Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

Phong cách hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (154.79 KB, 15 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Phong cách Hồ Chí Minh bao gồm một hệ thống lề lối, cung cách, cách
thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp trong tất cả các hoạt
động, công tác, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt.v.v Đó là phong cách rất mẫu
mực của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, nó gắn bó mật thiết với tư
tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Nếu tư tưởng đường lối có tính quyết
định nhất, thì phương pháp là những cách thức có tính nguyên tắc để đưa đường lối
vào cuộc sống. Nhưng phương pháp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động cụ thể
của những con người cụ thể với những phong cách, trình độ khác nhau.
Phong cách có liên quan chặt chẽ với đạo đức, đạo đức được thể hiện qua
phong cách, qua phong cách có thể đánh giá được đạo đức, đánh giá được nhân
cách của một con người. Do đó, muốn xây dựng cho mình một phong cách mới,
phong cách mang tính cách mạng và khoa học là công việc của mỗi người phải
phấn đấu bền bỉ suốt đời.
Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm:
phong cách tư duy; phong cách lãnh đạo; phong cách diễn đạt; phong cách
sống;.v.v
Nét đặc sắc nhất trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập,
tự chủ, sáng tạo. Độc lập là không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự
chủ là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã qua thực tiễn kiểm nghiệm là sai, những cái
cũ lạc hậu, lỗi thời, những cái cũ đã đúng trước kia nhưng nay không còn phù hợp,
để tiến tới đề xuất những cái mới có thể trả lời được những câu hỏi mà cuộc sống
đang đặt ra. Cái sáng tạo ở Hồ Chí Minh là cái mới phù hợp với quy luật khách
quan của cách mạng Việt Nam, cũng như phù hợp với quy luật phát triển chung của
xã hội. Tư duy đó, luôn hướng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao trình độ
văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức rất phong phú sâu rộng,
đây chính là điều kiện không thể thiếu để có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Để làm sang tỏ và nhận thức đúng đắn hơn về phong cách của Hồ Chí Minh
trên các lĩnh vực, người viết chọn đề tài “Phong cách Hồ Chí Minh” làm tiểu luận
của mình.


2. Tình hình nghiên cứu
Cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh đã là đề tài nghiên cứu của các tác giả
trong và ngoài nước. Nét khác biệt cơ bản trong phong cách Hồ Chí Minh không
chỉ thể hiện qua các tác phẩm bài nói bài viết, mà còn được thể hiện thong qua
chính cuộc đời giản dị của Người. Có nhiều tác phẩm đã đề cập và nghiên cứu vấn
đề này như: "Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị" của tác giả
Lê Anh Trà, trích trong cuốn sách "Hồ Chí Minh và văn hoá Việt Nam" Viện Văn
hoá xuất bản, Hà Nội, 1999;
Ngoài ra còn có các bài viết được đang trên các tạp chí Đảng cộng sản, tạp chí
Chủ nghĩa xã hội khoa học…
3. Nhiệm vụ của đề tài
Để đạt được mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ của đề tài cần làm rõ những vấn
đề:
- Đôi nét về Hồ Chí Minh
- Phong cách Hồ Chí Minh
- Ảnh hưởng của phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng
Việt Nam
4. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận sử học, chủ yếu sử dụng phương pháp luận sử học,
phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phương pháp phân tích tổng hợp…
6. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung đề tài được chia thành 3 phần:
Phần 1: Đôi nét về Hồ Chí Minh
Phần 2: Phong cách Hồ Chí Minh
Phần 3: Ảnh hưởng của phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách
mạng Việt Nam
CHƯƠNG I: ĐÔI NÉT VỀ HỒ CHÍ MINH
CHƯƠNG II: PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
1. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, phát triển theo

logic đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết (phong cách diễn
đạt) và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày (phong cách làm việc,
phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt). Năm mặt chủ yếu này tạo
thành hệ thống phong cách Hồ Chí Minh trong đó phong cách tư duy giữ
vai trò chủ đạo, chi phối và được thể hiện thông qua các phong cách
khác. Vậy, phong cách tư duy là gì? những nội dung chủ yếu và sự cần
thiết của việc xây dựng phong cách tư duy cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo,
quản lý theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh?
Về khái niệm “phong cách tư duy” có nhiều cách hiểu khác nhau dưới
nhiều góc độ khác nhau. ở đây, có thể thấy, “phong cách” là cái riêng,
độc đáo, có tính hệ thống, ổn định và đặc trưng của chủ thể được thể hiện
cả trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn”. Còn “tư duy” là
quá trình phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan
của con người và được tiến hành bằng thao tác phân tích, tổng hợp, so
sánh, đối chiếu để đi đến những quan điểm, tư tưởng. Có thể khái quát
“phong cách tư duy là những đặc điểm riêng, có tính hệ thống, ổn định
trên cơ sở thực hiện phương pháp tư duy của một chủ thể nhất định”.
Trong phong cách tư duy có sự thống nhất giữa cách thức thực hiện
phương pháp tư duy với nội dung và kết quả của tư duy. Bởi lẽ, khi tư
duy tức là chủ thể đang thực hiện một phương pháp tư duy nhất định.
Bằng phương pháp đó và thông qua phương pháp đó với những nội dung
tri thức nhất định, chủ thể sẽ đạt được kết quả của quá trình tư duy. Đó là
những tư tưởng, quan điểm. Do đó, phong cách tư duy là sự thống nhất
của các yếu tố: cách thức tư duy, nội dung tư duy, kết quả tư duy và mục
đích của tư duy. Sự tổng hợp của các yếu tố này tạo thành phong cách ở
mỗi chủ thể là khác nhau. Vì vậy, phong cách tư duy bao giờ cũng thể
hiện ra thành những đặc trưng cụ thể và phong cách tư duy chính là sự
hoà quyện của cả phương pháp tư duy, quá trình tư duy và kết quả của
quá trình ấy. Khi nghiên cứu các đặc trưng của phong cách tư duy Hồ Chí
Minh chúng ta có thể nêu ra sáu đặc trưng cơ bản sau:

Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đây là đặc trưng nổi bật,
bao trùm nhất, điển hình cho phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Đặc trưng
này được thể hiện ngay khi Người còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến
sự lựa chọn con đường cứu nước, trong việc xác định kẻ thù chính của
dân tộc mình và cả quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau này.
Chính nét đặc sắc này đã làm cho phong cách tư duy của Người vừa
mang tính dân tộc, vừa có tính thời đại, vừa có giá trị phổ biến bền vững,
vừa có tính độc đáo rất riêng.
Mọi suy nghĩ đều xuất phát từ thực tiễn. Như trên đã phân tích, tư
duy Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Nhưng sáng tạo
trong tư duy Hồ Chí Minh là sáng tạo trên nền thực tiễn Việt Nam. Cùng
với tính sáng tạo thì tư duy của Người luôn gắn với thực tiễn đất nước và
thời đại. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn mà Người đưa ra những luận
điểm đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Do
đó, có thể thấy phong cách tư duy Hồ Chí Minh là một điển hình cho sự
vận dụng phép biện chứng duy vật, quan điểm lấy thực tiễn là cơ sở,
điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý. Điều này thể hiện rất rõ
trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Kế thừa và phát triển, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một vĩ nhân với
một phong cách tư duy độc lập tự chủ sáng tạo, thiết thực, gắn với thực tiễn là
bởi vì Người “đã biết làm giàu vốn trí tuệ của mình bằng những di sản quí
báu của văn hoá nhân loại. Người biết kế thừa các học thuyết một cách có
phê phán, chọn lọc, không bao giờ sao chép máy móc, cũng không bao giờ
phủ định một cách giản đơn, mà có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu
tố tích cực, làm giàu thêm vốn kiến thức và hành trang tư tưởng của mình”.
Đặc trưng này làm cho Người trở thành một nhà mác-xít với đầy đủ những
yếu tố khoa học và biện chứng. Đây cũng là điểm nổi bật ở Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
Gắn ý chí, tình cảm cách mạng với tri thức khoa học. Chủ tịch Hồ Chí
Minh không chỉ là một người giàu trí tuệ mà còn là một người có tình

cảm, có ý chí nghị lực phi thường. Ởã Người, ý chí, tình cảm cách mạng
và tri thức khoa học thống nhất trong tư duy, trong hành động và trong
quá trình vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tư duy ấy có sự
kết hợp hài hoà giữa yếu tố cảm xúc, tình cảm với yếu tố trí tuệ, tri thức,
kinh nghiệm. Đây là hai yếu tố cơ bản trong tư duy Hồ Chí Minh, trong
đó, yếu tố tri thức, trí tuệ là quan trọng nhất.
Cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Nhiều nhà nghiên cứu từng khẳng định,
một trong những đặc điểm của tư duy Việt Nam và phương Đông là thiên
về suy nghĩ và diễn đạt bằng hình ảnh hơn là bằng khái niệm. Điều này
được thể hiện rõ qua nền văn hoá dân gian và nền văn hoá bác học của
nhiều nước phương Đông trong đó có Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong
lòng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chịu ảnh hưởng sâu sắc phong
cách tư duy hình tượng và trở thành người Việt Nam điển hình cho tư duy
ấy. Từ đó hình thành nên một đặc trưng tiêu biểu của phong cách tư duy
Hồ Chí Minh - tư duy cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Đặc trưng này được
thể hiện thông qua các tác phẩm, những tư tưởng và hành động cụ thể mà
Người thể hiện trong phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong
cách sinh hoạt.v.v…
Linh hoạt, mềm dẻo. Đây là một đặc trưng rất riêng, nổi bật trong phong
cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc trưng này không những thể
hiện tính khoa học mà được coi như một nghệ thuật lãnh đạo của Người
với những chủ trương, sách lược mềm dẻo nhưng vẫn kiên định lập
trường. Đặc trưng như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình đấu
tranh, đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt, phù hợp yêu cầu của thực tiễn qua
từng giai đoạn cách mạng.
Như vậy, với sáu đặc trưng nêu trên, phong cách tư duy Hồ Chí Minh đã
thể hiện đầy đủ một phong cách tư duy khoa học, vừa mang tính độc đáo,
rất riêng của Người lại vừa mang tính phổ biến bởi tính dân tộc và cách
mạng. Phong cách ấy rất cần thiết và có ý nghĩa quyết định đến sự thành
công trong thực tiễn, nhất là trong công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Do vậy, cùng với việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, cần học tập
cả phong cách của Người, đặc biệt là phong cách tư duy.
2. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh
Cuộc cách mạng của Hồ Chí Minh là cuộc cách mạng về con người,
trong đó độc lập dân tộc chỉ là một chặng. “Nếu độc lập mà không đem
lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân thì độc lập ấy cũng không có ý
nghĩa gì“. Hồ Chí Minh trở thành một thủ lĩnh của phong trào giải phóng
dân tộc thế giới bởi vì ở trong Người có sự cảm thông với thân phận con
người, với sự mất nước hay mất tự do của con người. Hồ Chí Minh hiểu
rằng tự do là nguồn sống của con người. Nếu là một nhà dân tộc chủ
nghĩa thì Hồ Chí Minh chỉ nghĩ đến Việt Nam và nếu là một người chỉ
nghĩ đến sự nghèo khổ của con người thì ông chỉ trở thành một thủ lĩnh
của giai cấp vô sản thế giới. Ngay cả với những dân tộc không được lãnh
đạo bởi chủ nghĩa cộng sản thì Hồ Chí Minh cũng trở thành tấm gương.
Đóng góp của Hồ Chí Minh là sự đóng góp tinh thần vô giá đối với
tiến trình phát triển chính trị thế giới thông qua việc khích lệ sự đòi độc
lập dân tộc. Càng ngày, thế giới càng hiểu ra rằng họ đã may mắn như thế
nào khi thoát khỏi chủ nghĩa thực dân. Ngay cả các nước thực dân, các
nước đế quốc cũng thấy rằng họ đã có cơ may thoát ra khỏi chủ nghĩa
thực dân như thế nào để trở về nguyên trạng là các quốc gia lương thiện,
và họ càng hiểu được giá trị của Hồ Chí Minh, càng cảm ơn những con
người như Hồ Chí Minh. Khích lệ nhu cầu tự do của con người là một
trong những khích lệ nhân văn nhất. Ai ngăn cản tự do, từ chối tạo điều
kiện để con người tự do, từ chối hỗ trợ con người hình thành khát vọng tự
do thì đó là kẻ chống lại con người.
Một giá trị chính trị quan trọng nữa của Hồ Chí Minh là giá trị nhận
thức về tự do, dân chủ. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ giá trị của con người và
chính vì thế trong Người luôn có khát vọng về nhân quyền. Hồ Chí Minh
là nhà chính trị duy nhất và sớm nhất ở Việt Nam nói về nhân quyền
“Con người sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu

cầu hạnh phúc…” Đó là nhà chính trị đầu tiên trong lịch sử chính trị của
dân tộc chúng ta nói về nhân quyền một cách công khai, rõ ràng trong
tuyên ngôn độc lập do chính mình soạn thảo.
Hồ Chí Minh khi viết “Tuyên ngôn độc lập” đã hình dung rất rõ ràng
nội dung của độc lập và tự do. Không có sự hình dung mập mờ về độc
lập, tự do trong nhận thức của Hồ Chí Minh, trong cảm nhận tinh thần
của Hồ Chí Minh. Trong mỗi con người đều có cái gọi là tinh thần dân
tộc, danh dự dân tộc cho nên ai cũng có khát vọng độc lập dân tộc. Con
người mất nước thì con người đi tìm độc lập dân tộc, tìm độc lập dân tộc
thực chất là tìm tự do cho dân tộc. Trong khái niệm độc lập dân tộc của
Hồ Chí Minh luôn bao hàm cả khái niệm tự do, tự do cho dân tộc của
mình, cho nhân dân của mình. Điều đó có nghĩa là nếu kết quả của cách
mạng là mang về một gói tự do cho dân tộc thì cần phải chia gói tự do ấy,
phải phân phối gói tự do ấy cho từng con người, phải biến tự do ấy trở
thành quyền con người. Độc lập dân tộc là quyền của các dân tộc mà dân
tộc đã tự do thì con người phải tự do, con người phải được hưởng cả cái
tự do công cộng và cái tự do riêng. Một con người sống trong một cộng
đồng độc lập thì con người ấy phải có hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi
người tạo ra hạnh phúc của dân tộc. Hơn ai hết Hồ Chí Minh là người
thấu hiểu điều đó. Nhiều người không hiểu rằng nỗi bức xúc của Bác về
độc lập dân tộc không phải là sự sĩ diện của công dân một nước không có
độc lập, mà là sự bức xúc của một con người khi thấy dân tộc mình bị
cùm kẹp và nhân dân mình thiếu tự do. Trong cương lĩnh chính trị của
mình, Hồ Chí Minh phấn đấu vì một nước Việt Nam “Độc lập – Tự do –
Hạnh phúc“. Hồ Chí Minh đã trở thành một người cộng sản bởi vì vào
giai đoạn ấy trạng thái chính trị của thế giới hỗ trợ những người cộng sản.
Một trong các giá trị quan trọng nhất tạo ra tính không thể nhầm lẫn
đó là tài năng tổ chức ra tâm lý thời bình ngay cả trong thời chiến.
Khi Johnson đưa nửa triệu quân Mỹ sang Việt Nam và mở rộng cuộc
chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Hồ Chí Minh đã đưa ra một thông điệp

cứu quốc trong đó có đoạn: “Này Tổng thống Johnson, Hà Nội, Hải
Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá nhưng nhân dân Việt
Nam quyết không sợ…” Hồ Chí Minh gọi tên kẻ thù mà như không có sự
phân biệt nào cả. Tôi nghe không chỉ ngôn từ mà cả lời nói của Hồ Chí
Minh và nhận thấy sự khôn ngoan và phải chăng chính trị của Bác, sự
phải chăng không đạt đến được đối với những người khác. Hay trong lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến giọng điệu của Hồ Chí Minh vẫn rất hoà
bình: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng
chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết
tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất
định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Lời tuyên
chiến ấy giống như phản ứng của một con người đang cày dở thửa ruộng,
đang dở dang một công việc rất thông thường của đời sống con người,
tức là Hồ Chí Minh không dập tắt tâm lý hoà bình ngay cả khi viết lời
tuyên chiến. Hồ Chí Minh đủ tầm nhìn để hình dung ra kết cục của cuộc
kháng chiến từ khi nó chưa kết thúc. “Ai có súng dùng súng, ai có gươm
dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc…” Người
xếp súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc với nhau tức là xếp những công
cụ lao động hòa bình cùng với các công cụ chiến tranh hiện đại, làm cho
ngôn ngữ chiến tranh dù rất mạnh mẽ, thôi thúc nhưng giọng điệu lại rất
hòa bình. Đấy chính là thiên tài. Một con người trong tâm tưởng phải
hình dung ra kết cục của cuộc chiến tranh khi nó chưa kết thúc thì mới có
đủ trí tuệ để tổ chức ra tâm lý hoà bình. Và đó chính là tầm nhìn chính trị,
là sự trung dung vĩ đại của Hồ Chí Minh.
3. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh
Nhà thơ lớn người Đức là Gớt từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám,
còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh,
lý thuyết và cây đời không bao giờ tách rời nhau, sự xanh tươi của cây
đời là nguồn sống của lý thuyết và lý thuyết là nguồn sáng làm xanh tươi
cây đời, điều này có ý nghĩa rộng lớn đối với việc vận dụng học thuyết

Mác - Lênin, chứ không phải chỉ riêng đối với ngôn ngữ.
Viết và nói là một bộ phận trong hoạt động cách mạng của Hồ Chí
Minh. Người đã sử dụng ngôn ngữ như một vũ khí đấu tranh cho độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội, như công cụ giao tiếp giữa con người với
con người để chỉ ra lẽ phải, tuyên truyền và tổ chức nhân dân, soi sáng ý
nghĩ và cảm hóa tấm lòng của người đọc, người nghe.
Cách viết, cách nói của Hồ Chí Minh là sự lựa chọn thích hợp để
trả lời bốn câu hỏi cơ bản do Hồ Chí Minh đề ra đã gần nửa thế kỷ
nay, trùng hợp với những câu hỏi của ngôn ngữ học hiện đại, đó là:
Viết và nói để làm gì? (mục tiêu)
Viết và nói cho ai? (đối tượng)
Viết và nói cái gì? (nội dung)
Viết và nói thế nào? (phương pháp)
Sự trùng hợp này thêm một lần nữa chứng tỏ tầm nhìn xa rộng và tài
năng đặc biệt của Hồ Chí Minh.
Trả lời đúng bốn câu hỏi trên đây là cực kỳ khó, đòi hỏi rất cao về
trình độ, năng lực, phẩm chất và phong cách.
Hồ Chí Minh đã đạt hiệu quả tuyệt vời trong việc đáp ứng những yêu
cầu cơ bản và hiện đại của việc viết và nói, bằng một phong cách ngôn
ngữ rất đa dạng nhưng thống nhất ở một điều, mà Bác nhiều lần nêu rõ:
Viết và nói sao cho nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Có khi Bác
còn nhấn mạnh hơn: Viết và nói sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.
Hồ Chí Minh hiểu biết sâu, sử dụng giỏi tiếng Pháp và tiếng Hán, như
được chứng minh rực rỡ trong các tác phầm Bản án chế độ thực dân Pháp
và Nhật ký trong tù, ngoài ra còn viết một số ngoại ngữ khác. Điều kỳ
diệu là khả năng đó không làm pha tạp tiếng Việt của Hồ Chí Minh, mà
góp phần để Hồ Chí Minh tận dung sự giàu có và tiềm năng phong phú
của tiếng Việt, đủ dùng tiếng Việt có hiệu quả tốt nhất trong mọi tình
huống, khi giao tiếp với mọi lớp người, ở những thời điểm và trình độ
khác nhau của nhận thức xã hội.

Bác Hồ đã huy động mọi biện pháp ngôn ngữ của tiếng Việt sáng tạo
nhiều cách diễn đạt mới, vừa giữ gìn sự trong sáng, vừa đổi mới tiếng
Việt về nhiều mặt, từ vựng, ngữ pháp và cách viết. Bác tránh dùng tiếng
nước ngoài khi có thể dùng tiếng Việt và đã Việt hóa thành công, được
mọi người chấp nhận, đối với nhiều cách nói vốn quen thuộc bằng chữ
Hán - Việt (như dùng “Hội Chữ thập đỏ” thay cho “Hội Hồng thập tự”,
“vùng trời Việt Nam” thay cho “không phận Việt Nam”, “nửa thuộc địa”
thay cho “bán thuộc địa”, vv ).
Đặc điểm cách viết, cách nói của Bác là tính dân gian, tính quần
chúng, ngắn gọn mà giàu hình ảnh đi thẳng vào cốt lõi của sự vật, của tư
tưởng và tình cảm, lời ít ý nhiều gợi mở cho người đọc, người nghe.
Thường trong mỗi bài viết, bài nói, đều có một câu rất hay, rất đẹp, càng
hay, càng đẹp vì giản dị, dễ hiểu, đúc kết một triết lý, một luận điểm lớn;
sống và phát huy tác dụng lâu dài trong lòng người và trong sự nghiệp
Cách mạng.
Cách viết, cách nói của Bác luôn luôn sinh động, thoát sáo, không
dùng những công thức mòn, diễn đạt điều gì cũng có lý, có lời, có sức
thuyết phục và tác động sâu xa đối với người đọc, người nghe. Ở những
chỗ thích hợp, câu văn và lời nói của Bác thường có nét hài hước, rất thú
vị và hấp dẫn.
Bác hay trích dẫn ca dao, tục ngữ và xen trong văn xuôi những câu
văn vần, cũng cốt để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Nhưng không phái ngôn
ngữ của Bác chỉ có thế. Nhật ký trong tù và nhiều bài thơ tiếng Việt của
Bác như một số bài thơ chúc Tết, là nghệ thuật tuyệt vời và độc đáo, diễn
tả những tư tưởng và tình cảm lớn của con người.
Bác thường nghiêm khắc đòi hỏi mọi người chúng ta viết và nói ngắn
gọn, sáng tỏ, thiết thực, và phê phán một cách dí dỏm những căn bệnh
ngày nay vẫn còn nặng trong cách viết, cách nói của những người mà
chức năng và nghề nghiệp là phải viết, phải nói. Bác chê việc lạm dụng
từ nước ngoài, phê bình thói ba hoa mà Bác bảo là “nói dài, nói dai, nói

dại”, chống bệnh sáo rỗng mà Bác bảo là “trăm voi không được bát nước
xáo”, vạch rõ sự lố bịch của việc khoe kiến thức, viết và nói rắc rối, cầu
kỳ, khó hiểu, không đúng chỗ, không đúng lúc, không đúng đối tượng.
Tôi nghĩ rằng các nhà ngôn ngữ học nước ta cần quan tâm nghiên cứu
và học tập phong cách ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, điều đó giúp chúng ta
hiểu tiếng Việt, dùng tiếng Việt, phát huy tiếng Việt, làm giàu tiếng Việt.
4. Phong cách sống Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kỳ
cương vị nào, từ một người phụ bếp trên con tàu Amiran Latouche Tre
ville lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành Chủ tịch Đảng,
Chủ tịch Nước, Bác Hồ vẫn giữ một nếp sống vô cùng giản dị. Đó cũng
chính là điểm nổi bật trong phong cách, đạo đức của Người. Nhận xét về
nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo nước Pháp đã viết: “Sự ăn ở giản dị
đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ
mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào
đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh
đều bắt chước hành động đó của ông…”.
Như vậy, nếp sống giản dị của Bác không chỉ đơn thuần là tiết kiệm
mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Người tiết kiệm nhưng không ki bo, kiệt xỉ,
không lãng phí, phô trương.
CHƯƠNG III: ẢNH HƯỞNG CỦA PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Từ việc nghiên cứu phong cách Hồ Chí Minh, soi vào thực tiễn hoạt
động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay, bên cạnh
một số điển hình của tư duy độc lập, sáng tạo, thực tiễn, nhìn chung
phong cách tư duy của đội ngũ cán bộ này còn nhiều hạn chế.
Do đó, chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm không ngừng
nâng cao phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý. Một trong những biện pháp đó là phải xây dựng phong

cách tư duy Hồ Chí Minh cho họ. Bởi phong cách tư duy có vai trò chi
phối, chỉ đạo các hoạt động của con người, nó hình thành nên phong cách
sinh hoạt, phong cách làm việc và các phong cách khác. Vậy, cần làm gì
để xây dựng phong cách tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo
phong cách tư duy Hồ Chí Minh? Có thể đưa ra một số biện pháp sau:
1. Đổi mới tư duy về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, công tác
kiểm tra, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng lý luận đối với cán bộ.
2. Cần giáo dục phong cách nói chung, đặc biệt là phong cách tư duy Hồ
Chí Minh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
3. Tạo môi trường thực tiễn để người cán bộ phát huy tư duy tự chủ, sáng
tạo, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân được thực thi quyền làm chủ
trong việc quản lý và giám sát cán bộ.
4. Người lãnh đạo, quản lý cần tự nâng cao tinh thần học tập, rèn luyện
phong cách tư duy của bản thân.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, rõ ràng không thể chỉ
dùng một biện pháp nào đó. Việc kết hợp đồng thời các giải pháp trên là
điều kiện tiên quyết nhằm xây dựng phong cách tư duy khoa học cho đội
ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mục đích cuối cùng là nhằm tạo ra một đội
ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu của sự
nghiệp cách mạng. Đây là nhân tố then chốt quyết định đến sự thành
công của sự nghiệp cách mạng nước nhà. Có vậy, chúng ta mới không hổ
thẹn với những gì mà các thế hệ cha ông đã hy sinh giành lại và càng
xứng đáng với những gì thế giới đã biết đến Việt Nam. Một học giả từng
viết: “Trong các từ điển của các nước có một từ có nghĩa như nhau trong
các tiếng. Từ đó có nghĩa là anh hùng, dũng cảm, nhất trí, thắng đế quốc.
Từ đó có nghĩa là quốc tế chủ nghĩa, đoàn kết - từ đó ở tất cả các tiếng
trên thế giới là: Việt Nam”; “Bạn có thể đi châu Phi và hỏi các chiến sĩ
Na-mi-bi-a hay Đại hội dân tộc Phi. Họ sẽ trả lời bạn là khi họ chiến đấu
như họ vẫn thường làm thì họ mang trong tâm chữ “Việt Nam” và họ
giương cao ngọn cờ có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Noi gương Người, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người,
mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, tu dưỡng mình theo Chỉ thị 06 của
Bộ Chính trị (khóa X). Nếp sống của Bác rất bình thường, đơn giản nếu
quyết tâm thì ai cũng có thể làm được. Còn khó vì nếu không có tâm
trong sáng, không có chí hướng, có lý tưởng, không có lòng yêu thương
con người thực sự thì không thể làm được.
Xã hội phát triển, chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, một Viet
Nam có thể phát triển và sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và
trên thế giới hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào cách sống, cách nghĩ
của chúng ta. Hẳn không khó để thấy các quốc gia phát triển đều nêu cao
tinh thần tiết kiệm, các cán bộ quan chức của họ có cách sống giản dị.
Còn ta, hẳn không ít câu chuyện cán bộ, đảng viên có lối sống hưởng thụ,
xa hoa, lãng phí mà báo chí nhiều lần đã đưa tin chẳng hạn. Cần phải phê
phán gay gắt, bởi nếu không có sự giản dị, chúng ta sẽ đánh mất “hồn dân
tộc”, đánh mất chính “tương lai” của chúng ta bằng sự lãng phí, cầu kỳ,
hình thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Đặng Xuân Kỳ (chủ biên) (2004), Phương pháp và phong cách Hồ Chí
Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, t.1 - t.12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×