LỜI MỞ ĐẦU
Sốc văn hoá là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ sự lo lắng và những cảm
xúc (như ngạc nhiên, mất phương hướng, bối rối, v.v ) mà một người cảm thấy khi
phải hoạt động trong một nền văn hóa hay môi trường xã hội hoàn toàn khác. Tùy
vào mỗi người, tùy thuộc môi trường mà quá trình trên sẽ rất ngắn hoặc đôi khi kéo
dài, tạo ra những khó khăn trong việc hòa nhập vào nền văn hóa mới.
Sự khác biệt văn hóa khiến nhà quản trị (NQT) có thể đối mặt với hiện tượng
“sốc văn hóa”, gồm 4 giai đoạn cơ bản: Thời kỳ trăng mật; Thời kỳ khủng hoảng;
Thời kỳ phục hồi; Thời kỳ tái trăng mật. Mỗi người có một tốc độ thích nghi khác
nhau nên các giai đoạn trên cũng kéo dài hay thu hẹp tùy vào trường hợp khác
nhau. Sốc văn hóa là điều không thể tránh, thế nhưng, những cú sốc này lại là yếu
tố quan trọng và cần thiết để NQT kết nối các giá trị văn hóa của bản thân và điều
chỉnh chúng cho phù hợp với những giá trị văn hóa mới. Sốc văn hóa được xem là
bước đầu của sự hòa nhập. Vậy, đặc điểm của 4 giai đoạn trên là gì? Biểu hiện của
NQT ở mỗi giai đoạn ra sao? Nguyên nhân dẫn đến “sốc văn hóa” và giải pháp
khắc phục như thế nào? Hãy cùng nhóm 10 chúng tôi tìm hiểu hiện tượng này qua
đề tài nghiên cứu “Hiện tượng sốc văn hóa gồm 4 giai đoạn của nhà quản trị”.
I. LÝ THUYẾT CHUNG
1.1. Văn hóa, sốc, sốc văn hóa
a. Văn hóa.
Văn hóa: Là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau,
liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.
- Hiểu theo nghĩa hẹp:
Văn hóa là hệ tư tưởng các hệ thống và các thể chế đi cùng với nó như văn học,
nghệ thuật, khoa học, triết học, đạo đức học
- Hiểu theo nghĩa rộng:
Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của các cá nhân và các
cộng đồng trong quá khứ, hiện tại qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã hình
thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và cách thể hiện, đó là những yếu tố
xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc. ( UNESCO 1986)
Văn hóa là tổng thể nói chung giá trị vật chất tinh thần do con người sáng tạo ra
trong qua trình lịch sử. ( Từ từ điển tiếng Việt)
Ngoài ra văn hóa còn được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác.
b. Sốc.
Sốc lấy từ chữ “shock” trong tiếng Anh, nguyên ý là “hết sức kinh sợ”. Sốc là do
cái mà bạn tưởng tượng ra và thực tế khác nhau nhiều quá sức tưởng tượng hay chịu
đựng của bạn
Theo từ điển Oxford một cú sốc là “một ấn tượng bất ngờ và đáng lo ngại vào
tâm trí hoặc cảm giác, thường là sản phẩm của một số việc không mong muốn xảy
ra hay nhận thức đau, buồn hoặc bạo lực dẫn đến trầm cảm lâu dài hoặc mất bình
tĩnh”.
c. Sốc văn hóa.
Sốc văn hóa là tác động của việc di chuyển từ một nền văn hóa quen thuộc
sang một nền văn hóa không quen thuộc.
Sốc văn hóa đã được đề cập đầu tiên bởi Kalvero Oberg vào năm 1954: “Sốc
văn hoá là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ sự lo lắng và những cảm xúc (như
ngạc nhiên, mất phương hướng, bối rối, v.v ) mà một người cảm thấy khi phải
hoạt động trong một nền văn hóa hay môi trường xã hội hoàn toàn khác”
Ví dụ như ở nước ngoài, nó nảy sinh từ những khó khăn trong việc hòa nhập
với nền văn hoá mới, là nguyên nhân của việc khó lòng nhận thức cái gì là thích
hợp và cái gì không. Tình trạng này thường đi đôi với sự căm ghét (vì lý do đạo
đức hay mỹ học) đối với một số khía cạnh nhất định của nền văn hoá mới lạ hoặc
khác biệt kia”
Hofstede ví dụ rằng: Sốc văn hóa là “sự đau khổ sau khi chuyển giao của
một người với một môi trường văn hóa xa lạ cũng kèm theo triệu chứng cụ thể”.
Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà quản trị khi
phải sang nước ngoài làm việc, bao gồm: Sốc vì ngôn ngữ, sốc vì môi trường mới,
sốc vì khác biệt thời gian, phong tục tập quán, các món ăn, phong cách sống của
nước ngoài - nơi nhà quản trị phải làm việc…
1.1. Nguyên nhân dẫn đến sốc văn hóa.
a. Nguyên nhân khách quan: “Sự khác biệt”
Kết quả của sốc văn hóa dường như là một chức năng của sự khác biệt giữa
mình và văn hóa nước ngoài về nhiều mặt: Khí hậu, thực phẩm, ngôn ngữ, trang
phục, ứng xử, các giá trị khác… và cả sự khác biệt liên quan đến nhân khẩu học
(tuổi tác, giới tính, tầng lớp kinh tế - xã hội, giáo dục…)
Khí hậu.
Khí hậu là yếu tố khác biệt dễ dàng nhận thấy và có thể có ảnh hưởng tốt
hoặc không tốt đến NQT.
Ví dụ: NQT người Việt Nam đến Ottawa (Canada) công tác vào mùa đông
chắc chắn sẽ mất 1 thời gian khá dài để thích nghi với khí hậu nơi đây, vì nơi này
mùa đông rất lạnh, có khi nhiệt độ xuống 37°C. Nhưng khi đã quen với cái lạnh,
NQT có thể thử nghiệm những môn thể thao mà ở Việt Nam không có như hockey
trên băng, hay trốn mình trong băng ở kênh đào Rideau, di sản thế giới UNESCO
đầu tiên của Ontario - kênh đào chảy quanh co qua thành phố và là sân trượt băng
tự nhiên vào mùa đông lớn nhất thế giới…để có thể hiểu thêm một chút về đất nước
nơi mình đến và thêm yêu quý nơi đó.
Thực phẩm.
NQT có thể thấy thức ăn của nước ngoài thật là kì cục, khẩu vị khác, cách
nấu nướng cũng khác. Có thể một số người không ăn được thức ăn lạ, hoặc ăn
không ngon miệng, ảnh hưởng tới cả sức khỏe và tinh thần.
Ngôn ngữ.
Lúc nào cũng nghe và nói bằng ngoại ngữ dễ khiến NQT căng thẳng. NQT sẽ
cảm thấy nhớ tiếng nước mình. Thậm chí ngay cả khi NQT rất thành thạo ngoại ngữ
nơi mình đến, thì cái ngữ điệu, cái cách nói của dân địa phương nơi NQT đến cũng
làm họ phải mất thời gian mới nghe quen tai được.
Quần áo.
Nếu quen với khí hậu nóng nực rồi, NQT có thể sẽ thấy bất tiện khi phải mặc
những bộ quần áo nặng nề của mùa đông. Hay đôi khi, chỉ vì có phong cách ăn mặc
khác nước sở tại mà NQT thấy mình khác biệt và khó thích nghi. Không phải ai
cũng ghét cách ăn mặc của người nước ngoài, nhưng bản thân NQT sẽ dễ cảm thấy
ngượng ngùng, ngại ngập khi mình ăn mặc khác.
Nguyên tắc ứng xử.
Bên cạnh những thứ có thể nhìn thấy được tác động ngay lập tức đến bạn khi
bạn đặt chân xuống sân bay ở nước ngoài như ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, thì mọi
nền văn hóa đều có những nguyên tắc không thành văn tác động lên cách con người
cư xử với nhau. Những điều này có thể khó nhận ra ngay, nhưng sớm hay muộn bạn
cũng sẽ phải trải qua và bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng. Cách ứng xử
trong xã hội có thể làm NQT bối rối, bất ngờ hay thấy bị xúc phạm. Ví dụ NQT sẽ
cảm thấy người nước ngoài sao có vẻ lạnh lùng, xa cách hay lúc nào cũng tất bật.
Nếu ở trung tâm các thành phố lớn như Paris, Sydney, London,… họ sẽ càng cảm
thấy điều này mạnh mẽ. Hay một NQT Nhật Bản sẽ thấy khó chịu với một số nhân
viên người Việt Nam khi họ luôn có thói quen đến muộn, thiếu tinh thần trách
nhiệm và không có ý thức bảo vệ môi trường
Các giá trị.
Mặc dù NQT có thể dần quen với sự khác nhau về văn hóa trong thế giới vật
chất mà họ thấy được như thực phẩm, quần áo, cách cư xử, nhưng họ sẽ nhận ra
rằng mọi người từ các nền văn hóa khác nhau có cách nhìn nhận thế giới rất khác so
với họ. Văn hóa hình thành từ những tập hợp giá trị, tiêu chuẩn, định kiến và niềm
tin. Đôi khi NQT sẽ ngạc nhiên và thất vọng vì mọi người không có cùng những giá
trị nằm lòng giống mình, vì chúng ta ai cũng thường mặc định các giá trị của mình
là chuẩn mực. Từ đó, một số NQT có thể thấy mệt mỏi, ngưỡng ngập và khó hòa
đồng.
b. Nguyên nhân chủ quan
Ngoài những nguyên nhân khách quan do sự khác biệt giữa các nền văn hóa
mà NQT không thế tác động và làm thay đổi thì còn một số nguyên nhân chủ quan
do chính bản thân NQT chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và có những hành trang cần
thiết để thích nghi với nền văn hóa mới. Những nguyên nhân này có thể được khắc
phục và bị vô hiệu hóa nếu NQT có đủ năng lực và niềm tin.
Chưa tìm hiểu nơi mình sẽ đến: Khi NQT chưa tìm hiểu hoặc tìm hiểu không
kỹ càng về đất nước, con người, văn hóa, tập quán của nơi mình sắp đến, họ sẽ
mất nhiều thời gian để thích ứng với văn hóa mới hơn và cũng dễ bị “sốc” hơn.
Chưa có những hành trang cần thiết: Ngôn ngữ, các kỹ năng và sự thân thiện
là hành trang cần thiết cho một NQT khi đến một nền văn hóa mới. Sẽ khó khăn
cho NQT khi không thông thuộc ngôn ngữ chung hoặc ngôn ngữ bản địa, nhất là
giao tiếp với bạn bè, các nhân viên và các nhà quản trị khác.
Ví dụ, quản lý người Mỹ La tinh trong một Nhóm tư vấn đa văn hoá từng than
thở “Nhiều lúc tôi cảm thấy do khác biệt về ngôn ngữ nên tôi không thể diễn tả
đúng cảm giác của mình.”
Chưa có sự chuẩn bị các giải pháp nếu gặp khó khăn: Trong mọi trường
hợp, mọi vấn đề; sự nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị các giải pháp luôn là điều
cần thiết, đặc biệt đối với NQT. Biết rõ những điều mình còn thiếu sót và những
khó khăn có thể gặp phải và chuẩn bị những giải pháp khắc phục khó khăn đó
sẽ giúp NQT tránh khỏi hoặc nhanh chóng vượt qua cú “sốc văn hóa” và thực
hiện tốt công việc của mình.
Suy nghĩ tiêu cực: Đôi khi những suy nghĩ tiêu cực là mình không thể thích ứng
được với nền văn hóa mới này dẫn đến sốc văn hóa. Đối với các NQT, việc chủ
động và suy nghĩ tích cực càng quan trọng vì NQT điều hành một nhóm, một bộ
phận hay cả doanh nghiệp và có ảnh hưởng rất lớn các nhân viên, người lao
động và đến kết quả của hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Sống khép kín không muốn giao lưu, kết bạn: Kết bạn là việc vô cùng quan
trọng không chỉ ở nước mình mà cả khi sang nước bạn. Điều này giúp NQT
nhanh hòa nhập hơn với môi trường mới.
II. 4 GIAI ĐOẠN “SỐC VĂN HÓA” CỦA NHÀ QUẢN TRỊ.
2.1. Thời kỳ trăng mật.
2.1.1. Định nghĩa và các biểu hiện của NQT
Định nghĩa: Thời kì trăng mật là giai đoạn đầu tiên khi nhà quản trị chuyển
sang sinh sống và làm việc trong một môi trường mới, một nền văn hóa mới. Lúc
này họ chỉ tiếp xúc đơn giản, được chào đón, giao tiếp lịch sự, khách sáo. Họ đặt
nhiều kì vọng, lạc quan và thích thú với môi trường làm việc mới.
Các biểu hiện của NQT: Vui vẻ, thích thú, phấn khích với những điều mới
lạ và kì thú xung quanh. Tìm hiểu và khám phá môi trường hoàn toàn mới, gặp gỡ
những đối tác nồng hậu và nhiệt tình.
Trong những tuần đầu tiên hầu như ai cũng hết sức phấn khích với những
điều mới lạ và kì thú xung quanh mình khi tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn
mới, gặp gỡ những đối tác nồng hậu và nhiệt tình. Thời kỳ này có thể diễn ra trong
thời gian ngắn hoặc dài tùy từng trường hợp. Khi nhà quản trị có vị trí càng quan
trọng, được mọi người quan tâm săn sóc và trân trọng thì thời kỳ này càng kéo dài.
Trong thời gian này, sự khác biệt giữa các nền văn hóa cũ và mới được nhìn thấy
trong một ánh sáng lãng mạn. Ví dụ, trong việc di chuyển đến một đất nước mới,
một cá nhân có thể yêu các thực phẩm mới, tốc độ của cuộc sống, và thói quen của
người dân địa phương. Trong vài tuần đầu tiên, hầu hết mọi người đều bị cuốn hút
bởi nền văn hóa mới. Họ tìm hiểu mọi thứ và kiếm tìm sự gắn kết với mọi người.
Giai đoạn tuần trăng mật bị chi phối bởi sự nhiệt tình và niềm đam mê về văn
hóa nước ngoài. Nhận thức về cơ hội vô tận được kết hợp với sự cởi mở, tò mò, và
sẵn sàng chấp nhận tình hình. Nhưng nhìn chung, giai đoạn này thường rất ngắn.
2.1.2. Ví dụ
Ví dụ 1:
Đến Việt Nam, Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã chia sẻ nhiều cảm nghĩ về
Thủ đô hơn 1000 năm tuổi của Việt Nam. Yêu thích không gian đặc biệt của phố
cổ, thích món chả cá, dạo bộ quanh 36 phố phường. Ông nói: “Ồ, tôi yêu mến Hà
Nội, nơi có nhiều công trình đẹp, nhất là khu phố cổ. Khi vừa đến Hà Nội, điều đầu
tiên tôi làm là dạo quanh Phố Cổ. Khi dạo quanh phố cổ sẽ cảm nhận được một Hà
Nội đúng nghĩa, một không gian mưu sinh rất đặc biệt của người Hà Nội với những
cửa hàng buôn bán đủ các mặt hàng, từ truyền thống đến hiện đại, thủ công mỹ
nghệ, những cửa hàng quần áo với các cô manơcanh mặc áo dài mẫu trông thật
sống động và cuốn hút. Và nhất là khi đi qua phố Chả cá có nhà hàng bán món ăn
này mùi rất thơm ngon. Món Chả cá thật tuyệt. Ồ nhắc đến tôi lại muốn được
thưởng thức rồi.”
Ví dụ 2:
Một quản lý khách sạn Việt Nam chia sẻ: “ Tôi đã làm việc chăm chỉ và dốc
hết sức lực và được cử đi Nhật. Tôi thực sự rất thích thú khi đặt chân lên đất nước
này, ở đây tôi được tận mắt thấy những bông hoa anh đào đẹp tuyệt vời, lại được đi
tàu điện ngầm nữa. Không khí ở đây cũng rất mới mẻ đối với tôi, đường đi rất
nhiều tuyết, cảm giác thật phấn khích.”
Ví dụ 3:
Quản lý người Việt làm việc tại Honda: “Tôi mới đến đây làm việc được 1
tuần nhưng chưa đi thăm quan được nhiều. Tôi rất muốn đến những thành phố lớn
của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Nagoya, Komatsu hay Fukuoka… Ngoài việc bị
ấn tượng với hệ thống tàu điện ngầm, tàu cao tốc, hệ thống đường xá hiện đại bậc
nhất thế giới, tôi còn bị bất ngờ với sự phổ biến của một loại phương tiện rất gần
gũi với người Việt, đó là xe đạp. Bạn chỉ mất khoảng 15 phút để đi đến các ga xe
lửa, và hầu hết tại các trạm xe lửa thường có các bãi đậu xe lớn dành riêng cho xe
đạp. Các nhân viên công sở hằng ngày có thói quen đạp xe từ nhà đến nhà ga rồi đi
tiếp chặng tàu điện đến công ty. Điều này làm tôi dặc biệt thích thú và tôi cũng sẽ
mua một chiếc xe đạp và làm như họ.”
Trong thời kỳ này con người cảm thấy thích thú với những điều mới mẻ và
có cảm giác hưng phấn.Mọi việc mà nhà quản trị làm đều cảm thấy thú vị như việc
anh ta muốn thử các món ăn mới hay đi các phương tiện như người sở tại…
2.1.3. Kết quả
Giai đoạn trăng mật là giai đoạn “ngọt ngào” mà nhà quản trị vẫn luôn giữ
được niềm tin và kỳ vọng vào môi trường mới. Tuy nhiên kết thúc giai đoạn này
cũng là lúc họ bắt đầu gặp phải những khó khăn và rắc rối khi phải đối mặt với thực
tế không giống như suy nghĩ của họ. Có thể nói, kết thúc của giai đoạn này là một
sự chuyển dịch trong cảm xúc và suy nghĩ của nhà quản trị. Họ dần dần nhận ra và
bắt đầu lạ lẫm với những rào cản trong văn hóa, ứng xử cũng như cách thức làm
việc.
2.2. Thời kỳ khủng hoảng.
2.2.1. Định nghĩa và các biểu hiện của nhà quản trị
Định nghĩa: Thời kì khủng hoảng là giai đoạn thứ hai, nó diễn ra sau thời kì
trăng mật và đánh dấu một điểm rơi trong chuỗi phản ứng của nhà quản trị với môi
trường mới. Giai đoạn này khởi đầu với những sự ngạc nhiên, rối loạn, lo âu, khó
tiếp xúc với người bản xứ cũng như phong cách làm việc của đồng nghiệp.
Các biểu hiện của nhà quản trị.
Sau một thời gian (thường là khoảng ba tháng, tùy thuộc vào cá nhân), sự
khác biệt giữa các nền văn hóa cũ và mới trở nên rõ ràng và có thể tạo ra sự lo lắng
hay phấn khích, cuối cùng có thể là cảm giác khó chịu, sự thất vọng, giận dữ. Rào
cản ngôn ngữ cùng với sự khác biệt rõ rệt về môi trường sống như vệ sinh công
cộng, an toàn giao thông, khả năng tiếp cận thực phẩm và chất lượng hay môi
trường làm việc như tính cách, thói quen của đồng nghiệp bị chi phối bởi văn hóa
vùng miền … đều có thể gây ảnh hưởng đến tâm lí nhà quản trị.
Trong khi được chuyển vào một môi trường khác nhau sẽ tạo áp lực đặc biệt
về kỹ năng giao tiếp, có những khó khăn thực tế để vượt qua, chẳng hạn như đồng
hồ sinh học bị gián đoạn thường dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi; đồ ăn không hợp khẩu
vị; khó khăn trong việc tìm cách chữa trị cho căn bệnh vì các loại thuốc có thể có
tên khác nhau từ đất nước bản địa…
Tuy nhiên, sự thay đổi quan trọng nhất trong thời kỳ này là thông tin liên lạc:
Mọi người thích nghi với một nền văn hóa mới thường cảm thấy cô đơn và nhớ nhà
vì họ chưa quen với môi trường mới và gặp gỡ những người mà họ không quen
thuộc mỗi ngày. Rào cản ngôn ngữ có thể trở thành một trở ngại lớn trong việc tạo
ra các mối quan hệ mới.
Tổng kết các triệu chứng khác nhau có thể xảy ra liên quan đến sốc văn hóa
trong thời kỳ khủng hoảng:
Mức Ví dụ
Vật lý
_ Vấn đề tiêu hóa.
_ Mất cảm giác ngon miệng.
_ Rối loạn giấc ngủ.
_ Huyết áp cao.
Nhận thức
_ Cảm giác của bệnh cách ly.
_ Cáo buộc văn hóa của nước khác.
_ Tự thương hại.
_ Giận dữ và mất lòng tin đối với các thành viên của xã hội.
_ Lo lắng về sức khỏe.
_ Căng thẳng lâu dài và đau khổ.
_ Sợ mình bị lừa dối.
_ Phun trào cơn thịnh nộ xuất hiện thường xuyên.
_ Giảm tự tin do thiếu khả năng kinh nghiệm để đối phó trong
văn hóa ngoài nước.
_ Thiếu quyết đoán vì sự khác biệt trong văn hóa của mình và
của người khác.
_ Bất lực và trầm cảm, các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày
dường như khồn thể giải quyết.
Hành vi
_ Thâm hụt hiệu suất.
_ Tách biệt khỏi những người xung quanh.
_ Tiêu thụ rượu cao hơn.
_ Từ chối học tập và nói ngôn ngữ nước chủ nhà.
2.2.2. Ví dụ
Ví dụ 1: (Sốc trong môi trường làm việc mới).
Bức thư dưới đây nói về Tom – một người Mỹ làm việc cho một công ty Nhật.
Trước đó Tom chưa bao giờ đến Nhật. “Cú sốc văn hoá” mà Tom đang trải nghiệm
thì phổ biến ở bất cứ công ty tuyển nhân viên nước ngoài nào.
Bố mẹ thân mến,
Con vẫn chưa tin là con đang ở Nhật. Con đến Thành phố NaGoYa mười hai
tiếng sau khi cất cánh từ Los Angeles và được công ty chào đón, Giám đốc và bốn
trưởng phòng cúi đầu chào khi họ đón con nhưng họ giới thiệu tên nhanh quá nên
con không nghe kịp. Nhưng không có trở ngại gì vì sau đó họ đưa cho con danh
thiếp của họ được in bằng cả tiếng Anh và Nhật. Ban đầu họ nói vài câu tiếng Anh
nhưng sau đó thì chuyển qua tiếng Nhật làm cho 1 người học tiếng Nhật sơ sơ như
con không thể theo kịp. Con chỉ có đủ thời gian liếc qua danh thiếp của họ trước khi
lên taxi đã chờ sẵn bên ngoài.
Họ chỉ cho con rất nhiều phong cảnh khi xe đi qua những con phố đông
nghẹt. Rồi sau đó con đến ngôi nhà mới của con, nó nằm bên cạnh một ngọn đồi
xanh mát cách trung tâm thành phố khoảng 20 phút xe hơi. Ngôi nhà khá đẹp với
mái ngói truyền thống của người Nhật và 1 cái sân sau nho nhỏ phủ đầy bóng tre.
Khi chúng con bước qua cửa chính đầu con đụng phải thanh chắn cửa và khi con
tháo giày giống người Nhật làm rồi đứng dậy thì đầu con lại đụng phải bóng đèn
treo trên trần nhà. Rõ ràng nếu ngôi nhà không phải được thiết kế cho một người
Mỹ có chiều cao như con. Con đã chuẩn bị động tác cúi đầu chào rất nhiều khi con
sang Nhật nhưng con không nghĩ là mình phải cúi đầu chào ở ngay trong nhà của
mình.
Sau khi giải thích qua cho con các tiện nghi và đồ dùng trong nhà cũng như là
đường đi đến những nơi khác. Theo kế hoạch, một đồng nghiệp sẽ ghé qua nhà vào
sáng hôm sau để dẫn con đến nhà ga tàu lửa gần đi đến nhà máy ô tô. Ba mẹ biết
đấy công việc của con là dạy giao tiếp tiếng Anh cho ban giám đốc và quản lý đồng
thời giúp giải quyết tài liệu tiếng Anh và một số công việc vặt khác.
Khi con sắp sếp hành lý ra và nghĩ về ngày mai thì con nhận ra không có đủ
chỗ treo quần áo, chỉ đủ để treo 2-3 bộ vét. Trong phòng ngủ có nhiều khoảng
không nhưng chỉ có một cái kệ lớn ở chính giữa. Nhưng không sao, sáng mai con sẽ
nhờ đồng nghiệp của con giải quyết khó khăn này.
Con dậy rất sớm sau một đêm ngủ rất ít do thay đổi múi giờ. Người đồng
nghiệp đến lúc 6h30, anh ta tự giới thiệu bằng cách cúi đầu chào rồi sau đó cởi giày
ra trước khi đưa cho con danh thiếp. Con cố gắng trao đổi với anh ta vấn đề về
không gian trong nhà. Anh ấy cố gắng giải thích bằng tiếng Nhật và cử chỉ điệu bộ
nhưng không thành. Cuối cùng anh ta lấy một số bộ quần áo và cho con biết là nên
treo áo vét, còn áo sơ mi thì gấp lại để trong tủ, ủi thẳng rồi mặc. Xong xuôi anh ta
chỉ tay vào đồng hồ, con liền xách va li rồi chúng con mang giày đi ra ngoài.
Trên đường đến nhà ga, anh bạn đồng nghiệp chỉ hai địa điểm và nói “Dust”.
Con không hiểu cho lắm vì anh ta chỉ nói được tiếng Anh bập bẹ và tiếng Nhật của
con cũng thế (thậm chí còn tệ hơn). Phải mất 10 phút sau con mới biết là anh ta
muốn chỉ cho con nơi đặt thùng rác để thu gom. Cả hai người đều cảm thấy đôi
chút phấn khích khi hiểu được nhau nhưng cảm giác đó nhanh chóng biến mất khi
con nhận ra khả năng tiếng Nhật của con quá kém. Trong khi tên ga tàu nói tiếng
Anh thì không được tốt và dùng tiếng Nhật làm con không hiểu gì hết.
Ở nhà ga người ta chen lấn đông đúc, so với ở đây thì nhà ga New York khá
yên tĩnh. Anh bạn đồng nghiệp mua xong vé tàu cũng vừa đến, đám đông đổ xô lên
tàu chen lấn con. Cuối cùng con cũng lên được tàu và có một chỗ bên cạnh anh bạn.
Khi con xuống ga, trên tàu đã rất đông rồi, thế mà dòng người ngồi đợi ở sân ga vẫn
chen vào. Họ xô đẩy chen lấn cho đám đông ngày càng chật chội hơn. Khi con nghĩ
là không thể nhét thêm người được nữa, người soát vé vẫn cho thêm người vào, tạo
nên vô số tiếng cằn nhằn trên tàu. Nhân viên soát vé thổi còi, đóng cửa lại và chiếc
tàu quá tải tiến về phía trước. Con cũng không chắc liệu hai chiếc giày của con có
còn đó không.
Khi con vào văn phòng được 10 phút, nơi có rất nhiều nhân viên và giám sát
đang ngồi ở bàn làm việc, con cùng với anh bạn thực hiện một số động tác thư giãn
ở phía bên kia bàn làm việc của con. Sau đó giám đốc nhà máy tiến đến gần con,
chào con bằng tiếng Nhật, xung quanh có rất nhiều nhân viên. Cúi đầu chào con
xong, ông đi ra, còn mọi người lại tập trung nhìn con. Sau vài phút bối rối, vài
người gần con nói với con vài từ bằng tiếng Nhật và họ bảo con phát biểu. Con
cũng phát biểu bằng tiếng Anh, sau đó nói rằng con rất vinh dự được làm việc ở nhà
máy và hi vọng sẽ đóng góp nhiều điều cho nhà máy. Gởi lời cảm ơn tới mọi người
xong, con thở phào nhẹ nhõm khi tất cả đồng nghiệp quay về bàn của họ để tiếp tục
công việc.
Thư đến đây thôi bố mẹ nhé, con sẽ kể tiếp về cuộc sống ở đây cho bố mẹ ở
thư sau.
Yêu bố mẹ
TOM
Phân tích: Những kinh nghiệm của Tom trong tuần đầu ở Nhật làm việc cho
người Nhật cho chúng ta một vài lời gợi ý về sự phức tạp và những thách thức của
Quản Trị Nhân Sự toàn cầu. Ví dụ, trong lá thư anh ấy gởi về nhà, anh ấy nói về
những qui tắc và tiêu chuẩn làm việc - những bài tập tại bàn làm việc của anh ấy,
bữa ăn trưa “1 giờ”, ngày dài. Anh ấy miêu tả về nơi sinh sống (trần nhà thấp trên ô
cửa trong ngôi nhà giao cho anh ấy) và sự khó khăn của việc đi lại bằng tàu. Anh ấy
bị áp đảo một chút bởi không thể đọc và hiểu nhiều tiếng Nhật.
Ví dụ 2:
Thời gian làm việc của người Việt Nam luôn luôn đi làm trễ giờ so với quy
định, còn người Nhật là người vô cùng nguyên tắc và đúng giờ. Chính vì vậy khi
ban đầu quản lý họ luôn gặp sự cố khiến họ thấy khó chịu với cách làm việc của
người Việt. Với thói quen đi làm muộn của người Việt Nam thì việc ảnh hưởng tới
thời gian làm việc đã được sắp xếp từ trước sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi làm việc
không có nguyên tắc chặt chẽ cũng khiến cho họ cảm thấy làm việc khó chịu và như
là sự không tôn trọng. Khi hai nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại trong một nơi thì
nó sẽ khiến cho xảy ra nhiều xung đột. Và dẫn tới những cuộc họp quản lý luôn là
người tới trước và chờ nhân viên. Cũng chính vì quy định thời gian như vậy, nhà
quản lý Nhật Bản cũng sẽ đưa ra những quy định về thời gian làm việc đúng giờ
như phong cách làm việc của họ. Nhưng với thói quen làm muộn như vậy, đa số
vẫn vi phạm quá nhiều khiến cho nhà quản trị phải quan tâm, chịu ảnh hưởng tới và
mất thời gian trong việc quán triệt vấn đề đó.
Ví dụ 3: (theo ví dụ 3 phần 2.1.2)
Quản lý người Việt làm việc tại Honda: “Tôi đã làm việc ở đây được 1 tháng,
đi thăm quan nhiều nơi, đúng là đất nước Nhật rất đẹp nhưng tôi vẫn chưa quen với
cái lạnh ở đây. Tôi nhớ cảm giác nhẹ nhõm khi chỉ cần 1 áo sơ mi và 1 quần tay gọn
nhẹ khi ở Việt Nam. Món ăn ở đây cũng không hợp khẩu vị của tôi. Đồng nghiệp
thì khó nói chuyện, dường như họ chỉ biết có công việc, tôi muốn có bạn bè để nói
chuyện và đi chơi. Tôi thấy thực sự mệt mỏi”
2.2.3. Kết quả.
Kết quả của thời kỳ này là tạo ra nhiều áp lực, sự khó khăn nhất trong việc ra
quyết định của nhà quản trị cũng như công tác thực hiện của nhân viên. Với những
văn hóa khác biệt chưa thích ứng được khiến cho nhà quản trị không biết cách làm
thế nào để có thể cải thiện những sự khác biệt đó, luôn luôn trong hoàn cảnh không
đưa ra được quyết định phù hợp cho cả hai bên. Và người thực hiện cũng gặp nhiều
khó khăn. Không khí làm việc trở lên căng thẳng, khó chịu, áp bức và muốn quay
trở lại với nền văn hóa của mình. Mọi hoạt động của nhà quản trị đều có những cản
trở. Sụ mâu thuẫn giữa nhà quản trị và nhân viên ngày càng căng thẳng, dẫn đến
môi trường làm việc cứng nhắc hơn.
2.3. Thời kỳ phục hồi.
2.3.1. Định nghĩa và các biểu hiện của NQT
Định nghĩa:
Khi tất cả những điều của nền văn hóa mới giúp bạn quen dần với cuộc sống
mới và bạn không phải kết thúc bằng cách bỏ về nước hoặc bỏ cuộc thì bạn sẽ bước
sang một giai đoạn mới. Ở giai đoạn này hầu hết các NQT đều hiểu rằng: “À, đó là
vấn đề của mình, và mình phải chấp nhận thôi”. Mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn
và không còn những trạng thái tâm lý gay gắt nữa. Thay vào đó người ta còn hóm
hỉnh hơn và thường bông đùa với chính những khó khăn hay vấn đề của mình.
Các biểu hiện của NQT
Giai đoạn phục hồi của sốc văn hóa, những trở ngại do sự khác biệt văn hóa
giữa các nền văn hóa khác nhau dần được xóa bỏ, con người dễ thích nghi hơn với
hoàn cảnh, dễ chấp nhận với những khác biệt ấy hơn dựa vào kinh nghiệm của bản
thân.
Nhà quản trị hỏi ý kiến và tìm hiểu tâm lý chung của nhân viên để điều chỉnh
ra những quyết định cho phù hợp, được sự đồng tình, ủng hộ của toàn bộ nhân viên.
Từ đó phát huy hiệu quả cao nhất trong việc ra quyết định và công việc. Các nhà
quản trị dễ dàng chấp nhận phong cách làm việc của nhân viên đa văn hóa, nhân
viên cũng dễ dàng thích nghi với phong cách quản trị của nhà quản lý thuộc nền văn
hóa khác. Những khác biệt văn hóa dần dần được hòa hợp với nhau, cải thiện quá
trình hợp tác làm việc, thúc đẩy nâng cao hiệu quả công việc.
2.3.2. Ví dụ
Giai đoạn phục hồi có thể hiểu thông qua biểu hiện: Sự khác nhau và sự
giống nhau giữa các nền văn hóa được chấp nhận. Bạn sẽ cảm thấy thảnh thơi, tự
tin, quen thuộc vì bạn đã cảm thân quen với hoàn cảnh và cảm thấy có thể vượt qua
được các tình huống mới dựa trên kinh nghiệm mà bạn đã trải qua.
Ví dụ 1:
Một NQT người Việt Nam sau 6 tháng công tác tại Nhật đã bắt đầu thấy quen
với thời tiết và món ăn Nhật. Bắt đầu thấy thích phong cách làm việc đúng giờ, tiết
kiệm và bảo vệ môi trường của người Nhật. Ông thấy người Nhật có rất nhiều đức
tính tốt và phong cách làm việc tiên tiến mà NLĐ Việt Nam chưa có được. Quan hệ
giữa ông với đồng nghiệp cũng cởi mở hơn và ông ngày càng khám phá ra nhiều nét
văn hóa mới rất thú vị của người Nhật. Thay vì suy nghĩ muốn nhanh chóng trở về
Việt Nam thì ông lại muốn có một thời gian công tác dài hơn để có thể trải nghiệm
hết những nét đặc sắc và mới lạ này.
Ví dụ 2:
Khác biệt văn hoá thể hiện rõ nhất trong quá trình ra quyết định, trước hết là
tốc độ đưa ra quyết định và công sức bỏ ra phân tích số liệu, tình hình trước khi ra
quyết định. Những nhà quản lý người Mỹ là những người rất ít khi bỏ nhiều công
sức ra phân tích tình hình và ra quyết định nhanh hơn nhiều nhà quản lý mang quốc
tịch khác.
Một nhà quản lý người Brazil hiện đang làm việc cho một công ty Mỹ, chịu
trách nhiệm đàm phán mua hàng của một doanh nghiệp Hàn Quốc đã nói: "Trong
ngày đầu tiên, chúng tôi cùng đồng ý 3 điều khoản. Đến ngày thứ hai, những nhà
đàm phán người Mỹ muốn bắt đầu đàm phán về điều khoản thứ 4, nhưng phía Hàn
Quốc lại muốn quay lại và bàn luận lại về 3 điều khoản đầu. Sếp của tôi gần như bị
sốc. Khi trải qua điều đó lần thứ 2 chúng tôi đàm phán với đối tác Hàn Quốc chúng
tôi đã thống nhất lợi ích của từng điều khoản một cách chắc chắn rồi mới bàn điều
khoản tiếp theo"
Ví dụ trên nói về quá trình ra quyết định của các nhà quản trị đến từ 2 nền
văn hóa khác nhau là Mỹ và Hàn Quốc. Trong quá trình hợp tác họ cũng đã từng
gặp khủng hoảng bởi phong cách và tốc độ ra quyết định của các nhà quản lý từ 2
quốc gia khác nhau. Giải pháp để phục hồi cú sốc văn hóa này là từ điều chỉnh,
dung hòa 2 nền văn hóa khác nhau để tiếp tục hợp tác.Sau khi thoát khỏi khủng
hoảng nhà quản trị sẽ biết cách thích ứng với môi trường mới và ra quyết định hiệu
quả.
2.3.3. Kết quả.
Kết thúc giai đoạn phục hồi của sốc văn hóa, những trở ngại do sự khác biệt
văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau dần được xóa bỏ, con người dễ thích nghi
hơn với hoàn cảnh, dễ chấp nhận với những khác biệt ấy hơn dựa vào kinh nghiệm
của bản thân. Các nhà quản trị dễ dàng chấp nhận phong cách làm việc của nhân
viên đa văn hóa, nhân viên cũng dễ dàng thích nghi với phong cách quản trị của nhà
quản lý thuộc nền văn hóa khác. Những khác biệt văn hóa dần dần được hòa hợp
với nhau, cải thiện quá trình hợp tác làm việc, thúc đẩy nâng cao hiệu quả công
việc.
2.4. Thời kỳ tái trăng mật.
2.4.1. Định nghĩa và các biểu hiện của NQT
Định nghĩa:
Thời kỳ tái trăng mật là giai đoạn cuối cùng của hiện tượng “sốc văn hóa”. Là
khi NQT đã hoàn toàn thích nghi với môi trường mới và coi đó như là một cách
sống hoàn toàn khác mà họ đã có thể kiểm soát được. Không chỉ điều chỉnh cuộc
sống để thích nghi được với lối sống mới, đồ ăn thức uống mới, phong tục tập quán
mới mà họ có thể yêu thích nó nữa.
Các triệu chứng, phản ứng của thời kỳ tái trăng mật.
Sang giai đoạn cuối cùng của căn bệnh nhà quản trị đã hoàn toàn thích nghi
với môi trường mới và coi đó như là một cách sống hoàn toàn khác mà họ đã có thể
kiểm soát được. Không chỉ điều chỉnh cuộc sống để thích nghi được với lối sống
mới, đồ ăn thức uống mới, phong tục tập quán mới mà bạn có thể yêu thích nó nữa.
Đó là khi mọi phương thuốc đều không cần đến nữa.
Bạn thích nghỉ được với môi trường mới. Những rào cản văn hóa đã hoàn
toàn được xóa bỏ, hơn nữa bạn coi nền văn hóa đó có những điểm tốt, bạn đã hoàn
toàn hòa đồng với nền văn hóa đó, Biết kết hợp những nền văn hóa khác biệt đó và
hoàn toàn xử lý được trong mọi tình huống.
Tạo ra sự thích nghi sự dễ dàng cho nhà quản trị ra những quyết định mới
phù hợp với những nền văn hóa khác nhau. Biết lợi dụng những điểm tương đồng
trong nền văn hóa khác biệt, hoặc biết kết hợp những điểm khác nhau để phù hợp.
Nhân viên cũng hoàn toàn thích nghi với hoàn cảnh,nhà quản trị biết những điểm
tốt trog các nền văn hóa đó để phát huy có hiệu quả tốt nhất. Hoạt động quản trị
không có sự cản trở và trờ về trạng thái tốt, phát huy tính sang tạo, khả năng làm
việc cao nhất của tất cả nhân viên. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp.
Tổng kết các triệu chứng khác nhau có thể xảy ra:
Mức Ví dụ
Vật lý
_ Ăn ngon miệng.
_ Sức khỏe ổn định.
_ Giấc ngủ ngon.
Nhận thức
_ Hòa đồng với mọi người.
_ Cảm thấy thích thú và yêu nền văn hóa mới.
_ Lạc quan và tự tin đối với các thành viên của xã
hội.
_ Không nổi nóng. Yêu đời.
_ Ra quyết định nhanh chóng.
Hành vi
_ Tăng hiệu quả làm việc.
_ Tăng tiếp xúc với mọi người.
_ Học tập và nói ngôn ngữ của nước sở tại.
2.4.2. Ví dụ
Ví dụ 1:
Ông Chen Chi Young, phụ trách thương mại của Văn phòng kinh tế và văn
hóa Đài Loan tại TP. HCM kể lại rằng: “Hồi mới đầu sang Việt Nam, rất nhiều thứ
tôi không hiểu được, và không thích nghi được với văn hóa làm việc của họ. Giờ
mới nhận ra đó là những điểm yếu về vấn đề con người, như sự chậm chạp, tay
nghề thấp, ít tự tin. Chúng tôi đã cải tiến giờ giấc làm việc và huấn luyện đội ngũ
nhân viên để thích nghi với các quyết định nhanh chóng. Bây giờ mỗi ngày đi làm
tôi đều thấy rất vui vì công việc không bị trì trệ và hiệu quả tăng cao.
Ví dụ 2:
Sau 2 năm làm Quản lý bán hàng và 3 năm làm Giám đốc Bán hàng cho công
ty bên Nhật, ông Nam đã có những mối quan hệ thân thiết và gắn bó với nhiều đồng
nghiệp cũng như đối tác bên Nhật. Đi đến nhiều nơi thăm thú và thích cái lạnh ở xứ
sở Hoa anh đào. Giao tiếp như người bản ngữ và luôn hoàn thành công việc một
cách tốt nhấ. Tháng 6/2013, ông trở về Việt Nam để làm Giám đốc Kinh doanh cho
một chi nhánh mới mở. Ban đầu là cảm giác tiếc nuối khi phải rời xa đất nước Nhật
Bản, nhớ Hoa anh đào và tàu điện ngầm; sau đó ông thấy vui và hồi hộp khi được
trở về quê hương. Nhưng chỉ sau 1 tháng đầu làm việc, ông thấy bất ngờ và khó
chịu với việc đi làm muộn và về sớm của nhân viên. Ngoài ra, ông còn thấy không
quen với khói bụi và rác thải đầy đường.
2.4.3. Kết quả
Khi đã quen với nền văn hóa mới, sống và thích nghi ở môi trường mới, hiệu
quả công việc tốt hơn và NQT cảm thấy đã thích nghi được với nền văn hóa mới và
có khi còn yêu thích nó nữa. Nhưng đó cũng là lúc mà nguy cơ của một căn bệnh
mới bắt đầu. Lúc này nhà quản trị đã quá quen thuộc với cuộc sống ở đất nước mới
này và khi họ phải rời xa đất nước đó bạn sẽ thấy nhớ nó vô cùng. Quay trở về quê
hương, rất có thể sẽ gặp phải một trạng thái khác, đó là sự sốc văn hóa ngược.
III. Giải pháp.
Từ những đặc điểm của 4 giai đoạn “sốc văn hóa”, biểu hiện của NQT trong
mỗi giai đoạn và nguyên nhân dẫn đến “sốc văn hóa” mà nhóm 10 đã đề cập như
trên, chúng tôi đề xuất quy trình 4 bước để vượt qua “Sốc văn hóa” như sau:
Bước 1: Hãy luôn giữ một góc nhìn khách quan đối với sự khác biệt văn
hóa
Vào những ngày đầu khi mới tìm hiểu và tiếp xúc với môi trường văn
hóa còn lạ lẫm, bạn đừng nên vội vàng đưa ra kết luận rằng những khác biệt văn
hóa bản địa so với bản thân đều có chiều hướng tiêu cực và sai trái. Cách tốt nhất là
giữ cho mình cách nhìn khách quan, xem xét thật kỹ vấn đề trước khi đưa ra nhận
xét cho bất cứ điều gì. Đồng thời, dành thời gian để trang bị những kiến thức văn
hóa về quốc gia đang sinh sống cũng là việc cần thiết. Mỗi quốc gia có một nền văn
hóa khác nhau, có cách cư xử khác nhau. Hãy quan sát và học tập để hiểu biết thêm
về xã hội, con người bốn phương một cách khách quan nhất.
Bước 2: Vượt qua rào cản ngôn ngữ:
Đối với hầu hết mọi người, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi ra nước
ngoài sinh sống và học tập, làm việc. Như đã nói ở trên, nguyên nhân cơ bản nhất
dẫn đến “sốc văn hoá” chính là do bất đồng ngôn ngữ .Vì thế, chuẩn bị thật tốt về
ngôn ngữ để có thể giao tiếp với người bản ngữ sẽ góp phần giảm thiểu những hiểu
lầm do diễn đạt không đúng cũng như giảm thiểu sự bực tức khi không thể diễn đạt
đúng suy nghĩ của mình bằng tiếng nước ngoài. Phương thức nhanh nhất để cải
thiện khả năng giao tiếp là việc chủ động trong giao tiếp. Bạn nên nắm lấy cơ hội
giao tiếp với người bản xứ bất cứ khi nào có thể, khi đó bạn sẽ dần dần làm quen
với những gì họ nói, cách thức biểu đạt từ ngữ. Giai đoạn đầu có thể sẽ khó khăn
nhưng đừng từ bỏ, dần dần bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong giao tiếp
thường ngày đấy.
Bước 3: Làm quen với mọi thứ xung quanh:
Môi trường mà bạn đang sống chính là nơi tốt nhất để bạn bắt đầu việc hòa
nhập và thích nghi. Trò chuyện với đồng nghiệp, chủ động bắt chuyện với bạn cùng
lớp để thiết lập các mối quan hệ mới. Ngoài ra, sách vở và tin tức báo đài cũng là
những nguồn thông tin mà bạn có thể dễ dàng tiếp cận… Nếu có thời gian, hãy
tham gia vào các hoạt động cộng đồng và những lễ hội địa phương để nắm bắt văn
hóa truyền thống của nơi bạn đang cư trú. Không tham gia bất cứ hoạt động ngoài
trời nào cũng như tham quan bất cứ nơi đâu, việc này sẽ gây cảm giác mệt mỏi và
“bế tắc” cho cuộc sống phương xa của bạn, khơi gợi thường xuyên cảm giác nhớ
nhà, nhớ gia đình và bạn bè đấy. Đồng thời, không giao tiếp với bên ngoài sẽ khiến
bạn khó giải tỏa những khó khăn, tâm sự của bản thân và khiến bạn chỉ muốn được
quay về quê hương. Sao bạn không thử làm một chuyến du lịch đến những địa điểm
quanh nơi mình sống hoặc xa hơn (nếu có thể) để thay đổi không khí và các thói
quen thường xuyên?
Bước 4: Thiết lập sự cân bằng trong cuộc sống với tinh thần thoải mái và
lạc quan
Hãy đặt ra những lịch trình cụ thể cho chính bạn, việc này sẽ giúp cho bạn tự
chủ trong sinh hoạt hằng ngày. Đừng để sự thay đổi văn hóa kiểm soát cuộc sống và
suy nghĩ của bạn mà bạn nên thay đổi để thích nghi với nó. Không nên quá khó
khăn với bản thân khi phạm sai lầm trong một tình huống giao tiếp nào đó với
người bản xứ, luôn lạc quan và rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã nhé. Với
những du học sinh thì việc cân bằng giữ làm việc và sinh hoạt cũng nên chú ý. “Vùi
đầu” vào công việc mà quên đi việc giải trí cần thiết sẽ khiến cuộc sống của bạn
thiếu mất những gia vị riêng mà bạn chỉ có thể tìm được tại đất nước bản xứ. Tuy
nhiên, chỉ lo khám phá mà quên đi mục đích chính là làm việc sẽ khiến bạn đánh
mất những cơ hội tương lai của mình và làm lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc
của bạn đấy. Cân bằng cuộc sống sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn bạn tưởng đấy!
KẾT LUẬN
“Sốc văn hóa” có thể xảy ra với bất kì ai, bất kỳ nhà quản trị nào, dù họ đến từ
môi trường văn hóa nào, dù họ nhiều kinh nghiệm đến mấy, hay thậm chí họ đã đi
công tác nhiều như thế nào. Để tránh khỏi hoặc hạn chế mặt tiêu cực của “sốc văn
hóa” và hoàn thành tốt công việc, nhà quản trị cần có những kỹ năng cần thiết và
chuẩn bị chu đáo cho mỗi chuyến đi đến những nền văn hóa mới của mình.
Do thời gian và năng lực có hạn, nhóm 10 chỉ nghiên cứu đề tài “Hiện tượng
sốc văn hóa (4 giai đoạn) của nhà quản trị” đến đây. Tuy nghiên cứu còn nhiều
thiếu sót, nhưng chúng tôi tin nó có thể giúp bạn – các nhà quản trị tương lai, phần
nào hiểu thêm về hiện tượng “sốc văn hóa” và có cách tránh khỏi hoặc tối thiểu hóa
tác động tiêu cực có thể đến từ những cú “Sốc văn hóa” khi tiếp xúc với các nền
văn hóa khác nhau trên thế giới. Xin cảm ơn!