MỘT SỐ LỆCH LẠC TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
ĐỂ DẠY HỌC HÌNH HỌC BẬC TRUNG HỌC CƠ SỞ HIỆN NAY
NGUYỄN TÁ QUỐC
(
*
)
TÓM TẮT
Trước yêu cầu đổi mới phương pháp, trong thời gian qua, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT)
trong việc soạn giảng của người giáo viên đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong
từng tiết học, kích thích học sinh sử dụng phương tiện hiện đại này trong việc tìm tòi nghiên cứu.
Tuy nhiên khi sử dụng, giáo viên cần phải lưu ý đến mục tiêu bài dạy và tính sư phạm nhằm phát
huy thế mạnh và hạn chế được những tác dụng ngoài mong muốn của CNTT để mang lại hứng
thú cho học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả tiết dạy.
ABSTRACT
With the requirement for the innovation of teaching methods, the use of IT by teachers in their
teaching has enhanced the quality of teaching in each teaching period, encourage students in
applying IT to their research. Teachers, however, should pay attention to the objectives of their
lessons with pedagogical quality when using IT with the aim of developing the advantages and
restricting unexpected effects from it to interest students and enhance the quality of teaching.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình dạy-học ngày càng rộng rãi
nhằm mục đích cải tiến phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học
sinh. Tuy nhiên, do quá phấn khích trước cái mới nên trong quá trình soạn giảng đã đưa đến tình
trạng lạm dụng, tuyệt đối hóa vai trò của CNTT trong các tiết lên lớp tạo ra tác dụng ngược với
ý muốn của người soạn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được trao đổi cách sử dụng CNTT
ở tiết dạy phân môn hình học bậc Trung học cơ sở.
2. THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP
2.1. Thực trạng
Trong mỗi tiết học của môn toán nói chung và trong phân môn hình học nói riêng, cái đích phải
hướng tới và đạt được là: cung cấp kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng thực hành và rèn luyện,
phát triển tư duy:
- Tư duy lô gích: giúp học sinh phán đoán, suy luận, chứng minh.
- Tư duy định hướng: giúp học sinh tìm được hướng đi đúng, kể cả việc lựa chọn hướng đi tốt
khi có nhiều hướng khác nhau.
- Tư duy thuật toán: giúp học sinh thấy được các bước phải thực hiện để từ cái đã biết và cái đã
có để tìm được cái cần tìm.
Nhưng khi soạn giảng bằng phương tiện CNTT, giáo viên thường đề cao phương pháp trực quan.
(
*
)
CN, Trường Trung học thực hành Sài Gòn, Trường Đại học Sài Gòn
Thật vậy, do chuẩn bị công phu, khi lên lớp, giáo viên thường tiến hành trình chiếu các file (kèm
theo các hiệu ứng sinh động, màu sắc hấp dẫn) với đầy đủ nội dung, hình vẽ, hệ thống bài tập
trong sách giáo khoa (có khi thêm cả hình vẽ của bài tập) nhằm giải phóng thao tác ghi bảng và
vẽ hình của thầy (nhiều khi của cả trò) nhằm tiết kiệm thời gian hầu tăng thêm số lượng bài
luyện tập trên lớp. Việc làm này đưa học sinh trong tiết học vào các tình huống sau đây:
- Được cung cấp kiến thức trực tiếp bằng trực quan cụ thể, nhanh gọn.
- Có thể được thực hành qua phiếu học tập với nội dung vốn đã có trong SGK hoặc tương tự hay
có sự thêm bớt chế biến.
- Có thể được thảo luận nhóm nhưng phần lớn là do học sinh khá giỏi chủ động thực hiện, còn
học sinh từ trung bình trở xuống hầu như thụ động.
- Học sinh chưa được chuẩn bị kĩ trong bước tìm hiểu để nắm rõ yêu cầu của vấn đề mà giáo
viên nêu lên vì nhiều nguyên nhân, trong đó dễ có nguyên nhân nhìn đề bài trên màn ảnh mà
không đọc hoặc không kịp đọc do thiếu thời gian - giáo viên luôn bị sức ép về thời gian, nên
không có sự đồng điệu trong bước tìm hiểu, tiếp cận kiến thức mới qua hệ thống câu hỏi. Hơn
thế nữa, trong quá trình soạn bài bằng CNTT, do đã nghiền ngẫm từ khâu kịch bản đến cách thể
hiện, giáo viên đã rất chín với nội dung hoặc kiến thức nên nghĩ rằng học sinh cũng tiếp thu
nhanh như mình (do nghĩ rằng học sinh được nhìn thấy cụ thể do phương tiện CNTT) đã góp
phần làm tăng thêm sự không đồng điệu trong cách tiếp cận nội dung mới của bài học mới. Từ
đó quá trình tư duy cũng như kĩ năng vẽ hình trong phân môn hình học của học sinh không có sự
đồng hành theo sự gợi mở, dẫn dắt của giáo viên nên học sinh thường thụ động sao chụp kiến
thức mới một cách máy móc, hời hợt, kém hiệu quả.
- Sách giáo khoa, tập vở học sinh kể cả bảng đen chỉ còn là vai trò thứ yếu vì hơn 2/3 thời gian
trên lớp học sinh luôn nhìn vào màn ảnh. Hoc sinh ít ghi chép vào tập vở vì đã có phiếu học tập.
Bảng đen chỉ được dùng để ghi các đề mục và để học sinh giải bài tập.
- Suốt buổi học học sinh phải nhìn lên màn ảnh sẽ gây trở ngại về mắt và ảnh hưởng không tốt
đến sự tiếp thu của học sinh trên lớp.
Từ các tình huống trên, sau tiết học học sinh đón nhận kiến thức mới nhanh chóng nhờ trực quan
nhưng thường không nắm được bản chất của vấn đề. Hơn nữa do thiếu sự vận dụng kiến thức
trên lớp thông qua hoạt động cá nhân (chứ họat động tập thể thì có thừa) đã khiến học sinh gặp
nhiều khó khăn khi phải tự vẽ hình theo yêu cầu của đề bài và lúng túng khi vận dụng kiến thức
mới để giải quyết bài tập ở nhà. Với kết quả như thế rất tiếc là không tương xứng với công sức
đầu tư soạn giảng của giáo viên.
2.2. Các biện pháp tạm thời
Nhằm khắc phục tình trạng vừa nêu trên, nhiều giáo viên rất băn khoăn, cân nhắc, cố gắng tìm ra
biện pháp sao cho hài hòa, sử dụng CNTT trong soạn giảng sao cho thiết thực, hiệu quả, tiết
kiệm thời gian và công sức nhất. Qua thực tế dự giờ, trao đổi bàn bạc với đồng nghiệp, chúng tôi
xin đề xuất một số biện pháp tạm thời mang tính khả thi như sau:
2.2.1. Giáo viên nên dành thời gian cho học sinh tìm hiểu, đọc kĩ nội dung và vẽ hình theo yêu
cầu của đề bài hay quan sát hình vẽ đã sẵn có trong SGK do đó góp phần thể hiện tính cá nhân
trong hoạt động học nhiều hơn, giúp học sinh làm chủ được quy trình tiếp cận, trình bày và tự
giải quyết vấn đề. Việc giáo viên dành thời gian cho học sinh ghi những nội dung cần thiết, giải
bài tập vào tập thay vì chỉ dùng trên phiếu học tập để sau đó dán vào tập vừa không kinh tế, vừa
không có tính thẩm mĩ lại vừa không hợp tính sư phạm vì học sinh sẽ nắm bắt tốt vấn đề khi các
em được trực tiếp tham gia và làm chủ trong quá trình ghi nhận, giải quyết vấn đề.
2.2.2. Cần lưu ý rằng việc sử dụng phương tiện dạy học trong giờ lên lớp khác với việc sử dụng
các phương tiện thông tin trong buổi báo cáo chuyên đề, thời sự v.v.do mục tiêu khác nhau. Do
có sự khác biệt đó, khi sử dụng công nghệ thông tin trong giờ lên lớp tuy hiện đại nhưng trong
tình hình hiện nay, khi mà mỗi học sinh chưa sở hữu riêng một laptop, thì bảng trắng để trình
chiếu khó mà thay thế, do đó sẽ lấn át bảng đen phấn trắng. Bên cạnh đó, phiếu giao việc không
thay được SGK và tập vở học sinh bởi tính thông dụng và tiện lợi của chúng. Điều cần lưu ý là
sau mỗi tiết học, trên bảng đen còn lưu lại những nội dung trọng tâm mà giáo viên đã ghi trước
đó theo từng bước giảng sẽ giúp học sinh trực quan có hệ thống và học sinh dễ dàng tự ghi vào
vở của mình những nội dung cần biết và sử dụng. Đặc biệt hơn, đối với phân môn hình học thì
giải thuật mẫu mực của thầy trên bảng giúp học sinh tuần tự theo dõi và ghi chép, rất có lợi khi
học sinh tự tra cứu tham khảo, tự giải bài tập sau giờ lên lớp. Vì thế việc sử dụng CNTT trong
giờ lên lớp phải hết sức lưu tâm đến các yếu tố sư phạm vừa nêu.
2.2.3. Trước hết, hãy tận dụng kênh hình và kênh chữ trong sách giáo khoa (SGK) và kết quả
chuẩn bị bài học ở nhà của học sinh bằng cách nêu vấn đề, hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài
thông qua việc cho học sinh đọc tìm hiểu nội dung yêu cầu cần giải quyết trong SGK. Sau đó,
thầy hướng dẫn và từng bước dùng dụng cụ để trực tiếp vẽ hình trên bảng để học sinh nương
theo đó cùng vẽ hình theo từng bước vì có trực quan theo dõi thao tác và vẽ theo sự hướng dẫn,
gợi ý của thầy thì học sinh mới chủ động trong việc tiếp cận nắm bắt yêu cầu, nội dung của vấn
đề cần giải quyết hơn là nhìn hình đã vẽ sẵn hoàn chỉnh chiếu lên bảng. Làm như thế tức là giáo
viên đã gián tiếp tập luyện cho học sinh kĩ năng vẽ hình theo yêu cầu của đề bài và đồng hành
được suy nghĩ của thầy trong quá trình tìm kiếm, phát hiện hướng giải quyết vấn đề đã được tìm
hiểu suy ngẫm. Khi cần thiết phải có sự tập trung định hướng, phân tích, quan sát,… buộc cả lớp
phải quan tâm (vì đây là vấn đề cốt lõi của bài học) thì giáo viên mới sử dụng hình ảnh trong
SGK hay đã sưu tầm nhưng nên chế tác bằng cách chiếu to rõ trên bảng trắng (màn chiếu) và
phải tận dụng khai thác triệt để hình ảnh nầy giúp làm tăng thêm hiệu suất giờ giảng.
2.2.4. Việc sử dụng kênh chữ hay hình ảnh bằng CNTT phải mang tính minh họa để giúp học
sinh nhớ lại một nội dung trước đó mà học sinh không tiện truy cứu trong tiết học do thời gian bị
hạn chế hay do không có sẵn tư liệu như: khái niệm, định nghĩa, định lí, công thức; hoặc là khi
ngôn ngữ của giáo viên tỏ ra bất lực, diễn đạt không hiệu quả hay khi cần thiết mà giáo viên
không thể vẽ nhanh lên bảng một cách hoàn thiện và đạt tính sư phạm cao giúp học sinh trực
quan, tưởng tượng để nhận rõ hay minh họa cho lời nói của thầy như: tìm qũy tích của một
điểm, cực trị trong hình học, quan sát các hình trong không gian 3 chiều … thì việc dùng hình
ảnh để minh họa sinh động là rất bổ ích. Tóm lại, việc sử dụng kênh hình, kênh chữ trên màn
hình chỉ mang tính hỗ trợ trực quan minh họa, khẳng định, thuyết phục chứ không thay thế được
thao tác tư duy của học sinh.
2.2.5. Về thời gian sử dụng CNTT trong mỗi tiết học, việc trình chiếu không nên quá 1/4 thời
gian của 45 phút. Nếu lạm dụng dễ đưa đến nhiều sự bất cập như: học sinh mỏi mắt (nếu như
trung bình mỗi buổi học có 3- 4 tiết phải học trong tình trạng như thế), tiến độ bài học nhanh,
cung cấp cho học sinh nhiều thông tin nhưng tốc độ tư duy của học sinh không đổi nên học sinh
chỉ bắt kịp hình ảnh về mặt trực quan nhưng không xử lý kịp bằng tư duy, vô tình đưa học sinh
đến tình trạng thụ động và bội thực kiến thức, giờ học trở nên nặng nề quá tải.
3. KẾT LUẬN
Việc sử dụng CNTT trong soạn giảng của người giáo viên là điều tốt, cần phải thực hiện để nâng
cao chất lượng giảng dạy, kích thích học sinh sử dụng phương tiện hiện đại này trong việc tìm tòi
nghiên cứu. Tuy nhiên khi sử dụng, giáo viên cần phải lưu ý đến mục đích và tính sư phạm
nhằm mang lại sự thích thú, góp phần nâng cao hiệu quả tiết dạy. Các nhà giáo dục hiện nay khi
bàn về phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm đều gặp nhau ở quan điểm: việc học
như thế nào cũng quan trọng như học cái gì. Vì vậy, trong mỗi tiết học, những thao tác gợi mở,
hướng dẫn của thầy giúp học sinh tiếp cận kiến thức mới cũng rất quan trọng như là kiến thức
mới mà học sinh sẽ có sau mỗi tiết học. Với suy nghĩ đó, việc sử dụng CNTT trong soạn giảng
nhất thiết phải mang lại tính chủ động cho học sinh trong giờ học. Có như vậy chất lượng của tiết
dạy mới tương xứng với sự đầu tư của người lên lớp.