Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Đề tài so sánh trong nghị luận văn học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.3 KB, 6 trang )

LẬP LUẬN SO SÁNH TRONG NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
Ngô Vưu
Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế
Muốn nhận biết được đặc điểm và giá trị một sự vật, hiện tượng người ta
thường phải so sánh. Trong việc phân tích và cảm thụ văn học, so sánh là một
thao tác quan trọng. Lập luận so sánh là đối chiếu hai hay nhiều tác giả, văn bản,
hình tượng, chi tiết nghệ thuật… để thấy được sự giống và khác nhau; từ đó mà
thấy rõ đặc điểm và giá trị của đối tượng được phân tích, đánh giá. So sánh để
chỉ ra những nét giống nhau gọi là so sánh tương đồng, so sánh để chỉ ra sự khác
biệt gọi là so sánh tương phản.
Trong văn nghị luận, để có được một cảm nhận, phân tích sâu sắc bằng so
sánh, người viết phải có nền hiểu biết rộng về văn học, nhưng quan trọng hơn
vẫn là khả năng liên tưởng và phát hiện tinh tế. Liên tưởng là một hoạt động tâm
lí của con người, là từ sự việc nầy mà nghĩ đến sự việc kia, từ người nầy mà liên
hệ đến người nọ, đôi lúc chỉ là một hoạt động có tính trực giác. Trong phân tích,
cảm nhận văn học, liên tưởng có mục đích rất rõ ràng, đó là tạo mối liên hệ giữa
các nhà văn, tác phẩm, hình tượng, chi tiết với nhau nhằm nhận ra một ý nghĩa
nào đó. Có nhiều cách liên tưởng: liên tưởng tương cận, liên tưởng tương đồng,
liên tưởng trái ngược.
Trong hoạt động chuyên môn đọc văn, làm văn ở chương thình phổ thông
trung học, giáo viên và học sinh thường sử dụng thao tác lập luận so sánh trong
hai tường hợp. Một là, liên tưởng, so sánh để làm nổi bật ý kiến đánh giá trong
quá trình phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học; hoặc là để hệ thống hóa kiến
thức khi bàn về một vấn đề văn học. Hai là, thực hiện theo yêu cầu, định hướng
bắt buộc của đề bài tập làm văn.
1/ Lập luận so sánh để làm nổi bật, sâu sắc vấn đề bàn luận
a/ Trong phạm vi tìm hiểu về một tác giả
- Có thể so sánh tác giả nầy và tác giả khác cùng thời để làm nổi bật
phong cách nhà văn. Ví dụ: Hồ Xuân Hương với Bà Huyện Thanh Quan,
Nguyễn Du với Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến với Tú Xương, Xuân Diệu
với Chế Lan Viên, Nam Cao với Vũ Trọng Phụng.


- So sánh giữa các giai đoạn sáng tác để thấy được sự vận động, thay đổi
về đề tài, chủ đề tư tưởng trong sự nghiệp sáng tác của một nhà văn. Ví dụ:
Đánh giá về hai giai đoạn sáng tác của các tác giả Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên,
Xuân Diệu, Tô Hoài trước và sau Cách mạng tháng Tám.
b/ Trong phạm vi tìm hiểu về một tác phẩm
- So sánh các tác phẩm có điểm chung về đề tài nhưng khác biệt về thời
gian và không gian sáng tác để thấy được sự gặp gỡ kì lạ về tình cảm, tư tưởng
của con người trong văn chương. Ví dụ:
+ Nhân vật Tấm Cám và Lọ Lem trong truyện cổ tích Việt Nam và
truyện cổ tích phương Tây.
+ Hình tượng người nông dân trong hai tác phẩm AQ chính truyện của
Lỗ Tấn và truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
+ Hình tượng người lính kháng chiến trong bài thơ Đồng chí của Chính
Hữu và người nghĩa binh trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình
Chiểu.
- So sánh sự tương đồng và khác biệt của các tác phẩm được sáng tác
cùng thời, cùng đề tài để thấy được sự đa dạng, sáng tạo của các phương thức
thể hiện và chiều sâu của nhận thức, tình cảm con người. Ví dụ:
+ Hiện thực và lãng mạn trong hai bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và Việt
Bắc của Trần Dần.
+ Hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và
đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
+ Hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt và bài thơ Đò
Lèn của Nguyễn Duy.
+ Tình phụ tử trong hai bài thơ Nói với con của Y Phương và Với con
của Thạch Qùy.
c/ Trong phạm vi một hình ảnh, tứ thơ, đoạn thơ
- So sánh để thấy được sự khác biệt, đối lập về tư tưởng tình cảm của tác
giả ngay trong một tác phẩm. Ví dụ: Mâu thuẫn tư tưởng nhà văn trong cùng
một tác phẩm được bộc lộ qua tâm sự của tác giả, lời nói nhân vật.

+ Truyện Kiều của Nguyễn Du mang tư tưởng thiên mệnh: Cho hay
muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân; nhưng cũng có lúc nhà thơ
tỏ ra hoài nghi qua chiêm nghiệm của nhân vật: Xưa nay nhân định thắng thiên
cũng nhiều. Thái độ của Nguyễn Du với triều đình phong kiến chủ đạo là trung
thành: Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung; nhưng cũng
có lúc tác giả dám ca ngợi nhân vật anh hùng Từ Hải để bước qua giới hạn trung
quân: Chọc trời, khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
+ Vội vàng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diêu thể hiện tâm trạng, thái độ
mâu thuẫn của tác giả giữa cuộc đời sôi động: vừa thiết tha yêu đời, yêu cuộc
sống; vừa bi quan, chán nản, hoài nghi và cô đơn. Mở đầu bài thơ là mơ ước kì
lạ, khát vọng siêu phàm muốn điều chỉnh tự nhiên, thay đổi tạo hóa để giữ gìn
và tận hưởng hương sắc của cuộc đời:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi…
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Nhưng ngay sau đó là cảm nhận đầy bi quan, chán nản; mỗi khoảnh khắc
trôi qua là một sự mất mát, là một phần vô cùng quý giá của tuổi trẻ mình mất đi
vĩnh viễn.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
- So sánh để thấy được sự khác biệt trong tình cảm, nhận thức của nhà
văn về cùng một đối tượng phản ánh. Ví dụ:
+ Cảm nhận về vai trò của nhân dân trong đời sống cá nhân và lịch sử
qua hai đoạn thơ của Chế Lan Viên và Nguyễn Khoa Điềm:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Như cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
(Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu)
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước nầy là Đất Nước Nhân Dân
(Nguyễn Khoa Điềm – Mặt đường khát vọng)
Cả hai đoan đoạn thơ đều lấy nhân dân làm đối tượng để miêu tả nhận
thức, nhưng sự gặp gỡ nhân dân trong đoạn thơ Chế Lan Viên là sự thức tỉnh,
thay đổi của lối sống và cả quan niệm sáng tác. Gặp lại nhân dân là được trở về
với cội nguồn tuổi thơ của sự sáng tạo nghệ thuật (nai về suối cũ); gặp lại nhân
dân như một cơ hội tự nhiên thuận lợi để phát triển tài năng (cỏ đón giêng hai,
chim én gặp mùa); gặp lại nhân dân như một nguồn nuôi dưỡng, động viên kịp
thời không thể thiếu (đưa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/ Chiếc nôi ngừng bỗng gặp
cánh tay đưa).
Đối tượng Nhân Dân được đề cập trong đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm là
để khẳng định, ca ngợi vai trò sáng tạo và làm nên lịch sử của những con người
lao động bình thường. Không ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính họ là những người
đã làm nên sự kì vĩ nhất không gì có thể so sánh: Đất Nước. Họ đã tạo dựng
được một nền văn minh lúa nước từ hàng nghìn năm trước (giữ và truyền cho ta
hạt lúa ta trồng). Họ đã làm ra và giữ gìn ngọn lửa đoàn kết, ngọn lửa nuôi sống
con người theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn

than qua con cúi). Họ sáng tạo và truyền lại ngôn ngữ của chính mình, của bản
sắc văn hóa Việt, mà cả ngàn năm dân tộc bị nô lệ kẻ thù phương bắc không thể
đồng hóa (truyền giọng điệu mình cho con tập nói). Họ di dân về phương nam
để kiếm sống, lập nghiệp; để mở mang bờ cõi nhưng vẫn gánh theo tên xã tên
làng cho con cháu đời sau không quên nguồn cội. Họ luôn đánh thắng giặc
ngoại xâm cho quê hương bờ cõi trường tồn Vì tất cả những lí do đó mà nhà
thơ đã vinh danh họ Đất Nước Nhân Dân.
+ Cảm nhận, so sánh về các đoạn thơ, những bức tranh hiện thực được
sáng tác cùng thời:
Ngày mỗi ngày từng chiếc lá tre xanh
Đã mọc lên quanh những làng kháng chiến
Ngày mỗi ngày từng miếng đất cỏ tranh
Đã lật lên dưới lưỡi cày mới luyện
(Tố Hữu - Mùa thu mới)
Tôi đã đi qua những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu cháy ròng
Bới đồn giặc để trồng ngô tỉa lúa
(Phùng Quán – Chống tham ô lãng phí)
Miền Bắc thiên đường của các con tôi
(Tố Hữu – Bài ca mùa xuân năm 61)
Tôi đã gặp những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mong đến tết
Để được ăn cơm no có thịt
(Phùng Quán – Chống tham ô lãng phí)
Bốn dẫn chứng trên được lấy từ hai bài thơ của Tố Hữu và Phùng Quán
viết sau năm 1954, thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tố Hữu nhìn

cuộc sống bằng đôi mắt lạc quan cách mạng, luôn hướng về tương lai và chỉ
miêu tả những gì gợi sự phấn chấn, tin tưởng. Vì vậy, thơ Tố Hữu luôn ca ngợi
cái phải có bằng những vần điệu vui tươi ngọt ngào. Phùng Quán nhìn cuộc
sống từ những hình ảnh thực đang diễn ra, nhà thơ cùng sống, đồng cảm với
những người dân nghèo quanh năm cơ cực. Vì vậy, thơ Phùng Quán luôn trăn
trở, day dứt về những điều đang có (mượn cách nói của nhà phê bình văn học
Hoàng Ngọc Hiến: Văn học Việt Nam hiện đại chỉ chủ yếu miêu tả cái phải có
và không miêu tả cái đang có).
2/ Lập luận so sánh theo yêu cầu của đề bài làm văn
Những năm gần đây, trong các kì thi tuyển sinh đại học, thi học sinh giỏi
quốc gia, đề thi môn Văn thường có những câu yêu cầu cảm thụ, phân tích theo
hướng đối sánh. Với dạng đề bài nầy, học sinh phải nắm được phương pháp cơ
bản là:
- Cảm nhận, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của từng văn bản (hoặc vấn
đề).
- So sánh để tìm ra nét tương đồng và khác biệt của hai văn bản (hoặc vấn
đề). Có thể tham khảo một số đề bài sau đây.
a/ Đề thi Tuyển sinh đại học khối D năm 2010:
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở
mang cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước
hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa – Nam Cao).
b/ Đề thi Tuyển sinh đại học khối C năm 2010:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau :
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11)
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11)
c/ Đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2010:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:
(…) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc
chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và
cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa
xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng
nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh
màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín
đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một
người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…)
(Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12 Nâng cao)
(…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt
qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm,
và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm
cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn
nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ
bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang
nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều
tím” như người Huế thường miêu tả (…)
(Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12 Nâng cao)
d/ Đề thi Tuyển sinh đại học khối D năm 2012:
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:
Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà
cửa, và vắng người lại qua…
(Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155)
Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh:
Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32)
Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.
Trên đây là một số vấn đề về thao tác lập luận so sánh trong văn nghị
luận và rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm thụ văn học bằng phương pháp đối
sánh có thể vận dụng trong chương trình dạy chuyên bậc phổ thông trung học.
Người viết chỉ đưa ra một số định hướng có được từ thực tiễn giảng dạy với mục
đích gợi ý, xác lập phương hướng. Những vấn đề có tham gia bình luận, đánh
giá cũng xuất phát từ cảm nhận rất chủ quan của người viết để đồng nghiệp tham
khảo. Có điểm nào chưa phù hợp, chưa đúng, mong quý đồng nghiệp góp ý,
thảo luận.
Huế, tháng 9/ 2012
Ngô Vưu

×