PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lí do chọn sáng kiến
Môn Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí hết sức
quan trọng trong hệ thống các môn học của Nhà trường phổ
thông. Nhà văn Nga M. Gorki từng nói: “ Văn học là nhân học”.
Học Văn góp phần quan trọng hình thành những con người có ý
thức tự tu dưỡng, biết yêu thương, căm ghét cái xấu, biết rèn
luyện để có tính tự lập, có tư duy sáng tạo, biết giao tiếp ứng xử
… và bước đầu có năng lực cảm thụ các giá trị chân, thiện, mĩ
trong nghệ thuật và trong cuộc sống. Vậy mà hiện nay có trường
THPT không có một em học sinh nào đăng kí ban C để học. Là
một giáo viên dạy Ngữ Văn tôi vô cùng đau xót trước việc đó. Hầu
hết các em đều cho rằng học Văn dài, khó, không lí thú. Một trong
những nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc đó là do trong những
giờ học văn, người thầy còn thuyết trình nhiều, việc cung cấp kiến
thức còn mang tinh chất áp đặt, trò thụ động tiếp nhận tri thức.
Bởi vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông,
môn Ngữ văn là môn học có nhiều thay đổi nhất trong việc đổi
mới chương trình, phương pháp giảng dạy đến cách đánh giá kết
quả học tập của học sinh. Quan điểm đổi mới phương pháp dạy
học môn Ngữ văn cũng giống như nhiều môn học khác là phải kết
hợp nhiều phương pháp dạy học trong quá trình tổ chức các hoạt
động dạy học theo hướng tích cực, phát huy năng lực chủ động,
sáng tạo ở cả thầy và trò, chú trọng khái quát nội dung kiến thức
tạo điều kiện để người học lĩnh hội và phát triển các thao tác tư
duy khoa học.
Người giáo viên dạy văn là phải dạy cho học sinh bốn kĩ
năng: Nghe, nói, đọc, viết. Trong đó phân môn Tập làm văn là
phân môn có tính chất tích hợp các phân môn khác, giúp học sinh
có khả năng tạo lập một văn bản, đó là bài nói, bài viết. Nói và
viết là những hình thức giao tiếp rất quan trọng, thông qua đó con
người thực hiện quá trình tư duy, chiếm lĩnh tri thức, trao đổi tư
tưởng, tình cảm, quan điểm, giúp mọi người hiểu nhau, cùng hợp
tác trong công việc. chính vì vậy rèn kĩ năng nói đúng, viết đúng
là hết sức cần thiết. Trong số các kiểu bài văn được học ở môn
Ngữ văn THCS, văn tự sự chiếm số lượng chương trình khá nhiều,
được học ở cả khối lớp 6, 8, 9. Tuy nhiên kĩ năng làm bài và khả
năng sáng tạo trong bài viết còn chưa tốt.
Trước tình hình đó tôi nghĩ rằng mình cần tạo thêm những
môi trường học tập mới ngoài giờ học để vừa rèn được kĩ năng
làm văn tự sự, vừa giúp các em yêu thích môn Văn hơn và rèn
được nhiều kĩ năng trong cuộc sống, biết vận dụng kiến thức trên
lớp, hiểu biết thực tế cuộc sống vào bài viết. Và tôi mạnh dạn đưa
ra sáng kiến giải pháp:
Rèn kĩ năng viết văn tự sự cho học
sinh lớp 8 bằng hình thức thi kể chuyện.
II.
Điểm mới trong sáng kiến.
Những sáng kiến rèn kĩ năng làm văn tự sự các khối lớp
đều đã có. Ví dụ như sáng kiến “ Rèn kĩ năng làm văn tự sự lớp 9”
của Trần Thị Kim Sa trường THCS Thị trấn Châu Thành hay sáng
kiến “ Rèn luyện kĩ năng đưa yếu tố nghị luận vào bài văn tự sự”
của Đoàn Thị Nhung… Những sáng kiến này vẫn tập trung hướng
dẫn các em cách làm bài trong nội dung chương trình bài học trên
lớp của giáo viên. Còn trong sáng kiến tôi đưa ra là rèn kĩ năng
làm bài tự sự thông qua một hoạt động vui chơi ngoài giờ lên lớp.
Các em học sinh sẽ hoạt động theo nhóm để giải quyết công việc
được giao và vừa học vừa chơi.
PHẦN NỘI DUNG
I.Thực trạng của nội dung cần nghiên cứu.
Hiện nay trong ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn ở
các khối lớp nói chung và ở khối lớp 8 nói riêng, học sinh ngại học
Tập làm văn nhất. Trong những giờ học chính khóa giáo viên đã
giúp các em có được những kiến thức cơ bản về đặc điểm, cách
làm bài văn tự sự. Tuy nhiên khi làm bài các em lại chưa chủ
động, sáng tạo vận dụng lí thuyết vào thực hành mà chỉ trông chờ
vào những bài văn mẫu. Mỗi khi đi thi các em chỉ mong trúng tủ
và nếu có lệch tủ, phải tự làm bài không có tài liệu thì lúng túng,
hoang mang không biết phải làm như thế nào. Có em lại phóng
bút kể lể lan man, dài dòng, không có cốt truyện hoàn chỉnh, hấp
dẫn và câu chuyện chưa có ý nghĩa sâu sắc…
Số em làm bài tốt, chủ động, sáng tạo chiếm số lượng rất ít:
khoảng dưới 10%.
Số em làm bài thụ động, phụ thuộc vào tài liệu, không tự làm
được bài: khoảng 20.
Số học sinh còn lại làm bài chất lượng không ổn định, có bài
tốt, có bài lại kém.
Như vậy vẫn còn rất nhiều em kĩ năng làm bài kém. Trải qua
nhiều năm giảng dạy trên lớp ở các khối lớp 6,8,9 có Văn tự sự,
tôi đã tìm hiểu được nguyên nhân của việc đó là do học sinh chưa
biết cách xây dựng cốt truyện hợp lí, có ý nghĩa; chưa biết lựa
chọn chi tiết tiêu biểu, quan trọng để kể; cách kể chuyện chưa
chân thực, sinh động; việc dùng từ đặt câu, diễn đạt còn hạn chế;
chưa biết vận dụng kiến thức lí thuyết và những gì mà mình được
chứng kiến, trải qua trong cuộc sống vào bài . Hầu hết các em còn
thiếu sự chủ động, sáng tạo trong học tập.
Nguyên nhân còn do giáo viên chỉ chú trọng truyền đạt kiến
thức lí thuyết về kiểu bài, về cách làm chứ chưa dành nhiều thời
gian cho các em luyện tập tạo lập bài văn. Việc chấm chữa bài còn
qua loa, giờ trả bài giáo viên mới chỉ tập trung chỉ ra lỗi mà chưa
tập trung hướng dẫn các em sửa lỗi để hình thành tốt kĩ năng làm
bài.
Để góp phần giải quyết tình hình đó, nâng cao chất lượng đại
trà môn Ngữ văn lớp 8 tôi phụ trách, tôi tổ chức cho học sinh thi
viết văn kể chuyện.
II. Các giải pháp thực hiện.
Văn tự sự lớp 8 được học ở kì I nên tôi tổ chức cho các em
thi trong ba tháng 9,10,11. Mỗi tháng một đợt thi.
1.Tháng 9:
Thi kể chuyện dựa trên cốt truyện có sẵn.
* Mục đích của đợt thi: Giúp các em thấy được vai trò
quan trọng của việc xây dựng cốt truyện trước khi viết bài. Củng
cố kĩ năng dùng từ, đặt câu, diễn đạt hay, sử dụng ngôi kể phù
hợp…, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo và biết cách xây
dựng nhân vật kể chuyện.
* Nội dung: Giáo viên đưa ra một cốt truyện cho sẵn, yêu
cầu học sinh xây dựng thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Đối với
học sinh lớp 8 tôi lựa chọn những cốt chuyện đơn giản, phù hợp
với chương trình học tập trên lớp, với lứa tuổi và hoàn cảnh địa
phương.
Ví dụ 1: Dựa vào các sự việc sau và xây dựng một câu
chuyện hoàn chỉnh.
- Là con một trong một gia đình khá giả được cưng chiều.
- Chiều tan học đi chơi điện tử.
- Về nhà rất muộn và thấy mẹ đang nằm trên giường.
- Em được bố mẹ khen.
Ví dụ 2: Dựa vào các sự việc sau và xây dựng một câu
chuyện hoàn chỉnh.
- Là một doanh nhân thành đạt, em trở về quê thăm trường cũ.
- Gặp người thầy dạy em lớp một.
- Chia tay thầy trở về thành phố.
Ví dụ 4: Dựa vào các sự việc sau và xây dựng một câu chuyện
hoàn chỉnh.
- Bác Bàng già cằn nhằn với cô Phượng Vĩ về lão già Mùa đông.
- Chị gió đi qua nghe thấy và cho họ biết nỗi khổ của lão già Mùa
đông.
- Thế rồi nàng Xuân tới.
Ví dụ 5: Dựa vào các sự việc sau và xây dựng một câu
chuyện hoàn chỉnh.
- Đi học về em bất ngờ gặp mẹ.
- Tám năm em ở cùng bà ngoại vì bố mẹ đi làm ăn xa.
- Em kể cho mẹ nghe về những ngày tháng vắng mẹ.
* Hình thức tổ chức: Thi theo nhóm ( mỗi nhóm 5-7 em
trong đó có cả học sinh giỏi, khá và yếu, các em cùng thôn xóm).
Các nhóm hoạt động trong giờ ra chơi hoặc trong thời gian nghỉ ở
nhà. Mỗi nhóm tự cử một nhóm trưởng làm nhiệm vụ tổ chức
thời gian làm việc cho nhóm và hoàn thành bài thi hoàn chỉnh sau
khi nhóm làm việc xong. Nhóm trưởng cũng là người chuẩn bị tốt
bài thi để trình bày trước lớp.
* Thời gian: Ba tuần đầu của tháng các nhóm hoạt động
riêng.
- Trong tuần cuối tháng giáo viên tổ chức hoạt động chung cả lớp
vào một buổi chiều. Trong buổi này các nhóm trình bày bày thi
của mình. Ban giám khảo( Ba bạn học sinh học giỏi lớp khác),
giáo viên và các em nhóm khác nhận xét. Giáo viên, Ban giám
khảo cho điểm. Đội nào chiến thắng sẽ được nhận quà ( do GV
chuẩn bị) và được tuyên dương trong toàn khối.
2. Tháng 10:
Thi kể chuyện dựa vào nhận vật đã cho.
* Mục đích của đợt thi: Tự sự là một phương thức tái
hiện đời sống thông qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người
trong toàn bộ tính khách quan của nó. Phương thức tự sự là
phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này đến sự
việc kia dẫn đến sự việc kết thúc và thể hiện một ý nghĩa. Có
nhiều yếu tố để làm nên một câu chuyện hấp dẫn nhưng yếu tố
quan trọng hơn cả là cốt truyện. Mà xây dựng cốt truyện là một
hạn chế lớn nhất của các em. Chính vì thế mà sang tháng 10 tôi
để các em tự xây dựng cốt truyện . Việc làm này tiếp tục củng cố
kĩ năng viết văn về dùng từ, đặt câu, diễn đạt, ngôi kể, phát huy
tích tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và đặc biệt là khả
năng xây dựng cốt truyện trước khi viết bài.
* Nội dung: Giáo viên cho nhân vật yêu cầu học sinh xây
dựng thành một câu chuyện hoàn chỉnh, hấp dẫn.
Ví dụ 1: Cho các nhân vật: em, cụ già, chú công an, cô giáo
(có thể thêm nhân vật phụ nếu cần). Hãy xây dựng một câu
chuyện có ý nghĩa .
Ví dụ 2: Cho các nhân vật: em, mẹ, bà tiên (có thể thêm
nhân vật phụ nếu cần). Hãy xây dựng một câu chuyện có ý
nghĩa .
Ví dụ 3: Cho các nhân vật: chim sẻ, chim sâu, cây nhãn, hoa
hồng (có thể thêm nhân vật phụ nếu cần). Hãy xây dựng một câu
chuyện có ý nghĩa .
* Hình thức tổ chức và thời gian hoạt động: Như tháng
9
3. Tháng 11:
Thi kể chuyện theo chủ đề.
* Mục đích: Tiếp tục rèn kĩ năng xây dựng cốt truyện cho
bài văn tự sự, rèn kĩ năng dùng từ, đặt câu, diễn đạt và rèn thêm
kĩ năng sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự
lớp 8. Nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh.
* Nội dung: Giáo viên đưa ra chủ đề, nhân vật hoặc tranh,
học sinh xây dựng một câu chuyện hoàn toàn do mình sáng tạo
ra, không có gợi ý về cốt truyện và nhân vật. Đây là bài thi mức
độ yêu cầu cao hơn hai bài thi trước và đó cũng là bài văn tự luận
mà học sinh tham gia thi kiểm tra cuối kì. Nó đòi hỏi học sinh phải
vận dụng kiến thức tổng hợp về văn tự sự và đã nắm vững kĩ
năng xây dựng cốt truyện, nhân vật ở hai lần thi trước để xây
dựng câu chuyện hấp dẫn nhất.
Ví dụ 1: Hãy kể một câu chuyện về tình thầy trò (về tình
mẫu tử, tấm gương vượt khó, về tấm gương giúp bạn, tình bạn,
một cuộc gặp gỡ bất ngờ, đầy ý nghĩa nghĩa…).
Ví dụ 2: Hãy kể một câu chuyện về chủ đề mà một trong
những bức tranh sau đề cập đến.
Ví dụ 3: Đóng vai một nhân vật em yêu thích và kể lại kết
thúc truyện mới cho tác phẩm văn học.
* Hình thức tổ chức: Tổ chức thi như hai tháng trước.
* Thời gian: Ba tuần đầu của tháng các nhóm hoạt động
riêng.
- Ở tuần cuối tháng giáo viên tổ chức hoạt động chung cả lớp
vào một buổi chiều. Trong buổi này các nhóm trình bày bày thi
của mình. Ban giám khảo( Ba bạn học sinh học giỏi lớp khác),
giáo viên và các em nhóm khác nhận xét. Giáo viên, Ban giám
khảo cho điểm. Đội nào chiến thắng sẽ được nhận quà ( do GV
chuẩn bị) và được tuyên dương trong toàn khối.
- Lưu ý các em là những câu chuyện mà các em dự thi ta
cũng có thể được coi là một bài văn. Tuy nhiên để đầy đủ hơn các
em viết thêm mở bài và kết bài theo yêu cầu của bài văn tự sự nói
chung. Trong buổi này giáo viên còn chốt lại những kiến thức về
cách xây dựng cốt truyện, nhân vật cho một bài văn tự sự.
+ Hiểu một cách ngắn gọn, cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ
thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định
của người viết. Nhờ cốt truyện, người viết thể hiện sự hình thành,
đặc điểm của mỗi tính cách cũng như sự tác động qua lại giữa các
tính cách. Dù đa dạng, mọi cốt truyện đều trải qua một tiến trình
vận động có hình thành, phát triển và kết thúc. Mỗi cốt truyện
thường bao gồm các thành phần sau:
Trình bày: giới thiệu thời kì lịch sử, khung cảnh của sự việc.
Khai đoạn: nêu tình huống, vấn đề náy sinh để người đọc chú
ý theo dõi.
Phát triển: diễn tả sự tiến triển của hành động, của tính cách,
của mâu thuẫn, xung đột.
Đỉnh điểm( hoặc cao trào): hành động mâu thuẫn được phát
triển đến độ cao nhất, căng thẳng nhất.
Kết cục: giải quyết, kết thúc một quá trình phát triển của mâu
thuẫn.
Tuy nhiên không phải bất cứ cốt truyện nào cũng bao hàm đầy
đủ các thành phần như vậy. Mặt khác, trình tự các phần ấy cũng
biến hóa sinh động như cuộc sống muôn màu và tùy theo ý đồ
của người viết.
+ Nhân vật trong văn tự sự có nhân vật chính thể hiện tư
tưởng của người viết. Nhân vật phụ hỗ trợ làm nổi bật nhân vật
chính. Khi xây dựng nhân vật cần chú ý kể về tên, lai lịch, ngoại
hình, lời nói, nội tâm, cử chỉ hành động của nhân vật, lời của các
nhân vật khác nói về nhân vật.
- Những bài thi của học sinh giáo viên thu lại và sửa chữa
cho hoàn chỉnh hơn và treo tại lớp để học sinh tham khảo lại.
* Kết quả sau khi thực hiện giải pháp:
Trải qua một năm áp dụng thực hiện giải pháp này với đối
tượng học sinh lớp 8 trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh
củng cố được kiến thức trên lớp, biết vận dụng lí thuyết vào thực
hành, nắm vững hơn kĩ năng làm văn tự sự. Điều đó sẽ giảm bớt
số học sinh sợ viết văn, lúng túng khi gặp những bài văn mới. Đã
có một số em sáng tạo được những tác phẩm “ bé con”. Sau đây
tôi xin đưa ra kết quả mà bản thân theo dõi, đánh giá qua bài viết
của các em sau khi đã tham gia hoạt động thi kể chuyện:
- Số học sinh làm bài tốt: 15-20%
- Số học sinh lúng túng khi làm bài, còn phụ thuộc vào tài
liệu: 5%
- Số học sinh làm bài mức khá, cũng tăng nhiều.
PHẦN KẾT LUẬN
I. Ý nghĩa, phạm vi ứng dụng của giải pháp.
1. Ý nghĩa của giải pháp.
Hoạt động thi kể chuyện để rèn kĩ năng làm văn tự sự lớp
8 được tổ chức làm ba đợt. Mỗi đợt học sinh được rèn một kĩ năng
chủ yếu: tháng 9 rèn kĩ năng xây dựng nhân vật, tháng 10 rèn kĩ
năng xây dựng cốt truyện, tháng 11 rèn tổng hợp nhiều kĩ năng
làm bài. Các em chủ động, sáng tạo hơn trong học tập, rèn được
nhiều kĩ năng sống: kĩ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng lắng nghe,
kĩ năng giải quyết tình huống, kĩ năng làm việc theo nhóm …Nhiều
tình cảm tốt đẹp cũng hình thành nhờ hoạt động này: tinh thần
đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, biết yêu thương, chia sẻ với
người khác…Và đặc biệt hơn là nhờ hoạt động này mà một phong
trào thi đua học tập đã được hình thành. Giúp các em thấy yêu
thích môn Văn hơn không còn thấy chán nản trong những giờ viết
bài nữa.
Thông qua việc theo dõi hoạt động học tập, chấm chữa bài,
giáo viên hiểu thêm tâm tư, tình cảm và kiến thức kĩ năng của
từng em để từ đó tiếp tục có những biện pháp khác nữa giúp các
em tiến bộ.
2. Phạm vi ứng dụng của giải pháp.
Phương pháp rèn kĩ năng viết văn tự sự bằng phương pháp
thi kể chuyện có thể áp dụng với đối tượng học sinh lớp 6, 8, 9 vì
những khối lớp này đều học về kiểu bài này. Tuy nhiên yêu cầu về
nội dung thi kể chuyện giáo viên cần ra khác nhau . Lớp 6, học
sinh tập xây dựng những câu chuyện ngắn, cốt truyện chưa quá
phức tạp nên giáo viên chỉ nên ra những yêu cầu đơn giản. Còn
với học sinh lớp 9, yêu cấu phải cao hơn lớp 8. Học sinh phải sáng
tạo được những câu chuyện thực sự ý nghĩa, số lượng nhân vật
nhiều, biết miêu tả nội tâm nhân vật, cốt truyện phong phú, phức
tạp.
Ngoài ra hoạt động thi kể chuyện cũng có thể dùng trong
chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh toàn
trường trong những buổi ngoại khóa.
II. Ý kiến đề xuất ( không)
* Lời kết.
Niềm vui của mỗi giáo viên ngữ văn đứng lớp đâu chỉ là chất
lượng tính bằng con số của mỗi năm, mà chính là những ánh mắt
long lanh vì đã hiểu bài, những bàn tay tự viết ra được những lời
văn óng ánh, những nụ cười thiện cảm với môn Văn từ phía học
sinh. Để đạt được những điều vô cùng quí giá đó mỗi giáo viên
chúng tôi đâu chỉ có say mê nhiệt tình với công tác giảng dạy mà
còn phải tìm tòi hướng đi hiệu quả nhất .
Trên đây chỉ là một vài kinh nghiệm nhỏ bé của riêng tôi . Rất
mong sự đóng góp chỉ bảo của lãnh đạo chuyên môn và các thầy cô
đồng nghiệp để sáng kiến kinh nghiệm của tôi được hoàn thiện hơn,
có hiệu quả hơn trong những năm dạy sau .
Xin chân thành cảm ơn !
XÁC NHẬN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Tác giả sáng kiến kinh nghiệm
Vũ Thị Điều