiệp đó.
Khi tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng phải hết sức lưu ý
đến địa vị pháp lý của người được đại diện uỷ quyền, phạm vi được uỷ quyền nhằm
tránh tình trạng có tranh chấp sau này do việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm
quyền hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện uỷ quyền.
Gần đây nhất có thể kể đến vụ tranh chấp giữa ngân hàng TMCP Đông Nam Á
(SeABank) và công ty Vinaconex – Viettel (VVF). Ngày 27/11/2012, SeABank bất
ngờ phát đi một thông cáo báo chí cho biết nhà băng này quyết định không chấp
nhận yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh phát hành ngày
24/10/2011 do phó TGĐ Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu
cho Tập đoàn Vina Megastar vì chứng thư bảo lãnh này trái pháp luật. Cụ thể, bà
Giang đã ký bảo lãnh phát hành trái phiếu của Vina Megastar không đúng thẩm
quyền theo pháp luật và quy định của SeABank. Ngân hàng này dẫn giải Quyết định
693/2011/QĐ-HĐQT ngày 16/5/2011 của HĐQT SeABank, theo đó Tổng giám đốc
được phê duyệt các giao dịch với khách hàng của SeABank, trong đó có việc phê
duyệt, ký chứng thư bảo lãnh (bao gồm cả bảo lãnh phát hành trái phiếu) với mức
tối đa không quá 30 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Hương Giang với cương vị là Phó tổng
giám đốc được ký chứng thư bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng. Thông báo chính thức
từ SeABank cho biết, theo hồ sơ quản lý hiện tại của SeABank liên quan đến chứng
thư bảo lãnh ngày 24-10-2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký, NH không có
hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với Vina Megastar, giao dịch bảo
lãnh cho Vina Megastar không tồn tại trong hệ thống quản lý của SeABank. Bà
Nguyễn Thị Hương Giang lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký phát hành vượt thẩm
quyền chứng thư bảo lãnh trái phiếu DN đối với Vinaconex-Viettel, nên chứng thư
bảo lãnh này là vô hiệu và SeABank không chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối
với chứng thư bảo lãnh trái pháp luật này. Sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân của
bà Nguyễn Thị Hương Giang, SeABank sẽ không chịu trách nhiệm thực hiện các
nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch trái pháp luật do bà Nguyễn Thị Hương Giang thực
hiện. SeABank cho biết thêm, việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký chứng thư bảo
lãnh trái phép, đang được cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp
luật.
Qua sự việc trên cho thấy, để tránh thiệt hại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ thẩm
quyền của người đại diện/người được ủy quyền trước khi ký kết hợp đồng để tránh
rủi ro xảy ra.
Bên cạnh đó, vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng và lắp đặt Công trình
Thủy điện Mường Hum giữa CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và CTCP Phát
triển năng lượng Sơn Vũ (Công ty Sơn Vũ) là cũng là một ví dụ. Theo quy định,
mọi công trình xây dựng phải mua bảo hiểm, nhưng khi công trình xây dựng và lắp
đặt xong, phía thi công đã không thanh toán nốt phần phí bảo hiểm còn lại. Đến khi
bị kiện đòi phí thì Công ty Sơn Vũ phản tố, đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu
do người ký kết của VASS không có thẩm quyền, mặc dù người có thẩm quyền ký
kết của VASS không phản đối và nhận mọi trách nhiệm, nghĩa vụ phát sinh từ hợp
đồng. Hợp đồng vô hiệu do vi phạm các quy định khác của pháp luật.
Một trường hợp khác là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần và chuyển giao tài
sản giữa CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long và CTCP Bảo Sơn. Sau khi phát sinh
tranh chấp, phía Bảo Long đã chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến hợp đồng vô hiệu như
người ký kết không đúng thẩm quyền, tài sản chuyển giao vi phạm điều cấm của
pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ chưa được định giá nên không thể chuyển giao…
Điều 137, Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định,
giao dịch vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự
của các bên và khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban
đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật
thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Nguyên tắc
chung là như vậy, nhưng thực tế các vụ tranh chấp cho thấy, khi hợp đồng bị tuyên
vô hiệu, việc hoàn trả nhau những gì đã nhận không dễ dàng, nhất là đối với các
thương mua bán, sáp nhập.
Chẳng hạn, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và cam kết chuyển giao tài sản giữa
bên mua CTCP Tập đoàn IPA và bên bán là Công ty TNHH Thép Vạn Lợi. Hợp
đồng đã bị Tòa sơ thẩm tuyên vô hiệu và xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu chỉ gói
gọn bên bán trả lại bên mua 10 tỷ đồng, các vấn đề khác không được xem xét đến.
Tuy nhiên, trong thương vụ mua bán nói trên, IPA đã bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng để
mua cổ phần Thép Vạn Lợi, cũng như tiếp tục đầu tư cho hoạt động của DN này.
Theo TS. Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, trường hợp
hợp đồng vô hiệu phổ biến đó là vi phạm về thẩm quyền ký kết. “DN khi ký hợp
đồng với các đơn vị như chi nhánh, trung tâm, xí nghiệp, trạm trại…, thấy họ có con
dấu, tài khoản, hóa đơn chứng từ riêng là yên tâm, mà không biết rằng, thẩm quyền
ký kết phải là người đại diện theo pháp luật và phải là con dấu của pháp nhân.
Ngoài ra, còn phải xem ai là đại diện theo pháp luật, vì nhiều DN đăng ký người đại
diện theo pháp luật không phải là tổng giám đốc, mà là chủ tịch HĐQT, chủ tịch
HĐTV”
Theo TS. Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, trường hợp
hợp đồng vô hiệu phổ biến đó là vi phạm về thẩm quyền ký kết. “DN khi ký hợp
đồng với các đơn vị như chi nhánh, trung tâm, xí nghiệp, trạm trại…, thấy họ có con
dấu, tài khoản, hóa đơn chứng từ riêng là yên tâm, mà không biết rằng, thẩm quyền
ký kết phải là người đại diện theo pháp luật và phải là con dấu của pháp nhân.
Ngoài ra, còn phải xem ai là đại diện theo pháp luật, vì nhiều DN đăng ký người đại
diện theo pháp luật không phải là tổng giám đốc, mà là chủ tịch HĐQT, chủ tịch
HĐTV”.
8. Hợp đồng vô hiệu do vi phạm các quy định khác
- Sáu hợp đồng lao động đã thực hiện xong bất ngờ bị tòa tuyên bố là “vô hiệu”
nhưng các bên đương sự không được nhận lại những gì đã “trao cho” bên kia giống
như việc xử lý hậu quả của các trường hợp hợp đồng vô hiệu.
Năm 2010, ông Micheal Joseph Small, quốc tịch Canada đã ký 3 hợp đồng lao động
với Cty TNHH giáo dục IDP Việt Nam, mỗi hợp đồng có thời hạn 5 tuần. Theo đó,
ông Small trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho các lớp ngôn ngữ do Cty IDP mở.
Năm 2011, Cty IDP và ông Small tiếp tục ký 3 hợp đồng lao động nữa, với thời hạn
dài hơn. Trong đó, hợp đồng thứ 6 ký ngày 11/7/2011 có thời hạn 25 tuần và kết
thúc vào ngày 31/12/2011.
Trước khi kết thúc hợp đồng mười ngày, ngày 21/12/2011, Cty IDP thông báo cho
ông Small việc chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 31/11/2011 và sẽ không tiếp tục ký
hoặc gia hạn hợp đồng đối với ông với lý do Cty đang dư thừa giáo viên. Ông Small
được nhận lương đến hết ngày 30/12/2011
Không đồng ý với lý do chấm dứt hợp đồng mà Cty IDP nêu ra, ông Small đã khởi
kiện yêu cầu Cty phải nhận ông làm việc trở lại với lý do, hợp đồng thứ 6 do ông
và Cty ký kết là hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật lao
động. Do đó, Cty đã chấm dứt hợp đồng với lý do không xác đáng và thủ tục không
đúng pháp luật nên phải nhận ông trở lại làm việc. Nếu không đáp ứng yêu cầu này,
Cty phải bồi thường cho ông 5 tháng lương, tương đương 2.330 đô la Mỹ.
Ngược lại, Cty IDP cho rằng, với 6 bản hợp đồng trong vòng 2 năm đã thể hiện việc
ký hợp đồng lao động với ông Small là loại hợp đồng theo mùa vụ (theo tuần) do
các khóa học mà Cty tổ chức đều ngắn hạn và được tính bằng tuần. Vì thế, khi hết
thời hạn hợp đồng và Cty không có nhu cầu thuê giáo viên nên việc chấm dứt hợp
đồng với ông Small là đúng pháp luật, đúng theo thỏa thuận giữa hai bên được thể
hiện trong hợp đồng.
Giải quyết vụ kiện này, TAND TP Hà Nội cho rằng, giám đốc điều hành của Cty
IDP ký hợp đồng không phải là giám đốc hoặc tổng giám đốc, cũng không phải là
người được giám đốc ủy quyền hoặc phân cấp thường xuyên nên việc những người
ký hợp đồng giữa Cty IDP và ông Small là ký hợp đồng trái pháp luật.
Bên cạnh đó, TAND TP Hà Nội cũng cho rằng, các bản hợp đồng ký với ông Small
không được đóng dấu nên không đúng hình thức theo quy định của “hợp đồng
mẫu”. Với các lý do nêu trên, Tòa nhận định, cả 6 bản hợp đồng giữa ông Small và
Cty IDP đều là hợp đồng vô hiệu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tòa án, do cả 6 bản hợp đồng trên đã được thực hiện
và các bên đều không có tranh chấp gì về quyền lợi liên quan đến 6 bản hợp đồng
nên Tòa không xem xét. Hơn nữa, theo Tòa án, cả hai bên đều có lỗi trong việc ký
các bản hợp đồng vô hiệu nên mỗi người chịu “một nửa” lỗi.
Với nhận định này, Tòa án đi đến phán quyết 6 hợp đồng vô hiệu. Nhưng khác với
các trường hợp vô hiệu khác của hợp đồng, Tòa không bắt các đương sự phải “trả
lại cho nhau những gì đã nhận” mà tuyên bố việc chấm dứt hợp đồng “vô hiệu” này
là đúng. Tòa bác mọi yêu cầu của nguyên đơn Joseph Small.
Việc tòa tuyên bố 6 bản hợp đồng lao động giữa IDP và ông Small bị vô hiệu đã
khiến Cty IDP “vô tình” được lợi vì không phải giàng buộc nghĩa vụ nào với ông
Small từ các bản hợp đồng đã ký. Với việc phán quyết này, nhiều giáo viên khác
cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự như ông Small nếu bị Cty này chấm dứt hợp
đồng lao động. Những cố gắng dựa vào các quy định của Bộ Luật lao động để bảo
vệ quyền lợi của mình của người lao động đã không thể thắng nổi lập luận của Tòa
án.
Việc áp dụng pháp luật của Tòa án để tuyên bố 6 bản hợp đồng lao động bị vô hiệu
là có căn cứ hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, trưởng
VPLS Ánh Sáng Công lý nhận định việc xác định hợp đồng vô hiệu với hai lý do là
hợp đồng do người không đủ thẩm quyền ký và không có đóng dấu là không thuyết
phục.
Thứ nhất, việc ký hợp đồng lao động với giáo viên nước ngoài do người không có
thẩm quyền hoặc không được ủy quyền nhưng được phân cấp trong Công ty thì vẫn
có hiệu lực và vẫn đảm bảo yếu tố về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động theo
quy định tại Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH.
Thứ hai, người thay mặt IDP ký hợp đồng lao động với ông Small và các giáo viên
khác là Giám đốc điều hành. Do Giám đốc điều hành ký hợp đồng lao động với các
giáo viên nên có thể hiểu đã có sự phân cấp quản lý ký hợp đồng lao động nên hợp
đồng lao động được coi là đã được ký bởi người đại diện hợp pháp của IDP. Hơn
nữa, việc giám đốc điều hành ký kết các hợp đồng và được giám đốc/tổng giám
đốc chấp thuận thông qua việc sử dụng và trả lương đầy đủ thì không thể nói là “vô
hiệu” được.
Kể cả trường hợp người thay mặt IDP ký hợp đồng là người không có thẩm quyền
nhưng cả IDP và ông Small đều thừa nhận quan hệ lao động này thì việc thừa nhận
này phải được coi là thỏa thuận có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp
luật lao động và do đó, Tòa án phải công nhận quan hệ lao động này.
Việc xác định hợp đồng vô hiệu gây bất lợi gì đối với người lao động, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 22, Bộ luật Lao động thì trường hợp ký hợp đồng lao động
theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì cũng chỉ được
ký không quá 2 lần. Sau đó, hợp đồng sẽ chuyển thành không xác định thời hạn.
Trong vụ việc này, Cty IDP đã chia nhỏ thời gian ký hợp đồng lao động dẫn đến
trong 2 năm đã ký 6 hợp đồng lao động cho dù thời gian làm việc của ông Small là
liên tục từ ngày 31/5/2010 đến ngày 31/12/2011. Trong trường hợp này, có thể thấy
Cty đã vi phạm quy định của Bộ Luật lao động nên việc ông Small cho rằng hợp
đồng thứ 6 mà ông ký với Cty là loại hợp đồng không xác định thời hạn là có cơ sở.
Việc Tòa tuyên các bản hợp đồng trên là vô hiệu đã “vô hiệu hóa” quy định của luật
về chuyển loại hợp đồng lao động. Điều này có thể trở thành tiền lệ không tốt nếu
như người sử dụng lao động khác biết cách “áp dụng” tình huống này cho các công
ty của họ.
- Với các hợp đồng dịch vụ, thương mại, tín dụng…, lý do vô hiệu hợp đồng thường
là hợp đồng có sử dụng đồng ngoại tệ (thường là USD) làm cơ sở tham chiếu cho
các giao dịch nội địa (hợp đồng vay, thuê, mua bán, chuyển nhượng bất động
sản…). Thực tế, các giao dịch thương mại nội địa có tham chiếu USD dường như là
tập quán thương mại phổ biến, nên khi có tranh chấp, thỏa thuận tương tự xem như
vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 9, Pháp lệnh Quản lý ngoại hối năm 2005).
- Với các hợp đồng giao dịch bất động sản, lý lẽ được đưa ra nhằm vô hiệu các giao
dịch thường là thời điểm huy động vốn trái với Điều 39, Luật Nhà ở (chưa xây xong
nền móng nên tài sản thuê/đối tượng hợp đồng chưa tồn tại, quyền sử dụng đất chưa
thuộc về bên ký kết hợp đồng), hoặc bên giao vốn không có chức năng đầu tư cung
cấp khoản vay… Với các lý do đó, hợp đồng bị xem như vô hiệu toàn bộ.
III.
Nguyên nhân và giải pháp
1.
Nguyên nhân
- Do sự chồng chéo, không rõ ràng của hệ thống pháp luật.
- Sự quan tâm, đầu tư cho hợp đồng chưa thỏa đáng của doanh nghiệp.
- Nhận thức về pháp luật của các doanh nghiệp còn hạn chế.
- Khả năng lãnh đạo, nắm bắt thông tin của doanh nghiệp
2.
Giải pháp
- Thành lập bộ phận pháp lý riêng để xem xét đánh giá và tư vấn về hợp đồng cho
doanh nghiệp. Trên thương trường, bất kể hoạt động kinh doanh nào của bạn
với đối tác bên ngoài cũng đều được thể hiện thông qua hợp đồng. Đây chính
là ràng buộc pháp lý về nghĩa vụ của các bên trong kinh doanh. Khá nhiều các
tranh chấp kinh doanh ngày nay đều xuất phát từ những bất cập của hợp đồng.
Mà những tranh chấp đều có nguyên nhân sâu xa là do việc soạn thảo hợp đồng
không chặt chẽ. Vì thế, ngày này nhiều công ty, tập đoàn lớn trên toàn thế giới
đã tổ chức bộ phận pháp lý riêng để xem xét, đánh giá và tư vấn cho mình trước
khi ký kết các hợp đồng.
- Đồng thời, vận dụng các quy định pháp luật để ngăn chặn việc đối tác bất tuân
thủ hợp đồng, như chế tài phạt, tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ, áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng quy định của pháp luật có liên quan để thương
lượng trước khi đưa vụ việc ra tòa án hoặc trọng tài.
- Khi xem xét tranh chấp hợp đồng, cần tôn trọng ưu tiên các thỏa thuận của các
bên trong hợp đồng, có hướng dẫn cụ thể, khả thi hơn để làm căn cứ xác định
lỗi bồi thường thiệt hại, nếu một bên gây ra cho bên còn lại. Quy định làm căn
cứ vô hiệu hóa hợp đồng được cài cắm ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, mà
thông thường, các đối tác khi ký kết hợp đồng không thể lường hết được cho đến
khi bị cơ quan tài phán tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc về hình thức hoặc về
nội dung do vi phạm “điều cấm” của pháp luật. Theo thống kê, có khoảng 100
điều luật quy định rải rác trong các bộ luật, như Luật Thương mại, Bộ luật Dân
sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…,
mà nếu thỏa thuận tại hợp đồng trái hoặc không tương đồng với các quy định
sẽ rất dễ bị “vận dụng” để tuyên hợp đồng vô hiệu. Do vậy, khi xem xét tranh
chấp hợp đồng, cần tôn trọng ưu tiên các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể, khả thi hơn để làm căn cứ xác định lỗi bồi
thường thiệt hại, nếu một bên gây ra cho bên còn lại.
- Lưu ý khi đưa các văn bản pháp luật vào phần căn cứ của hợp đồng. Phần này
các bên thường đưa ra các căn cứ làm cơ sở cho việc thương lượng, ký kết và
thực hiện hợp đồng; có thể là văn bản pháp luật điều chỉnh, văn bản uỷ quyền,
nhu cầu và khả năng của các bên. Trong một số trường hợp, khi các bên lựa
chọn một văn bản pháp luật cụ thể để làm căn cứ ký kết hợp đồng thì được xem
như đó là sự lựa chọn luật điều chỉnh. Ví dụ: một doanh nghiệp Việt Nam ký
hợp đồng mua bán hàng hoá với một doanh nghiệp nước ngoài mà có thoả thuận
là: Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005 của Việt Nam để
ký kết, thực hiện hợp đồng thì hai luật này sẽ là luật điều chỉnh đối với các bên
trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp (nếu có). Do đó
cũng phải hết sức lưu ý khi đưa các văn bản pháp luật vào phần căn cứ của hợp
đồng, chỉ sử dụng khi biết văn bản đó có điều chỉnh quan hệ trong hợp đồng và
còn hiệu lực.
- Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của bộ phận phụ trách
về hợp đồng.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, giảm thiểu sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các
quy định và phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời
đảm bảo sự chặt chẽ trong các quy định, tránh tình trạng lách luật, lừa đảo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
/>ngo-011145270.html
2.
3.