CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
THAM LUẬN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN
Kính thưa:
Chất lượng giáo dục là vấn đề then chốt trong hoạt động dạy và học ở nhà
trường phổ thông, là thước đo hiệu quả để đánh giá quá trình hoạt động giáo dục của
một nhà trường, bản lĩnh, trình độ và kinh nghiệm của một người giáo viên. Vì vậy
vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục luôn là vấn đề quan trọng trong một môi trường
giáo dục, với chi bộ Đảng của một nhà trường, vấn đề chất lượng giáo dục phải đặt ở
vị trí cao nhất.
Trường THPT Lương Tài với hơn 60 năm lịch sử đã đạt được những thành
tựu giáo dục lớn lao, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của huyện nhà, xứng đáng với
kì vọng của học sinh và nhân dân qua các thế hệ. Có được những thành tựu ấy trên
lĩnh vực giáo dục, công lao đầu tiên phải kể đến là những đồng chí Đảng viên trong
chi bộ - họ được ví như những “chiến sĩ” trên mặt trận giáo dục như Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong lần thăm trường ĐHSP Hà Nội (tháng 10 năm 1964) đã phát biểu:
“Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên
tuổi không đăng tên báo, không được thưởng huân chương. Song người thầy giáo tốt
là những người anh hùng vô danh”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới sự tác động nhiều mặt của cuộc
sống, chất lượng giáo dục của nhà trường có những bước phát triển đáng mừng, như
tỉ lệ học sinh giỏi tăng theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước, tỉ lệ thi tốt
nghiệp vẫn duy trì ở mức cao, chất lượng học sinh thi Cassio vẫn được đảm bảo và
tương đối ổn định nhưng như vậy không có nghĩa là không có những lo ngạiđặc biệt
ở hai lĩnh vực mũi nhọn là thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đặc biệt là thi ĐH. Trong các
cuộc thi HSG gần đây, chúng ta mất dần vị trí cao, những vị trí cạnh tranh, chất
lượng trồi sụt thất thường, không mang tính đảm bảo bền vững. Chất lượng thi ĐH
cũng vậy, mục tiêu đưa trường ta lọt vào top 200 các trường TH có điểm thi cao nhất
đang trở nên xa vời, khó thành hiện thực, thậm chí, đôi khi nó trở thành câu chuyện
đùa của một số giáo viên thiếu ý thức.
Biết rằng chất lượng giáo dục của nhà trường cũng mang tính khách quan,
cũng có lúc cao lúc thấp nhưng khi chúng ta mất đi niểm tin của nhân dân là chúng
ta đánh mất tất cả. Đánh mất vị trí còn có thể lấy lại được nhưng đánh mất danh dự,
đánh mất niềm tin thì không có nhiều cơ hội. Thực tế ấy đang đặt trên vai chúng ta,
đòi hỏi chúng ta – những đảng viên, những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục
phải quan tâm nhiều hơn nữa. Nói cách khác, chúng ta – những đảng viên phải là
những người đầu tiên chịu trách nhiệm với nhân dân và với lịch sử vẻ vang của nhà
trường.
Đứng trước tình hình thực tế như vậy, chúng ta cần tránh cách nói, sự hô
hào, cổ động chung chung mà phải có những quyết sách, những hành động cụ thể
nhằm không chỉ trách nhiệm hóa mỗi giáo viên trên mỗi công việc mà còn phải động
viên, giải phóng sức sáng tạo của mỗi người. Nói một cách hình ảnh, bệnh của chúng
ta ở lục phủ ngũ tạng, ta không thể dùng thuốc ngoài da bôi hời hợt bên ngoài mà
khỏi được. Chúng ta trước hết phải nhìn nhận đúng đắn vấn đề, phát hiện đâu là ưu
điểm, đâu là nhược điểm. Sau đó là các biện pháp cụ thể đánh thẳng vào vấn đề, chỉ
ra nguyên nhân, phân tích, dự báo hậu quả mà cải thiện tình hình. Chẳng hạn, chúng
ta cần phải biết chất lượng thi ĐH thấp là ở những lớp nào, do những đồng chí nào
phụ trách rồi sau đó hoặc là có những biện pháp động viên, khuyến khích hoặc bồi
dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ hoặc bố trí vào công việc những lớp dạy khác
phù hợp với năng lực. Có như vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường mới được
nâng cao và trắng đen, thật giả mới không thể lẫn lộn được.
Nhưng theo chúng tôi, chìa khóa để giải quyết bài toán chất lượng giáo dục
của nhà trường chính là những giáo viên - đảng viên trong chi bộ. Chìa khóa không
nằm ở cơ hội, chìa khóa nằm ở những thách thức, nằm ở ý thức vượt khó. Trong mỗi
khó khăn, mỗi thách thức, bản lĩnh của người Đảng viên lại được tôi rèn qua thực tế
cuộc sống.
Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình
những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình đã vì nước nhà phấn
đấu đến chừng nào? Câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh trong hòan cảnh
này phải được hiểu là: Người Đảng viên không nên đòi hỏi nhà trường đã cho mình
những gì, đã tạo cho mình những cơ hội nào mà phải tự hỏi, mình đã làm gì cho nhà
trường, cho nhân dân, cho tương lai của những thế hệ học sinh sau này và mình đã
làm đến đâu cho những lí tưởng đó.
Đứng trước thực tế với rất nhiều thử thách, các đồng chí Bí thư, phó bí thư
và BGH nhà trường đã trăn trở và không ngừng tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng
cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Nhưng sự nỗ lực của một người, một nhóm
người thì chưa đủ. Vấn đề lớn cần phải có sự chung tay của tập thể Đảng viên và
quần chúng, đặc biệt là những đồng chí Đảng viên trong chi bộ. Không bao giờ như
lúc này, vai trò tiên phong của người Đảng viên trong chi bộ phải được đề cao.
Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí minh đã nói: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ
viết lên trán chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những
người có tư cách đạo đức và rằng chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà
không quyết tâm sửa chữa không chịu nghe phê bình và không chịu phê bình thì
nhất định lạc hậu, thoái bộ Hiểu như vậy, chúng ta càng thấy vai trò lịch sử của
người Đảng viên trong công cuộc chấn hưng lại chất lượng giáo dục của nhà trường
và công cuộc ấy trước hết phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể là nâng cao chất
lượng giáo dục toàn diện của mỗi chúng ta.
Chất lượng giáo dục của nhà trường theo chúng tôi trước hết nằm ở chất
lượng chuyên môn của mỗi đồng chí Đảng viên và giáo viên. Người Đảng viên bên
cạnh công tác tư tưởng, công tác quần chúng phải ra sức rèn luyện chuyên môn, mài
rũa nghiệp vụ sư phạm. Một Đảng viên yếu về chuyên môn là chi bộ Đảng ta yếu đi
một phần. Mỗi Đảng viên có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng
là đã góp phần làm cho chi bộ ta trở lên vững mạnh. Chúng ta không thể cải thiện
chất lượng giáo dục của nhà trường nếu không cải thiện chất lượng chuyên môn của
mỗi giáo viên, mỗi Đảng viên.
“Thi đua là yêu nước”. Bác đã nhấn mạnh điều này, và Bác nói: “anh hùng
và chiến sĩ thi đua là những người tiên phong trong lao động sản xuất, mà cũng là
gương mẫu về đạo đức cách mạng.” . Mỗi trường học là một mặt trận, mặt trận giáo
dục để không chỉ diệt giặc đói giặc dốt mà còn nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài
cho đất nước, mỗi nhà trường thi đua với nhau để nâng cao chất lượng giáo dục thì
theo chúng tôi, mỗi đồng chí cán bộ Đảng viên cũng thi đua một cách lành mạnh,
sòng phẳng để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường . Đó cũng là biểu hiện
của lòng yêu nước.
Với cá nhân tôi, từ khi được kết nạp Đản Cộng Sản, tôi càng hun đúc bản
lĩnh cách mạng của người Đảng viên, càng quyết tâm học tập nâng cao trình độ để
dần dần tạo uy tín trong công việc xứng đáng với trọng trách dạy người trong tầm
nhìn trăm năm và đặc biệt là tạo niềm tin với nhân dân và với các thế hệ học sinh. Có
được điều đó là công lao của các đ/c Đảng viên trong BGH, trong chi bộ đã động
viên, giúp đỡ khuyến khích và giao trách nhiệm. Và tự đáy lòng, tôi xin cảm ơn chân
thành đến các đồng chí, xin hứa sẽ thi đua, sẽ góp một phần công sức nhỏ bé của
mình cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
Cuối cùng, tôi mong muốn rằng: chúng ta hãy sát cánh cùng nhau để nâng
cao chất lượng giáo dục nhà trường bởi công cuộc này, sứ mệnh này là của chính
chúng ta, bắt đầu từ mỗi chúng ta – những Đảng viên, những chiến sĩ tiên phong
trong mặt trận giáo dục.
Chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Chúc những lí tưởng cao đẹp của chúng
ta sẽ trở thành hiện thực.
Vũ Đình Phùng
(Trường THPT Lương Tài, Huyện Lương Tài, Tỉnh Bắc Ninh)