Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa
bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Thực trạng và giải pháp
Dương Thị Thu Hiền
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn Thạc sĩ. Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Mã số: 60 38 01
Nghd: PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan
Năm bảo vệ: 2013
Abstract: Phân tích khái niệm phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở lý luận và cơ sở pháp
lý của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện ở Việt Nam.
Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Bố
Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả
thực hiện công tác này tại địa phương: Củng cố, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công tác
PBGDPL; Kiện toàn tổ chức và củng cố nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL;
Xác định nội dung, hình thức và phương pháp PBGDPL phù hợp với các đối tượng
PBGDPL; Đảm bảo cơ sở vật chất và kinh phí cần thiết phục vụ công tác PBGDPL; Tăng
cường việc kiểm tra, giám sát, tổng kết rút kinh nghiệm trong thực hiện PBGDPL trên địa
bàn huyện Bố Trạch
Keywords: Giáo dục pháp luật; Phổ biến pháp luật; Quảng Bình
Contents:
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là
công việc không thể tách rời với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.PBGDPL
là khâu đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật, là phương tiện để chuyển tải những đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể cán bộ và nhân dân. Đặc biệt,
trong công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân hiện nay, công tác này càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Nhận thức được điều
đó, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ công tác PBGDPL là một bộ phận của
công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải được tiến hành
thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và sáng tạo nhằm nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững ổn
định chính trị và trật tự xã hội.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu:
“Tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm
việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh,
thống nhất và công bằng”[12, tr.395].
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ IX của Đảng lại tiếp tục khẳng định: “Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ
luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn
dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”[13, tr.438]. Ngày 09/12/2003, Ban Bí thư cũng đã
ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL,
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng khóa IX, công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật cần phải tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn.
Thực tế, qua hơn 20 năm đổi mới đất nước, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp
luật liên quan đến công tác PBGDPL, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng cũng như xác
định đúng vị trí của công tác PBGDPL trong tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng nhà nước
pháp quyền.
Thực hiện chủ trương trên của Đảng, pháp luật của nhà nước, công tác PBGDPL ngày
càng được chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng. Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó có Ủy
ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (chính quyền cấp huyện) có trách nhiệm
tổ chức việc thực hiện pháp luật trên địa bàn. Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân năm 2003 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức công tác
tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy
phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp”
(khoản 1 Điều 106) [21].
Đối với huyện Bố Trạch - một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Bình, trong
những năm qua, công tác PBGDPL nhìn chung đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương
quan tâm; đã có những hoạt động phong phú, nội dung, hình thức cũng như phương pháp từng
bước được đổi mới; thu được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Hoạt động PBGDPL đã
góp phần từng bước nâng cao ý thức pháp luật, hình thành dần thói quen “Sống và làm việc theo
Hiến pháp và pháp luật” trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, đưa pháp luật vào các hoạt
động quản lý nhà nước và đời sống xã hội.
Mặc dù vậy, công tác PBGDPL trên địa bàn huyện vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn,
hạn chế ở nhiều mặt: Về nhận thức; về kinh phí, cơ sở vật chất; về nhân lực; về nội dung; về
phương pháp; về hình thức… đang đặt cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như đội ngũ
làm công tác PBGDPL của huyện trước những băn khoăn, trăn trở. Thực trạng công tác
PBGDPL trên địa bàn huyện như thế nào? Những mặt đạt được? Những mặt hạn chế? Giải pháp
cụ thể gì cho công tác PBGDPL tại huyện Bố Trạch? Chất lượng và hiệu quả thực hiện công
tác PBGDPL của huyện Bố Trạch chỉ được cải thiện, được nâng cao khi tất cả những vấn đề trên
được nhìn nhận và giải quyết một cách có hệ thống, khoa học trên cơ sở thực tiễn.
Xuất phát từ mục đích đó, tôi chọn nội dung: “Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn
huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - Thực trạng và giải pháp” làm đề tài luận văn.
2. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu:
Nghiên cứu một cách cơ bản những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay.Trên cơ sở
đó rút ra những kết luận, đề xuất những giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu
quả thực hiện công tác này tại địa phương.
* Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Phân tích khái niệm phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý của
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
- Đánh giá thực trạng phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh
Quảng Bình.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện công tác này
tại địa phương.
* Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua thực tiễn tại huyện Bố
Trạch, tỉnh Quảng Bình.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề về phổ biến, giáo dục
pháp luật trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện và thực trạng, giải pháp đối với công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với khoảng thời gian từ năm
2002 đến nay (2012).
3. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng về Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ đổi
mới và hội nhập quốc tế.
Luận văn cũng kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến phổ
biến, giáo dục pháp luật.
Đồng thời, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể như: Phân tích,
tổng hợp, so sánh, xã hội học… để giải quyết nhiệm vụ đặt ra của Luận văn.
4. Tình hình nghiên cứu đề tài
Phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay luôn nhận được sự quan tâm của mọi
cấp, mọi ngành trong cả nước. Vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật qua các giai đoạn đã được nhiều
nhà khoa học, nhiều tác giả tìm hiểu, nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau, ở nhiều địa bàn
khác nhau với các hình thức như: Sách chuyên khảo, đề tài khoa học, luận án, luận văn, khóa
luận tốt nghiệp Đáng chú ý có các công trình sau:
Đề tài khoa học cấp Bộ của tác giả Nguyễn Đình Lộc: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới”;
Sách chuyên khảo “Ý thức pháp luật” của PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan;
Luận án tiến sĩ của tác giả Trần Ngọc Đường: “Giáo dục ý thức pháp luật với việc tăng
cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”;
Luận án phó tiến sĩ của tác giả Dương Thị Thanh Mai: “Giáo dục pháp luật qua hoạt động
tư pháp ở Việt Nam”;
Luận án tiến sĩ của tác giả Vũ Thị Hoài Phương: “Giáo dục pháp luật trong các doanh
nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay”;
Luận văn thạc sĩ của tác giả Đặng Ngọc Hoàng: “Một số vấn đề về phổ biến pháp luật
trong giai đoạn hiện nay”
Luận văn thạc sĩ của tác giả Trần Thị Sáu: “Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong
trường cao đẳng sư phạm hiện nay”
Luận văn thạc sĩ của tác giả Hồ Quốc Dũng: “Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở
nước ta. Thực trạng và giải pháp”;
Luận văn thạc sĩ của tác giả Đinh Công Sĩ: “Phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, thực trạng và giải pháp”;
Khóa luận tốt nghiệp của tác giả Nguyễn Thị Hòa: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật ở cơ sở xã - phường nước ta hiện nay”…
Ngoài ra, vấn đề này còn được nghiên cứu, bình luận, trao đổi thông qua các bài viết đăng
trên các Tạp chí chuyên ngành như: Nghiên cứu lập pháp, Luật học, Dân chủ và pháp luật, Nhà nước
và pháp luật
Các đề tài, công trình khoa học đã đề cập và giải quyết nhiều nội dung lý luận và thực tiễn về
giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đề cập, luận giải một cách có hệ thống, toàn
diện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua thực tiễn tại huyện Bố Trạch.
Vì vậy, Luận văn này người viết tập trung nghiên cứu những vấn đề về phương diện lý luận
chung về PBGDPL được quy định trong hệ thống các tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam và
thực tiễn áp dụng tại một địa phương cụ thể là huyện Bố Trạch. Đồng thời đưa ra một số kiến nghị
nhằm nâng cao, hoàn thiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật từ đó góp phần nâng cao ý thức
pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện trong tình hình mới hiện nay.
5. Những đóng góp mới của luận văn
Luận văn là công trình khoa học nghiên cứu chuyên biệt và toàn diện về công tác
PBGDPL tại một địa phương - đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng
Bình.
Luận văn đã đánh giá thực trạng công tác PBGDPL của huyện Bố Trạch; đồng thời chỉ ra
các đặc điểm và các yêu cầu của công tác PBGDPL tại địa bàn huyện.
Luận văn đưa ra các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL ở
huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
6. Ý nghĩa của luận văn
Luận văn góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác
PBGDPL tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp huyện Bố
Trạch, tỉnh Quảng Bình nói riêng và các địa phương cấp huyện nói chung nâng cao chất lượng
công tác PBGDPL.
Các giải pháp đề ra trong luận văn có thể được áp dụng trong thực hiện công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Bố Trạch trong thời gian tới.
Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân
làm công tác thực tiễn hoặc làm công tác nghiên cứu để đề xuất những mô hình PBGDPL hiệu quả,
đặc trưng, phù hợp với mỗi địa phương.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm
3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện ở Việt
Nam.
- Chương 2: Thực trạng phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh
Quảng Bình.
- Chương 3: Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật
trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác
tư pháp trong thời gian tới, Hà Nội.
2. Bộ Tư pháp (2002), Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, chương
trình phát triển LHQ, Hà Nội.
3. Bộ Tư pháp (2008), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật về tổ chức và hoạt
động hoà giải ở cơ sở, Hà Nội.
4. Bộ Tư pháp (2008), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện quyết định số 1067/QĐ-TTG
ngày 25/11/1998 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý
tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, Hà Nội.
5. Bộ Tư pháp (2010), Tạp chí dân chủ và pháp luật, số chuyên đề Xây dựng luật phổ biến,
giáo dục pháp luât.
6. C Mác - Ăng ghen Ph. (1978), Toàn tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội.
7. C Mác - Ăng ghen Ph. (1983), Toàn tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội.
8. C Mác - Ăng ghen Ph. (1987), Toàn tập, tập 4, NXB Sự thật, Hà Nội.
9. Chỉ thị số 02/1998/CT-TTG ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng
cường phổ biến giáo dục pháp luật trong gia đoạn hiện nay.
10. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
của cán bộ, nhân dân.
11. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB
Sự thật, Hà Nội.
12. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB
Chính trị Sự thật, Hà Nội.
13. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
14. Đặng Vũ Hảo (1996), Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Thông tin chuyên
đề “Đại hội VIII - Những tìm tòi và đổi mới”, Trung tâm thông tin tài liệu Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
15. GS.TS Đào Trí Úc (1995), Xây dựng lối sống ý thức và lối sống theo pháp luật, Chương
trình khoa học cấp nhà nước KX.07, đề tài Kx.07.17, Hà Nội.
16. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Tập 9, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
17. Hội thảo quốc tế về “Giáo dục pháp luật và phương pháp giáo dục pháp luật” Bộ tư pháp
phối hợp với tổ chức phát triển quốc tế của Thuỵ Điển (SIDA) tổ chức tại Hà Nội 5/1994.
18. Lê Minh Tâm (1995), Xác định mục tiêu, yêu cầu và nội dung chương trình giáo dục
pháp luật trong các trường chuyên nghiệp không chuyên luật, Kỷ yếu hội thảo khoa học
“Giáo dục pháp luật trong nhà trường” của Bộ Tư pháp.
19. Nguyễn Minh Đoan (2011), Ý thức pháp luật, NXB Chính trị Quốc Gia.
20. Quốc hội (1992), Hiến pháp 1992.
21. Quốc hội (2003), Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
22. Quốc hội (2012), Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
23. Tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII
(1997), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
24. Từ điển Tiếng Việt (2009), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
25. Thủ tướng Chính phủ (1998), Quyết định 03/1998/CT-TTG về việc ban hành kế hoạch
triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
26. Thủ tướng Chính phủ (2003), Quyết định 13/2003/QĐ-TTG ngày 17/01/2003 phê duyệt
chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007.
27. Thủ tướng Chính phủ (2009), Đề án: Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển
đất nước.
28. Trần Ngọc Đường - Dương Thanh Mai (1995), Bàn về giáo dục pháp luật, NXB Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
29. Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch (2002), Báo cáo tổng kết công tác Phổ biến, giáo dục
pháp luật năm 2002, Bố Trạch.
30. Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch (2007), Báo cáo tổng kết công tác Phổ biến, giáo dục
pháp luật giai đoạn 2003 - 2007, Bố Trạch.
31. Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch (2012), Báo cáo tổng kết công tác Phổ biến, giáo dục
pháp luật giai đoạn 2008 - 2012, Bố Trạch.
32. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (2003), Quyết định số 07/QĐ - UBND ngày
05/3/2003 về việc triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm
2007.
33. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW khoá VIII (1998), NXB Chính trị
Quốc gia, Hà Nội.
34. Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (1997), Một số vấn đề về phổ biến pháp luật trong giai
đoạn hiện nay, NXB Thanh Niên, Hà Nội.