CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT VỀ ĐỀ TÀI
1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
Với bất cứ một quốc gia nào, bất cứ một nền kinh tế nào thì vốn luôn là một trong những yếu
tố quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế. Tín dụng của các ngân hàng thương mại
(NHTM) là một trong những hình thức sử dụng vốn đối với các doanh nghiệp nói chung và các
doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2008 đến nay thì vấn đề cấp tín
dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít những khó khăn và tồn đọng như: sự an
toàn, chất lượng, hiệu quả…
Câu chuyện dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp hiện đang rất nóng. Doanh nghiệp ta
than về ngân hàng, bởi vì lãi suất cho vay bị đẩy lên cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Nhưng ngân hàng lại cũng có cái lý lẽ của ngân hàng. Đầu tiên, là việc chính sách tiền tệ thắt chặt,
dòng vốn huy động khó khăn nên ngân hàng buộc phải huy động lãi suất cao để hút vốn. Huy động
lãi suất cao thì phải cho vay với lãi suất cao là đương nhiên. Tiếp đến là rủi ro nợ xấu luôn có khả
năng xảy ra, nhất là trong thời kỳ nền kinh tế đang gặp khủng hoảng như hiện nay. Từ đây dẫn đến
hệ lụy là từ đầu năm 2011 đến nay, đã có hơn 50.000 doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động...
Vốn có lẽ là bài toán khó nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Hơn
97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có đến 91% là nhỏ và siêu nhỏ.
Theo khảo sát chỉ có 20% số doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Một trong
những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam là Vietcombank cũng chỉ dành 8-10% vốn tín dụng của
mình cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam có những nghịch lý rất đặc thù. Đó là, các ngân hàng nông thôn sau khi nâng cấp
trở thành ngân hàng đô thị thì lại ít chú trọng phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân.
Trong khi 80% trong tổng số 3.000 ngân hàng ở Mỹ, chỉ phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khát vốn nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn
vốn cho vay của các ngân hàng, điều này ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp
và hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Vậy những khó
khăn mà doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt khi vay vốn từ ngân hàng nằm ở
đâu? Và chúng ta có những giải pháp gì cho những khó khăn đó? Đây chính là những băn khoăn và
lý do để nhóm đưa ra quyết định chọn đề tài nghiên cứu: “ Những yếu tố ảnh hưởng đến khả
năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam
và giải pháp”. Hy vọng, bài nghiên cứu này phần nào giải đáp được bài toán về vốn cho các doanh
nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho ngành
ngân hàng nói riêng.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1 Mục tiêu chung
- Xây dựng mô hình nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay
ngân hàng của những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra những
giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng tiếp cận dễ
hơn nguồn vốn vay từ ngân hàng.
- Dựa trên mô hình vừa xây dựng được giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đo lường,
đánh giá chính xác khả năng tiếp cận vốn vay của mình, từ đó có những điều chỉnh hợp lý để đáp
ứng yêu cầu của các ngân hàng, cân bằng lợi ích giữa hai bên.
2.2 Mục tiêu cụ thể
- Tập trung phân tích vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng nguồn vốn cho các
doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn 2008-2012 tại Việt Nam.
- Phân tích chi tiết những rào cản hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng
của khu vực này
- Đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân
hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Câu hỏi nghiên cứu
- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những khó khăn gì trong việc tiếp cận nguồn vốn vay
từ phía các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2008-2012?
- Những giải pháp nào nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng đối với các
doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tình hình nền kinh tế như hiện nay?
4. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian: Khu vực Thành Phố Hồ Chí Minh
- Thời gian: Giai đoạn 2008-2012
- Đối tượng nghiên cứu: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngân hàng thương mại tại khu vực
Thành Phố Hồ Chí Minh
- Vấn đề nghiên cứu: Những yếu tố ảnh hưởng khả năng tiếp cận vốn vay của những doanh
nghiệp vừa và nhỏ.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết về vốn vay và các nhân tố ảnh hưởng khả năng tiếp cận vốn
vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nghiên cứu đề nghị thu thập những thông tin liên quan. Sau đó sử
dụng kết hợp nhiều phương pháp như: tài liệu, phỏng vấn, điều tra, thống kê, phân tích, tổng hợp.
Dựa trên số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng công cụ SPSS để xử lý dữ liệu và xác
định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay của những doanh nghiệp vừa và nhỏ
trong giai đoạn 2008-2012 tại Việt Nam. Cuối cùng xác định mô hình hoàn chỉnh sau khi thực hiện
kiểm định.
6. Kết quả mong đợi
Tìm ra đúng rào cản, đúng nút thắt đang làm hạn chế khả năng tiếp cận dòng vốn vay tại
ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn,
khủng hoảng như hiện nay. Qua đó đưa ra được các giải pháp phù hợp, ứng với mỗi mặt khó khăn
trên. Có như thế mới phần nào giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm ra được đáp án đúng về bài
toán vòng xoay vốn đang ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp, đặc
biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
7. Ý nghĩa của bài nghiên cứu
- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể dựa
vào kết quả đạt được của bài nghiên cứu nhằm tham khảo, xem xét các chiến lược kinh doanh cho
phù hợp, rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
- Bài nghiên cứu có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu kế tiếp
để hoàn thiện hơn những mặt còn thiếu sót.
- Bài nghiên cứu có thể được dùng làm tài liệu cho sinh viên, học viên cao học, giáo viên
trong việc học tập và giảng dạy.
8. Kết cấu của bài nghiên cứu
Bài nghiên cứu được chia thành 5 chương, cụ thể:
Mở đầu: Tổng quan về đề tài nghiên cứu
Chương I:Cơ sở lý thuyết
Chương II: Thực trạng tình hình tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn
2008-2012 ở Việt Nam
Chương III: Xây dựng mô hình nghiên cứu
Chương IV: Kết quả nghiên cứu
Chương V: Một số đề xuất và kiến nghị về giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn
vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ
CHƯƠNG II: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1 Tìm hiểu các khái niệm
• Vốn: vốn được hiểu là của cải vật chất do con người tạo ra và tích lũy lại. Nó có thể
tồn tại dưới dạng vật thể hoặc vốn tài chính. Theo học thuyết Kinh tế cổ điển và phái cổ điển mới,
vốn là một trong các yếu tố đầu vào để sản xuất kinh doanh (đất đai, lao động, tiền…), vốn là các
sản phẩm được sản xuất ra để phục vụ cho sản xuất (máy móc, thiết bị…), Theo quan điểm của các
nhà Kinh tế học hiện đại thì vốn là một loại quỹ tiền tệ đặc biệt.
• Vay vốn ngân hàng là hình thức phát sinh giao dịch bằng tài sản giữa một bên là các
ngân hàng gọi là bên cho vay và một bên là các cá thể, doanh nghiệp gọi là bên vay. Bên cho vay
sẽ chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời bên
đi vay sẽ có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cho bên cho vay cả vốn lẫn lãi khi đến hạn phải
thanh toán đã thỏa thuận.
• Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) là tổ chức sự nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam, có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng
phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện các dịch vụ thông tin
ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.
• Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh
tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các
yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
• Năng lực tài chính của một doanh nghiệp là nguồn lực tài chính của bản thân doanh
nghiệp, là khả năng tạo tiền, tổ chức lưu chuyển tiền hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán thể hiện
ở quy mô vốn, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời… đủ để đảm bảo và duy trì hoạt động kinh
doanh được tiến hành bình thường.
• Kế hoạch kinh doanh là sự mô tả của doanh nghiệp về các mục tiêu kinh doanh, các
chiến lược và chiến thuật để đạt được các mục tiêu kinh doanh đó. Kế hoạch kinh doanh cũng đưa
ra những phân tích thuyết phục về các mục tiêu kinh doanh cũng như các kế hoạch bộ phận cần
tiển khai để đạt được mục tiêu đó như kế hoạch marketing, tài chính và nhân sự, sản xuất…
• Tài sản bảo đảm là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân
sự đối với bên nhận bảo đảm.
• Lãi suất hiểu theo một nghĩa chung nhất là giá cả của tín dụng, vì nó là giá của quyền
được sử dụng vốn vay trong một khoảng thời gian nhất định, mà người sử dụng phải trả cho người
cho vay; là tỷ lệ của tổng số tiền phải trả so với tổng số tiền vay trong một khoảng thời gian nhất
định. Lãi suất là giá mà người vay phải trả để được sử dụng tiền không thuộc sở hữu của họ và là
lợi tức người cho vay có được đối với việc trì hoãn chi tiêu.
2.2 Lược khảo các tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu
• Bài nghiên cứu: “Tín dụng ngân hàng cho khu vực kinh tế tư nhân ở các nước đang
phát triển” Tác giả: Trần Quang Tuyến , Khoa kinh tế chính trị- ĐH kinh tế- ĐH Quốc gia Hà
Nội. Đăng trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế Kinh doanh số 25 ngày 15/9/2008.
Nội dung của bài nghiên cứu:
Bài viết tập trung vào phân tích vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng nguồn
vốn cho khu vực kinh tế tư nhân. So với các nguồn vốn khác mà khu vực tư nhân có thể tiếp cận,
vốn ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng ở các nước đang phát triển bởi những ưu thế riêng vốn
có của hệ thống ngân hàng. Đồng thời miêu tả những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay
này và đưa ra được một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn cho khu vực kinh
tế tư nhân ở các nước đang phát triển.
Các nội dung liên quan đến vấn đề nghiên cứu:
• Hệ thống tài chính ở mỗi quốc gia đều cơ bản dựa trên nền tảng bao gồm các tổ chức
trung gian tài chính. Tuy nhiên tại mỗi nước lại có cấu trúc tài chính khác nhau và hiện nay có thể
chia làm hai mẫu hình cấu trúc tài chính cơ bản là: hệ thống tài chính dựa vào thị trường (chứng
khoán) (market- based or security- diminated financial system) và hệ thống tài chính dựa vào hệ
thống ngân hàng (bank-based or bank-dominated financial system) [1]. Một số nghiên cứu khẳng
định rằng hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng hỗ trợ cho tăng trưởng hiệu quả hơn hệ thống tài
chính dựa vào thị trường, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và đang phát triển. So với các hình
thức tổ chức trung gian tài chính khác, những ngân hàng đã thiết lập hiệu quả thường hình thành
được mối liên kết chặt chẽ với khu vực tư nhân và điều đó cho phép các ngân hàng có sự hiểu biết
tốt hơn về các công ty và thuyết phục họ trả các khoản nợ theo đúng thời gian quy định. Các ngân
hàng cũng là nhà đầu tư quan trọng trong việc xóa bỏ rủi ro thanh khoản, và điều này khiến họ gia
tăng các khoản đầu tư vào lĩnh vực có lợi tức cao, tài sản có tính lỏng thấp và thúc đẩy quá trình
tăng trưởng kinh tế [2].
• So với các nước phát triển thì các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn trong việc
vay mượn vốn ngân hàng. Xét về quy mô thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình doanh
nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn trong mối quan hệ vay vốn ngân hàng
vì nhiều lý do:
• Do đa phần các doanh nghiệp thiếu vốn, năng lực tài chính yếu kém và thiếu tài sản
thế chấp
• Quy mô khoản vay nhỏ, phân tán dẫn đến tăng chi phí giao dịch khi vay vốn.
• Các doanh nghiệp thường thiếu khả năng xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và
bền vững, điều này dẫn tới khó hình thành mối quan hệ lâu dài trong vay mượn vốn ngân hàng.
• Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực tư nhân gặp nhiều bất bình đẳng so với doanh
nghiệp nhà nước trong vay vốn ngân hàng.
• Do sự thiếu vắng hệ thống cung cấp thông tin tài chính nói chung, thông tin trong
giao dịch giữa ngân hàng và các doanh nghiệp nói riêng ở các nước đang phát triển.
• Hệ thống ngân hàng thương mại ở các nước đang phát triển hoạt động thiếu tính cạnh
tranh và năng lực yếu kém.
• Để mở rộng hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
tại các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng phải cần đến các giải pháp đồng bộ, từ
việc cải cách chính khu vực ngân hàng, cải cách khu vực kinh tế Nhà nước và một số cơ chế, chính
sách thuộc các lĩnh vực liên quan khác như đất đai, kiểm toán, phát triển các tổ chức đăng ký tín
dụng…Hơn nữa, các chính sách nhằm hướng đến việc xử lý vấn đề thông tin và tài sản thế chấp
trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, đây là điểm mấu chốt để xử lý vấn đề khó
tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, bài nghiên cứu cũng bộc lộ 1 số nhược điểm sau đây:
• Bài viết phân tích những rào cản trong việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp ở các
nước đang phát triển. Tuy nhiên đây đều là những khó khăn thuộc về môi trường chính sách, môi
trường tín dụng và một phần khó khăn xuất phát từ phía các doanh nghiệp mà chưa đề cập về phía
các ngân hàng. Những khó khăn trong huy động và cho vay cũng dẫn đến việc khó đáp ứng nhu
cầu vay vốn cho các doanh nghiệp, với trên 90% tỷ trọng vốn của ngân hàng hiện nay là nguồn vốn
ngắn hạn, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc quản trị nguồn vốn, khó bảo
đảm cân đối kỳ hạn cho vay. Hơn nữa, sự mất cân đối kỳ hạn vốn của ngân hàng hiện nay cũng là
một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của
doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các doanh nghiệp này chủ yếu vay vốn
trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Do vậy, để đưa ra các giải pháp nhằm
nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn
nền kinh tế khó khăn như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải đứng trên nhiều phương diện để nhìn
nhận những khó khăn và tìm ra được những giải pháp đúng đắn và phù hợp.