1
ÂẢI HC HÚ
TRỈÅÌNG ÂẢI HC SỈ PHẢM
KHOA GIẠO DỦC TIÃØU HC
TRÁƯN THË PHỈÅNG OANH
XÂY DỰNG TƯ LIỆU DẠY HỌC
TỪ ĐỒNG NGHĨA, TỪ TRÁI NGHĨA, TỪ NHIỀU NGHĨA
THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIAO TIẾP
CHO HỌC SINH LỚP 5
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Ging viãn hỉåïng dáùn:
Th.S. Tráưn Thë Qunh Nga
Hú, nàm 2014
2
MỤC LỤC
3
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Chương trình Tiếng Việt tiểu học 2000 được xây dựng theo quan điểm
giao tiếp, tích hợp và tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh. Mục tiêu hàng
đầu của dạy học Tiếng Việt được xác định là “rèn kĩ năng sử dụng tiếng Việt để học
tập và giao tiếp trong môi trường phù hợp lứa tuổi”. Dạy học tiếng theo quan điểm
giao tiếp không những hướng đến mục tiêu dạy để giao tiếp mà còn chú trọng việc
xây dựng nội dung, hệ thống phương pháp, phương tiện hỗ trợ để đảm bảo dạy
bằng giao tiếp. Những định hướng về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện sau 2015
cũng nhấn mạnh việc phát triển một cách hiệu quả ở học sinh các năng lực học tập,
trong đó có năng lực ngôn ngữ, năng lực giao tiếp. Từ định hướng “kĩ năng” sang
những phác thảo mới mang tên “năng lực” là một sự vận động, “chuyển hóa về
chất” các thao tác lời nói và thao tác trí tuệ. Xây dựng, chuẩn bị một tư liệu hỗ trợ
học tập các đơn vị từ vựng tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực chính là
một bước đi mới trong thời điểm chuyển giao này.
1.2. “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người” và
như trên đã nói, dạy ngôn ngữ cần phải hướng tới việc dạy để giao tiếp và dạy bằng
giao tiếp. Luyện từ và câu là một phân môn có nhiệm vụ làm giàu vốn từ, phát triển
kĩ năng sử dụng từ và cung cấp những kiến thức sơ giản về tiếng Việt cho học sinh
tiểu học. Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa là những nội dung dạy học
khá thú vị trong phân môn Luyện từ và câu lớp 5. Tính uyển chuyển trong biểu đạt
nghĩa, giá trị gợi tả, biểu cảm cao từ những “thăng hoa” về nghĩa trong thực tiễn sử
dụng từ được thể hiện khá rõ nét trong các lớp từ có quan hệ về ngữ nghĩa. Khả
năng vận dụng các lớp từ này trong hoạt động giao tiếp rất thường xuyên. Việc xây
dựng một tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa vì thế thật sự
cần thiết và hữu ích.
1.3. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí và giáo
viên tiểu học khá tích cực trong việc tập hợp, xây dựng các tư liệu dạy học Tiếng
Việt. Mặc dù vậy, các tư liệu dạy học chỉ dừng ở mức độ đơn giản, riêng rẽ, chưa có
4
tính hệ thống, chưa đảm bảo được tính đa dạng, tính hấp dẫn Xây dựng tư liệu
dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa theo hướng phát triển
năng lực giao tiếp cho học sinh lớp 5 nhằm hướng đến thiết kế một tư liệu đảm
bảo được các yêu cầu giáo dục, đồng thời mang lại một kênh thông tin hữu ích để
giáo viên và học sinh lựa chọn trong quá trình thực hành tiếng Việt. Tư liệu này
cũng hi vọng có thể góp phần phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa là các lớp từ vựng tiếng Việt có vị
trí quan trọng, được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu về Từ vựng học
như Đại cương ngôn ngữ học (tập 2) của Đỗ Hữu Châu; Nhập môn Ngôn ngữ học
của Mai Ngọc Chừ (chủ biên) – Nguyễn Thị Ngân Hoa – Đỗ Việt Hùng – Bùi Minh
Toán; Giải thích các từ gần âm, gần nghĩa dễ nhầm lẫn của Trương Chính; Từ đồng
nghĩa tiếng Việt của Nguyễn Đức Tồn. Các công trình nghiên cứu không những
cung cấp một hệ thống các tri thức lí luận khái quát về lớp từ vựng có quan hệ về
ngữ nghĩa mà còn khẳng định vai trò của các lớp từ này trong hoạt động giao tiếp.
Giải thích các từ gần âm, gần nghĩa dễ nhầm lẫn mang đến một tập hợp từ “gần
âm, gần nghĩa” và bằng việc “cung cấp nghĩa trong tương quan với các từ trong
từng nhóm, đủ để giúp cho sự phân biệt giữa các từ trong nhóm”, tác giả đã làm
giàu thêm vốn từ cho người đọc, đồng thời phát triển kĩ năng so sánh, phân biệt
nghĩa và năng lực vận dụng từ trong những ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
Vấn đề dạy học từ, dạy học từ vựng ở nhà trường phổ thông cũng được đề cập
đến trong khá nhiều các công trình về phương pháp dạy học. Tiêu biểu là Phương
pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học II của Lê Phương Nga; Từ vựng tiếng Việt ở tiểu
học của Lê Thị Thanh Nhàn; Dạy học Từ ngữ ở tiểu học của Phan Thiều – Lê Hữu
Tỉnh. Mặc dù được viết trên nền của ngữ liệu dạy học cũ song cho đến nay, công
trình của Phan Thiều và Lê Hữu Tỉnh vẫn còn nguyên giá trị. Từ vựng tiếng Việt ở
tiểu học là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về từ vựng, trong đó tác giả đã
giành rất nhiều trang viết cho hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm trong
ngôn ngữ. Đặc biệt, từ cuốn sách này, mối quan hệ giữa lí luận ngôn ngữ và thực
tiễn dạy học các đơn vị từ vựng được thể hiện một cách rõ nét. Những mô tả về nội
5
dung dạy học các lớp từ trên cùng những chỉ dẫn về cách thức, phương pháp tổ
chức bài học thực sự có ý nghĩa với quá trình triển khai xây dựng tư liệu dạy học
mà đề tài hướng tới.
Về xây dựng tư liệu dạy học và các vấn đề lí luận liên quan đến định hướng
dạy học giao tiếp, có thể kể đến các bài viết, các đề tài nghiên cứu sau:
Xây dựng tư liệu dạy học về từ loại nhằm bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt
ở tiểu học với sự hỗ trợ của phần mềm Powerpoint và Violet (đề tài khóa luận tốt
nghiệp) của Hoàng Thị Huê.
Xây dựng hệ thống tư liệu hỗ trợ giải nghĩa từ trong dạy học Luyện từ và
câu lớp 4, 5 bằng phần mềm PowerPoint và Violet (đề tài khóa luận tốt nghiệp) của
Nguyễn Thị Yến.
Một số vấn đề về dạy học từ và câu ở tiểu học theo quan điểm giao tiếp (bài
báo) của Trần Thị Quỳnh Nga.
Những tư liệu nêu trên đã cho chúng tôi nền tảng cơ sở lí luận vững chắc và
định hướng quý báu trong việc triển khai đề tài.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích nghiên cứu
Xây dựng tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa theo
hướng phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh nhằm bổ sung, hoàn thiện tư liệu
dạy học Tiếng Việt ở nhà trường tiểu học; góp phần nâng cao chất lượng dạy học
các lớp từ vựng tiếng Việt và phát triển ở học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt,
năng lực giao tiếp.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề lí luận về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ
nhiều nghĩa; về định hướng dạy học giao tiếp.
- Khảo sát, đánh giá thực trạng xây dựng và sử dụng tư liệu dạy học; thực
trạng dạy học các lớp từ vựng tiếng Việt.
- Sưu tầm, thiết kế nhằm hoàn thiện tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ trái
nghĩa, từ nhiều nghĩa theo hướng phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh.
6
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các vấn đề lí luận về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa.
- Hình thức tư liệu dạy học về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa theo
hướng phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh Tiểu học.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa theo hướng phát
triển năng lực giao tiếp cho học sinh lớp 5.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp phân tích - tổng hợp: phân tích, xử lí nguồn tài liệu, tổng
hợp thông tin và rút ra các kết luận sư phạm.
- Phương pháp điều tra, phỏng vấn: sử dụng nhằm khảo sát và đánh giá
thực trạng dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa.
- Phương pháp thiết kế tư liệu dạy học: giúp hình thành nguồn tư liệu dạy
học về các lớp từ vựng tiếng Việt.
6. CẤU TRÚC ĐỀ TÀI
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung của đề tài
được cấu trúc gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc xây dựng tư liệu dạy học từ
đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa theo hướng phát triển năng lực giao tiếp
Chương 2: Xây dựng tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều
nghĩa nhằm phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh lớp 5
Chương 3: Thực nghiệm sư phạm
7
Chương 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG TƯ LIỆU
DẠY HỌC TỪ ĐỒNG NGHĨA, TỪ TRÁI NGHĨA, TỪ NHIỀU NGHĨA
THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIAO TIẾP
1.1. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1.1. Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa tiếng Việt
1.1.1.1. Khái niệm và phân loại từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa
trong Tiếng Việt
1.1.1.1.1. Từ đồng nghĩa
Cho đến nay, trong các công trình ngôn ngữ học ở nước ngoài và các tài liệu
Việt ngữ học có rất nhiều định nghĩa khác nhau về từ đồng nghĩa. Mỗi định nghĩa
nhìn nhận vấn đề từ đồng nghĩa dưới những góc độ riêng.
Đỗ Hữu Châu trong cuốn Giáo trình Việt ngữ (tập 2) lần đầu tiên đưa ra khái
niệm chung về từ đồng nghĩa: “Trong vốn từ hội của bất cứ một ngôn ngữ nào cũng
thường có những từ mặc dù hình thức ngữ âm hoàn toàn khác nhau nhưng từ nghĩa
(tức là nghĩa của từ) là giống nhau; do đó, trong nhiều hoàn cảnh ngôn ngữ cụ thể
có thể thay thế cho nhau được. Những từ này là những từ đồng nghĩa” [2; 63]. Với
cách định nghĩa này, tác giả đã nêu ra đặc điểm của những từ đồng nghĩa: hình thức
ngữ âm khác nhau, từ nghĩa giống nhau, có thể thay thế cho nhau trong nhiều hoàn
cảnh. Tuy nhiên, mức độ đồng nghĩa chưa được đề cập đến và cũng cần phải nói
thêm rằng, về sau, Đỗ Hữu Châu đã nhìn nhận lại một cách khoa học hơn về tiêu
chí “có thể thay thế cho nhau” của các từ đồng nghĩa. Chính vì lẽ đó, trong Giáo
trình Giản yếu về từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, ông đã đưa ra quan niệm tinh giản
hơn về từ đồng nghĩa: “Từ đồng nghĩa là những từ giống nhau về nghĩa, hoặc nghĩa
biểu vật, hoặc nghĩa biểu niệm”.
Nguyễn Văn Tu, tác giả cuốn Từ vựng học tiếng Việt hiện đại lại giải thích:
“Những từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau. Đó là nhiều từ khác nhau
cùng chỉ một sự vật, một đặc tính, một hành động nào đó. Đó là những tên khác
nhau của một hiện tượng” (dẫn theo [17; 346]). Đây là một quan niệm khá hẹp, bởi
8
theo quan điểm này, các từ đồng nghĩa lúc nào cũng có thể thay thế cho nhau được.
Trong khi đó, Đỗ Xuân Thảo và Lê Hữu Tỉnh đã đưa ra nhận định trong giáo trình
Tiếng Việt II: “Từ đồng nghĩa là những từ khác nhau về âm thanh nhưng có chung
ít nhất một nét nghĩa”. Theo quan niệm này, các từ đồng nghĩa có mức độ đồng
nghĩa cao thấp khác nhau tùy theo số lượng nét nghĩa chung, nét nghĩa đồng nhất.
Cho nên, cách định nghĩa này là quá rộng, không phù hợp với ngữ cảm về từ đồng
nghĩa của người dùng tiếng Việt.
Các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến định nghĩa:
“Từ đồng nghĩa là những từ khác nhau về âm thanh, tương đồng nhau về nghĩa và
có phân biệt về một số sắc thái phong cách, sắc thái ngữ nghĩa, khả năng kết hợp
và phạm vi sử dụng” (dẫn theo [17; 346]) và chỉ ra rằng: “Từ đồng nghĩa không
phải là những từ trùng nhau hoàn toàn về nghĩa. Chúng nhất định có những dị biệt
nào đó bên cạnh những tương đồng”. Đây là hướng quan niệm thỏa đáng được
đông đảo người dùng chấp nhận hơn cả. Cách định nghĩa này vừa ngắn gọn vừa đầy
đủ. Các tác giả đã đi vào chi tiết, cụ thể về khái niệm từ đồng nghĩa và chỉ ra được
mức độ khác nhau của các từ đồng nghĩa, đó là phân biệt một số nét nghĩa về sắc
thái phong cách, sắc thái ngữ nghĩa, khả năng kết hợp và phạm vi sử dụng. Điều đó
thể hiện được nét bản chất của sự tồn tại hệ thống từ đồng nghĩa trong ngôn ngữ. Có
thể nói chính những khác biệt về sắc thái nói trên là lí do tồn tại của lớp từ này.
Cũng như vấn đề định nghĩa từ đồng nghĩa, cách phân loại về từ đồng nghĩa có
những khác biệt nhất định. Theo mô tả của Nguyễn Đức Tồn, từ đồng nghĩa có ba
nhóm chính:
- Các từ đồng nghĩa ý niệm: là các từ đồng nghĩa trung tính về phong cách, khác biệt
nhau về sắc thái của ý nghĩa cơ bản, chung cho mỗi từ.
Ví dụ: đừng – chớ có nghĩa chung là biểu thị ý “khuyên ngăn không nên làm
điều gì”. Tuy nhiên, hai từ này có sắc thái ý nghĩa khác nhau ở chỗ:
+ Đừng biểu thị ý khuyên ngăn nói chung. Như: đừng làm ồn, đừng khóc nữa.
+ Chớ biểu thị ý khuyên ngăn không nên làm điều gì, thường cốt để tránh sự
không hay nào đó, biểu thị thái độ dứt khoát hơn so với đừng. Như: Chớ ăn quả
xanh, chớ uống nước lã. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo (Tục ngữ).
- Các từ đồng nghĩa phong cách: là những từ đồng nhất về ý nghĩa của chúng và khác
nhau về màu sắc phong cách.
9
Có thể xác định một từ là từ đồng nghĩa phong cách khi đối chiếu nó với từ
trung tính về phong cách tương ứng. Xem xét các cặp từ đồng nghĩa phong cách sau
để thấy rõ đặc trưng của loại từ đồng nghĩa phong cách. Ví dụ:
+ Chân - Cẳng (khẩu ngữ)
+ Máy bay – Phi cơ (từ cũ)
+ Hói – Sói (từ địa phương)
- Các từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách: là những từ và các đơn vị tương đương của
chúng biểu thị cùng một khái niệm hoặc cùng một hiện tượng của hiện thực khách
quan và khác nhau không chỉ về màu sắc phong cách mà còn khác nhau về cả sắc
thái của ý nghĩa ở mỗi từ.
Chẳng hạn có các từ đồng nghĩa ý niệm – phong cách như: trinh sát, do thám,
thám thính.
+ Trinh sát: là từ thường dùng trong quân sự, có nghĩa là “dò xét, thu thập tình
hình của đối phương để phục vụ tác chiến” như máy bay trinh sát, lính trinh sát
+ Do thám và thám thính tuy cùng có nghĩa “dò xét, nghe ngóng để thu thập
tình hình” nhưng ngày nay thám thính đã ít dùng hơn; còn do thám thì thường dùng
với sắc thái ý nghĩa xấu, để nói về thực dân, đế quốc xâm lược hoặc bọn phản cách
mạng, nói chung về lực lượng phi chính nghĩa.
Ví dụ: Địch tung gián điệp đi do thám.
Tác giả Nguyễn Văn Tu từng đề xuất 2 cách phân loại từ đồng nghĩa đó là: từ
đồng nghĩa phân loại theo nguyên nhân hình thành và nguồn gốc, từ đồng nghĩa về
sắc thái ý nghĩa. Trong đó, mỗi loại lại được chia thành các tiểu loại nhỏ.
- Từ đồng nghĩa phân loại theo nguyên nhân hình thành và nguồn gốc:
+ Từ cũ và từ mới cùng tồn tại
Ví dụ: học trò (cũ) – học sinh (mới)
+ Từ địa phương và từ của tiếng phổ thông cùng tồn tại
Ví dụ: bố, cha (từ phổ thông) – tía (miền Nam)
+ Từ thuần Việt và từ vay mượn cùng tồn tại
Ví dụ: bệnh nhân (từ gốc Hán) – người bệnh (từ thuần Việt)
+ Thuật ngữ và từ thường dùng cho toàn dân cùng tồn tại
Ví dụ: trần bì (thuật ngữ đông y) – vỏ quýt (thường dùng)
- Từ đồng nghĩa phân loại theo sắc thái ý nghĩa
+ Sắc thái tình cảm: những từ này không khác nhau về nghĩa mà chỉ khác nhau
về thái độ của người nói đối với sự vật.
Ví dụ: khái niệm ăn được biểu thị bởi các từ như ăn, xơi chén, táp
+ Về phạm vi to – nhỏ, rộng – hẹp khác nhau
10
Ví dụ: lâu đài và nhà là hai từ đồng nghĩa nhưng khác nhau về phạm vi to, nhỏ.
Lâu đài là cái nhà to của những nhà quyền quý thời xưa; còn nhà chỉ chung chỗ ở.
+ Về mức độ khái quát khác nhau
Ví dụ: Từ cây cụ thể hơn từ ghép cây cối.
+ Về mức độ năng – nhẹ, cao – thấp khác nhau
Ví dụ: ngại có mức độ nhẹ hơn sợ, kinh lại có mức độ cao hơn sợ.
+ Về thái độ thân mật, kính trọng hay bình thường
Ví dụ: các từ chết, mất, toi mạng, từ trần
Chết: thái độ bình thường
Mất: thái độ thân mật
Toi mạng: thái độ khinh thường
Từ trần: thái độ kính trọng
+ Về phương pháp hay phương tiện khác nhau
Ví dụ: xóa, gạch, tẩy
Xóa: làm cho mất đi vết tích bằng giẻ lau hoặc bằng bút.
Gạch: xóa đi bằng một nét thẳng (bút, phấn )
Tẩy: xóa bằng cái tẩy
1.1.1.1.2. Từ trái nghĩa
Tác giả Giản yếu về từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt đã đưa ra nhận định “Đối
lập với hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa là hiện tượng giữa các từ (hay ngữ cố
định) có nghĩa trái ngược nhau”. Cách định nghĩa này chủ yếu dựa vào nghĩa của từ
hoặc ngữ cố định để xác định từ trái nghĩa.
Theo nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến
thì lại có định nghĩa về từ trái nghĩa trong cuốn Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt
như sau: “Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ
tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản
về logic.”
Dễ thấy rằng nếu cách quan niệm về từ đồng nghĩa cũng như cách gọi tên bộ
phận từ này của giới nghiên cứu chưa thực sự thống nhất thì với lớp từ trái nghĩa,
các ý kiến dù được diễn đạt ít nhiều có khác nhau song hầu như không có sai biệt
lớn. Về cơ bản, từ trái nghĩa được hiểu như sau: “Từ trái nghĩa là những từ khác
nhau về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa, biểu hiện khái niệm tương phản về logic nhưng
tương liên lẫn nhau”. Định nghĩa này đã nêu ra hai thuộc tính cơ bản chủ chốt của
từ trái nghĩa đó là: mang nghĩa đối lập và nằm trong thế quan hệ tương liên – dựa
vào sự thống nhất trong quan hệ ngữ nghĩa. Ví dụ: cao – thấp, dài – ngắn, lớn – bé,
11
nông – sâu, mỏng – dày Từ quan niệm đã dẫn, có thể suy ra rằng: Những từ có vẻ
đối lập nghịch nhau về nghĩa nhưng không nằm trong thế quan hệ tương liên thì nó
không phải là hiện tượng trái nghĩa. Chẳng hạn, trong các câu “Quả ớt này tuy bé
nhưng mà cay.” Hay “Cô ấy đẹp nhưng lười.” thì bé – cay, đẹp – lười có vẻ đối
nghịch nhau nhưng chúng không phải là những hiện tượng trái nghĩa, vì không nằm
trong quan hệ tương liên.
Hiện tượng trái nghĩa không chỉ xảy ra đối với hai từ nhưng thông thường, các
từ trái nghĩa thường đi theo “nhóm đôi”, còn được gọi là cặp trái nghĩa. Mỗi từ nằm
ở hai cực đối lập nhau, là âm bản và dương bản trên trục biểu thị thuộc tính, đặc
điểm nào đó của sự vật. Từ trái nghĩa được phân loại dựa vào mức độ đối lập gồm
hai nhóm:
- Đối lập về mức độ của các thuộc tính, phẩm chất của sự vật hiện tượng.
Ví dụ: mạnh – yếu, tốt – xấu, thấp – cao
- Đối lập loại trừ nhau.
Ví dụ: trai – gái, trống – mái, đúng – sai, sống – chết
Từ trái nghĩa cũng có thể được chia thành hai loại đó là: từ trái nghĩa từ vựng
và từ trái nghĩa lâm thời.
+ Từ trái nghĩa từ vựng
Ví dụ: đầu – đuôi; lành - dữ; tốt – xấu
+ Từ trái nghĩa lâm thời
Ví dụ: Sống cục đất, mất cục vàng
Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết
Hiện tượng trái nghĩa lâm thời được sử dụng rất nhiều trong cấu tạo thành
ngữ, tục ngữ, ca dao. Chính điều đó đã làm nảy ra những liên tưởng ngữ nghĩa vô
cùng thú vị.
1.1.1.1.3. Từ nhiều nghĩa
Lí giải về từ nhiều nghĩa, Lê Đình Tư, Vũ Ngọc Cân cho rằng: “Sự biến đổi ý
nghĩa của từ là một trong những hình thức hoạt động cơ bản của hệ thống từ vựng
để đáp ứng nhu cầu về các phương tiện biểu đạt. Do sự biến đổi ý nghĩa của từ mà
trong các ngôn ngữ, một số từ trở thành từ nhiều nghĩa”. Khái niệm từ nhiều nghĩa
(hay từ đa nghĩa) được hình thành từ những “xung động”, sản sinh nghĩa mới cho từ
từ những từ có sẵn. Đỗ Hữu Châu khẳng định: “Từ đa nghĩa là một từ, có sự thống
nhất về nội dung và hình thức. Trong một giai đoạn lịch sử nhất định các nghĩa
12
khác nhau của một từ đa nghĩa vẫn có liên hệ chặt chẽ với nhau và không thoát li
nghĩa chính” [2; 85-86].
Các nghĩa khác nhau trong từ nhiều nghĩa quan hệ chặt chẽ với nhau thành
một hệ thống ngữ nghĩa. Đây là một cơ sở khá quan trọng để phân biệt từ đồng âm
và từ nhiều nghĩa (mặc dù sự phân biệt này không phải khi nào cũng rạch ròi). Giữa
các nghĩa khác nhau của một từ nhiều nghĩa có sự thống nhất nào đó, dựa vào một
nét nghĩa chung trong cấu trúc biểu niệm của nghĩa cơ bản. Mỗi nét nghĩa này sẽ
tập trung chung quanh nó một nhóm từ kết quả của hiện tượng chuyển nghĩa. Ví dụ:
(1) Răng: răng lược, răng cào,…; (2) Chân: chân trời, chân ghế, chân kiềng,…
Trong từ vựng có những từ 1 nghĩa như: bươn, điềm tĩnh,… Tuy nhiên phổ
biến hơn là từ nhiều nghĩa. Các từ đơn thường nhiều nghĩa hơn các từ phức. Từ điển
tiếng Việt nêu ra 13 nghĩa của từ ăn, 12 nghĩa của từ chạy, 18 nghĩa của từ đi…
Nhóm từ chỉ các bộ phận cơ thể (đầu, cổ, thân, chân, tay, gan, ruột,…) cũng có
nhiều nghĩa. Các từ: máy, làm, dắt,… là những từ nhiều nghĩa nhưng máy bay, máy
tiện, máy nổ là những từ 1 nghĩa.
Về phân loại, các nghĩa của từ nhiều nghĩa được phân chia dựa vào những tiêu
chí sau:
- Phân loại theo quan điểm lịch đại: phân loại dựa theo quá trình phát triển,
biến đổi nghĩa của từ gồm hai loại là nghĩa gốc và nghĩa phái sinh (nghĩa nhánh).
Nghĩa gốc là nghĩa có trước. Ví dụ: nghĩa gốc của “đầu” là “bộ phận trên hết hoặc
trước hết của thân thể người hoặc loài vật, chứa bộ não”; của “xuân” là “mùa xuân
đầu tiên của năm, từ tháng giêng đến tháng ba”. Nghĩa phái sinh là các nghĩa được
hình thành sau này và dựa trên nghĩa gốc.
Ví dụ: Từ “đầu” và từ “xuân” có các nghĩa phái sinh như sau:
(1) Nghĩa phái sinh của từ “đầu”
+ Chỉ bộ phận trên cùng của sự vật (đầu van, đầu súng )
+ Bộ phận chỉ vị trí trước hết của sự vật (đầu câu, đầu làng, đầu tàu, đầu đạn,
đầu lưỡi, câu đầu, hàng đầu )
+ Vị trí danh dự, vai trò điều khiển, lãnh đạo (đầu đàn, dẫn đầu, đứng đầu )
+ Trí tuệ, ý chí (đầu não, đầu óc, đương đầu, đối đầu )
13
+ Bộ phận ở vị trí ngoài cùng, tận cùng của sự vật (đầu cầu, đầu đường, đầu
nhà, đầu đoạn, đầu dây )
(1) Nghĩa phái sinh của từ “xuân”
+ Chỉ tuổi trẻ, sức trẻ (tuổi xuân, sức xuân )
+ Một năm (Xuân này kháng chiến đã năm xuân )
Nghĩa gốc là nghĩa đầu tiên của từ nhưng không có nghĩa là nghĩa cơ bản,
phổ biến và quan trọng nhất. Có một số từ nghĩa gốc ngày nay đã trở thành nghĩa
cổ và không được sử dụng nữa. Ví dụ, thẻ với nghĩa gốc là mảnh tre dài, hẹp,
mỏng, dùng để viết chữ vào đó. Nhưng ngày nay, người ta thường dùng từ thẻ với
nghĩa phái sinh:
+ Vật chứng nhận địa vị xã hội của một người (thẻ ngà, thẻ bài )
+ Giấy chứng nhận (thẻ đỏ, thẻ đảng viên )
- Phân loại theo quan điểm đồng đại: Với đối tượng là tất cả các nghĩa hiện dùng của
từ nhiều nghĩa, dựa vào tiêu chí phân loại như đặc trưng, tính chất nghĩa của từ (khả
năng hoạt động tự do hay lệ thuộc, khả năng kết hợp cao hay thấp, phạm vi sử dụng
rộng hay hẹp, ổn định hay chưa ổn định) người ta đã phân các nghĩa khác nhau của
từ nhiều nghĩa thành ba loại: nghĩa chính, nghĩa phụ và nghĩa tu từ. Nghĩa chính
được xem là nghĩa cơ bản, làm nền tảng cho sự phát triển nghĩa của từ; là nghĩa
hoạt động tự do, có tính chất độc lập, không hoặc ít phụ thuộc vào văn cảnh; có khả
năng kết hợp rộng nhất; là nghĩa được dùng nhiều nhất trong một thời đại nhất định.
Chẳng hạn như nghĩa chính của “chân” là “chỉ chi dưới của người và động vật”, của
“vàng” là “kim loại quý, bền vững”. Nghĩa phụ là các nghĩa khác của từ đã được cố
định hóa (còn gọi là nghĩa bóng)
Ví dụ: “Chân” có các nghĩa phụ là: (1) Bộ phận dưới của đồ vật (chân bàn,
chân ghế, chân tủ ); (2) Vị trí cuối cùng của sự vật (chân đồi, chân núi, chân
tường, chân mây, chân trời ). “Vàng” có các nghĩa phụ là: (1) Quý, đáng trân trọng
(lời vàng, tấm lòng vàng ); (2) Tình yêu (hai trái tim vàng, đá vàng )
Nghĩa tu từ là nghĩa tồn tại nhất thời trong một câu nói cụ thể nào đó, mang
tính sáng tạo, tính cá nhân, được hình thành trên cơ sở nghĩa chính, nghĩa phụ.
Ví dụ: Áo chàm - thấp thoáng, ngập ngừng
Em đi chợ hội hương rừng bay theo
14
Tiếng Sli lơ lửng đỉnh đèo
Bóng áo chàm để nắng chiều lâng lâng.
Áo chàm trong đoạn thơ trên chỉ người con gái dân tộc vùng núi Tây Bắc nước
ta, nó chỉ mang nghĩa tu từ này trong một số trường hợp nhất định mà thôi. Theo
thời gian, nghĩa tu từ có thể thực hiện một cuộc chuyển di để trở thành nghĩa phụ và
tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào quyết định của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Một
nghĩa tu từ nào đó được nhiều người công nhận và sử dụng rộng rãi tức là nó đã
được xã hội hóa, dần dần sẽ trở thành nghĩa phụ và đi vào ngôn ngữ.
1.1.1.2. Đặc điểm của từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa
Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, các lớp từ trên rõ ràng có những đặc trưng
riêng về nghĩa, lần lượt thể hiện các mối quan hệ tương đồng hay tương phản, hoặc
bản thân từ hàm chứa nhiều nghĩa khác nhau, làm nên tính hấp dẫn của từ. Ở mỗi
nhóm, các lớp từ lại tạo nên những “dáng vóc” khác lạ.
Từ đồng nghĩa là những từ “khác nhau về âm thanh nhưng tương đồng với
nhau về nghĩa”. Song, từ góc nhìn của sự “gặp gỡ trong biểu đạt nghĩa đó”, cần chú
ý một số đặc điểm cơ bản sau:
- Những từ đồng nghĩa với nhau không nhất thiết phải tương đương nhau về số
lượng nghĩa. Ví dụ: Trong hai từ lui và lùi thì lui có số lượng nghĩa nhiều hơn từ lùi.
Lùi tức là di chuyển ngược trở lại về phía sau trong khi vẫn giữ nguyên tư thế như
đang tiến về phía trước. Lui có các nghĩa là di chuyển ngược lại trong không gian
theo bất cứ tư thế nào còn; chỉ hành động trừu tượng hoặc hành động diễn ra không
phải trong không gian. Người ta chỉ nói Tôi xin rút lui ý kiến chứ không nói Tôi xin
rút lùi ý kiến.
- Trong mỗi nhóm từ đồng nghĩa thường có một từ mang nghĩa chung, được
dùng phổ biến và trung hòa về mặt phong cách, có tần số xuất hiện cao, được lấy
làm cơ sở để tập hợp và so sánh, phân tích các từ khác. Từ đó gọi là từ trung tâm
của nhóm. Ví dụ: từ ăn trong nhóm ăn, xơi, chén, nhậu, dùng, đớp, tợp Về mặt
hình thức, nếu trong nhóm có cả từ đơn tiết và đa tiết thì từ trung tâm thường là từ
đơn tiết, đó cũng là từ có khả năng tạo từ phái sinh cao nhất. Ví dụ: hiền là từ trung
tâm trong dãy đồng nghĩa hiền - hiền lành – hiền hậu – hiền từ - nhân hậu – nhân
15
từ ; ác là từ trung tâm trong dãy đồng nghĩa ác – dữ - độc ác – hiểm độc – ác
nghiệt Cũng cần lưu ý rằng, một từ nhiều nghĩa có thể đồng thời tham gia vào
nhiều nhóm đồng nghĩa khác nhau nên có thể ở nhóm này nó là từ trung tâm nhưng
ở nhóm khác nó không mang tư cách đó.
- Trong nhóm từ đồng nghĩa bao giờ cũng có sự tương đồng và dị biệt. Sự
tương đồng sẽ có ở tất cả các từ còn sự dị biệt sẽ có ở từng từ trong nhóm. Ví dụ:
Trong câu “Con chim bé bỏng trở nên nhỏ nhoi giữa cái rộng lớn, bát ngát của trưa
hè.”, dù mang nghĩa giống nhau nhưng “bé bỏng” và “nhỏ nhoi” vẫn có những dị
biệt thú vị. “Bé bỏng” gợi dáng vẻ nhỏ nhắn, đáng yêu nhưng “nhỏ nhoi” lại tạo ấn
tượng về sự “mỏng manh, yếu ớt” trong bức tranh đối lập “rộng lớn, bát ngát” của
trưa hè.
- Các từ đồng nghĩa phải thuộc cùng một từ loại. Chẳng hạn như:
+ Từ đồng nghĩa là động từ: ăn, xơi, chén, táp
+ Từ đồng nghĩa là danh từ: ô, dù
+ Từ đồng nghĩa là tính từ: trắng, trắng trẻo, trắng muốt
Khác với từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa mang đặc tính cân xứng về hình thức
(số lượng âm tiết) và dung lượng nghĩa. Ví dụ: nặng – nhẹ > nặng nề - nhẹ nhàng;
to – nhỏ > to lớn – nhỏ bé; khổng lồ - tí hon Từ trái nghĩa còn mang những đặc
điểm nổi bật sau:
- Cũng như hiện tượng đồng nghĩa, thực chất của trái nghĩa là so sánh các
nghĩa chứ không phải so sánh từ. Vậy nên các từ có thể đối lập nhau chỉ ở một hoặc
một vài nghĩa nào đó, dẫn đến mỗi từ cũng có thể tham gia vào nhiều cặp trái nghĩa
khác nhau. Ví dụ: nhạt – ngọt, nhạt – mặn; lành – dữ, lành – độc.
- Từ trái nghĩa có chung khả năng kết hợp. Nếu một từ có thể kết hợp với
những từ nào đó thì từ còn lại cũng có khả năng này. Ví dụ: canh nhạt – canh mặn;
cây chót vót – cây lè tè; đi nhanh – đi chậm; yêu nhau – ghét nhau
- Hai từ trong một cặp trái nghĩa sẽ có khả năng cùng gặp trong một lập luận
đối nghịch. Ví dụ: dốt đặc hơn hay chữ lỏng; no bụng đói con mắt; chết vinh còn
hơn sống nhục
16
- Các từ trái nghĩa mang tính quy luật của những liên tưởng đối lập, nhắc đến
vế thứ nhất, người ta nghĩ ngay đến vế thứ hai. Trường hợp có tranh chấp thế đối
lập cơ bản (chẳng hạn to – nhỏ đối lập mạnh hơn là to – bé)
Từ nhiều nghĩa lại được biết đến với những đặc tính sau:
- Đa số từ đa nghĩa là những từ đơn âm, vốn có từ lâu đời. Ví dụ như các từ:
ăn, mặt, nước, xuân
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã 76 lần sử dụng từ mặt. Trong đó, có lúc dùng:
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình như trong đã, mặt ngoài còn e.
Có khi nhà thơ lại viết:
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Hay:
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
- Từ nhiều nghĩa làm tiết kiệm ngôn ngữ, làm gọn cấu trúc, cô đọng hệ thống
ngôn từ. Đồng thời tạo cho người dùng sự thuận tiện khi tiếp nhận, lĩnh hội nghĩa
của từ. Ví dụ: Từ “đọng” trong các câu sau có những biến điệu về nghĩa, “làm gọn
cấu trúc” nhưng lại gia tăng mức độ biểu cảm: Giọt sương đọng trên lá.; Tiếng
chim còn đọng lại trong bóng chiều.
- Các nghĩa trong từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối quan hệ chặt chẽ với
nhau và không bao giờ thoát li nghĩa chính. Ví dụ: hòn đá: chỉ chất rắn có sẵn trong
tự nhiên, thường thành tảng, hòn, rất cứng; nước đá: chỉ nước đông cứng lại thành
tảng giống như đá.
- Từ nhiều nghĩa do cơ chế chuyển nghĩa tạo thành. Quy luật chuyển nghĩa của
từ nhiều nghĩa gồm hai kiểu: Tạo nên từ nhiều nghĩa thông qua phương thức chuyển
nghĩa ẩn dụ hay hoán dụ; tạo nên từ nhiều nghĩa nhờ mở rộng hay thu hẹp nghĩa.
Ví dụ:
(1) Tạo từ nhiều nghĩa thông qua phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ.
+ Sự giống nhau về hình thức: răng người/ răng bừa, răng cào
17
+ Sự giống nhau về màu sắc: màu da cam, màu cánh sen, màu cà phê
+ Sự giống nhau về chức năng: đèn dầu, đèn Hoa Kì, đèn điện
+ Sự giống nhau về âm thanh: tiếng người hú, tiếng gió hú, tiếng chó sói hú
(2) Tạo từ nhiều nghĩa nhờ mở rộng nghĩa.
Nghĩa hẹp của từ muối: tinh thể để ăn được chế biến ra từ nước biển.
Chuyển sang nghĩa rộng: bất cứ hợp chất nào được tạo ra do tác dụng của axit
và bazơ.
1.1.2. Phát triển năng lực giao tiếp qua dạy học từ đồng nghĩa, từ trái
nghĩa, từ nhiều nghĩa
1.1.2.1. Vài nét về quan điểm giao tiếp trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học
Quan điểm dạy học giao tiếp được manh nha từ rất lâu và đang thực sự được
đánh thức bởi những định hướng, nỗ lực phát triển thực sự năng lực lời nói cho
người học. Nguyễn Trí đã khẳng định rằng: “Dạy ngôn ngữ dạng nói và dạng viết
trong giao tiếp và để giao tiếp là xu hướng hiện đại trong việc dạy tiếng mẹ đẻ mà
nhiều nước đang phấn đấu thực hiện” [16; 14]. Ông cũng dẫn ra những “tuyên
ngôn” về dạy tiếng ở Đức, Ma-lai-xi-a, Pháp và Anh để làm rõ điều này. Ngay từ
năm 1987, theo cứ liệu của Nguyễn Trí, chương trình dạy tiếng Đức đã nhấn mạnh:
“Nguyên tắc chỉ đạo việc quy hoạch và tổ chức dạy học tiếng mẹ đẻ ở nhà trường là
triệt để phục vụ cho năng lực giao tiếp”; còn chương trình dạy tiếng Pháp của bang
Quy-bách (Canađa) thì cho rằng: “Việc sử dụng lời nói như một công cụ giao tiếp
phản ánh trước hết qua một tổng thể các kĩ năng” [16; 14-15].
Dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp cũng được xem là một định
hướng cơ bản, xuyên suốt chương trình Tiếng Việt hiện hành ở tiểu học. Nguyên tắc
này đặt ra những yêu cầu cụ thể như sau:
- Chú ý đúng mức nhu cầu giao tiếp cho học sinh, mở ra không gian giao tiếp cần
thiết cho sự phát triển năng lực lời nói của người học; kích thích hứng thú giao tiếp
Tình huống giao tiếp giả định là khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong việc
tạo môi trường, động lực giao tiếp cho học sinh. Đó là những tình huống giao tiếp
do các nhà sư phạm đặt ra, là công cụ để dạy hội thoại. Mỗi tình huống giao tiếp giả
định là một bài toán về giao tiếp mà học sinh cần tìm ra lời giải. Giáo viên cần nắm
18
nhu cầu nói, viết của học sinh để có thể xây dựng những tình huống giao tiếp giả
định phù hợp, tạo sự hứng thú, hấp dẫn các em tham gia. Bên cạnh đó, cần tạo
những kích thích giao tiếp bằng cách đặt người học vào những cảnh huống ngôn
ngữ với những nhiệm vụ cần giải quyết bằng con đường giao tiếp.
- Tạo hoàn cảnh giao tiếp tốt, tích cực và thân thiện.
Người tổ chức cần xây dựng những tình huống giao tiếp gần gũi với cuộc
sống, kinh nghiệm của học sinh; câu hỏi phải nằm trong vùng phát triển gần nhất,
không quá dễ khiến các em chủ quan nhưng cũng không quá khó gây cảm giác chán
nản, mệt mỏi.
Đồng thời với những phác thảo, định hướng về nội dung dạy học là sự vận
động để đổi mới của hệ thống phương pháp, trong đó phương pháp sử dụng tình
huống có vấn đề để dạy học Tiếng Việt luôn được quan tâm đúng mức. Một tình
huống có vấn đề được xây dựng trên ba yếu tố: nhiệm vụ nhận thức, nhu cầu nhận
thức, khả năng nhận thức của chủ thể. Mỗi tình huống có vấn đề có thể biểu hiện
dưới dạng một bài tập có vấn đề. Bài tập này phải tạo ra mâu thuẫn giữa những tri
thức học sinh đã biết với hiện tượng mới các em chưa biết, từ đó làm nảy sinh khát
khao tìm hiểu hiện tượng mới lạ đó. Ngoài ra, trong tổ chức dạy học tiếng, phương
pháp thảo luận nhóm cũng mang lại những hiệu quả nhất định, gia tăng các hoạt
động giao tiếp thực thụ, thiết lập những mối quan hệ tích cực giữa học sinh với học
sinh, giữa học sinh với giáo viên và với các tài liệu học tập Phương pháp này tạo
điều kiện để học sinh luyện tập kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác, khả năng thích
ứng với hoàn cảnh xung quanh, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tích cực. Tạo
điều kiện để học sinh có cơ hội học hỏi, giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau.
Xuất phát từ đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học, dạy học tiếng theo quan
điểm giao tiếp khá “ưu ái” phương pháp sử dụng trò chơi học tập. Trò chơi học tập
còn là một hình thức dạy học nhằm hình thành, củng cố tri thức, kĩ năng học tập cho
học sinh một cách sinh động, hấp dẫn, kích thích hứng thú học tập cho học sinh. Trò
chơi học tập cần phải được chuẩn bị kĩ lưỡng, có luật chơi rõ ràng, đơn giản, dễ
nhớ, dễ thực hiện, thời gian thực hiện ngắn, phù hợp trình độ của học sinh. Cần sử
dụng trò chơi học tập đúng lúc, đúng chỗ, không nên lạm dụng làm mất thời gian.
19
Thời điểm tốt nhất để sử dụng trò chơi học tập là vào cuối tiết học, lúc học sinh có
dấu hiệu mệt mỏi.
Phương pháp thực hành giao tiếp, ngay tên gọi, đã mang đến một luồng sinh
khí mới cho dạy học tiếng hiện nay. Phương pháp thực hành giao tiếp là cách thức
sử dụng các bài tập tình huống giao tiếp để rèn cho học sinh năng lực ngôn ngữ. Với
việc đóng vai các nhân vật trong những tình huống giao tiếp giả định đó, học sinh sẽ
thực hành các hành vi ngôn ngữ thường gặp trong đời sống thực.
Những định hướng mới về phát triển năng lực giao tiếp trong dạy học tiếng ở
nhà trường một lần nữa đặt ra những thử thách mới cho người dạy và người học.
Nắm vững những vấn đề lí luận về dạy học giao tiếp giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá
trình tổ chức và nâng cao chất lượng rèn các kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học
sinh tiểu học.
1.1.2.2. Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa với việc phát triển
năng lực giao tiếp cho học sinh Tiểu học
Đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa là các lớp từ vựng được sử dụng thường
xuyên trong hoạt động giao tiếp. Mỗi lớp từ có một đặc trưng riêng (đồng nghĩa có
tác dụng miêu tả, thay thế, tránh lỗi lặp, giúp cho hình thức diễn đạt trở nên sinh
động hơn ; trái nghĩa làm cho sự vật được miêu tả nổi bật và giàu sắc thái biểu cảm
hơn ; nhiều nghĩa đáp ứng nhu cầu về các phương tiện biểu đạt ) nhưng tất cả đều
hướng đến một mục tiêu chung là làm cho hiệu quả giao tiếp đạt được cao hơn.
Phát triển năng lực giao tiếp của học sinh đang là yêu cầu có tính cấp thiết,
thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay (chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện
trong giáo dục, thay sách giáo khoa ). Năng lực ngôn ngữ của học sinh cần được
phát triển, trong đó cần lưu ý phát triển kiến thức, kĩ năng từ vựng, trong đó có tri
thức và kĩ năng sử dụng các lớp từ đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa – những đơn
vị ngôn ngữ được sử dụng hiệu quả và rộng rãi hằng ngày trong đời sống.
Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa luôn là những lớp từ có khả năng biểu đạt nghĩa
sinh động, uyển chuyển và nhiều màu sắc. Trong các tác phẩm văn học, các văn bản
nhật dụng hay trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, các lớp từ này đóng vai trò là những
phương tiện ngôn ngữ đặc biệt, giúp chuyển tải những thông điệp thẩm mĩ, tư
20
tưởng, tình cảm đến với người đọc, người nghe một cách trọn vẹn. Tô Hoài đã
mượn lớp từ đồng nghĩa để phác thảo nên bức tranh “Quang cảnh làng mạc ngày
mùa”: “Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe.
Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như
những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ,
chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi Những tàu lá chuối vàng ối xõa
xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng
như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn
trắng ”. Trong khi đó, dấu ấn đậm nét của thành ngữ tiếng Việt là nghệ thuật sử
dụng các cặp từ trái nghĩa: kẻ ở người đi, kẻ trước người sau, khôn ba năm dại một
giờ, khôn ăn cái dại ăn nước, mặt nặng mày nhẹ, mật ít ruồi nhiều, mềm nắn rắn
buông, một còn một mất Nếu từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa xếp thành các “lớp từ”
thì từ đa nghĩa lại một mình cho thấy sức mạnh biểu đạt nghĩa. Trong một “cơ thể”
bé nhỏ, những “cái được biểu đạt” mang sắc thái khác nhau đem lại cho lời nói sức
hấp dẫn rất lớn. Chẳng hạn như sự biến điệu nghĩa của từ “nhìn” trong câu “Nhờ
anh, tôi đã nhìn ra sự thật” so với câu “Ba bốn bà ké nhìn ra, nhớ những ngày vui
các đồng chí đóng quân tại nhà mình”.
Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa và từ nhiều nghĩa bản thân nó đã hàm chứa nguồn
năng lượng dồi dào cho việc sáng tạo ngôn bản. Dạy học từ đồng nghĩa, từ trái
nghĩa, từ nhiều nghĩa một mặt giúp học sinh phát triển vốn từ, làm giàu vốn từ dựa
trên mối quan hệ về nghĩa (tương đồng hoặc tương phản, liên nghĩa); mặt khác, nó
hướng tới rèn cho học sinh kĩ năng sử dụng từ ngữ nhằm biểu đạt tư tưởng, cảm xúc
bằng những cách thức, phương tiện ngôn ngữ khác nhau. Và do vậy, hiệu quả giao
tiếp của học sinh sẽ được nâng cao.
1.1.3. Đặc điểm tâm lí, tư duy của học sinh trong tiếp nhận từ đồng nghĩa,
từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa
Học sinh tiểu học thường có các đặc trưng về tâm lí đặc biệt và có sự khác
nhau về tâm lí giữa học sinh đầu và cuối cấp. Lúc này, trẻ đã bước qua thời kì mà
“hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi” để bước vào “cuộc sống mới”. Đây là
một bước ngoặc trong cuộc đời các em. Người giáo viên cần có tri thức, kiến thức
21
cũng như có phương pháp tốt để có thể giúp đỡ các em trong những thời điểm
chuyển giao quan trọng này.
Trong hành trình phát triển, học sinh tiểu học cũng mang trong mình những
đặc điểm tâm lí tích cực, thuận lợi cho việc tiếp nhận và sử dụng các lớp từ có quan
hệ về ngữ nghĩa. Các em hứng thú với những điều mới lạ, với những “trực quan” lời
nói sinh động và hấp dẫn. Mặc dù năng lực khái quát hóa, trừu tượng hóa chưa cao;
khả năng chú ý và ghi nhớ còn nhiều hạn chế nhưng ở độ tuổi này, học sinh thích
nghi khá nhanh với các môi trường giao tiếp tích cực được mở ra trong dạy học các
lớp từ vựng và dạy về nghĩa của từ. Đa phần các em có mong muốn được thể
nghiệm mình, được kiến tạo những câu nói hay để “chinh phục” bạn bè và “ghi tên
bảng vàng” dành cho những “cây Tiếng Việt”.
Đối với học sinh lớp 5, sự phát triển về ý thức đã có sự thay đổi từ cấp độ thấp
nhất là tiếp nhận một cách vô thức lên tiếp nhận có ý thức. Học sinh càng về cuối
bậc Tiểu học càng có sự phát triển về ý thức hơn. Tuy nhiên, sức tập trung của các
em lúc này chưa vẫn chưa thật sự bền vững; những yếu tố “gây nhiễu” trong ngữ
liệu dạy học hay hình thức tổ chức lớp học có thể làm cho các em phải di chuyển sự
chú ý nhiều. Tâm lí học sinh lúc này bắt đầu chuyển sang chú ý có chủ định, gọi là
tiền chủ định. Sự chú ý này giúp các em thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận nội dung
kiến thức về từ, đặc biệt là các khái niệm phức tạp về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa,
từ nhiều nghĩa. Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa và từ nhiều nghĩa – với những đặc tính
về sự đa dạng, linh hoạt, nhiều màu sắc - đã làm được việc “tạo nên ấn tượng mới
mẻ, thú vị” ở người học. Hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa của ngôn
ngữ kích thích mạnh mẽ hứng thú tiếp nhận, tạo được sự hào hứng cho học sinh.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc thành công trong truyền thụ kiến thức có thể đạt
được một cách dễ dàng hơn. Các từ đồng nghĩa mang đến lợi ích về cách thức biểu
đạt nghĩa, tránh lỗi lặp trong dùng từ. Học sinh sẽ thấy được cái hay khi cùng một
sự vật hiện tượng, tính chất, trạng thái, hoạt động lại được biểu thị bởi rất nhiều từ
khác nhau. Trong khi đó, từ trái nghĩa lại tạo nên sự nổi bật về nghĩa của đối tượng
trong câu khiến học sinh thích thú khi đặt chúng cạnh nhau trong những trò chơi
ngôn từ. Hiện tượng nhiều nghĩa của từ lại giúp học sinh nhìn thấy vẻ đẹp “bên
trong” từ, so sánh để chọn lựa cách biểu đạt tinh tế và hiệu quả nhất. Khi học sinh
22
tiếp nhận dễ dàng và sử dụng tốt từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa thì
ngôn ngữ các em sẽ phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn.
Từ việc ý thức được sự cần thiết và quan trọng của việc tiếp thu từ đồng nghĩa,
từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa, học sinh sẽ thấy được tầm quan trọng của việc học từ
nói chung. Từ đó, ngôn ngữ của các em sẽ phát triển hơn, biết sử dụng ngôn ngữ
sáng tạo hơn không chỉ trong học tập mà còn trong giao tiếp hằng ngày.
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.2.1. Nội dung dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa trong
chương trình Tiếng Việt 5
1.2.1.1. Nội dung dạy học lí thuyết
Nội dung dạy học lí thuyết về các lớp từ vựng: từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ
nhiều nghĩa chỉ xuất hiện ở lớp cuối cấp bậc Tiểu học với số lượng ít, chủ yếu là các
bài luyện tập thực hành. Chúng tôi đã thống kê và lập bảng mô tả các nội dung dạy
học lí thuyết về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa như sau:
Stt Tên bài Tuần Nội dung lí thuyết (ghi nhớ)
1 Từ đồng nghĩa 1
1. Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống
nhau hoặc gần giống nhau.
2. Có những từ đồng nghĩa hoàn toàn, có thể
thay thế cho nhau trong lời nói.
3. Có những từ đồng nghĩa không hoàn toàn.
Khi dùng những từ này, ta phải cân nhắc để lựa
chọn cho đúng.
2 Từ trái nghĩa 4
1. Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược
nhau.
2. Việc đặt các từ trái nghĩa bên cạnh nhau có
tác dụng làm nổi bật những sự vật, sự việc, hoạt
động, trạng thái, đối lập nhau.
3 Từ nhiều nghĩa 7
Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một
hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ
nhiều nghĩa có mối liên hệ với nhau.
Nhìn chung, các bài dạy lí thuyết có cấu trúc thống nhất theo các bước: (1)
Phân tích các hiện tượng ngôn ngữ; (2) Rút ra các kết luận cần ghi nhớ; (3) Thực
hành, vận dụng tri thức từ vựng vào giải quyết các nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, có
thể nhìn thấy sự khác biệt về nội dung thông tin ở ba bài dạy nêu trên. Ngoài việc
23
cung cấp khái niệm sơ giản nhất về các loại từ, kiểu từ, sách giáo khoa đã chọn lựa
những vấn đề cụ thể, đặc trưng của từng đơn vị từ vựng để giới thiệu cho học sinh.
Theo đó, vấn đề phân loại từ đồng nghĩa (dựa vào mức độ đồng nghĩa chia thành
đồng nghĩa hoàn toàn và đồng nghĩa không hoàn toàn). Cơ sở khoa học của tri thức
này là dựa vào “khả năng thay thế” của các từ đồng nghĩa trong giao tiếp. Có nghĩa
là, mục tiêu hành dụng của lớp từ vựng đồng nghĩa đã được chú ý khai thác triệt để.
Ở bài dạy về từ trái nghĩa, kiến thức mở rộng và là chìa khóa để học sinh tổ chức
thực hành ngôn ngữ chính là giá trị “làm nổi bật sự vật, hành động, tính chất”.
Những phân tích thấu đáo và các ví dụ minh họa không những giúp học sinh nhận
hiểu rõ ràng về từ trái nghĩa mà còn kích thích ở các em nhu cầu, hứng thú sáng tạo.
So với hai bài lí thuyết về các lớp từ vựng nêu trên, từ nhiều nghĩa được giới
thiệu khá nhẹ nhàng, súc tích. Mối liên hệ của các nghĩa trong từ đa nghĩa được
nhấn mạnh như một đặc trưng cơ bản của kiểu từ này. Đồng thời, quan niệm phân
loại các nghĩa của từ nhiều nghĩa cũng được nêu rõ: gồm “nghĩa gốc và một hay
một số nghĩa chuyển”.
Có thể nói, đối với học sinh lớp 5, việc hoàn bị các tri thức cơ bản về lớp từ
vựng có quan hệ về nghĩa và tính nhiều nghĩa của từ là vô cùng cần thiết. Theo
nguyên tắc tinh giản, chọn lọc, gắn với mục tiêu sử dụng trong hoạt động giao tiếp,
những nội dung trình bày trong ba tiết lí thuyết đảm bảo đáp ứng được việc bổ sung
kiến thức về các đơn vị ngôn ngữ cho học sinh, đồng thời giúp các em có được
những chỉ dẫn cần thiết để vận hành các lớp từ nhằm đạt hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
1.2.1.2. Hệ thống bài tập
Mặc dù nội dung dạy học lí thuyết về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều
nghĩa được dạy ở lớp 5 nhưng các bài tập lại có mặt khá sớm. Ngay từ lớp 2, bài tập
về các lớp từ này đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các bài tập này vẫn còn đơn giản
và số lượng khá ít. Để có cái nhìn hệ thống hơn về hệ thống bài tập về từ đồng
nghĩa, trái nghĩa và nhiều nghĩa, chúng tôi đã khảo sát, phân loại hệ thống bài tập
thành từ lớp 2 đến lớp 5 như sau:
Stt Dạng bài tập Lớp Ví dụ minh họa
1 Thay thế từ,
cụm từ cùng lớp
2 Hãy thay các cụm từ khi nào trong các câu hỏi
dưới đây bằng các cụm từ khác (bao giờ, lúc nào,
24
từ vựng
tháng mấy, mấy giờ ):
a) Khi nào lớp bạn đi thăm viện bảo tàng?
b) Khi nào trường bạn nghỉ hè?
c) Bạn làm bài tập này khi nào?
d) Bạn gặp cô giáo khi nào?
2
Cho sẵn từ, câu,
đoạn, yêu cầu
xác định lớp từ
2
Xếp các từ dưới đây thành từng cặp từ trái nghĩa:
đen, phải, sáng, trắng, trái, xấu, hiền, tốt, ít, gầy,
tối, nhiều, béo, dữ.
3
Xếp các từ dưới đây vào nhóm thích hợp: đất
nước, dựng xây, nước nhà, giữ gìn, non sông, gìn
giữ, kiến thiết, giang sơn.
a) Những từ cùng nghĩa với Tổ quốc.
b) Những từ cùng nghĩa với bảo vệ.
c) Những từ cùng nghĩa với xây dựng.
5
Tìm từ đồng nghĩa trong đoạn văn sau:
Chúng tôi kể chuyện về mẹ của mình. Bạn Hùng
quê Nam Bộ gọi mẹ bằng má. Bạn Hòa gọi mẹ
bằng u. Bạn Na, bạn Thắng gọi mẹ là bu. Bạn
Thành quê Phú Thọ gọi mẹ là bầm. Còn bạn
Phước người Huế lại gọi mẹ là mạ.
3
Cho từ, yêu cầu
tìm những từ
khác cùng lớp
từ vựng
4
Tìm các từ ngữ:
a) Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương
đồng loại.M: lòng thương người
b) Trái nghĩa với nhân hậu hoặc yêu thương.
M: độc ác
c) Thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ đồng loại.
M: cưu mang
d) Trái nghĩa với đùm bọc hoặc giúp đỡ.
M: ức hiếp.
5
Tìm những từ đồng nghĩa với mỗi từ sau đây:
đẹp, to lớn, học tập.
M: đẹp - xinh
4
Vận dụng lớp từ
để đặt câu
5
Đặt hai câu để phân biệt một cặp từ trái nghĩa
vừa tìm được.
5
Chọn một trong hai từ dưới đây và đặt câu để
phân biệt các nghĩa của từ ấy:
a) Đi
- Nghĩa 1: tự di chuyển bằng bàn chân.
-Nghĩa 2: mang vào chân hoặc tay để che, giữ.
b) Đứng
- Nghĩa 1: ở tư thế thân thẳng, chân đặt trên nền.
- Nghĩa 2: ngừng chuyển động.
5 Xác định nghĩa 5 Trong những câu nào, các từ mắt, chân, đầu
25
của từ nhiều
nghĩa
mang nghĩa gốc và trong những câu nào, chúng
mang nghĩa chuyển?
a) Mắt
- Đôi mắt của bé mở to.
- Quả na mở mắt.
b) Chân
- Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
- Bé đau chân.
c) Đầu
- Khi viết, em đừng ngoẹo đầu.
- Nước suối đầu nguồn rất trong.
Trong hệ thống bài tập trên, các dạng bài tập (1), (2), (3), (4) được dùng cho
lớp từ đồng nghĩa và lớp từ trái nghĩa. Dạng (4), (5) được sử dụng cho lớp từ nhiều
nghĩa. Dạng (5) là dạng bài tập phổ biến dành riêng cho lớp từ nhiều nghĩa. Các bài
tập này đều được phân bố chủ yếu trong phân môn Luyện từ và câu. Số lượng bài
tập nhiều nhất nằm ở chương trình Tiếng Việt lớp 5.
Các bài tập theo mạch kiến thức, kĩ năng về các lớp từ vựng thường được chia
thành hai nhóm với hai mục tiêu cơ bản: hệ thống hóa vốn từ và tích cực hóa vốn
từ. Theo nguyên tắc tích hợp, hệ thống bài tập nói trên cũng được cấu trúc dưới
dạng thức “lặp lại”, đồng tâm và phát triển. Yêu cầu kĩ năng và cách sử dụng thuật
ngữ, tên gọi các lớp từ cũng được phát triển dần từ dễ đến khó, từ cụ thể đến khái
quát. Tuy các bài tập có số lượng không nhiều nhưng mật độ phân bố khá đều đặn ở
các khối lớp, tạo điều kiện cho việc rèn luyện kĩ năng sử dụng từ ngữ đồng nghĩa,
trái nghĩa hay nhiều nghĩa trong quá trình tạo lập phát ngôn. Những bài tập này
cũng có tác dụng hỗ trợ luyện nói, viết trong các phân môn Kể chuyện và Tập làm
văn.
1.2.2. Thực trạng dạy học và xây dựng tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ
trái nghĩa, từ nhiều nghĩa tại thành phố Huế
Thông qua dự giờ, khảo sát bằng phiếu điều tra từ 7 giáo viên đảm nhiệm
công tác giảng dạy lớp 5 tại các trường Tiểu học Vỹ Dạ, số 3 Quảng Thành, số 1
Phú Bài, chúng tôi đã tiến hành phân tích và bước đầu đánh giá một số vấn đề cơ
bản của thực trạng dạy học, sử dụng tư liệu dạy học từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa,
từ nhiều nghĩa.