Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG dạy và học bộ môn văn học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.99 KB, 3 trang )

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC BỘ MÔN VĂN HỌC Ở
CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY
Nguyễn Văn Thanh
Học viên cao học – Học viện Chính trị

VĂN HỌC là một lĩnh vực phong phú, đa dạng, sinh động, mang tính đặc thù.
Sự phản ánh của văn học với hiện thực khách quan thông qua hình tượng nghệ
thuật, tác động mạnh mẽ vào "trái tim, khối óc" của con người, giúp con người
cảm nhận cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân
cách con người. Văn học là nhân học, học văn là học làm người. Vì thế môn Ngữ
văn là môn học hình thành nhân cách con người ở bất cứ cấp học nào.
Giảng dạy bộ môn Văn học, đòi hỏi người dạy phải nắm vững quan điểm
của Đảng về văn hoá văn nghệ; có sự am hiểu và có năng khiếu nhất định về
nghệ thuật để truyền đạt cho người học tiếp nhận đầy đủ những thông tin cơ
bản nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về văn học, bồi dưỡng cho người học
khả năng sáng tạo, thưởng thức, đánh giá các tác phẩm văn học nghệ
thuật, làm cơ sở nâng cao năng lực hoạt động xã hội nói chung và văn hóa
ứng xử trong đời sống sinh hoạt nói riêng.
Trong những năm qua, bộ môn Văn học đã được các nhà trường phổ thông
hoàn thiện nội dung, chương trình giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ giáo dục –
đào tạo. Quá trình giảng dạy, giáo viên đã tích cực nghiên cứu tài liệu, thu thập
thông tin dưới nhiều hình thức, nhiều kênh khác nhau; lựa chọn và đưa vào giảng
dạy các tác phẩm văn học có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, bước đầu truyền
đạt cho người học những kiến thức cơ bản về văn học. Nội dung giảng dạy đã cập
nhật được lý luận và thực tiễn hoạt động văn học. Kết cấu thành các bài giảng với
các hình thức khác nhau như: Lên lớp giảng bài, thuyết trình, thảo luận, ôn tập…
Do tăng cường về thời lượng nên chất lượng giảng dạy được nâng lên tạo hứng
thú trong học tập, người học nắm được nội dung cơ bản, biết thưởng thức, đánh
giá các tác phẩm văn học, bước đầu biết vận dụng vào thực tiễn hoạt động ở nhà
trường, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy và học tập còn nhiều bất cập so với


yêu cầu của môn học. Giáo viên tuy có sự am hiểu về văn học, song chưa
được nghiên cứu cơ bản nên hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ; nội dung truyền
đạt còn nặng về lý thuyết, nhẹ về hướng dẫn thực hành và định hướng khai
thác giá trị nghệ thuật của các tác phẩm. Với tính đặc thù của môn học đòi hỏi
phải có phương tiện dạy học trực quan bằng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu.
Song, việc bảo đảm vật chất giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều chủ đề
giáo viên còn giảng chay, dẫn đến có tình trạng người học "nghe hay mà khó
hiểu, khó làm, khó vận dụng". vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải
pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học văn học ở các trương phổ thong là
vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và
học bộ môn Văn học ở các trường phổ thông hiện nay cần làm tốt một số yêu
cầu, nội dung cơ bản sau:
Một là, chú trọng hoàn thiện nội dung, chương trình môn học. Nội dung,
chương trình môn học là cơ sở để người dạy sử dụng hình thức, phương pháp,
phương tiện dạy học phù hợp; đồng thời là hàm lượng tri thức cần trang bị
cho người học. Trong từng chủ đề cần xác định đúng mục đích, yêu cầu,
phạm vi nội dung, đối tượng giảng dạy. Muốn vậy, bài giảng nên kết cấu
thành hai phần: giới thiệu những vấn đề về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng
tác và nội dung chính; giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Hai là, tích cực đổi mới hình thức phương pháp dạy và học. Đổi mới hình
thức, phương pháp dạy, học bộ môn Văn học đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần
lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng chủ đề - từng tác phẩm văn
học, đặc biệt coi trọng phương pháp trực quan; khai thác các phương tiện dạy
học hiện đại. Cơ quan chức năng cần bảo đảm tốt cơ sở vật chất cho quá trình
dạy và học như: tranh ảnh, màu vẽ, máy trình chiếu PowerPoint, tài liệu, tác
phẩm nghệ thuật… để khắc phục tình trạng dạy chay, học chay. Kết hợp hình
thức lên lớp giảng bài, thảo luận với các hình thức khác như: xem băng hình
học cụ, tham quan bảo tàng, khu di tích văn hoá…; phát huy tích cực, sáng
tạo của người học; thực hiện tốt phương châm dạy học: lý luận gắn liền với
thực tiễn, học đi đôi với hành.

Ba là, làm tốt việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Từ đặc thù của
môn học đòi hỏi giáo viên phải có năng khiếu, sự am hiểu về văn học nghệ
thuật và niềm say mê, hứng thú với nghề nghiệp. Thực tế hiện nay đội ngũ
giáo viên ở các trường phổ thông đảm nhiệm giảng dạy bộ môn Văn học
tương đối đầy đủ, song sự hiểu biết còn ở mức độ nhất định và thời gian dành
cho nghiên cứu các tác phẩm văn học còn ít. Do vậy, để nâng cao chất lượng
giảng dạy môn học, đòi hỏi khâu tuyển chọn đội ngũ giáo viên phải lấy từ
nhiều nguồn khác nhau, đồng thời thường xuyên coi trọng việc bồi dưỡng cho
đội ngũ này có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của bộ môn. Căn
cứ vào khả năng của từng giáo viên để phân công giảng dạy phù hợp với từng
chủ đề, tác phẩm. Việc bồi dưỡng giáo viên cần kết hợp giữa tự học, tự
nghiên cứu của cá nhân với việc mời các giáo viên giỏi ở các trường chuyên,
năng khiếu; các nhà văn, nhà thơ về bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn, nói
chuyện về các phương pháp giảng dạy hoặc gửi đội ngũ giáo viên đến các
trường sư phạm đầu ngành để học tập, dự giảng… Tổ, bộ môn thường xuyên
làm tốt các khâu: thông qua đề cương bài giảng, kiểm tra công tác giảng dạy
trên lớp, sinh hoạt chuyên đề, thảo luận, hội thảo khoa học… trên cơ sở đó
thống nhất nội dung, nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm cho
đội ngũ giáo viên.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi để người học nắm vững nội dung,
vận dụng tốt kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn. Khác với các môn học
lý luận, nếu người học chỉ lĩnh hội kiến thức theo quy trình học tập: nghe, ghi,
nghiên cứu, trao đổi, thảo luận… thì chưa đủ, bộ môn văn học cần phải có
môi trường để nâng cao sự hiểu biết về giá trị nghệ thuật trong tác phẩm, rèn
luyện năng khiếu, vận dụng thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy.
Bởi vậy, cần khai thác và thực hiện tốt chức năng của các thiết chế văn hoá
như: thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ văn học nghệ thuật… Lãnh đạo, Ban giám
hiệu nhà trường cần phối hợp với cơ quan chức năng, các đơn vị kết nghĩa,
chủ động tổ chức tốt các hoạt động sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, đánh giá
tác phẩm văn học nghệ thuật như: đọc tác phẩm văn học, tổ chức sáng tác thơ,

ca, kịch ngắn, bình thơ, xem truyền hình… thông qua đó củng cố kiến thức,
bồi dưỡng kinh nghiệm tổ chức tiến hành các hoạt động giảng dạy văn học ở
nhà trường. Người học cần xác định đây là môn học mang tính đặc thù nên
trong quá trình lĩnh hội, củng cố kiến thức không chỉ nghiên cứu, trao đổi, ôn
luyện mà cần tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá, cọ sát thực tiễn; nắm
vững các hình thức hoạt động xã hội làm cơ sở từng bước hoàn thiện phẩm
chất nhân cách của người học.
Trên đây là những điều mà bản thân tôi quan tâm trong công tác giảng
dạy, chắc chắn còn cần phải bàn thêm nữa, dù sao tôi cũng xin có vài dòng để
chúng ta tham khảo. Để giảng dạy tốt, nâng cao chất lượng giáo dục là một
quá trình lâu dài và luôn có sự phát triển. Cần phải nghiên cứu và luôn đổi
mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng
giai đoạn đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ
cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Địa chỉ: Nguyễn Văn Thanh
Học viên cao học khóa (2011-2013) Học viện Chính trị
Đường Ngô Quyền, P. Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
Điện thoại: 0976 410 557
Email;

×