Tích hợp giáo dục sức khỏe sinh sản trong dạy
học Sinh học 11- Trung học phổ thông
Nguyễn Thị Ngọc Bích
Trường Đại học Giáo dục. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Giáo dục học : 60 14 05
Người hướng dẫn : PGS. TS. Mai Văn Hưng
Năm bảo vệ: 2013
111 tr .
Abstract. Nghiên cứu cơ sở lý luận của phương pháp dạy học tích hợp. Điều tra thực
trạng của việc giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) thông qua dạy học Sinh học ở một
số trường trung học phổ thông (THPT) và nhận thức của học sinh về vấn đề SKSS. Đề
xuất phương án tích hợp các nội dung đã lựa chọn vào một số bài cụ thể nội dung Sinh
học 11 –THPT, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục SKSS cho học sinh trong
trường THPT. Thực nghiệm sư phạm để kiểm định tính khả thi cũng như hiệu quả của
việc giáo dục SKSS bằng tích hợp trong dạy học Sinh học 11 – THPT.
Keywords.Phương pháp dạy học; Sức khỏe sinh sản; Sinh học
Content.
1. Lý do chọn đề tài
Lứa tuổi vị thành niên là một giai đoạn ngắn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới sự
phát triển toàn diện của cuộc đời mỗi người. Giai đoạn này được thể hiện bằng sự phát
triển nhanh chóng khác thường về cả thể chất lẫn trí tuệ, tâm sinh lí, quan hệ xã hội và
tinh thần. Các em học sinh trung học đang ở độ tuổi vị thành niên có nhiều bỡ ngỡ
trước sự thay đổi của bản thân, có nhiều tò mò, thắc mắc về vấn đề giới tính, sức khỏe
sinh sản nhưng lại không được giải đáp thỏa đáng. Chính trong thời điểm này nhu cầu
được giáo dục về sức khỏe sinh sản ở trẻ là rất cao, trẻ rất cần được sự giúp đỡ, giáo
dục để hình thành nhân cách xã hội nhằm xây dựng mối quan hệ lành mạnh và có trách
nhiệm với bạn bè, gia đình, biết tôn trọng bản thân và bạn khác giới.
Mặt khác, hiện nay sự phát triển nhanh chóng các mặt của đời sống xã hội, sự
phát triển một cách ồ ạt các hệ thống truyền tải thông tin như internet, điện thoại di
động…đã làm ảnh hưởng đến những quan điểm, nhận thức về quan hệ tình dục, tình
yêu, hôn nhân ở thanh thiếu niên. Nhiều thanh thiếu niên bắt đầu quan hệ tình dục
trong khi chưa hiểu biết đúng đắn về sức khỏe sinh sản. Sự thiếu hiểu biết này có thể
dẫn đến những hậu quả trầm trọng : mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai ở độ
tuổi vị thành niên; sinh con và nuôi con khi độ tuổi còn quá trẻ, làm dở dang việc học
tập; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời
sống tinh thần sau này. Theo khảo sát mới đây của Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia
đình : Chỉ có 19% số học sinh, sinh viên tiếp nhận kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức
khỏe tình dục trong nhà trường, 14% từ nhân viên y tế, 15% từ mẹ và 3% từ cha , 49%
còn lại các em tự tìm hiểu qua internet, qua kinh nghiệm truyền miệng hoặc “ mù”
thông tin.
Báo cáo mới nhất của nhóm bác sĩ trường Đại học Y dược TP HCM tại 3 cơ sở
y tế công lập trên địa bàn TP HCM. Trong tổng số 90.649 phụ nữ đến sinh thì có 1.488
trẻ vị thành niên, trong số 60.352 phụ nữ phá thai thì có 3.471 trẻ vị thành niên. Trong
đó có nhiều em có ẩn ức tâm lý như nghiện phim sex, có nhiều bạn tình, bị lừa quan hệ
tình dục
Việc đưa kiến thức giáo dục sức khỏe sinh sản vào trường học là điều đã được
thừa nhận. Nhưng hầu hết các trường THPT đều lúng túng khi đưa vấn đề này vào
giảng dạy. Các trường đều chọn giải pháp là lồng ghép hoặc ngoại khoá. Các giáo viên
thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kĩ năng giảng dạy về vấn đề nhạy cảm này. Cũng
chưa có trường nào xây dựng được chuẩn kiến thức chung khi dạy lồng ghép. Nếu dạy
thì cũng chỉ thiên về lí thuyết còn thực hành thì bỏ ngỏ. Về giáo cụ trực quan là không
có, giáo viên không được tập huấn kĩ càng để giảng dạy về vấn đề chăm sóc sức khỏe
sinh sản. Vì vậy học sinh nhận được lượng kiến thức không hệ thống, rời rạc, chắp vá,
nặng về lý thuyết. Bởi vậy bài toán giáo dục sức khỏe sinh sản trong trường THPT
chưa có lời giải đáp thích đáng.
Hiện nay, tích hợp là một trong những xu thế dạy học hiện đại đang được quan
tâm nghiên cứu và áp dụng vào nhà trường ở nhiều nước trên thế giới. Tích hợp các
môn học không chỉ nhằm rút gọn thời lượng trình bày tri thức của nhiều môn học, mà
quan trọng hơn là tập dượt cho học sinh cách vận dụng tổng hợp các tri thức vào thực
tiễn. Vì vậy để giải quyết một vấn đề thực tiễn, con người thường phải huy động tri
thức của nhiều môn học.
Bộ GD&ĐT có chủ trương lồng ghép một số nội dung giáo dục mới vào các
môn học đã có trong chương trình hoặc tích hợp một số nội dung trùng lặp ở các môn
nhằm giảm tải về mặt thời lượng học tập của học sinh. Vì vậy, xu hướng này vẫn đang
được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào đổi mới chương trình và sách
giáo khoa THPT sẽ được triển khai sau năm 2015 . Chương trình này được đổi mới
một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học
tập nhiều hơn, hoc sinh sẽ phải tự học nhiều hơn và tăng cường hoạt động xã hội. Dạy
học tích hợp được xem như một hướng chủ yếu trong đổi mới chương trình, nội dung
giáo dục sắp tới ở nước ta.
Trước những hậu quả nghiêm trọng từ sự thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản
của các em học sinh THPT mà chưa có giải pháp nào ngăn chặn hữu hiệu. Và trong
các môn học có thể nói Sinh học là môn dễ lồng ghép những kiến thức cơ bản về việc
giáo dục SKSS giúp các em có ý thức bảo vệ cơ thể, sống lành mạnh. Chúng tôi lựa
chọn đề tài: “Tích hợp giáo dục sức khỏe sinh sản trong dạy học Sinh học 11 – Trung
học phổ thông”. Với mong muốn góp phần nâng cao hiểu biết về các vấn đề sức khỏe
sinh sản, giới tính, tình dục an toàn, v.v… cho các em học sinh. Từ đó hoàn thiện về
tâm sinh lý, nhân cách, giúp các em có bản lĩnh vững vàng bước vào đời sống xã hội,
biết bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ cho người bạn và cho chính mình.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu những nội dung và biện pháp tích hợp giáo dục SKSS trong chương
trình Sinh học 11 - THPT phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học sinh học nói chung
và hiệu quả của công tác giáo dục SKSS nói riêng.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu cơ sở lý luận của phương pháp dạy học tích hợp.
Điều tra thực trạng của việc giáo dục SKSS thông qua dạy học Sinh học ở một số
trường THPT và nhận thức của học sinh về vấn đề SKSS
Đề xuất phương án tích hợp các nội dung đã lựa chọn vào một số bài cụ thể nội
dung Sinh học 11 –THPT, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục SKSS cho học
sinh trong trường THPT
Thực nghiệm sư phạm để kiểm định tính khả thi cũng như hiệu quả của việc giáo
dục SKSS bằng tích hợp trong dạy học Sinh học 11 – THPT.
4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Phương pháp tích hợp giáo dục SKSS trong dạy học Sinh học 11 – THPT.
4.2. Khách thể nghiên cứu
Giáo viên dạy Sinh học và học sinh các lớp 11A5, 11A6, 11A7, 11A8 trường
THPT Lý Thái Tổ - Bắc Ninh.
5. Vấn đề nghiên cứu
Đề tài tập trung vào nghiên cứu vấn đề sau :
Luận văn phải làm sáng tỏ được những vấn đề lý luận của việc tích hợp giáo
dục SKSS trong dạy học Sinh học ở trường phổ thông.
Khái quát được những đặc điểm chung về thực trạng giáo dục SKSS tại một vài
trường phổ thông trên địa bàn Bắc Ninh. Từ đó, chọn ra được những vấn đề cấp thiết
đưa vào tích hợp trong dạy học Sinh học lớp 11 - THPT.
Làm thế nào để tích hợp và cụ thể hóa nội dung giáo dục SKSS vào các bài dạy
môn Sinh học lớp 11- THPT?
6. Giả thuyết nghiên cứu
Nếu lựa chọn được những nội dung và biện pháp tích hợp giáo dục SKSS phù
hợp với nội dung, chương trình Sinh học 11 – THPT sẽ góp phần nâng cao hiểu biết
của học sinh về các vấn đề SKSS, giới tính, tình dục và tình dục an toàn v.v…nói riêng
và chất lượng dạy học Sinh học 11 nói chung.
7. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu việc sử dụng phương pháp tích hợp các nội dung giáo
dục SKSS vào trong các nội dung sinh học cơ thể động vật - Sinh học 11 – Trung học
phổ thông.
Đề tài nghiên cứu trên các đối tượng khảo sát là học sinh các lớp 11A5, 11A6,
11A7, 11A8 tại trường THPT Lý Thái Tổ - Bắc Ninh.
8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
8.1.Ý nghĩa lý luận
Đề tài được nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ được những vấn đề lý luận của việc tích
hợp giáo dục SKSS trong dạy học. Qua đó đưa ra được những vấn đề cần thiết để tích
hợp trong dạy học Sinh học lớp 11 THPT.
8.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng cho các trường THPT khác trong cả
nước để giảng dạy môn Sinh học. Tích hợp giáo dục SKSS trong dạy học mang lại
những kiến thức cơ bản cần thiết cho học sinh về các vấn đề thực tiễn như giới tính,
sinh sản, tình dục an toàn…
9. Phương pháp nghiên cứu
9.1. Nghiên cứu lý thuyết
Nghiên cứu văn bản của Nhà nước và Bộ GD&ĐT về các chiến lược phát triển, đổi
mới giáo dục nói chung và đổi mới phương pháp dạy học nói riêng.
Nghiên cứu các công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến tích hợp, dạy học
tích hợp, giáo dục SKSS, ở trong và ngoài nước để làm cơ sở đề xuất qui trình dạy học
tích hợp nội dung giáo dục SKSS trong sinh học.
Nghiên cứu các tài liệu về SKSS, giáo dục SKSS để xác định mục tiêu và nội
dung giáo dục SKSS trong nhà trường phổ thông.
Nghiên cứu nội dung, chương trình, sách giáo khoa Sinh học 11 để làm cơ sở
xây dựng nội dung và các biện pháp tích hợp giáo dục SKSS trong dạy học Sinh học
11
9.2. Nghiên cứu thực tiễn
9.2.1. Phương pháp điều tra
Điều tra thực trạng giáo dục SKSS của giáo viên và học sinh tại một số trường
THPT trên địa bàn Bắc Ninh.
Sử dụng phiếu điều tra đo mức độ hiểu biết của học sinh về SKSS, giới tính, tình
dục và tình dục an toàn.
9.2.2. Phương pháp chuyên gia
Trao đổi, xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia về các nội dung: tích hợp, dạy
học tích hợp, SKSS và giáo dục SKSS, các phương pháp và hình thức tổ chức tích hợp
giáo dục SKSS trong dạy học sinh học cũng như việc tiến hành thí nghiệm ở trường
phổ thông.
9.2.3. Phương pháp quan sát
Quan sát các hoạt động giáo dục SKSS, nhằm xác định những khó khăn, hạn chế
của giáo viên khi tiến hành giảng dạy tích hợp vấn đề này.
9.2.3. Phương pháp thống kê toán học
Sử dụng để phân tích và xử lý các kết quả thu được qua điều tra và thực nghiệm
sư phạm.
- Thực nghiệm sư phạm nhằm kiểm tra hiệu quả của việc tích hợp nội dung giáo
dục SKSS trong dạy học Sinh học 11 – THPT, từ đó rút ra các kết luận và kiến nghị
liên quan đến việc dạy học Sinh học 11 nói riêng và dạy học sinh học nói chung.
- Xử lí số liệu điều tra thực trạng dạy học tích hợp giáo dục SKSS trong sinh
học và kết quả học tập của học sinh bằng phần mềm Microsoft Excel 5.0.
10. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn
được trình bày trong 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn
Chương 2: Tích hợp nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản trong dạy học Sinh học
11
Chương 3: Thực nghiệm sư phạm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Quang Báo và CS, Lý luận dạy học Sinh học. Nxb Giáo dục, 1996.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo – UNFPA, Phương pháp giảng dạy những chủ đề nhạy
cảm và sức khỏe vị thành niên. Tài liệu huấn luyện giáo viên, 2000.
3. Nguyễn Hữu Châu, Giao dục DS - SKSS vị thành niên thông qua hoạt
động ngoại khoa trong nhà trường. Nxb Đại học Sư phạm,2005.
4.Nguyễn Phúc Chỉnh, Tích hợp trong dạy học sinh hoc Nxb Đại học Thái Nguyên,
Thái Nguyên, 2012.
5. Đào Xuân Dũng, Giáo dục giới tính vì sự phát triển của trẻ vị thành niên. Nhà xuất
bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
6. Vũ Cao Đàm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Nhà xuất bản Giáo dục,
2009.
7. Nguyễn Thành Đạt và CS, Sinh học 11. Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
8. Nguyễn Thành Đạt và CS, Sách giáo viên Sinh học 11. Nhà xuất bản Giáo dục,
2008
9. Phạm Hoàng Gia, Minh Đức, Vấn đề giáo dục giới tính cho Thanh thiếu niên. Tạp
chí nghiên cứu Giáo dục, 1989.
10. Bùi Thị Thu Hà, Sức khỏe sinh sản. Nhà xuất bản bộ giáo dục, 2008.
11. Bùi Hiền và CS, Từ điển giáo dục học. Nxb từ điển bách khoa, 2011.
12. Đặng Xuân Hoài, Tuổi dậy thì. NXB Cà Mau,1990.
13. Trần Bá Hoành và CS, Đại cương phương pháp dạy học Sinh học. Nhà xuất bản
giáo dục, 2002.
14. Trần Bá Hoành, Đổi mới PPDH, chương trình và sách giáo khoa. Nxb Đại học
Sư phạm, Hà Nội, 2006.
15. Mai Văn Hưng, Sinh học sinh sản người. Nxb Đại học Sư phạm, 2008.
16. Ngô Văn Hưng, Trần Văn Kiên, Bài tập Sinh học 11. Nxb Giáo dục, 2007.
17. Phạm Văn Lập (2007), Bài giảng phương pháp dạy học Sinh học ở trường THPT.
ĐHQG Hà Nội – Khoa Sư phạm.
18. Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Thị Đoan. Giáo dục giới tính. Nhà xuất bản Đại học
Quốc gia Hà Nội, 1997.
19. Hoàng Đức Nhuận – Đặng Hữu Lanh, Sinh học 11. Nhà xuất bản giáo dục, Hà
Nội – 1991.
20. Bùi Ngọc Oánh, Tâm lí học giới tính và giáo dục giới tính. Nhà xuất bản giáo dục,
2006.
21. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt. Nxb Giáo dục Đà Nẵng, 2009.
22. Nguyễn Minh Phương, Cao Thị Thặng, Xu thế tích hợp các môn học trong nhà
trường phổ thông. Tạp chí giáo dục số 2, 2002.
23. Trần Khánh Phương, Thiết kế bài giảng Sinh học 11. Nxb Hà Nội, 2002.
24. Quỹ dân số Liên Hợp quốc, Kế hoạch chung về SKSS, sức khỏe tình dục và
quyền sinh sản, 2008.
25. Xavier Roegiers, Khoa sư phạm tích hợp hay lam thế nào để phát triển các năng
lực tích hợp ở nhà trường?, Nguyên bản tiếng Pháp, người dịch: Đào Trọng Quang,
Nguyễn Ngọc Nhị. NXB Giáo dục, 1996.
26. Dương Tiến Sỹ, Giảng dạy tích hợp các khoa học nhằm nâng cao chất
lượng giáo dục và đào tạo. Tạp chí giáo dục, số 9/ 2001 trang 27-29.
27. Dương Tiến Sỹ, Phương thức và nguyên tắc tích hợp các môn học nhằm
nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tạp chí giáo dục, số 26 tháng
3/2002 trang 21.
28. Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Dự thảo “chiến lược dân số và SKSS Việt Nam giai
đoạn 2011 – 2020”.2010.
29. Lê Đình Trung và CS, Dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Sinh học 11.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2010.
30. UNESCO, Một công cụ học tập – Giảng dạy đa quan điểm phục vụ cho GD vì sự
PTBV. Hà Nội, 2011.