Mối lo ngại an toàn thực phẩm: Từ chợ đến bếp đều… khó sạch!
Khảo sát cho thấy, mặc dù thịt trong sản xuất nem chua được dùng
ngay sau khi mổ nhưng là nguồn tạp nhiễm chủ đạo.
Tại Hội nghị khoa học về Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm lần thứ
nhất được tổ chức tại Hà Nội (ngày 16 -17/12), Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh
Quân Huấn cho rằng, hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm có nguy cơ gây
ngộ độc thực phẩm cao. Trên thực tế cũng đã có nhiều vụ ngộ độc thực
phẩm xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bỗng dưng thấy sợ
Một điều tra năm 2010 trên 6 phường thuộc TP Thanh Hóa trên các thức ăn
chín đường phố cho thấy, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn trên các thức ăn này chiếm
hơn 33%.
Chưa hết, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn vượt quá mức quy định của từng loại thực
phẩm và dụng cụ chế biến như sau: Thịt và các sảm phẩm từ thịt là 33,3%;
cá và các sản phẩm từ cá là 13,3%; rau sống ăn ngay lên tới 93,3%; bún
bánh phở là 31,2%.
Tỷ lệ ô nhiễm vi khuẩn E.coli (gây tiêu chảy) ở mẫu bàn tay người chế biến
là 23,3% và các loại dụng cụ chế biến là 29%.
Năm 2010, Trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm đã khảo sát tại làng nghề
Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) với những sản phẩm miến dong, bún khô và
phở khô cũng cho những kết quả giật mình. 15% các cơ sở sản xuất đều
có… chuồng lợn kề bên.
100% sản phẩm được phơi vào phên tre bên lề đường bụi bặm và gần cống
rãnh thoát nước thải. 60% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung
Quốc với mùi khó chịu đều được chứa trong các bao tải và chất đống mất vệ
sinh.
Có tới 50% hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng natri hydro sulphat, axit
clohydric, thuốc tím và 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột.
Một điều tra khác của Trung tâm Y tế dự phòng Phú Thọ trên thực phẩm
truyền thống (2007-2008) cho thấy, ô nhiễm thực phẩm có nguồn gốc động
vật từ 41-79%.
Các sản phẩm chế biến có nguồn gốc thực vật nhưng có bao gói đơn giản
hoặc không bao gói cũng có tỉ lệ nhiễm cao từ 26,5- 63%. Nguyên nhân ô
nhiễm là vi khuẩn và nấm mốc sinh độc tố.
Điều tra này cũng cho biết, nguyên nhân ô nhiễm thực phẩm do hóa học chủ
yếu là ô nhiễm hàn the trong chế biến, bảo quản giò chả, bánh đúc, bánh giò.
Nem chua – món ăn được cho là dễ nhiễm tạp khuẩn trong quá trình sản
xuất.
Cảnh giác với những món tái
Viện Công nghệ Sinh học- Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) vừa tiến
hành khảo sát ba cơ sở sản xuất nem chua ở Hà Nội. Kết quả cho thấy, mặc
dù thịt dùng trong sản xuất nem chua được sử dụng ngay sau khi mổ nhưng
là nguồn tạp nhiễm chủ đạo.
Theo bà Lê Thanh Mai, Viện Công nghệ Sinh học – Thực phẩm, nguồn tạp
nhiễm này chứa một số lượng lớn những loài gây bệnh (đặc biệt là S.aureur
và E.coli). Từ đó, kéo theo chất lượng không đảm bảo ở sản phẩm nem chua
cuối cùng.
Quá trình xử lý nguyên liệu, phối trộn và bao gói trước khi lên men làm tăng
khả năng sự tạp nhiễm, đặc biệt là vi khuẩn B. cereus. Và quá trình lên men
lactic cũng không thể loại bỏ hết các vi khuẩn gây bệnh.
Theo một khuyến cáo của tổ chức thuốc và thực phẩm Mỹ, bất cứ ai cũng có
nguy cơ lây nhiễm B.cereus.
Thực phẩm nhiễm B.cereus là rất phổ biến. Người ăn phải thực phẩm này
thường mắc hai bệnh điển hình là tiêu chảy và nôn. Loại vi khuẩn này rất dễ
dính lên các nhóm thực phẩm như thịt, sữa, rau và cá.
Triệu chứng chính của loại ngộ độc này là đại tiện ra nước và cơ bụng bị
chuột rút khoảng sau 6-15 tiếng kể từ lúc ăn phải. Triệu chứng này kéo dài
khoảng 24 tiếng. Nôn mửa cũng có thể đi kèm nhưng thường hiếm gặp đối
với loại ngộ độc gây tiêu chảy bởi B.cereus trọng lượng phân tử lớn.
Về khả năng kiểm tra vi sinh vật B.cereus ở Việt Nam, theo Cục An toàn
thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước chỉ có 38 trung tâm y tế dự phòng tỉnh, chiếm
60% tỉnh thành, có năng lực kiểm nghiệm. Viện ở 4 vùng miền đều đủ năng
lực xét nghiệm loại vi khuẩn này.
Hội nghị Khoa học về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm
lần thứ nhất với sự tham dự của gần 400 đại biểu là các
nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lí
nghiên cứu về ATVSTP tại Việt Nam, các tổ chức quốc
tế đang hoạt động tại Việt Nam và đại diện các cơ quan,
ban, ngành liên quan đến Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ
Công Thương… Mục đích của Hội nghị lần này sẽ là
định hướng chiến lược cho ngành kiểm nghiệm
ATVSTP về quản lí, nghiên cứu khoa học; chia sẻ kinh
nghiệm, xây dựng hệ thống Phòng kiểm nghiệm đạt tiêu
chuẩn ISO/IEC 17025. Kết quả ứng dụng trong kiểm
nghiệm, quản lí thực phẩm giữa các khu vực, Viện trong
cả nước và các tổ chức quốc tế đang làm việc tại Việt
Nam nhằm đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng và
môi trường.