Tải bản đầy đủ (.pdf) (61 trang)

phong trào nông dân ở bắc kỳ dưới triều nguyễn nửa đầu thế kỷ xix

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (738.08 KB, 61 trang )

Lời cảm ơn

Được sự đồng ý của Khoa Sử - Địa trường Đại học Tây Bắc, cùng với sự
đồng ý của thầy giáo TS Phạm Văn Lực em đã thực hiện đề tài “Phong trào
nông dân ở Bắc Kỳ dưới triều Nguyễn nữa đầu thế kỉ XIX”.
Để hoàn thành khoá luận này, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân,
em đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và quý báu của các thầy, cô giáo trong khoa
Sử - Địa, đặc biệt là sự giúp đỡ của thầy giáo TS Phạm Văn Lực.
Lời đầu tiên, em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS
Phạm Văn Lực - người thầy đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt và chỉ bảo những
kiến thức về chuyên môn thiết thực, đã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ em hoàn
thành khoá luận này.
Em cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các thầy, cô trong
khoa Sử - Địa, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm Tống Thanh Bình, Phòng Nghiên
cứu Khoa học, Thư viện trường Đại học Tây Bắc, Thư viện tỉnh Sơn La đã giúp
đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho em trong quá trình thực hiện khoá luận này.
Cuối cùng, em xin bày tỏ lòng biết ơn tới đấng sinh thành là bố mẹ đã
nuôi dưỡng với bao nỗi vất vả, nhọc nhằn, các bạn bè thân yêu trong lớp, những
người luôn ở bên chia sẻ, động viên và giúp đỡ tôi trong thời gian qua.
Em xin chân thành cảm ơn!
Sơn La, tháng 5 năm 2014
Tác giả

Lê Thị Hồng Yến






MỤC LỤC



MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, đóng góp của đề tài 3
3.1. Đối tượng nghiên cứu 3
3.2. Phạm vi nghiên cứu 3
3.3. Đóng góp của đề tài 3
4. Phương pháp nghiên cứu, nguồn tư liệu 3
4.1. Phương pháp nghiên cứu 3
4.2. Nguồn tư liệu 4
5. Cấu trúc của khoá luận 4
CHƢƠNG 1: TÌNH HÌNH TRIỀU NGUYỄN NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX 5
1.1. Tình hình chính trị 5
1.2. Tình hình kinh tế, xã hội 9
1.3. Tình hình văn hoá 15
CHƢƠNG 2: PHONG TRÀO NÔNG DÂN TIÊU BIỂU Ở BẮC KÌ 18
2.1. Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương của Cao Bá Quát (1854-1855) 18
2.2. Cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương (1832-1838) 24
2.3. Cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành (1821 - 1827) 29
2.3.1. Bối cảnh và nguyên nhân 30
2.3.2. Lực lượng tham gia 33
2.3.3. Diễn biến cuộc khởi nghĩa 37
2.3.4. Nguyên nhân thất bại 41
CHƢƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM, TÍNH CHẤT VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA
CÁC PHONG TRÀO NÔNG DÂN KHỞI NGHĨA Ở BẮC KỲ DƢỚI TRIỀU
NGUYỄN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XI X 43
3.1. Đặc điểm, tính chất 43
3.2. Ý nghĩa lịch sử 51
KẾT LUẬN 54

TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………………………55
PHỤ LỤC ẢNH

1
MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Triều Nguyễn (1802 - 1945) là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch
sử Việt Nam được thành lập trên cơ sở lật đổ vương triều Tây Sơn làm chủ toàn
bộ lãnh thổ Đàng Trong - Đàng Ngoài cũ, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia
Long lập nên triều Nguyễn. Triều Nguyễn trải qua các đời vua: Gia Long
(Nguyễn Ánh), Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức kế tiếp nhau xây dựng và củng
cố nền thống trị, bảo vệ chế độ phong kiến khủng hoảng, suy yếu. Tuy nhiên,
trong hơn nửa thế kỉ tồn tại dưới triều Nguyễn, xã hội Việt Nam hầu như không
phát triển lên được theo chiều hướng tiến bộ của thời đại, đời sống nhân dân
cùng cực, mâu thẫn xã hội làm bùng nổ hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ
của nông dân chống lại triều đình phong kiến phong kiến thối nát, khủng hoảng.
Trong nửa đầu thế kỉ XIX, có rất nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra
và trải dài từ Bắc đến Trung và Nam Kì. Trong các cuộc khởi nghĩa đó, đáng
chú ý hơn cả là các cuộc khởi nhĩa của nông dân chống lại triều đình phong kiến
nhà Nguyễn. Sự bùng nổ của phong trào nông dân nửa đầu thế kỉ XIX nói chung
và ở Bắc Kì nói riêng có ý nghĩa vô cùng lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc.
Khởi nghĩa nông dân là động lực phát triển của lịch sử phong kiến, do vậy nó có
vai trò quan trọng trong học tập và nghiên cứu lịch sử.
Trên tinh thần đổi mới Sử học, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến và nhận
định đánh giá về triều Nguyễn rất khác nhau, đặc biệt về phong trào nông dân
dưới triều Nguyễn. Vì thế việc lựa chọn “Phong trào nông dân ở Bắc Kỳ dưới
triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX” làm đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khoa học
và thực tiễn sau:
* Về mặt khoa học:

+ Góp phần khôi phục một cách sinh động, chân thực về các cuộc khởi
nghĩa của nông dân chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn nửa đầu thế
kỉ XIX.
+ Góp phần làm rõ đóng góp của phong trào nông dân dưới triều Nguyễn
nửa đầu thế kỉ XIX với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

2
* Về mặt thực tiễn:
+ Bổ xung nguồn tư liệu về phong trào nông dân cũng như làm tư liệu về
phong trào nông dân cũng như làm tư liệu nghiên cứu phong trào nông dân nửa
đầu thế kỉ XIX.
+ Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất,
lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay.
+ Khoá luận còn làm tài liệu tham khảo trong quá trình học tập và giảng
dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Phong trào nông dân dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX đã được đề cập
đến trong một số công trình dưới đây với nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau.
Cụ thể là:
+ Trong cuốn “Đại cương lịch sử Việt Nam” do Trương Hữu Quýnh chủ
biên đã đề cập đến công cuộc đấu tranh của nông dân chống chính quyền phong
kiến nhà Nguyễn dưới góc độ khái quát và sơ lược, chưa đề cập đến một cách hệ
thống [16].
+ Trong cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến 1858” của nhà xuất
bản Giáo Dục cũng đã đề cập đến phong trào nông dân nửa đầu thế kỉ XIX
nhưng còn sơ lược [18].
+ Trong cuốn “Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại” của Huỳnh Công Bá cũng
đã đề cập đến các phong trào nông dân khởi nghĩa dưới triều Nguyễn nửa đầu
thế kỉ XIX nhưng chỉ dừng lại ở mức đội khái quát [6].
+ Trong cuốn “Tiến trình lịch sử Việt Nam” do Nguyễn Quang Ngọc chủ

biên đã đề cập đến những cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình phong
kiến nhà Nguyễn nhưng chưa đi sâu vào khai thác một cách cụ thể mà chỉ dừng
lại ở mức độ khái quát [15].
+ Trong cuốn “Một số chuyên đề Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới và
phương pháp dạy học lịch sử” do TS. Phạm Văn Lực chủ biên cũng đã đề cập
tới các cuộc khởi nghĩa nông dân chống triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX
nhưng mới chỉ dừng lại ở việc kể tên các cuộc khởi nghĩa các cuộc khởi

3
nghĩa, chưa đi sâu vào nghiên cứu, phân tích làm rõ các cuộc khởi nghĩa nông
dân nổ ra thời kì này [14].
Vấn đề này đã được đề cập trong một số công trình nhưng chưa có công trình
nào đề cập một cách hệ thống, hoàn chỉnh. Tuy vậy, tất cả những công trình nghiên
cứu đó đã định hướng cho tôi đi vào tìm hiểu nghiên cứu vấn đề này và là nguồn tài
liệu tham khảo quý để tôi tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề khoa học mà
những công trình trước chưa có điều kiện thực hiện và hoàn chỉnh.
3. Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu, đóng góp của đề tài
3.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là “Phong trào nông dân ở Bắc Kỳ
dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX”.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian: Khóa luận tập trung làm rõ phong trào khởi nghĩa của nông
dân ở Bắc Kì chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn từ khi Nguyễn Ánh
lên ngôi (1802) đến khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858).
- Về không gian: Khóa luận tập trung nghiên cứu sự phát triển của phong
trào nông dân ở Bắc Kì chống lại triều đình phong kiến triều Nguyễn.
3.3. Đóng góp của đề tài
- Khóa luận góp phần khôi phục một cách hoàn chỉnh, hệ thống và chính
xác tình hình nước ta nửa đầu thế kỉ XIX. Đặc biệt, khóa luận tái hiện một cách
sinh động về phong trào nông dân ở Bắc Kì với các phong trào cụ thể.

- Bổ xung nguồn tư liệu về lịch sử phong trào nông dân khởi nghĩa của dân
tộc ta, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất cho thế
hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước, lòng biết ơn và kính trọng đối với các anh hùng
dân tộc; làm tài liệu tham khảo trong học tập và giảng dạy lịch sử Việt Nam nửa
đầu thế kỉ XIX (1802-1858).
4. Phƣơng pháp nghiên cứu, nguồn tƣ liệu
4.1. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Khóa luận kết hợp hai phương pháp: Phương pháp lịch sử và phương pháp
logic dựa trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

4
- Ngoài ra, khóa luận còn sử dụng phương pháp nghiên cứu chuyên ngành
như: sưu tầm, hệ thống hóa tài liệu, đối chiếu…
4.2. Nguồn tƣ liệu
Để hoàn thành khóa luận tôi đã sử dụng các nguồn tư liệu:
- Các tài liệu thông sử: Đại cương lịch sử Việt Nam tập I.
- Các công trình, bài viết có liên quan đến nội dung của khóa luận.
5. Cấu trúc của khoá luận
Khóa luận gồm phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo và 3 nội
dung chính:
Chương 1. Tình hình triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX.
Chương 2. Một số phong trào nông dân tiêu biểu ở Bắc Kì.
Chương 3. Đặc điểm, tính chất và ý nghĩa của các phong trào nông dân
khởi nghĩa ở Bắc Kỳ dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX.



















5
Chƣơng 1
TÌNH HÌNH TRIỀU NGUYỄN NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX

Trong lịch sử châu Á nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng, thế kỉ XIX
là thời kì đầy biến động. Quan hệ tiếp xúc Đông - Tây đã chuyển từ thương mại
tự do sang đối địch. Thay vì tôn trọng chủ quyền, thiết lập mối quan hệ buôn
bán như trước đây, các nước tư bản châu Âu bắt đầu thực hiện chính sách “ngoại
giao pháo hạm”, sử dụng vũ lực để từng bước thực hiên ý đồ thực dân. Trong
bối cảnh đó, các nước châu Á bị đặt trước những thử thách vô cùng hiểm nghèo.
Ý thức được hiểm họa đó, Nhật Bản và trong một chừng mực nào đó là Xiêm đã
chọn con đường duy tân đất nước để tự cứu mình. Trong khi đó, ở Việt Nam,
sau khi đánh bại triều Tây Sơn, năm 1802, triều Nguyễn được thành lập đã tỏ ra
lúng túng, chỉ lo xây dựng và củng cố nền thống trị, bảo vệ chế độ phong kiến
trong bối cảnh khủng hoảng, suy vong không bắt kịp với thời đại, làm cho đất
nước ngày càng lún sâu vào tình trạng lạc hậu, trì trệ. Tình hình đó đã làm mâu
thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt, không kiểm soát được. Tình trạng này
kéo dài đã làm bùng nổ hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của nông dân, các

dân tộc ít người và cuối cùng biến thành thuộc địa của thực dân Pháp. Về danh
nghĩa, triều Nguyễn tồn tại đến năm 1945, nhưng thời gian thực sự điều hành đất
nước với tư cách là một nhà nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì
chỉ trong nửa đầu thế kỉ XIX.
1.1. Tình hình chính trị
Gia Long lên ngôi, định đô ở Phú Xuân (Huế), giữ nguyên các đơn vị hành
chính cũ ở hai miền, đặt quan chức trấn giữ. Năm 1804, được sự đồng ý của nhà
Thanh, Gia Long đổi tên nước là Việt Nam [18, tr.96]. Do phản ứng của nhân
dân, năm 1838, Minh Mạng đổi quốc hiệu là Đại Nam và giữ tên đó cho đến
cuối triều Nguyễn.
Công việc đầu tiên mà triều Nguyễn phải tập trung giải quyết ngay sau
khi đánh thắng nhà Tây Sơn là thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương đến
địa phương trên một lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Đàng Ngoài cũ và Đàng
Trong đã được mở rộng đến tận mũi Cà Mau. Đây là một lợi thế mà Nguyễn

6
Ánh đã được hưởng từ thành quả của phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp
thống nhất đất nước.
Chính quyền trung ương được tổ chức như các triều đại trước. Đứng đầu là
vua nắm mọi quyền hành. Sợ quyền thần lấn át Hoàng đế, các vua Nguyễn đặt lệ
“tứ bất” (không đặt tể tướng, không lấy trạng nguyên, không lập hoàng hậu,
không phong vương). Vua trực tiếp nắm và điều hành 6 bộ và các viên chuyên
trách như Đô sát, Hàn lâm, Thị thư (năm 1829 chuyển thành nội các). Năm
1834, Minh Mạng cho lập cơ mật viện là cơ quan có quyền cùng với vua bàn
bạc những việc quốc gia đại sự [15, tr.190].
Mặc dù luôn có ý thức tập trung quyền lực vào tay mình nhưng Gia Long
đã tỏ ra khá lúng túng khi tiến hành xây dựng các đơn vị hành chính mới. Họ
Nguyễn lấy Phú Xuân (Huế) làm kinh đô và chia các địa phương thành các cấp
độ quản lí (trực, cơ, kỳ), tùy thuộc vào vị trí xa hay gần kinh sư. Những địa
phương nằm kề Phú Xuân ở cả hai mặt bắc và nam như Quảng Đức, Quảng Trị,

Quảng Bình và Quảng Nam được gọi là các trực doanh nằm dưới sự cai quản
trực tiếp của triều đình. Tiếp đó là các trấn đặt dưới sự kiểm soát gián tiếp của
kinh sư gọi là các cơ trấn. Phía Bắc có Nghệ An, Thanh Hóa, phía Nam có
Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Hòa (Khánh Hòa). Ở cả hai đầu đất nước, Gia
Long đặt ra hai kỳ (Bắc và Nam), giao phó quyền hành cho hai quan tổng trấn
tại Bắc Thành và Gia Định thành được phép thay mặt Hoàng đế định đoạt mọi
việc. Năm 1831-1832, Minh Mạng bỏ cơ cấu hành chính tản quyền, bãi bỏ chức
Tổng trấn, chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ (Thừa Thiên). Tất cả đều trực
thuộc chính quyền trung ương [15, tr.190].
Chính quyền địa phương được đặt lại. Các liên tỉnh do Tổng đốc đứng đầu
và kiêm nhiệm, tỉnh còn lại do tuần phủ đứng đầu. Dưới Tổng đốc và tuần phủ
có hai ty:
Bố chính ty phụ trách các vấn đề thuế khóa, ruộng đất, hộ khẩu …của tỉnh;
án sát ty phụ trách an ninh, tư pháp…của tỉnh. Các chức quan ở hai ty phụ chịu
trách nhiệm trước Tổng đốc và tuần phủ [18, tr.97].

7
Dưới tỉnh là cấp phủ (tri phủ đứng đầu), huyện (tri huyện đứng đầu) châu
(tri châu đứng đầu) rồi đến tổng (chánh tổng đứng đầu), xã (do lý trưởng, phó lí
phụ trách) [18, tr.97].
Đối với vùng thượng du, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc, từ năm 1829,
Minh Mạng bỏ lệ thế tập của các thổ ty, lang đạo, cho phép quan địa phương
chọn các hào mục thanh liêm, tài năng cần cán làm Thổ tri châu, Thổ tri huyện
và thiết lập chế độ lưu quan, đưa quan miền xuôi lên cai quản miền ngược, làm
việc với các thổ ty, lang đạo [18, tr.97].
Ban đầu, nhà Nguyễn dùng những người có công trong cuộc chiến tranh
chống Tây Sơn làm các chức quan trọng trong triều đình cũng như ở các địa
phương. Về sau, nhà Nguyễn mở khoa thi tài (năm 1822 mở khoa thi hội đầu
tiên, chọn người bổ xung vào các chức và được hưởng lương theo phẩm hàm.
Bộ máy quan lại thời Nguyễn nói chung không cồng kềnh cũng không

đông đảo, song cũng như ở thế kỉ XVIII, quan lại tìm mọi cách hạch sách nhân
dân, chiếm đoạt của cải. Năm 1827, Minh Mạng đã bực tức với các quan lại “coi
pháp luật như hư văn, xoay sở nhiều vành, chỉ cốt lấy tiền không được thì buộc
tội”. Năm 1850, Tự Đức than vãn: “Quan vui thì dân khổ, ích người trên thì tốn
kẻ dưới… đưa quà cáp xin xỏ để là cái thang bước lên quan trường, hoặc bắt
đóng góp khác bạc dã làm của cải cho mình tiêu dùng, những tình tệ ấy không
kể xiết” [16, tr.441]. Tội hối lộ, tham nhũng không ngừng phát triển mặc dù Gia
Long, Ming Mạng xử rất nặng hàng loạt các viên quan to, kể cả trấn thủ, hiệp
trấn tham nhũng. Chính vì vậy mà trong dân gian lưu truyền câu:
“Con ơi, mẹ bảo con này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” [16, tr.441]
Lợi dụng tình hình đó của các quan lại, bọn hào lí địa phương mặc sức
hoành hành. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ đã tâu lên nhà vua: “Cái hại quan lại
là một hai phần thì cái hại hào cường đến tám, chín phần… nó làm cho con
người ta trở thành mồ côi, vợ người ta thành ra góa bụa, giết cả tính mạng của
người ta, xiết cả gia tài của người ta mà việc không lộ, cho nên cứ công nhiên
không sợ gì. Chỗ nào chúng cũng cùng nhau anh chị, chuyên lợi làm giàu, dối

8
cợt quan lại để thỏa lòng riêng”. Năm 1855, Tự Đức vẫn còn thừa nhận: „„Bọn
tổng lí, hương hào, nhà nào cũng giàu có, có kẻ tôi tớ hoặc một trăm người, hoặc
sáu bảy mươi người, chiêu tập côn đồ, chứa tập binh khí. Người trong một tổng
một làng hễ chún hơi nhếch mếp, hất hàm là phải theo…” [16, tr.442].
Nạn quan lại tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính của phong
trào nông dân rầm rộ đương thời.
Về luật pháp : Nhà Nguyễn rất coi trọng luật pháp. Năm 1811, Tổng trấn
Bắc thành được lệnh chủ trì việc biên soạn bộ luật mới của thời Nguyễn. Năm
1815, bộ luật Hoàng triều luật lệ (hay còn gọi là luật Gia Long) gồm 398 điều
chính thức chia thành 7 chương và 30 điều tạp tụng được ban hành [16, tr.442].
Đây là bộ luật được soạn thảo với tinh thần đề cao uy quyền của Hoàng đế, triều

đình, lại mô phỏng luật nhà Thanh nên những quy định về xử phạt rất hà khắc,
nhất là những tội gây phương hại đến chính quyền.
Quy định của nhà nước được tổ chức chặt chẽ ngay từ thời chiến tranh
chống Tây Sơn. Nhà Nguyễn chủ trương xây dựng một quân đội thường trực
mạnh.Vào cuối thời Gia Long, nhà Nguyễn có hơn 20 vạn quân, chia ra làm bốn
binh chủng (bộ binh, thủy binh, pháo binh và tượng binh). Binh lính phục vụ
trong quân đội được hưởng các chế độ ưu đãi. Mỗi người được nhận lương bằng
ruộng với diện tích từ bảy sào đến một mẫu. Ngoài ra, họ còn được nhận thêm
ruộng khẩu phần ở quê. Tuy nhiên chế độ binh dịch nặng nề, vũ khí không có
điều kiện đổi mới. Chẳng hạn, theo thống kê, số đinh năm 1820 là 620240, năm
1840 là 970516 thế nhưng số lính lại nhiều tới 212290 người. Tinh thần và chất
lượng quân đội ngày càng xa sút [16, tr.443].
Về chính sách đối ngoại: Nhà Nguyễn một mặt tỏ ra thần phục nhà Thanh.
Sau khi đánh bại được triều Tây Sơn, Gia Long cử sứ sang nhà Thanh cầu
phong, sau đó theo hạn 4 năm một lần cho người sang nộp 2 lần cống phẩm.
Những lần sứ thần Trung Quốc sang phong vương các vua Nguyễn phải tổ chức
tiếp đón rất tốn kém và phải tự thân ra tận Thăng Long để nhận. Tình hình đó
kéo dài mãi đến năm 1849, sứ bộ nhà Thanh vào tận Phú Xuân [18, tr.99]. Ngoài
ra mọi việc quan trọng trong quan hệ đối ngoại, nhà Nguyễn hầu như đều cho

9
người sang xin ý kiến của nhà Thanh. Một trong những chính sách ngoại giao để
lại những hậu quả hết sức nặng nề về chính trị cũng như tài chính dưới triều
Nguyễn là việc các vua Nguyễn sử dụng lực lượng quân sự bắt Cao Miên và Lào
thuần phục. Năm 1813, nhà Nguyễn thiết lập chế độ bảo hộ ở Cao Miên. Năm
1835, Minh Mạng lập ra trấn Tây Thành, định xáp nhập đất Cao Miên vào hẳn
lãnh thổ Việt Nam. Nhưng sau khi Minh Mạng qua đời vào năm 1840, Thiệu Trị
đã từng bước phải rút lui khỏi Cao Miên.
Với các nước phương tây, nhà Nguyễn khước từ mọi tiếp xúc. Trước khi
nhắm mắt, Gia Long đã phải căn dặn Minh Mạng “việc khủng bố tín ngưỡng

bao giờ cũng tạo cơ hội cho những cuộc biến động và gây thù oán trong dân gian
lại thường khi làm sụp đổ ngôi vua” [9, tr.233]. Đến thời vua Minh Mạng, chính
sách ngoại giao này còn kiên quyết hơn, “Đóng cửa” cự tuyệt việc quan hệ với
các nước phương tây trở thành quyết sách của cả triều Nguyễn. Điều này càng
thúc đẩy nước Pháp xâm lược nước ta, làm đất nước ngày càng lún sâu vào tình
trạng trì trệ, lạc hậu đến nỗi suy kiệt khả năng tự vệ.
1.2. Tình hình kinh tế, xã hội
Ngay sau khi được thành lập, triều Nguyễn đã thi hành một loạt các chính
sách kinh tế phản động. Hầu hết những chính sách kinh tế tiến bộ dưới thời Tây
Sơn bị triều Nguyễn bãi bỏ hoàn toàn, đẩy nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng
suy thoái, khủng hoảng trầm trọng và sâu sắc.
Trong nông nghiệp: Những biến cố lớn cuối thế kỉ XVIII đã làm thay đổi
tình hình ruộng đất của nước ta. Theo nhận xét của các quan lại Bắc Thành:
“Ruộng đất thì đến cuối thời Lê, bọn cường hào kiêm tính mỗi ngày một quá”.
[16, tr.446]. Đến những năm đầu thời Tây Sơn, tình hình có khá lên đôi chút,
nhưng đâu lại vào đấy. Bọn địa chủ lợi dụng những biến cố chính trị để kiêm
tính đất đai, biến ruộng đất công làng xã thành ruộng đất tư của bọn chúng.
Với chủ trương “dĩ nông vi quý” (lấy nghề nông làm gốc), triều Nguyễn
hết sức coi trọng vấn đề ruộng đất và sản xuất nông nghiệp. Ngay từ khi mới lên
ngôi, năm 1803, Gia Long đã ra lệnh đo đạc lại tất cả ruộng đất, lập địa bạ cho
từng làng ở Bắc Hà. Năm 1805 công việc hoàn thành [15, tr.192]. Tiếp đó, vua

10
Minh Mạng ra lệnh cho các xã phải hoàn thành việc kê khai ruộng đất. Nhờ vậy,
năm 1840, tổng diện tích đất của cả nước là 4.063.892 (khoảng 2 triệu héc ta),
trong đó tổng diện tích thâm canh là 3.396.584 mẩu, gồm ruộng tư là 2.816.221
mẫu (chiếm 83%) và ruộng công là 580.363 mẫu (chiếm 17%) [10, tr.446]. Số
địa chủ lớn bị hạn chế, phần nhiều nông dân không có ruộng đất hoặc có rất ít và
họ đang trông chờ vào chính sách quân điền của nhà nước.
Năm 1804, Gia Long cho ban hành phép quân điền, tất cả mọi người đều

được chia ruộng công ở làng xã, quý tộc vương tôn được cấp 18 phần, quan lại
nhất phẩm được 15 phần, tuần tự hạ mức cho đến dân nghèo được 4 phần. Cũng
theo lệ này thì các quan chức có phẩm hàm được nhận trước ruộng đất công, sau
là binh lính và cuối cùng là xã đinh và 3 năm tiến hành quân cấp một lần. Nông
dân bị trói buộc vào ruộng đất để nộp tô thuế và đi phu dịch cho nhà nước. Tuy
nhiên, chính sách quân điền không có tác dụng đáng kể, phần lớn ruộng đất vẫn
nằm trong tay địa chủ, dân nghèo không có ruộng đất. Chẳng hạn như tình hình
ở Bình Định: Theo báo cáo của Tổng đốc Bình - Phú là Vũ Xuân Cẩn năm 1838,
ở đây ruộng đất công chỉ có trên 5000 mẫu, ruộng tư đến 17.0000 mẫu, mà
ruộng tư thì bị hào phú chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì [16, tr.447]. Do
vậy, chế độ quân điền không có tác dụng phát triển nông nghiệp và ổn định đời
sống nhân dân.
Đứng trước thất bại của việc giải quyết vấn đề ruộng đất, triều Nguyễn đã
chuyển sang phương thức quen thuộc là khuyến khích nông dân đi khai hoang
và lập đồn điền, nhất là ở vùng đất mới Bắc Kì… Diện tích canh tác được mở
rộng và tại những vùng đất mới khai phá triều Nguyễn cho thành lập làng ấp cả
dân khai hoang. Do đó, hàng trăm làng xã mới ra đời trên cả nước.
Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được cử làm Doanh điền xứ. Ông chiêu mộ
dân lưu vong khi phá miền ven biển, lập nên hai huyện mới: Tiền Hải (Thái Bình)
với 18.970 mẫu và 2350 đi; Kim Sơn (Ninh Bình) với 114.620 mẫu và 1260 đinh
[16, tr.448]. Cùng với nó là sự xuất hiện hai hình thức tư điền thế nghiệp và tư điền
quân cấp. Hàng trăm đồn điền được lập rải rác ở các tỉnh Nam Kì.

11
Việc khai hoang đã tăng thêm diện tích canh tác. Năm 1847 diện tích lên
4.273.013 mẫu [16, tr.448]. Nhưng ruộng đất bỏ hoang vốn nhiều, vì nông dân
bị địa chủ, cường hào cướp mất ruộng đất. Mâu thuẫn cơ bản trong xã hội phong
kiến Việt Nam vẫn không được giải quyết.
Cùng với công tác khai hoang, trị thủy và thủy lợi cũng là việc làm
thường xuyên của triều Nguyễn. Vào năm 1803, lần đầu tiên vua Gia Long

chứng kiến một nạn lụt lội lớn do vỡ đê ở Bắc Thành gây ra. Hiểu ra mối quan
hệ giữa công tác thủy lợi trị thủy và nông nghiệp, nên vua Gia Long lập tức ban
chỉ dụ hỏi các quan hệ về biện pháp trị thủy là nên đắp đê hay bỏ đê. Năm 1809,
Gia Long cho đặt chức tổng lý Tham lý đê chính lo việc đê điều ở Bắc Thành.
Năm 1828, Minh Mạng cho thành lập Nha Đê chính gồm nhiều quan chức và
thơ lại, phụ trách công tác thủy lợi. Năm 1833, Ming Mạng bỏ Nha Đê chính
Bắc Kì và trách nhiệm đê điều thuộc về quan lại và dân sở tại [16, tr.449]. Việc
bãi bỏ trách nhiệm đê điều của nhà nước đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, phá
hoại nền kinh tế nông nghiệp. Ở miền Bắc, việc sửa đắp đê không được chú
trọng. Lụt lội, hạn hán thường xuyên xảy ra. Thời Tự Đức, tài chính thiếu hụt,
nạn tham nhũng phổ biến, việc sửa đắp đê còn khó khăn hơn. Có nơi như phủ
Khoái Châu (Hưng Yên), đê vỡ 18 năm liền. Trong 50 năm đầu thế kỉ XIX, cả
nước phải chịu 38 lần mưa lụt, bão lũ lớn, trong đó có 16 lần đê vỡ. Trong dân
gian còn lưu truyền nhau câu ca dao nói về nỗi thống khổ của người dân vùng
đồng bằng Bắc Bộ: “Nhoai nhoái như phủ Khoái xin cơm!”. Chính sách của
nghà Nguyễn trong nông nghiệp đã đẩy nông dân vào cảnh bần cùng hóa, nên
kinh tế tiểu nông đang có nhu cầu phát triển giờ bị xóa sổ hoàn toàn, người nông
dân không có khả năng phục hồi sản xuất. Cả một vùng đồng bằng phì nhiêu
biến thành bãi sậy.
Đứng trước hàng loạt khó khăn đó, người nông dân Việt Nam đã phải cố
gắng hết sức mình để khẩn hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất, chăm bón cây
trồng. Vấn đề nhân giống đã được người dân thời Nguyễn đặc biệt quan tâm:
Họ đã biết tới 65 giống lúa tẻ, 27 giống lúa nếp và nhiều loại giống ngắn ngày
[16, tr.451]. Đặc biệt, người nông dân đã biết tận dụng khả năng của đất đai và

12
thời tiết trồng thêm nhiều lọai cây hoa màu khác như ngô, khoai , sắn, đỗ… Nền
kinh tế vườn khá phát đạt, nhất là ở vùng Nam Kì. Bên cạnh đó, hàng loạt cây thủ
công nghiệp ngắn ngày ở nhiều nơi trên cả nước như dâu, bông , đay, thuốc lá…
Kinh tế nông nghiệp thời Nguyễn khá đa dạng, phong phú nhưng vẫn

không vượt ra khỏi phương thức sản xuất cổ truyền để góp phần ổn định xã hội.
Trong khi đó thiên tai, mất mùa, dịch hại xảy ra liên miên đã ảnh hưởng nghiêm
trọng đến đời sống của nhân dân [16, tr.450].
Một trong những hoạt động kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong thời kì này
là khai khoáng. Cho đến trước năm 1858, tổng số mỏ được khai thác là 139.
Phần lớn số mỏ này (gần 50%) được giao cho các thương nhân (chủ yếu là Hoa
Kiều), các tù trưởng miền núi lĩnh trưng, hàng năm nộp thuế cho nhà nước. Đối
với một số mỏ quan trọng, nhà Nguyễn trực tiếp tổ chức khai thác. Phương thức
sản xuất mà không xuất phát từ chính sách đẩy mạnh và phát triển ngành khai
mỏ mà chỉ muốn kiếm lợi. Do vậy, trong quá trình khai thác, nếu thuận lợi thì
tiếp tục tiến hành, còn nếu khó khăn thì giao lại cho tư nhân. Dù có ưu thế về
vốn liếng và nhân công nhưng các mỏ do nhà nước khai thác kém hiệu quả và
thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn sau đó lại giao cho tư nhân lĩnh
trưng. Trong nhân dân, các nghề thủ công và làng nghề thủ công cổ tiếp tục
phát triển đất nước bình yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề thủ
công tăng cường hoạt động. Các nghề ươm tơ, dệt lụa, làm đồ sành sứ, rèn sắt,
đúc đồng, làm giấy, làm đường, sơn mái, in thanh, làm nỏ, khắc bản in,…Về thủ
công nghiệp, theo đà phát triển của các thế kỉ trước, thủ công nghiệp có điều
kiện phát triển thêm. Nhà Nguyễn thiết lập được nhiều quan xưởng đúc tiền, đúc
súng, đóng tàu ở kinh đô Huế, Hà Nội, Gia Định… Năm 1803, vua Gia Long
cho lập xưởng đúc tiền ở Thăng Long gọi là “Bắc thành tiền cục”. Từ 1812, nhà
Nguyễn cho đúc thêm tiền kẽm, giao cho thương nhân Trung Quốc quản lĩnh
theo quy thức nhà nước, cứ 130 quan tiền mới đúc đổi lấy 100 quan tiền đồng
trong kho [16, tr.450]. Thợ giỏi các địa phương được tập trung sản xuất trong
các xưởng nhà nước.

13
Thợ đóng tàu nước Việt Nam có tay nghề khá cao, biết ứng dụng kĩ thuật
châu Âu. Một người Mỹ đến Việt Nam năm 1820 là Gion Hoaite (J.While) viết:
“Người Việt Nam quả là những người đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành công

trình của họ với một kĩ thuật hết sức chính xác” [16, tr.451].
Việc tiếp xúc với khoa học phương Tây đã kích thích tính thần sáng tạo của
người thợ thủ công Việt Nam trong các công xưởng. Năm 1834, Nguyễn Viết Túy
đã chế tạo thành công “thủy hỏa ký tế” dùng sức nước để nghiền thuốc súng. Trong
khoảng thời gian 1837-1838, quan xưởng dưới triều Minh Mạng đã theo mẫu châu
Âu chế tạo máy cưa, máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước và làm được máy bơm nước.
Đặc biệt, năm 1839, dưới quyền đốc công Hoàng Văn Lịch và Vũ Huy Trinh, chiếc
tàu máy hơi nước đầu tiên đã được đóng thành công ở Việt Nam. Sau đó, quan
xưởng còn đóng tiếp được một chiếc tàu lớn hơn và hiện đại hơn. Như vậy là dưới
thời Nguyễn, người thợ thủ công Việt Nam bước đầu đi vào kỉ nguyên cơ khí.
Nhưng có lẽ do công việc này quá tốn kếm nên nhà Nguyễn không tiếp tục nữa.
Mặc dù thủ công ngiệp có phát triển lên nhưng phương thức sản xuất hầu
như không thay đổi. Các làng nghề thủ công vẫn gắn liền với nông nghiệp như
xưa nên không hình thành các phường hội có quy chế riêng như ở Tây Âu trung
đại. Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước cũng thiếu tính khuyến khích. Đồng
thời, nhà nước lại giữ độc quyền mua một số sản phẩm như sa, lượt, lụa, là trong
nhân dân và người thợ thủ công phải đóng thuế cho nhà nước bằng sản phẩm.
Về thương nghiệp: Bước sang đầu thế kỉ XIX, đất nước thống nhất, yên
bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế hang hóa. Ngoài ra,
thành thị nổi tiếng trước kia như: Hà Nội, Phú Xuân (Huế), Gia Định, những thị
tứ mới xuất hiện ở các tỉnh Nam và Trung Bộ. Theo Trịnh Hoài Đức: “Thành
phố Mĩ Tho nhà ngói, cột chạm, ghe thuyền tấp nập, phồn hoa huyên náo, thực
là một nơi đại đô hội”. Ở Sa Đéc “phố chợ thẳng bờ sông, nhà cất liền nhau kéo
dài 5 dặm. Dưới sông, nhà bè đậu thẳng tắp, bán đủ các thứ tơ lụa Nam, Bắc,
dầu mỡ, than củi, tre mây, mắm muối. Trên bờ sông buôn bán tấp nập, hàng hóa
chói mắt, thật là một nơi phồn hoa danh thắng vậy”… Nhưng trên thực tế,
thương nghiệp lại có chiều hướng suy thoái. Ngoại thương, hoạt động buôn bán

14
với bên ngoài không phát triển do triều đình thực hiện chính sách “Bế quan toả

cảng” đóng cửa không giao lưu với bên ngoài [14, tr.109]. Mặc dù nước ta có vị
trí thuận lợi, bờ biển dài, có nhiều cửa biển thuận tiện cho hoạt động thông
thương với bên ngoài, nhưng nhà nước chỉ cho phép mở một vài cửa biển để
thông thương với nước ngoài nhập những mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt của
hoàng tộc nhà Nguyễn, còn các hoạt động buôn bán khác đều bị kiểm soát chặt
chẽ, tàu buôn nước ngoài không thể vào buôn bán được. Chính sách bế quan toả
cảng của triều đình phong kiến Nguyễn đã kìm hãm sự giao lưu buôn bán với
nước ngoài, số lượng tàu bè ra vào cửa biển vắng vẻ, nguồn thu thuế quan giảm
sút, trước có tổng số 60 sở đến năm 1851 chỉ còn 21 sở… [14, tr.110].
Sự phát triển chậm chạp của công thương nghiệp ở nửa đầu thế kỉ XIX không
tạo ra được những điều kiện cần thiết cho sự biến chuyển xã hội Việt Nam.
Cùng với sự suy thoái của kinh tế thương nghiệp, các đô thị ngày càng kém
sự phồn vinh. Từ năm 1802, Thăng Long mất vị trí thủ đô, trở thành thủ phủ của
Bắc Thành và đến năm 1831 bị đổi thành tỉnh Hà Nội. Các đô thị khác như Phố
Hiến, Thanh Hà, Hội An sa sút không phục hồi lại được. Cho đến giữa thế kỉ XIX,
kinh tế đất nước trở nên hết sức trì trệ. Trong khi đó, thiên tai, mất mùa liên tiếp
xảy ra. Nạn đói thường xuyên đe dọa đời sống của người dân. Theo lời tâu của
Nguyễn Công Trứ vào năm 1833, dân đói đến tỉnh Hải Dương kiếm ăn có tới
27.000 người. Trận bão đổ bộ vào tỉnh Nghệ An năm 1842 đã làm 40.753 ngôi nhà
bị đổ, 5.240 người bị chết. Cùng với đói kém, dịch bệnh là lụt lội. Trận dịch tả xảy
ra năm 1840, riêng ở Bắc Kì, số người chết đã lên tới 67.000. Trong lúc kinh tế bế
tắc, đời sống nhân dân khốn cùng, nhà Nguyễn không những không đưa ra được
biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết tình hình mà trái lại, bộ máy chính quyền
ngày càng quan liêu tha hóa. Vua thì không muốn biết sự thật về đời sống của dân,
ra sức vơ vét thuế khoá tiêu phí tiền của vào việc xây dựng cung điện, đền đài, lăng
tẩm. Đội ngũ quan lại thì bất tài, tham nhũng. Năm 1827, Shenho đã nhân xét:
“Dân chúng vô cùng đói khổ, vua quan bóc lột thậm tệ. Công lí là một món hàng
mua bán. Kẻ giàu có thể công khai sát hại người nghèo vì tin chắc rằng với tiền, lẽ

15

phải sẽ về tay chúng”. Ngay từ khi mới lên cầm quyền, nhà Nguyễn đã gặp phải sự
chống đối hết sức quyết liệt từ nhiều lực lượng xã hội khác nhau.
1.3. Tình hình văn hoá
Về tư tưởng và tôn giáo: “Cùng với việc khôi phục chế độ trương tâp quyền,
nhà Nguyễn ra sức đề cao Nho giáo. Tuy nhiên hệ tư tưởng Nho giáo lúc này là hệ
tư tưởng phong kiến cuối mùa” nên đã trở thành bảo thủ và mất hết sinh khí. Để
trấn hưng Nho giáo, vua Gia Long cho xây dựng Văn Miếu ở Huế và Văn Thánh,
Văn từ, Văn chỉ ở các địa phương, trùng tu lại Văn Miếu ở Hà Nội và dựng Khuê
Văn các tại đây. Đặc biệt, các vua Nguyễn đã chỉnh đốn lại giáo dục và đích thân
Minh Mạng dựa vào “cương thường” của Nho giáo, căn cứ vào tình hình thực tế
của xã hội, đề ra “Mười điều huấn dụ” bắt quan lại địa phương phải đem ra giảng
đọc cho dân hiểu và thi hành. Nội dung của mười điều huấn dụ này không chỉ có
“Tam Cương”, “ngũ thường” của Nho giáo mà còn có cả những điều răn dạy dân
chúng phải sống tiết kiệm, giữ gìn phong tục, xa lánh gian tà, dâm dục… Đó là
những điều cần thiết cho một xã hội tốt đẹp và ổn định.
Bên cạnh việc đề cao Nho giáo, các vua Nguyễn cũng tôn trọng Phật giáo,
Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác. Cùng với việc bảo vệ và củng cố hệ
tư tưởng tôn giáo truyền thống, các vua Nguyễn từ Minh Mạng đến Thiệu Trị,
Tự Đức đều ra lệnh cấm truyền bá và theo đạo Thiên Chúa. Để bảo vệ độc lập đi
đến cấm đạo và giết đạo là một cách ứng xử vụng về của triều Nguyễn, đã làm
tổn thương đến khí đại đoàn kết dân tộc và tạo cớ cho thực dân Pháp nổ súng
xâm lược nước ta và còn lôi kéo thêm cả bọn Tây Ban Nha tham gia thành một
liên quân để có vẻ “chính đáng”.
Về giáo dục và khoa cử: Cùng với việc đề cao Nho giáo, nhà Nguyễn
củng cố lại chế độ giáo dục và khoa cử. Vua Gia Long nói: “Nhà học hiện nay là
chỗ chứa người anh tài. Ta muốn theo phép xưa, lập trường học, dạy học trò để
sau dùng giúp việc nhà nước” [6, tr.943] nên ngay sau khi lên ngôi ông đã định
lại tổ chức giáo dục thi cử nhưng không thành công. Năm 1807, quy chế thi
hương mới được ban hành, khoa thi hương đầu tiên được tổ chức chủ yếu ở Bắc
Thành (số đỗ rất ít), từ sau đố số trường thi hương trong cả nước rút xuống, kì


16
hạn thi không cố định. Tài liệu học tập, nội dung thi không có gì thay đổi.
Trường Quốc Tử Giám đặt ở Huế, lấy con em quan chức, các thổ quan, người
học giỏi ở địa phương vào học. Giáo dục thời Nguyễn sa sút về nhiều mặt so với
các triều đại trước. Một điểm chú ý là, năm 1836, vua Minh Mạng cho thành lập
“Tứ dịch quán” để dạy tiếng nước ngoài (Pháp, Xiêm…).
Cũng như ở các thế kỉ trước, văn học chữ Hán không còn chiếm ưu thế nữa
nữa mặc dầu vẫn còn nổi lên các nhà thơ, nhà văn lỗi lạc như Lê Qúy Đôn, Ngô Thời
Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Bùi Huy Bích, Đoàn Nguyễn Thục, Nguyễn
Thiếp, Trịnh Sâm, Ngô Thế Lân v.v… của thế kỉ XVIII và Cao Bá Quát, Nguyễn
Văn Siêu, Tự Đức, Minh Mạng, Tùng Thiên Vương và Tuy Lý Vương v.v của thế
kỉ XIX. Trong thời kì này xuất hiện một số tập thơ mới như: Toàn Việt Thi tập,
Hoàng Việt văn hải của Lê Quý Đôn… cùng một số tác phẩm thuộc thế kỉ sư như
Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác, Hoàng Lê Nhất thống trí của tác giả họ
Ngô, Văn học dân gian tiếp tục phát triển với nhiều thể loại khác nhau và trở thành
vũ khí chống áp bức bóc lột phong kiến của nhân dân. Các thể thơ Nôm như lục bát,
song thất lục bát trở nên phổ biến và ngày càng điêu luyện. Thơ ca dân gian đã ảnh
hưởng sâu sắc đến các thi sĩ Nho gia. Tác phẩm tiêu biểu như: Chinh phụ ngâm của
Đoàn Thị Điểm và đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du…
Về khoa học và kĩ thuật: Về sử học, ngay sau khi lên ngôi, năm 1811, vua
Gia Long ra lệnh cho các quan thu tìm trong dân gian những sách dã sử nói về
nhà Lê và nhà Tây Sơn để sửa lại quốc sử. Sang đầu thế kỉ XIX, sử học phát
triển mạnh mẽ. Thành tựu chủ yếu của thời kì này là sự ra đời của bộ sử và sách
biên khảo đồ sộ. Năm 1820, vua Minh Mạng cho lập Quốc sử quán làm nhiệm vụ
thu thập và biên soạn sách sử. Sau nhiều năm biên soạn công phu, cơ quan này đã
hoàn thành nhiều bộ sử lớn như: Khâm định sử Việt thông giám cương mục, Đại
Nam thực lục. Bên cạnh các công trình của triều đình còn xuất hiện những bộ sách
có giá trị của cá nhân như: Lịch triều tạp kỉ của Ngô Cao Lãng, Sử học bị khảo của
Đặng Xuân Bảo, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực và nhất là bộ bách khoa Lịch

triều hiến chương loại trí của Phan Huy Chú [15, tr.197].

17
Về khoa học, y dược và địa lí cũng đạt được những thành tựu đáng kể với
tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hưu Trác (66 quyển) trong đó ghi
lại 305 vi thuốc nam và 2854 phương thuốc cổ truyền …; Phương Định dư địa
chí của Nguyễn Văn Siêu, Gia Định thành công chí của Trịnh Hoài Đức, Hoàng
Việt dư địa chí của Phan Huy Chú.
Trên lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc nổi lên là 18 pho tượng La hán ở chùa
Tây Phương mang phong cách dân tộc, hiện thực sinh động. Những công trình
kiến trúc trong nửa đầu thế kỉ XIX chủ yếu là kiến trúc thành quách và lăng tẩm.
Đáng kể nhất là kiến trúc kinh đô Huế, được xây dựng theo kiểu kiến trúc
Vôbăng (Vauban) của Pháp, cột cờ thành Hà Nội và lăng các vua Gia Long,
Minh Mạng, Thiệu Trị. Điêu khắc dân gian không còn nữa.
Về hội họa: Nổi lên một số bức tranh vẽ sơn mài trên gỗ ở các đền, chùa
một số tranh bốn mùa, tranh vẽ chân dung ở các gia đình danh tiếng.
Nghệ thuật sân khấu (tuồng, chèo), xiếc phát triển rộng rãi. Nhà Nguyễn
cho xây dựng nhà hát có chỗ diễn, chỗ ngồi cho khán giả…ở kinh đô. Trong
nhân dân, sân đình trở thành sân khấu chèo và những ngày hội. Nghệ thuật ca
múa nhạc cũng phát triển.
Tóm lại, tình hình nước ta vào nửa đầu thế kỉ XIX lâm vào tình trạng
khủng hoảng sâu sắc. Nhà Nguyễn đứng đầu là Gia Long sau đó là Minh Mạng
và Thiệu Trị không đưa ra được những chính sách tích cực để phát triển kinh tế,
ổn định đời sống nhân dân, xã hội. Trái lại, thi hành nhiều chính sách kìm hãm
sự phát triển của đất nước. Kinh tế suy sụp, nền tài chính quốc gia kiệt quệ, đời
sống nhân dân cùng cực, mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến với nông dân trở
nên gay gắt, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra trên phạm vi cả nước trước
khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta.



18
Chƣơng 2
PHONG TRÀO NÔNG DÂN TIÊU BIỂU Ở BẮC KÌ

Mặc dù các vua triều Nguyễn có nhiều cố gắng, nhưng các mặt nông,
công, thương đều đình trệ, làm cho các tầng lớp nhân dân mà chủ yếu là nhân
dân lao động nghèo lâm vào cảnh sống cơ cực.
Chẳng những nhà Nguyễn không cải thiện được tình hình mà trái lại, ngày
càng thêm rối ren. Nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ, nạn
nhũng nhiễu của giới quan lại, chế độ thu tô và lao dịch khắc nghiệt, thêm vào
đó là nạn thiên tai và ôn dịch luôn xảy ra… tất cả đã làm cho mâu thuẫn xã hội
ngày càng gay gắt, càng làm bùng lên làn sóng đấu tranh quyết liệt của các tầng
lớp nhân dân nghèo đói ở khắp mọi miền đất nước chống lại chế độ cai trị của
nhà Nguyễn.
Những cuộc nổi dậy của nông dân chống triều Nguyễn đã bùng lên từ rất
sớm. Ngay khi vua Gia Long vừa nối ngôi được mấy năm thì đã có nhiều cuộc
khởi nghĩa nông dân bùng nổ và lan rộng, mà trước hết là ở vùng đồng bằng Bắc
Bộ. Căn cứ vào sử biên niên của nhà Nguyễn, thì chỉ tính trong nửa đầu thế kỉ
XIX đã có gần 400 cuộc nổi dậy, trong đó riêng thời Minh Mạng có tới 254
cuộc, tiêu biểu nhất là các cuộc nổi dậy của: Phan Bá Vành (1821 - 1827), Cao
Bá Quát (1854 - 1855) và Lê Duy Lương (1832 - 1838) [19, tr.166 - 173].
2.1. Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lƣơng của Cao Bá Quát (1854-1855)
Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường hiệu là Mẫn Hiên, sinh
năm 1808, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Làng Phú Thị cách trung
tâm kinh đô Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội ngày nay khoảng 17km về phía đông,
ngày trước là nơi làm ăn buôn bán thịnh vượng. Đầu thế kỉ XIX, Làng Phú Thị
thuộc tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thuân An, xứ Kinh Bắc. Làng Phú Thị
có tên nôm là làng Sủi. Làng Sủi - Phú Thị là vùng đất cổ, ở vào điểm giao lưu của
ba vùng đất nổi tiếng văn hiến, nổi danh khoa bảng của xứ Bắc Hà. Đó là Thăng
Long - Hà Nội, vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh và Xứ Đông - Hải Dương.


19
Cao Bá Quát sinh trong trong một gia đình quý tộc có truyền thống Nho
học và danh tiếng. Nguyễn Tường Phượng trong bài Một nhân vật tỉnh Bắc Ninh
- ông Cao Bá Quát ,viết: “Sinh trưởng trong một nhà thi thư, đời đời khoa giáp,ở
làng Phúi Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, ông Cao Bá Quát có khiếu thông
minh từ nhỏ…”. Tổ tiên xa xưa của dòng họ Cao Bá Quát, vốn từ làng Bút Sơn,
huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa chuyển ra Bắc định cư vào nửa cuối thế kỉ XIX.
Họ Cao đến Cao Bá Quát cư trú tại Phú Thị đã được 10 đời.
Cho dù sự nghiệp thơ văn và tư tưởng của Cao Bá Quát để lại cho hậu thế
là rất lớn lao, nhưng khi viết về hành trạng họ Cao không thể bỏ qua cuộc khởi
nghĩa chống triều Nguyễn do ông lãnh đạo. Có thể nói, thơ văn, tư tưởng là bộc
lộ phần lý thuyết, còn khởi nghĩa chông áp bức, chống bất công xã hội thể hiện
là một phần thực tế của “Thánh Quát”.
Cuối năm 1854, cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát bùng lên ở Hà Nội. Năm
đó hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Kì, Lạng Sơn đều bị bão lũ, giá gạo tăng vọt,
đói kém. Đặc biệt, mấy năm liền, vùng Bắc Hà bị mất mùa vì nạn cào cào, châu
chấu hoành hành, dân tình đói kém. Chính sử triều Nguyễn là bộ Đại Nam thực
lục chính biên cho biết vào các tháng 7, 8 năm Giáp dần (1854), nhiều tỉnh Bắc
Kì hạn hán nặng, cào cào châu chấu rợp trời, phá hoại khốc liệt mùa màng, nạn
đói tràn lan dù Tự Đức đã tổ chức phát chẩn nhưng tình hình dân chúng lưu tán
khá nghiêm trọng… Thậm chí, vào tháng 8, nạn cào cào châu chấu vẫn tiếp tục
hoành hành, nhất là ở tỉnh Cao Bằng, triều đình đã ra chỉ dụ: “Thưởng cho
những người có công bắt được loài côn trùng này. Hễ ai bắt được một hộc sâu
lúa, sẽ thưởng cho 8 tiền” [24, tr.174 - 175]. Tuy nhiên nạn châu chấu phát triển
nhanh, phá hoại mùa màng dữ dội. Nhiều vùng không ngày nào là không có
từng đám châu chấu bay ở trên trời như đám mây đen rồi xà xuống từng đàn vào
những thửa ruộng tươi tốt. Chỉ vài phút trở nên tiêu điều, xơ xác. Các viên quan
lại địa phương tìm hết mọi cách để diệt trừ châu chấu nhưng không có kết quả.
Mùa màng thiệt hại đến chín phần mười, nạn đói bắt đầu đe dọa đến đời sống

người dân các tỉnh Bắc Kì. Ở kinh thành, hoàng tử Hồng Bảo mưu loạn, hàng
loạt người bị bắt giam, xử tử. Vào thời kì xã hội phong kiến, bất công xảy ra là

20
chuyện thường ngày, kẻ trên đối với người dưới theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”,
“người sang trói buộc người hèn” thì việc nổi lên phản kháng, chống lại cường
quyền là tư tưởng luôn tiềm ẩn trong dân chúng [15, tr.169].
Cao Bá Quát là bậc kì tài nổi tiếng, thông minh hiếm có, nên khi khoảng
13 tuổi ông đã cắp lều chõng đi thi hương. Ông là một nhà nho giỏi nhưng do
bản tính phóng khoáng, văn chương không chịu uốn theo chiều khuôn phép của
triều đình nên mãi tới khoa Tân Mão (1831) mới đỗ cử nhân, lúc này ông mới có
23 tuổi. Năm 1847, ông được bổ Vào Hàn Lâm Viện nhưng vì tính cương trực
nên Cao Bá Quát bị đuổi ra Bắc làm Giáo Thụ phủ Quốc Oai vào khoảng cuối
năm 1850 đến cuối năm 1853 ở các vùng Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái
Nguyên, Lạng Sơn. Đây là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc nổi dậy của nông
dân chống triều đình Huế, có tổ chức khá qui mô.
Căm ghét chính sách cai trị của nhà Nguyễn, nhìn thấy bao cảnh bất công
trong xã hội và đời sống đói khổ của người dân, bản thân ông rất đau buồn,
muốn đem tài năng ra thi thố giúp đời mà không thực hiện được. Ông đã quyết
định từ bỏ chức vị, lấy cớ về nhà nuôi mẹ già. Ông đã liên lạc với một số sĩ phu
Bắc Kì. Ở phủ Quốc Oai lúc bấy giờ thương xuyên xảu ra những cuộc nổi dậy
của nông dân chống đối triều đình Huế, có tổ chức qui mô khá lờn và thường
mượn danh nghĩa “phù Lê” để dễ dàng hiệu triệu dân chúng, thu phục nhân tâm
kẻ sĩ Bắc Hà. Chính trong thời gian này, Cao Bá Quát đã bí mật liên lạc và gia
nhập vào tổ chức nông dân khởi nghĩa của Lê Duy Cự, suy tôn Lê Duy Cự - một
người chắt rất xa của vua Lê lên làm minh chủ, Cao Bá Quát tự xưng là Quốc
Sư, dương cao lá cờ “Phù Lê” hợp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ, Bạch
Côn Trần tập hợp nông dân và các dân tộc vùng trung du, định nổi dậy ở Hà
Nội, Bắc Ninh: “Tháng 8 năm Giáp Dần(1854), Cao Bá Quát ở Bắc Ninh họp
ngầm bộ lũ, mưu khởi nghịch (hẹn ngày tới thành Hà Nội khởi loạn), bị người tố

giác. Tỉnh thần là Nguyễn Công Hoan bắt được bọn tòng phạm, trả được sự thực
tâu lên. Vua chuẩn cho Quốc Hoan, cùng các Lãnh đốc Hà - Ninh là Lâm Duy
Thiếp hết sức tìm cách thám bắt, cần được cả bọn đem ra xét xử, còn các người
tố cáo để bắt ấy, đều thưởng cho lạng bạc có thứ bậc” [13; 336]. Như vậy, cuộc

21
khởi nghĩa do đích thân Cao Bá Quát lãnh đạo, trong quá trình tiến hành những
công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa, do hộ đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái
Nguyên) Nguyễn Công Hoan bắt được đồng đảng của Cao Bá Quát mọi chuyện
bị bại lộ cho nên vào tháng 11 năm ấy cho dù khởi nghĩa chưa chuẩn bị xong đã
phải khởi sự: “Tháng 11 năm Giáp Dần (1854). Bọn giặc (chỉ nghĩa quân do Cao
Bá Quát chỉ huy) đốt cháy liên tiếp phủ lỵ Ứng Hòa và huyện lỵ Thanh Oai”
[24, tr.347].
Để tăng thêm uy thế và tính chính nghĩa cho cuộc khởi nghĩa, Cao Bá
Quát đã cho dựng một lá cờ khởi nghĩa lớn may bằng vóc vàng trên đó có thêu
hai hàng chữ:
Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu, Thuấn;
Mục Dã, Minh Điều hữu Vũ, Thang.
Tạm dịch:
Ở Bình Dương và Đồ Bản không có những ông vua tốt như vua Nghiêu,
vua Thuấn;
Thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có những người như Võ Vương, Thành
Thang nổi dậy.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khu Rừng Ngang, huyện Mỹ Lương, tỉnh Sơn Tây.
Dưới lá cờ đại nghĩa của Cao Bá Quát, có hàng nghìn người dân với đủ loại vũ
khí, từ các nơi tập hợp lại và nhiều địa phương bấy giờ hoặc công khai hoặc bí
mật hưởng ứng như: Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên v.v… Sở dĩ,
cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát phát động được khắp nơi nhanh chóng hưởng
ứng, do lúc đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái
Nguyên và Lạng Sơn đều có biến động, bọn giặc thổ phỉ nhà Thanh đang quấy

nhiễu, hoành hành, khoét sâu vào những chỗ ung độc của triều Nguyễn đã thối
nát càng thêm thối nát. Thêm nữa, trong hoàng tộc triều Nguyễn lại xảy ra biến
cố cực kì nghiêm trọng: Đó là việc Hoàng Bảo, anh của vua Tự Đức định cướp
ngôi vua nhưng thất bại, Hồng Bảo phải tự tử trong ngục (1854) do: Trước đây
vua Thiệu Trị (1841-1847), trước khi mất đã lập con thứ là Phúc Tuy Công
Hồng Nhậm lên làm vua, tức là vua Tự Đức (1848-1883). Vua Thiệu Trị phế bỏ

22
con trưởng là An Phong công Hồng Bảo do không có đủ tài và đủ đức. Tức giận,
Hồng Bảo họp một số người bất đắc chí và nhiều tham vọng âm mưu làm cuộc
đảo chính tại kinh thành. Hồng Bảo cử người vận động người phương Tây giúp
đỡ cả nhân lực và vũ khí. Khoảng đến tháng 3-1853, có một chiếc tàu Tây không
rõ quốc tịch đến đậu ở ngoài cửa biển Thuận An, trên có khá đông người Trung
Quốc, Xiêm La và Nam Kì. Trên tàu có trở thêm vũ khí, đạn dược và một số
người châu Âu. Tuy nhiên, đoàn người này đợi lâu không có động tĩnh gì liền nổ
neo chạy ra ngoài khơi. Sau đó, Hồng Bảo bị bắt và bị truy tố về tội âm mưu
phản nghịch nhưng vua Tự Đức nể tình thân đã kết án chung thân đối với Hồng
Bảo nhưng Hồng Bảo đã cắt cổ trong nhà giam. Việc cốt nhục tương tàn đủ làm
rung động trong triều và ngoài ra, tạo ra một kẽ hở cho bọn ngoại xâm dễ bề
nhòm ngó.
Dân chúng đứng trước một cuộc sống luôn bị đe dọa bởi mất mùa và đói
kém, giặc dã uy hiếp … đời sống có nay, không biết mai ra sao cho nên hễ một
tia hi vọng nào rọi đến họ liền hưởng ứng một cách nhiệt tình. Sự nhiệt tình ấy
đã được Cao Bá Quát và những người lãnh đạo khởi nghĩa nắm bắt, tập hợp họ
dưới lá cờ “Thang - Vũ cách mạng”.
Đứng trước sự lớn mạnh của phong trào, triều đình đã điều binh khiển
tướng đi đánh dẹp, thậm chí còn treo giải trưởng để bắt Cao Bá Quát (bắt sống
sẽ thưởng 500 lạng bạc, giết chết thưởng 300 lạng và định ra mức thưởng cho
quan chức nữa). Vì quân triều đìn đuổi đánh gấp rút nên thế lực của cuộc khởi
nghĩa dần dần suy nhược, tan rã, khó lòng thu thập được. Cao Bá Quát để ý,

trông mong lực lượng hỗ trợ từ các thủ lĩnh khác ngưng không thành công.
Đầu năm 1855, nghĩa quân do thủ lĩnh Nguyễn Văn Tuấn chỉ huy dàn trận
ở Quốc Oai đánh nhau với quân triều đình, một cánh quân khác tiến về phía
Nam Định, cánh quân thứ ba do Cao Bá Quát chỉ huy vượt qua Chương Mỹ (Hà
Tây) tiến đến vây phủ thành Quốc Oai lần thứ hai. Do quân triều đình đông và
mạnh hơn, nghĩa quân bị đánh bại ở cả ba nơi. Cao Bá Quát rút quân về Mỹ
Lương (Hòa Bình) phối hợp với dân Mường tấn công huyện lị Yên Sơn. Trong
cuộc chiến đấu ác liệt, Cao Bá Quát trúng đạn chết. Nghĩa quân rút lui, sau đó

×