Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

quan niệm về tội phạm, các cách phân loại tội phạm và ý nghĩa của việc phân loại tội phạm trong pháp luật phong kiến việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (119.09 KB, 9 trang )

Trong pháp luật phong kiến nước ta, các quy phạm đều được trình bày dưới hình
thức các quy phạm pháp luật hình sự, vì vậy các vấn đề về tội phạm đã phát triển
rất sớm trong lịch sử xây dựng luật pháp. Việt Nam lại đang trên bước đường hội
nhập toàn cầu, xã hội biến đổi ngày càng nhanh chóng khiến cho tầm quan trọng và
yêu cầu đối với pháp luật ngày càng nâng cao. Do đó nhu cầu nghiên cứu, sửa đổi
luật pháp cho phù hợp với tình hình đất nước đang ngày càng tiến lên là một nhu
cầu cần thiết. Một trong những phương pháp nghiên cứu, sửa đổi tốt nhất đối với
pháp luật chính là nghiên cứu các qui định của pháp luật cổ xưa, từ đó rút ra những
kinh nghiệm, những nét đặc sắc riêng để áp dụng đối với pháp luật hiện hành. Để
hiểu hơn về các vấn đề về tội phạm trong pháp luật phong kiến Việt Nam , tôi sẽ
trình bày với các bạn vấn đề: “Quan niệm về tội phạm, các cách phân loại tội
phạm và ý nghĩa của việc phân loại tội phạm trong pháp luật phong kiến Việt
Nam ”.


B. Nội dung
I. Quan niệm về tội phạm
Nghiên cứu các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy pháp luật hình sự lúc
đó mang tính phổ biến, có phạm vi trừng trị hay tác động rất rộng dựa trên một
quan niệm rất rộng về tội phạm. Biện pháp trừng trị hình sự được áp dụng không
những đối với các tội phạm hiểu theo khái niệm của luật hình sự hiện đại thuộc đối
tượng xử lý của luật hình sự, mà còn đối với cả những hành vi vi phạm những quy
định về các quan hệ trong lĩnh vực sinh hoạt hành chính, lễ nghi, gia đình, dân sư,
ruộng đất, thuế…mà trong xã hội hiện đại đối với những hành vi đó thường được
áp dụng những chế tài hành chính, dân sự hoặc những chế tài khác không mang
tính chất hình sự. Chẳng hạn, có thể nhìn thấy rõ điều đó trong Quốc triều hình
luật, ở các chương: hộ hôn, điền sản…

Trong các văn bản pháp luật hình sự lúc đó không có quy định khái quát về tội
phạm, về việc phân biệt khái niệm tội phạm theo luật hình sư với các hành vi vi
phạm pháp luật khác. Nhưng bên cạnh đó đối với một số loại tội phạm, nhà làm


luật triều Lê cũng có những quy định mang tính khái quát cao và điều đó được thể
hiện ở Điều 2 của Quốc triều hình luật quy định về mười tội ác. Điều luật đó quy
định rất khái quát về khái niệm mười tội ác. Chẳng hạn điều luật đó quy định mưu
phản là mưu mô làm nguy đến xã tắc, mưu đại nghịch là mưu phá hủy tông miếu,
lăng tẩm và cung điện nhà vua… Đến thời nhà Nguyễn, trong bộ Hoàng Việt Luật
Lệ cũng không có những định nghĩa chung về tôi phạm mà chỉ đi thẳng vào các qui
định cụ thể đối với từng loại tội. Nhìn chung pháp luật phong kiến chưa có những
qui định, định nghĩa về tội phạm nhưng ta cũng có thể hiểu được quan niệm tội
phạm của pháp luật phong kiến là tất cả những hành vi vi phạm không chỉ trong
lĩnh vực hình sự mà trong cả các lĩnh vực dân sự, hành chính, thuế khóa, ruộng đất
và kể cả trong quan hệ đạo đức (Ví dụ: Điều 130- QTHL quy định: Có tang ông bà,
cha mẹ và chồng mà giấu không khóc thì phải tội đồ làm khao đinh).

Trong các văn bản pháp luật không có định nghĩa chung về đồng phạm, nhưng vấn
đề phân biệt người chủ mưu và đồng phạm đã được nhà làm luật chú ý đến.

+ Qua bộ quốc triều hình Luật có các khoản điều cho ta thấy người phạm tội khi
người đó có hành vi phạm tội nhưng trong một số trường hợp có trọng tội, là các
tội nằm trong tội thập ác như: tội mưu phản, tội nội loạn thì chỉ cần có âm mưu
phạm tội là tội phạm đã hoàn thành (điều 2 Quốc triều hình luật).

+ Điều 469 Quốc triều hình luật: “Đồng mưu đánh người bị thương, thì kẻ nào
đánh nhiều đòn nặng là thủ phạm; kẻ chủ mưu cũng phải cùng một tội; còn người
tòng phạm thì được giảm tội một bậc; đánh đến chết thì xét xem chết vì thương
tích nào, kẻ đánh thương tích ấy nặng tội. Nếu không được rõ ràng thì kẻ hạ thủ
sau cùng xử nặng tội. Nếu đánh loạn xạ không biết ai đánh trước sau, nhiều ít, thì
kẻ chủ mưu nặng tội nhất, còn kẻ khác đều xử giảm tội một bậc”. Quy định này
khác với luật hình sụ hiện đại, về nguyên tắc, buộc người đồng phạm phải chịu
cùng một tội với người chính phạm.


Tóm lại, các nhà làm luật thời phong kiến đã nhận biết và thấy được các quan niệm
về tội phạm nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ là những quan điểm chứ chưa đưa ra
được các khái niệm và định nghĩa rõ ràng.

II. Các cách phân loại tội phạm
Do việc phân loại tội phạm theo pháp luật phong kiến không được dựa trên những
cơ sở thống nhất nên theo các nhà nghiên cứu, có nhiều tiêu chí phân loại tội phạm
được đưa ra. Trong các quan điểm về phân loại tội phạm, có những quan điểm
được lưu giữ và áp dụng đến ngày nay, trong đó có ba cách phân loại được các nhà
nghiên cứu đi theo là: Phân loại tội phạm dựa theo loại hình phạt; Phân loại tội
phạm dựa theo ý chí người phạm tội; Phân loại tội phạm theo nhóm tội thập ác và
ngoài thập ác. Cùng với đó là một số cách phân loai khác kém phổ biến hơn như
phân loại tội phạm dựa vào khách thể của tội phạm, phân loại theo tuổi tác và tàn
tật, dựa vào khách thể của tội phạm…

1. Phân loại tội phạm dựa theo loại hình phạt
Trong pháp luật phong kiến Việt Nam , các nhà làm luật rất quan tâm đến hình
phạt. Hệ thống hình phạt được chia thành nhóm tội ngũ hình và nhóm tội ngoài ngũ
hình, nhằm đề cao tính răn đe, ngũ hình được qui định ở ngay điều 1 của cả hai bộ
luật QTHL và HVLL.

Nhóm tội ngũ hình bao gồm có:
1. Xuy hình là hình phạt đánh bằng roi, thường áp dụng đối với các loại tội nhẹ
như đấu ẩu, lăng mạ…Cốt để phạm nhân xấu hổ.
2. Trượng hình là hình phạt đánh bằng trượng, nặng hơn xuy áp dụng với các tội
như đấu ẩu, nhận hối lộ…
3. Đồ hình là hình phạt bắt làm tù khổ sai, áp dụng với các tội tương đối nặng như
hối lộ, trộm cắp…
4. Lưu hình là hình phạt bắt đi lưu đày, tội nặng thì đi xa, tội nhẹ thì đi gần Các
tội phạm áp dụng hình phạt lưu thường là ở mức cao nhất của các tội hối lộ, trộm

cắp…
5. Tử hình là hình phạt nặng nhất, thường là chém hoặc treo cổ. Loại hình phạt này
thường xuyên áp dụng đối với nhóm tội thập ác.

Ngoài các hình phạt thuộc nhóm ngục hình còn có các loại hình phạt ngoài ngũ
hình như: phạt tiền (Điều 26QTHL), tịch thu tài sản (Điều 430 QTHL), Trong
hình phạt tiền, pháp luật phong kiến còn cho phép một số quan lại chuộc tội bằng
tiền do đó còn có thể chia tội phạm thành hai nhóm là nhóm tội phạm chuộc được
bằng tiền và nhóm tội phạm không thể chuộc được bằng tiền.Ví dụ như trong điều
6- QTHL:" Những người họ hoàng hậu nếu bị ghép vào tội trượng, tội thích chữ
vào mặt thì được phép chuộc bằng tiền" hoặc nhóm tội Tạp phạm được qui định ở
luật Gia Long.

Phân biệt theo loại hình phạt cho ta thấy được sự phân hóa trách nhiệm hình sự qua
các loại hình phat, từ đó có thể biết đâu là tội nặng, đâu là tội nhẹ. Đồng thời, nó
còn cho chúng ta biết tội đó thuộc thẩm quyền của cấp xét xử nào.

2. Phân loại dựa theo ý chí của người phạm tội
Phân biệt tội phạm dựa theo ý chí của người phạm tội nói đơn giản là sự phân biệt
giữa vô ý phạm tội và cố ý phạm tội. Ngay từ thời Lê, trong bộ luật Hồng Đức đã
có những qui định thể hiện điều này, cụ thể trong Điều 47: " Những người phạm
tội, tuy tên gọi tội giống nhau, nhưng phải phân biệt sự phạm tội vì lầm lỡ hay cố ý
, không nên câu nệ để hợp với ý nghĩa xét xử hình án " Tha người lầm lỡ không
kể tội nặng, bắt tội người cố ý không kể tội nhẹ"". Qui định này tuy còn rất chung
chung nhưng đã thể hiện được quan niệm của nhà làm luật thời Lê. Đến thời nhà
Nguyễn, quan điểm này đã được thể hiện rõ nét hơn khi được qui định rõ ràng
trong các điều luật. Ví dụ như các điều luật về tội giết ngừơi thuộc tình tiết giảm
nhẹ: Ngộ sát, lầm lẫn xử trượng, đồ, lưu (điều 262); Chồng giết chết gian phu, gian
phụ miễn tội (điều 254)
Cách phân loại theo ý chí người phạm tội cho ta biết được mức độ trách nhiệm

hình sự mà người phạm tội phải chịu và xác định cách xử lý đối với các loại tội vô
ý và cố ý. Tức là, áp dụng các hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho người phạm tội
vô ý và tăng nặng với tội cố ý, để thể hiện được sự nhân đạo của pháp luật.
3. Phân loại dựa theo nhóm tội thập ác và ngoài thập ác
Tội thập ác là những tội xâm hại đến vương quyền của nhà vua, đến trật tự xã hội
của Nho giáo. Bởi vậy, dưới cái nhìn của nhà làm luật phong kiến, thập ác là những
trọng tội nguy hiểm nhất, và luôn đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc
và tàn bạo nhất: " Những kẻ mưu làm phản, mưu làm việc đại nghịch thì xử tội
chém bêu đầu, kẻ tòng phạm và thân đảng biết việc ấy đều phải tội chém, vợ con
điền sản đều bị tịch thu làm của công " (Điều 411 Quốc triều hình luật ). Do đặc
điểm này mà pháp luật phong kiến quy định các tội thập ác không được hưởng
nghị giảm theo chế độ bát nghị, không được chuộc tội bằng tiền, không được
hưởng chế độ đặc xá, đại xá
Thập ác bao gồm :
1. Mưu phản: lật đổ nền cai trị của nhà vua, làm xụp đổ xã tắc.
2. Mưu đại nghịch: phá đền đài, lăng tẩm, cung điện của nhà vua.
3. Mưu bạn: phản bội Tổ quốc theo giặc.
4. Ác nghịch: mưu giết hay đánh ông bà, cha mẹ, tôn thuộc.
5. Bất đạo: vô cớ giết người, cắt tay chân người sống, chế thuốc độc bùa mê,
tàn ác, hung bạo…
6. Đại bất kính: lấy trộm các đồ tế trong lăng tẩm, các vật dụng của vua, làm
giả ấn vua…
7. Bất hiếu: cáo giác hay chửi rủa ông bà, cha mẹ hay ông bà, cha mẹ chồng.
Không phụng dượng bố mẹ, tự ý bỏ nhà, tự ý phân chia tài sản, cưới xin khi có
tang cha mẹ, vui chơi trong khi tang chế, được tin bố mẹ, ông bà chết không chịu
tang hoặc phát tang giả dối.
8. Bất mục: mưu giết hay bán các thân thuộc K(cho đến ngũ đại), đánh hoặc
cáo giác chồng hay các tôn thuộc (cho đến tam đại).
9. Bất nghĩa: dân giết quan lại sở tại, lính tốt giết quan chỉ huy, học trò giết
thầy dạy, vợ không để tang chồng, ăn chơi và tái giá.

10. Nội loạn: tức là tội loạn luân (thông dâm với thân thuộc hay với các thiếp
của bố hay của ông.
Nhóm tội phạm ngoài thập ác cũng rất phong phú và đa dạng, được chia thành
nhiều nhóm khác nhau tuỳ theo khách thể bị hành vi tội phạm tác động. Đó có thể
là những tội xâm phạm an toàn của nhà vua (trong chương cấm vệ: những hành vi
ra vào thái miếu, hoang cung vua trái thể lệ ở điều 50, 51, 52, mượn người khác
giữ cửa quan thay: điều 73) ; tới trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính; tới
tính mạng, sức khoẻ, nhân thân của con người; tới an ninh quốc gia, trật tự chế độ
xã hội phong kiến (trong các chương vệ cấm, đạo tặc); tới chế độ sở hữu( trong các
chương Điền sản, đạo tặc, tạp luật); tới chế độ hôn nhân - gia đình phong kiến và
tình dục (trong các chương Hộ hôn, Thông gian, Đấu tụng); tới hoạt động tư pháp
hoặc các tội phạm quân sự; xâm phạ đến chế độ sở hữu ruộng đất và sở hữu của
người khác ( theo QTHL). Đó cũng có thể là những tội đạo tặc (trộm cướp),
nhân mạng (giết người), đấu ẩu (đánh nhau), lăng mạ (chửi mắng), trá ngụy (man
trá, giả mạo), phạm gian (gian dâm), tạp phạm (nhóm tội chuộc bằng tiền), tội
phạm về quan chức, về dân sự, hôn nhân - gia đình ( theo HVLL).
Theo cách phân loại này, chúng ta thấy được thái độ trừng trị nghiêm khắc của nhà
nước với người phạm tội nếu phạm vào tội thập ác, vì khi phạm tội thập ác thì
không được hưởng chế độ bát nghị, không được chuộc tội, không được miễn hình
phạt khi có ân xá… Đồng thời, cách phân loại cũng cho ta biết, trong xã hội phong
kiến thì đạo Nho rất được chú trọng, nó là nguyên tắc, là thước đo cho sự hoàn
thiện của mỗi con người.
4. Một số cách phân loại tội phạm khác như phân loại tội phạm dựa vào khách thể
của tội phạm, phân loại theo tuổi tác và tàn tật, dựa vào khách thể của tội phạm…

- Phân loại tội phạm theo giai đoạn thực hiện tội phạm:
Căn cứ theo các giai đoạn thực hiện tội phạm, cổ luật chia thành nhiều giai đoạn
khác nhau, như: đã hành động, chưa hành động, đã thành, chưa thành… Đặc biệt,
cổ luật còn quy định tội phạm cho các hành vi mới xuất hiện trên phương diện là
mưu đồ hoặc có nguy cơ cao, nhằm ngăn ngừa hậu quả thiệt hại gây ra cho xã hội,

nhưng đặc biệt vẫn là để ngăn chặn các hành vi nguy hại tới vương quyền của nhà
vua, như bộ Quốc triều hình luật có quy định: “những người vào trong cung điện
làm việc hết giờ mà không ra khỏi khu vực ngoại điện thì xử tội lưu, ở trong cung
bị xử tội giảo, ở lại nơi vua nằm thì xử tội chém” (Điều 55). Ngoài ra, các tội phạm
về mưu đồ cũng được quy định rõ ở từng điều lệ trong bộ Hoàng Việt luật lệ như ở
tội Nhân Mạng chia làm 3 hạng mưu sát nhân đã thực hiện nhưng chưa thành,
không gây thương tích; đã làm bị thương hoặc đã thành. Tùy theo giai đoạn mà
mức hình phạt khác nhau. Đối với một số trọng tội (nhóm tội nguy hại đến vương
quyền như mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn) dù chưa có hành vi phạm tội mà
chỉ là âm mưu phạm tội cũng được coi là tội phạm và là tội phạm đã hoàn thành.

- Phân loại tội phạm theo đồng phạm:
Điều 469 QTHL: “Đồng mưu đánh người bị thương, thì kẻ nào đánh nhiều đòn
nặng là thủ phạm, kẻ chủ mưu cũng phải cùng một tội, còn người tòng phạm thì
được giảm một bậc”. Như vậy, pháp luật thời Lê đã có những quy định về phạm tội
đồng phạm nhưng lại không có những định nghĩa rõ ràng về đồng phạm và những
người đồng phạm. Đến triều Nguyễn, những quy định về đồng phạm cũng đã rõ
ràng hơn. Nhà làm luật đã đưa ra các khái niệm:

+ Đồng phạm là cùng phạm tội gồm chính phạm và tòng phạm. Chính phạm xử
nặng hơn tòng phạm một bậc.

+ Chính phạm là kẻ chủ mưu, tác giả tinh thần, ý đồ, tạo ý, khởi xướng.

+ Tòng phạm là những người tham gia, thực hành, hành động hoặc không hành
động chia của, che giấu, xúi giục, giúp đỡ hoặc là cùng thực hiện (Điều 29 HVLL).

Các tội phạm về đồng phạm cũng được quy định rõ ràng trong các điều luật cụ thể
về tội phạm: ví dụ như tội Nhân mạng (giết người) hạng nhẹ nhất là “thực hiện
chưa thành, không gây thương tích, chủ mưu xử 100 trượng đồ 3 năm, a tòng cùng

mưu xử 100 trượng”.

- Phân loại tội phạm dựa vào khách thể của tội phạm:
Khách thể của quan hệ pháp luật là các quan hệ xã hội bị hành vi xâm hại. Việc căn
cứ theo khách thể của tội phạm để phân loại này, có từ thời Nguyễn, bộ Hoàng Việt
luật lệ chia tội phạm ra thành 6 nhóm, tương ứng với 6 quyển trong bộ luật: Lại
luật gồm 27 điều (quyển 4 và 5); hộ luật gồm 66 điều (quyển 6, 7, 8); lễ luật gồm
26 quyển (quyển 9); binh luật gồm 58 điều (quyển 10 và 11); hình luật gồm 166
điều (quyển 12 và 20); công luật gồm 10 điều (quyển 21). Cách phân loại này còn
được thể hiện gián tiếp thông qua các chế định về tội thập ác và tội ngoài thập ác,
khách thể trong mối quan hệ này chính là nguyên tắc Tam cương của Nho giáo.
(Tam Cương là ba mối quan hệ cơ bản trong xã hội phong kiến: Quân thần (vua –
tôi), Phụ tử (Cha – con), Phu thê (Chồng – vợ).
+ Quân thần: Trong quan hệ vua tôi, vua thưởng phạt công minh, tôi trung thành
một dạ.
+ Phụ tử: Trong quan hệ cha con, cha nuôi dạy con cái, con cái hiếu kính vâng
phục cha và khi cha già thì phải phụng dưỡng.
+ Phu thê: Trong quan hệ vợ chồng, chồng yêu thương và công bình với vợ, vợ
vâng phục và chung thủy giữ tiết với chồng).

- Phân loại theo tuổi tác và tàn tật:
Điều 16 bộ Luật Hồng Đức quy định vấn đề này một cách rất cụ thể. Căn cứ vào
cơ sở trên nhà làm luật đã phân những người phạm tội thành ba loại:
+ Những người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người phế tật, phạm
từ tội lưu trở xuống đều cho chuộc tội bằng tiền (thực tội). Nhưng phạm tội thập ác
thì không áp dụng luật này.
+ Những người từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống, cùng những người bị ác tật,
nếu phạm tội phản nghịch, giết người, đáng phải tội chết thì cũng phải tâu vua để
xét định; nếu phạm tội ăn trôm và đánh người bị thương thì cho chuộc tội; còn
ngoài ra thì không khép tội (vật luận).

+ Những người từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dẫu có bị tội chết cũng không
gia hình (bất gia hình), nếu có kẻ nào xúi xiểm thì làm tội kẻ xúi xiểm; nếu ăn trộm
có tang vật thì kẻ nào thu dụng tang vật ấy phải bồi thường.

- Phân loại theo giớí tính
Luật không phân biệt trách nhiệm hình sự đối với nam giới và nữ giới, nhưng khi
thi hành hình phạt, luật có những quy định riêng đối với một số nữ giới phạm tội.
Ví dụ: Khi bị kết án tử hình, nếu nữ phạm nhân có thai thì được hoãn đến khi sinh
con xong trong một thời gian nhất định mới thụ hình.
Điều 7 Quốc triều hình luật quy định việc chuộc tội bằng tiền cho các nữ phạm
nhân mà chồng có quan phẩm. Điều luật đó quy định: “Những đàn bà vì chồng làm
quan có phẩm trật mà phạm tội thì cho theo phẩm mà nghị giảm”.

- Phân loại theo tiền án (án tích)
Các nhà làm luật lúc đó đã phân biệt trường hợp phạm tội lần đầu với trường hợp
phạm tội có tiền án. Nhưng cũng không có quy định nào mang tính khái quát về tái
phạm mà chỉ quy định những hình phạt nghiêm khắc trong những trường hợp cụ
thể.
Chẳng hạn, Điều 429 quy định: “Kẻ ăn trộm mới phạm lần đầu thì phải lưu đi châu
xa. Kẻ trộm đã có tiếng và kẻ trộm tái phạm thì phải tội chém”.
Theo một số cách phân loại còn lại, chúng ta thấy được pháp luật phong kiến đã có
sự phân hóa, cá thể hóa mức độ trách nhiệm hình sự giữa những người phạm tội,
đây là một đóng góp lớn cho luật hình sự hiện đại.

III. Ý nghĩa chung của việc phân loại tội phạm
Pháp luật phong kiến có rất nhiều tiêu chí để phân loại tội phạm, trong đó có những
cách phân loại có ý nghĩa rất lớn cho việc xây dựng bộ luật hình sự hiện nay. Việc
phân loại giúp cho các cơ quan xét xử định tội lượng hình cho chính xác, bởi pháp
luật phong kiến có một nguyên tắc quan trọng là: “vô luật, bất hình”. Nó vừa giúp
trừng phạt người phạm tội một cách khách quan, chính xác nhằm bảo vệ những

người không có tội và bảo vệ những giá trị của nhà nước phong kiến.

Sự phân loại tạo cơ sở cho việc xây dựng các khung hình phạt cho các tội phạm cụ
thể cũng như xây dựng các khung hình phạt trong luật hình sự và trong các ngành
luật khác có liên quan các quy định thể hiện sự phân hóa trong đường lối xử lý tội
phạm chặt chẽ, không dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm cho việc ổn định xã
hội dễ dàng hơn. Từ đó, giúp các triều đại phong kiến duy trì và tồn tại được trong
thời gian dài.



C. Kết luận
Trên đây, tôi đã trình bày với các bạn về quan niệm tội phạm, các cách phân loại
tội phạm và ý nghĩa của các cách phân loại đó. Chúng ta đều thấy rằng, tuy quan
niệm về tội phạm dều chưa được xây dựng thành một điều luật như luật hiện đại,
song lại rất tiến bộ trong phân loại tội phạm đã cho thấy kỹ thuật lập pháp tương
đối hoàn thiện các nhà làm luật thời bây giờ phải học hỏi. Theo tôi, những quan
niệm và cách phân loại tội phạm trong cổ luật thực sự là những tinh hoa của dân
tộc mà chúng ta phải trân trọng, giữ gìn.

×