Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

vận dụng kiến thức liên môn thuyết trình về vẻ đẹp của phụ nữ việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.09 MB, 12 trang )


Phụ lục 1
Cấu trúc bài viết dự thi
Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết
các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học
TÊN TÌNH HUỐNG:Vận dụng kiến thức liên môn thuyết trình về vẻ đẹp
của phụ nữ Việt Nam.
A/ Trang bìa
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh/thành phố: Long An
- Phòng Giáo dục và Đào tạo: Cần Đước
- Trường: THCS Phước Vân
- Địa chỉ: Phước Vân – Cần Đước – Long An
- Điện thoại: 0723 883 324
- Emai:
- Họ và tên học sinh (hoặc nhóm học sinh):
1. Huỳnh Thị Minh Thư
B/ Các trang tiếp theo
1. Tên tình huống
2. Mục tiêu giải quyết tình huống
3. Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống
4. Giải pháp giải quyết tình huống
5. Thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống
Mô tả quá trình thực hiện, các tư liệu được sử dụng, các ứng dụng CNTT trong
việc giải quyết tình huống
6. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống
Mô tả ý nghĩa, vai trò của việc giải quyết tình huống được lựa chọn đối với thực
tiễn học tập và thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội./.


BÀI DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN GIẢI QUYẾT CÁC
TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN.


TÊN TÌNH HUỐNG:Vận dụng kiến thức liên môn thuyết trình về vẻ đẹp
của phụ nữ Việt Nam.

1/ Tình huống.
Trong giờ sinh hoạt lớp, Ngân Tâm - Chi đội trưởng của lớp đã trình bày kế hoạch
hoạt động của Liên đội trường THCS Phước Vân năm học 2013 - 2014. Trong đó có
phần thi thuyết trình chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Dù còn khá lâu nữa mới đến ngày
8 tháng 3 nhưng cô chủ nhiệm muốn chuẩn bị ngay từ bây giờ. Vì vậy, cô muốn lớp chọn
một bạn tham gia. Cô vừa dứt lời, cả lớp đã đồng thanh:
- Bạn Thư đó cô.
Tôi thì huơ tay: “Em… em không được đâu cô”.
Lời từ chối của tôi hình như là vô ích. Bởi cô đã đồng ý với lớp là chọn tôi. Cô
bảo:
- Em học khá tốt các môn Xã hội và Tin học. Nếu em ứng dụng công nghệ thông tin
vào bài thuyết trình để trình chiếu ở hội trường thì sẽ rất hay.
Không còn cách nào khác, tôi phải đồng ý và cố gắng thực hiện để không phụ lòng
cô và các bạn đã tin tưởng.
2/ Mục tiêu giải quyết tình huống.
Một là để hưởng ứng phong trào của Liên đội nhằm chào mừng ngày Quốc tế Phụ
nữ 8 - 3.
Hai là thông qua bài thuyết trình, em muốn giúp các bạn hiểu thêm về truyền thống
của phụ nữ Việt Nam nhằm hình thành lòng yêu nước và lòng tự hào về truyền thống tốt
đẹp của phụ nữ Việt Nam cũng như của dân tộc ta. Qua đó, khích lệ lòng tự hào và tự tôn
ở mỗi bạn, để các bạn có thể tự tin phát huy năng lực của mình nhất là đối với các bạn
học sinh nữ.
Ba là qua cuộc thi, em sẽ có cơ hội rèn luyện thêm các kĩ năng cần thiết như kĩ
năng: phân tích, đánh giá, tổng hợp, so sánh,… đặc biệt là kĩ năng trình bày vấn đề trước
đám đông. Nó giúp em tự tin hơn, mạnh dạn hơn, chủ động và tích cực hơn trong việc
chiếm lĩnh tri thức cũng như trong mọi hoạt động tập thể.
Bốn là khi giải quyết tình huống này, em sẽ được tìm hiểu sâu rộng kiến thức của

các môn học như: Lịch sử, Ngữ văn, Âm nhạc, Tin học, GDCD… và cả những kiến thức
tích lũy từ báo, đài và thực tiễn cuộc sống. Từ đó, giúp em vận dụng tốt hơn kiến thức
liên môn vào giải quyết các tình huống thực tế.
3/ Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết các
tình huống.
Để giải quyết tình huống này, em đã tìm hiểu và nhận thấy có thể vận dụng kiến
thức ở nhiều môn học trong nhà trường để giải quyết, cụ thể là môn: Lịch sử, Ngữ văn,
Âm nhạc, Tin học, GDCD ở các khối lớp mà em đã được học:
Môn Lịch sử: tiểu sử các nữ anh hùng của Việt Nam qua các thời kì…
Môn Ngữ văn: những bài thơ đặc sắc giàu truyền thống cách mạng và lối văn nghị
luận để thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống…
Môn Âm nhạc: những bài ca cách mạng.
Môn Tin học: ứng dụng công nghệ thông tin tìm hiểu các nhân vật trong bài thuyết
trình, tìm tranh ảnh, soạn và trình chiếu…
Môn GDCD: những tấm gương điển hình từ thực tế cuộc sống, một số điều luật…
4/ Giải pháp giải quyết tình huống.
1. Giới thiệu vai trò của người phụ nữ Việt Nam.
2. Trình bày về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam:
2.1 Phụ nữ Việt Nam đẹp vì lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách
mạng.
2.2 Phụ nữ Việt Nam đẹp vì là một người mẹ cao cả suốt đời hi sinh cho
con.
2.3 Phụ nữ Việt Nam ngày nay đẹp vì tính tích cực, chủ động.
3. Khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam.
4. Trách nhiệm của thế hệ sau.
5/ Thuyết minh về tiến trình giải quyết tình huống.
Kính thưa quý thầy cô và các bạn học sinh!
Bác Hồ đã từng nói: “ Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng
như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ ”. Quả đúng như lời Bác, phụ nữ
Việt Nam luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đi lên của

đất nước.
Người phụ nữ Việt rất đẹp - một vẻ đẹp bình dị mà rạng ngời. Và càng trong
gian khổ, ác liệt vẻ đẹp ấy lại càng bừng sáng.
Trên dải đất hình chữ S này, biết bao người
phụ nữ đã ngã xuống vì màu xanh của đất. Và
chính những người phụ nữ được cho là phái yếu
ấy đã viết nên huyền thoại về lòng yêu nước và
chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lòng yêu nước
chính là vẻ đẹp cao quý và đặc sắc nhất ở người
phụ nữ Việt. Đúng như câu:
Trên đất nước nghìn năm chảy máu
Nghìn năm người phụ nữ vẫn cầm gươm.


Chính Bà Trưng, Bà Triệu đã mở đầu cho truyền thống giặc đến nhà đàn bà cũng
đánh.
Lời thề bà Trưng Trắc đọc trong ngày xuất quân hình như còn văng vẳng đâu đây:
“ Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Hai Bà Trưng ra trận
Bà Triệu


Lược đồ hình chính Việt Nam.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.”
( Thiên Nam ngữ lục, áng sử ca dân gian thế kỉ XVII)
Hai Bà Trưng đã tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc để đánh bại quân xâm lược
Hán vào mùa xuân năm 40. Đất nước ta ca khúc khải hoàn. Bà Trưng Trắc được suy tôn
làm vua và bà trở thành vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Nối gót Hai Bà Trưng, Bà Triệu đã phất cờ khởi nghĩa chống lại ách thống trị của
nhà Ngô. Ý chí sắt đá, một lòng vì nước vì dân của bà được kết tinh trong câu nói khảng
khái: “ Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh
đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho
người.”
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng tài năng của bà thì thật là phi thường. Do đó, cuộc khởi
nghĩa đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà Vương.
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, đã làm cho bọn đô hộ phải thất kinh hồn vía,
bởi:
Vung giáo chém hổ dễ
Giáp mặt vua bà khó.
Lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn được phát huy cao độ trong
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ vĩ đại. Chính lòng dũng cảm và yêu nước sâu
đậm của các nữ chiến sĩ đã khiến cho đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới phải khiếp
sợ.
“ Mùa hoa lê - ki - ma nở
Ở quê ta miền đất đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa… hoa lê - ki- ma nở
Đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau…”
(Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Đức Toàn).
Những lời ca hào hùng trong bài “Biết ơn chị Võ Thị

Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã đi vào lòng bao thế
hệ người Việt Nam với lòng ngưỡng vọng về người nữ
anh hùng nhỏ tuổi mà kiên trung. Chị Võ Thị Sáu - người
con gái đất đỏ - một nữ trinh sát gan dạ, thông minh. Vào
tháng 2 năm 1950 trong một lần làm nhiệm vụ diệt hai tên
ác ôn Cả Suốt và Cả Đay, dù không may sa vào tay giặc
nhưng chị vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tiền đồ tất thắng của
cách mạng. Khi ra Côn Đảo, biết mình sắp bị hành hình
nhưng chị vẫn gửi lòng mình với nước với dân.
Và còn đây - đạo quân tóc dài - một đạo quân có một không hai trên thế giới chỉ
toàn các mẹ và các chị. Đạo quân có một không hai đó ra đời vào năm 1960, từ trong
phong trào Đồng Khởi - Bến Tre.







Đây là đạo quân không chính quy chỉ toàn là phụ nữ nhưng đã khiến cho Mĩ -
Diệm bao phen thất kinh hồn vía. Sức mạnh của đội quân này được đánh giá là có sức níu
cánh máy bay, bịt nồng đại bác, chặn đứng chiến xa và bẻ gãy hành quân càn quét của
địch. Những người phụ nữ bình dị ấy thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và nhân
dân trao tặng: “ Anh dũng Đồng Khởi, thắng Mĩ diệt ngụy”. Đạo quân tóc dài này do nữ
anh hùng Nguyễn Thị Định lãnh đạo. Người mà cả cuộc đời gắn liền với đất nước và
nhân dân, luôn sống chân chất, mộc mạc như hạt lúa, củ khoai nhưng tài năng thì thật phi



Tượng đài chị Võ Thị Sáu.

Đội quân tóc dài đi đấu tranh.
Bà Nguyễn Thị Định.
thường. Đúng như lời khen tặng của Bác Hồ trong lễ kỉ niệm 20 năm thành lập Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam, năm 1965: “ Phó tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô
Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang
cho cả miền Nam và cả dân tộc ta.”
Những hình ảnh hào hùng của đội quân có một không hai đó còn khơi nguồn cảm
hứng cho người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý viết nên những nốt nhạc sống mãi cùng
năm tháng.
“ Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió
Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre
(Con gái của Bến Tre)
Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về
Ôi những con người làm nên Đồng Khởi…”
(Dáng đứng Bến Tre, Nguyễn Văn Tý)
Hòa vào dòng chảy lịch sử hào hùng của cả dân tộc. Biết bao thế hệ phụ nữ trên
quê hương Long An đã tiếp bước thế hệ trước, đã lên đường theo tiếng gọi của hồn thiêng
sông núi, tranh đấu cho độc lập và tự do.
Một trong số đó là nữ anh hùng Mai Thị Non. Chị tham gia cách mạng từ rất sớm,
vừa đi học chị vừa làm trinh sát cho ngành an ninh nhân dân Bến Lức. Vào một buổi sáng
ngày 16 tháng 5 năm 1969, có cuộc họp quan trọng ở dinh Quận trưởng. Trong bộ áo dài
trắng nữ sinh, tay mang cặp da chứa bom hẹn giờ, chị đã dũng cảm lao mình qua cổng,
tiến về phía phòng họp, trong sự truy cản của bọn lính gác. Và bom nổ, mấy tên địch bị
thương, chị hi sinh khi mới 18 tuổi. Dù không giết được tên Quận trưởng ác ôn nhưng
tiếng bom ấy đã gây tiếng vang lớn và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho Mỹ- Ngụy. Và tên chị
đã được đặt cho trường tiểu học Mai Thị Non.










Tượng đài chị Mai Thị Non trong khuôn viên trường.
Sinh hoạt tập thể của học sinh trường Mai Thị Non.
Và còn rất rất nhiều nữ anh hùng khác đã hi sinh cả đời mình cho sự tồn vong của
dân tộc, viết nên những trang sử vàng sống động về lịch sử đấu tranh chống xâm lăng.
Lòng yêu nước thiết tha đã thôi thúc bao bà mẹ Việt Nam động viên chồng con lên đường
làm nghĩa vụ bảo vệ non sông gấm vóc. Bản thân các mẹ nào chịu thua kém chồng con,
dù tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực phục vụ cách mạng đó là mẹ Suốt ở Quảng Bình.
“ Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ…
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò”.
(Tố Hữu)
Người phụ nữ Việt Nam đẹp không chỉ vì lòng yêu nước sâu đậm mà còn đẹp bởi
tình yêu bao la dành cho con, suốt đời hi sinh vì con. Chín tháng mẹ mang nặng đẻ đau,
rồi vất vả nuôi con khôn lớn, mẹ nào có quản nhọc nhằn, chỉ mong con mẹ lớn khôn nên

người.









Mẹ Suốt chèo đò trên sông Nhật Lệ.
Tình yêu mẹ dành cho con.

Và khi mẹ đã già, lưng còng, gối
mỏi, mẹ có được sung sướng gì vì con mẹ
không như con người khác. Mẹ lại vất vả
mưu sinh chỉ với ước muốn giản dị là lo
ngày hai bữa cho con.



Những lúc con đau ốm, mẹ đã bán
cả máu để có thêm tiền lo chạy chữa cho
con. Đó là mẹ Tuyết ở phường Tân Hưng,
Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong 8
năm mà mẹ đã 100 lần bán máu. Và trong
suốt 30 năm qua, mẹ chưa một lần nằm
thẳng lưng trong căn phòng trọ nhỏ. Mẹ
phải nằm nghiêng để nhường chổ cho đứa
con gái bị bệnh nặng từ năm lên 2 tuổi vì

cơn sốt bại liệt. Chứng kiến sức khỏe con ngày càng sa sút, nhưng vợ chồng mẹ Tuyết
không tuyệt vọng mà lại thấy hạnh phúc vì đã làm tròn trách nhiệm của bậc sinh thành.
Có lẽ trong tận cùng nỗi đau, chúng ta sẽ trở thành một con người khác để chấp nhận mất
mát, đau thương và vượt lên nghịch cảnh. Song không phải điều kì diệu nào cũng diệu kì
nếu tình thương và sự hi sinh đó chưa đủ lớn. Tấm lòng người mẹ thật vĩ đại biết bao,
không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.
Người phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp vì lòng yêu nước và tình yêu bao la dành
cho con mà người phụ nữ Việt Nam ngày nay còn đẹp bởi tính tích cực, chủ động. Họ
không chỉ kế thừa và phát huy những phẩm chất cao quý của người đi trước mà còn nâng
nó lên cho phù hợp với yêu cầu lịch sử mới của đất nước. Bên cạnh vai trò quan trọng
trong gia đình, họ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Và vai trò to lớn đó đã
được thể hiện cụ thể tại Khoản 4 và 5 của Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Luật Bình
đẳng giới…
Và hiện nay, người phụ nữ Việt đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực và nắm giữ nhiều
vị trí rất quan trọng như chính trị gia.

Bà Biện (Quảng Nam) chăm sóc người con bị thần kinh.

Bà Tuyết và con gái.

Đây là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam- bà Nguyễn Thị Doan. Trước kia, bà
còn là giảng viên, hiệu trưởng trường Đại học
Thương mại Hà Nội.





Phụ nữ Việt còn là những nhà quản lý năng

động. Điển hình là bà Mai Kiều Liên - CEO của tập
đoàn Vinamilk. Bà từng được bầu chọn là 1 trong 50
nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.


Đặc biệt ở một số lĩnh vực, đôi khi người phụ nữ còn khiến nam giới phải hết sức
ngưỡng mộ. Đó là đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam không chỉ nhiều lần đăng quang ngôi
vô địch SEGAME mà còn nhiều năm liền giữ ngôi hậu Đông Nam Á. Trong khi suốt bao
năm qua, vô địch SEGAME chỉ là niềm mơ ước của đội tuyển bóng đá nam.











Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Bà Mai Kiều Liên.
Đội tuyển bóng đá nữ mừng chiến thắng tại SEGAME 25.
Ở nhiều lĩnh vực, sự có mặt của phụ nữ là rất quan trọng và luôn chiếm số đông
như may mặc hay giáo dục chẳng hạn…Cô Trịnh Thu Ánh của trường THCS Phước Vân
là một điển hình của phụ nữ hai giỏi. Cô không chỉ là giáo viên giỏi nhiều năm liền mà cô
còn là một Chủ tịch Công đoàn xuất sắc, rất tích cực, năng động và hết sức trách nhiệm
với công việc. Ở nhà, cô còn là một người vợ hiền, mẹ đảm, luôn chu toàn mọi việc.







Thật tuyệt vời biết bao vì ở mỗi chặng đường phát triển đi lên của đất nước đều có
dáng hình người phụ nữ. Bên cạnh, những người phụ nữ đã được lưu danh vào sử sách
còn có biết bao người phụ nữ bình dị khác đã và đang lặng lẽ góp sức cho sự phồn vinh
của đất nước. Phụ nữ Việt Nam ngày nay không ngừng nỗ lực nhất là trong việc lĩnh hội
tri thức để có thể đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, thật xứng đáng với 8 chữ vàng: “ Anh
hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Bao thế hệ phụ nữ Việt Nam đã cùng viết nên bản trường ca hào hùng mà
bất tận. Thế hệ trẻ hôm nay hãy hòa mình vào dòng chảy lịch sử vẻ vang ấy để viết tiếp
nên những nốt nhạc đặc sắc của riêng mình. Chúng ta không những kế thừa và phát huy
truyền thống tốt đẹp đó mà còn phải nâng nó lên một tầm cao mới. Đó chính là đạo lí, là
sự tri ân của thế hệ chúng ta đối với thế hệ trước. Phải tích cực, chủ động chiếm lĩnh tri
thức và đặc biệt là phải tích cực tham gia các hoạt động tập thể để rèn luyện thêm các kĩ
năng sống cần thiết cho bản thân nhất là các bạn nữ. Để xứng đáng là con cháu Bà Trưng,
Bà Triệu và thỏa niềm mong mỏi của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay
không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm
châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”
Đáp lại niềm mong mỏi của Bác, nhiều bạn học sinh của trường đã và đang thực
hiện tốt lời dạy ấy. Các bạn không chỉ tích cực thi đua học tập và rèn luyện đạo đức mà
còn tích cực, chủ động tham gia hoạt động tập thể và hoạt động xã hội. Các bạn chính là
những đóa hoa tươi thắm góp phần đưa trường THCS Phước Vân đạt chuẩn Quốc gia.
Các bạn ấy xứng đáng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Cô Ánh đang nấu ăn ở nhà.
Cô Ánh tại Đại hội Công đoàn.











6/ Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống.
Qua bài thuyết trình, các bạn sẽ nhận thức được trong từng chặng đường phát triển
của đất nước, phụ nữ luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng. Đó không chỉ là sự khẳng
định vị trí to lớn của người phụ nữ mà còn là niềm tự hào của phụ nữ chúng ta. Từ đó,
khích lệ các bạn, tạo động lực cho các bạn nhất là các bạn nữ thêm tự tin và tích cực, chủ
động trong học tập cũng như trong mọi hoạt động tập thể và cả trong cuộc sống. Mặt
khác, bài thuyết trình này còn giúp các bạn nam hiểu hơn về vai trò của phụ nữ, từ đó các
bạn ấy sẽ tích cực hơn trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các bạn nữ phát huy năng
lực của mình. Em còn mong rằng sau bài thuyết trình này, mỗi bạn học sinh của trường sẽ
trở thành những tuyên truyền viên tích cực đến gia đình và cộng đồng góp phần thực hiện
tốt chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, qua bài thuyết trình còn giúp cho các bạn nhận thức được tầm quan
trọng của các môn Xã hội. Bởi các môn học này không chỉ góp phần hình thành và phát
triển nhân cách của mỗi người mà còn góp phần rất lớn vào sự ổn định và phát triển bền
vững của xã hội. Từ đó, tránh được tình trạng học lệch và hiện tượng xem thường môn
Xã hội. Bởi mỗi môn học đều có vị trí, vai trò và một sứ mệnh riêng, không môn học nào
là không quan trọng, không cần thiết cả. Đặc biệt các môn học có thể hỗ trợ lẫn nhau,
giúp chúng ta giải quyết tốt các tình huống thực tiễn và phát triển toàn diện về đức, trí,
thể, mĩ. Từ đó, thúc đẩy các bạn tăng cường khả năng vận dụng kiến thức liên môn để
giải quyết các tình huống, thúc đẩy khả năng tự học, tự nghiên cứu, biết gắn lý thuyết với
thực hành, góp phần đưa phong trào tự học, tự nghiên cứu trong nhà trường nói chung và

ở mỗi bạn học sinh nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu.
Người viết

Huỳnh Thị Minh Thư

Các bạn lớp trưởng Khối 9 tham gia văn nghệ trong Lễ đón bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia.

×