Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

BÀN THÊM VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (248.26 KB, 16 trang )

BÀN THÊM VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA
GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp
Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG Tp. HCM

Báo cáo tại Hội thảo khoa học BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI
VÀ HỘI NHẬP do Đề tài KX. 03.14/06-10 (CHƯƠNG TRÌNH KX.03/06-10)
và Khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) tổ chức
ngày 17-17/9/2009 tại Biên Hòa (Đồng Nai).


Đặt vấn đề
Về mặt lý thuyết và thực tiễn, hai khái niệm cơ bản của các khoa học về văn
hóa là khái niệm giá trị và bản sắc. Vấn đề này cực kỳ quan trọng liên quan đến
quan điểm, đường lối và các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc.
Ngay ở Việt Nam các khái niệm này không phải một lúc được xác định rõ ràng.
Sau cách mạng tháng Tám, chúng ta đề ra nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa
mới nhưng lại máy móc dựa vào phương châm của Liên Xô cũ: Xây dựng một nền
văn hóa mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc. Giới lãnh đạo và
quản lý văn hóa rất băn khoăn vì chẳng lẽ dân tộc chỉ ở hình thức thôi ư? Cho đến
Đại hội văn nghệ năm 1957 giới văn nghệ đã thảo luận và đề nghị với Trung ương
cho sửa lại phương châm là: Xây dựng một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa và
tính dân tộc. Tính dân tộc nằm ngay trong cả nội dung và hình thức. Đến Đại hội
VI của Đảng ( 1986), khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc được nêu lên và được
chấp nhận là: “ Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” lấy
đó làm mục tiêu của nền văn hóa mới ở Việt Nam (Huy Cận, 1994, tr, 157-
158). Kể từ đó đến nay, trong giới lãnh đạo, quản lý văn hóa, giới nghiên cứu và
cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nói quá nhiều về bản sắc văn
hóa dân tộc. Nhưng khi trao đổi, thảo luận về nội dung của khái niệm này thì có


rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Về mặt lý thuyết còn chưa
thống nhất thì về mặt chỉ đạo thực tiễn rõ ràng không thể không gặp khó khăn. Vì
thế, chúng tôi chia sẻ với Ban tổ chức Hội thảo đã đưa ra chủ đề này cùng nhau
bàn bạc và trao đổi về một vấn đề cũ nhưng chưa hết tính thời sự của nó.
1. Cách tiếp cận bản sắc theo quan điểm giá trị
Trong Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 ( khóa VIII), Đảng ta xác định
bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị bền vững, đó là tinh hoa của cộng đồng
các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng
nước và giữ nước, trong đó bao gồm:
- Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc;
- Tinh thần đòan kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình – làng xã –
Tổ quốc;
- Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghiã tình, đạo lý;
- Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động;
- Sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống ( Đảng cộng sản Việt Nam,
1998).
Đối với chúng ta, những giá trị trên đây tạo sự đồng thuận về mặt xã hội và
chính trị, do đó góp phần định hướng cho sự lựa chọn mô hình Việt Nam về các
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Quan niệm trên đây đã ảnh hưởng chi phối đến quan niệm của các nhà lãnh
đạo và quản lý văn hóa và cả các nhà nghiên cứu. Và khá đông người theo quan
điểm này mặc dù cách diễn đạt có khác nhau, nội dung có thêm bớt khác nhau.
Việc nhìn nhận bản sắc theo quan điểm giá trị dẫn đến người ta thường đi tìm bảng
giá trị các phẩm chất tinh thần của dân tộc để quy vào bản sắc văn hóa. Điều đó có
thể nhận thấy trong một số bài báo và công trình nghiên cứu. Nguyễn Thế Nghĩa
viết: “ Bản sắc văn hóa dân tộc ( nói một cách ngắn gọn) là kết tinh những giá trị
tinh thần cốt lõi của dân tộc mang tính bền vững và trường tồn trong lịch sữ, mà
trên đó các thế hệ nối tiếp nhau ra đời, kế thừa và phát triển. Trong lịch sử, “ giá
trị tinh thần cốt lõi” này trở thành “ nền tảng tinh thần xã hội”, mà nhờ nó mỗi
thế hệ mới ra đời ( không bị hụt hẫng) có thể thừa kế ngay được giá trị của quá

khứ, hấp thụ được giá trị của hiện đại, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân
loại để tự phát triển mà không đánh mất mình” ( Nguyễn Thế Nghĩa, 1998). Cũng
với cách tiếp cận đó có người còn liệt kê ra một bảng giá trị của văn hóa Việt Nam
như: yêu nước, tinh thần bất khuất trong đấu tranh chống xâm lược, tính cộng
đồng, cần cù, thông minh, sáng tạo, hiếu học, thương người… Bảng giá trị này
nhìn qua thấy rất chính đáng, dễ dàng chấp nhận nhưng lại không chính đáng về
mặt khoa học.
Khái niệm giá trị được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, được
nhìn từ góc độ của nhu cầu xã hội, từ các quan niệm về nhân sinh. Trong đời sống
xã hội, giá trị nằm trong tâm thức cá nhân, cộng đồng có tác động tới hành vi và
ứng xử của con người. Với tư cách là sản phẩm của tập thể và là một bộ phận quan
trọng hợp thành của nền văn hóa, các giá trị được hình thành và bảo lưu trong một
qúa trình lịch sử lâu dài, ít biến đổi cái mà nhiều nhà khoa học gọi là hằng số, yếu
tố tĩnh của văn hóa, nằm trong tâm thức của con người chính là các hệ thống giá
trị. Cái gốc của văn hóa là giá trị. Nhưng hệ thống giá trị có các cấp độ (thang bậc)
khác nhau cần được phân loại để tiến hành nghiên cứu. Có những giá trị phổ quát
như CHÂN, THIỆN, MỸ. có hệ thống giá trị vật chất và tinh thần. Theo cấp độ
của các đơn vị xã hội có giá trị cá nhân, nhóm, cộng đồng ( tộc người, quốc gia),
khu vực và nhân loại.
Theo góc độ đáp ứng những nhu cầu xã hội, hệ thống phân loại này dựa vào
các lĩnh vực khác nhau của đời sống con người:
- Giá trị thuộc về mặt sinh học ( sức khỏe, tuổi thọ, môi trường )
- Giá trị kinh tế ( giàu có, sang trọng, biết làm ăn…)
- Giá trị tri thức ( hiểu biết, học vấn, trọng trí thức )
- Giá trị tâm linh (tôn giáo, tín ngưỡng…)
- Giá trị chính trị ( hệ tư tưởng, cách thức tổ chức và quản lý xã hội…)
Theo quan niệm về nhân sinh, ý nghĩa của cuộc sống con người có các giá trị:
- Giá trị về lẽ sống ( quan niệm về thiện, ác, hạnh phúc và bất hạnh, ý
nghĩa và mục đích của cuộc đời )
- Giá trị hiện sinh ( sự sống, sức khỏe, an sinh xã hội…)

- Giá trị về vị thế xã hội ( danh tiếng, địa vị, phẩm hàm )
- Giá trị trong giao tiếp cá nhân ( trung thực, vô tư, có thiện ý…)
- Giá trị dân chủ ( các quyền tự do ngôn luận, đi lại, tín ngưỡng )
( Mai văn Hai, 2005, tr, 116-117).
Giá trị có mối quan hệ với chuẩn mực nhưng không không hoàn toàn đồng
nhất với nhau vì giá trị của những gì do con người sáng tạo nên đều được đánh giá
bằng thước đo của chuản mực theo thang bậc của chúng. Giá trị mang tính khái
quát là những đối tượng lợi ích của con người và định hướng cho sự ứng xử cộng
đồng hay cá nhân, là những biểu thị mối quan hệ thực tiễn của con người đối với
các sự vật và hiện tượng xung quanh (Từ điển triết học (tiếng Việt). 1972). Còn
chuẩn mực là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu. đánh giá, để hướng theo đó
mà làm cho đúng và đồng thời là vật được chọn để đo lường.
Do giá trị có các hệ thống cấp bậc khác nhau nên khi nghiên cứu cần lưu ý
là không được lẫn lộn giá trị của cấp độ này với các cấp độ khác. Vì mỗi cấp độ có
các chuẩn mực và tiêu chí khác nhau. Ví dụ có người cho rằng lòng nhân ái (yêu
người), cần cù, thông minh, sáng tạo là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Thật là sai
lầm, vì đó là những giá trị mang tính nhân loại chứ không phải giá trị mang tính
dân tộc. Từ Phật Thích Ca, đến Chúa Giê su, Các Mác đã nói đến lòng nhân ái của
loài người. Thông minh, sáng tạo, cần cù cũng vậy, nó là cái mang bản chất người
là giá trị chung của nhân loại, vì con người khi hình thành đầy đủ về mặt sinh học,
xã hội và văn hóa đã có những giá trị này. Cái khác là ở sự biểu hiện của nó ở các
dân tộc là khác nhau. Vì người Việt Nam cũng nằm trong nhân loại nói chung, nên
cũng có những giá trị này. Vì thế khi chúng ta có học sinh giỏi toán quốc tế hay tin
học chúng ta nói rằng người Việt Nam thông minh, sáng tạo. Nói thế cũng đúng
nhưng ca ngợi thái quá hóa ra bất cập, hóa ra các dân tộc khác không thông minh,
sáng tạo hay sao? Không khéo chúng ta lại rơi vào tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực
đoan đề cao dân tộc mình vơi sự tư tôn và tự cao cổ xúy cho tinh thần dân tộc chủ
nghĩa. Thực ra, trên mặt bằng chung, vì nhiều lý do nhiều dân tộc toán học giỏi
hơn ta, thi rôbốt ta được giải nhưng rôbốt thì người Nhật đứng hàng đầu. Như vậy,
khi tìm giá trị dân tộc thì nên chỉ dừng lại những giá trị dân tộc mà thôi, theo các

chuẩn mực và tiêu chí của nó. Gộp chung các giá trị của các thang bậc khác nhau
sẽ làm rối lên và tính khoa học của nó bị mất đi.
Khi nghiên cứu về văn hóa, Phạm Đức Dương đã giới thiệu sơ đồ cấu trúc
hai bậc của văn hóa. Theo sơ đồ này thì cấu trúc văn hóa có hai bậc: cấu trúc bề
mặt gồm hệ thống ký hiệu biểu thị và hệ thống ký hiệu biểu tượng là biến số, yếu
tố động của văn hóa; còn cấu trúc chiều sâu gồm hệ giá trị ( vật chất và tinh thần)
và bản sắc văn hóa ( truyền thống, nếp sống). Nhưng sơ đồ này chưa giả thích mối
quan hệ giữa hệ giá trị và bản sắc văn hóa. Theo ông, cấu trúc chiều sâu là bộ phận
chìm khó nhìn thấy nằm dưới cơ tầng ( tức nằm trong tâm thức của con người), là
yếu tố tĩnh của văn hóa. Đó chính là hệ giá trị của văn hóa. Giải thích về mối
quan hệ giữa giá trị văn hóa với bản sắc văn hóa theo ông thì: “ Cấu trúc chiều sâu
là cái kết tinh, lắng đọng nằm ẩn dưới cơ tầng đóng vai trò định hướng, điều
chỉnh mọi sự biến đổi trên cấu trúc bề mặt, quy định bản sắc văn hóa của mỗi
cộng đồng và nhân cách của mỗi cá nhân, định hình nền văn hóa của mỗi dân tộc
trong không gian và thời gian ( Phạm Đức Dương, 2002. 221-236). Ở chỗ khác
ông giải thích: các giá trị được chắt lọc và được kết tinh thành truyền thống của
mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và
được truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt
cộng đồng được gạn đục khơi trong để giữ lấy những gì tinh hoa, là vốn quý của
dân tộc. Do đó, giá trị thực chất là phản ánh quan hệ cơ bản của con người…Các
hệ giá trị là cái nhãn quan giúp con người lựa chọn những gì phù hợp với bản sắc
văn hóa cộng đồng tạo nên những tập quán, thói quen, những nếp sống đẹp gắn
chặt cố kết cộng đồng và khu biệt với các cộng đồng khác. Qua cách trình bày của
ông thì ta hiểu, bản sắc văn hóa là các giá trị truyền thống được chắt lọc và kết
tinh ( tinh hoa) được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc.
Cách giải thích này cho rằng giá trị quy định, định hướng bản sắc trong khi đó ở
sơ đồ thì nó có quan hệ độc lập với nhau.
Đề cập nhiều đến giá trị và bản sắc văn hóa phải kể đến Trần Ngọc Thêm.
Trong sách: Lý luận văn hóa (tập bài giảng) chưa công bố chính thức ông đã đưa
ra một định nghĩa tổng quát: “ Văn hóa là một hệ thống giá trị mang tính biểu

tượng do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn,
trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm,
tr, 21). Như vậy, trong định nghĩa ông không nói đến bản sắc. Vì quan niệm văn
hóa là một hệ thống giá trị, nên ông đã dành nhiều trang viết cho vấn đề này ( xem
thêm tập bài giảng).
Khác với Phạm Đức Dương, coi giá trị là yếu tố tĩnh ( mặc dù có biến đổi
nhưng chậm), Trần Ngọc Thêm cho rằng các giá trị văn hóa có thể mang tính tĩnh
(ổn định) hoặc mang tính động (biến đổi). Con người và hoạt động của con người
là những giá trị động, còn các sản phẩm do hoạt động của con người tạo ra là
những giá trị tĩnh. Bàn về tính tĩnh và động ông đưa ra bảng : các loại giá trị văn
hóa xét trong mối quan hệ giữa 3 cấu trúc “ văn hóa vật chất – văn hóa tinh thần”,
Văn hóa hữu hình – văn hóa vô hình”, “ Văn hóa tĩnh – văn hóa động”. Ông rút ra
nhận xét” vật chất thì tĩnh ngắn, động dài, còn tinh thần thì động ngắn, tĩnh dài”.
Vì vật chất thì động dài, tĩnh ngắn nên bản sắc văn hóa không nằm ở các giá trị vật
chất mà chỉ có thể là các giá trị tinh thần. Có thể định nghĩa bản sắc văn hóa của
một dân tộc là các giá trị tinh thần tồn tại tương đối lâu bền hơn cả trong truyền
thống văn hóa của dân tộc ấy. “ Tương đối lâu bền” nghĩa là bản sắc văn hóa có
thể được điều chỉnh, biến đổi nhưng rất chậm và khó khăn.
Việc nhận diện một giá trị là bản sắc có thể dựa vào 3 dấu hiệu: (a) Là giá
trị tinh thần đã tồn tại tương đối lâu dài; (b) Có tác dụng chi phối các đặc điểm
khác, các cách ứng xử và hoạt động, chi phối các hoạt động vật chất; (c) Cho
phép phân biệt tộc người chủ thể với tộc người khác ( Trần Ngọc Thêm, tr, 47).
Nhìn lại các ý kiến của các nhà nghiên cứu nêu trên đều gặp nhau ở một
điểm chung, mặc dù khi trình bày, diễn giải có sự khác nhau về tiểu tiết. Các ý
kiến này tiếp cận nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc từ theo quan điểm giá trị với
tinh thần luận. Quan điểm này là cơ sở lý luận cho việc xây dựng và phát triển văn
hóa Việt Nam hiện nay và định hướng cho sự bảo tồn và phát triển văn hóa cho cả
tương lai và vì thế nó dễ dàng được chấp nhận trên cả bình diện lý luận và thực
tiễn.
Thế nhưng, trong nghiên cứu bản sắc văn hóa tiếp cận trên quan điểm giá

trị thì chúng ta có thể đưa ra một bảng giá trị của văn hóa dân tộc cũng không mấy
khó khăn. Nếu nhìn nhận bản sắc theo quan điểm giá trị thì đó chỉ là sự đánh giá
của chúng ta hiện nay. Trên thực tế, giá trị thì có nhiều cái chung cho các dân tộc
và có thể định tính, định lượng được qua các chuẩn mực, tiêu chí, có thể đánh giá
được sự tốt, xấu, đẹp hay không đẹp. Thí dụ yêu nước là giá trị chung cho nhiều
dân tộc. Dân nào cũng yêu nước của mình cả, chỉ khác là cách thể hiện qua suy
nghĩ và hành vi là khác nhau, dựa trên chuẩn mực và tiêu chí khác nhau. Tính
cộng đồng cũng vậy, nhiều dân tộc có tính cộng đồng chứ không riêng chúng ta.
Thêm nữa, cũng là giá trị ấy nhưng cách thể hiện, chuẩn mực lại khác nhau trong
từng thời kỳ, giai đoạn. Yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ là hi sinh cho độc
lập tự do của dân tộc ( thà hi sinh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ).
Còn bây giờ, thì yêu nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công
bằng và văn minh. Hơn nữa, giá trị có tính ổn định, nhất là giá trị truyền thống,
nhưng hiện nay là thời kỳ mà đất nước có sự chuyển biến thay đổi to lớn từ kinh tế
đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, bên cạnh giá trị cũ, nhiều giá trị
mới xuất hiện do nhu cầu của cuộc sống hôm nay, do tiếp nhận cả những giá trị
mới của thời đại. Có những giá trị cũ phù hợp với xã hội truyền thống như tính
cộng đồng, bây giờ vẫn còn giá trị, nhưng một mặt nào đó, khi chúng ta bước vào
kinh tế thị trường, vai trò cá nhân nhất là những cá nhân nổi trội, thì tính cộng
đồng theo kiểu truyền thống có lúc là rào cản cho sự phát triển. Nó kìm hãm sự
phát triển cá nhân, cá tính không phát huy được nội năng của cá nhân, không sử
dụng được nhân tài. Nhìn trên quan điểm phát triển, nếu quan niệm bản sắc là giá
trị tồn tại tương đối lâu dài trong truyền thống văn hóa của dân tộc thì việc định
hướng xây dựng giá trị mới đang đặt ra cấp thiết hiện nay phải làm như thế nào?
Khó khăn hơn nữa là làm sao và bằng cách nào để để bảo tồn và phát triển văn hóa,
cụ thể hơn là những giải pháp trên thực tế. Như vậy, tiếp cận bản sắc văn hóa dân
tộc từ quan điểm giá trị mới chỉ đưa ra quan điểm, nhận thức về mặt lý thuyết cho
việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc chứ chưa đưa ra được các giải pháp về
mặt thực tiễn.


2. Tiếp cận bản sắc văn hóa từ những biểu hiện cụ thể của sắc thái văn
hóa
Thuật ngữ bản sắc là dùng để chỉ tính đồng nhất, cái căn cước riêng của mỗi
cá nhân, nhóm, cộng đồng (tộc người hay quốc gia). Với quan niệm này, mỗi
người có một căn cước riêng không giống với người khác. Trước năm 1975 ở
miền Nam mỗi người có một thẻ căn cước mà nay gọi là chứng minh nhân dân.
Qua thẻ căn cước chúng ta và cả nhân viên cảnh sát nhận ra ngay người này là anh
A hay cô B qua nhân dạng, quê quán, ngày sinh, tháng đẻ, bố mẹ, anh em…
Trong nghiên cứu văn hóa các dân tộc có một thực tế bên cạnh những yếu
tố văn hóa chung của các dân tộc do giao lưu tiếp xúc văn hóa hay do có mối quan
hệ cội nguồn mỗi tộc người trong quá trình lịch sử đã sáng tạo ra những cái riêng
khác với các dân tộc khác. Mỗi tộc người trong quá trình tồn tại và phát triển sống
trong môi trường tự nhiên khác nhau, hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa
khác nhau, vì thế mỗi tộc người có các quan niệm, nhu cầu, sở thích, ứng xử và sự
lựa chọn khác nhau và cả cách thức sáng tạo văn hóa cũng rất khác nhau mang
tính tương đối của nó. Cũng là ăn, nhưng cách chế biến thức ăn, cách sử dụng
dụng cụ trong ăn uống là khác nhau. Người Ấn Độ ăn bốc, người Việt dùng đũa,
người phương Tây dùng dao, thìa, nĩa. Cũng là mặc, người Tây Nguyên chọn màu
chàm đen hoặc xanh, người Việt chọn màu nâu và đen, người Dao chọn màu đỏ
sặc sỡ. Về cách mặc, người Tây Nguyên chọn cách quấn, khố là quấn, váy cũng
quấn; trong khi đó các dân tộc khác cắt may quần áo có khuy cài theo các cách
mặc khác. Người Việt có đàn bầu, đàn đáy; người Tây Nguyên có đàn tơ rưng, đàn
đá là nhạc cụ gõ các dân tộc khác không có. Trong các trường hợp này, nếu theo
quan điểm giá trị để nhận xét, đánh giá thì khó mà đưa ra các chuẩn mực, tiêu chí
chung; cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào hay, cái nào giở. Có thể hay với dân tộc
này nhưng giở với dân tộc khác. Cũng vậy, dựa theo tiêu chí văn minh thì lại càng
không so sánh đuợc. Vì văn minh thì có phát triển và chậm phát triển, lạc hậu và
tiến bộ. Văn hóa có tính tương đối của nó không có thấp thua, hơn kém, tốt xấu.
Vì vậy không thể lấy giá trị, chuẩn mực của dân tộc nay để đánh giá văn hoá của
dân tộc khác. Tính tương đối của văn hóa tạo nên tính đa dạng của văn hóa. Cùng

tạo nên một sản phẩm văn hóa nhưng cách lựa chọn, cách thức sáng tạo và sử
dụng khác nhau. Nếu đánh giá theo quan điểm của giá trị thì sẽ dễ rơi vào tư tưởng
dân tộc trung tâm, có thể đề cao văn hóa của mình, mạt sát văn hóa dân tộc khác
hay tạo ra tâm lý tự ty mặc cảm đối với văn hóa của mình. Một ví dụ, trong thực
tiễn xây dựng văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên sau giải phóng. Để phát
triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên theo trào lưu chung, các cán bộ người Kinh
phát động phong trào đốt khố thay bằng mặc quần; vì cho rằng đóng khố là lạc hậu,
mặc quần mới văn minh. Đồng bào buộc phải đốt khố theo sự hướng dẫn của cán
bộ, nhưng họ không có thói quen mặc quần theo kiểu người Kinh, một thời gian
sau lại quay trở lại đóng khố. Một số người khác mặc cảm, tự ty nghĩ cán bộ coi
thường đồng bào dân tộc, gây nên cú sốc về văn hóa và tâm lý.
Với cách nhìn nhận trên, một số người không đi tìm bản sắc văn hóa từ
quan điểm giá trị mà từ quan điểm thực tiễn mang tính ứng dụng của nó.
Nhìn từ quan điểm này, Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Tòan bộ những đặc
điểm địa lý, môi trường tự nhiên, nhân chủng, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi
dân tộc quy định đặc trưng tâm lý, ý thức biến vào các biểu tượng, các mô thức
( vật chất, tinh thần), thành các phong tục, lối sống, phong cách tư duy, thị hiếu,
sở thích, tiêu chí đánh giá, phương thức hoạt động độc đáo. Tất cả những cái đó
tạo thành nét riêng của mỗi nền văn hóa mà người ta gọi là bản sắc văn hóa dân
tộc” ( Nguyễn Văn Huyên, 2002. tr, 343). Ông cũng phân tích thêm: “ Bề ngoài
bản sắc văn hóa dân tộc biểu hiện ở những tập quán, cách thức, phong thái, các
hình thức mà người ta thường gọi là sắc thái dân tộc. Bên trong nó là cái ổn định
thể hiện sức mạnh tiềm tàng, chi phối tư tưởng và hành động của dân tộc, tạo
thành cái gọi là bản lĩnh dân tộc.
Như vậy bản sắc văn hóa dân tộc là nơi hội tụ các phẩm chất tinh túy đặc
sắc nhất của dân tộc, là nhân lõi của bản chất văn hóa, là bộ gien lưu truyền sức
sống dân tộc” ( Nguyễn văn Huyên, 2002, tr, 345).
Cũng với cách tiếp cận trên, khi nghiên cứu về văn hóa tộc người Ngô Đức
Thịnh đã phân biệt hai khái niệm quan trọng trong nghiên cứu dân tộc học/nhân
học: “ Văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố về tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt

văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, các sắc thái tâm lý và tình cảm, phong tục
và lễ nghi…khiến người ta phân biệt tộc người này và tộc người khác, văn hóa tộc
người là nền tảng nẩy sinh và phát triển ý thức tộc người”; còn “ Văn hóa của tộc
người là tổng thể những hiện tượng văn hóa trong diện mạo hiện tại của tộc
người đó, không kể các yếu tố văn hóa đó có sắc thái tộc người hay trung tính về
tộc thuộc” (Ngô Đức Thịnh, 1996).
Cũng như Nguyễn Văn Huyên, Ngô Đức Thịnh còn giả thích rõ hơn mối
quan hệ giữa bản sắc và sắc thái tộc người: “ Bản sắc văn hóa là tổng thể những
tính chất, tính cách, đường nét, màu sắc của văn hóa mỗi dân tộc, được hình
thành và tồn tại bền vững trong tiến trình lịch sử, giúp cho văn hóa dân tộc giữ
được tính duy nhất và thống nhất, phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với các
dân tộc khác.
Bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, nhưng nó lại biểu hiện qua muôn vàn cái
cụ thể của văn hóa, mà cái đó thường gọi là sắc thái văn hóa. Bởi vậy khi đề cập
đến sắc thái tộc người cũng tức là chúng ta đụng chạm đến bản sắc văn hóa tộc
người. Bản sắc văn hóa tộc người chính là cái hồn, cái sức sống của mỗi dân tộc,
do vậy bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc tức cũng là bảo tồn ,
làm phong phú hơn và phát huy văn hóa của dân tộc ấy.
Nói tới bản sắc văn hóa dân tộc với tính chất là cái gì tinh túy, bản chất, là
tâm hồn, sức sống của dân tộc, hay nói tới sắc thái văn hóa như là sự biểu hiện cụ
thể của bản sắc (Ngô Đức Thịnh, tr, 109).
Cũng với cách nhìn nêu trên, Trần văn Khê diễn đạt một cáh cụ thể hơn:
“ Bản là gốc, là cái lõi. Sắc là cái biểu hiện. Bản sắc là tính chất, màu sắc riêng
tạo thành đặc điểm chung. Nói đến bản sắc dân tộc người ta nghĩ đến những “nét
đặc thù” trong văn hóa của một dân tộc, văn hóa hiểu với nghĩa rộng của từ ấy
bao gồm cách ăn, cách mặc, cách sống, cách thể hiện cái đẹp qua mọi hình thức
nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, hội họa” ( Trần Văn Khê, 2002, tr,
379). Ông còn đưa ra dẫn chứng minh họa: chiếc áo dài tứ thân miền Bắc, giò lụa,
chả quế, nem chua, đàn bầu, đàn đáy, phách tiền mang bản sắc Việt Nam vì: do
dân Việt Nam chế tạo ra; chỉ thấy trên đất nước Việt Nam; được lưu truyền từ đời

trước đến đời sau; đã chịu thử thách của thời gian và rất hợp với quan điểm thẩm
mỹ của người Việt Nam.
Từ cách tiếp cận trên ông đưa ra các phương châm phát triển và trao đổi
văn hóa rất đáng được trân trọng:
- Phương châm thứ nhất và cơ bản trong việc phát triển văn hóa là “ không
làm mất bản sắc dân tộc”, là giữ trọn “tính dân tộc”;
- Phương châm thứ 2: Nên phát triển từ bên trong, trước khi vay mượn từ bên
ngoài;
- Phương châm thứ ba: Khi vay mượn yếu tố bên ngoài để phát triển văn hóa
của ta nên biết rất thấu đáo truyền thống của ta và người, để nhận rõ những yếu tố
“phù hợp” hay “không phù hợp”, thậm chí “đại kỵ” với truyền thống của ta, để áp
dụng hay gạt bỏ.
Ông còn nhắc nhở thêm: Cũng như việc ghép thảo mộc, hay ghép thận,
ghép tim cho người, nếu hai yếu tố “phù hợp” gặp nhau sẽ nẩy sinh những cây cỏ
lá thêm xanh, có hoa thêm tươi, có trái thêm ngọt, thì con người hết bệnh và khỏe
mạnh. Nếu ngược lại sẽ có sự “đào thải” cây và người sẽ chết.
Như vậy, dù có diễn đạt khác nhau, nhưng giữa ba ông có sự thống nhất về
những điểm sau:
- Bản sắc văn hóa là cái tinh túy, bản chất, sức sống, tâm hồn của dân tộc;
- Bản sắc văn hóa là cái đặc sắc (cái riêng) để phân biệt văn hóa của dân
tộc này khác với văn hóa của các dân tộc khác;
- Sắc thái văn hóa là cái biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa vốn là cái trừu
tượng qua các lĩnh vực khác nhau của sinh hoạt văn hóa dân tộc.
Vài nhận xét
Từ việc tìm hiểu hai cách tiếp cận nghiên cứu về bản sắc văn hóa nêu trên,
cho phép chúng ta rút ra mấy nhận xét sau:
Cách tiếp cận nghiên cứu bản sắc văn hóa từ quan điểm giá trị là quan niệm
khá phổ biến ở Việt Nam. Đây thường là quan điểm nghiên cứu của các nhà triết
học văn hóa và văn hóa học, nghiên cứu văn hóa trong cấu trúc hệ thống và trong
mối quan hệ tổng thể của các thành tố văn hóa dân tộc. Lợi thế của nó là tìm ra cái

bản chất của văn hóa dân tộc, từ đó định hướng cho việc nhận thức, quan điểm bảo
tồn và phát triển văn hóa về mặt lý luận. Mặt khác, vì cách tiếp cận này thiên về
tính lý luận mang tính hàn lâm nên khó đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc bảo
tồn và phát triển văn hóa từ những yếu tố văn hóa cụ thể trong cuộc sống hàng
ngày.
Cách tiếp cận bản sắc văn hóa từ những biểu hiện cụ thể của sắc thái văn hóa,
không đồng nhất bản sắc văn hóa với giá trị truyền thống văn hóa, coi bản sắc
khác với giá trị. Bản sắc là tinh túy bản chất, sức sống, là cái đặc sắc để phân biệt
văn hóa của dân tộc này khác với dân tộc khác được biểu hiện qua các sắc thái văn
hóa cụ thể khác nhau. Cách tiếp cận này thường là của các nhà dân tộc học/nhân
học, xã hội học thiên về nghiên cứu thực chứng, nghĩa là nghiên cứu văn hóa trong
bối cảnh cụ thể, trong sự quan hệ giữa các hệ thống văn hóa khác nhau và các hiện
tượng văn hóa cụ thể. Cách tiếp cận này mang tính ứng dụng khi đề xuất những
giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa trong từng lĩnh vực văn
hóa khác nhau của văn hóa dân tộc.
Do bản thân văn hóa là một thực thể phức tạp và đa dạng, việc tiếp cận
nghiên cứu từ nhiều ngành khoa học khác nhau, trên các góc nhìn khác nhau. Vì
vậy có những ý kiến, quan điểm khác nhau là điều dễ hiểu.
Chúng tôi chia sẻ với Phạm đức Dương khi chia văn hóa làm hai hệ thống
khác nhau: hệ thống cấu trúc bề mặt (biểu tầng) gồm hệ thống ký hiệu biểu thị và
hệ thống ký hiệu biểu tượng; hệ thống cấu trúc bề sâu (cơ tầng) gồm hệ giá trị và
bản sắc. Chúng tôi quan niệm rằng, văn hóa chứa đựng hai thuộc tính: giá trị và
bản sắc cũng giống như một thanh nam châm có hai đầu âm và dương. Không thể
cắt thanh nam châm ra để chúng ta lấy ra cực dương hay âm. Cắt rời ra, thanh nam
châm mới lại xuất hiện hai cực như cũ. Với quan niệm như thế, chúng tôi cho rằng
cấu trúc cơ tầng của văn hóa có hệ giá trị và hệ bản sắc có mối quan hệ gắn bó với
nhau không thể tách rời, nhưng lại không đồng nhất với nhau. Hệ giá trị dựa trên
các chuẩn mực và tiêu chí đánh giá riêng nhằm đáp ứng những nhu cầu của cuộc
sống con người, hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Còn hệ bản sắc lại không có tiêu
chuẩn đánh giá khi so sánh xuyên văn hóa giữa các dân tộc, nó phản ánh cái riêng,

cái đặc thù của văn hóa mỗi dân tộc, thể hiện tính đa dạng trong cách thức sáng tạo,
sử dụng và hưởng thụ văn hóa. Còn sắc thái văn hóa là những biểu hiện cụ thể của
nó qua hệ thống biểu tầng gồm hệ thống ký hiệu biểu thị và hệ thống ký hiệu biểu
tượng là những biến số của văn hóa qua các thành tố văn hóa khác nhau. Quy bản
sắc văn hóa về giá trị văn hóa có thể làm cho chúng ta chưa thấy hết tính đa dạng
của chúng.

Tài liệu trích dẫn
1. Huy Cận, 1994. Suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Đảng cộng sản Việt Nam, 1998. Văn kiện Hội nghị lần thứ V BCHTƯ
khóa VIII, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Thế Nghĩa, 1998. Mấy vấn đề về văn hóa và phát triển , trong
sách “ Văn hóa và phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Mai văn Hai, 2005. Xã hội học văn hóa, Nxb, Đại học quốc gia Hà Nội.
5. Từ điển triết học (tiếng Việt). Nx Chính trị, Matxcơva, 1972
6. Phạm Đức Dương, 2002. Từ văn hóa đến văn hóa học, Nxb, Văn hóa
thông tin.
7. Trần Ngọc Thêm. Lý luận văn hóa (tập bài giảng)
8. Nguyễn Văn Huyên, 2002. Hội nhập văn hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc
dân tộc. trong sách: Việt nam trong thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia.
9. Ngô Đức Thịnh, 1996. Các sắc thái văn hóa tộc người. Trong sách: Văn
hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb, KHXH).
10. Trần Văn Khê, 2002. Suy tư về vấn đề “phát triển văn hóa” . Trong sách.
Việt Nam trong thế kỷ XX.

×