TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM
VIỆN ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
oOo
TIỂU LUẬN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Đề tài:
HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA ỨNG DỤNG
CÔNG NGHỆ MỚI TRONG NÔNG NGHIỆP
Ở VIỆT NAM
GVHD: PGS.TS. Đinh Phi Hổ
HVTH: Lê Thị Mỹ Tiên
Lớp: KTPT Đêm – Khóa: K21
Tp. Hồ Chí Minh, năm 2013
1. Đặt vấn đề:
Đến thời điểm này, quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam diễn ra một
cách mạnh mẽ. Bên cạnh nỗi lo cạnh tranh của các doanh nghiệp, nông dân nước ta cũng
đang đứng trước một thách thức không nhỏ. Nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng
nông sản hàng hóa là biện pháp sống còn để hội nhập, trong đó, không thể thiếu vai trò
của công nghệ. Làm thế nào để đưa sản phẩm công nghệ đến tay nông dân là một thực tế
gắt gao đang đặt ra. Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong vòng 5 năm gần đây,
công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta.
Trên cơ sở xây dựng mối liên kết giữa các nhà khoa học và nông dân, các cơ quan nghiên
cứu đã nắm bắt được những đòi hỏi của thực tế sản xuất và nhu cầu của xã hội, nên đã có
những định hướng nghiên cứu phù hợp và thu được những thành tựu nổi bật. Khoa học -
công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất
lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, kinh phí đầu tư cho khoa học -
công nghệ đang ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, thực tế hoạt động khoa học - công
nghệ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và còn có sự thấp kém so với các nước trong khu vực.
Việt Nam được thế giới biết đến là một nước nông nghiệp với những bước tiến
vượt bậc. Nông nghiệp không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương
thực quốc gia mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản
hàng đầu thế giới. Có được những thành tựu nêu trên, phải kể đến sự đóng góp không
nhỏ của khoa học - công nghệ nói chung và của các nhà nghiên cứu nói riêng.
Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá chính xác sự
đóng góp của khoa học - công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp. Chỉ biết rằng, với
những tỷ lệ được tổng kết như: Hàm lượng chất xám chiếm hơn 30% giá trị sản phẩm
hàng hóa; biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5% đến 20%; biện pháp phân bón tăng
10% - 15%, tưới tiêu giúp tăng 20% - 40%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp
không ngừng gia tăng với tốc độ 24%/năm và tổng kim ngạch lên 16.475 triệu USD (năm
2008), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 hơn 52%. Nhờ sự mạnh dạn trong đầu
tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đã giảm đáng kể
thất thoát sau thu hoạch, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đà cho hàng hóa nông
sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt
Nam đã và đang có nhiều mặt hàng có thị phần lớn và chiếm vị thế cao trên thế giới như:
hạt điều, hạt tiêu, lúa gạo, cà-phê, cao-su đứng thứ tư, chè đứng thứ năm và thủy sản
đứng thứ bảy.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù khoa học nông nghiệp Việt Nam đã
có nhiều tiến bộ, nhưng đến nay, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản
Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như thế giới còn thấp. Phần lớn nông dân ở
vùng sâu, vùng xa còn ít hiểu biết và thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công
nghệ tiên tiến, cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học -
công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ nhằm tạo
động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất.
Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém
và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học -
công nghệ vẫn chưa thoát khỏi tâm lý "ăn xổi ở thì" khi chỉ tập trung vào một số sản
phẩm chủ lực mà chưa quan tâm đến sản phẩm công nghệ ứng dụng cho vùng núi, vùng
sâu, vùng xa. Hằng năm, cả nước có nhiều chương trình đầu tư cho khoa học - công nghệ
của địa phương, nhưng thiếu tính liên kết và đồng bộ, dẫn đến sự chồng chéo, phân tán,
hiệu quả thấp.
2. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu những quan điểm, quy định của pháp luật liên quan đến an ninh lương
thực, đất trồng lúa nước, tiêu chí xác định đất chuyên trồng lúa nước.
Phân tích, đánh giá tổng quan về phát triển nông nghiệp trên thế giới.
Nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng các tiêu chí xác định các tiêu chí, biện
pháp áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.
Nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới trong việcáp dụng khoa học
công nghệ mới vào nông nghiệp.
Phân tích, đánh giá thực trạng áp dụng khoa học kỹ thuật ở nước ta.
Đánh giá tình hình sử dụng khoa học, công nghệ mới của nông dân hiện nay.
Đề xuất các tiêu chí, các biện pháp ưu việt hơn trong quá trình phát triển nông
nghiệp gắn liền với khoa học kỹ thuật.
Đánh giá hiệu quả kinh tế khi áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp.
3. Tổng quan lý thuyết:
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu để có một
nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay,
các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn chưa nhiều; còn ít doanh nghiệp
tham gia; nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đi vào thực tiễn
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nhưng việc ứng
dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa có định hướng
cụ thể và đồng bộ. Sản phẩm nông nghiệp làm ra chưa ổn định về số lượng và chất lượng,
giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Do đó, việc phát triển
nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết, nhằm tạo ra những bước đột phá mới trong
sản xuất nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp nước ta chuyển nhanh theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với một đất nước nông nghiệp, có hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn cũng
như lao động nông nghiệp, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đề ra các tiêu chí
và có những giải pháp, chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi,
lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đến bảo quản và chế biến sản phẩm
Lâu nay, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hạn chế, nhất là nông nghiệp công nghệ
cao, vì vậy phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà khoa học, cũng như
các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư "chất xám", công nghệ, vốn vào nông
nghiệp. Đối với sản xuất nông nghiệp ở các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cần có những chính sách ưu đãi đầu tư. Danh mục lĩnh
vực nông nghiệp cần tập trung khuyến khích đầu tư chủ yếu các lĩnh vực trực tiếp phục
vụ nông nghiệp, nông thôn. Sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng hướng vào việc xây
dựng cụm công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
4. Phương Pháp nghiên cứu:
Dùng phương pháp tổng hợp và phân tích số liệu thứ cấp về tình hình áp dụng
công nghệ mới trong nông nghiệp.
Phương pháp điều tra, thu thập thông tin số liệu và xử lý bằng SPSS.
Sử dụng thang đo cho điểm (từ 1 đến 5) để đánh giá trong đó:
1: Hoàn toàn không đồng ý.
2: Ít đồng ý.
3: Bình thường.
4: Đồng ý
5: Hoàn toàn đồng ý.
Sử dụng mô hình hồi quy theo 3 bước:
+ Bước 1: Kiểm định chất lượng thang đo nhằm kiểm định thang đo xây dựng đảm
bảo chất lượng tốt, nếu không thì loại bỏ biến và tiến hành kiểm tra lại.
+ Bước 2: Sử dụng mô hình phân tích các nhân tố khám phá (gồm phân tích EFA
là thích hợp với dữ liệu thực tế hay không, kiểm định các biến quan sát có tương quan với
nhau trong mỗi thang đo hay không, kiểm định mức độ giải thích của các biến quan sát
đối với thang đo, phương sai cộng dồn của các yếu tố…)
+ Bước 3: Phân tích hồi quy đa biến gồm kiểm định các hệ số hồi quy, kiểm định
mức độ phù hợp của mô hình, kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, kiểm định phương sai
của sai số thay đổi.
Từ những kết quả của mô hình, kết luận những chính sách cần tập trung nhằm
nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, làm cơ sở cho việc triển
khai thực hiện áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong thời gian tới.
5. Kết quả nghiên cứu:
Sự xuất hiện của khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra môi trường thích hợp
cho những sáng tạo khoa học và công nghệ đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao mới, thuận tiện cho sự chuyển hóa tri thức thành sức sản xuất,
thành ưu thế thị trường, tạo cơ hội việc làm và đem lại lợi ích cho đất nước. Phát triển
khu nông nghiệp công nghệ cao góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp, công
trường hoá các trang trại nông nghiệp, hình thành lớp công nhân nông nghiệp với tác
phong công nghiệp, tay nghề cao, làm chủ được công nghệ mới.
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta phát triển khá nhanh, với những
thành tựu trong các lĩnh vực chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác…, tạo ra khối lượng sản
phẩm, hàng hoá đáng kể góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.
Áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp sẽ đem lại hiệu quả lớn trong việc
phát triển kinh tế, đem lai lợi ích, cải thiện đời sống cho người nông dân cũng như là lợi
ích cho kinh tế nước nhà.
6. Kết luận:
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ thời gian qua vẫn
còn những vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là có nhiều đề tài khoa học - công nghệ
khảo nghiệm thành công và được nghiệm thu nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất, có
những mô hình áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ rất thành công nhưng khó mở rộng
ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn vốn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ
chuyển giao kết quả của các dự án đã kết thúc vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.
Bên cạnh đó, lực lượng khoa học - công nghệ trên địa bàn chưa thực sự làm tốt vai
trò “cầu nối” giữa nhà khoa học - công nghệ với nhà sản xuất kinh doanh, nhất là việc
tiếp thu và chuyển giao các công nghệ từ bên ngoài vào còn thiếu sự tác động tích cực
của các nhà khoa học - công nghệ, nên một số cơ sở sản xuất đã nhập về những công
nghệ ít mang lại hiệu quả cao. Do đó, cần có hệ thống chính sách liên kết nhiều “nhà”
tham gia sản xuất kỹ thuật cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp cần tập hợp nông
dân trong từng vùng sản xuất để xây dựng “Cụm liên kết sản xuất theo nông nghiệp kỹ
thuật cao” hoặc những hợp tác xã nông nghiệp có khả năng tạo ra những sản phẩm có
thương hiệu mạnh, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân về kỹ năng sử
dụng máy móc, đào tạo các ngành nghề cơ khí nông nghiệp theo mô hình liên kết 4 nhà:
Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và người nông dân. Ngoài ra, vấn đề đổi
mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng chuyển giao công nghệ chế biến thu hoạch cũng cần
được quan tâm.
Điều đáng quan tâm là hiện nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nảy sinh nhiều vấn
đề đòi hỏi các nhà khoa học của địa phương phải trực tiếp giải quyết, nhất là việc nâng
cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa
phương. Vì thế, địa phương cần có cơ chế thúc đẩy tư nhân tham gia tổ chức nghiên cứu,
chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống, nhằm hướng đến
hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh. Cần phải tự
nguyện và chủ động tiếp nhận sự đặt hàng từ thực tiễn sản xuất - đời sống. Có như thế
ngành khoa học - công nghệ mới thật sự mạnh lên, xứng đáng ngành mũi nhọn phục vụ
thiết thực cho sản xuất.
Với người nông dân, khoa học - công nghệ sẽ không là vấn đề cao siêu, nếu như
những gì họ đang đối mặt nhanh chóng tìm được sự hỗ trợ. Khi đầu tư đủ mạnh cho
nghiên cứu khoa học - công nghệ và Nhà nước có chính sách hợp lý thì cơ hội đổi đời
cho người dân sẽ ngày càng đến gần hơn.
Trước mắt là hướng dẫn nông dân điều chỉnh, thay đổi chế độ trồng trọt, chăn nuôi
phù hợp thị trường; sản xuất sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng chăn
nuôi tập trung gắn với giết mổ và xử lý chất thải một cách khoa học; phát triển rừng gắn
với bảo vệ môi trường. Nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra những sản phẩm có năng
suất, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Muốn
vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc gắn kết giữa "ba nhà": nhà khoa học-nhà sản xuất và nhà
nông để đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản,
gắn với phát triển mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp. Chú trọng đầu tư cho công
nghệ sau thu hoạch để bảo quản, chế biến nhanh các loại nông, lâm, thủy sản, góp phần
giảm tổn thất, tăng giá trị xuất khẩu. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung
để có thể ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng
suất, chất lượng và giá trị cao. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: tăng cường đầu tư vào phát triển nghiên cứu có chọn lọc; tích cực
chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con
người và áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả. Đây là động lực chính cho tăng
trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản;
tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và ngoài nước.
Công nghệ cao là hướng đi duy nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản
hàng hóa, khi mà các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động đều bị giới hạn.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tham gia vào quá trình này e rằng sẽ khó thành công.
Tuy nhiên, do nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao, phụ thuộc lớn vào vùng nguyên liệu và
thời tiết…nên Đảng và Chính phủ cần rà soát, ban hành đồng bộ các chính sách để thu
hút doanh nghiệp về nông thôn.
Thứ hai, có chính sách bảo hộ hợp lý đối vối nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy
định của WTO cùng các chính sách hỗ trợ khác. Chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp
gồm 2 loại: hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Nông dân Việt Nam vẫn cần tiếp tục
nhận được những hỗ trợ khác để giúp đỡ họ trong phát triển sản xuất nông sản nhằm xóa
đói giảm nghèo. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh cho các hợp tác xã, hội nông dân để giúp các
tổ chức này hoạt động tốt trong vai trò cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, đào tạo,
dạy nghề, cung cấp thông tin, hỗ trợ kinh phí, điều kiện sinh hoạt, buôn bán xuất khẩu
nông sản, bảo vệ lợi ích của người nông dân.
Thứ ba, cần xem xét và thực hiện có hiệu quả chính sách dồn điền đổi thửa.
Nghiên cứu cho thấy, diện tích ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ có 0,6 ha/hộ vào loại
thấp nhất thế giới. Tình trạng này dẫn đến sản xuất phân tán manh mún, năng suất không
cao, không hiệu quả. Chính sách dồn điền đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai manh
mún, song cần có những tác động hỗ trợ cần thiết của Chính phủ trong tiến trình này và
nên tiến hành từng bước tích tụ ruộng đất gắn với phân công lại lao động trong nông
thôn, nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thứ tư, tạo điều kiện cho nông dân, khu vực kinh tế tập thể, doanh nghiệp nông
nghiệp mở rộng sản xuất, Nhà nước cũng cần sớm rà soát, điều chỉnh để nâng cao chất
lượng tín dụng nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nông dân, các doanh
nghiệp nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn. Vì hiện nay, tuy đã có chính sách về
vấn đề này, nhưng còn chưa đồng bộ, nhiều điểm thiếu hợp lý. Điển hình như Nghị định
41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì
nhiều nông dân sống ở các phường mới được đô thị hóa không được tiếp cận nguồn vốn
này, vì Nghị định chỉ quy định cho nông dân ở xã mới được vay vốn. Hoặc, chính sách
hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị sản xuất nông
nghiệp quy định chỉ hỗ trợ nông dân mua các loại máy nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa
từ 60% trở lên (Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg), nhưng thực tế, nông dân không muốn
vay là do các máy móc có tỷ lệ nội địa hóa cao, thì chất lượng lại rất thấp, công suất và
độ bền của thiết bị khi vận hành thường không ổn định, dễ gặp trục trặc hơn so với các
máy móc nhập ngoại.
Thứ năm, xây dựng các đô thị ngay bên trong nông thôn để tạo điều kiện cho
người nông dân có thể tự tăng được thu nhập và có động lực ở lại làm giàu cho mảnh đất
mình sinh ra và lớn lên. Để làm được điều đó, Chính phủ cần xây dựng kết cấu hạ tầng
tốt, đào tạo dạy nghề tốt ở nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhà
máy ở nông thôn. Nếu tìm được những ngành nghề có ưu thế để phát triển (phát triển các
doanh nghiệp công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị cho
nông nghiệp và hàng tiêu dùng cho nông thôn ) cũng sẽ có thể hình thành nhiều đô thị ở
nông thôn. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, vừa giúp giảm áp lực
dân nông thôn đổ dồn vào thành thị theo con đường tự phát.