Nghiên cứu hát ru người Việt dưới góc độ văn
hóa và văn học dân gian
Dương Thùy Nga
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Văn học: 60 22 01 25
Người hướng dẫn : PGS.TS. Nguyễn Thị Huế
Năm bảo vệ: 2014
97 tr .
Abstract. Tóm tắt các kết quả của luận văn: Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cho ta
hiểu rõ về khái niệm, chức năng, mục đích và đối tượng phục vụ của hát ru. Chỉ ra nội
dung thể hiện của hát ru người Việt gắn với môi trường sinh hoạt ở ba miền Bắc –
Trung – Nam dưới góc độ văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Từ thực trạng hát ru của
người Việt, chỉ rõ giá tri nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục của hát ru của người Việt nói
riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung để từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy
di sản văn học dân gian này.
Keywords.Văn học Việt Nam; Văn hóa dân gian; Hát ru
Content.
1. Lí do chọn đề tài nghiên cứu
Văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa phong phú văn hóa của 54 dân tộc anh em.
Trong sự đa dạng và phong phú đó có những làn điệu hát ru đang dần đi vào quên lãng
từ người Kinh đến các dân tộc thiểu số ở nước ta. Hát ru là những lời hát có chức năng
giáo dục, thẩm mỹ cao góp phần hình thành và phát huy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ.
Với người Kinh hát ru như một ký ức tuổi thơ mà không ai có thể quên trong ký ức của
mình, qua lời ru của bà, của mẹ hình ảnh vầng trăng, cánh cò, dòng sông, cánh đồng,
lũy tre làng nó đã được in sâu vào tâm hồn trẻ thơ. Bằng những lời ru êm ả tha thiết
của bà, của mẹ đã gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức và hình ảnh tốt lành về lòng
nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước.
Nghệ thuật hát ru và những bài hát ru không chỉ mang tính di sản văn hóa mà
còn là nguồn mạch quan trọng, có ý nghĩa nhân văn tiêu biểu của gia đình Việt Nam, là
mạch nguồn của sự sống nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giáo dưỡng nhân cách hồn nhiên,
trong sáng, trọng lẽ phải, trọng đạo hiếu nghĩa cho trẻ từ khi lọt lòng.
Hát ru là một bộ phận nằm trong kho tàng văn học dân gian truyền thống quý
giá của dân tộc với rất nhiều ý nghĩa nội dung và giá trị trong đời sống thực tiễn xưa.
Hát ru là loại hình văn hóa dân gian phi vật thể có từ lâu đời, được lưu truyền phổ biến
trong các dân tộc Việt Nam và thế giới. Với mỗi con người, kí ức sâu đậm về thời thơ
ấu chính là lời ru của bà, của mẹ, của chị gắn với những hình ảnh gần gũi và quen
thuộc như cái nôi, cái võng, chiếc địu êm trên lưng mẹ. Lời ru ấy như đưa tâm hồn ta
đến một chân trời mới, vừa xa lại vừa gần gũi, vừa nhẹ nhàng mà lại đằm thắm thiết
tha ấm áp tình người.
Hát ru là một nét văn hóa truyền thống của người Việt và của nhiều tộc Việt
Nam. Hát ru góp phần rất lớn trong việc hình thành tính cách và bản lĩnh người, đây là
một tài sản văn hóa quý, rất cần được lưu giữ để truyền lại cho đời sau, nhằm góp phần
khẳng định tính dân tộc của nền văn hóa. Cùng với ca dao, dân ca, hò vè, hát ru là
những hình thái văn hóa, từng khẳng định thế mạnh của cái nôi văn hóa dân gian Việt
Nam. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy kho tàng văn hóa dân gian này trong đời sống
hiện nay không dễ!
Kho tàng ca dao, dân ca, hò vè trong đó có hát ru, là một bộ phận của nền văn
học dân gian Việt Nam. Kho tàng ca dao, dân ca, hò vè đặc biệt là hát ru vẫn còn tiềm
ẩn trong dân gian rất phong phú, giàu có cả về chủ đề lẫn số lượng tác phẩm, từng một
thời rất phổ biến trong sinh hoạt, nhưng hiện nay trước sự xâm nhập ào ạt của các dòng
văn hóa đến từ phương Tây đang có nguy cơ bị mai một nếu chúng ta không nhanh
chóng sưu tầm, không có ý thức lưu giữ và phát huy.
Là một người theo học ngành sư phạm, hiện là giáo viên giảng dạy về bộ môn
văn học, tác giả luận văn muốn thông qua việc tìm hiểu về hát ru, từ đó góp phần bồi
dưỡng tâm hồn và ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ, đặc biệt
là các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thực tế, trong nhiều năm qua đã có nhiều nhà sưu tầm biên soạn, nhiều cơ quan, tổ
chức nghiên cứu đã cho ra đời được khá nhiều các cuốn sách, các chuyên luận về ca
dao, dân ca, hò vè, nhưng về thể loại hát ru rất ít được đề cập đến, nếu chúng ta không
lưu giữ và phát huy chức năng ứng dụng, thực hành của thể loại hát ru sẽ là một thiệt
thòi lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Hát ru là bộ phận trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam - một trong những thể
loại phong phú và hấp dẫn nhất của văn học dân gian do dân chúng sáng tác, thưởng
thức, lưu truyền từ xa xưa đến nay. Trong nhiều cuốn sách trước đây viết về văn học
dân gian, thường có quan niệm: “Văn học dân gian là sáng tác tập thể, truyền miệng
của nhân dân lao động” hay “Văn học dân gian là một hình thái ý thức xã hội”. Nhiều
tác giả cho rằng, văn học dân gian ra đời từ thời kì công xã nguyên thuỷ, trải qua các
thời kì phát triển lâu dài trong các chế độ xã hội có giai cấp, tiếp tục tồn tại trong thời
đại ngày nay. Vì thế nên ta rất khó có thể khẳng định rằng, hát ru ra đời khi nào, mà ta
chỉ có thể nói hát ru ra đời khi có hình thái ý thức xã hội.
Đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu về hát ru ở các góc độ khác nhau.
2.1. Các sách sưu tầm, biên soạn về hát ru
Năm 1991, cuốn Những bài hát ru (Nxb Văn nghệ TPHCM) của Lê Giang và Lê
Anh Trung biên soạn được công bố. Nội dung sách có ba phần: Phần I – Hát ru, được
chia theo các nội dung như: Lời của ông bà cha mẹ; Lời ru của chị; Ru cho tình yêu;
Lời ru chồng vợ; Ru cho tình đời, tình người. Đi kèm là những làn điệu hát ru ba miền
Bắc, Trung, Nam được ký âm trên bản nhạc. Phần II – Nói thơ được chia theo bài: Mẹ
dạy con bài 1, Mẹ dạy con bài 2. Phần III – Phụ lục các bài vè… Ngoài ra, cuốn sách
còn có hai bài viết về vai trò hát ru của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Lư Nhất Vũ.
Năm 2001, cuốn Ru em, Em ngủ (Nxb Kim Đồng), nhiều tác giả sưu tầm và dịch,
bao gồm lời các bải hát ru của các dân tộc như Dao, Lô Lô, Mông, Tày, Thái (Nghệ
An, Thanh Hóa, Tây Bắc), Mường, Chăm, Cơ Ho, Cơtu, Êđê, Giarai, Hrê, Khơme
(Nam Bộ) và dân tộc Kinh…
Năm 2004, cuốn Lòng mẹ lời ru (Nxb Âm Nhạc) do tác giả Đào Ngọc Dung sưu
tầm tuyển chọn, là nhũng bài hát ru có bản nhạc được chia làm ba phần. Phần I là 55 ca
khúc sáng tác mới mang chủ đề hát ru hoặc lấy chất liệu của hát ru để sáng tác của rất
nhiều nhạc sĩ như: Đất nước lời ru của nhạc sĩ Văn Thành Nho; Mẹ yêu con của nhạc
sĩ Nguyễn Văn Tý; Tìm về lời ru của nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn; Khúc hát ru của người
mẹ trẻ, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhạc sĩ Phạm Tuyên; Ru con mùa đông của nhạc sĩ Đặng
Hữu Phúc… Phần II của cuốn sách là tập hợp những bài hát ru dân ca của các dân tộc
như: Hát ru con dân ca Dao; Ngủ đi con dân ca Thái; Ru con, Ru em dân ca Tày; Hát
ru dân ca Phú Thọ, dân ca Bắc Bộ, dân ca Hà Nam; Ru con dân ca Hà Tĩnh, dân ca
GiaRai, dân ca Nam Bộ, dân ca Khơ-me… Phần III là những khúc hát ru nước ngoài
như: Ru em của nhạc sĩ Lullaby Brahms; Khúc hát ru con của nhạc sĩ Franz Schubert;
Lời ru đến muôn đời của nhạc sĩ Felix Mendelssohn.
Năm 2006, cuốn Hát ru ba miền (Nxb Phụ nữ) của tác giả Lệ Vân, giới thiệu sưu
tầm lời ca các bài hát ru ba miền Bắc – Trung – Nam gồm lời cổ và lời mới. Cuốn sách
còn một số ý kiến của các giáo sư như GS Trần Văn Khê, Phan Đăng Nhật, Trần Ngọc
Sương về nghệ thuật hát ru của Việt Nam.
Năm 2006, cuốn Bảo xích – Giữ gìn con đỏ (Nxb Phụ nữ) của Trần Quốc Thịnh
sưu tầm và chú giải, được chia làm hai phần. Phần I là những lời giáo dục con cái,
nhũng người vợ, người mẹ, người chị, người em với nội dung khuyến thiện, tính nhân
đạo, tính thẩm mỹ của những câu hát ru. Phần II cuốn sách là những sưu tầm tuyển
chọn những lời hát ru.
Năm 2010, cuốn Mẹ ru bé ngủ à… ơi…(Nxb Phụ nữ) của tác giả Lê Thanh Nga
tuyển soạn, gồm hai phần. Phần I: Những lời hát ru đồng dao được chia thành các chủ
đề: Những lời hát ru công cha nghĩa mẹ; những lời ru về tình cảm gia đình; những lời
hát đồng dao. Phần II; Những bài thơ hay dùng để ru gồm những bài thơ mới viết ở thể
lục bát của nhiều tác giả được lựa chọn như “Bầm ơi, Tiếng ru” của nhà thơ Tố Hữu.
“Thề non nước” của nhà thơ Tản Đà, “Nghe khúc hát Trương Chi” của Ngô Thụy
Miên…
Năm 2012, cuốn 999 bài hát ru ba miền (Nxb Văn hóa thông tin) của tác giả Cao
Hoàng Long sưu tầm biên soạn, cuốn sách giới thiệu 999 lời hát ru đặc sắc ba miền
Nam – Trung – Bắc.
Năm 2012, cuốn Hát ru Việt sử thi ( Nxb Tổng hợp TPHCM) của tác gải Phạm
Thiên Thư. Cuốn sách gồm 3.277 câu lục bát thuần Việt. Từng sự kiện lịch sử tiêu
biểu, từng chiến công hào hùng được chuyển tải đến người đọc bằng những câu thơ
giàu hình tượng, nhiều so sánh ẩn dụ, với lối kể chuyện mộc mạc, có duyên, làm đọc
giả dễ thuộc, dễ nhớ như: Hát ru Trưng Vương, Hát ru Thăng Long…
Các công trình trên là những tư liệu quý, chứa đựng số lượng phong phú các lời ru
truyền thống của các dân tộc và các bài hát ru mới sáng tác của các nhạc sĩ trong và
ngoài nước.
2.2. Các công trình, bài viết nghiên cứu về hát ru
Năm 1986 cuốn Lời ru của mẹ (Nxb TPHCM) của nhà văn Mai Văn Tạo được
công bố, gồm những nghiên cứu và ý kiến đánh giá của tác giả, thông qua lời tự bạch
của tác giả bằng những câu chuyện kể súc tích và sinh động, những kỷ niệm tuổi thơ
và bằng những so sánh, phân tích, nhà văn đã giúp người đọc hiểu được vai trò, giá trị
to lớn của tiếng hát ru đối với cuộc đời mỗi con người.
Năm 1987, cuốn Mẹ hát ru con của tác giả Nguyễn Hữu Thu (Nxb Phụ nữ)
được chia làm hai phần: Phần I của cuốn sách cho ta thấy đặc trưng thể loại và chức
năng của hát ru, trong đó nêu rõ vị trí, ý nghĩa xã hội của hát ru, vai trò của hát ru đối
với giáo dục trẻ thơ. Phần II của cuốn sách là phần sưu tầm lời hát ru được tập hợp
theo từng chủ đề: Những câu hát về nuôi dạy con; những câu hát công cha nghĩa mẹ;
những câu hát về thiên nhiên…
Năm 1992, cuốn Kỷ yếu hội thảo hát ru toàn quốc lần thứ nhất tại Huế do Viện
Âm nhạc và múa, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam xuất bản, bao gồm các bài
tham luận với các góc nhìn bao quát về hát ru, trong đó một số bài tham luận có giá trị
về nghiên cứu phục hồi và bảo tồn hát ru.
Năm 1996, công trình Hát ru dỗ ngủ người Việt là luận văn Thạc sĩ Âm nhạc
học của Bùi Huyền Nga, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam nghiên cứu nội dung
hình thức và cấu trúc của lời ru, mối quan hệ giữa người ru với đối tượng tiếp nhận và
môi trường diễn xướng của hát ru, với ý nghĩa xã hội, sự tác động của hát ru tới hình
thành nhân cách trẻ,
Năm 2005, cuốn Hát ru Việt Nam (Nxb trẻ, TPHCM) của nhóm tác giả Lư Nhất
Vũ và Lệ Giang xuất bản, cho thấy một góc nhìn tương đối thấu đáo về hát ru dưới góc
độ nhạc học. Các tác giả đã giới thiệu 152 bài hát ru có ký âm của người Việt ba miền
Bắc – Trung – Nam và các dân tộc thiểu số. Nội dung cuốn sách gồm lời giới thiệu của
GS nhạc sĩ Tô Vũ, tiểu luận của Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ giới thiệu tổng quan về kiểu cách
hát ru của người Việt, nghiên cứu các làn điệu hát ru của dân tộc thiểu số. Ngoài phần
ký âm các làn điệu hát ru, cuốn sách còn tập hợp một số bài bình khá sâu sắc của các
học giả như: GS Trần Văn Khê, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Nga nổi tiếng Rasum
Gamzatốp, Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, PGS Ngọc Tú… Phần phụ lục tập hợp 34 ca
khúc tiêu biểu lấy hát ru làm đề tài và chất liệu để sáng tác bài hát ru mới. Công trình
hát ru “Hát ru Việt Nam” này đã đoạt giải nhất của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2005 về
thể loại tác phẩm nghiên cứu. Cho đến nay đó vẫn là công trình công phu, đầy đủ nhất
về hát ru của người Việt.
Năm 2006, cuốn Hành trang gia đình trẻ (Nxb Thanh niên) xuất bản, là cuốn
sách tập hợp nhiều bài tham dự hội thảo “Giao lưu tiếng hát ru – Hành trang gia đình
trẻ” với thành phần các tác giả đang làm việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như ca
sĩ, cán bộ nghiên cứu, quản lý văn hóa, bác sĩ, cô giáo và các nhà chuyên môn như
nhạc sĩ Phạm Tuyên, TS Lê Văn Toàn, Các bài viết cho cái nhìn tổng quan từ nhiều
góc độ về vai trò, giá trị của hát ru trong xã hội, thực trạng hát ru hiện nay, những biện
pháp cho việc bảo tồn hát ru, v.v và v.v…
Năm 2010, tác giả Bùi Trọng Hiền với bài viết Hát ru, đồng dao in trong tuyển
tập 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội (quyển II, Nxb Âm nhạc). Bài viết cho
người đọc thấy được cái nhìn tổng thể về hát ru của người Kinh ba miền Bắc – Trung –
Nam với các cấu trúc ba làn điệu khác nhau, phù hợp với thanh điệu và thẩm mỹ âm
điệu từng nơi. Nhưng cả ba làn điệu đều có cấu trúc đồng dạng với ba phần của một
bài hát ru, lời ca, nhịp điệu tiết tấu, cách hát, nội dung các bài hát ru, tính thực hành xã
hội… Bài viết là những phân tích đầy đủ và dễ hiểu về hát ru của người Kinh, thêm
vào đó là những minh họa một số lời ru thông dụng.
Năm 2011, luận văn Văn hóa học về đề tài Hát ru trong đời sống nông thôn
Bắc Bộ hiện nay do Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hiền thực hiện (Học viện Khoa học xã
hội), đã chỉ ra đặc điểm, mối quan hệ của các thành tố của hát ru Bắc Bộ, vai trò, vị trí
và ý nghĩa của hát ru trong đời sống nông thôn Bắc Bộ hiện nay (qua khảo sát ở xã
Trường Yên – Hoa Lư – Ninh Bình), từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn hát
ru.
Ngoài ra ở một số sưu tập như cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ
Ngọc Phan (NXB Văn học, tái bản nhiều lần), cuốn Tục ngữ câu đố ca dao dân ca Việt
Nam của Mã Giang Lân, Lê Chí Quế (Nxb. Đại học tổng hợp), cuốn Ca dao trữ tình
Việt Nam của Vũ Dung, (Nxb. GD, 1994), cuốn Văn học dân gian những công trình
nghiên cứu của Bùi Mạnh Nhị (Nxb. GD)…cũng giới thiệu một số đơn vị lời hát ru.
Hát ru là vốn quý ngàn đời của dân tộc Việt Nam nhưng số lượng các cuốn
sách sưu tập, nghiên cứu về hát ru còn chưa nhiều, nội dung chủ yếu dừng lại ở khía
cạnh giới thiệu đôi nét khái quát mà chưa đi sâu nghiên cứu một cách chuyên biệt.
Vì vậy bước đầu đặt vấn đề nghiên cứu về hát ru, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn
đề tài “Nghiên cứu hát ru người Việt dưới góc độ văn hóa và văn học dân gian” để
làm đề tài luận văn Thạc sĩ của mình.
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích
Trong nền văn hóa dân gian, hát ru đã xuất hiện từ lâu đời , qua nhiều thời đại,
được lưu truyền ở nhiều địa phương. Người ta cất tiếng hát ru là để ru con, ru cháu, ru
em và ru chính mình lịm vào dòng suối ngọt ngào của tuổi thơ. Từ đó, trong tâm hồn
mỗi người luôn mang nặng hình ảnh quê hương và quãng đời thơ ấu trên võng hoặc
bên nôi lặng nhìn vào giọt máu của mình đung đưa với những câu hát ru êm đềm say
đắm hồn nhiên mà bất tử hơn bất kỳ loại nhạc nào. Và cũng từ đó, người ta đã mượn
hát ru để dạy con, cháu học, làm và sống theo ý nghĩa trong những câu hát giản dị
nhưng mang ý nghĩa và tính giáo dục vô cùng sâu sắc. Vì thế, đề tài “Nghiên cứu hát
ru người Việt dưới góc độ văn hóa và văn học dân gian” hướng tới việc tìm hiểu
đầy đủ hơn nội dung, giá trị hát ru dưới góc độ văn hóa và văn học dân gian, để từ đó
giúp nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy di sản qúy báu này.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là phần lời, phần ca từ hát ru của người Việt ba
miền Bắc - Trung - Nam.
- Xác định đối tượng nghiên cứu là vấn đề khá quan trọng cho việc thành công
của đề tài. Ở đề tài này, người nghiên cứu sẽ giới hạn vào việc nghiên cứu hát ru người
Việt dưới góc độ văn hóa và văn học dân gian nhằm giữ gìn và phát huy những thành
tựu của chúng trong kho tàng văn học dân gian truyền thống quý giá của dân tộc ta.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn ở phương diện ca từ, tức là trên góc độ
văn học, ngôn ngữ học là chủ yếu còn tìm hiểu hát ru ở các phương diện nhạc lí là rất
ít. Đồng thời phạm vi nghiên cứu cũng chỉ áp dụng với các đối tượng các làn điệu hát
ru truyền thống của người Việt ở một số vùng miền chứ không áp dụng với các bài hát
ru thời hiện đại.
- Phạm vi tư liệu nghiên cứu
+ Các công trình sưu tập về hát ru đã công bố, các bài báo, các tài liệu, thông tin
trên internet, kế thừa và phát huy kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước liên quan
đến hát ru.
+ Tham khảo thêm các bộ sưu tập ca dao của người Việt, cụ thể là tập Ca dao
(tập 15 và 16) trong bộ Kho tàng văn học dân gian người Việt do Nguyễn Xuân Kính
chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003)
+ Một số câu hát ru, bài ca dao dùng để hát ru khá phổ biến và quen thuộc do tác
giả luận văn sưu tầm trong quá trình thực hiện đề tài.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Đề tài chủ yếu áp dụng phương pháp nghiên cứu văn bản văn học đối với các tác
phẩm hát ru. Từ cách tiếp cận những lời hát ru của một số vùng miền sẽ chỉ ra hình
thức, nội dung cũng như sự tác động, ảnh hưởng của hát ru đối với đời sống tâm hồn
con người.
- Bên cạnh đó là các phương pháp văn hóa học, phương pháp thống kê, đối chiếu,
phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh trong nghiên cứu
văn hóa, văn học dân gian.
5. Đóng góp của luận văn
- Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cho ta hiểu rõ về khái niệm, chức năng, mục
đích và đối tượng phục vụ của hát ru.
- Chỉ ra nội dung thể hiện của hát ru người Việt gắn với môi trường sinh hoạt ở
ba miền Bắc – Trung – Nam dưới góc độ văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
- Từ thực trạng hát ru của người Việt, chỉ rõ giá tri nghệ thuật và ý nghĩa giáo
dục của hát ru của người Việt nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung để từ đó
nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy di sản văn học dân gian này.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cấu trúc của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Khái quát chung về hát ru người Việt
Chương 2: Hát ru trong đời sống, nội dung và nghệ thuật phản ánh của hát ru người
Việt
Chương 3: Giá trị và bảo tồn hát ru người Việt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Viết Á (1994), Hát ru - cũ và mới, Tạp chí VHNT, số 3
2. Dương Viết Á (1998), Âm nhạc dân gian trên dòng chảy lịch sử, Tạp chí VHNT số
5.
3. Hà Châu (1966 ), Truyện kể và bài ca đối với trẻ nhỏ, Tạp chí Văn học, số 3
4. Lê Văn Chưởng (2004), Dân ca Việt Nam những thành tố của chỉnh thể nguyên hợp,
Nxb KHXH, Hà Nội
5. Nguyễn Đình Bưu và Mã Giang Lân (1976), Hát ví đồng bằng Hà Bắc, Ty Văn hóa
Hà Bắc xuất bản
6. Lê Giang và Lê Anh Trung (1991), Những bài hát ru, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí
Minh
7. Đào Ngọc Dung (2004), Lòng mẹ lời ru, Nxb Âm nhạc, H
8. Vũ Dung (1994), Ca dao trữ tình Việt Nam, Nxb Giáo dục, H
9. Lê Văn Hảo (1982), Lý, những khúc tâm tình của người Việt Tạp chí Âm nhạc số
1/1982
10. Bùi Trọng Hiền (1996), Phương pháp xác định sơ đồ giai điệu những thể loại dân
ca hát ngâm thơ lục bát, Tạp chí VHNT số 3/1996
11. Bùi Trọng Hiền (2010), “Hát ru, đồng dao” trong sách 1000 năm âm nhạc Thăng
Long Hà Nội, quyển II, Nxb Âm nhạc, H
12. Phạm Thị Thu Hiền (2011), Hát ru trong đời sống nông thôn Bắc Bộ hiện nay,
Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.
13. Lê Huy (1983), Hát ru, Tạp chí Âm nhạc số 1
14. Lê Thị Huyền – Minh Trí (2008), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thanh Niên
15. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997), Văn học dân
gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, H
16. Nguyễn Xuân Khoát (1961), Nhìn chung một số đặc điểm của âm nhạc dân gian
Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ số 8/1961
17. Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên)(2003) Ca dao, tập 15 16, trong bộ Kho tàng văn
học dân gian người Việt, Nxb Khoa học xã hội, H
18. Nguyễn Đắc Diệu Lam (1995), Hát ru, nghệ thuật và đề tài chủ đề, Tạp chí Dân
tộc số 1
19. Cao Hoàng Long (2012), 999 bài hát ru ba miền, Nxb Văn hóa thông tin, H
20. Vĩnh Long (1970), Khai thác và sưu tập vốn ca nhạc dân gian cổ truyền, Báo Văn
hóa số 5/1970
21. Đặng Văn Lung (1981), Sưu tầm nghiên cứu các âm nhạc dân gian nên tự đặt
mình trong quan hệ văn nghệ dân gian, Tạp chí NCNT số 2/1981
22. Phạm Phúc Minh (1960), Sử dụng dân ca như thế nào cho tốt ? Tập san Văn hóa số
11/1960
Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội
23. Bùi Huyền Nga (1996), Hát ru dỗ ngủ người Việt, Luận văn Thạc sĩ Âm nhạc học,
Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam
24. Lê Thanh Nga (2010), Mẹ ru bé ngủ à ơi , Nxb Phụ nữ, H
25. Tú Ngọc (1974), Tìm hiểu những bài hát trẻ em (đồng dao) Tạp chí NCNT số 5/
1074
26. Tú Ngọc (1977), Dân ca Việt Nam dòng sữa mẹ, Tạp chí Âm nhạc số 1/1977
27. Tú Ngọc (1979), Tìm hiểu giai điệu dân ca Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc số 3 và
4/1979
28. Bùi Văn Nguyên, Về một số bài dân ca các tộc thiểu số miền Nam, Tạp chí Văn
hóa dân gian số 2/75
29. Lê Thị Huyền – Minh Trí (2008), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thanh Niên
-Nhiều tác giả (1992), Kỷ yếu hội thảo hát ru toàn quốc lần thứ nhất tại Huế, Học viện
âm nhạc quốc gia Việt Nam xuất bản, H
30. Nhiều tác giả (2001), Ru em, em ngủ, Nxb. Kim Đồng, H
31. Nhiều tác giả (2006), Hành trang gia đình trẻ (Kỷ yếu hội thảo “Giao lưu tiếng hát
ru – hành trang gia đình trẻ”), Nxb Thanh niên, H
32. Doãn Nho (1981), Những đặc điểm của điệu thức dân ca người Việt, Tạp chí
NCNT số 1/1981
33.Nguyễn Thị Nhung (1982), Tìm hiểu cấu trúc thể một đoạn trong dân ca người
Việt, Tạp chí NCNT số 4, 5/1982
34.Vũ Ngọc Phan (1984), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, tái bản nhiều lần, Nxb
Văn học, H
35. Lưu Hữu Phước (1959), Vài nhận xét về ảnh hưởng của tính chất đơn âm và nhiều
thanh trong ngôn ngữ đối với âm nhạc dân gian Việt Nam, Tập san Văn hóa số
9/1959
36. Lê Chí Quế (Chủ biên), Nguyễn Hùng Vĩ, Võ Quang Nhơn (tái bản 2001) Văn học
dân gian Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, H
37. Trần Linh Quý (1988), Nghiên cứu về một dạng "bảo tàng sống"đối với những giá
trị của quan họ, Tạp chí Kinh Bắc số 1
38. Mai văn Tạo (1986), Lời ru của mẹ, Nxb Tp Hồ Chí Minh
39. Tô Ngọc Thanh (1979), Sơ lược về âm nhạc dân gian, Tạp chí Âm nhạc số 2/1979
40. Tô Ngọc Thanh (1981), Phác họa khuôn mặt âm nhạc dân gian các dân tộc Việt
Nam, Tạp chí Âm nhạc số 3,4/1981
41. Tô Ngọc Thanh (1981), Suy nghĩ về một vài vấn đề cụ thể chung quanh việc nhận
thức và đối xử với âm nhạc dân gian, Âm nhạc số 2/1981
42. Tô Ngọc Thanh (1984), Âm nhạc dân gian trong cuộc sống cổ truyền của người
Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc số 1/1984
43. Đặng Duy Thắng (2013), Hát ru và những nghi lễ đầu đời cho trẻ nhỏ của người
Thái huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm -
Đại học Thái Nguyên
44. Trần Quốc Thịnh (2006), Bảo xích – Giữ gìn con đỏ, Nxb Phụ nữ, H
45. Nguyễn Hữu Thu (1989), Thơ sáu tám và dân ca đối đáp tỏ tình, Tạp chí VHNT số
4/1989
46.Nguyễn Hữu Thu (1978), Hát ru và sinh hoạt gia đình Việt Nam, Tạp chí Dân tộc
học, số 1/1978
47. Trần Hữu Thung (1980), Bàn về hát ru con, Tạp chí Văn hóa và thông tin Nghệ
Tĩnh xb
48. Phạm Thiên Thư (2012), Hát ru Việt sử, Nxb Tổng hợp Hồ Chí Minh
49. Đặng Văn Tu (1980), Hát ru con của đồng bào Mường, Tập san sáng tác Hà Sơn
Bình số 3
50. Đặng Nghiêm Vạn (1981), Vài ý kiến về nghiên cứu âm nhạc truyền thống, Tạp chí
NCNT số 2/1981
51. Nguyễn Viêm (1980), Từ những điệu hát ru quen thuộc, Tạp chí Âm nhạc, số 3
52. Lệ Vân (2006), Hát ru ba miền, Nxb Phụ nữ, H
53. Lư Nhất Vũ và Lệ Giang (2005), Hát ru Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh
54. Tô Vũ (2006), Sức sống của nền âm nhạc truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc
55. Nguyễn Xinh (1978), Về điệu thức dân ca Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc số 1,
2/1978