Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

CƠ CHẾ QUẢN lý HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG của NGÀNH điện lực VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (594.03 KB, 16 trang )

ĐỀ TÀI: CƠ CHẾ QUẢN LÝ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH
ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
LỜI MỞ ĐẦU
Cũng như nhu cầu về ăn, ở, mặc, đi lại…điện năng cũng đang dần trở thành mặt
hàng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân. Từ sản xuất, chiếu sáng,
quạt mát, sưởi ấm…đến đi lại, nấu ăn…điện năng đã xuất hiện hầu hết trong các lĩnh
vực của đời sống con người.
Có thể nói điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt. Quá trình kinh doanh điện
năng bao gồm 3 khâu liên hoàn: Sản xuất - Truyền tải - Phân phối điện năng xảy ra
đồng thời, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ mà không qua một khâu thương mại
trung gian nào. Điện năng được sản xuất ra khi đủ khả năng tiêu thụ vì đặc điểm của
hệ thống điện là ở bất kỳ thời điểm nào cũng có sự cân bằng giữa công suất phát ra và
công suất tiêu thụ (không để tồn đọng).
Thị trường điện lực (TTĐL) được hình thành đầu tiên ở Anh vào thập niên 90
của thế kỷ trước do việc không đảm bảo chất lượng điện năng của ngành điện các
nước trên toàn thế giới. Điều kiện hình thành TTĐL không những chỉ phụ thuộc vào
chính sách về kinh tế, xã hội của Nhà nước mà còn được quyết định bởi điều kiện kỹ
thuật, công nghệ của hệ thống điện. Có nhiều điểm khác nhau về TTĐL tuy nhiên về
cơ bản TTĐL là việc hộ tiêu thụ cuối tiêu thụ điện năng từ các nhà máy sản xuất điện
thông qua hệ thống truyền tải điện (được xem như độc quyền tự nhiên) hình thành nên
thị trường điện bán buôn giữa các nhà máy điện và thị trường điện bán lẻ cho các hộ
tiêu thụ điện năng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tình hình thị trường mở cửa thúc đẩy ngành điện
phải tiến hành đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia hoạt động điện lực cùng
với nhu cầu về liên kết và hội nhập khu vực. Phương thức quản lý độc quyền nhà nước
của hoạt động sản xuất kinh doanh điện hiện nay còn nhiều bất cập. Việc nghiên cứu
đưa ra mô hình quản lý thị trường điện lực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong đầu
tư, phát triển, quản lý và vận hành hệ thống điện, đồng thời xem xét vấn đề giá điện và
chất lượng dịch vụ điện cũng như huy động các nguồn tài chính mới cho nhu cầu phát
triển điện lực là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị
trường.


I - Tổng quan về ngành điện lực Việt Nam
Gần 60 năm, từ một cơ sở vật chất nhỏ bé, lạc hậu, các thế hệ CBCNV ngành
Điện bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu đã xây dựng ngành Điện Việt Nam ngày
càng lớn mạnh, phục vụ đắc lực công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.
Những mốc son của ngành điện lực Việt Nam
Ngày 21/12/1954, hơn hai tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Nhà
máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại buổi gặp mặt thân tình này, Bác nói:
“Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô,
các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa…” Từ đó,
ngày 21/12 hằng năm được coi là ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.
Bắt đầu làm chủ ngành Điện hầu như từ con số 0, CBCNV trong Ngành vừa khẩn
trương xây dựng một loạt nhà máy điện mới: Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì, Hà Bắc
và hàng trăm km đường dây, hàng chục trạm biến áp truyền tải 110 kV. Sau hơn mười
năm phấn đấu, năm 1965, cơ sở vật chất của ngành Điện được tăng cường, công suất
điện tăng gấp 5,6 lần, sản lượng tăng gấp 11,7 lần với 620 triệu kWh, góp phần cùng
đất nước thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong 10 năm tiếp theo
(1965- 1975), với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ),
Trung Quốc, ngành Điện đã xây dựng một số nguồn điện mới như: Thủy điện Thác
Bà, nhiệt điện Ninh Bình, Uông Bí cùng hệ thống lưới truyền tải và phân phối, đáp
ứng nhu cầu xây dựng đất nước sau chiến tranh. Vào thập niên 80-90 thế kỷ trước, hệ
thống nguồn và lưới điện liên tục được mở rộng theo quy họạch trong Tổng sơ đồ phát
triển ngành Điện các giai đoạn 1, 2, 3, 4 và hiện đang triển khai giai đoạn 5 hiệu chỉnh.
Sau gần 60 năm xây dựng, đến nay tài sản của ngành Điện đã lên tới 100.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 2001-2004, với sự ra đời của hàng loạt công trình có tầm cỡ quốc gia như:
Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận- Đa Mi, Trung tâm Điện lực
Phú Mỹ, đường dây 500 kV Bắc Nam (mạch 1) và gần đây là đường dây 500 kV Bắc
Nam (mạch 2), tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt mức “kỷ lục” với
15,24%/năm, vượt trên 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Sự ra đời
của Tổng công ty Điện Lực, luật điện lực và tiếp theo là tập đoàn điện lực, các cơ quan
chuyên trách khác…Năm 2004, công suất điện cả nước đạt 11.280 MW, gấp 358 lần

so với năm 1954, tổn thất điện năng từ 21% (năm 1955) giảm xuống còn 12%, thấp
hơn một số nước khu vực châu á. Và đến năm 2011 tỷ lệ tổn thất điện năng có tính cả
tổn thất do tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ước đạt được của năm 2011 là 9,5%,
giảm 0,65% so với năm 2010.
Phát triển điện nông thôn - Cải tiến công tác dịch vụ khách hàng
Để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội các vùng nông thôn, miền núi, từng bước thay đổi
diện mạo đời sống các dân tộc vùng sâu, vùng xa, trong hoàn cảnh khó khăn về vốn,
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (TĐĐLVN) - EVN vẫn dành nguồn vốn lớn để đầu tư
phát triển điện nông thôn. Tính đến tháng 06/2009, điện lưới quốc gia đã đưa về 100%
số huyện, 97,32% số xã trong cả nước đã có điện lưới quốc gia. Nếu như năm 2001,
cả nước mới có 84,9% số xã và 77,5% số hộ có điện lưới quốc gia thì đến nay đã tăng
lên 97,32% số xã và 94,67% số hộ dân nông thôn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế
giới, Việt Nam là nước thực hiện rất có hiệu quả chương trình điện khí hóa nông thôn,
tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điện cao hơn hẳn so với một số nước trong khu vực. Kết
quả này là sự cố gắng bền bỉ và là một đóng góp to lớn của EVN trong sự nghiệp điện
khí hóa nông thôn, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách
giữa nông thôn và thành thị.
5.600 số xã nằm trong chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp (LĐHA )và bán điện
trực tiếp tới 7,4 triệu hộ dân nông thôn của EVN theo Nghị quyết của Hội đồng quản
trị, bắt đầu triển khai từ tháng 6/2008 và dự kiến hoàn thành toàn bộ chương trình vào
tháng 6/2010. Với chủ trương thiết thực này, EVN sẽ giúp người dân nông thôn được
sử dụng điện theo đúng giá quy định của Chính phủ, được hưởng các chế độ chăm sóc
khách hàng của ngành Điện thay vì phải mua điện với giá cao, chất lượng không bảo
đảm của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Tính đến cuối tháng 9/2009, các công
ty điện lực trên cả nước đã bán điện trực tiếp tới khách hàng tại 6.364 xã (bằng 72%
tổng số xã có điện) và gần 8,83 triệu số hộ nông thôn (bằng 65% tổng số hộ có điện).
Với chức năng kinh doanh điện năng, các công ty Điện lực tăng cường đào tạo
chuyên môn, trang bị máy móc hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khách
hàng. Qua những cuộc tiếp xúc với nhân dân, đại biểu Quốc hội các đơn vị đã lắng
nghe ý kiến đóng góp với thái độ cầu thị. Mỗi năm EVN gửi hơn 2 triệu lá thư đến

khách hàng, từ đó cải tiến công tác dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân
dân. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng đây đó vẫn còn những hiện tượng tiêu cực
trong CBCN ngành Điện, gây phiền hà cho khách hàng, thậm chí có hại cho khách
hàng. Tất cả những trường hợp này khi phát hiện, ngành Điện đều xử lý nghiêm túc.
Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ
Cùng với điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện,
ngành Điện quan tâm đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ đội ngũ CBCNV. Cùng với
sự ra đời của các nhà máy điện có công suất lớn, thiết bị hiện đại, nhiều kĩ sư, công
nhân các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than đã trưởng
thành, hoàn toàn làm chủ hệ thống máy móc, không cần sự trợ giúp của chuyên gia
nước ngoài. Họ có thể đảm nhiệm những khâu quan trọng như: lập phương án kỹ
thuật, thiết kế chi tiết, thay thế, lắp đặt, nâng cấp thiết bị không kém chuyên gia các
nước. Trong công tác tư vấn xây dựng điện, từ chỗ chỉ thiết kế xây dựng các công
trình nhỏ, đơn giản và làm tư vấn phụ cho nước ngoài, nay mỗi năm, đội ngũ tư vấn
của EVN đảm nhiệm việc thiết kế hơn 2.000 dự án, trong đó, có các công trình lớn với
quy mô, kỹ thuật phức tạp như: đường dây 500 kV, các nhà máy điện Yaly, A Vương,
Tuyên Quang và hiện nay là công trình thủy điện Sơn La. Trong lĩnh vực cơ khí điện,
từ chỗ chỉ sửa chữa, sản xuất các thiết bị đơn giản, cấp điện áp thấp, nay đã chế tạo
nhiều thiết bị có cấp điện áp 110 kV-220 kV, mở ra cho toàn Ngành sự chủ động trong
cung cấp thiết bị, giảm giá thành công trình, tiết kiệm đầu tư. Quản lý các dự án điện
là việc khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, trước đây chủ
yếu do nước ngoài thực hiện. Những năm gần đây, các Ban quản lý dự án của ngành
Điện đã trực tiếp quản lý xây dựng thành công hàng chục công trình, và nhiều công
trình hiện đang làm 14 dự án nguồn điện đường dây, trạm biến áp. EVN đã quy tụ
được hơn 348 phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, 17.634 kĩ sư, 13.530 cán sự, kỹ thuật viên
và 40.085 công nhân lành nghề. Họ được đào tạo cơ bản thông thạo từ bước lập quy
hoạch, dự báo phụ tải, khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, hiệu quả dự án,
quản lý dự án, vận hành các nhà máy hiện đại, các đường dây và trạm có kỹ thuật phức
tạp. Nhờ vậy, nhiều năm liền, hệ thống điện Việt Nam được vận hành ổn định, an toàn.
Vì dòng điện của Tổ quốc, ngành Điện lực Việt Nam tiếp tục hoàn thiện để trở

thành Tập đoàn kinh tế mạnh, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng của đất nước,
hội nhập - phát triển bền vững.
II - Thực trạng cơ chế quản lý hoạt động của ngành điện lực Việt Nam hiện nay
2.1. Cơ chế quản lý hoạt động của ngành điện lực Việt Nam hiện nay
Dây chuyền sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp điện ở bất cứ quốc gia
nào cũng bao gồm 3 khâu liên hoàn: sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng. Khác
với các loại hàng hoá khác, điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt, không thể dự trữ
được sau khi đã sản xuất ra. Như vậy, cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ tại mọi thời
điểm là qui luật cơ bản của chu trình sản xuất và kinh doanh điện.
Theo cấu trúc truyền thống, cả 3 chức năng nêu trên thường được tập trung
trong một công ty: công ty điện lực quốc gia (hoặc công ty điện lực bang như ở Mỹ và
một vài nước khác). Tất cả tài sản của công ty điện lực hầu hết thuộc sở hữu công
cộng. Dưới dạng ngành dọc toàn phần như vậy, một công ty sở hữu và vận hành toàn
bộ các nhà máy cùng lưới điện truyền tải và phân phối, đồng thời đảm nhận việc bán lẻ
tới người sử dụng. Tóm lại, công ty được độc quyền về sản xuất và bán sản phẩm
trong phạm vi dịch vụ của mình. Các phạm vi dịch vụ này có thể bao trùm cả quốc gia
như ở Pháp, Cộng hoà Ai-len, Việt Nam, hoặc một vùng đơn lẻ hay một thành phố như
ở Mỹ.
Đối với Việt Nam, mô hình quản ngành điện lực hiện nay đang dựa vào mô
hình độc quyền. Cùng với Hiến pháp sửa đổi năm 2001, trong giai đoạn cải tổ nền kinh
tế, Nhà nước đã ban hành nhiều bộ luật, pháp lệnh, nghị định, quy chế để quản lý và
điều hành hiệu quả hơn các hoạt động của ngành điện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ
để quản lý các hoạt động trong ngành điện theo luật pháp, tách bạch rõ ràng chức năng
quản lý nhà nước và chức năng quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh.
Mô hình quản lý thị trường điện lực Việt Nam
- Sự quản lý của Nhà nước đối với ngành điện
Từ 1995, dần tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi điều hành sản xuất kinh
doanh, tạo quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh
Hiện nay, Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành
điện. Việc quản lý ngành điện đang dần tập trung vào: xây dựng chiến lược, quy hoạch

tổng thể; ra các văn bản pháp quy; thực hiện giám sát điện năng và thanh tra an toàn.
Đánh giá về mô hình quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực:
Tích cực:
Tách chức năng Quản lý Nhà nước và chức năng Quản lý kinh doanh. Tạo
quyền tự chủ cho doanh nghiệp.
Đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế quốc dân.
Đi đúng hướng cải cách của Chính phủ.
Hạn chế
Chức năng điều tiết thị trường điện còn thiếu và bị phân tán nhiều nơi.
Chưa phân định rõ công tác hoạch định chính sách với giám sát điều tiết thực
hiện chính sách - chức năng điều tiết.
- Trong ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp đặc
biệt quan trọng của Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo, chi phối trong việc đảm bảo cung
cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khoảng 90% công suất lắp
đặt (công suất lắp đặt là công suất mà máy phát có thể phát đươc - công suất danh
nghĩa, còn công suất phát điện là công suất thực tế và bằng 70-80% công suất lắp đặt )
của các nhà máy điện thuộc sở hữu của EVN. Với chủ trương đa dạng hoá đầu tư ,
khoảng 10% còn lại thuộc một số doanh nghiệp ngoài EVN (tư nhân nước ngoài, công
ty nhà nước…) đã đầu tư vào sản xuất điện dưới các hình thức IPP, BOT.
- Các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN hiện nay dựa trên kế hoạch và
các chỉ tiêu giao của EVN cho các đơn vị thành viên và hạch toán nội bộ. Đối với các
đơn vị sản xuất điện ngoài EVN, EVN đứng ra ký hợp đồng mua điện ngắn hạn, dài
hạn với các Công ty BOT (công ty xây dựng chuyển giao kinh doanh), công ty IPP
(công ty phát điện độc lập), công ty cổ phần và giao kế hoạch phát điện cho các nhà
máy của EVN. Giá mua điện của Công ty BOT, IPP, Cổ phần do EVN thoả thuận với
các công ty này nhưng có sự điều tiết của một số cơ quan quản lý nhà nước.
- Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) có trách nhiệm bố trí phương
thức phát điện theo hợp đồng ký với Công ty BOT, IPP , Cổ phần và kế hoạch đã giao.
Trường hợp không huy động công suất, điện năng của các Công ty BOT, IPP, Cổ
phần, EVN vẫn phải trả tiền theo hợp đồng đã cam kết với các Công ty.

- Các Công ty Điện lực miền và thành phố lớn mua điện từ hệ thống lưới điện
truyền tải theo giá bán nội bộ do HĐQT của EVN phê duyệt hàng năm để bán lại cho
khách hàng sử dụng điện. Các Công ty truyền tải có trách nhiệm tải điện cho các Công
ty Điện lực, không tham gia kinh doanh điện.
- Giá bán lẻ điện cho các khách hàng được thống nhất trên toàn quốc và cần có
sự phê duyệt của Chính phủ.
Với cơ cấu tổ chức và điều hành như trên và mặc dù đã có nhiều cải tiến, thị
trường điện hiện tại thực chất là thị trường độc quyền một người bán với sự điều tiết
đồng thời của nhiều cơ quan nhà nước đã dẫn đến nhiều hạn chế: Hiệu quả sản xuất
kinh doanh điện thấp, kém hấp dẫn đầu tư nước ngoài…
Như vậy, mô hình quản lý sản xuất kinh doanh của EVN vẫn đang thực hiện
theo mô hình Nhà nước độc quyền quản lý tất cả các khâu của quá trình: Sản xuất -
Truyền tải - Phân phối điện năng. Mô hình này đã dẫn đến nhiều hạn chế về quản lý
cũng như hiệu quả đầu tư, không thúc đẩy sự phát triển sản xuất kinh doanh điện năng.
Giá bán điện cho từng loại khách hàng được tính trên cơ sở chi phí cận biên dài hạn và
do Chính phủ quy định áp dụng thống nhất trong cả nước. Giá bán điện vẫn còn mang
nặng tính “bù chéo” giữa các nhóm khách hàng. Hoạt động kinh doanh điện năng hiện
nay vẫn chưa tách bạch rõ ràng chức năng kinh doanh và hoạt động công ích của các
công ty phân phối điện.
2.2. Hệ quả của cơ chế quản lý hoạt động của ngành điện lực Việt Nam hiện nay
- Thời gian qua, Cơ chế mà các cơ quan quản lý nhà nước tạo ra cho ngành
điện là độc quyền trên thị trường bán buôn, bán lẻ và đường dây truyền tải. Để giải bài
toán phức tạp hiện nay của ngành điện, phá bỏ cơ chế độc quyền, con đường duy nhất
là tái cấu trúc thị trường điện, thiết lập một thị trường điện theo cơ chế cạnh tranh lành
mạnh và minh bạch.
- Đã từ nhiều năm nay, doanh nghiệp và người dân đã quen với tình trạng cắt
điện triền miên, không được báo trước của ngành điện. Thiệt hại về kinh tế là vô cùng
lớn, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, lỡ hẹn các đơn hàng. Nhưng giải thích
cho những sự cố ấy vẫn là lý do muôn thuở của ngành điện, một số nhà máy gặp sự cố,
hệ thống điện xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu vốn đầu tư, cải tạo. Việc thiếu điện

dẫn đến cắt điện không báo trước khiến nhiều doanh nghiệp vỡ kế hoạch sản xuất, đe
dọa chỉ tiêu xuất khẩu. Việc cắt điện ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh
doanh và dịch vụ. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần bảo quản đông lạnh, các doanh
nghiệp đang trong dây chuyền sản xuất mà không thể dừng lại được như luyện
thép và các đơn vị cung cấp dịch vụ như y tế…
Điện năng không đảm bảo, hoặc không có kế hoạch cắt điện cụ thể sẽ dẫn đến
những hậu quả khôn lường cả về kinh tế lẫn mạng sống con người. Nhà máy sản xuất
của Công ty ở KCN Quế Võ (Bắc Ninh), chuyện cúp điện cứ "đến hẹn lại lên" với chu
kỳ 1-2 lần/tuần. Có ngày mất điện từ 5h sáng đến 8h tối khiến công ty buộc phải cho
công nhân nghỉ việc.
Một công ty sản xuất thủy tinh ở Bắc Ninh cho biết: công ty thường xuyên phải
duy trì 2 máy phát điện công suất lớn 650kVA để duy trì sản xuất của 2 lò sản xuất
thuỷ tinh, bởi nếu không, bị cúp điện coi như mất vài chục tỉ đồng để "hâm nóng" lò.
"Thiệt hại thì chưa thể tính được nhưng kế hoạch sản xuất đã định ra từ đầu năm cho
từng tháng, từng quý đang có nguy cơ không đạt, chung quy chỉ vì mất điện".
Riêng đối với các ngành nghề chế biến bánh kẹo, bia, thực phẩm nếu bị mất
điện trong lúc đang sản xuất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Giám đốc một
DN thép khá lớn than thở: Trung bình, mỗi ngày xí nghiệp sản xuất 500 tấn thép
nhưng mỗi khi cắt điện, sản lượng giảm đến 30% và phải tốn mấy giờ chạy không tải
(chờ máy nóng), vừa lãng phí vừa tốn kém.
Năm 2009, dự kiến hệ thống điện quốc gia được bổ sung 3.393 MW với 15
công trình nguồn điện. Tuy nhiên, theo thống kê, có tới 8 công trình bị chậm tiến độ,
khiến nguồn điện quốc gia sẽ thiếu 966MW. Một số chuyên gia dự báo, tình trạng
chậm tiến độ này sẽ kéo dài với cả các công trình điện được “ấn định” vận hành vào
năm 2010 và năm 2011. Trong đó có công trình chậm tới 2 năm là Nhà máy Nhiệt
điện Vũng áng 1 và Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê 2, dự kiến phải tới năm 2012 mới
hoàn thành (kế hoạch là năm 2010). Ước tính, năm 2010 cả nước sẽ bị thiếu
1.570MW, chiếm tới 31% tổng lượng điện cần bổ sung. Và như vậy, tình trạng cắt
điện triền miên sẽ còn tiếp diễn. Được biết, năm qua, hàng loạt công trình chậm tiến
độ như Plei Krông, A Vương, Ba Hạ, Buôn Kuốp, Bản Vẽ, Đuôi hơi Nhơn Trạch 1,

đã khiến hệ thống điện quốc gia bị thiếu 1.415 MW trong tổng số 3.271MW cần bổ
sung. Trong nhiều lý do thiếu điện, chậm tiến độ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường
lấy lý do là thiếu vốn. Nhưng ngoài lý do này, vấn đề cốt lõi còn lại là thủ tục hành
chính và năng lực của chủ đầu tư cần được xem xét kỹ và có giải pháp hiệu quả
hơn. Điều đáng nói là việc chậm tiến độ dẫn tới thiếu điện đã được lường trước nhưng
dường như ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp nào mang tính đột phá. Tổng vốn
đầu tư cho điện thường lớn nhất trong các ngành kinh tế, chậm tiến độ công trình là sự
lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư.
- Từ trước tới nay rất nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất điện gặp nhiều mắc mớ với
EVN trong khâu mua bán điện, bởi EVN bao giờ cũng mua giá thấp hơn giá bán.
Trong khi người bán bao giờ cũng muốn bán giá cao. Từ đó sinh ra mâu thuẫn và họ
cho rằng EVN cậy thế độc quyền ép giá Ví dụ như là những “mắc mớ” giữa tập đoàn
dầu khí với EVN, than khoáng sản với EVN Mới đây nhất là cuộc tranh cãi giữa
EVN và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về giá bán điện của nhà máy
nhiệt điện Sơn Động do TKV làm chủ đầu tư. Dự kiến, nhà máy phải phát điện thương
mại trong tháng 3 này, nhưng nay đã bước sang tháng 4, giá điện vẫn chưa được thống
nhất. Tháng 11/2007, TKV đã chào bán mức giá 720 đồng/kWh, nhưng EVN thì chỉ
đồng ý mua với giá 678,4 đồng/kWh. Tới tháng 1 vừa qua, TKV tính toán lại, giảm 10
đồng xuống còn 710 đồng/kWh. Tuy nhiên, phía EVN vẫn chưa chấp thuận. Theo
Tổng Giám đốc TKV, mức giá trên đã được Tập đoàn tính toán trên cơ sở giảm tối đa
chi phí đầu vào, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Còn theo tính toán của EVN, nếu
chấp nhận mua giá trên, cộng chi phí truyền tải, phân phối và tổn thất điện năng
khoảng 295 đồng/kwh thì tổng chi phí giá điện đến người tiêu dùng sẽ là 1.015
đồng/kWh. Với sản lượng điện mua từ nhà máy Sơn Động vào khoảng 1,2 tỷ
kWh/năm, thì mỗi năm EVN sẽ phải bù lỗ khoảng 144,2 – 173 tỷ đồng. Do vậy, 2 Tập
đoàn này đã phải nhờ đến Bộ Công Thương làm trọng tài giải quyết vấn đề. Tình trạng
đàm phán không có hồi kết này đã và đang diễn ra ở nhiều dự án khác. Hiện có hơn 10
nhà máy ngoài ngành điện đang bán điện cho EVN, nhưng chỉ có hai nhà máy là Hiệp
Phước và Amata được mua với giá bình quân khoảng 1 USD/kW giờ. Các nhà máy
còn lại chỉ bán được với giá bình quân hơn 0,042 USD/kWh, thậm chí hai nhà

máy Nậm Mu và Na Dương giá điện bình quân gần 0,04 USD/kWh, thấp hơn cả giá
mua điện của nước ngoài. Nhưng đấy là "còn may", Nhà máy điện Cà Mau 1do Tập
đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư, phát điện từ tháng 4-2007 đến nay, cung cấp
cho lưới điện quốc gia hơn 650 triệu kW giờ, nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng mua
bán điện với EVN, và chỉ nhận được tiền tạm ứng để chi trả lương cho đội ngũ vận
hành. Giải thích về sự chênh lệch trong việc mua điện của các nhà máy, EVN cho
rằng: giá bán điện của các nhà máy được tính từ chi phí đầu tư ban đầu, cộng với chi
phí vận hành, rồi nhân thêm 12% đến 13% lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Các nhà máy
thuỷ điện suất đầu tư thấp, nên giá mua thấp. Nhà máy nhiệt điện giá mua cao hơn. Có
lẽ xuất phát từ cách tính như vậy cho nên các nguồn điện do nước ngoài đầu tư được
EVN "ưu tiên" mua điện với giá cao hơn.
- Hiện nay giá bán điện của EVN trung bình 0,052 USD/kWh là mức rất thấp.
Bởi theo EVN, mức chi phí biên dài hạn đảm bảo có lãi và tích lũy cho đầu tư phát
triển phải là 0,075 USD/kWh. Vì lý do này trong thời gian trước mắt EVN không thể
trông đợi vào nguồn tích lũy từ lợi nhuận để đầu tư cho các công trình theo Quy hoạch
phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến 2025 ( quy hoạch điện
VI) mà chủ yếu dựa vào vốn vay từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của
EVN thì tập đoàn này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán vay vốn cả
trong và ngoài nước do khó có khả năng trả nợ vì hiệu quả dự án không cao, giá điện
thấp. Cơ chế giá bất hợp lý hiện nay cũng là trở ngại lớn trong việc thu hút vốn đầu tư
nước ngoài cho phát triển ngành điện. Trong 10 năm qua, không có nhà đầu tư nước
ngoài nào bỏ vốn đầu tư vào ngành điện. Với giai đoạn 2006 – 2015, theo quy hoạch
điện VI sẽ có 54 dự án nguồn điện do chủ đầu tư ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam
(EVN) thực hiện dưới hình thức IPP/BOT. Tuy nhiên cho đến nay mới có 6 dự án
hoàn thành, công suất 2.059 MW, đạt 5,6 % kế hoạch. 9 dự án lớn với tổng công suất
15.275 MW thậm chí chưa có chủ đầu tư. Việc thiếu vốn đầu tư có thể dẫn tới chậm
tiến độ trong phát triển nguồn điện và lưới điện trong những năm còn lại của quy
hoạch điện VI. Tổng nhu cầu đầu tư và trả nợ của giai đoạn 2009 – 2015 của EVN là
647.038 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 491.127 tỷ cho cả nguồn và lưới điện, trả nợ
gốc và lãi là 155.912 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn này EVN chỉ có khả năng cân đối

được 264.108 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 382.931 tỷ đồng.
- Bất cập tiếp theo được chỉ ra là nguyên tắc bù chéo của giá bán điện khiến
EVN khó tách lợi nhuận kinh doanh và phần thực hiện nhiệm vụ công ích. Đây là một
trong những lý do dẫn đến chậm trễ trong cổ phần hóa. Đến nay mới có 9/33 đơn vị
thành viên của EVN hoàn thành cổ phần hóa. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng
đầu tư cho các công trình theo quy hoạch điện VI từ nguồn phát hành cổ phiếu.
Từ nhận định giá điện thấp là “điểm chốt” ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát
triển của ngành điện, Ủy ban Kinh tế kiến nghị việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị
trường cần được thực hiện theo tiến độ đã được xác định, bảo đảm nhà đầu tư, kinh
doanh điện bù đắp được chi phí và có lãi hợp lý.
Từ mô hình quản lý điện của Việt Nam hiện nay, có thể đánh giá tác động của
nó tới việc phát triển thị trường điện như sau:
Tích cực:
• Xóa cơ chế hạch toán bao cấp
• Tập trung vốn kinh doanh lớn
Hạn chế:
• Mô hình tổ chức quản lý SX-KD: Các đơn vị chưa được độc lập tự chủ về
tài chính ⇒ không tạo cạnh tranh để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả
SX-KD ⇒ Hiệu quả toàn ngành không cao.
• Tổng công ty chưa tự cân đối các nguồn tài chính, vốn đầu tư cho phát triển.
• Thiếu vốn đầu tư cho phát triển làm cho vấn đề an ninh năng lượng nguy
hiểm. Chính điều này đòi hỏi phải mở thị trường phát điện cạnh tranh nhằm thu hút
đầu tư.
Những điểm trên cho thấy sự cần thiết cơ cấu lại ngành điện, phân tách chức
năng phát- truyền tải-phân phối để cạnh tranh giảm chi phí, tăng hiệu quả SX-KD, tạo
môi trường cạnh tranh bình đẳng.
III - Giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động của ngành điện lực Việt Nam trong
tương lai.
Mở đầu Mục tiêu phát triển của Điện lực Việt Nam được đề ra trong Đại hội IX
của Đảng là: “Phát triển năng lượng đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh

tế, xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia. Sử dụng tốt các nguồn thủy năng
( kết hợp với thủy lợi ), khí và than để phát triển cân đối nguồn điện. Xây dựng các
cụm khí - điện - đạm ở Phú Mỹ và khu vực Tây Nam. Xúc tiến nghiên cứu, xây dựng
thủy điện Sơn La. Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử. Đồng bộ
hóa, hiện đại hóa mạng lưới phân phối điện quốc gia. Đa dạng hóa phương thức đầu tư
và kinh doanh điện; có chính sách thích hợp về sử dụng điện ở nông thôn, miền núi.
Tăng sức cạnh tranh về giá điện so với khu vực”. Trong kết luận gần đây nhất theo văn
bản số 26/LK/TW ngày 24/10/2003, Bộ chính trị đã chỉ đạo về chủ trương thị trường
điện lực như sau:"Từng bước hình thành thị trường điện lực cạnh tranh trong nước, đa
dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh
tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước
chỉ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn,
các nhà máy điện nguyên tử. Tham gia hội nhập và mua bán điện với các nước trong
khu vực". Cần "nghiên cứu xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để
sớm ban hành thị trường điện lực cạnh tranh". Để thực hiện được các chủ trương và
mục tiêu đó, chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là phấn đấu trở
thành tập đoàn kinh tế mạnh với 100% sở hữu nhà nước, bao gồm nhiều đơn vị thành
viên, nắm giữ vị trí then chốt trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng, làm
công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển năng lượng đi trước một bước nhằm đáp ứng đủ
yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia, góp phần thực
hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước.
Như vậy, các chủ truơng, định hướng về thị trường điện của Đảng, các chiến
lược phát triển của Tập đoàn Điện lực là hoàn toàn phù hơp với xu thế hội nhập và cải
tiến ngành công nghiệp điện đang diễn ra trên thế giới và khu vực. Đó cũng là những
cơ sở để triển khai các dự án, hay đề tài nghiên cứu khoa học liên quan như : Lộ trình
cải tổ ngành điện; Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp ngành điện; hay đề tài nghiên cứu:
Thị trường năng lượng.
3.1. Mô hình thị trường điện lực Việt Nam

Qua tham khảo một số mô hình quản lý kinh doanh điện năng của các nước trên
thế giới gắn liền với việc xem xét thực trạng mô hình quản lý độc quyền nhà nước
cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh ngành Điện Việt Nam. Với những định
hướng phát triển của ngành Điện trong thời gian tới cần thiết phải xây dựng một mô
hình quản lý phù hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường điện lực và
nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Có thể xem xét biến động của từng đối tượng
tham gia vào thị trường điện trong giai đoạn 2005-2010 để xây dựng mô hình hợp lý,
cụ thể như sau:
- Đối với EVN: do đặc thù của ngành điện Việt Nam trong điều kiện hiện nay là
mức cung khó có thể đáp ứng được cầu điện năng trong giai đoạn này. EVN cần chủ
động điều tiết các nguồn phát đảm bảo cân bằng hệ thống, do vậy có thể trở thành
người mua duy nhất của các nhà máy điện.
- Đối với các nhà máy điện: từng bước thực hiện cổ phần hoá các nhà máy
điện, chuyển các nhà máy điện thuộc EVN thành các nhà máy điện độc lập. Các nhà
máy điện chỉ bán điện trực tiếp cho EVN thông qua chào giá cạnh tranh. Tuy nhiên
trong điều kiện phát triển hơn của hệ thống lưới điện, các khách hàng lớn cũng có thể
mua trực tiếp từ các nhà máy điện.
- Đối với các công ty truyền tải: với bản chất là độc quyền tự nhiên, do vậy Nhà
nước vẫn nắm giữ thực hiện các hoạt động truyền tải điện từ người mua duy nhất
(EVN) đến các công ty điện lực.
- Đối với các công ty phân phối điện năng: thực hiện chuyển đổi trở thành đơn
vị độc lập với EVN dưới hình thức Công ty mẹ - Công ty con. Do việc chuyển đổi thị
trường điện thực tế không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các công ty phân phối
điện do vậy vẫn giữ nguyên chức năng kinh doanh là độc quyền phân phối điện năng
cho khách hàng.
- Do cần đảm bảo tính phù hợp của một số hoạt động độc quyền trong mô hình
như: EVN độc quyền mua điện từ các nhà máy điện độc lập, độc quyền bán điện cho
các công ty phân phối điện năng, các công ty phân phối độc quyền bán điện cho khách
hàng cuối cùng do vậy cần thiết phải có một cơ quan đứng ra kiểm soát hoạt động này
với tư cách hoàn toàn độc lập.

- Đối với khách hàng: Tiếp tục mua điện từ một công ty phân phối điện duy
nhất trong phạm vi địa lý do bởi các cơ sở hạ tầng của ngành điện trong giai đoạn này
có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất
theo mô hình của thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn. Tuy nhiên đối với các khách
hàng có phụ tải lớn có thể mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện hoặc thông qua lưới
truyền tải của EVN.
Từ những quan điểm trên, có thể xây dựng một mô hình quản lý thị trường điện
lực Việt Nam trong giai đoạn tới như sau:
3.2. Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam
Từ mô hình Thị trường điện lực Việt Nam ở trên có thể xây dựng lộ trình hình
thành và phát triển điện lực nước ta qua 3 cấp độ sau: Thị trường phát điện cạnh tranh;
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Mỗi cấp độ cần được thực hiện theo hai quá trình là thí điểm và hoàn chỉnh, cụ
thể như sau:
Trước tiên là tạo lập thị trường phát điện cạnh tranh:
- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh giữa các nhà máy điện thuộc Tập
đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thí điểm cạnh tranh trong khâu phát điện theo mô
hình một đơn vị mua duy nhất. Các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công
ty phân phối điện thuộc EVN sẽ được tổ chức lại dưới dạng các công ty độc lập về
hạch toán kinh doanh.
- Các công ty phát điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tiếp tục bán
điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã được ký kết.
- Kết thúc bước thí điểm, các nhà máy điện lớn có vai trò quan trọng trong hệ
thống điện hiện đang thuộc EVN phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc
lập IPP (Independent Power Producer) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập; các
nhà máy điện còn lại phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới
dạng các công ty cổ phần để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
- Bộ Công thương ban hành các quy định điều tiết các hoạt động của thị trường
và hướng dẫn thực hiện.
Sau khi tạo lập được thị trường phát điện cạnh tranh sẽ xây dựng thị trường

phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Cho phép các nhà máy điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tham gia
chào giá để bắt đầu thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (theo mô hình một
người mua duy nhất); các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị trường thông qua các
hợp đồng PPA và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay với tỷ lệ điện năng
mua bán theo hai hình thức của từng đơn vị do Cục Điều tiết điện lực quy định.
Với thị trường phát điện cạnh tranh, xây dựng thị trường buôn bán điện
cạnh tranh thí điểm.
Cho phép lựa chọn một số đơn vị phân phối và khách hàng lớn để hình thành thị
trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Cho phép hình thành một số đơn vị bán
buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán buôn điện. Các công ty truyền
tải điện hiện tại được sáp nhập thành một công ty truyền tải điện quốc gia duy nhất
trực thuộc EVN; các đơn vị phân phối, đơn vị vận hành hệ thống và đơn vị điều hành
giao dịch thị trường điện do EVN tiếp tục quản lý.
Xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh sau khi điều kiện
tiên quyết cho bước này đã được đáp ứng.
Cho phép các công ty phân phối điện hiện thuộc EVN được chuyển đổi thành các
công ty độc lập (công ty nhà nước hoặc cổ phần) để mua điện trực tiếp từ các đơn vị
phát điện và ngược lại, các đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các công
ty này. Các đơn vị bán buôn cũng tham gia cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị phân
phối và các khách hàng lớn.
Thị trường bán buôn được tạo lập là cơ sở để thực hiện thị trường bán lẻ
điện cạnh tranh.
Cho phép lựa chọn một số khu vực lưới phân phối có quy mô thích hợp để triển
khai thí điểm. Theo mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các
khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện).
Chức năng kinh doanh bán lẻ điện của các công ty phân phối được lựa chọn thí điểm
sẽ được tách khỏi chức năng quản lý và vận hành lưới phân phối; các đơn vị bán lẻ
điện sẽ cạnh tranh để bán điện tới từng khách hàng sử dụng điện và cạnh tranh để mua
điện từ các đơn vị bán buôn điện.

Và hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo mức độ tiêu thụ điện do
Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được
quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc trực tiếp mua
điện từ thị trường.
Các tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu về hoạt động điện lực được phép thành
lập mới các đơn vị bán lẻ điện để cạnh tranh trong khâu bán lẻ. Các đơn vị này được
quyền mua điện từ các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử
dụng điện.
3.3. Các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện lực:
Để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn thử nghiệm cần có
những điều kiện nhất định:
Về cơ cấu tổ chức:
- Các nhà máy điện trực thuộc EVN được tách thành các đơn vị hạch toán độc
lập;
- Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực và đơn vị mua duy nhất trực
thuộc EVN được thành lập.
Về hệ thống các văn bản:
- Quy định lưới truyền tải và quy định vận hành thị trường điện lực thí điểm được
Bộ Công nghiệp ban hành.
Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:
- Hệ thống quản lý vận hành (SCADA/EMS) và hệ thống đo đếm từ xa đã được
thiết lập hoàn chỉnh tới các đơn vị phát điện thuộc EVN và tới các nút quan trọng
trong lưới truyền tải, đáp ứng các hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh thí
điểm;
- Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành và giao dịch thanh toán trên
thị trường được trang bị phù hợp.
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:
Các đơn vị mới thành lập gồm Cục Điều tiết điện lực, đơn vị mua buôn duy nhất,
đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, đơn vị điều độ hệ thống điện, đơn vị truyền
tải điện và các đơn vị phát điện cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo

chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của thị trường điện cạnh
tranh.
Trong điều kiện thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh
Về cơ cấu tổ chức:
Các nhà máy điện thuộc EVN được tách thành các đơn vị phát điện độc lập
(không có chung lợi ích kinh tế với đơn vị mua duy nhất, đơn vị truyền tài và đơn vị
điều hành giao dịch thị trường điện) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập hoặc các
công ty cổ phần. Tổng công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá
25% công suất đặt của toàn hệ thống.
Về hệ thống các văn bản pháp lý:
- Đề án tái cơ cấu ngành điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Đề án thiết kế thị trường điện lực phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh được Bộ
Công nghiệp phê duyệt;
- Quy định thị trường điện lực được bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới phù hợp
với cấu trúc thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh;
- Các quy định cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh bao gồm: quy định
lưới truyền tải; quy định về thủ tục giám sát thực hiện quy hoạch và thực hiện các dự
án trong danh mục dự án quy hoạch; quy định về thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và giám
sát thực hiện giấy phép hoạt động điện lực; quy định về trình tự và thủ tục chọn nhà
đầu tư phát triển các dự án nguồn mới theo quy hoạch nguồn chi phí tối thiểu; quy
định về thủ tục đăng ký tham gia thị trường phát điện cạnh tranh; quy định về kiểm
soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường điện lực; quy
định về xử lý các vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động thị trường
điện lực được ban hành;
- Các quy định về phương pháp xây dựng, thủ tục, trình tự lập, thẩm định và phê
duyệt biểu giá điện bán lẻ, khung giá phát điện, khung giá điện bán buôn, phí truyền
tải điện, phí phân phối điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, phí điều tiết,
phí sử dụng dịch vụ phụ trợ và các loại phí có liên quan khác; quy định về mẫu hợp
đồng PPA; quy định về giám sát hoạt động mua bán điện trên thị trường, kiểm tra thực
hiện khung, biểu giá điện, các loại phí đã được ban hành;

- Quy định về xử lý các chi phí dàn xếp của các hợp đồng PPA dài hạn khi các
IPP tham gia thị trường được ban hành;
Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:
- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được thiết lập hoàn chỉnh tới
toàn bộ các nhà máy điện trong hệ thống điện, đáp ứng các hoạt động của thị trường
phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh;
- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện được trang bị phù
hợp;
- Các thiết bị phục vụ chức năng giám sát giao dịch thị trường tại cơ quan điều
tiết điện lực được trang bị hoàn chỉnh;
- Dự phòng công suất nguồn của hệ thống phải được duy trì ở mức trên 20% công
suất đặt của toàn hệ thống;
- Tỷ lệ công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá 25% công
suất đặt của toàn hệ thống.
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:
Các đơn vị phát điện độc lập cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào
tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh
tranh.
Với thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm
Về cơ cấu tổ chức:
Một số công ty phân phối điện được lựa chọn để thí điểm mua điện trực tiếp từ
các đơn vị phát điện hoặc các đơn vị bán buôn.
Hệ thống các văn bản:
- Đề án thiết kế thị trường bán buôn điện thí điểm được phê duyệt;
- Các quy định về hoạt động điều tiết; quy định thị trường; quy định lưới truyền
tải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cấu trúc và vận hành của thị trường bán
buôn cạnh tranh;
- Quy định về điều kiện cho các khách hàng lớn được lựa chọn mua điện trực tiếp
từ đơn vị phát điện hoặc qua thị trường điện lực được ban hành.
Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống thu thập số liệu, giám sát điều khiển/quản lý năng lượng
(SCADA/EMS), hệ thống đo đếm từ xa được thiết lập hoàn chỉnh tới toàn bộ các đơn
vị phân phối độc lập và tới các khách hàng sử dụng điện lớn, đáp ứng các hoạt động
của thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm;
- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện được trang bị phù
hợp;
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:
Các đơn vị phân phối được lựa chọn cho thị trường bán buôn điện thí điểm cần có
đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được
các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.
Và cho thị trường điện lực bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh
Về cơ cấu tổ chức:
- Các công ty phân phối đã được tổ chức lại để hình thành các đơn vị phân phối
điện độc lập;
- Một số đơn vị bán buôn điện mới được thành lập để tham gia giao dịch trên thị
trường, đơn vị mua duy nhất trở thành một đơn vị bán buôn điện bình thường dưới
dạng một công ty độc lập.
Hệ thống các văn bản:
- Đề án thiết kế thị trường điện lực bán buôn điện cạnh tranh và Đề án thành lập
các đơn vị phân phối điện độc lập được phê duyệt;
- Các quy định về hoạt động điều tiết, quy định thị trường, quy định lưới truyền
tải được sửa đổi bổ sung phù hợp với cấu trúc thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
- Quy định về cạnh tranh lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện mới theo quy hoạch
nguồn chi phí tối thiểu được sửa đổi phù hợp với mục tiêu cạnh tranh của thị trường
bán buôn.
Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:
- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được trang bị hoàn chỉnh tới tất
cả các điểm đấu nối vào/ra của lưới điện truyền tải từ các đơn vị phân phối độc lập và
tới các khách hàng sử dụng điện lớn;
- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện lực được trang bị

phù hợp đáp ứng cấu trúc và vận hành của thị trường bán buôn.
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:
Các đơn vị phân phối điện độc lập cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được
đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh
tranh.
Cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm
Hệ thống các văn bản pháp lý:
- Đề án thiết kế thị trường điện lực bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm và Đề án tổ
chức lại các công ty phân phối và lựa chọn quy mô bán lẻ điện thí điểm được phê
duyệt;
- Các quy định về hoạt động điều tiết, quy tắc thị trường điện lực và quy định lưới
truyền tải được sửa đổi bổ sung phù hợp với cấu trúc và vận hành của thị trường bán lẻ
điện;
- Quy định lưới phân phối được xây dựng và ban hành.
Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:
- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh tới tất
cả các khách hàng sử dụng điện và tới các điểm đo đếm trong khu vực lưới phân phối
được chọn để thí điểm;
- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện lực được trang bị
phù hợp với cấu trúc và vận hành của thị trường bán lẻ điện.
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:
Các đơn vị bán lẻ điện được lựa chọn cho thí điểm thị trường bán lẻ điện cần có
đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được
các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.
Cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh
Hệ thống các văn bản:
- Đề án thiết kế thị trường điện lực bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt;
- Các quy định về hoạt động điều tiết, quy định thị trường, quy định lưới truyền
tải được sửa đổi bổ sung phù hợp với cấu trúc và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh
tranh.

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:
- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh cho
lưới phân phối;
- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện lực được trang bị
phù hợp với cấu trúc thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:
Các đơn vị bán lẻ điện độc lập cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được
đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh
tranh.

×