Tải bản đầy đủ (.doc) (53 trang)

Những bài văn hay viết về mẹ - tập 1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (726.52 KB, 53 trang )

1. Bài dự thi Viết Về Mẹ:
“Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi
nên người mới sinh ra người mẹ”
Mẹ! Một tiếng gọi thiêng liêng đối với mỗi chúng ta, những người đã được
sinh ra và lớn lên trong vòng tay của mẹ.
Kte Douglas Wiggin đã nói rằng: “Trên đời này hầu hết những gì là đẹp
đều hiện ra như hai, như ba, như hàng tá hay hàng trăm thứ. Nhiều như thể
những bông hồng, những buổi hoàng hôn, những cầu vồng, những anh chị,
những chú bác cô dì và anh em họ, nhưng trên cả thế giới, ta luôn luôn chỉ có
một người mẹ”.
Đúng như vậy, có lẽ tình mẫu tử là món quà vĩ đại nhất mà thượng đế đã ban
tặng cho mỗi sinh vật trên trái đất này, đó là sự hy sinh vô bờ bến đối với con cái.
Chính vì lẽ đó mà những áng văn, những vần thơ hay những câu nói bất hủ ca
ngợi về người mẹ lần lượt ra đời.
Thật hạnh phúc cho những ai sinh ra trên đời này được cất lên tiếng gọi mẹ.
Và cũng thật cảm thông cho những ai không được cất lên tiếng gọi thiêng liêng
đó. Có những hoàn cảnh, chúng ta phải biết cảm thông cho những người mẹ vì
những lý do nào đó mà không chọn cách ở lại bên những đứa con của mình.
Nhưng có một điều luôn đúng là cho dù vì lý do gì đi chăng nữa thì tình yêu
thương mà họ dành cho con họ là không bao giờ thay đổi.
Đối với mọi người nói chung và bản thân tôi nói riêng, tôi cảm thấy rằng,
mình là một trong những người thật hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong
vòng tay của mẹ, người đã hy sinh suốt đời vì con cái, vì gia đình mà không một
lời than trách. Ngay cả đến con vật, loài cây cũng dành tình yêu thương cho con
mình, điều đó đã làm cho cuộc sống đầy ý nghĩa và tình mẹ thật quý báu.
Nhìn lại mình tôi thấy rằng, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, tôi luôn được
sống trong vòng tay và sự yêu thương của mẹ. Mẹ luôn dành cho tôi những gì tốt
đẹp nhất mà mẹ có thể cho tôi. Những cái gì ngon nhất, đẹp nhất mẹ luôn dành
cho các con. Từ nhỏ đến lớn, mẹ không cho tôi đụng vào những việc khó ngoài
nấu cơm, rửa bát, quét nhà… Mẹ biết làm như vậy sẽ làm hư con gái mẹ lớn lên
sẽ không biết làm và bị người ta chê trách. Nhưng mẹ không muốn con gái mẹ


phải khổ mà dành hết về phần mình. Tôi đã ngây thơ không nhận ra điều đó. Tuổi
thơ của tôi đầy ắp những kỷ niệm về mẹ nhưng có một kỷ niệm làm tôi không thể
nào quên và nhớ như in cho đến tận bây giờ, và có lẽ suốt đời này tôi không thể
quên được. Đó là lần tôi bị ốm, mẹ đã lo lắng cho tôi suốt mấy ngày liền, lo cho
tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Sau mấy ngày đó, tôi nhận ra mẹ như gầy và xanh xao
hẳn đi. Vì đang vào mùa thu hoạch nên khi tôi gần khỏi ốm, mẹ cho tôi ở nhà với
chị cả để tranh thủ mùa thu hoạch. Trước khi đi mẹ dặn dò chị cả đủ điều, nào là
cho tôi ăn, cho uống thuốc, nếu có chuyện gì thì phải báo ngay cho mẹ để mẹ về.
1
Vì ngày đó không có điện thoại thuận tiện như bây giờ và cánh đồng nhà tôi cách
nhà không xa lắm nên chỉ cần chạy ra gọi hoặc ra hiệu một cái gì đó là biết ngay.
Mẹ đã dặn nếu tôi ở nhà có việc gì thì treo ngọn cờ vào cái cây đưa lên cao là mẹ
biết mẹ về. Chị tôi vâng dạ đủ điều để mẹ yên tâm đi làm nhưng có vẻ mẹ tôi
không được yên tâm cho lắm. Hôm đó ở nhà, chú trưởng thôn vào báo tối nói mẹ
đi họp thôn về chuyện gì đó tôi không rõ nhưng có vẻ quan trọng, vì chú trưởng
thôn nói mẹ phải có mặt. Hồi đó tôi còn nhỏ, và chị tôi cũng lớn hơn tôi không
bao nhiêu nên suy nghĩ còn thơ dại. Cứ nghĩ là có chuyện quan trọng nên phải báo
ngay cho mẹ biết. Chị tôi đã làm theo lời mẹ dặn là lấy ngọn cờ đưa lên cao. Có
thể ngoài đồng mẹ tôi đi làm nhưng tâm trí thì khi nào cũng để ý xem có ngọn cờ
nào đưa lên cao hay không nên sau đó không lâu tôi đã thấy mẹ tất tả chạy về.
Nhìn mẹ lúc đó thật là thương, ống quần còn xắn lên cao và mồ hôi nhễ nhãi.
Chắc mẹ tôi đã nghĩ là có chuyện gì xảy ra với tôi. Tôi chạy ra cổng đón mẹ, nhìn
thấy khuôn mặt đầy lo âu của mẹ tôi thương nhiều lắm. Mẹ ôm tôi vào lòng và
đang nghĩ tôi bị ốm kiểu gì mà vẫn chạy tung tăng ra cổng đón mẹ được. Tôi
thông báo với mẹ là chú trưởng thôn nói rằng tối nay mẹ phải đi họp vì có chuyện
quan trọng nhưng quan trọng đến mấy đi chăng nữa thì vẫn không bằng việc nhìn
thấy tôi lúc đó vẫn bình an. Nhìn thấy khuôn mặt thở phào nhẹ nhõm của mẹ tôi
vẫn không nhận ra mình ngốc nghếch đến như vậy. Kỷ niệm đó đối với tôi đến
bây giờ vẫn nhớ như in mặc dù tôi bây giờ đã trưởng thành, đã đi làm chứ không
còn là một cô bé ngây dại như ngày nào.

Qua câu chuyện của tôi, tôi muốn gửi đến mọi người rằng hãy trân trọng
những gì mà thượng đế đã ban tặng cho chúng ta, trong đó có người mẹ bởi vì
“Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi nên người mới sinh ra người mẹ”. Chúng
ta hãy làm tròn bổn phận của một người con, cha mẹ không mong chúng ta có thể
cho cha mẹ những gì nhưng nhìn thấy những đứa con khôn lớn, trưởng thành là
niềm vui vô bờ bến của những bậc sinh thành, và có một chân lý không bao giờ
sai bởi vì:
Đi khắp thế gian không ai khổ bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha mẹ chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghen con.
Võ Thị Ngọc Tư
Công ty Cổ Phần Văn Hoá – Du Lịch Gia Lai, Phòng Kinh Doanh & Tiếp Thị
Email:
2
2. Bài dự thi cuộc thi viết về mẹ: “Mẹ ơi”
… “Con về chẳng thấy mẹ đâu
Nắng vàng mẹ chẳng gội đầu bên sân
Ngoài kia hoa nở thật gần
Ngó vào khe cửa thì thầm: Mẹ ơi!…”
Chiều nay đi làm, thấy những cơn gió heo may về rồi, trời thì nổi gió, chắc
chiều nay không khí lạnh về đây. Tự dưng tôi nhớ đến Mẹ quá. Săp đến ngày giỗ
Mẹ rồi. Mới thấy, thật hạnh phúc cho những ai còn mẹ…
Tôi nhớ ngày Mẹ mất, mấy năm trời, cái cảm giác nức nở vẫn như còn ở
trong tim. Tôi đã vượt qua những ngày ấy bằng sức mạnh nào không rõ. Mười bảy
ngày sau khi Mẹ tôi mất, Cha tôi nhồi máu cơ tim cấp cứu trong Viện 108. Lúc

đấy Chồng tôi đang bên Đức, con trai Duy Anh thì mới được hai tuổi. Tôi vẫn
nhớ cảnh mấy anh em ôm nhau trước cửa phòng cấp cứu. Tôi nhớ dòng tin nhắn
của anh Trường gửi:”Anh nhớ mẹ quá. Nhớ mỗi sáng anh đi làm là mẹ ra mở
cổng cho anh. Nhớ cả mùi bồ kết trên tóc mẹ”…
Mùi bồ kết trên tóc Mẹ… cái mùi thơm đặc trưng, nhẹ nhàng với cả hương
lá bưởi, lá sả vườn nhà. Ngày Mẹ mất đột ngột, Mẹ vẫn kịp gội đầu, mấy hôm
sau, tôi vẫn quanh quẩn bên nồi nước lá gội đầu của Mẹ hôm đấy. Từ đấy, chả
mấy khi tôi khóc…
Tôi thì nhớ nhất hình ảnh của Mẹ trên triền con dốc chợ ngày xưa. Với cái xe
đạp không phanh đặc trưng Mẹ vẫn chạy chợ mỗi ngày, cả cái thùng hàng to đùng
sau lưng Mẹ nữa. Lúc ấy, cứ mỗi lần đi học về là lại nhìn thấy và nghe thấy cái
“phanh chân” của Mẹ trên dốc chợ. Thương lắm…
Đọc bài thơ của một ai đấy viết tặng mẹ, như thấy cả một trời thương nhớ.
Tôi thèm biết bao cái tiếng gọi thân thương ” Mẹ ơi”… Cho nên, đến giờ mỗi lần
nhớ Mẹ, tôi cũng chỉ biết gọi thầm trong tim như thế. Nghe thì đơn giản thế, mà
trong đó lại là cả tiếng gọi xé ruột, xé gan của những đứa con nhớ Mẹ…
Mẹ ơi…
Đoàn Thị Kim Dung
Ban Nghiên cứu Phát triển Sản phẩm Dịch vụ Ngân hàng No&PTNT Việt Nam
Số 18- Trần Hữu Dực- Mỹ Đình- Từ Liêm- Hà Nội.
3
3. Bài dự thi Viết Về Mẹ: “Kỷ niệm mãi nhớ về mẹ”
“Tôi có thể quên đi tất cả mọi thứ trên cõi đời này, kể cả tôi quên mình là ai,
nhưng không thể quên khoảnh khắc đầy ý nghĩa và tuyệt vời của ngày hôm nay”
Ngày cậu học trò nhà quê lên phố làm sinh
viên Đại học, tôi được mẹ sắm cho chiếc điện
thoại di động – phần thưởng cho thành tích mà
tôi đã đạt được; hay đúng hơn, đó là phương
tiện để liên lạc với gia đình. Được cầm trong
tay chiếc điện thoại mà hồn cứ ngơ ngác tưởng

rằng đang mơ mộng hão huyền. Bởi lẽ, chưa
bao giờ tôi được sở hữu một phần quà lớn như
vậy; nhẩm tính, nó lên tới bốn tạ thóc (bằng nửa
mùa thu hoạch của cả gia đình), quả là giá trị
thật. Lúc đấy, tâm trí tôi giục lên suy nghĩ: “Tôi có thể quên đi tất cả mọi thứ trên
cõi đời này, kể cả tôi quên mình là ai, nhưng không thể quên khoảnh khắc đầy ý
nghĩa và tuyệt vời của ngày hôm nay”. Thật vậy, đến giờ này thời sinh viên sắp
trôi qua nhưng kỷ niệm đó vẫn khắc giữ nơi tim.
1. Niềm hạnh phúc
Có lẽ chẳng có lúc nào tôi được tươi vui như thế này, sự sung sướng đang
ngây ngất dâng trào, niềm hạnh phúc cũng lên cao đến tột cùng. Một món quà lớn
đánh dấu sự thành công bước đầu, được làm sinh viên đại học (thầm nghĩ: cũng
oách lắm chứ); hơn thế nữa đó là tình yêu thương trọn vẹn mà cả gia đình dành
tặng cho mình. Đấy như giây phút ở “thiên đàng”, và rồi tôi cũng phải quay lại
thực tại; tự nhủ, con đường trước mắt còn lắm chông gai thách thức đang “đón
chào”, nên tôi không được phép cho bản thân ngủ quên trên chiến thắng. Ngay tức
khắc trong lòng đặt ra câu hỏi: tôi sẽ làm gì để đáp lại những tình cảm quý báu mà
mẹ dành cho, cũng như tất cả niềm tin, sự hi vọng của cả gia đình đều đặt vào tôi.
2. Điều phải và đã làm
Để không phụ lại những mong mỏi của mẹ cũng như gia đình, xứng đáng với
việc nắm giữ chiếc điện thoại “thiêng liêng” ấy trong tay, tôi bắt đầu vào việc lập
kế hoạch cho tương lai phía trước. Đó là tiếp tục làm đứa con ngoan của cha mẹ,
cậu học trò hiền như thuở nào của thầy cô; gắng sức học tập nhiều hơn nữa để đạt
được kết quả tốt nhất. Mặc dầu trong bước đi thực hiện kế hoạch, bản thân gặp
nhiều khó khăn trở ngại, nhưng hiện tại cũng đạt được những thành công nhất
định. Không còn như lần đầu lên phố, cái ngú ngớ đến nỗi ngu ngơ không biết
đường Sài Thành năm xưa giờ chỉ là câu chuyện của quá khứ; tôi tự tin vào mình
nhiều hơn, đã bắt nhịp được với cuộc sống đô thị sầm uất đầy hối hả này. Và rằng
kết quả học tập của tôi cũng đạt như điều mong muốn.
3. Lời cảm ơn

4
Mẹ ạ! Kỷ niệm xưa con mãi nhớ; chiếc điện thoại thân thương kia con đang
dùng, vẫn còn mới lắm, nó mãi kề bên con như dáng hình mẹ dõi theo cuộc đời
con vậy! Con chưa phải là một người thành đạt, nhưng mẹ có quyền hãnh diện về
con; còn gần một năm nữa con mới ra trường, song tấm bằng cử nhân loại khá
đang nằm chắc trong tầm tay. Đôi chân con sẽ bước tiếp những bước đi vững chãi
nhất trên đường đời đầy gian nan thách thức phía trước, để không phụ lòng cha
mẹ, gia đình, bè bạn đã đặt niềm tin yêu vào con.
Chiếc điện thoại đối với một ai đấy thì nhỏ bé, nhưng trong tôi nó là vô giá.
Bởi đó không chỉ là tiền bạc, những giọt mồ hôi nhọc nhằn vất vả đồng áng mới
có được, mà cả sự yêu thương của mẹ, gia đình cũng gói trọn vào đây. Tôi sẽ mãi
giữ chiếc điện thoại, khắc nhớ kỷ niệm, nó chính là động lực để tôi tiến thẳng vào
đời. Con yêu mẹ nhiều lắm!
Phạm Trần Hữu Thanh
4. Bài dự thi viết về mẹ:
Mẹ ơi, đó là giây phút con được sinh ra lần nữa
Gửi mẹ của con…
Từ lúc con biết rằng mình đang hiện hữu, đang là một linh hồn bé nhỏ tồn tại
trong cuộc đời thì cũng là lúc con nhận ra tình yêu thương của mẹ. Mẹ không chỉ
là người sinh thành ra con, chăm sóc và nuôi nấng con thành người, mẹ như là
một người tri âm tri kỷ luôn che chở, động viên con. Con biết tình mẹ bao la lắm,
không gì có thể diễn tả được tình mẫu tử thiêng liêng ấy, con chỉ biết khi con vui
thì mẹ cũng cười, khi con khóc mẹ cũng rất buồn và luôn bên cạnh an ủi con,
ngay cả khi con sai phạm mẹ cũng không la rầy nhưng trong đôi mắt mẹ đượm
một nỗi buồn xa xôi lắm… Những lúc ấy con tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng,
rồi chạy đến ôm mẹ mà khóc và xin lỗi mẹ. Có lẽ tình yêu của mẹ dành cho con
còn nhiều, nhiều lắm… nhưng con không thể diễn đạt thành lời. Trước giờ dường
như con chưa bao giờ nói với mẹ một câu nói yêu thương nào đúng không mẹ?
Có lẽ con là một người quá cộc cằn, dù yêu mẹ lắm, nhìn thấy mẹ vất vả lượm
từng hạt thóc để có tiền nuôi con ăn học, mưa

nắng tảo tần ngày ngày chỉ với một mơ ước sẽ
nuôi con trở thành một bác sĩ giỏi chăm sóc cho
mẹ và tất cả mọi người.
Trong kí ức non nớt của con lúc vừa bước
vào lớp ba, một sự kiện đã làm con chẳng bao
giờ quên, mẹ còn nhớ không? Đó là vào một
buổi chiều thu ảm đạm, có người hàng xóm đến
báo tin rằng Bé Ngân (là con) bị xe đụng đang
5
nằm hấp hối trong bệnh viện tỉnh rồi. Lúc ấy em Tèo mới được một tháng tuổi,
mẹ vẫn còn rất yếu sau cuộc phẫu thuật sinh em, vậy mà nghe tin này, mẹ vật vã,
vội vàng chạy đi kêu dượng Hải ở nhà bên đi xem tình hình. Mẹ đâu biết rằng lúc
này con vẫn đang thong dong trên đường về nhà, vừa đi vừa hát nghêu ngao, thật
may dượng Hải nhìn thấy con, lúc đó nhìn nét mặt vừa hốt hoảng vừa vui mừng
của dượng, con chẳng hiểu đã có chuyện gì đang xảy ra. Vừa đến nhà, con đã rất
bất ngờ trước hình ảnh mẹ quấn khăn ngồi khóc trước nhà, bà con lối xóm thì
quây quần hỏi han, an ủi. Lúc ấy không hiểu tại sao con thấy thương mẹ nhiều
lắm, chưa bao giờ con cảm nhận được tình mẹ dành cho con lại mạnh mẽ và bao
la đến thế. Khi nhìn thấy con, mẹ ôm chầm con mà khóc nức nở: “Ôi con gái của
tôi, mẹ tưởng mẹ đã mất con rồi chứ!!! Huhu”. Mẹ hôn lên trán con rồi ôm con
vào lòng, con biết lúc này mẹ đang mỉm cười, một nụ cười hạnh phúc và chan
chứa yêu thương. Và cũng chính giây phút này, con thấy mình như được sinh ra
lần thứ hai với suy nghĩ và tình yêu cho mẹ thật khác. Con thấy yêu mẹ, yêu mẹ
vô cùng mẹ ơi!
Chắc là con giống tính mẹ, ít khi nói được những lời yêu thương, có khi còn
bị nói là người lạnh lùng, ít biểu lộ, nhưng con biết mẹ yêu con lắm, và con cũng
muốn mẹ biết được rằng con cũng rất yêu mẹ, dù rằng nói ra thật là khó nhưng
con cố gắng làm cho mẹ vui lòng, cố gắng trở thành một bác sĩ giỏi để mai sau có
thể chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già.
Giờ con phải đi học xa nhà, con càng thấy nhớ mẹ, nhớ gia đình nhỏ nhưng

đầy ắp tiếng cười và tình thương bao la của ba mẹ, nhớ về ngôi nhà với những kỉ
niệm tuổi thơ không bao giờ con quên được. Mẹ ơi, dù con có đi đâu, dù con đang
trưởng thành hay tương lai có thế nào đi nữa, con cũng mãi là đứa con bé nhỏ
trong vòng tay yêu thương của mẹ – một người mẹ đã một đời vất vả vì con. Nhân
ngày không có gì đặc biệt này, con muốn nói với mẹ một câu rất giản dị thôi
nhưng con chưa một lần nói: “Con yêu mẹ nhất trên đời…”
Con gái cưng của mẹ…^^
Họ tên: Nguyễn Thị Kim Ngân
Năm sinh: 24/11/1988
Địa chỉ: F32 – chung cư Bình Thới – P.8- Q.11- Tp.HCM
6
5. Bài dự thi Viết về Mẹ: Miếng cơm cháy của mẹ
Chiều nay bỗng dưng trời chuyển lạnh. Những chiếc lá vàng trên cây xoan
đầu ngõ đua nhau rụng kín mép đường. Tôi miên man đi trên con ngõ nhỏ cố tìm
lại những ký ức tuổi thơ. Mới ngày nào mẹ còn dúi cho miếng cơm cháy trong
một lần tôi trốn ông bà chủ về thăm nhà. Vậy mà hôm nay tóc tôi đã lấm chấm
điểm sương.
Cha tôi mất sớm một mình mẹ phải bươn trải làm thuê, cuốc mướn lấy tiền
nuôi bốn đứa con. Cuộc sống hàng ngày bữa đói nhiều hơn no, rét lâu hơn ấm.
Mùa đông bốn anh em cũng chỉ chung nhau chiếc áo len, em mặc thì anh thôi, anh
mặc thì em sưởi lửa. Mùa giáp hạt nhà tôi đã hết thóc từ lâu. Chẳng ai xui khiến
nhưng tôi đã biết tự đi tìm hàng rào cây sắn đào lấy củ mang về luộc ăn. Loại sắn
này sượng, ung ủng nước nhưng đúng là một miếng khi đói bằng gói khi no.
Những năm đó mất mùa triền miên. Tôi nhớ người miền Trung còn được địa
phương cấp giấy chứng nhận cho đi ăn xin. Có cụ già leo heo, chân tay run lẩy
bẩy hay cháu bé mặt mày nhem nhuốc, tóc tai bơ phờ vì đói vẫn cố lê từng bước.
Tôi không đến mức như thế nhưng cũng phải đi ở cho một ông chủ nhà giàu để
chăn trâu mong kiếm miếng cơm, manh áo. Ngày dắt con đến giao cho người ta
tôi biết lòng mẹ đang quặn lại như đứt từng khúc ruột. Nhìn con nhà ông chủ ăn
cơm trắng thoả thuê, chúng vừa ăn vừa đùa nghịch, cơm vãi khắp nền nhà mà mẹ

đành quay mặt đi chỗ khác tủi thân vì thấy con mình khổ quá. Mẹ thương tôi, mắt
ngấn ngấn lệ. Mắt tôi cũng cay xè nhưng cố gượng lại để mong sao muối đừng xát
thêm vào lòng mẹ. Nếu mẹ không cho tôi thì những đứa em sẽ bị đói. Đêm đầu
tiên xa mẹ lòng tôi trống vắng đến lạ kỳ.
Đói nhưng được ở bên mẹ thì dù có chết cũng vui. Nhưng tôi không thể làm
thế, tôi phải đi để dư một suất cơm nhường lại cho các em, cho mẹ. Nhớ lúc trưa
mới đến, ông bà chủ dọn cơm ra tôi cũng được ngồi ăn cùng. Người ta mời mẹ
nhưng mẹ cứ chối đây đẩy: “Không mà, em ăn cơm ở nhà no rồi mà. Em no lắm
không ăn được nữa đâu”. Bỗng dưng cổ tôi nghẹn lại không nuốt nổi miếng cơm
vừa cho vào miệng. Tôi bật khóc. Bật khóc như một đứa trẻ. Mọi nguời trong nhà
ông bà chủ ai cũng ngỡ ngàng nhưng không ai biết vì sao tôi khóc. Mẹ tôi cố cao
giọng dọa nạt: “Có thế mà cũng khóc, ở đây sướng gấp vạn nhà mình. Mà thi
thoảng mẹ lại đến thăm cơ mà”. Mẹ quay ra nói chữa ngượng với ông bà chủ:
“Cháu nó lần đầu đi xa nên nhớ nhà đấy anh chị ạ”. Tôi là con nên hiểu lòng mẹ.
Tôi khóc không phải vì nhớ nhà mà cũng không phải do buồn mà khóc vì chính
lời từ chối ăn cơm của mẹ. Cả đời mẹ đến lúc ấy chua được ăn bát cơm không độn
sắn, khoai. Vậy mà mẹ lại bảo no. Còn nhớ, buổi sáng nay mẹ chia tay tôi bằng
một nồi sắn cọc rào đắng ngắt. Mẹ không ăn mà nhường lại cho tôi. Mẹ bảo: “Con
ăn đi, mai mẹ đào khóm khác. Đến đó nhớ chịu khó làm đừng để người ta đuổi về
không có cái gì ăn đâu con ạ”. Tôi cứ cố quên điều đó để mong mình thiếp đi trên
chiếc chõng tre giành cho những kẻ đầy tớ và người làm thuê nhưng càng ngủ thì
lại thấy đêm dài lê thê, mãi mà chưa có một tiếng gà gáy đổi canh. Tôi mơ màng,
hình ảnh mẹ lúc chiều như hiện ra trước mắt. Đó là khi ông bà chủ và mọi người
7
đã đi nghỉ trưa, mẹ gọi tôi ra khóc khuất để dặn dò những điều cần thiết khi đi làm
con ở. Lúc qua mé sân gần bếp, mẹ thấy cái nồi cơm buổi trưa vẫn còn những
vầng cháy vàng ruộm. Mắt mẹ sáng lên và nhìn vào đó không chớp. Có lẽ khao
khát lớn nhất của mẹ khi ấy là được cầm nó cho vào mồm nhai ngấu nghiến để
thoả cơn đói. Nếu vào xin ông bà chủ thì không đành. Tôi thấy mẹ đứng lặng hồi
lâu. Trong tôi bỗng trào dâng cảm giác nao lòng. Một miếng cơm cháy nào đáng

gì đâu, thậm chí người ta còn bỏ đi vậy mà đối với mẹ tôi là vàng, là ngọc. Thế
đấy, có người cả đời chỉ ao ước một điều hết sức bình dị. Tôi lặng đi bởi thương
mẹ. Vì phải nuôi đàn con nên đời mẹ mới thế. Bất chợt mẹ nhìn trước ngó sau rồi
đến bên nồi véo một cục cháy to hơn nắm tay vội vàng giấu vào sau áo và thản
nhiên đi ra…
Tôi còn quá nhỏ lại ngoan ngoãn nên ông bà chủ không bắt làm việc nặng
mà chỉ đi chăn trâu, cắt cỏ. Do công việc nhiều nên gần hết ba tháng nghỉ hè mà
họ vẫn chưa cho về thăm nhà. Bạn bè học cùng lớp với tôi giờ này chắc chúng nó
đang nô nức đi mua sắm quần áo, sách vở. Tuổi thơ ai mà chẳng ước mơ, khát
khao nhưng tôi biết phận mình. Đến một hôm tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ các em
quá, chờ ông bà chủ ngủ trưa tôi quyết định trốn về thăm nhà. Quãng đường chỉ
mười lăm cây số, tôi vừa đi vừa chạy. Băng qua suối, lách qua vườn mía, nương
sắn, chạy cả lên đồi để tìm con đường ngắn nhất. Lúc bắt đầu đặt chân đến sân mẹ
tôi ngỡ ngàng lao ra ôm con vào lòng. Hình như mẹ đang khóc nhưng cố cho
nước mắt chảy vào trong. Tôi nhận ra điều đó vì thấy bờ vai mẹ rung lên từng hồi
rất khẽ. Mẹ hỏi: “Ông bà chủ cho về à?”. Tôi thẽ thọt: “Không. Con trốn”. Mẹ
bảo: “ấy chết! Đừng làm thế, sắp đến thời gian con đi học rồi, người ta biết không
trả tiền công thì khổ”. Tôi chưa kịp nói thêm câu nào thì mẹ đã hỏi: “Con ở đấy
được ăn no không?”. Tôi gật đầu.
Thời gian mẹ con gặp nhau vẻn vẹn nóm phút. Bịn rịn, nhớ thương cũng
phải nhường chỗ cho sự chia tay. Lúc tôi chạy đi mẹ gọi giật lại: “Quay lại đây
mẹ cho cái này”. Tôi chìa bàn tay bé xíu đón lấy một miếng cháy cơm mẹ đã phơi
khô: “Cái này ngon lắm đấy khi nào đói thì nhấm nháp con ạ”. Tôi cố ghìm những
giọt nước đang chực ậc ra dưới hàng mi cong. Không biết đó có phải là miếng
cháy cơm mà mẹ đã lấy từ nhà ông chủ hôm đưa tôi đến đó không? Hay đây là
miếng cháy còn sót lại sau khi phần cơm mẹ đã nhường lại cho các em tôi ở nhà?
Đời một con người có những điều bình dị mà trở nên vĩ đại.
Hoàng Nghiệp
Hòm thư: 3NB- 20 Phú Thọ
8

6. Bài dự thi Viết về Mẹ: Mẹ tôi tập xe
Mẹ tôi không biết đi xe đạp. Đó là sự thật mà có những lúc vô tình tôi đã
tiết lộ “bí mật” đó cho bạn bè biết. Khi nghe được mẹ tôi lại mắng yêu tôi
“Cái thằng quỷ sứ, bộ muốn mẹ úp mặt mo hả”. Tôi cảm nhận được trong lời
nói của mẹ có chút gì đó hờn dỗi, e ngại.
Mẹ biện minh cho lý do không biết đi xe đạp của mẹ là ngày xưa nghèo
không có tiền mua xe đạp với lại chẳng đi đâu xa. Ba tôi cười, khích bác: “Mẹ
chúng nó đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, tôi đây cũng nghèo sao lại biết đi xe đạp…”.
Lúc đó anh chị em tôi lại cười vang khi nghe màn đối đáp của hai vị phụ huynh.
Tôi thấy thương mẹ rất nhiều, mỗi khi chạy chợ về hai chân mẹ phồng rộp vì
phải đi bộ một quãng đường khá xa. Đường sá đâu có bằng phẳng, nó lại lô nhô
đầy sỏi đá. Mẹ tôi làm đủ nghề, từ chạy hàng xáo, hàng xén, đến thu mua phế
liệu… Đôi chân mẹ in dấu trên biết bao con đường, đôi vai mẹ gánh gồng biết bao
hàng hóa, bàn tay mẹ quán xuyến biết bao công việc… Tôi ước giá như mẹ biết đi
xe đạp.
Hôm bữa, tôi được nghỉ học rảnh rỗi ở nhà đánh bạo tiến tới vòng tay qua eo
Người mà thủ thỉ “Mẹ tập đi xe đạp nhé!”. Mẹ lại cười, nụ cười như mắc cỡ rồi lại
mắng yêu tôi “Cái thằng quỷ này, bộ muốn mẹ làm trò cười cho thiên hạ hả…”.
Tôi nói hết cho Người những tiện ích mà xe đạp mang lại. Biết đi xe mẹ sẽ đỡ vất
vả đi bao nhiêu. Tôi lên kế hoạch cùng đồng minh là bố tác động vào tư tưởng
cho mẹ để mẹ đồng ý tập xe đạp.
Và rồi mẹ cũng đồng ý tập. Chiều chiều, sau khi đã vãn công việc đồng áng
tôi lại cùng mẹ dắt con Viha Thống Nhất của tôi ra sân bóng của làng để tập. Có
những lúc tôi phải bụm miệng lại để không cười trước bộ dạng leo lên xe của mẹ.
Khuôn mặt của Người pha chút lo lắng, bỡ ngỡ khi đặt chân lên pê đan. Đôi tay
của Người quen cấy cày giờ cầm ghi đông run rẩy từng đợt. Tôi đi theo sau mẹ
động viên “Mẹ cố lên!”. Chốc chốc mẹ lại dừng lại cười và mắng yêu “ Cha bố
anh!”. Hai mẹ con cứ mải miết theo những vòng xe chầm chậm cùng những tiếng
cười cho đến khi trời tối mịt mới về.
Sau một tuần chăm chỉ mẹ tôi đã biết đi xe đạp. Người reo lên sung sướng

như thể vừa tìm lại được vật quý bị thất lạc. Hai mẹ con cười vang cả một góc sân
bóng của làng. Tôi ngỏ ý đề nghị mẹ chở tôi lòng vòng một quãng đường. Và thật
kỳ diệu! Đôi chân mẹ không còn bỡ ngỡ như mới ban đầu đặt lên pê đan. Mẹ tự
tin nhấn mạnh và từng vòng xe chạy ro ro… Lòng tôi rộn ràng một cảm xúc khó
tả. Tôi yêu mẹ hơn bao giờ hết! Mẹ không chỉ là người cho tôi hình hài, nuôi tôi
khôn lớn, dạy tôi bao đức tính quý báu để hoàn thiện bản thân mà mẹ còn cho tôi
thấy một sự nỗ lực hết mình kiên trì, chịu khó và không ngại gian khổ để làm điều
mà tưởng chừng như không bao giờ làm được.
9
Gánh hàng của mẹ giờ không còn trĩu nặng trên vai nữa. Đôi chân mẹ bớt đi
những nốt rộp phồng mỗi khi chạy chợ xa nhà… Chiều nay, khi lang thang ra
phía ngoại ô, ngước mắt nhìn thấy các bà, các mẹ quảy đôi quang gánh đi trong
gió chiều mắt tôi lại cay xè khi nghĩ về mẹ. Người bây giờ vẫn đang còn vật lộn
với bao công việc để chắt chiu từng đồng tiền nuôi tôi ăn học. Đôi chân của
Người giờ đã bớt vất vả hơn nhưng vẫn đang còn nặng nhọc với những vòng xe
cuộc đời. Ôi, mẹ của con!
Cao Văn Quyền
Địa chỉ: Phòng 6, số nhà 30 , Ngõ 81, Đường Trung Kính,
Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
7. Bài dự thi viết về mẹ: Áo mới và tóc mẹ
Mỗi năm chỉ có một mùa đẹp nhất, hiền nhất, ấm cúng nhất – mùa xuân.
Những ai đi xa, những ai ở gần, những ai còn mải rong ruổi phía chân trời nào,
đừng quên về quây quần bên bếp lửa gia đình trong phút giao thừa rưng rưng
hạnh phúc. Mùa xuân – mùa của hoa đẹp, mùa của mừng tuổi, nhận bao lì xì và
còn là mùa để trẻ con mặc áo mới chạy đi khoe khắp chúng bạn.
Tôi nghe người ta thường nói “Ăn Bắc, mặc Nam” – có phải thế chăng mà
mỗi bận tết về, nhiều khi chưa mua sắm gì trong nhà nhưng mẹ luôn nghĩ đến
quần áo mới cho các con. Áo mới ngày tết là hình ảnh rõ nét nhất trong ký ức của
tôi. Có thể là sau hôm nay, ngày mai, ngày kia, mười hay hai mươi năm nữa hoặc
có thể là lâu hơn như thế, hình ảnh ấy vẫn mãi tươi mới và thơm mùi kỷ niệm về

người mẹ thân thương trong lòng tôi.
Những làng quê nhỏ ở vùng Thăng Bình – Quảng Nam vào những năm
1994- 1995 chẳng lấy gì làm khá giả, sang trọng. Dân xóm chài chúng tôi lo được
bữa sáng, bữa trưa thì mất bữa tối, lo mỗi chuyện ăn đã khó nói gì đến việc sắm
sửa những tiện nghi bình thường cho cuộc sống. Cái bàn, cái ghế cũng đóng bằng
tre, nẹp bằng tre, chén bát thì bằng sành cũ mèm cũ rích, sứt mẻ quanh miệng nên
quần áo mới với bọn trẻ con là một ước mơ, một phép thần tiên hay hay, lạ lạ.
Thế mà có một lần, phép thần tiên ấy cũng đã tìm đến với bốn chị em tôi. Tôi
nhớ đó là một ngày tháng chạp giáp tết, mẹ đi chợ về muộn hơn mọi ngày. Mẹ
mua cho chị em tôi rất nhiều kẹo ú (món kẹo tuổi thơ tuyệt vời nhất của trẻ con
làng tôi lúc bấy giờ) và có một món quà vô cùng đặc biệt, vô cùng thích thú đó là
một cuộn vải in hình những con gấu nhỏ nhỏ xinh xinh, mẹ bảo chiều mẹ dắt bốn
chị em đi may áo mới.
Chị em tôi vui quá, chẳng để ý đến mái tóc ngắn của mẹ. Bữa cơm hôm ấy,
cha hỏi mẹ sao lại cắt tóc. Mẹ nói cắt như thế cho đẹp và tiện buộc gọn, chứ để
dài thì vướng víu quá.
10
Mẹ cắt tóc ngắn. Cha giận mẹ mấy ngày. Còn chị em tôi thì vui hết biết vì
được đi may áo mới đón tết.
Mãi đến sau này tôi mới biết, cha giận mẹ vì mẹ cắt tóc đi bán. Chắc là cũng
vừa đủ tiền để mua vải may áo cho chị em tôi. Tôi còn nhớ lần đó Út hỏi: Mẹ ơi,
có được may quần không mẹ. Mẹ bảo cứ mặc tạm quần cũ, bao giờ có vải đẹp thì
mẹ lại mua về may cho các con chứ hôm nay chợ hết vải đẹp rồi.
Sau này khi tôi lớn lên, mỗi khi nhớ về chiếc áo mới và mái tóc mẹ, nước
mắt lại rưng rưng. Tóc mẹ dài phủ hết lưng và đẹp. Tuy mẹ là phận đàn bà làng
biển, mái tóc dài chẳng bao giờ được thẳng trên vai. Sáng ra đã búi vội búi vàng
cho kịp buổi chợ sớm. Thế mà suối tóc mẹ lúc nào cũng thẳng và mềm mượt vì
mẹ hay gội đầu bằng nước bồ kết nấu với mè đen. Gần nửa đời tóc búi, đến khi
cắt ngắn lên, mẹ mới có thói quen buộc tóc.
Lại nói về chiếc áo mới.

Hơn một năm sau, chị em tôi lớn nhanh quá, không còn mặc vừa áo mẹ may
nữa, mẹ giặt sạch và bỏ vào vỏ gối để gối đầu. Từ bấy đến giờ đã là mười tám
năm, chiếc gối vẫn giữ vẹn nguyên những kỷ niệm về tấm áo mẹ may năm nào.
Tiếc rằng, gia đình tôi giờ đây không còn vẹn nguyên như trước mà đã khuyết
thiếu một người.
Tôi nhớ cái tết Út mặc áo mới mẹ may rồi hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sau này mẹ có già đi không?
Mẹ bảo:
- Có.
Út khóc.
- Hu hu hu…Sao mẹ phải già, con không muốn mẹ già đâu.
- Mẹ phải già để các con lớn lên chứ.
- Ừ nhỉ! Thế, mẹ cứ già nhưng mẹ đừng chết nhé!
Ngày chúng tôi chưa kịp nhìn thấy tuổi già trên gương mặt mẹ, mẹ đã ra đi
về một nơi rất xa, một nơi mà chẳng bao giờ chúng tôi được đặt chân đến đó để
tìm gặp mẹ. Mãi mãi và mãi mãi.
Tết này trở về nhà, tôi sẽ vùi đầu lên chiếc gối đựng tấm áo xưa cũ để hít hà
cho thỏa thích cái mùi tuổi thơ thiếu thốn, nhọc nhằn. Mẹ giờ không còn nữa, cái
tết đầu tiên vắng mẹ, chắc là sẽ rất buồn. Tôi sẽ về hôn thật lâu lên tấm áo ấy như
hôn lên kỷ niệm ngọt ngào, hôn lên mái tóc của mẹ yêu thương.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Cúc
Lớp K 11. ST & Lý luận – Phê Bình Văn học.
ĐH Văn Hóa Hà Nội, 418 La Thành. Đống Đa.
Email:
11
8. Bài dự thi viết về mẹ: Nỗi đau còn lại
Giá như mẹ không phải là mẹ của tôi, những làn roi sau lưng là minh chứng
cho sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của mẹ. Tôi thầm ao ước giống cái Hoa, nhỏ Lan
không cha không mẹ thế mà sướng, được sự quan tâm của xã hội, còn tôi có mẹ, tôi
được cái gì?.

Mẹ tôi mắt tròn lòng mắt trắng dã, răng hở, môi vẩu lên, dái tai nhỏ xíu,
tiếng nói như phèn la bể, cái mông lép dẹp, được tướng lông mày rậm, thân hình
khẳng khiu.
Hồi nhỏ đến lớn, không ngày nào là tôi không hứng chịu những đòn roi của
mẹ, ngày nào không đánh là mẹ tôi quay sang chửi, nhất là vào những lúc tôi đau
ốm nằm bẹp dí một chỗ là những ngày mẹ tôi càng chửi nhiều hơn, mặt mẹ hoảng
loạn một cách khó hiểu, tôi khóc chạy sang nhà dì Hạnh bên cạnh, dì Hạnh ôm tôi
vào lòng, vuốt nước mắt an ủi tôi nói: “Con hãy thông cảm cho mẹ, mẹ con có nỗi
khổ riêng”.
Ngày lễ tết, sinh nhật tôi vẫn chỉ mỗi bộ áo cũ, thiếu gì tôi chỉ xin dì Hạnh
mua cho cái này, cái kia chứ không dám xin mẹ. Học xong tôi không dám về nhà
sớm, tôi sợ những làn roi vô tình giăng bẫy khắp người tôi.
Gắng gượng lắm tôi học xong Trung cấp sư phạm, ra trường tôi làm đơn xin
dạy ở vùng ven, trường cách nhà khoảng ba mươi cây số, thế mà một năm tôi mới
về nhà một lần, khoảng cách giữa tôi và mẹ ngày càng xa, lên lớp nhiều lần tôi
lảng tránh dạy học sinh về đạo đức hiếu thuận, những bài văn bài thơ ca ngợi
người mẹ trên các tạp bút luôn bị tôi gạch chéo dấu đỏ kèm phần phụ chú là “giả
dối , đạo đức giả, không có thật” nói một cách tiêu cực là tôi hận mẹ, tôi căm thù
bà, tôi hờ hững gác ống nghe khi dì Hạnh điện lên báo cho tôi biết mẹ ốm nặng, dì
dặn tôi nhớ sắp xếp xin phép về nhà gấp, tôi ậm ừ, thủng thẳng chẳng nhói lòng
dù chỉ một giây.
Tuần sau ngày dì Hạnh gọi, tôi mới về đến nhà, mới bước vào giường, nhìn thấy
tôi hai hàng nước mắt mẹ chảy ra, mẹ nở nụ cười rồi từ từ trút hơi thở cuối cùng,
khuôn mặt mẹ thanh thản, tôi ngẩn ngơ, lần đầu tiên chứng kiến nụ cười của mẹ
và cũng lần đầu tiên khuôn mặt mẹ nhìn tôi hiền đến lạ lùng.
Chôn cất mẹ xong dì Hạnh đưa tôi cái bọc, dì kể với tôi trong nước mắt cùng
những tiếng nấc nghẹn ngào .
Mẹ con là người đàn bà bất hạnh, lấy chồng nhưng ba năm sau mới mang thai,
đứa đầu mới sinh ra chưa thấy mặt con thì con đã mất, sinh đứa thứ hai mới được
hai tuổi một hôm lên cơn động kinh rồi cũng ra đi, mẹ con khóc lóc vật vã đau

đớn, mang thai đứa thứ ba, mẹ con rất ý tứ giữ gìn, nuôi lên năm tuổi không biết
bệnh gì khi nằm ngủ nó ngủ thẳng luôn. Chán nản đau khổ bố con liền bỏ mẹ con
đi biệt tích, còn mẹ con người như hóa dại, không chịu ăn uống và chẳng thiết
sống nữa , nhưng khi biết trong mình mang thai con, mẹ con như có liều thuốc hồi
sinh, sinh con ra mẹ con không dám rời con một bước, cứ vài tháng mẹ con đem
con đến bệnh viện khám và kiểm tra sức khỏe, khi con tròn hai tuổi, một hôm có
một bà lão bán hương dạo đi qua nhìn mẹ con rồi nói: “Tướng của chị làm khổ
12
chồng, hại con, nếu muốn nuôi được đứa bé này thì chị phải đối xử với nó thật
độc ác, thật lạnh lùng và cũng thật tàn nhẫn, còn không thì…” bà ta nói đến đó rồi
bỏ đi, mấy ngày sau con lên cơn sốt, mẹ con như người điên, tâm trí hoảng loạn,
mẹ con khóc quỳ lạy dì phải thương yêu con, còn mẹ con, bắt đầu từ đó đóng vai
người mẹ tàn nhẫn và độc ác, mỗi lần mẹ đánh con xong khi con đi học là mẹ con
ngồi khóc, mẹ con đưa tiền cho dì nhờ dì may sắm áo quần cho con, những lúc
con ốm đau mẹ con càng ra sức chửi mắng cốt để cho con mau lành bệnh như lời
bà lão bán hương nói, có lần mẹ con khóc nói với dì là mẹ không chịu nổi cảnh
hằng ngày phải hành hạ con, mỗi lần đánh con là hàng ngàn mũi kim đâm vào tim
mẹ, giở bọc dì Hạnh trao, nhìn những tấm hình mẹ trẻ trung ôm sát tôi vào lòng
cùng bọc tiền cả cuộc đời chắt chiu dành dụm để lại cho tôi, sức tàn lực kiệt
nhưng mẹ cố chờ đến lúc tôi về gặp được mặt rồi mới chịu ra đi… Không…
không phải thế, đây không phải là sự thật phải không dì, tôi hét lên túm lấy áo dì
Hạnh, người tôi khụy xuống, tôi ôm di ảnh Mẹ vào lòng, đầu tôi đau như búa bổ,
tôi khóc nấc, mẹ ơi sao mẹ lại đi mê tín dị đoan nghe những lời xúi bậy để làm
khổ mình thế hả mẹ, sao mẹ lại hy sinh một cách đau đớn thế hả mẹ, mẹ ơi mẹ
mất rồi, mẹ ra đi một cách thanh thản, nhưng còn con ở lại biết bao giờ mới gột
bỏ được hết cái tội bất hiếu của mình đây, con không đáng để cho mẹ phải hy sinh
lớn lao như thế, mẹ ơi có nỗi đau nào hơn nỗi đau mẹ đã chịu không ?
LÊ THỊ THU HẢO
TRƯỜNG THCS QUẢNG THÁI – HUYỆN QUẢNG ĐIỀN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

13
9. Viết cho mẹ
Con đã viết rất nhiều, viết rất rất nhiều, nhưng chưa một lần viết về mẹ, dù
mẹ là người ở bên con nhiều nhất, lâu nhất và là người thật sự yêu thương con.
Hôm nay con bỗng thấy rằng
Ánh mắt mẹ đem bình an đến cho con. Những lúc vô tình con nhìn thấy mẹ
đang lặng lẽ ngắm ba bố con, con bỗng cảm thấy được ở nhà thật an toàn và ấm
áp. Những khi con đi đâu về hoặc bắt đầu đi, mẹ luôn ra đến tận cửa nhìn con.
Những nẻo đường con đi qua luôn cõng trên lưng một đôi mắt, như một mảnh bùa
bình an.
Đôi tay mẹ trói tâm hồn con. Những món ăn, những góc nhà, những công
việc thường nhật linh tinh gắn vào từng rãnh nhỏ trong khối óc của con. Con
phát hiện ra mình có một thói quen so sánh rất hay là 'Xời ơi mẹ tao nấu món này
ngon hơn nhiều', 'Tao chỉ thích ăn món abc của mẹ tao thôi, tao ghiền món đó'
hoặc là 'kệ tao mẹ tao dạy tao làm zậy đó, cho nó sạch nó gọn' hoặc 'ở nhà mẹ con
cũng hay làm zậy cho chị em con lắm', 'mẹ con làm khác hơn, mẹ con ' Con phát
hiện rằng bất kì người phụ nữ nào con gặp con đều liên tưởng đến mẹ, bất kì sống
ở nơi đâu thì nếp sống ở đó đều làm con nhớ mẹ.
Bước chân mẹ khiến con an tâm. Đôi bàn chân mẹ bằng không có vết lõm,
khi bước đi trên sàn gạch bông luôn phát ra những tiếng 'chách chách', hôm nào
cả buổi không nghe được âm thanh đó là thể nào con cũng phải đi ra hỏi bố một
tiếng 'mẹ đi đâu mất rồi', hoặc là ở nhà ngoại chỉ cần nghe âm thanh đó vang lên
con biết ngay là mẹ. Âm thanh thuộc bản quyền của mẹ, rất bình thường nhưng
khiến 3 bố con an tâm. Đôi khi lúc 11h trưa và 5h chiều thỉnh thoảng con rất nhớ
âm thanh đó, vì giờ đó mẹ đi khắp nhà để dọn dẹp. Con nằm và nghe.
Tiếng nói mẹ đem sự trưởng thành đến cho con. Những lần mẹ dạy, những
lần roi vụt lên kèm theo một câu 'từ nay chừa nghe', những trận tranh cãi nảy lửa
kèm theo những cái tôi, sự bức tức kéo dài, cả những lần mẹ kể hoài hoặc nói hoài
một chuyện nào đó từ sáng đến chiều (thỉnh thoảng vài tháng sau còn đem ra nói
lại) Tất cả như mưa dầm thấm đất, con chẳng bao giờ hiểu được tại sao mẹ lại

nói nhiều như vậy cho đến khi con gặp phải những rắc rối từ bên ngoài. Mẹ không
dạy con cách xử lý tất cả các tình huống, nhưng mẹ dạy được con chọn cách mà
tất cả mọi người ít phải tổn thương lẫn nhau.
Nước mắt mẹ làm mềm tim con, nơi mà con nghĩ mẹ chẳng bao giờ hiểu nổi.
Ừ thì mẹ chẳng bao giờ hiểu được tại sao con lại làm thế này, tại sao con lại làm
thế kia. Bao nổ lực của mẹ cố gắng để thay đổi con đều vô ích, nhưng nước mắt
mẹ làm con đau lòng, đau hơn tất cả trăm ngàn roi vọt và khiến con phải tự điều
chỉnh hành vi lối sống của mình.
Và mẹ, chỉ một từ giản đơn, người phụ nữ bình thường với những việc làm
cũng rất bình thường, khiến con phải rơi nước mắt giữa biết bao người khi ngồi
viết những dòng này trong một quán cafe. Khiến con thấy rằng con vừa hạnh phúc
lại vừa thật tầm thường so với tình yêu của mẹ.
14
Từ lâu lắm con đã quên những cái hôn, những cái ôm ấm áp, những lời nói
yêu thương của mẹ và con. Con nghĩ những điều đó dường như không cần thiết
(hay là con không đủ can đảm để làm?), vì khi con nhớ mẹ con chẳng hề nhớ đến
những lần mẹ nói thương con, con chẳng nhớ đến những lần mẹ mua sắm cho con
những vật dụng đắt tiền. Khi con nhớ mẹ, con nhớ trước nhất là dáng người mẹ,
những việc lặt vặt mẹ hay làm, rồi đến những lần mẹ vụt roi lên, nhớ những lần bị
tổng sỉ vả. Nhưng con chẳng nhớ đến vì thù dai, mà là con bỗng thấy con thương
mẹ ở những lúc đó hơn hết (vì sao thì con cũng chẳng biết).
Con không viết những dòng này vào ngày lễ Vu Lan, ngày 8-3 hay ngày gì
gì khác. Con chỉ viết những dòng này vào ngày hôm nay, một ngày bình thường
con cảm thấy thật sự nhớ mẹ, nghĩ về tình yêu của mẹ. Viết bằng tình cảm thật sự
trong con.
Lần đầu tiên con viết về mẹ, con tốn quá chừng là nước mắt (và mất luôn
phong độ của một cá nhân giữa đám đông nữa). Điều tất nhiên là con sẽ giấu
nhẹm cái bài viết này như bao đứa con khác, mãi mãi mẹ chẳng bao giờ xem
được. Vì mẹ yêu con rất thầm lặng, nên con cũng sẽ lặng lẽ yêu mẹ. Và mẹ, và
con, sẽ luôn tự hỏi tại sao chẳng bao giờ hiểu được nhau.

Tại sao bày tỏ tình yêu với người xa lạ rất dễ dàng, nhưng lại quá khó khăn
khi nói rằng con yêu mẹ?
10. Bài dự thi “Viết về Mẹ”: Viết cho mẹ yêu thương
“Ở phương trời xa con viết vài hàng chữ
Gửi chút lòng người con nhỏ xa quê
Mượn cây viết thêm đôi tờ giấy trắng
Trải niềm riêng thương nhớ mẹ quê nhà… ”
(Thơ: Trần Nhất Linh)
Màn đêm dần buông, không gian tĩnh mịch, từng góc phố, từng con đường
đã chìm sâu trong giấc ngủ, ngoài kia những làn gió nhẹ của Sài Thành vẫn vi vu
cất lên những bản nhạc sầu thê thảm, vô tình đã gieo cho con một nỗi buồn – nỗi
buồn của người con xa xứ. Bất chợt tâm trí con lại tìm về bên mái ấm gia đình,
bên vòng tay ấm áp của mẹ và muốn viết đôi dòng gửi mẹ, mặc dù con biết mẹ
chẳng bao giờ đọc được tâm sự này của con.
“Nói về tình thương ngọt ngào của mẹ bút mực nào tả cho hết, lời lẽ nào viết
cho xong”, thế nên cổ nhân ta đã cụ thể hóa thứ tình trừu tượng ấy một cách đơn
giản qua văn chương bình dân, bằng những câu như:
“ Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau”
15
Cảm theo cái ý ấy, con ở phương trời xa hướng vọng về quê nhà, để lòng trào
dâng những xúc cảm của một người con xa xứ lâu ngày không được nhìn thấy
bóng dáng mẹ hiền.
Mẹ yêu của con, năm nay mẹ đã gần sáu mươi rồi, mẹ đã đi qua nửa đời
người rồi phải không mẹ? Suốt đời mẹ đã một nắng hai sương, sáng tối trên đồng
ruộng nuôi nấng đàn con nhỏ được nên người. Gương mặt mẹ đã hằn những nếp
nhăn vì thời gian cùng bao nỗi vất vả của cuộc sống đời thường, đôi vai bé nhỏ
của mẹ là đôi vai vững chắc che chở cho chúng con. Mẹ của con lúc nào cũng tất
bật với công việc, luôn luôn tỏ ra mình là người khỏe mạnh. Cả đời mẹ không lúc
nào nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, tất cả hạnh phúc đời mẹ đều dành cho

chúng con và cho gia đình bé nhỏ này, chỉ mong sao cho chúng con nên người và
cho gia đình hạnh phúc.
Mẹ không thể no khi con còn đói, mẹ không thể ngủ khi con còn thức, mẹ
không thể an lòng khi con dấn bước vào cuộc đời đầy bất trắc, cho nên giữa cuộc
sống phồn hoa xô đẩy có đôi lúc chạnh nhớ về mái tranh xưa, lòng nghĩ đến bóng
mẹ gầy, nuôi nấng đàn con thơ… Mẹ! Anh em chúng con giờ đã khôn lớn, đã đi
xa vòng tay của mẹ, nhưng chúng con vẫn là con của mẹ, các anh chị của con đã
lập gia đình và con cũng đang trong cuộc hành trình tìm kiếm tương lai cho riêng
mình, đang tìm cho mình một con đường đi. Ngày con cầm giấy báo nhập học
trên tay, mẹ vui mừng khôn xiết và mẹ đã khóc, hai mẹ con ngồi nhìn nhau, mẹ
khóc vì niềm vui mừng, và cũng từ đó đôi vai gầy của mẹ lại thêm một gánh
nặng nữa… Con thật là một đứa vô dụng, lại làm mẹ thêm khổ nhọc… Không chỉ
dừng lại ở đó mẹ ơi, hai năm sau em gái của con cũng khăn gói theo anh trai vào
Sài thành nhập học, thế là bố và mẹ lại càng thêm buồn hơn, và khó khăn chồng
lên khó khăn… Mỗi đứa con là một khúc ruột của mẹ, mẹ thương chúng con, mẹ
hy sinh cho chúng con, con nhớ có những lúc mẹ quên mình và luôn lo cho chúng
con…. Nói về nỗi hy sinh của mẹ dành cho con thì không bút mực nào tả cho hết,
có những lúc cơn đau tim lại hành hạ mẹ, kể từ khi con vào đại học bệnh tim của
mẹ ngày càng trở nặng, phải chăng mẹ sắp phải xa con? Có đôi lúc con nghĩ rằng
nếu mai đây mẹ không còn thì con phải làm sao giữa cuộc đời, có những đêm con
nằm mơ gặp ác mộng, mẹ và con phải xa cách mãi mãi, giấc mơ quái ác làm mẹ
con xa lìa nhau, nhưng khi con tỉnh dậy con biết rằng mẹ vẫn đang còn ở bên con,
con và mẹ vẫn đang vui vẻ.
Kể từ ngày ngoại đi xa là từ đó con không được nghe ngoại kể về việc mẹ
sinh con ra nữa, nhưng con vẫn cảm nhận được rằng mẹ đã hy sinh cho con quá
nhiều. Ngoại kể rằng, thời đó ba phải đi làm xa không về kịp, mẹ phải vượt cạn
một mình, không thuốc thang, không trạm xá, không bà đỡ…. cái gì cũng không.
Sinh ra con lại không hề khóc, phải một lúc sau con mới cất tiếng khóc chào
đời… Giờ đây con lớn rồi, đôi lúc con nghĩ lại câu chuyện của ngoại kể mà
nghiệm được một điều rằng, mẹ có biết tại sao khi đó con không khóc không? Khi

đó con đang cảm nghiệm sự hy sinh của mẹ dành cho con, con đang nhìn mẹ của
16
con, nhìn một vị cứu tinh vĩ đại của đời mình, sau đó con mới khóc, con khóc cho
sự gian khổ của mẹ.
Giờ đây con lớn rồi, nhưng càng ngày con càng cảm thấy xa mẹ nhiều hơn,
con ít dành thời gian cho mẹ hơn và ít có thời gian nghĩ về mẹ hơn, con có lỗi với
mẹ và con nhận thấy giữa con và mẹ đang dần có sự xa cách vô hình nào đó. Khi
còn bé, con vui chơi cùng với chúng bạn, luôn có mẹ là người san sẻ những niềm
vui nỗi buồn, nhưng giờ đây con thấy tình cảm đó ngày càng xa cách mẹ à. Con
mong thời gian dừng lại để quay về với kí ức trẻ thơ được mẹ yêu thương đùm
bọc, được nghe những lời nói êm dịu như cô tiên của mẹ, được nghe những lời ru
của mẹ, được ngủ trong vòng tay của mẹ. Nhưng mẹ à, con đang còn phải tìm cho
mình một tương lai, con đành phải xa mẹ. Mẹ đọc được suy nghĩ của con, ngày
con gói hành lý xa quê, mẹ đã khóc, và con cũng khóc, tuy là con trai nhưng con
hay khóc mẹ à. Những lúc nghĩ về mẹ con lại càng nhớ mẹ và con đã khóc, con
biết rằng khóc như vậy chẳng làm được gì cho mẹ, nhưng con nghĩ rằng con khóc
một phần để bớt nhớ mẹ, và con khóc cho mẹ, bởi vì con biết rằng dường như cái
nghèo, cái khổ, những nỗi bất hạnh, những nổi đau mà mẹ phải gánh chịu đã làm
khô đi dòng nước mắt của mẹ.
Mẹ! Đôi chân ngày xưa bôn ba khắp ruộng đồng bây giờ lại bị thêm tai nạn
làm mẹ đi đứng cảm thấy khó khăn, tuy là vậy nhưng mẹ không hề nghỉ ngơi, mẹ
luôn làm việc vì chúng con, con luôn nghĩ rằng mình chưa làm gì được cho mẹ.
Con đang còn nợ mẹ rất nhiều, nợ mẹ lời cám ơn, nợ mẹ tình yêu thương…
Mẹ à! Giờ ở phương trời xa học tập con mới nghiệm được một điều rằng:
nhân loại có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu bản tình ca về mẹ, nhưng nhiều
nhất có lẽ là những “ bản tình ca không lời”. Bởi vì không ngôn từ nào nói cho hết
lòng mẹ, mẹ là tất cả, mẹ đã biến con từ không thành có, từ có thành lớn khôn, từ
những cơn đau xé ruột đến những nước mắt mồ hôi mẹ đều cho con hết, đường
con đi đất trời con nhìn thấy, sông biển con vượt qua đều là của mẹ, một miếng
con ăn, một hơi con thở, hạnh phúc con thừa hưởng, khổ đau con chịu đựng

không có mẹ làm sao con được biết, máu chảy trong người con có phải cũng do
mẹ sẻ chia? Không, không có gì lớn hơn mẹ nữa đâu.
Mẹ à, con biết rằng những lời tâm sự này của con không được mượt mà êm
dịu, nhưng đó là tất cả những gì chân thành nhất của con, viết về mẹ của con thì
dẫu cho con viết cả đời cũng không hết được….
Ở phương trời xa con nguyện cầu mẹ sống bình an, mẹ đừng lo cho anh em
chúng con nhiều mẹ nhé, chúng con hứa với mẹ chúng con sẻ cố gắng học tốt để
bù đắp những tình cảm, sự hy sinh mà mẹ dành cho chúng con, chúng con cám ơn
mẹ, chúng con cố gắng làm cho sợi dây tình cảm của mẹ con chúng ta ngày càng
siết chặt hơn mẹ nhỉ. Con mong một ngày gần đây nhất được về quê gặp mẹ, bởi
vì đối svới con một năm xa mẹ như thế là quá nhiều rồi, một năm mà tưởng như
cả thế kỷ mẹ nhỉ, mẹ tha thứ cho con nhé ! con yêu mẹ… MẸ YÊU.
17
Con trai của mẹ !
11. Bài dự thi “Viết về Mẹ”: Gửi mẹ
“Tôi muốn dệt những vần thơ về mẹ
Ðể đọc lên cho nước mắt trào rơi
Vì có gì đẹp đẽ nhất trên đời
Thiêng liêng nhất phải chăng là tình mẹ”…
(Bài thơ cho mẹ - Gió xuân)
Vâng! Con muốn viết thật nhiều, nhiều lắm những vần thơ như thế dành tặng
mẹ, mẹ à! Nhưng sao cái tình yêu thầm lặng ấy trong con lại khó viết thành lời
đến vậy? Nếu có làn gió nào thổi về nơi ấy, xin hãy dừng lại một chút thôi, để
cho con có thể gửi tấm lòng mình theo làn gió bay đi, đến bên và xoa dịu những
giọt mồ hôi đang lăn dài trên má mẹ…và nếu có cánh chim nào vô tình bay qua
đây, xin hãy cho con gửi bức thư này - những dòng chữ nói thay lòng con đến với
mẹ - người con yêu nhất trên đời!
“Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con chào đời,
Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần?
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần,

Tiếng con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhòa, cám ơn vì con đến bên Mẹ
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!”…
(Nhật kí của mẹ - Nguyễn Văn Chung)
Lời ca khúc đó thật hay và cũng thật cảm động, ý nghĩa nữa phải không mẹ?
Ở nhà, đã khi nào mẹ nghe bài hát này chưa ạ? Chắc là chưa rồi vì nhà mình
bận lắm, những công việc cứ nối tiếp nhau chất lên đôi vai gầy của mẹ cả ngày
lẫn đêm, mỗi hôm mẹ chỉ dành được cho mình từ 1h-4h sáng để nghỉ ngơi nên
đâu còn thời gian để mở nhạc lên nghe…Dẫu biết điều đó nhưng con vẫn muốn
hỏi mẹ như vậy, bởi đó là ca khúc mà con đã nghe đi nghe lại nhiều lắm, nghe cả
trong vô thức nữa nhưng cứ mỗi lần những nốt nhạc đầu tiên ấy vang lên, nước
mắt con lại trào dâng mẹ ạ. Và giờ đây, khi đang viết những dòng chữ này gửi tới
mẹ, con cũng đang khóc. Dù đã 20 tuổi, là một cô sinh viên đại học năm thứ 2,
nhưng với mẹ, con vẫn còn bé lắm, vẫn là đứa bé hay khóc của mẹ như ngày nào!
Nhưng mẹ đừng lo lắng mẹ nhé! Sau 2 năm phải xa mẹ để lên mảnh đất xô bồ,
bon chen của thủ đô học tập, con đã trưởng thành hơn nhiều mẹ ạ, con đã biết suy
nghĩ nhiều hơn cho cuộc sống của mình, đủ trưởng thành một chút để tự lập, và
đủ lí trí hơn để đứng vững trước những khó khăn hay cám dỗ của cuộc sống.
Có lẽ với nhiều người, việc bày tỏ tình cảm với người mình yêu thương, kính
trọng cũng chỉ đơn giản nhưng với con, việc đó khó lắm mẹ ạ. Biết bao lần con
18
muốn chạy lại , ôm chầm lấy mẹ và hét lên rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm”, nhưng
sao tới lúc gặp mẹ rồi, môi con lại ngậm chặt và ngập ngừng không thốt lên thành
lời đến thế?
Cũng chính vì vậy mà con đã khóc nhiều lắm khi nghe ca khúc trên bởi xúc
động, và cũng bởi sự vô tâm của con nữa. Con vẫn biết tình yêu thương bao la mà
mẹ đã dành cho con, bởi nó lớn lắm, nó là cái nôi, là vòng tay ấm áp, là những cử
chỉ thân thương mẹ đã không tiếc dành cho con, là những đêm mẹ thức trong lo
lắng khi con ốm…những hình ảnh ấy cứ hiện lên trước mắt con trong từng giây,
từng phút, và con cũng biết những hi sinh, nhọc nhằn mà mẹ đã vì con nhưng
chưa một lần con nói được lời cảm ơn tới mẹ. Trong suốt 12 năm học, cũng biết

bao lần con viết những bài văn đầy cảm xúc chỉ để dành cho những nhân vật trong
truyện: những chị Dậu, anh Pha, lão Hạc hay cô Mỵ, còn chính người mẹ đã mang
nặng đẻ đau, đã sinh thành, nuôi dưỡng và chở che cho con thì con lại chưa từng
viết nên một bức thư gửi mẹ - dù con nhớ và yêu mẹ lắm! Con đã khóc vì chính
bản thân mình như vậy đấy mẹ ạ…Vẫn biết rằng, những hi sinh đó, những nỗi vất
vả đó của mẹ không phải để nhận được lời cảm ơn từ con mà tất cả chỉ xuất phát
từ tình yêu vô bờ, từ tình mẫu tử thiêng liêng mà mẹ đã dành cho con - một sự hi
sinh suốt đời, vô giá mà không cần báo đáp. Vâng, biết như vậy đấy nhưng sao
con vẫn muốn dành tặng mẹ những điều tốt đẹp nhất, vẫn muốn nói cảm ơn,và
muốn nói yêu mẹ nhiều, mẹ ạ!
Đã 7 năm trôi qua kể từ cái ngày mẹ bị tai nạn rồi mẹ nhỉ? Nhưng với con,
cái ngày định mệnh ấy vẫn ám ảnh mãi trong con. Từ đó tới giờ, con luôn tự trách
bản thân mình nhiều lắm…Nếu không phải vì con, không vì tính cứng đầu, khó
bảo của con, mẹ cũng không phải chịu nhiều đau đớn đến vậy, những mũi khâu
trên trán mà tới giờ vẫn còn lại những vết sẹo, để rồi mỗi khi gió lạnh về, mẹ lại
nhói buốt lên nửa đầu, và di chứng của lần đó cũng làm mẹ đau khớp nữa. Mỗi
lần phải chứng kiến mẹ chịu đựng những cơn đau hành hạ ấy, lòng con lại đau
lắm, buốt nhói lắm mẹ ạ. Những lúc đó, con không dám nhìn mẹ mà chỉ biết trốn
ra góc vườn khóc một mình. Đúng là con bất hiếu lắm phải không mẹ? Nếu có
điều ước thì con chỉ muốn mình có thể thay mẹ chịu đựng nỗi đau ấy…
Con vẫn nhớ lắm chứ…Cái ngày ấy, bố và em sang nhà bác ăn cỗ, chỉ có
con cứng đầu, có ai bảo gì cũng nhất quyết không chịu đi. Và rồi mẹ đã phải ở
nhà vì tối lắm, con sợ ma nên không dám ở một mình. Con đòi mẹ mua bánh mì
chứ không ăn cơm, thế rồi mẹ đã đi mua cho con. Vui sướng vì đòi được mẹ mua
bánh, đứa trẻ đó đã hí hửng bật tivi lên, vừa xem hoạt hình vừa ăn kẹo mà không
biết trong lúc đi mua bánh cho nó, mẹ nó đã bị tai nạn, bị xe của một người say
rượu lao vào và bất tỉnh. Nó cứ đợi, đợi mãi, “Mẹ đã đi được ba tiếng rồi, đã 10h
đêm vậy mà mẹ vẫn chưa về”…Nó đói lắm, nó khóc, nó ghét mẹ!
Và cuối cùng, nó cũng thấy tiếng xe máy, nó vui mừng lắm, tưởng mẹ mang
bánh về liền chạy một mạch ra ngoài mở cổng, thì ra không phải mẹ mà là chị họ

19
nó: “Thùy à, mẹ em bị tai nạn ngoài đường quốc lộ, các bác đưa mẹ đi viện rồi, à,
mẹ dặn em ăn tạm cái bánh này nha, mẹ đã mua cho em ở quán nhà chị nhưng
chưa kịp mang về”…Chị đã mang đến cho nó cái tin như sét đánh ngang tai vậy.
Nó cầm cái bánh mì chan đầy nước mắt, bủn rủn chân tay, nó khóc, rồi hét thật
to…Lúc đó, nó đã không tin vào những gì mình nghe thấy nữa, chỉ là mơ thôi, nó
tự nhắc mình như vậy, người bị tai nạn không phải mẹ nó đâu, chắc mẹ chỉ đang ở
nhà bác thôi. Thế rồi, như một người vô hồn, nó chạy lên nhà bác nhưng chị đã
chạy theo dỗ nó: “Mẹ không có ở nhà chị đâu, mẹ em vào viện rồi, nhưng đừng
buồn quá Thùy ạ, bác sĩ sẽ chữa và mẹ em sẽ không sao đâu”. Con biết mà, chị
chỉ nói vậy để an ủi con thôi, một lát sau, mấy bác đã đưa xe máy của mẹ về,
đúng là xe máy của mẹ rồi, nó đã bị tan tành… “Xe máy cứng vậy mà còn bị nát,
vậy mẹ em thì sao hả chị?” “Mẹ ơi mẹ phải về với con”. Con đã nức nở thét
lên như vậy cho đến khi cổ họng rát lại, không nói thành lời nữa.
Mẹ biết không? Lúc đó, con chỉ ước gì mình không đòi mẹ mua bánh, dù có
đói đến mấy, con cũng không cần gì hết cả, chỉ cần mẹ trở về với con thôi. Và
nếu ông trời trả lại mẹ cho con, con sẽ không bao giờ làm mẹ phải lo lắng, làm
mẹ buồn nữa, con sẽ ngoan ngoãn, sẽ học thật giỏi, sẽ nghe lời mẹ! Hai tháng mẹ
nằm viện là hai tháng con sống trong dằn vặt, ngày nào con cũng khóc rồi không
nói chuyện với bất kì ai cả. Ngay giờ phút nguy hiểm nhất, nghĩ rằng mình không
qua khỏi nhưng mẹ vẫn cố nói lên lời cuối trước khi bất tỉnh: “Bánh mì cho
Thùy chắc giờ nó đang đói lắm”, các bác kể khi đó giọng mẹ yếu và bé lắm.
Vâng, mẹ đã yêu con như vậy trong khi đó con thì sao chứ? Lúc đầu, bố bắt con
vào viện thăm mẹ, con đã không vào, không phải vì con không yêu mẹ mà phải
nhìn mẹ nằm bất động trên giường bệnh con không sống nổi nữa mẹ ạ. Chỉ vì con
mà mẹ mới bị như vậy, mẹ không trách con một lời mà mẹ còn khẽ mở mắt, cười
thật tươi nhìn con - cái nhìn đầu tiên của mẹ sau khi tỉnh dậy. Con biết mẹ vẫn
đau lắm, nhưng khi nhìn thấy con khóc, mẹ vẫn cố gọi tên con: “Thùy à, mẹ
không sao”. Mẹ biết không? Đó là chính là giây phút hạnh phúc nhất trên đời con
mẹ ạ. Lúc nghe bác sĩ bảo, có thể khi tỉnh lại, mẹ sẽ tạm thời không nhớ gì vì đầu

bị va đập mạnh nên tổn thương. Con đã khóc rất nhiều, con sợ lắm mẹ ạ, nếu như
mẹ không nhớ ra con thì con biết sống thế nào đây… Nhưng thật may, mẹ vẫn
nhớ con. Cảm ơn ông trời đã cho mẹ trở về với con. Vâng! Con đã cười, đã vui
sướng như chưa bao giờ được như vậy đó.
Từ đó tới nay, đã bao năm trôi qua, mẹ đã ra viện và khỏe lại nhưng có lẽ, có
một điều mẹ không biết đó là lí do con bỏ câu lạc bộ Toán - môn con yêu thích
nhất để chuyển sang Văn. Sau lần đó, con đã shock lắm mẹ ạ. Lúc nào con cũng
tự trách mình, con muốn học Văn để được sống trong những câu chuyện, để thoát
khỏi thực tế và quên đi những dằn vặt ấy, và để được học cách viết nên cảm xúc
của mình… để một ngày nào đó, con có thể viết nên những dòng thư tặng mẹ, nói
lên tình yêu và lòng biết ơn của con dành cho mẹ. Và giờ đây, khi viết những
20
dòng chữ này gửi mẹ, con đã là một cô sinh viện năm thứ hai của ngôi trường con
yêu thích, nhưng không phải chuyên ngành văn học mẹ nhỉ? Sau lời động viên
của mẹ, con đã đi theo Toán - theo sự lựa chọn yêu thích của con, cái ngành nghề
sẽ gắn bó với con suốt cả cuộc đời, con sẽ không trốn tránh và ẩn nấp cuộc đời
mình sau mặt nạ của lớp vỏ Văn học nữa mẹ à… Và bây giờ, con vẫn muốn viết
thật nhiều về tình mẫu tử thiêng liêng ấy nhưng con sẽ gấp lại dòng cảm xúc của
mình ở đây mẹ ạ, bởi tình cảm đó đâu có thể kể hết chỉ trong vài trang giấy. Cảm
ơn mẹ đã sinh ra con, để con có mặt trong cuộc đời này. Xin cho con mượn lời
thơ nói thay tấm lòng mình:
“Mẹ ơi, Mẹ đừng hỏi vì sao hôm nay con lại khóc
Giọt lệ này chất chứa những lời chân thật từ tim
Cho con ôm lấy mẹ, để được bơi giữa dòng sông hạnh phúc
Để con biết trên đời còn có một tình Mẫu Tử thiêng liêng ”
(Bài thơ cho mẹ - Gió xuân)
Nguyễn Minh Thùy

12. Xúc động hai bài văn điểm 10 viết về mẹ
Những bài văn được viết bằng tình cảm chân thành, trong sáng của tuổi học

trò luôn gây ấn tượng mạnh với người đọc.
Cộng đồng mạng đang chuyền tay nhau 2 bài văn đạt điểm 10 của hai học
sinh viết về mẹ gây xúc động. Cùng chung một đề bài Hãy tả lại một người thân
trong gia đình, cả hai bài văn đều không hẹn mà gặp khi cùng viết về người mẹ
của mình với sự trân trọng và nâng niu nhất.
Bài văn của bạn Nguyễn Thị Kiều Vân (1998), học sinh lớp 8 được viết khi
bạn này dự thi môn Ngữ Văn vào năm 2010 với điểm 10 tròn trĩnh cùng lời nhận
xét: “Bài viết quá xúc động, cảm ơn con”. Kiều Vân khắc về hình ảnh người mẹ
đã mất từ khi nhân vật lên 9 tuổi. Một người mẹ tảo tần, luôn yêu thương, chăm
sóc đứa con bé bỏng của mình luôn đi theo suốt những năm tháng cuộc đời. “Mẹ
tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải
sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời”…là
tấm gương để đứa con học tập, để rồi tự hứa với mẹ rằng “Con nhớ me nhiều lắm,
nhất định con sẽ làm theo những gì mẹ dạy…Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui
lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi”.
Bài viết được triển khai theo lối hành văn hiện tại đen xen với ký ức với
giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm dễ đi sâu vào lòng người. Hình ảnh người mẹ hiện
lên thật giản gị nhưng rất giàu hình tượng. Người đọc không khỏi xúc động trước
tình cảm mà đứa con dành cho người mẹ thân yêu đã khuất của mình. Sự nhận
thức đúng đắn trong từng lời văn khiến người đọc càng bị thuyết phục hơn.
Bài văn thứ hai của một bạn học sinh lớp 6, Phạm Thị Thu Hà thể hiện trên
hơn 2 trang giấy kẻ ô ly với lời nhận xét “Bài viết có cảm xúc, rất tốt". Thu Hà
21
cũng chọn nhân vật người mẹ để thể hiện nhưng bài viết lại là một câu chuyện
khác cũng cảm động không kém.
May mắn hơn bạn Kiều Vân, Thu Hà vẫn còn mẹ ở bên chăm sóc, vỗ về.
Hình ảnh một người mẹ tảo tần, chăm lo cho cuộc sống gia đình được ấm no hạnh
phúc được “lột tả” chân thực dưới ngòi bút của một học sinh lớp 6. “Em yêu mẹ
lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành
con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ

đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ”. Lời hứa của Thu Hà cũng
là mong ước của rất nhiều đứa con khác muốn nhắn nhủ đến người mẹ thân yêu
của mình.
Sau khi được “khai quật” hai bài văn này nhanh chóng chiếm được cảm tình
của rất nhiều người đọc. Hoàng Quân chia sẻ: “Thật cảm động biết bao trước
những bài văn chân tình và giàu tính hình tượng như thế này. Tình cảm mà các
em đặt vào bài viết thật sự khiến người đọc phải rưng rưng. Không biết nhân vật
các em viết có thật sự là mẹ của mình hay không, nhưng anh tìm được bóng dáng
mẹ mình ở trong từng câu văn ấy. Cảm ơn hai em rất nhiều”.
Thu Sương cũng không giấu được niềm xúc động: “Đọc hai bài văn này
lòng lại nhớ mẹ đến khuôn nguôi. Có lẽ đề tài về mẹ luôn là nguồn cảm xúc dạt
dào nhất để viết nên những bài văn hay, những bài thơ ý nghĩa. Những bài văn
này thật sự đã khiến cho những người như mình phải một lần nữa rơi lệ”.
12.1. Bài văn của bạn Phạm Thị Thu Hà
‘Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật
giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ’.
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên,
thì em lại chọt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh
cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm
sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là nguời như vậy đó.
Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi,
có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm
ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng
người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài
ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một
cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn

trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của
mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian
đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.
22
Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên
khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta
thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt
mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc
tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều
sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi
mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng
nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Đúng vậy! Nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến
chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy
nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ.
Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào
nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những
thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.
Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây
cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng
ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà
thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay
siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà
mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.
Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc
em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay
lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn
luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm

áp, che chở cho em vượt qua.
Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai
cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt
lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.
Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu
thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ
cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ,
mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn
đến giấc ngủ.
“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.
Phạm Thị Thu Hà
23
12.2. Bài văn của bạn Nguyễn Kiều Vân
‘Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi!
Con rất muốn’.
“Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi
đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt
vời nhất trên đời này. Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và
tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi
tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Như
hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi
như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi.
Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả
và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu
đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ
luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi
thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết
làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn

nhưng không được nhớ oán. Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định
chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không
có dạy”. Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng
hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con
mới hiểu mồ cô mẹ là gì? Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá
nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ me nhiều lắm, nhất định cn sẽ làm theo
những gì mẹ dạy.
Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một
vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong
đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa. Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào
mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình
để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau
tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt
nước mắt “Mẹ không sao đâu con. Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại
đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ
không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt
để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.
Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi
yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh
tôi. Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ,
việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc. Và điều
24
tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và
lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”.
Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”
Nguyễn Kiều Vân
13. Mất mẹ là con mất cả bầu trời
Lưu Cương phạm tội cướp giật, bị ngồi tù đã một năm. Từ ngày bị vào tù,
Lưu Cương chưa có ai đến thăm.
Nhìn những phạm nhân khác thỉnh thoảng lại có người tới thăm nom, còn

được người nhà mang đến bao nhiêu đồ ăn ngon, Lưu Cương nhìn thấy mà thèm,
liền viết thư cho mẹ để mẹ đến thăm,
nhưng không phải vì thèm những đồ ăn ấy
mà vì Lưu Cương rất nhớ bố mẹ.
Sau khi gửi biết bao nhiêu cánh thư
nhưng không có bất cứ hồi âm nào, Lưu
Cương hiểu, bố mẹ đã bỏ rơi mình. Đau
khổ và tuyệt vọng, Lưu Cương lại viết
thêm một bức thư nữa, nói là “ nếu bố mẹ
không đến thăm con, bố mẹ sẽ mãi mãi
mất thằng con này.”. Đây hoàn toàn không
chỉ là lời nói suông, những phạm nhân bị vào tù do tái phạm đã không ít lần lôi
kéo anh vượt ngục. Nhưng Lưu Cương vẫn chưa hạ được quyết tâm, nay bố mẹ
không còn thương xót, đoái hoài đến mình, thì còn gì để lo lắng, vấn vương nữa?
Hôm ấy trời lạnh đến buốt da buốt thịt. Lưu Cương đang bàn bạc với mấy
“đại ca đầu trọc” về chuyện vượt ngục thì có người gọi giật lại: “Lưu Cương, có
người đến thăm!” Là ai được nhỉ? Bước vào phòng thăm tù nhân, Lưu Cương
đứng sựng lại, là mẹ! Một năm không gặp, trông mẹ thay đổi nhiều đến mức con
trai mẹ không nhận ra. Mẹ mới hơn 50 tuổi mà tóc đã bạc trắng đầu, lưng mẹ
còng như con tép nhỏ, người mẹ gầy gò quá, bộ
quần áo mẹ mặc đã sờn rách. Mẹ đi chân trần hằn
cáu bẩn và loang lổ vết máu. Bên cạnh mẹ là hai
chiếc bao tải cũ.
Hai mẹ con cứ thế đứng nhìn nhau. Chưa kịp
đợi Lưu Cương mở lời, nước mắt mẹ đã trực trào từ
đôi mắt mờ đục. Mẹ vừa giơ tay lên quệt nước mắt,
vừa nói: “Tiểu Cương à, mẹ nhận được thư con, con
đừng trách bố mẹ nhẫn tâm. Thực sự là không có
thời gian đi được con ạ. Bố con…lại ngã bệnh, mẹ
phải chăm sóc bố con, đường lại xa xôi….”

25

×