Tải bản đầy đủ (.doc) (28 trang)

tóm tắt luận án biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (nghiên cứu trường hợp tại phường định công và xã minh khai, hà nội)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (222.96 KB, 28 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN ĐÌNH TUẤN
BIẾN ĐỔI VĂN HÓA
TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
VÙNG ĐÔ THỊ HÓA
(Nghiên cứu trường hợp tại phường Định Công và xã Minh Khai, Hà Nội)
Chuyên ngành: Nhân học văn hóa
Mã số: 62.31.65.01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
HÀ NỘI, 2013
Công trình được hoàn thành tại:
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI –
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Lâm Bá Nam
2. TS. Đào Thị Minh Hương
Phản biện 1: GS.TS. Hoàng Nam
Phản biện 2: PGS.TS. Lê Sĩ Giáo
Phản biện 3: PGS.TS. Vũ Tuấn Huy
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học
viện, họp tại Học viện Khoa học xã hội, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân,
Hà Nội, vào hồi giờ ngày tháng năm 2013
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Thư viện Học viện Khoa học xã hội
- Thư viện Viện Nghiên cứu Con người
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Ở nước ta, quá trình đô thị hóa nhanh từ khoảng những năm 90 trở lại đây
đã dẫn đến sự mở rộng lãnh thổ của nhiều đô thị trong cả nước. Quá trình này đã
làm biến đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, từ cơ cấu tổ chức xã hội,


phương thức sản xuất, cơ cấu nghề nghiệp, phân bố dân cư cho đến đời sống văn
hóa của người dân vùng đô thị hóa. Về thực chất có thể nói đây là quá trình dẫn
đến những thay đổi trong cơ cấu tổ chức xã hội nông thôn sang tổ chức xã hội đô
thị, từ hoạt động nông nghiệp là chủ yếu sang hoạt động phi nông nghiệp và từ
những khuôn mẫu của đời sống văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị. Những tác
động của đô thị hóa ở nước ta đã và đang tạo nên một bức tranh khá đa dạng về sự
biến đổi ở vùng đô thị hóa.
Như những thành phố lớn khác của nước ta, quá trình đô thị hóa nhanh ở Hà
Nội trong những năm gần đây đã khiến nhiều khu vực ven đô trở thành nội đô và
nhiều làng xã trở thành phố phường. Quá trình này, một mặt có những tác động
tích cực làm thay đổi bộ mặt của vùng ven đô về cơ sở hạ tầng và nâng cao mức
sống cho người dân nơi đây. Mặt khác cũng có những tác động tiêu cực và đặt ra
những thách thức đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống cộng đồng cư dân
vùng ven đô. Đó là những vấn đề liên quan đến chuyển đổi nghề nghiệp, ô nhiễm
môi trường, bảo đảm an ninh, gia tăng tệ nạn xã hội và lưu giữ những giá trị văn
hóa của người dân ven đô Từ góc độ văn hóa cho thấy, ở những vùng này đang
có sự đan xen trong quá trình biến đổi giữa đời sống văn hóa nông thôn với đời
sống văn hóa đô thị, giữa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại Vì vậy, nếu
không có một định hướng đúng đắn và hợp lý về bảo tồn và phát triển văn hóa ở
vùng chịu tác động của đô thị hóa trên cơ sở nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn
hóa của những vùng này sẽ dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển và mất đi
những giá trị văn hóa tốt đẹp. Xuất phát từ lý do trên, nghiên cứu sinh chọn vấn đề
“Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa” (Nghiên cứu trường
hợp tại phường Định Công và xã Minh Khai, Hà Nội) làm đề tài luận án tiến sĩ.
2. Mục đích nghiên cứu của luận án
Nghiên cứu tìm hiểu một số biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng
đô thị hóa. Từ kết quả nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị nhằm khuyến khích
những yếu tố tích cực và giảm thiểu yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hóa ở
những vùng đang chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa.
3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu của luận án

3.1. Đối tượng nghiên cứu
Biến đổi văn hóa ở cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa trong bối cảnh đô thị
hóa và biến đổi kinh tế - xã hội.
3.2. Khách thể nghiên cứu
Người dân sống ở phường Định Công, quận Hoàng Mai và xã Minh Khai,
huyện Từ Liêm, Hà Nội.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
* Về thời gian
Luận án nghiên cứu quá trình biến đổi văn hóa ở phường Định Công và xã
Minh Khai diễn ra kể từ sau khi có Quyết định 543/TTg ngày 12 tháng 8 năm
1996 của Chính phủ về thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở Định Công và
Quyết định số 156/QĐ-UB ngày 08/01/2004 của UBND thành phố Hà Nội về thu
hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở Minh Khai đến thời điểm nghiên cứu.
* Về không gian
Nghiên cứu được thực hiện tại phường Định Công, quận Hoàng Mai và xã
Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
* Vấn đề nghiên cứu
Văn hóa là một khái niệm rộng và đa dạng vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu
của luận án, nghiên cứu sinh chủ yếu tập trung vào nghiên cứu một số khía cạnh của
biến đổi văn hóa đặt trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi kinh tế - xã hội, đó là:
Quan hệ ứng xử gia đình, dòng họ và cộng đồng;
Một số giá trị trong hôn nhân, gia đình;
Phong tục tập quán (lễ hội, cưới xin, ma chay);
Sử dụng thời gian rỗi vào giải trí.
4. Đóng góp của luận án
Luận án góp phần làm rõ thêm cách thức vận dụng các lý thuyết như: biến
đổi xã hội, biến đổi văn hóa, cơ cấu chức năng vào nghiên cứu biến đổi văn hóa.
Bổ sung những ý tưởng mới cho việc nghiên cứu về biến đổi văn hóa, nhất
là biến đổi văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay từ cách tiếp cận
của ngành nhân học văn hóa. Cụ thể là cách tiếp cận lịch đại và đồng đại trong

nghiên cứu so sánh văn hóa.
Góp phần biện giải những biến đổi văn hóa theo các lớp văn hóa (hành vi,
chuẩn mực, giá trị) trong quá trình đô thị hóa và biến đổi kinh tế - xã hội ở nước ta
hiện nay. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của luận án còn cung cấp cho các nhà
hoạch định, thực thi chính sách có thêm một góc nhìn về sự thay đổi trong đời
sống văn hóa của cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa ở nước ta hiện nay, đặc biệt là
ở Hà Nội qua đó có cơ sở để đưa ra các chính sách, hình thức quản lý phù hợp
nhằm phát triển tích cực và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của
người dân vùng chịu tác động của quá trình đô thị hóa.
Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa về mặt ghi nhận đời sống văn hóa của cộng
đồng dân cư tại địa danh cụ thể qua từng mốc thời gian và có thể là nguồn tài liệu
tham khảo cho sinh viên và học viên cao học, những người nghiên cứu về đặc
điểm văn hóa đặc thù của từng địa phương.
5. Nguồn tài liệu của luận án
Tài liệu được sử dụng chính trong Luận án là các tài liệu điền dã, khảo sát
gồm: tài liệu phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, phiếu hỏi, các ghi chép được từ quan
sát; báo cáo tổng kết của các ban ngành đoàn thể và số liệu thống kê của hai địa
phương khảo sát; kế thừa nguồn tài liệu đã được các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước công bố.
6. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được chia
thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tài liệu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Biến đổi kinh tế, xã hội ở phường Định Công và xã Minh Khai -
các yếu tố tác động đến biến đổi văn hóa
Chương 3: Biến đổi văn hóa ở phường Định Công và xã Minh Khai trong
quá trình đô thị hóa
Chương 4: Kết quả và bàn luận
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT

VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu ngoài nước
Cho đến nay trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về biến đổi văn
hóa ở cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Về phương diện lý thuyết có thể kể
đến như: thuyết tiến hóa văn hóa - E. Taylor (1891), thuyết truyền bá truyền bá văn
hóa - G. Elliot Smith (1919), thuyết vùng văn hóa - C.L. Wissler (1923) và thuyết
tiếp biến văn hóa - Redfield (1934) Còn về phương diện nghiên cứu thực tiễn là
các công trình như: “Tác động của đô thị hóa đến nông thôn” - Gerald F.Winfield
(1973), “Đô thị hóa ở nông thôn: khuôn khổ của sự phân tích” - G.J.Lewis và
D.J.Maund (1976), “Đặc trưng đô thị như là một lối sống” - Louis Wirth (1938),
“Biến đổi văn hóa và hiện đại hóa: những hình mẫu nhỏ và nghiên cứu trường hợp”
- Louise S.Spindler (1977), “xác định lại khái niệm làng và cuộc sống nông thôn:
những bài học từ Đông Nam Á” - Jonathan Rigg (1994) và “địa lý học về văn hóa
và xã hội khu vực nông thôn” - Holloway, Lewis và Moya Kneafsey (2004)
1.1.2. Nghiên cứu trong nước
Ở nước ta, nghiên cứu về biến đổi văn hóa được tập trung ở một số hướng sau:
1/ Nghiên cứu biến đổi văn hóa trong quá trình đô thị hóa và biến đổi
văn hóa đô thị: Văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay - Trần Văn
Bính (1997); Biến đổi văn hóa đô thị Việt Nam hiện nay - Nguyễn Thanh Tuấn
(2006); Tác động của đô thị hóa - công nghiệp hóa tới phát triển kinh tế và biến
đổi văn hóa - xã hội ở tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Thế
Trường (2009); Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam - một cách tiếp cận - Trương
Minh Dục, Lê Văn Định (2010); Tiếp cận văn hóa đô thị - Tôn Nữ Quỳnh Trân
(2002) Các công trình nghiên cứu này đã phân tích một số biến đổi văn hóa
trong quá trình đô thị hóa và biến đổi văn hóa ở đô thị nước ta.
2/ Nghiên cứu biến đổi văn hóa ở những vùng chuyển đổi từ xã thành
phường: Những biến đổi kinh tế - xã hội ở Dịch Vọng trong quá trình đô thị hóa
từ Làng, Xã thành phường - Trịnh Duy Luân (1999); Biến đổi lối sống của người
dân vùng chuyển đổi từ xã thành phường - Nguyễn Đình Tuấn (2007); Những biến

đổi về xã hội và văn hóa ở những làng quê chuyển từ xã thành phường tại Hà Nội
- Trần Thị Hồng Yến (2011) Kết quả nghiên cứu của các tác giả cho thấy, việc
chuyển đổi từ xã thành phường nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến sự khó bắt
kịp đời sống đô thị của một bộ phận dân cư.
3/ Nghiên cứu biến đổi văn hóa ở những vùng ven đô: Biến đổi kinh tế -
xã hội ở vùng ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa - Nguyễn Hữu Minh
(2003); Những biến đổi tâm lý của cư dân vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa -
Phan Thị Mai Hương (2010); Ảnh hưởng của đô thị hóa đến nông thôn ngoại
thành Hà Nội: thực trạng và giải pháp - Lê Du Phong, Nguyễn Văn Áng, Hoàng
Văn Hoa (2002); Văn hóa truyền thống ngoại thành Hà Nội dưới tác động của
kinh tế thị trường - Trần Đức Ngôn (2005); Những biến đổi về giá trị văn hóa
truyền thống ở các làng ven đô Hà Nội trong thời kỳ Đổi mới - Ngô Văn Giá
(2007) Từ các kết quả nghiên cứu, các tác giả cùng có quan điểm cho rằng, đời
sống văn hóa của người dân ven đô ở nước ta trong những năm gần đây đã có sự
biến đổi nhanh chóng.
4/ Nghiên cứu biến đổi văn hóa đô thị từ góc độ lối sống: Lối sống trong
đời sống đô thị hiện nay (1993), Lối sống đô thị miền Trung mấy vấn đề lý luận và
thực tiễn (1996) và Bản sắc dân tộc trong lối sống hiện đại (2003) - Lê Như Hoa;
Xã hội học đô thị - Trịnh Duy Luân (2004) Hai tác giả này có đồng quan điểm
khi cho rằng, dưới tác động của kinh tế thị trường lối sống ở các đô thị đang có sự
thay đổi nhanh chóng trong khuôn mẫu hành vi ứng xử.
5/ Nghiên cứu biến đổi văn hóa ở các làng xã nông thôn: Sự biến đổi của
làng - xã Việt Nam hiện nay ở đồng bằng sông Hồng - Tô Duy Hợp (2000); Biến đổi
văn hóa ở các làng quê hiện nay - Nguyễn Thị Phương Châm (2009); Câu chuyện
làng Giang - Lương Hồng Quang (2011). Các tác giả này có cùng kết luận khi cho
rằng, văn hóa ở những làng quê đồng bằng sông Hồng đang có những biến đổi nhanh
chóng, trong đó bao hàm cả sự phục hồi một số giá trị văn hóa truyền thống.
6/ Nghiên cứu biến đổi văn hóa của các tộc người: Bản sắc văn hóa các
dân tộc Việt Nam - Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam (1990); Văn hóa truyền thống
người Dao ở Hà Giang - Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý (1999); Văn hóa,

văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam - Ngô Đức Thịnh (2006); Phát triển bền
vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông bắc - Vương Xuân
Tình - Trần Hồng Hạnh (2012).
Ngoài ra, hướng nghiên cứu về biến đổi văn hóa trong quá trình toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế cũng được nhiều học giả nước ta quan tâm. Điểm qua các
công trình nghiên cứu cho thấy, các công trình này đã có những đóng góp về cả
phương diện lý luận cũng như thực tiễn trong nghiên cứu về đô thị hóa, văn hóa đô
thị và biến đổi văn hóa ở nước ta trong giai đoạn vừa qua. Hơn nữa, với các hướng
tiếp cận khác nhau, các công trình nghiên cứu chỉ rõ đô thị hóa đã có những tác
động đến đời sống văn hóa ở vùng ven đô và vùng chuyển đổi từ xã thành phường.
Mặc dù vậy, cho đến nay dường như vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu
so sánh một cách chính thức giữa nơi đã chuyển thành phường và nơi vẫn còn là
xã - vùng ven đô (trên cùng một trục vấn đề nghiên cứu và ở cùng một khoảng
thời gian nghiên cứu), khi mà hai nơi đều chịu sự tác động của quá trình đô thị
hóa. Vấn đề đặt ra là, tác động của đô thị hóa đến hai nơi này có gì khác nhau
không? Quá trình biến đổi văn hóa ở hai nơi này hiện nay đang diễn ra như thế
nào? Nhằm giải đáp những câu hỏi đặt ra, nghiên cứu sinh chọn địa bàn nghiên
cứu là một phường và một xã để có những phân tích xác thực hơn.
Xuất phát từ những gợi mở, những điểm trống và kế thừa những kết quả
nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, nghiên cứu sinh chọn vấn đề “Biến đổi
văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa” làm đối tượng nghiên cứu, với
mong muốn làm rõ hơn những biến đổi và những nhân tố tác động đến đời sống văn
hóa của cộng đồng dân cư nơi đây trong giai đoạn hiện nay dưới góc nhìn nhân học
văn hóa. Bên cạnh đó, với những khác biệt về khách thể, không gian và thời gian
nghiên cứu, luận án phác họa thêm những nét vẽ cho bức tranh đa diện về biến đổi văn
hóa ở nước ta nói chung và ở Hà Nội nói riêng trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Một số khái niệm đã được làm rõ trong luận án như: Văn hóa, biến đổi xã
hội, biến đổi văn hóa, đô thị, đô thị hóa, cộng đồng, cộng đồng dân cư vùng đô thị
hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa, lối sống, lối sống đô thị

Hướng tiếp cận nghiên cứu chính của luận án là Nhân học văn hóa. Hướng
tiếp cận này cho phép nghiên cứu sinh có thể nhìn nhận và lý giải sâu hơn về
những biến đổi văn hóa ở cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa. Ngoài ra, luận án còn
sử dụng hướng tiếp cận của xã hội học để mô phỏng và giải thích rõ hơn những
vấn đề nghiên cứu.
Hai lý thuyết chủ yếu được vận dụng trong phân tích của luận án là biến đổi
văn hóa và cơ cấu chức năng. Ngoài ra, luận án còn vận dụng nguyên tắc và quan
điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử để phân tích
về biến đổi văn hóa. Đó là, nhìn nhận đối tượng nghiên cứu như một thể thống
nhất trong mối quan hệ và tương tác với các yếu tố khác như kinh tế - xã hội.
Luận án kết hợp giữa 2 phương pháp: điền dã dân tộc học (quan sát, quan sát
tham dự, phỏng vấn, thảo luận nhóm) và khảo sát bảng hỏi để có thể thu thập các
thông tin đầy đủ, đa chiều. (Mẫu nghiên cứu: 30 PVS, 6 TLN và 400 bảng hỏi).
Tiểu kết chương 1
Đô thị hóa là một xu hướng tất yếu của lịch sử phát triển nhân loại mà bất
kỳ một xã hội hiện đại nào cũng trải qua. Trên thế giới, quá trình đô thị hóa diễn ra
một cách mạnh mẽ ở phương Tây thông qua cuộc cách mạng công nghiệp, sau đó
lan sang Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX và châu Á những thập niên 60, 70 của
thế kỷ XX.
Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra từ khá sớm với những đặc trưng riêng
của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải từ sau thời kỳ đổi mới quá trình này mới diễn
ra một cách mạnh mẽ cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa. Quá
trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã dẫn đến những thay đổi trên mọi mặt của đời sống
kinh tế - xã hội không chỉ ở vùng đô thị hóa mà ở cả vùng chịu sự tác động của đô
thị hóa. Đó là những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân số, cơ cấu nghề
nghiệp cũng như đời sống văn hóa. Nhiều làng xã ven đô chỉ sau “một đêm” đã
trở thành phố, phường. Sự chuyển đổi nhanh đó, bên cạnh những mặt tích cực, cũng
làm nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa ở vùng đô thị
hóa. Những vấn đề này đã và đang đặt ra những câu hỏi mà nhiều ngành khoa học
như triết học, xã hội học, văn hóa học, tâm lý học và nhân học hướng đến trả lời.

Khía cạnh văn hóa trong quá trình đô thị hóa cũng được đặt ra trong nhiều
công trình nghiên cứu gần đây. Kết quả nghiên cứu của các công trình này cho
thấy, việc chuyển đổi đơn vị hành chính từ xã thành phường đã dẫn đến những
thay đổi trên nhiều phương diện của đời sống văn hóa của người dân vùng chuyển
đổi. Tương tự như vậy, tại những vùng ven đô cũng đang có những thay đổi mạnh
mẽ trong đời sống văn hóa dưới tác động của quá trình đô thị hóa.
Tuy nhiên, ở những vùng chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa hiện nay,
biến đổi văn hóa đang diễn ra khá đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để văn
hóa vùng đô thị hóa biến chuyển theo chiều hướng tích cực, vừa giữ được những
giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa đô thị
thì cần có nhiều hơn các công trình nghiên cứu từ các hướng tiếp cận khác nhau và
từ những cộng đồng khác nhau. Qua đó, có thể thấy được sự đa dạng của biến đổi
văn hóa trong quá trình đô thị hóa. Dựa trên hướng tiếp cận của nhân học văn hóa,
luận án sẽ góp phần luận giải rõ hơn những biến đổi văn hóa ở vùng đang chịu sự
tác động của đô thị hóa.
CHƯƠNG 2
BIẾN ĐỔI KINH TẾ, XÃ HỘI Ở PHƯỜNG ĐỊNH CÔNG
VÀ XÃ MINH KHAI - CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BIẾN ĐỔI VĂN HÓA
2.1. Sơ lược quá trình hình thành và phát triển đô thị Hà Nội
Kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đến nay, trải qua
hơn 1000 năm phát triển, Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Trong
đó, lần gần đây nhất là năm 2008, với việc sáp nhập toàn bộ diện tích của tỉnh Hà
Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa
Bình. Sau lần mở rộng này, diện tích tự nhiên của Hà Nội là 3.328,9 km
2
với dân số
6.232.940 người. Đến năm 2011, dân số Hà Nội tăng lên thành 6.699.600 người với
mật độ dân số trung bình 2.013 người/km
2
. Dân số sống ở nội thành chiếm khoảng

43,2% và ngoại thành chiếm 56,8%. Vể tổ chức đơn vị hành chính, Hà Nội có 29
đơn vị hành chính cấp quận, huyện; 577 đơn vị cấp phường, xã, thị trấn.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây quá trình đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra ngày
một nhanh hơn. Theo ước tính năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội là 30 - 32% và
nhảy vọt lên 55 - 65% vào năm 2020. Tốc độ đô thị hóa nhanh đang đặt ra cho Hà
Nội những bài toán cần phải giải quyết, đó là vấn đề cơ sở hạ tầng, lao động việc
làm, môi trường, tệ nạn xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
2.2. Biến đổi kinh tế - xã hội ở phường Định Công và xã Minh Khai
2.2.1. Định Công và Minh Khai trong quá trình hình thành và phát triển
2.2.1.1. Phường Định Công
Định Công nằm ở phía nam của quận Hoàng Mai, phía đông giáp phường
Phương Liệt, phía tây giáp phường Kim Giang (quận Thanh Xuân), phía nam giáp
phường Đại Kim, phía bắc giáp phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân). Định
Công được chuyển thành phường ngày 01 tháng 01 năm 2004. Diện tích của
phường hiện nay là 275,5 ha, trong đó đất thổ cư là 168,8 ha, còn lại là diện tích
canh tác, mặt nước và đất khác.
Cũng giống như nhiều vùng chịu tác động của quá trình đô thị hóa, những
dấu hiệu tác động rõ nét đầu tiên trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ở Định Công
là việc thu hồi đất của Nhà nước để chuyển mục đích sử dụng. Tháng 8 năm 1996,
Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thu hồi khu đất 35 ha của Định Công để
xây dựng khu đô thị mới Định Công (Quyết định 543/TTg ngày 12 tháng 8 năm
1996) và sau đó, UBND thành phố Hà Nội cũng ra quyết định thu hồi 0,82 ha đất
để làm đường vào khu đô thị mới Định Công. Tiếp theo đó, năm 1998 Thủ tướng
Chính phủ ra quyết định thu hồi 6,34 ha để xây dựng khu đô thị mới Đại Kim -
Định Công.
Việc thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở
một mặt mang lại bộ mặt mới cho Định Công với những dấu ấn của đô thị, mặt
khác nó cũng có những tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nơi
đây. Trong đó, có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức hành chính. Khi còn là xã, Định
Công có 3 làng, sau khi chuyển thành phường các đơn vị hành chính được tổ chức

thành 25 khu dân cư gồm 84 tổ dân phố.
2.2.1.2. Xã Minh Khai
Xã Minh Khai thuộc huyện Từ Liêm, nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố
Hà Nội. Về mặt địa giới, phía tây và tây bắc giáp xã Tây Tựu, phía bắc giáp xã Liên
Mạc, phía nam và tây nam giáp xã Xuân Phương và phía đông giáp xã Phú Diễn.
Xã gồm có bốn thôn: Nguyên Xá, Văn Trì, Ngọa Long và Phúc Lý. Cả bốn thôn
đều nằm sát bên nhau ở phía tây sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội 13 km. Trên địa
bàn xã có các đường giao thông: quốc lộ 32 (Hà Nội - Sơn Tây), đường 70 (Thượng
Cát - quận Hà Đông), đường 72 (Phú Diễn - Liên Mạc).
Mặc dù đã có những tác động của quá trình đô thị hóa trước đó, nhưng phải
đến năm 2004 mới thực sự là thời kỳ Minh Khai chịu sự tác động mạnh của quá
trình đô thị hóa với việc bàn giao 20 ha đất canh tác để xây dựng khu công nghiệp
vừa và nhỏ (quyết định số 156/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội ngày 08/01/2004).
Đây chính là dự án thu hồi đất lớn đầu tiên ở Minh Khai phục vụ chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, Minh Khai cũng đang triển khai đền bù, giải phóng
mặt bằng các dự án như: dự án xây dựng khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; dự
án bệnh viện Việt Sing; dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên báo Tiền
Phong; dự án xây dựng chợ Phúc Lý
Trong quy hoạch, Minh Khai còn nằm trong nhiều dự án như: khu công
nghệ cao Nam Thăng Long (một phần đất Minh Khai nằm trong dự án); khu công
nghiệp điện lạnh, điện tử; khu công nghiệp vừa và nhỏ; bãi đỗ xe tĩnh của thành
phố; trung tâm chợ thương mại đầu mối
Về mặt tổ chức hành chính, cho đến nay Minh Khai vẫn theo hình thức tổ
chức hành chính cấp xã. Xã Minh Khai hiện có bốn thôn và dưới thôn là các xóm.
2.2.1. Định Công và Minh Khai trong quá trình đô thị hóa
2.2.1.1. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thay đổi nghề nghiệp
Ở Định Công, từ năm 1996 đến nay đất nông nghiệp đã giảm 41,16 ha (từ
133,92 ha xuống còn 90,769). Số diện tích đất nông nghiệp này đã được chuyển
đổi mục đích sử dụng chủ yếu phục vụ xây dựng khu đô thị mới Định Công, khu
đô thị Đại Kim và khu Bắc Đại Kim. Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND

phường Định Công năm 2011, diện tích đất nông nghiệp ở phường vẫn còn nhưng
trên thực tế phần lớn diện tích này đã nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Do
đó, ngoại trừ diện tích ao, hồ vẫn được sử dụng nuôi trồng thủy sản, diện tích đất
nông nghiệp còn lại ở Định Công hiện nay không còn được sử dụng để canh tác.
Còn ở Minh Khai, kể từ năm 2000 đến nay, diện tích đất nông nghiệp bị
chuyển đổi mục đích sử dụng là 145,96 ha (từ 349,42 ha xuống còn 283,46 ha). Xu
hướng này còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, bởi trong quy hoạch một số dự án
sẽ thực hiện ở đây. Có sự khác biệt giữa Định Công và Minh Khai trong việc
chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đó là, ở Định Công phần lớn đất nông nghiệp
được chuyển sang xây dựng khu đô thị, còn ở Minh Khai lại chuyển sang xây các
khu công nghiệp, trường học, bệnh viện Diện tích đất nông nghệp còn lại ở Minh
Khai hiện nay chủ yếu trồng bưởi, rau màu và hoa.
Việc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng đất đã dẫn đến sự chuyển đổi
nghề và thay đổi cơ cấu kinh tế ở Định Công và Minh Khai diễn ra một cách
nhanh chóng trong những năm qua.
Diện tích đất canh tác bị thu hẹp đã khiến người dân ở Định Công và Minh
Khai phải chuyển đổi nghề. Các hình thức chuyển đổi nghề của người dân cũng
khá đa dạng và phụ thuộc vào từng điều kiện khác nhau. Định Công là nơi chịu sự
tác động sớm nên cơ cấu nghề của Định Công hiện nay có nhiều nét giống với cơ
cấu của nhiều phường nội thành hơn so với Minh Khai.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi nghề người dân ở Định Công và Minh Khai đều
gặp phải những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, nhất là với những người
lớn tuổi và trình độ học vấn thấp. Do nhiều tuổi và trình độ học không cao nên
người lớn tuổi khó có thể tìm được một công việc ổn định tại một cơ quan hay
công ty. Phần lớn những lao động này sau khi không còn đất canh tác không có
việc làm hoặc làm những công việc giản đơn như chạy xe ôm, bảo vệ, khuôn vác
thuê. Một xu hướng chuyển đổi nghề khác của người dân ở Định Công và Minh
Khai hiện nay là chuyển sang buôn bán kinh doanh và xây nhà trọ cho thuê.
2.2.1.2. Thay đổi cơ cấu kinh tế và mức sống
Cùng với sự chuyển đổi nghề, cơ cấu kinh tế ở những vùng đô thị hóa cũng

đang có những thay đổi nhanh. Tại đó, diễn ra xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh
tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Ở Định Công nếu như
năm 2000, tỷ lệ nông nghiệp chiếm 18,7% trong cơ cấu kinh tế của phường thì đến
năm 2010 chỉ còn chiếm 1,4%. Còn ở Minh Khai năm 2000, tỷ lệ nông nghiệp
trong cơ cấu kinh tế của địa phương chiếm 56,1% thì đến năm 2010 chỉ còn lại
7,8%.
Nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Định Công và Minh Khai đã
chuyển từ nông nghiệp sang các nguồn thu từ hoạt động phi nông nghiệp như buôn
bán/kinh doanh, làm công ăn lương. Ngoài ra nhiều hộ gia đình ở Định Công và
Minh Khai còn có nguồn thu từ cho thuê nhà trọ.
Ở Định Công và Minh Khai hiện nay có khá nhiều khu nhà trọ được các gia
đình xây cho người đi làm và sinh viên thuê nằm xen kẽ giữa các hộ dân. So sánh
giữa Định Công và Minh Khai cho thấy, số gia đình xây nhà trọ cho thuê ở Định
Công nằm đều ở các cụm dân cư hơn so với ở Minh Khai (ở Minh Khai chủ yếu
nằm ở làng Ngọa Long, Nguyên Xá và Văn Trì). Số lượng phòng cho thuê của các
gia đình phụ thuộc vào diện tích đất của gia đình rộng hay hẹp. Tuy nhiên, đối với
các hộ gia đình có nhà cho thuê thì ít nhất cũng phải có 2 phòng, còn hộ nhiều lên
đến vài chục phòng. Việc xây dựng nhà cho thuê dường như thành một “trào lưu”
của nhiều hộ gia đình ở Định Công và Minh Khai trong những năm gần đây (ngoại
trừ thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, do nằm ở vị trí không thuận tiện nên chưa có
nhiều hộ gia đình xây nhà cho thuê). Nhiều hộ gia đình đã xác định đây là nguồn
thu nhập chính của gia đình và họ coi đó như là một nghề. Trên thực tế, với mức
giá cho thuê một phòng trọ từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu/tháng (năm 2011), nếu một gia
đình có 10 phòng trọ cho thuê thì đây quả là một khoản thu nhập khá cao đối với
nhiều hộ gia đình. Khoản thu nhập này có lẽ ít có hộ gia đình nào nghĩ đến khi chưa
có sự tác động của đô thị hóa. Chính vì khoản thu nhập cao này mà nhiều gia đình
đã bỏ trồng các loại cây ăn quả (trước đây vốn cũng là nguồn thu chính cho gia
đình) để chuyển sang xây nhà trọ cho thuê. Theo cách tính toán của người dân ở xã
Minh Khai, nếu trồng một gốc bưởi thì mất khoảng 16m
2

đất và một năm cây bưởi
ra được khoảng 100 quả bưởi bán với giá 30.000đ/quả sẽ được 3 triệu đồng. Nếu trừ
chi phí đi người dân được khoảng 2 triệu đồng/năm. Nhưng cũng khoảng đất đấy,
nếu xây 2 phòng trọ, mỗi phòng trọ cho thuê khoảng 1 triệu/tháng, một năm người
dân thu về 24 triệu (cao gấp 12 lần so với trồng bưởi). Như vậy có thể thấy, nếu so
sánh giữa việc trồng trọt với việc xây nhà trọ cho thuê thì việc xây nhà trọ cho thuê
“nhàn hạ” và có thu nhập cao hơn nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại từ
khía cạnh kinh tế, thì “trào lưu” xây nhà trọ cho thuê ở vùng đô thị hóa hiện nay
cũng đang đặt ra những vấn đề trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây
(những vấn đề này được phân tích rõ hơn ở phần biến đổi văn hóa).
Sự thay đổi có tính bước ngoặt đối với đời sống kinh tế ở Định Công và
Minh Khai là từ khi đất ở những khu vực này đắt lên và người dân được nhận tiền
đền bù từ thu hồi đất. Giá đất đắt, nhiều gia đình đã bán đất để xây sửa nhà cửa,
mua sắm tiện nghi sinh hoạt và có tiền để tiết kiệm. Khi hỏi về mức sống của gia
đình hiện nay so với 10 năm trước như thế nào, kết quả khảo sát của nghiên cứu
sinh cho thấy, phần lớn (73,3%) những người tham gia trả lời phỏng vấn cho biết
mức sống gia đình hiện nay khá hơn, 12,8% trả lời khá hơn rất nhiều, 11,7% trả lời
không thay đổi và chỉ có 2,2% trả lời mức sống gia đình hiện nay kém hơn so với
10 năm trước.
Mức sống của người dân nơi đây khá lên còn được thể hiện trong điều kiện
sống như xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh và tiện nghi sinh hoạt.
Ở Định Công và Minh Khai hiện nay, các ngôi nhà bán kiên cố (nhà mái
ngói) với không gian thoáng mát gắn liền với sân vườn (hình ảnh của làng quê)
đang dần được thay vào đó là những ngôi nhà ống cao tầng, hay những ngôi biệt thự
sang trọng mọc sát bên nhau. Cùng với đó là việc trang bị nhiều phương tiện, thiết
bị sinh hoạt phục vụ cho cuộc sống hơn như: xe ô tô, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt
2.2.1.3. Phát triển cơ sở hạ tầng và gia tăng dân số
Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng ở Định Công và Minh
Khai đã có những thay đổi đáng kể từ hệ thống giao thông, điện, trường học, cấp
thoát nước cho đến thu gom rác thải.

Còn về dân số, cả ở Định Công và Minh Khai dân số đều tăng nhanh trong
khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Định Công, chỉ sau 10 năm dân số đã tăng lên gấp
hơn 3,3 lần, từ 13.217 nhân khẩu năm 2001 lên 44.495 nhân khẩu năm 2011 (số
nhân khẩu tăng chủ yếu là do người dân từ nơi khác đến Định Công mua đất xây
nhà để ở và do có khu đô thị mới). So với Định Công, tốc độ tăng dân số và số dân
hiện đang sống ở Minh Khai có phần thấp hơn. Trong 10 năm (2001 - 2011), dân
số Minh Khai tăng hơn 2,8 lần từ 10.675 người lên 30.514 người. Sở dĩ số dân ở
Định Công tăng nhanh hơn Minh Khai, ngoài lý do gần nội thành và chịu sự tác
động của quá trình đô thị hóa sớm hơn, thì Định Công còn là nơi quy hoạch để
giãn dân của thành phố Hà Nội.
2.2.1.4. Một số vấn đề xã hội nảy sinh
Bên cạnh những yếu tố tích cực biến đổi trong cơ cấu kinh tế - xã hội, quá
trình đô thị hóa hiện nay cũng đang làm nảy sinh một số vấn đề trong đời sống
xã hội ở Định Công và Minh Khai. Đó là tình trạng thiếu việc làm, tệ nạn xã
hội, ô nhiễm môi trường Kết quả khảo sát của luận án cho thấy, phần lớn những
người tham gia trả lời phỏng vấn cho rằng hiện nay ở địa phương đều có các tệ
nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp, số đề, gây mất trật tự xã hội và
các tệ nạn này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Tiểu kết chương 2
Lịch sử phát triển nhân loại đã chứng minh cho thấy, đô thị hóa là quá trình
tất yếu của quá trình phát triển, gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất,
quan hệ xã hội và sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Quá trình đô thị hóa là một
quá trình biến đổi kinh tế - xã hội với những đặc trưng như: mở rộng không gian
sống đô thị, dân số đô thị tăng nhanh do quá trình di cư từ những vùng nông thôn
vào đô thị, sự thay đổi điều kiện sống và các mối quan hệ xã hội
Như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, quá trình đô thị hóa ở Việt
Nam hiện nay đang diễn ra theo chiều rộng với việc đẩy nhanh phát triển công
nghiệp. Bên cạnh vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qúa trình đô thị hóa
chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch, không cân bằng cung cầu như ở nước ta hiện nay có
những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân tại vùng đô thị hóa. Đó là sự

phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, thiếu việc làm và ô nhiễm môi trường
Đối với Hà Nội, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trong khoảng 10 năm trở
lại đây đã khiến nhiều vùng ven đô chuyển thành đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô
thị hóa nhanh cũng đang đặt ra cho Hà Nội những vấn đề cần quan tâm đối với
vùng đô thị hóa, đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, các tệ nạn
xã hội và bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống
Tại hai địa phương nghiên cứu, mặc dù có điểm khác nhau về thời gian chịu
tác động của đô thị hóa và quản lý hành chính nhưng trong quá trình biến đổi kinh
tế - xã hội vẫn có những điểm tương đồng. Đó là: 1/ cơ sở hạ tầng phát triển; 2/
dân số cơ học gia tăng; 3/ đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp; 4/ cơ cấu kinh
tế có xu hướng dịch chuyển từ hoạt động nông nghiệp là chủ yếu sang buôn bán,
kinh doanh, dịch vụ; 5/ không gian sống của làng, xã và gia đình thay đổi; 6/ đời
sống kinh tế của người dân tốt hơn (nhờ vào việc bán đất ở hoặc nhận được tiền
đền bù đất do bị thu hồi; xây dựng nhà cho thuê) thể hiện qua tốc độ xây dựng nhà
cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt; 7/ nảy sinh một số vấn đề xã hội. Những thay
đổi này là tiền đề quan trọng dẫn đến những thay đổi trong đời sống văn hóa của
người dân ở Định Công và Minh Khai.
CHƯƠNG 3
BIẾN ĐỔI VĂN HÓA Ở PHƯỜNG ĐỊNH CÔNG VÀ XÃ MINH KHAI
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
3.1. Biến đổi trong quan hệ gia đình, họ hàng và cộng đồng
3.1.1. Biến đổi trong quan hệ gia đình
Trong quá trình đô thị hóa cùng với những biến đổi của cơ cấu kinh tế - xã
hội của vùng chịu tác động của đô thị hóa, thì những gia đình nơi đây cũng có
những thay đổi trong cấu trúc, cách thức tổ chức sinh hoạt và trong các mối quan
hệ giữa các thành viên trong gia đình.
3.1.1.1. Về quy mô gia đình
Những năm gần đây việc mở cửa hội nhập quốc tế và đô thị hóa đã tác động
không nhỏ đến quy mô gia đình ở nước ta nói chung và gia đình vùng đô thị hóa nói
riêng. Theo số liệu thống kê từ kết quả điều tra mức sống dân cư năm 2010 cho

thấy, ở nước ta năm 2002, số người bình quân trong hộ gia đình thành thị là 4,27
người, nông thôn là 4,49; năm 2006 ở thành thị là 4,13, nông thôn là 4,28 và đến
năm 2010 giảm xuống còn 3,82 người đối với gia đình thành thị và 3,92 người ở
nông thôn. Kết quả khảo sát ở Định Công và Minh Khai cũng cho thấy, trong vòng
10 năm trở lại đây đã có sự thay đổi về quy mô gia đình. Số người trung bình trong
gia đình hiện nay ở Định Công là 4,03 người, Minh Khai là 4,37 người. Trong khi
đó, số người trung bình ở Định Công và Minh Khai 10 năm trước lần lượt là 4,35
người và 4,76 người. Sự thay đổi về số người sống trong gia đình ở Định Công và
Minh Khai cũng cho thấy đang có sự thay đổi về số thế hệ sống trong hộ gia đình.
Trong thời gian 10 năm trở lại đây, số gia đình 3 thế hệ trở lên giảm, còn số gia
đình một và hai thế hệ có xu hướng tăng.
Định Công là nơi chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa sớm hơn so với
xã Minh Khai nên số gia đình hai thế hệ hiện nay chiếm tỷ lệ cao hơn (76,0% so
với 68,0%). Ngược lại, số gia đình ba thế hệ ở xã Minh Khai lại chiếm tỷ lệ cao
hơn phường Định Công (28,0% so với 16,0%). Tác động của quá trình đô thị hóa
đến sự thay đổi về số thế hệ sống trong gia đình được thể hiện rõ từ khi đất ở
những vùng này có xu hướng đắt lên. Giá đất đắt lên, nhiều hộ gia đình đã chia
“lô” để bán và chia cho con cái ra ở riêng. Ngoài ra, nhiều người sau khi kết hôn
cũng có mong muốn sống riêng, độc lập với bố mẹ.
Qua nghiên cứu ở Định Công và Minh Khai cho thấy quá trình đô thị hóa
đang có những tác động đến quy mô gia đình ở đây. Số người sống trong hộ gia
đình giảm và gia đình hai thế hệ đang có xu hướng tăng thay thế cho kiểu gia đình
nhiều thế hệ trước đây. Những thay đổi này cho thấy xu hướng biến đổi theo quy
mô gia đình đô thị ở vùng đô thị hóa. Sự thay đổi này ít nhiều có ảnh hưởng đến các
mối quan hệ trong gia đình của người dân nơi đây.
3.1.2.2. Về quan hệ trong gia đình
So với 10 năm trước, một số sinh hoạt tập thể trong gia đình ở Định Công và
Minh Khai như: bữa cơm gia đình hay xem tivi cùng nhau có xu hướng giảm đi.
Việc giảm đi các sinh hoạt này đã có những ảnh hưởng đến quan hệ giao tiếp giữa
các cá nhân trong gia đình. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong không gian sống (các

gia đình xây dựng nhà cao tầng và các thành viên có không gian riêng), thời gian
làm việc/học tập nhiều hơn và đời sống riêng tư được tôn trọng đã làm giảm đi
khoảng thời gian các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Chính những điều
này đang ít nhiều làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia
đình. Kết quả khảo sát của luận án cho thấy, nhiều người đã cho rằng các mối
quan hệ trong gia đình hiện nay có phần “ít gần gũi hơn” so với 10 năm trước.
Đánh giá về sự thay đổi trong mối quan hệ gia đình có sự khác nhau giữa
nơi chịu sự tác động sớm hơn của quá trình đô thị hóa (Định Công) và nơi mới
chịu sự tác động (Minh Khai). Theo đó, Định Công là nơi có sự thay đổi trong mối
quan hệ gia đình nhiều hơn so với Minh Khai.
3.1.2. Biến đổi trong quan hệ họ hàng
Phường Định Công và xã Minh Khai ngày nay vốn dĩ là những làng xã
ngoại thành thuộc Hà Nội, cũng giống như nhiều làng xã khác, Định Công và
Minh Khai đều tồn tại các dòng họ. Các dòng họ ở đây hàng năm vẫn duy trì được
những hoạt động chủ yếu như: họp họ, giỗ tổ và tổ chức tuyên dương kết quả học
tập của con cháu (khuyến học). Tuy nhiên, so với trước cũng có những thay đổi.
Chẳng hạn, trước đây, phần lớn các hoạt động của dòng họ chủ yếu là con trai
tham gia, còn hiện nay ở một số dòng họ đã có sự tham gia nhiều hơn của con gái
(nhất là với những người đã lập gia đình và sinh sống ở nơi khác). Hay các hoạt
động của dòng họ hiện nay không còn diễn ra với quy mô lớn có sự tham gia của
hầu hết các thành viên trong dòng họ như trước đây mà chủ yếu là người lớn tuổi.
So sánh mức độ tham gia cũng như quy mô tổ chức các hoạt động của các
dòng họ giữa Đinh Công và Minh Khai hiện nay cho thấy, các dòng họ ở Minh
Khai có sự tham gia của nhiều thành viên trong dòng họ hơn và quy mô tổ chức
cũng có phần to hơn.
Mặc dù, những hoạt động của các dòng họ ở Định Công và Minh Khai hiện
nay vẫn được duy trì, nhưng dưới tác động của quá trình đô thị hóa, vai trò của
dòng họ, tính gắn kết giữa các thành viên và sự tương trợ lẫn nhau dường như
đang có chiều hướng giảm so với trước đây.
Vai trò và tính gắn kết của dòng họ giảm thể hiện ở việc các thành viên trong

dòng ít nhờ cậy, giúp đỡ nhau hơn khi gia đình có công việc quan trọng (cưới xin,
tang ma, làm nhà ). Trước đây, mỗi khi các gia đình trong dòng họ có công việc
quan trọng như cưới xin, tang ma, làm nhà thường nhờ và nhận được giúp đỡ của
những người họ hàng, nhất là việc “hậu cần”. Còn giờ đây, dưới tác động của quá
trình đô thị hóa với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ xã hội, khi có việc
hiếu, hỷ nhiều gia đình đã thuê người làm theo hình thức “trọn gói”.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dòng họ đối với một số công việc của các gia
đình hay cá nhân trong dòng họ cũng có xu hướng giảm. Điều này được thể hiện rõ
trong các công việc của các gia đình như cưới xin hay tang ma.
3.1.3. Biến đổi trong quan hệ hàng xóm, láng giềng
Quan hệ hàng xóm, láng giềng hiện nay ở vùng đô thị hóa cũng đang có xu
hướng “kém thân thiện hơn” so với 10 năm trước, điều này được thể hiện qua nhận
định của những người tham gia trả lời phỏng vấn ở Định Công và Minh Khai khi có
59,5% (238/400) cho rằng quan hệ hàng xóm, láng giềng hiện nay kém thân thiện
hơn so với 10 năm trước, 38,2% (152/400) cho rằng không thay đổi và chỉ có 2,3%
(9/400) cho rằng thân thiện hơn. Xu hướng này thấy rõ hơn ở nơi chịu sự tác động
sớm của quá trình đô thị hóa (Định Công).
Quan hệ hàng xóm láng giềng “kém thân thiện hơn” thể hiện ở việc:
1. Người dân ít gặp gỡ, nói chuyện với nhau thường xuyên hơn (do các gia
đình kín cổng cao tường, ít có thời gian rảnh và do hàng xóm mới chưa
quen hay không thích );
2. Mọi người ít nhờ cậy, giúp đỡ nhau khi gia đình có công việc như hiếu, hỉ
(do thay đổi trong suy nghĩ của người dân và sự phát triển nhanh chóng của
các dịch vụ xã hội).
Cùng với đó là sự đan xen giữa dân gốc với dân nhập cư cũng có ảnh hưởng
không nhỏ đến mối quan hệ hàng xóm, láng giềng vốn đã có từ trước.
Những thay đổi này đang làm cho tính đoàn kết trong cộng đồng làng xã
vùng đô thị hóa hiện nay có xu hướng giảm đi.
3.2. Biến đổi một số giá trị trong hôn nhân gia đình
3.2.1. Trong hôn nhân

3.2.1.1. Về tuổi kết hôn
So với những người kết hôn trước năm 2002, những người kết hôn từ năm
2002 trở lại đây có xu hướng kết hôn muộn hơn. Tuổi kết hôn trung bình tăng ở cả
nam và nữ (tuổi kết hôn trung bình trước năm 2002 của nam là 25,30 tuổi, nữ là
22,32 tuổi. Còn từ 2002 đến nay, tuổi kết hôn trung bình của nam tăng lên là 26,68
tuổi và nữ là 24,17 tuổi). Thay đổi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng
trong đó không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến những
thay đổi này. Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu nghề
nghiệp, mức sống và trình độ học vấn của người dân. Khi mức sống của người dân
tốt hơn, có trình độ học vấn cao hơn và mở rộng không gian giao tiếp đã giúp cho
họ có được nhiều sự lựa chọn bạn đời hơn và có xu hướng kết hôn muộn hơn.
So sánh giữa hai địa bàn nghiên cứu cho thấy, nơi chịu sự tác động sớm hơn
của quá trình đô thị hóa (Định Công) tỷ lệ người kết hôn muộn cao hơn so với nơi
chịu tác động muộn hơn (Minh Khai). Điều này có nghĩa là tuổi kết hôn trung bình
của dân cư ở địa bàn có thời gian tác động của đô thị lâu hơn thường cao hơn so
với nơi mới chịu sự tác động.
3.2.1.2. Bán kính kết hôn
Cùng với thay đổi về độ tuổi kết hôn, bán kính kết hôn ở Định Công và
Minh Khai cũng có xu hướng mở rộng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ
người kết hôn với những người ngoài địa phương (huyện/quận khác và tỉnh/thành
khác) tăng. Bán kính hôn mở rộng là do thay đổi về cơ cấu nghề nghiệp, số người
ở nơi khác đến địa phương sinh sống tăng và vai trò quyết định của cha mẹ giảm.
3.2.1.3. Tiêu chí lựa chọn bạn đời
Tiêu chí lựa chọn người bạn đời ở vùng đô thị hóa hiện nay cũng có những
thay đổi so với trước đây. Nếu những người kết hôn trước năm 2002 thường lựa
chọn người bạn đời theo những tiêu chí mang tính truyền thống của người Việt nói
chung và của người dân ở nông thôn nói riêng như: người tốt, chăm chỉ, con nhà
gia giáo, khoẻ mạnh, nghề nghiệp ổn định, cùng địa phương thì những người kết
hôn từ 2002 đến nay bên cạnh một số tiêu chí truyền thống còn đề cao, họ đã
hướng nhiều hơn đến một số tiêu chí mang tính thực tế như: biết làm kinh tế, có

trình độ học vấn, gia đình khá giả, hình thức đẹp.
3.2.2. Trong quan niệm về số con và giá trị con trai
So với trước đây, quan niệm về sinh nhiều con và phải có bằng được con trai
của người dân ở vùng đô thị hóa đã có những thay đổi. Phần lớn họ cho rằng mỗi
gia đình chỉ nên có hai con và không nhất thiết phải sinh được con trai.
Bên cạnh đó, cũng còn một số ít hộ gia đình có tư tưởng muốn sinh thêm
con và muốn sinh con trai. Những gia đình này chủ yếu là những gia đình đời sống
kinh tế mới khá giả nhờ vào bán đất và khi có điều kiện kinh tế họ lại có tư tưởng
muốn sinh thêm con và muốn sinh con trai. Điều này cho thấy, ở vùng đô thị hóa
hiện nay (nhất là nơi mới chịu sự tác động của đô thị hóa) đang có sự đan xen
trong quan niệm về giá trị của con trai, có những người vẫn chưa thoát khỏi quan
niệm phải sinh được con trai để chứng tỏ vị trí trong xã hội.
3.3. Biến đổi trong phong tục cưới xin, tang ma
Trong tổ chức cưới xin, tang ma ở Định Công và Minh Khai hiện nay đã và
đang có những thay đổi so với trước đây. Điều này thể hiện ở một số điểm sau:
- Thời gian tổ chức không còn kéo dài trong nhiều ngày mà thường diễn ra
trong một đến hai ngày;
- Địa điểm tổ chức không chỉ diễn ra trong không gian gia đình mà cả ở
không gian công cộng. Đối với đám cưới là nhà văn hóa, sân đình hay khách
sạn, nhà hàng. Còn đối với đám tang là tại nhà tang lễ;
- Số lượng người tham dự đám cưới hay đám tang là người địa phương giảm so
với trước. Gắn liền với thay đổi đó là việc giảm số lượng mâm cỗ. Việc làm
cỗ cũng có những thay đổi từ việc tự nấu sang đặt nấu hoặc thuê người nấu.
- Ngoài ra, còn một số thay đổi khác như: trong đám tang bỏ tục lăn đường (ở
Định Công), người chết được hỏa táng ; trong đám cưới thì quà cưới chủ
yếu bằng tiền
Những thay đổi này cho thấy xu hướng biến đổi ở Định Công và Minh Khai
gắn với thực tiễn phát triển của xã hội và của văn hóa đô thị (Xu hướng này thấy
rõ hơn ở Định Công - nơi chịu tác động của quá trình đô thị hóa sớm hơn).
3.4. Biến đổi trong tổ chức lễ hội và sử dụng thời gian rỗi vào giải trí

3.4.1. Biến đổi trong tổ chức lễ hội
Đến nay, các lễ hội truyền thống của các làng ở Định Công và Minh Khai
được khôi phục và tổ chức hàng năm. Trong tổ chức lễ hội, về cơ bản các nghi lễ
vẫn được người dân ở Định Công và Minh Khai duy trì theo truyền thống. Thông
thường một năm lễ hội của các làng được tổ chức một lần vào dịp đầu năm và 5
năm tổ chức mở hội một lần. Lễ hội thường diễn ra trong hai ngày, ngày thứ nhất
là ngày tế chay và ngày thứ hai là ngày tế mặn.
So với trước đây các nghi lễ trong lễ hội ở Định Công và Minh Khai hiện
nay về cơ bản vẫn được duy trì. Lễ hội của các làng gồm hai phần, phần lễ và phần
hội. Phần lễ bao gồm các hoạt động như khai mạc, dâng hương, tế, rước thánh
hay tôn vinh con em trong làng có thành tích cao trong học tập ở Định Công.
Về phần hội, các làng vẫn duy trì và khôi phục lại một số trò chơi như: cờ
tướng, đấu vật, chọi gà, bắt vịt dưới hồ, đập niêu, kéo co Ngoài ra còn có thêm
một số hoạt động khác như: hát chèo, hát quan họ (được ban tổ chức mời về biểu
diễn phục vụ người dân đến tham gia lễ hội); thi đấu các môn thể dục, thể thao
(cầu lông, đá cầu, bóng chuyền ); hay biểu diễn dưỡng sinh Đây là những nét
mới trong tổ chức lễ hội của một số làng ở Định Công và Minh Khai hiện nay.
Các công việc tổ chức lễ hội của làng ngày nay không chỉ có sự tham gia
của các cụ và người dân trong làng như trước mà còn có sự tham gia của các tổ
chức chính trị xã hội ở xã/phường. Đó là sự tham gia của các cấp chính quyền địa
phương, của mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên
So với trước đây, một số điều cấm và kiêng kỵ đối với những người tham
gia vào lễ hội của làng ở Định Công và Minh Khai hiện nay cũng có những thay
đổi. Chẳng hạn, trước đây ở một số làng có những quy định đối với phụ nữ khi ra
đình làng. Đó là việc phụ nữ khi dâng lễ không được bước qua bục đình mà chỉ
được đứng ở ngoài nhờ cụ Từ đặt hộ. Hay khi ra đình, phụ nữ phải ăn mặc kín
đáo, thậm chí không được mắc áo ngắn tay Cũng có làng còn có quy định, nếu
trong năm đó nhà nào có tang thì mọi người trong gia đình không được ra đình.
Nếu ai vi phạm những quy định này sẽ bị làng phạt. Ngày nay những điều cấm kỵ
này không còn khắt khe như trước.

3.4.2. Biến đổi trong sử dụng thời gian rỗi vào giải trí
So với trước đây việc sử dụng thời gian rỗi vào giải trí của người dân ở Định
Công và Minh Khai đều có những thay đổi. Ngoài việc sử dụng thời gian rỗi để
giải trí trong gia đình như: xem tivi, đọc sách báo, người dân ở Định Công và
Minh Khai có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giải trí ngoài gia
đình như: đến rạp xem phim/nghe ca nhạc, tham gia vào các câu lạc bộ, thể dục,
Kết quả nghiên cứu của luận án cũng cho thấy, việc sử dụng thời gian rỗi vào các
hoạt động giải trí ngoài gia đình của người dân ở Định Công diễn ra với tần xuất
cao hơn so với người dân ở Minh Khai.
Những thay đổi trong việc sử dụng thời gian rỗi vào giải trí cho thấy, người
dân ở vùng đô thị hóa hiện nay đang có những thay đổi trong nhu cầu hưởng thụ
đời sống văn hóa. Tuy nhiên, thay đổi này cũng có sự khác nhau giữa các nhóm
nghề. Những người làm nghề phi nông nghiệp tham gia vào các hoạt động giải trí
ngoài gia đình nhiều hơn so với những người làm nông nghiệp.
Ngoài ra, thay đổi nghề nghiệp cũng là một trong những yếu tố chính dẫn
đến những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày và sử dụng thời gian rỗi
của người dân vùng chịu tác động của đô thị hóa. Nhất là đối với những người dân
chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang dịch vụ, buôn bán, kinh doanh và xây nhà trọ
cho thuê. Để phục vụ khách hàng hay quản lý khu nhà trọ cho thuê người dân đã
dần thay thói quen “ngủ sớm, dậy sớm” khi còn làm nông nghiệp bằng “ngủ
muộn, dậy muộn” và “thức khuya, dậy sớm”.
Tiểu kết chương 3
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Hà Nội trong những năm gần
đây đã có những tác động và làm biến đổi nhiều mặt trong đời sống văn hóa của
cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa. Những biến đổi đó thể hiện ở một số khía cạnh
sau:
Cơ cấu gia đình đang có xu hướng biến đổi, gia đình hạt nhân gia tăng, gia
đình mở rộng giảm. Những biến đổi trong điều kiện sống, không gian sinh hoạt,
nghề nghiệp và thời gian làm việc của các thành viên trong gia đình là những yếu
tố ảnh hưởng đến quan hệ “gần gũi” giữa các thành viên trong gia đình ở vùng đô

thị hóa hiện nay. Trong gia đình, một số giá trị cũng đang có những thay đổi. Mặc
dù nhiều con không còn là một giá trị quan trọng đối với người dân nơi đây, nhưng
giá trị con trai vẫn còn được một số người dân ở vùng mới chịu sự tác động của
quá trình đô thị hóa đề cao.
Giống như sự biến đổi trong quan hệ gia đình, quan hệ hàng xóm, láng
giềng cũng đang có những thay đổi nhất định. Người dân bận với công việc hơn
cùng với kiến trúc xây dựng nhà kín cổng cao tường đang tạo ra khoảng cách
trong quan hệ hàng xóm, láng giếng. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các
dịch vụ xã hội hiện nay đang làm cho con người sống trong cộng đồng làng xóm ít
bị phụ thuộc vào nhau hơn. Điều này đã ít nhiều tác động đến mối quan hệ hàng
xóm, láng giềng và tính gắn kết cộng đồng truyền thống của các làng xã ở vùng đô
thị hóa hiện nay.
So với quan hệ hàng xóm, láng giềng, quan hệ họ hàng được đánh giá là ít
biến đổi hơn. Các sinh hoạt của dòng họ như: họp họ và giỗ tổ vẫn được các dòng
họ nơi đây duy trì. Tuy nhiên, mức độ gần gũi, giúp đỡ giữa các thành viên trong
dòng họ cũng có xu hướng giảm.
Phong tục cưới xin, tang ma đã có những thay đổi so với truyền thống. Các
nghi thức trong đám cưới, nơi tổ chức, tiệc cưới, quà mừng đang có xu hướng
“thành thị hóa”. Tuổi kết hôn, bán kính kết hôn và những giá trị trong lựa chọn
người bạn đời của người dân nơi đây cũng có những biến đổi (xu hướng kết hôn
muộn, bán kính kết hôn được mở rộng). Trong tang ma, các nghi lễ, nơi tổ chức
tang lễ và việc tổ chức ăn uống cũng đang có những thay đổi theo xu hướng văn hóa
đô thị.
Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, nhu cầu giải trí của người dân vùng
đô thị hóa đang có những thay đổi. Hình thức giải trí không còn gói gọn trong gia
đình thông qua phương tiện truyền thông đại chúng mà đã được mở rộng ra khỏi
phạm vi gia đình.
Tại vùng đô thị hóa hiện nay việc tổ chức các lễ hội truyền thống đang được
phục hồi. Điều này hết sức có ý nghĩa, bởi lễ hội là nơi tạo ra một không gian giao
tiếp cho cộng đồng dân cư vốn đang chịu sự ảnh hưởng của văn hóa giao tiếp đô

thị. Lễ hội cũng là nơi khơi lại lòng thành kính, tinh thần đoàn kết, tương hỗ, sống
hướng thiện cho người dân mà vốn dĩ trước đó đã tồn tại trong cộng đồng làng xã.
Kết quả nghiên cứu của luận án cũng cho thấy, có sự khác biệt trong thích
nghi với đời sống văn hóa đô thị giữa các thế hệ ở vùng đô thị hóa. Trong đó, lớp
trẻ là người có xu hướng thích nghi nhanh hơn so với những người lớn tuổi. Đây
cũng chính là một khía cạnh mà các nhà quản lý cần quan tâm đối với vùng chịu
tác động mạnh của quá trình đô thị hóa.
CHƯƠNG 4
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Từ việc vận dụng một số lý thuyết vào nghiên cứu biến đổi văn hóa cho
thấy, xu hướng biến đổi văn hóa ở phường Định Công và xã Minh Khai trong quá
trình đô thị hóa diễn ra theo qui luật chung của quá trình biến đổi. Đó là quá trình
biến đổi mang tính tiếp nối và liên tục với sự đan xen giữa cái cũ, cái truyền thống
với cái mới, cái hiện đại. Trong đó những biến đổi trong đời sống văn hóa vật chất
diễn ra nhanh hơn và có tác động trở lại đối với đời sống văn hóa tinh thần. Những
biến đổi trong đời sống văn hóa vật chất được thể hiện thông qua những thay đổi
về không gian sống, kiến trúc nhà ở và các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Còn
trong khía cạnh văn hóa tinh thần, nổi lên là những thay đổi trong cách ứng xử,
chuẩn mực, giá trị, trong quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng, một số phong tục
tập quán và sử dụng thời gian rỗi vào giải trí. Những biến đổi này bao hàm trong
nó cả những mặt tích cực và tiêu cực.
Một trong những nhân tố chính dẫn đến nhưng thay đổi trong đời sống văn
hóa ở phường Định Công và xã Minh Khai trong những năm gần đây là do quá
trình đô thị hóa. Quá trình này đã và đang làm thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội và
thúc đẩy sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa nông thôn với đô thị, từ đó dẫn đến
những thay đổi trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Tuy nhiên, quá
trình thay đổi và thích nghi văn hóa của người dân ở phường Định Công và xã
Minh Khai không phải diễn ra theo một cách đơn thuần từ văn hóa nông thôn sang
văn hóa đô thị mà còn bao hàm trong đó sự lưu giữ và khôi phục những giá trị văn
hóa truyền thống.

Kết quả nghiên cứu của luận án cũng cho thấy, xu hướng biến đổi văn hóa
trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa phụ thuộc vào thời gian chịu sự tác động.
Chẳng hạn, ở Định Công, thời gian chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa lâu
hơn so với Minh Khai, nên đến nay đã có nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa và
gần với “văn hóa đô thị” hơn. Tuy vậy, nếu so sánh về “tốc độ” biến đổi hiện nay
giữa Định Công và Minh Khai lại cho thấy Minh Khai là nơi có sự biến đổi nhanh
hơn so với Định Công. Điều này cho thấy, dường như ở những nơi mới chịu sự tác
động mạnh của quá trình đô thị hóa, mức độ biến đổi (nhất là trong đời sống vật
chất) thường diễn ra nhanh hơn so với những nơi đã chịu sự tác động trước đó. Bên
cạnh đó, sự thích nghi và thay đổi trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của
người dân còn phụ thuộc vào khoảng tuổi, nghề nghiệp và giới tính.
KẾT LUẬN
Cùng với sự tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị
hóa nhanh ở Hà Nội trong những năm gần đây đã và đang có những tác động làm
thay đổi đời sống văn hóa của người dân vùng đô thị hóa. Sự thay đổi có thể nhận
thấy ở các chiều cạnh của đời sống văn hóa, từ những chiều cạnh có thể quan sát
được (không gian sống, nhà ở, đình, chùa và hình thức giải trí ) đến những chiều

×