MỘT SỐ KINH NGHIỆM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC
TIẾT ĐỌC VĂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI :
Hiện nay, đất nước ta đang đổi mới, phát triển trên con đường công nghiệp
hóa, hiện đại hóa. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, tiềm
ẩn nhiều nguy cơ xung đột, mâu thuẫn nặng nề. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi
âm mưu phá hoại, hòng làm suy yếu nước ta. Nhiệm vụ giáo dục là quốc sách hàng
đầu của Nhà nước. Mục đích của giáo dục là đào tạo nên những con người có
phẩm chất tốt, có năng lực, thông minh, sáng tạo, góp phần tích cực xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Môn Ngữ văn là môn học hàng đầu góp phần
hình thành những phẩm chất tốt đẹp cho thế hệ trẻ, giáo dục học sinh lòng yêu
nước, yêu quê hương thiết tha, lòng nhân ái, nhạy cảm trước cái đẹp, tinh thần đấu
tranh chống lại cái xấu, cái ác, biết vượt qua khó khăn, thử thách để vươn tới lý
tưởng cao đẹp. Xã hội phát triển đòi hỏi giáo dục cũng phải phát triển để đáp ứng
nhu cầu của thời đại. Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học được nhiều nhà giáo
dục quan tâm. Trong môn Ngữ văn, phân môn Đọc văn có vai trò rất quan trọng.
Quan điểm dạy học mới lấy học sinh là trung tâm, nêu nhiệm vụ phải phát huy tính
chủ động, tích cực của học sinh trong học tập. Làm thế nào để phát huy tính chủ
động, tích cực của học sinh trong học tập môn Ngữ văn ? Làm thế nào để khắc
phục lối dạy học cũ lấy người thầy làm trung tâm trong việc tìm hiểu, chiếm lĩnh
tri thức Ngữ văn ? Đây cũng là sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và nhiều
thầy cô giáo có tâm huyết với nghề.
Mục tiêu của tiết dạy và học tiết Đọc văn là : góp phần bồi dưỡng nhân cách,
tư duy sáng tạo, nâng cao khả năng xúc cảm thẩm mỹ cho học sinh. Văn bản văn
học là ngữ liệu để giáo dục rèn luyện cho học sinh kỹ năng nói, viết, xây dựng
đoạn văn theo cấu trúc, viết được một bài văn theo yêu cầu, về kiến thức, về kỹ
năng, học sinh biết vận dụng các tri thức đọc - hiểu vào thực tiễn cuộc sống. Có
những học sinh có năng lực cảm thụ tác phẩm văn học tốt, nhưng cũng có những
học sinh học tập còn lơ là, ham chơi, học đối phó, hiểu tác phẩm còn hạn chế, bài
viết chỉ đạt điểm 5 - 6. Một số giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh trong phân
môn Đọc văn còn theo cảm tính, chưa khích lệ học sinh cố gắng, hăng say học tập,
chưa phát huy tinh thần sáng tạo của học sinh. Nhiều giáo viên chỉ nêu câu hỏi ở
mức độ ghi nhớ như hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, xuất xứ của đoạn trích, một
vài nét đặc sắc về nghệ thuật, ý nghĩa của văn bản chưa kiểm tra kỹ năng đọc -
hiểu văn bản của học sinh. Học sinh mới chỉ tái hiện lại kiến thức đã học, chưa
phát huy được khả năng tư duy độc lập, sáng tạo. Điều này dẫn đến chất lượng học
tập môn Ngữ văn chưa cao.
1
Trong trường phổ thông, các tiết được Đọc văn có nội dung và nghệ thuật rất
phong phú, sâu sắc : từ văn học dân gian đến văn học trung đại, văn học hiện đại,
có cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, với nhiều tác phẩm xuất sắc, nhiều
thể loại, nhiều tài năng lớn với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Học sinh
được hiểu biết nhiều về lịch sử - xã hội, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng nhân
ái bao la, những triết lý nhân sinh sâu sắc Học sinh còn được cung cấp thêm
những hiểu biết về cái hay, cái đẹp của ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, bút pháp tả
cảnh ngụ tình, miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật Những tác phẩm văn học hay gợi
cho học sinh những tư duy bay bổng, những tình cảm lắng đọng, những rung động
thấm đẫm tình người, tinh thần đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để xã hội ngày
càng tốt đẹp hơn. Tác phẩm văn học bồi dưỡng cho học sinh những năng lực thẩm
mỹ nhạy cảm với cái đẹp, hướng các em tới những điều đẹp đẽ, tốt lành. Như vậy,
người giáo viên ở trường THPT cần rèn luyện cho học sinh các kỹ năng đọc - hiểu,
kỹ năng nói - viết, trình bày vấn đề trong tiết Đọc văn. Nâng cao chất lượng dạy
và học tiết Đọc văn sẽ góp phần nâng cao chất lượng môn Ngữ văn ở trường trung
học phổ thông.
Từ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương pháp kiểm
tra, đánh giá, thực hiện yêu cầu của chuẩn kiến thức - kỹ năng và chương trình
gảim tải, phát huy năng lực tư duy sáng tạo của học sinh, tôi biên soạn đề tài "Một
số kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy và học tiết Đọc văn ở trường trung học
phổ thông", góp một ý kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiết Đọc văn
trong chương trình trung học phổ thông hiện nay.
II. THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ
TÀI :
1. Thuận lợi :
- Vấn đề nâng cao chất lượng và học môn Ngữ văn luôn được sự quan tâm
rộng rãi của các ban ngành, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh. Sở Giáo dục
và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn
nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông,
tổ chức hội giảng cấp tỉnh trong nhiều năm, tuyên dương những giáo viên đạt danh
hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn có nhiều
đổi mới trong tổ chức các buổi họp tổ chuyên môn, không còn nặng về thủ tục
hành chính.
- Đội ngũ giáo viên trong tổ chuyên môn nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm
trong giảng dạy, tâm huyết với nghề, luôn đổi mới trong phương pháp dạy và học
nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Giáo viên trong tổ nhiệt tình
tham gia các đợt thao giảng dự giờ, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Nhiều học sinh
đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
2
- Nhà trường được cung cấp nhiều trang thiết bị : máy chiếu, tranh ảnh, ti
vi tạo hứng thú cho học sinh học tập môn Ngữ văn. Nhiều giáo viên trong tổ tự
làm đồ dùng dạy học, tìm tòi hình ảnh, tư liệu phục vụ cho việc dạy và học môn
Ngữ văn.
- Chương trình dạy học mới đòi hỏi thầy và trò phải sáng tạo trong giảng dạy
và học tập, phải phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Giáo viên phải đổi
mới cách soạn giáo án, thiết kế bài dạy, tổ chức các khâu lên lớp, chuẩn bị ở nhà,
sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhờ vậy, chất lượng giảng
dạy môn Ngữ văn ngày càng cao. Tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng so với
năm học trước.
- Tích cực hưởng ứng phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực",
quan hệ thầy trò thân ái, nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn, học sinh tích cực học tập,
tham khảo các tư liệu phục vụ học tập bộ môn Ngữ văn.
2. Khó khăn :
- Trình độ học sinh trong nhà trường nhìn chung tương đối đồng đều. Học
sinh được tuyển vào lớp 10 trong các năm học đều là học sinh có học lực khá, giỏi.
Học sinh có tinh thần ham học hỏi, thông minh, sáng tạo. Nhưng trong mỗi lớp
học, học lực của học sinh chưa đồng đều. Nhiều học sinh ý thức phấn đấu chưa
cao, bằng lòng với học lực trung bình. Một số học sinh học tập còn lơ là, ham chơi,
chưa tập trung nghe giảng, thụ động. Nhiều học sinh dành thời gian cho các môn
học khoa học tự nhiên, ôn thi đại học, các môn khoa học xã hội, trong đó có môn
Ngữ văn, chỉ mong đạt điểm trung bình.
- Chương trình học của học sinh THPT hiện còn nặng nề, kiến thức nhiều,
quỹ thời gian hạn chế. Giáo viên chưa có điều kiện đào sâu, nâng cao kiến thức
cho học sinh.
- Một số giáo viên chưa dành nhiều thời gian và công sức cho việc soạn
giảng môn Ngữ văn. Giáo án đánh máy còn có hiện tượng sao chép trên mạng, sao
chép giáo án của giáo viên khác, ít chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình học tập của
từng trường, trình độ học sinh từng lớp.
- Nhiều học sinh khi soạn bài ở nhà còn chép lại nguyên văn trong sách tham
khảo, lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo, trả lời các câu hỏi theo khuôn mẫu có sẵn.
Nhiều giáo viên chưa đầu tư nhiều công sức vào việc ra đề, chấm trả bài, chưa
phân loại chính xác học sinh khá, giỏi và trung bình.
- Một số học sinh còn "học tủ", "học vẹt", môn Ngữ văn ở lớp chỉ đạt điểm
trung bình, nhưng thi học kỳ lại đạt điểm cao do "học tủ" trúng đề.
3. Số liệu thống kê :
Khi thực hiện phương pháp mới trong tiết Đọc văn, chất lượng của học sinh
được nâng cao. Nhiều học sinh đạt điểm khá, giỏi.
3
Kết quả khảo sát trong 3 năm học gần đây (chấm điểm bài tự luận về phân
tích một bài thơ trong chương trình Ngữ văn 12).
Năm học Số học sinh
được khảo sát
Điểm dưới 5 -
Tỷ lệ
Điểm trung
bình - Tỷ lệ
Điểm khá, giỏi
- Tỷ lệ
2011 - 2012 38 0 - 0% 5 - 13,1% 33 - 86,9%
2012 - 2013 37 0 - 0% 4 - 10,8% 33 - 89,2%
2013 - 2014 38 0 - 0% 2 - 5,3% 36 - 94,7%
III. NỘI DUNG ĐỀ TÀI :
A. Cơ sở lý luận :
Trong nhà trường phổ thông, môn Ngữ văn có vị trí rất quan trọng, vì "đó là
công cụ cho tất cả các môn, công cụ tư duy, công cụ diễn đạt, công cụ học tập" (Lê
Trí Viễn). Người giáo viên dạy môn Ngữ văn ở trường THPT có nhiệm vụ truyền
đạt những tri thức từ bộ môn Ngữ văn đến học sinh, gồm ba phân môn : Đọc văn,
Tiếng Việt và Làm văn. Đọc văn có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển tư
duy, rèn luyện cách diễn đạt cho học sinh, nâng cao hiệu quả giáo dục. Những tri
thức được học sinh lĩnh hội, được trình bày dưới dạng nói hay dạng viết mà dùng
từ chính xác, diễn đạt chặt chẽ, trật tự, mạch lạc, đúng cấu trúc ngữ pháp thì mới
đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong nhà trường phổ thông.
Hiện nay chúng ta đang thay đổi quan niệm dạy học bộ môn Ngữ văn, đổi
thay mô hình và phương pháp dạy học ngữ văn. Dạy học Đọc văn, khác với mô
hình truyền thông lấy giáo viên làm trung tâm, học sinh chỉ thụ động nghe thầy cô
giáo gảing bài và ghi chép. Nay lấy học sinh làm trung tâm, nghĩa là lấy việc Đọc
văn của học sinh làm trung tâm. Thầy cô giáo là người hướng dẫn học sinh Đọc
văn. Học sinh là người chủ động kiến tạo kiến thức văn học trong giờ học dưới sự
tác động của giáo viên, chứ không phải giáo viên nhồi nhét kiến thức cho học sinh.
"Đọc văn là hoạt động được cá tính hóa của học sinh, không nên lấy sự phân tích
của giáo viên mà thay thế hoàn toàn sự cảm thụ cá thể hóa của học sinh" (Trần
Đình Sử). Người giáo viên dạy Ngữ văn cần dành cho học sinh một khoảng trời
riêng để các em tìm tòi, khám phá. Các em cần suy nghĩ, chủ động và thể nghiệm,
tạo được hứng thú trong sự sáng tạo. Cần tạo cho học sinh làm chủ việc đọc của
mình dưới sự hướng dẫn của người thầy. Người thầy phải trân trọng cách cảm thụ,
cách hiểu và thể nghiệm sáng tạo của học sinh. Thông qua tiết Đọc văn, người giáo
viên phải giáo dục cho học sinh cái hay, cái đẹp về tâm hồn, về tư tưởng, về đạo
đức, về lối sống được thể hiện trong văn bản văn học. Người giáo viên phải hướng
dẫn cho học sinh phát hiện ra vẻ đẹp của ngôn từ, ngôn ngữ nghệ thuật của văn bản
văn học. "Cần thấy rằng, sự hấp dẫn của văn bản phải được bộc lộ trước hết ở cái
hay, cái đẹp của ngôn từ, và ngôn ngữ nghệ thuật là một sáng tạo kỳ diệu của loài
4
người Vì vậy, trong chức năng nhiệm vụ của mình, môn Văn phải đặc biệt coi
trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy và diễn đạt" (Nguyễn Duy Bình). Do đó,
giúp học sinh có hứng thú học tập trong tiết Đọc văn, nâng cao chất lượng dạy học
phân môn Đọc văn là một việc rất cần thiết của người giáo viên giảng dạy bộ môn
Ngữ văn ở trường trung học phổ thông.
B. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài :
1. Công việc chuẩn bị cho tiết Đọc văn :
1.1. Công việc của người giáo viên :
- Để nâng cao chất lượng dạy và học tiết Đọc văn, người giáo viên phải đầu
tư nhiều thời gian và công sức. Người giáo viên phải đọc kỹ phần Tiểu dẫn và phần
Văn bản. Những kiến thức được truyền đạt cho học sinh phải thật chính xác, khoa
học từ những nét chính về cuộc đời tác giả, những tác phẩm tiêu biểu, hoàn cảnh
sáng tác, nội dung và nghệ thuật của văn bản Đặc biệt là phải tìm hiểu ý nghĩa
của từ, các điển cố điển tích (nếu là tác phẩm văn học thời kỳ trung đại), thể loại
của văn bản, ý nghĩa nhan đề, bố cục của văn bản
- Thiết kế bài học một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong
nhà trường, phù hợp với đối tượng học sinh. Chuẩn bị hệ thống câu hỏi chuẩn bị
bài, câu hỏi rèn luyện kỹ năng đọc - hiểu văn bản, câu hỏi và bài tập hướng dẫn
học sinh tự học ở nhà. Có hệ thống câu hỏi cho học sinh trung bình và hệ thống câu
hỏi nhằm phát hiện, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi. Chuẩn bị cho hoạt động thảo
luận theo tổ, nhóm của học sinh : Thảo luận theo từng tổ hoặc theo những nhóm
nhỏ. Hệ thống câu hỏi đặt ra để học sinh thảo luận phải hướng vào trọng tâm của
bài học, vào mục tiêu bài học đặt ra. Bài học phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ
năng, thực hiện chương trình giảm tải, tránh lan man, dàn trải.
- Người giáo viên nắm vững được mức độ cần đạt, trọng tâm kiến thức, kỹ
năng, chuẩn bị nhuần nhuyễn các khâu lên lớp sẽ làm chủ được kiến thức, chủ
động về thời gian, không lúng túng khi gặp tình huống học sinh đặt câu hỏi đề nghị
giáo viên lý giải hoặc nâng cao vấn đề.
- Người giáo viên có thể tự làm đồ dùng dạy học, tìm thêm tư liệu nâng cao
hiệu quả giờ dạy, hoặc phân công học sinh chuẩn bị sơ đồ, mô hình, dụng cụ học
tập. Chẳng hạn : bức tranh chiến đấu chống quân Mông - Nguyên, truyện về nàng
Tiểu Thanh trong Kim cổ kỳ văn, băng đĩa trích đoạn vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng
Đài, bút tích của Xuân Diệu
- Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, đọc kỹ phần Tiểu dẫn và Văn
bản, soạn bài theo hướng dẫn của sách giáo khoa và câu hỏi của giáo viên (bám sát
chuẩn kiến thức - kỹ năng). Giáo viên hướng dẫn học sinh soạn bài trước khi lên
lớp phải loại bỏ những nội dung đã giảm tải, tránh việc mất nhiều thời gian soạn
bài ở nhà. Chẳng hạn bài Ca dao hài hước chỉ còn học hai bài số 1 và số 2
5
- Đối với tác phẩm thơ, giáo viên có thể chọn một vài học sinh đọc diễn cảm
bài thơ hoặc ngâm thơ. Đối với tác phẩm truyện, giáo viên yêu cầu học sinh phải
tóm tắt được tác phẩm trước khi lên lớp. Có thể học sinh diễn xướng tác phẩm như
bài : Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa; Tấm Cám; An Dương Vương và Mị
Châu - Trọng Thủy Đối với tác phẩm kịch, giáo viên có thể chuẩn bị cho học
sinh diễn cả đoạn trích hay một phần của đoạn trích trong sách giáo khoa, như các
đoạn trích : Tình yêu và thù hận; Hồn Trương Ba, da hàng thịt
- Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc - hiểu văn bản ở nhà. Có những tác
phẩm hoặc đoạn trích dài, thời gian ở lớp hạn chế, giáo viên chỉ hướng dẫn học
sinh đọc những đoạn văn trọng tâm trên lớp, nên việc đọc văn bản ở nhà là rất cần
thiết với học sinh. Người thầy cần hướng dẫn học sinh liên hệ với những văn bản
có cùng thể loại đã được học ở trung học cơ sở hoặc ở trung học phổ thông, hoặc
tích hợp với các bài học trong các phân môn Tiếng Việt và Làm văn. Chẳng hạn,
khi đọc bài thơ Tây Tiến, học sinh liên hệ đến bài thơ Đồng chí đã học ở trung học
cơ sở; Khi học bài Uy-lít-xơ trở về, học sinh so sánh với bài Ra-ma buộc tội và
Chiến thắng Mtao Mxây (đều thuộc thể loại sử thi).
1.2. Công việc của học sinh :
- Học sinh phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình, không
lơ là, thụ động. Học sinh phải soạn bài ở nhà trước khi lên lớp, đọc kỹ văn bản,
nắm được những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp văn học, phong cách của tác giả,
hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, bố cục của đoạn trích, Học sinh phải nắm được
đặc trưng thể loại của văn bản. Chẳng hạn tác phẩm Người lái đò sông Đà thuộc
thể loại tùy bút, tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông thuộc thể loại bút ký, tác
phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt thuộc thể loại kịch, đoạn trích Nhìn về vốn văn
hóa dân tộc thuộc loại văn bản thông dụng
- Học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập theo hướng dẫn của giáo viên : bảng
phụ, tranh ảnh, hình vẽ Chuẩn bị việc thảo luận theo tổ nhóm, chuẩn bị diễn
xướng theo yêu cầu của từng bài học và định hướng của người thầy.
- Học sinh chuẩn bị bài học bám sát sách giáo khoa, bám sát chuẩn kiến
thức, kỹ năng qua câu hỏi hướng dẫn chuẩn bị bài của giáo viên.
- Những chỗ chưa hiểu sâu, học sinh có thể chuẩn bị câu hỏi, nhờ thầy cô
giáo giải đáp trên lớp.
- Tóm tắt được cốt truyện, nắm được mâu thuẫn xung đột trong đoạn trích,
nắm được chủ đề, nếu là tác phẩm thơ phải nắm được cảm xúc chủ đạo của bài thơ,
tư tưởng, tình cảm của tác giả.
- Học sinh có thể đọc thêm một số tác phẩm, tác giả không có trong phân
phối chương trình nhằm mở rộng, nâng cao tri thức. Chẳng hạn khi học bài Cảnh
ngày hè (Bảo kính cảnh giới, bài 43) của Nguyễn Trãi, học sinh liên hệ với bài thơ
6
Cảnh mùa hạ của Trần Thái Tông, Cây chuối, Cuối xuân tức sự, Bài ca Côn Sơn
của Nguyễn Trãi
- Liên hệ với các bài học trước để tích hợp kiến thức về thể loại. Ví dụ : các
bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương, Câu
cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, Thương vợ của Trần Tế Xương đều là thơ thất
ngôn bát cú luật Đường viết bằng chữ Nôm
- Ghi chép những ý kiến, nhận định, đánh giá hay về tác giả, tác phẩm để
làm tư liệu học tập.
2. Hướng dẫn học sinh đọc - hiểu phần Tiểu dẫn, nắm vững những kiến
thức về tác giả, tác phẩm, phong cách sáng tác của tác giả, hoàn cảnh sáng
tạo, xuất xứ của văn bản, vị trí của đoạn trích :
Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc - hiểu phần Tiểu dẫn. Học sinh đọc phải
rõ ràng, chính xác những thông tin về cuộc đời tác giả, những tác phẩm tiêu biểu,
phong cách sáng tác của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của văn bản, vị trí của
đoạn trích. Giáo viên và những học sinh khác chú ý lắng nghe, đối chiếu với sách
giáo khoa. Nhận xét cách đọc, phát hiện, sửa lại những chỗ đọc sai dẫn đến những
thông tin thiếu chính xác. Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh tóm tắt những nội
dung chính của phần Tiểu dẫn về tác giả, tác phẩm. Chú ý đến phong cách nghệ
thuật, thể hiện tài năng và đóng góp của tác giả đối với văn học dân tộc, văn học
thế giới. Ví dụ khi đọc - hiểu phần Tiểu dẫn bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh
Thảo), học sinh cần nắm được những nét đặc sắc trong kiểu tư duy mới mẻ, hiện
đại của tác giả : ngòi bút hướng nội giàu suy tư, trăn trở về cuộc sống của nhân
dân, đất nước và thời đại, luôn tìm tòi những hình thức biểu đạt mới.
Giáo viên có thể cung cấp cho học sinh những tư liệu về tác giả, tác phẩm :
tranh chân dung, tranh phong cảnh, lời nhận định về tác giả, lời bình hay về tác
phẩm Mục đích giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về các tác giả, những đóng góp
về tư tưởng, nghệ thuật, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Ví dụ, sách Đại Việt sử ký
toàn thư viết về Phạm Ngũ Lão : "Ngũ Lão thích đọc sách, người phóng khoáng,
có chí làm việc lớn, thích ngâm thơ, về việc võ hình như ít bận tâm. Nhưng đội
quân của ông đều một lòng thân yêu như cha con, đánh đâu được đấy.". Về hoàn
cảnh ra đời của bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người (Cáo tật thị chúng) của thiền sư
Mãn Giác, sách Thiền uyển tập anh chép : "Ngày 30 tháng 11, thiền sư Mãn Giác
cáo bệnh, có kệ dạy rằng : Xuân qua, trăm hoa rụng từ đó sư ngồi kiết già mà
mất, thọ bốn mươi lăm tuổi". Nắm vững những tri thức trong phần Tiểu dẫn giúp
học sinh có cơ sở hiểu sâu sắc hơn nội dung của tác phẩm.
3. Nắm được ý nghĩa nhan đề văn bản, đặc trưng thể loại của văn bản:
7
Nhan đề của văn bản là nơi các nhà thơ, nhà văn gửi gắm những tư tưởng,
tình cảm, các tổng nghĩa phong phú của hình tượng văn học. Trong nhiều tiết Đọc
văn, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý nghĩa nhan đề của văn bản, để
từ đó tìm hiểu nội dung, nghệ thuật, chủ đề của văn bản. Ví dụ : ý nghĩa nhan đề
truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi không chỉ có giá trị
thông báo về vị trí thế hệ của hai nhân vật chính (Việt, Chiến) mà còn gọi nhiều ý
nghĩa. Đó là những con người được nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình có
truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào. Họ là những con người đã tiếp nối xứng đáng
truyền thống cách mạng của gia đình. Tác giả cũng khẳng định, ngợi ca mối quan
hệ bền chặt, thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình, giữa con người với gia
đình, giữa gia đình và xã hội, đất nước. Khi học tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân
giáo viên có thể đặt câu hỏi : "Nêu ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Vợ nhặt ?" Giáo
viên định hướng học sinh trả lời : Vợ nhặt thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng tác
phẩm. Thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác có thể "nhặt" được bất
kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Nhan đề của tác phẩm cũng tạo ra tình huống truyện độc
đáo, anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, ế vợ, giữa nạn đói lại có vợ theo mà không tốn
tiền cưới cheo gì. Nhan đề này còn mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu
sắc : thấy được tình cảnh sống thê thảm của người nông dân trong nạn đói năm
1945, tội ác của thực dân Pháp và pháp xít Nhật, niềm khát khao hạnh phúc gia
đình, niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống, tình yêu thương đùm bọc giữa những
con người nghèo khổ ngay trên bờ vực của cái chết.
Chương trình môn Ngữ văn ở bậc THPT hiện nay được xây dựng và thực
hiện đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần tích hợp - trong đó trọng tâm của
yêu cầu dạy học phần Văn học là học sinh phải biết cách đọc - hiểu văn bản văn
học theo đặc trưng loại thể (bao gồm các trích đoạn hoặc tác phẩm văn học trọn
vẹn). Yêu cầu này xác định những nội dung cụ thể để học sinh thực hiện một chuỗi
thao tác chiếm lĩnh giá trị tác phẩm, hướng tới hiệu quả thực hành, vận dụng và kết
nối kiến thức với phần Tiếng Việt, Làm văn. Vì vậy, khi đọc - hiểu một văn bản
văn học, giáo viên phải định hướng cho học sinh nắm được đặc trưng thể loại của
văn bản. Ví dụ bài thơ Việt Bắc (trích) của Tố Hữu thuộc thể loại thơ lục bát, bài
thơ Sáng của Xuân Quỳnh thuộc thể loại thơ năm chữ, đoạn trích Đất Nước (trích
trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm thuộc thể loại thơ tự do
Yêu cầu học sinh biết cách đọc - hiểu văn bản theo đặc trưng loại thể : đoạn trích
Việt Bắc gồm lời người ra đi và người ở lại đan cài nhau, nên cần đọc theo kiểu
phân vai đối đáp để cảm nhận được kết cấu và giọng điệu của bài thơ,. Khi đọc bài
thơ Sóng cần thể hiện được nhịp điệu không dứt của sóng biển và nhịp điệu dìu
dặt, triền miên của sóng lòng người phụ nữ đang yêu. Khi đọc đoạn trích Đất
Nước, cần thể hiện được đặc sắc của giọng điệu trường ca : vừa hào sảng, hào
hứng, vừa thiết tha, sâu lắng chất triết luận.
8
Đối với mỗi thể loại có cách đọc - hiểu khác nhau. Đối với một bài thơ hoặc
đoạn trích thơ cần học thuộc lòng. Đối với một truyện ngắn hoặc một đoạn trích
truyện ngắn cần nắm được cốt truyện từ đầu đến cuối
4. Đọc hiểu văn bản ngôn từ, hiểu được đại ý, bố cục của văn bản, đoạn
trích :
Khi đọc - hiểu văn bản văn học, trước tiên phải đọc - hiểu văn bản ngôn từ.
Cần tạo ấn tượng toàn vẹn về văn bản bằng cách đọc văn bản từ đầu đến cuối, hiểu
được từ khó, từ láy, điển cố, điển tích. Ví dụ truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch
Lam, có một số từ ngữ ít sử dụng trong đời sống hiện nay như : thu không, quả
thuốc sơn đen, lính lệ, thầy thừa, thầy lục, tráp, xà tích, trống cầm canh giáo
viên cần cho học sinh đọc phần chú thích, hoặc giải thích từ khó, từ lạ cho học sinh
hiểu được. Trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, có nhiều từ Hán
Việt, điển cố, điển tích, cần giải thích cho học sinh hiểu : đồ hồi, duy ác, về đông,
phía tả, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, nếm mặt nằm gai, sĩ khí, quân thanh,
trúc chẻ tro bay, mưa phạt tâm công, máu chảy trôi chày Trong quá trình đọc
hiểu bài thơ chữ Hán, phải bám sát phiên âm và dịch nghĩa, dịch thơ, phát hiện
những chỗ dịch chưa sát với nội dung trong phần phiên âm hoặc bỏ sót từ trong
phần phiên âm. Ví dụ : khi đọc - hiểu văn bản bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí
Minh - ở câu thơ thứ hai, giáo viên đặt câu hỏi : Đọc kỹ phần dịch nghĩa, tìm
những chỗ trong bản dịch thơ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không chưa sát với
nguyên tác Cô viên mạm mạn độ thiên không ? Học sinh thảo luận tìm ra được :
Câu thơ thứ hai trong bản dịch thơ không diễn tả được hình ảnh cô vân (chòm mây
lẻ loi, cô độc); chuyển động của mây mạn mạn (trôi chậm chạp gợi vẻ uể oải, lững
lờ) dịch là Chòm mây trôi nhẹ không chuyển tả hết được tâm trạng của người nhìn
mây trôi. Đối với các văn bản thơ chữ Nôm, phải chú ý đến các bản phiên âm, có
thể có dị bản, giáo viên và học sinh nên chọn cách phiên âm trong sách giáo khoa.
Cần nắm vững phần chú thích, hiểu được từ Việt cổ, điển cố, điển tích. Chẳng hạn
trong bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43) có các từ Việt cổ : thức đỏ
(màu đỏ), tiễn mùi hương (ngát mùi hương), điển cố Ngu cầm Lựa chọn hợp lý
cách phiên âm còn góp phần hiểu được những tâm tư, tình cảm, ý chí, tài năng
nghệ thuật của tác giả. Sự lựa chọn này giúp chúng ta tránh được sự suy diễn tùy
tiện, hiểu sâu sắc giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, giúp học sinh
phát triển tư duy độc lập và sáng tạo. Khi đọc, chú ý cách ngắt nhịp, gieo vần, phối
thanh, lên giọng, xuống giọng, độ ngân vang dài ngắn của từ, những chữ thay đổi
số lượng từ ngữ, qua hàng, chuyển giọng của nhà thơ Đọc hướng tới chuẩn phát
âm của tiếng Việt.
Đọc - hiểu văn bản ngôn từ còn là xác định nghĩa cơ sở (nghĩa đen) của tác
phẩm hay đoạn trích. Để lĩnh hội được nghĩa cơ sở, có thể căn cứ trên các thông số
về từ vựng trong một ngữ cảnh để xác định các ý chính. Ví dụ trong đoạn trích
9
Việt Bắc, bao trùm trong tâm trạng của người đi và người ở là nỗi nhớ da diết,
mênh mông với nhiều sắc thái khác nhau (điệp từ nhớ được lặp lại 35 lần).
Đọc - hiểu nghĩa của từ và ý nghĩa của câu, đoạn trong văn bản văn học phải
hiểu được nghĩa của từ ngữ (nghĩa hẹp, nghĩa rộng, nghĩa đen, nghĩa bóng ), từ đó
hiểu được ý nghĩa chính của các câu văn, đoạn văn. Đọc - hiểu mạch ý của đoạn
văn, bài văn tức là phải hiểu được đại ý, bố cục của đoạn văn, bài văn Chẳng
hạn, đọc - hiểu đoạn trích Trao duyên (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du) sau khi
hiểu được nghĩa của từ, nghĩa của các câu thơ, học sinh hiểu được đại ý của đoạn
trích : vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi duyên tình tan vỡ
và sự hy sinh đến quên mình vì hạnh phúc người thân. Bố cục của đoạn trích gồm
hai phần. Phần một (18 câu đầu) : Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa
cho Kim Trọng. Phần hai (16 câu cuối) : Tâm trạng của Kiều sau khi trao duyên.
5. Đọc - hiểu ý nghĩa hình tượng của tác phẩm hoặc đoạn trích :
Người giáo viên hướng dẫn học sinh cảm nhận hình tượng văn học từ các
hình ảnh, chi tiết, hiểu và cảm nhận một cách tổng thể về nội dung, ý nghĩa của
hình tượng. Ví dụ hình tượng người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh
hùng (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du), phẩm chất anh hùng của Từ Hải được bộc
lộ qua cách dùng từ ngữ : trượng phu, thoắt, lòng bốn phương, trông vời trời bể
mênh mông, dứt áo ra đi, hình tượng chim bằng Các từ ngữ, câu thơ trong văn
bản cho chúng ta thấy Từ Hải là người không quên lý tưởng, hành động dứt khoát,
quyết đoán, không do dự. Từ Hải tỏ rõ phẩm chất phi thường của một người anh
hùng muốn làm nên sự nghiệp lớn. Từ Hải cũng là người trân trọng tài năng, nhân
cách và sắc đẹp của Thúy Kiều.
Đọc - hiểu ý nghĩa hình tượng của tác phẩm hay đoạn trích còn là phát hiện
những mâu thuẫn trắc ẩn bên trong hình tượng. Ví dụ : mâu thuẫn của nhân vật Vũ
Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô - Nguyễn huy
Tưởng) : mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời với
lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.
6. Đọc - hiểu để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm, tư tưởng
tình cảm của tác giả, đọc sáng tạo văn bản :
"Nhiệm vụ then chốt trước hết của giáo viên văn học đối với học sinh là
giúp các em "biết đọc" tác phẩm, biết tái hiện hình tượng, nội dung chứa đựng
trong tác phẩm, để trên cơ sở đó giúp các em biết phân tích cái hay, cái đẹp của
nó" (Nguyễn Duy Bình). Đây là một trong những hoạt động cơ bản, có vai trò rất
quan trọng trong cơ cấu dạy và học tiết Đọc - văn. Hoạt động này giúp học sinh
qua việc tự mình tiếp xúc với thế giới sáng tạo của tác phẩm mà tiếp thu những giá
trị tinh thần của dân tộc và của nhân loại, tiếp thu những cái hay, cái đẹp của tác
phẩm về nội dung và nghệ thuật. Từ đó, học sinh được học tập, rèn luyện kỹ năng
Đọc - hiểu văn bản văn học. Người giáo viên phải đặt câu hỏi, hướng dẫn học sinh
10
phát hiện những cái hay, cái đẹp của tác phẩm hay đoạn trích. Ví dụ, sau khi học
đoạn trích Trao duyên (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), giáo viên đặt câu hỏi :
"Hãy đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích ?" Giáo viên định
hướng, dẫn dắt để học sinh trả lời : Qua miêu tả tâm trạng, thái độ, tình cảm của
Thúy Kiều khi nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, đoạn trích thể
hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và sự hy sinh quên mình của Kiều vì hạnh
phúc của người thân. Nguyễn Du đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của
Thúy Kiều giữa một xã hội bạo tàn. Đoạn trích góp phần thể hiện giá trị nhân văn
cao cả của tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật, ngôn
ngữ độc thoại nội tâm sinh động là những nét đặc sắc trong nghệ thuật đoạn trích.
Học sinh phải đọc - hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả vì tư tưởng, tình cảm
của tác giả là linh hồn của tác phẩm văn học, được thể hiện qua ngôn ngữ, qua hình
tượng nghệ thuật. Ví dụ, qua việc đọc - hiểu bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh
Khiêm, học sinh hiểu được tư tưởng, tâm hồn của tác giả, hiểu được quan niệm
sống nhàn, cảm nhận được vẻ đẹp trong cuộc sống, nhân cách, trí tuệ sáng suốt.
Đọc - hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả còn là tự khái quát lại và rút ra những
điều sâu xa hơn, ở mức cao hơn. Chẳng hạn, sau khi đọc - hiểu ngôn từ và hình
tượng nghệ thuật trong bài Cảm xúc mùa thu của Đỗ Phủ, học sinh hiểu được nỗi
buồn đau xót của tác giả trước cảnh rừng phong bị sương móc vùi dập, đất trời đảo
lộn trên sóng nước Trường Giang và mây mù mịt vùng biên ải, trong nỗi khát vọng
muốn trở về quê cũ. Tất cả mọi ước mơ phò vua cứu đời trước đây giờ chỉ như một
ký ức buồn. Vì thế, bài thơ tuy không miêu tả trực tiếp tình hình xã hội thời
Đường, song vẫn chan chứa tình đời và có ý nghĩa hiện thực sâu sắc. Tác giả (cũng
là nhân vật trữ tình của bài thơ) do đó cũng không trở nên bi lụy.
Đọc - hiểu văn bản văn học là một việc sáng tạo và ngoài những yếu tố đã có
như ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, người đọc suy nghĩ, liên tưởng để khái quát
thành những điều cao hơn, sâu sắc hơn. Người đọc hiểu được lớp nghĩa tinh tế là
tài năng và phong cách nhà văn, những nét đẹp tiềm ẩn trong văn. Đọc sáng tạo là
liên hệ những gì đang đọc với những gì đã đọc, liên hệ mở rộng tầm hiểu biết của
bản thân. Từ chỗ cảm nhận được văn bản, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh liên
hệ mở rộng để phát hiện thêm những ý nghĩa sâu xa, hiểu được tính đa nghĩa, giàu
sức gợi cảm của tác phẩm, cá tính sáng tạo của tác giả. Ví dụ, khi đọc - hiểu hai
câu thơ : "Son phấn có thần chôn vẫn hận - Văn chương không mệnh đốt còn
vương" trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du, giáo viên hướng dẫn học
sinh liên hệ, mở rộng để hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. "Son phấn" là nói đến
nhan sắc, "Văn chương" là nói đến tài năng. Với hai câu thơ, tác giả đã đặt ra câu
hỏi : phải chăng "son phấn có thần" nên Tiểu Thanh hết đi rồi vẫn để cho người
đời sau thương cảm ? Nguyễn Du muốn nói đến giá trị cao quý, giá trị bất diệt của
cái đẹp. Nguyễn Du thể hiện sự trân trọng tài năng, ngưỡng mộ cái đẹp. Cái đẹp có
sức sống bất diệt, vì thế mà "ba trăm năm lẻ" sau dù cho "Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò
11
hoang" nhưng Tiểu Thanh vẫn sống, vẫn không bị lãng quên. Cuộc đời của nàng
vẫn còn làm xúc động sâu xa tấm lòng con người. "Son phấn có thần chôn vẫn
hận" đã khẳng định một tấm lòng nhân đạo hiếm có giữa xã hội trung đại - xã hội
không công nhận tài hoa, trí tuệ của người phụ nữ. Nguyễn Du đã ngợi ca nhan sắc
Thúy Kiều, ca ngợi nhan sắc Đạm Tiên và nhà thơ đã khẳng định : "những đấng
tài hoa - Sống là thể phách, thác là tinh anh". "Son phấn có thần" và "thác là tinh
anh" đã khẳng định tâm hồn, tư tưởng Nguyễn Du vượt lên trên thời đại. Với con
mắt sắc sảo, tinh thần trân trọng, yêu thương, Nguyễn Du còn phát hiện ở người
phụ nữ một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp tài hoa, trí tuệ ẩn giấu bên trong nhan sắc khuynh
thành. Đọc - hiểu truyện cổ tích Tấm Cám, học sinh cảm nhận được những kinh
nghiệm cuộc sống, những bài học cho cách đối nhân xử thế, nét đẹp tâm hồn của
người Việt Nam trong truyền thống và hiện đại.
7. Tích hợp các kiến thức Văn học, Tiếng Việt, Làm văn; liên hệ thực
tiễn, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng tư tưởng tình cảm
tốt đẹp cho học sinh; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng dạy học :
Hoạt động tích hợp giúp cho học sinh hiểu được tính hệ thống của văn bản,
liên hệ với những kiến thức đã học ở phần này hoặc sẽ học ở phần kia. Từ đó, rèn
luyện cho học sinh tư duy lôgic, chính xác, khoa học, giúp học sinh tái hiện lại
kiến thức cũ. Ví dụ, khi học truyện cổ tích Tấm Cám, giáo viên định hướng cho
học sinh tích hợp với các bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam (Văn học),
Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự (Làm văn), tích hợp với kiến
thức về truyện cổ tích đã học ở bậc trung học cơ sở. Giáo viên định hướng hoạt
động tích hợp cho học sinh qua hệ thống câu hỏi : "Khái niệm về truyện cổ tích." -
"Thế nào là truyện cổ tích thần kỳ ?" - "Hãy nêu một số truyện cổ tích thần kỳ mà
em đã học và đã đọc ?" - "Những chi tiết nào thể hiện sự việc quá trình biến hóa
của Tấm ?" (chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị).
Mục tiêu của tiết Đọc văn không chỉ cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng
đọc - hiểu mà còn là khả năng vận dụng kiến thức đã học vào một hoàn cảnh cụ thể
mới, liên hệ kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Học sinh phải được rèn
luyện năng lực hành động, tăng cường thực hành, không phải hết tiết học là xếp
sách vở lại cất đi. Ví dụ, sau khi học truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp,
giáo viên nêu câu hỏi : "Trong cộng đồng gần gũi với mình, em có nhận thấy "hiện
tượng Bê-li-cốp" không ?" Học sinh tự liên hệ bản thân, liên hệ thực tiễn để trả lời
câu hỏi. Sau khi học bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm, giáo viên nêu câu hỏi:
"Vai trò người hiền tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay ?".
Học sinh liên hệ thực tiễn đất nước hiện nay để trình bày vấn đề.
Ngoài chức năng nhận thức, tác phẩm văn học còn mang đến cho người đọc,
người học giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ. Giáo viên dạy tiết Đọc văn cần tích
hợp giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, bồi đắp cho học sinh những tư
tưởng đúng đắn, những tình cảm cao đẹp. Ví dụ : giáo dục cho học sinh ý thức bảo
12
vệ môi trường khi dạy các đoạn trích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai
đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Rừng xà nu của Nguyễn
Trung Thành Qua nhân vật cô Hiền trong đoạn trích Một người Hà Nội của
Nguyễn Khải, giáo viên giáo dục cho học sinh lối sống hào hoa, thanh lịch, giàu
lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm đối với đất nước, Những phẩm chất tốt đẹp ấy
dù trải qua bao thời gian, bao biến động cũng không hề đổi thay. Khi học truyện
ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, cần giáo dục cho học sinh tôn
trọng pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình. Liên hệ với thực tiễn hôm nay, đặt
ra vấn đề : cần hỗ trợ đời sống, giúp đỡ vốn cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ, khẳng
định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Khuyến khích học
sinh trình bày chính kiến của mình đối với bài học từ sách vở, đối với các vấn đề
mang tính thời sự chính trị đang diễn ra xung quanh.
Để nâng cao chất lượng giờ Đọc văn, cần sử dụng có hiệu quả các trang thiết
bị, đồ dùng dạy học có sẵn, khuyến khích giáo viên và học sinh tự làm đồ dùng dạy
học. Nhà trường đã trang bị máy chiếu, tranh ảnh, trang bị 24 ti vi 47 inch cho 24
phòng học khối 10 và 11. Giáo viên trong tổ đã sử dụng có hiệu quả tivi, tranh ảnh,
đồ dùng dạy học tự làm, sử dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Học
sinh cũng rất hứng thú trong việc chuẩn bị đồ dùng học tập, sưu tầm các tư liệu
phục vụ học tập (tranh ảnh, bảng phụ, tư liệu về tác giả, tác phẩm, băng đĩa, ) góp
phần nâng cao hiệu quả giờ học.
8. Tổ chức thảo luận, thuyết trình, phát biểu tranh luận, rèn luyện kỹ
năng nói cho học sinh :
Việc cho học sinh thảo luận để lĩnh hội văn bản, tôi đã tiến hành nhiều năm
trong các tiết Đọc văn. Việc thảo luận giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, vừa
thấy hiểu bài hơn, có thể hiểu thêm một số tác phẩm không có trong chương trình
môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông. Chính vì thế, học sinh càng có hứng thú
hơn trong tiết Đọc văn.
Trong quá trình tổ chức dạy học và thảo luận, tôi có một số ghi nhận sau :
- Không phải tiết học nào cũng tiến hành thảo luận. Trong một tiết học
không nên tổ chức thảo luận nhiều lần.
- Không đưa ra những vấn đề quá dễ, quá đơn giản để thảo luận. Vấn đề thảo
luận phải bám sát văn bản văn học.
- Trong khi thảo luận, giáo viên phải theo dõi và hỗ trợ học sinh kịp thời
cũng như nhắc nhở các em lơ là, thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh.
- Thảo luận để cảm nhận được cái hay, cái đẹp về nội dung, nghệ thuật của
tác phẩm, tư tưởng, tình cảm của tác giả ẩn chứa sau những từ ngữ, hình ảnh trong
văn bản. Thảo luận về những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hiện nay.
13
- Có những vấn đề thảo luận tại lớp, cũng có những vấn đề cho các nhóm
chuẩn bị ở nhà, lên lớp trình bày kết quả.
Có nhiều hình thức nêu câu hỏi thảo luận theo tổ nhóm. Có thể thảo luận về
cuộc đời tác giả, về vẻ đẹp tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm. Câu hỏi thảo luận
phải hướng vào trọng tâm của bài học, phát huy được khả năng tư duy độc lập,
sáng tạo của học sinh, phải hướng đến làm sáng tỏ cái "thần" của câu chữ, của hình
ảnh, cảm nhận được chiều sâu tâm hồn, tư tưởng của nhà thơ. Ví dụ, khi đọc - hiểu
hai câu thơ cuối của bài thơ Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão), giáo viên nêu câu hỏi thảo
luận : "Nội dung của hai câu thơ cuối nói lên tâm sự gì ? Vì sao tác giả lại đến "nợ
công danh" và "Vũ hầu" ? Khi đọc bài Đọc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du, giáo
viên đặt câu hỏi, hướng dẫn học sinh thảo luận : "Đặt trong thi pháp văn học trung
đại, việc Nguyễn Du hai lần tự xưng "ngã" (tôi) và "Tố Như" (tên chữ) đã hé mở
điều gì ?".
Bên cạnh nêu câu hỏi thảo luận, giáo viên có thể nêu câu hỏi để học sinh
tranh luận, giúp cho việc đọc văn được sâu sắc hơn. Có thể tích hợp với kiến thức
đã học, kiến thức các phân môn Tiếng Việt, Làm văn để nêu câu hỏi tranh luận.
Chỉ tranh luận khi có vấn đề mâu thuẫn, đối lập nhau hoặc có cách hiểu chưa đúng.
Tranh luận phải hướng vào trọng tâm kiến thúc của bài học. Ví dụ, sau khi học
xong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, giáo viên nêu câu hỏi để học sinh phát biểu,
tranh luận : "Có ý kiến cho rằng bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu chỉ là sự thể hiện
quan niệm sống bồng bột của tuổi trẻ. Ý kiến của anh (chị) như thế nào ? Học sinh
vận dụng kiến thức bài học, kiến thức về thao tác lập luận phân tích, bác bỏ trong
phân môn Làm văn để bác bỏ ý kiến nêu trên.
Khi trình bày vấn đề, phát biểu tranh luận, học sinh phải hướng tới chuẩn
phát âm, dùng từ ngữ chính xác, diễn dạt bằng lời nói rõ ràng, mạch lạc, có hệ
thống. Nhiều học sinh có thói quen dùng câu tỉnh lược, thiếu hô ngữ (thưa cô, thưa
thầy ), thiếu từ ngữ chuyển ý, ngắt câu sai (qua ngữ điệu lên, xuống giọng, ngập
ngừng ). Giáo viên phải nhắc nhở, uốn nắn cách dùng từ diễn đạt bằng ngôn ngữ
nói của học sinh. Nhiều học sinh trả lời không sai về kiến thức, nhưng lại đảo trật
tự thời gian của quá trình sáng tác của một tác giả. Ví dụ khi giáo viên yêu cầu học
sinh nêu những tác phẩm chính của Tô Hoài, học sinh trả lời : Tác phẩm chính của
tô Hoài là Cát bụi chân ai, Miền Tây, Truyện Tây Bắc, O chuột, Dế mèn phiêu lưu
ký Nội dung trả lời không sai, nhưng đảo trật tự thời gian ra đời của tác phẩm,
thiếu lôgic, chưa thấy được quá trình sáng tác trước và sau Cách mạng tháng Tám,
sự phát triển trong tư tưởng, phong cách nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài.
Khi học sinh lên bảng làm bài tập, giáo viên cần nhận xét cách trình bày,
chữ viết, bố cục, sửa lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu cho học sinh.
14
9. Sơ đồ hóa, củng cố kiến thức, luyện tập :
Sơ đồ hóa là thao tác mã hóa kiến thức cơ bản của bài học, giúp học sinh ghi
nhớ kiến thức một cách lôgic, lý giải mối quan hệ nội tại của vấn đề, vận dụng các
kỹ năng phân tích, đối chiếu, tổng hợp kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Ví dụ : Sau khi học bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên nêu câu
hỏi : "Lập sơ đồ những biểu hiện quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm ?"
Ta có sơ đồ sau :
Ví dụ : Sau khi học xong bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, giáo viên
hướng dẫn học sinh lập sơ đồ qua câu hỏi : "Lập sơ đồ những biểu hiện vẻ đẹp của
hào khí Đông A qua bài thơ ?"
Ta có sơ đồ sau :
15
Sống thuận theo
tự nhiên, hưởng
những thứ có sẵn,
không mưu cầu,
tranh đoạt
Quan niệm nhìn
cuộc đời là giấc
mộng; phú quý tựa
chiêm bao.
Ung dung trong
phong thái, vô sự
trong lòng, vui với
thú điền viên.
Ung dung trong
phong thái, vô sự
trong lòng, vui với
thú điền viên.
Xa lánh chốn danh
lợi, sống hòa nhập
với thiên nhiên.
Quan niệm
nhàn của
Nguyễn
Bỉnh Khiêm
Ví dụ : Sau khi học xong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
(trích Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm ?), giáo viên hướng
dẫn học sinh lập sơ đồ củng cố kiến thức bài học qua câu hỏi : "Lập sơ đồ những
biểu hiện tâm trạng cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ qua đoạn trích ?".
Ta có sơ đồ sau :
16
Tầm vóc tư thế lớn lao
kỳ vĩ.
Vẻ đẹp của
hào khí
Đông A
Khí thế hào hùng
Vẻ đẹp của
thời đại
Vẻ đẹp của
con người
thời Trần
Lý tưởng, hoài bão
cao cả
Tinh thần quyết thắng
Nỗi sầu muộn triền
miên
Nỗi cô đơn,
lẻ bóng
Nỗi nhớ thương đau
đáu
Đề cao hạnh phúc
lứa đôi, lên án chiến
tranh phong kiến
Tâm trạng cô đơn,
sầu muộn của người
chinh phụ
Sau khi tiến hành đọc - hiểu tác phẩm, giáo viên hướng dẫn học sinh tổng
kết lại bài học, củng cố lại kiến thức. Giáo viên gọi học sinh nêu những đặc sắc về
nghệ thuật, ý nghĩa của văn bản. Sau đó giáo viên nhận xét, chốt lại ý trọng tâm.
Giáo viên có thể chuẩn bị câu hỏi trắc nghiệm khách quan vào cuối tiết học. Giáo
viên cho học sinh thực hành tại lớp phần Luyện tập theo hướng dẫn thực hiện
chuẩn kiến thức, kỹ năng, cho học sinh phân tích một vài văn bản ngoài sách giáo
khoa hoặc văn bản học sinh chưa được nghe giảng. Nếu thời gian hạn chế, giáo
viên cho học sinh thực hành một phần một phần, phần còn lại giáo viên gợi ý cho
học sinh về nhà làm bài, rèn luyện các kỹ năng đọc - hiểu, làm văn cho học sinh.
10. Hướng dẫn tự học, rèn luyện kỹ năng viết câu, đoạn văn, tạo lập văn
bản theo cấu trúc, kiểu loại :
Hoạt động đọc - hiểu trong tiết Đọc văn phải coi trọng tính ứng dụng vào
thực tiễn, liên hệ với thực tiễn. Ở phần Hướng dẫn tự học, giáo viên nêu các câu
hỏi, bài tập hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Đổi mới cách kiểm tra đánh giá,
khuyến khích học sinh tự học sáng tạo, tìm đọc các tác phẩm nằm ngoài chương
trình phổ thông để nâng cao tri thức về văn hóa dân tộc và văn học nhân loại.
Giáo viên cần sử dụng đoạn văn, văn bản trong sách giáo khoa để làm ngữ
liệu rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng phân tích vấn đề, tích hợp với kiến thức các
phân môn Tiếng Việt, Làm văn, phát huy tư duy độc lập của học sinh. Ví dụ : sau
khi đọc - hiểu đoạn trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, giáo viên dùng văn
bản làm ngữ liệu, nêu câu hỏi, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà :
"Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng
nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc".
(Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành)
a) Tìm các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên ?
b) Phân tích cấu trúc cú pháp của các câu trong đoạn văn trên ?
c) Nội dung của đoạn văn ?
Học sinh làm bài ở nhà, giáo viên kiểm tra bài làm của học sinh, nhận xét,
cho điểm, nêu đáp án :
a) Biện pháp tu từ : liệt kê (một, hai, mười ), lặp từ (ngón tay).
b) Kết cấu ngữ pháp : cả 5 câu đều là câu đơn. Câu 2 tỉnh lược vị ngữ (bốc
cháy). Câu 5 tỉnh lược chủ ngữ (Tnú).
c) Nội dung đoạn văn : Tnú bị kẻ thù tra tấn dã man bằng cách đốt cháy
mười ngón tay anh bằng giẻ tẩm nhựa xà nu.
Ngoài việc rèn luyện kỹ năng viết cho học sinh qua các bài kiểm tra viết, bài
kiểm tra 15 phút, giáo viên có thể rèn luyện kỹ năng viết thông qua việc kiểm tra
vở soạn bài của học sinh. Hoặc cho học sinh về nhà viết đoạn văn mở bài, thân bài,
kết bài theo một nội dung cụ thể, hoặc viết một đoạn văn theo cấu trúc quy nạp,
diễn dịch, viết một đoạn văn giải thích, một đoạn văn chứng minh, viết một đoạn
văn tóm tắt một đoạn trích Cơ sở tạo nên đoạn văn là các câu viết các câu đúng
17
chính tả, dùng từ chính xác, đúng ngữ pháp, biết sử dụng các phương tiện liên kết.
Từ việc viết, câu, đoạn văn, làm cơ sở để tạo lập văn bản theo các kiểu bài khác
nhau. Giáo viên có thể rèn luyện kỹ năng viết cho học sinh qua các bài viết thuyết
trình, phát biểu thảo luận, bài dự thi sáng tác văn học
IV. KẾT QUẢ :
Trong quá trình giảng dạy, tôi đã áp dụng phương pháp trên, đạt được kết
quả khả quan. Học sinh được rèn luyện các kỹ năng trong tiết Đọc văn, chất lượng
học tập ngày càng cao.
Kết quả khảo sát qua việc kiểm tra tự luận 40 học sinh trong năm học 2013 -
2014 như sau :
- Điểm dưới 5 : 0 - 0%
- Điểm trung bình : 5 - 12,5%
- Điểm khá : 12 - 30%
- Điểm giỏi : 23 - 57,5%
V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM :
Để đạt hiệu quả cao trong các tiết Đọc văn, chúng ta phải :
- Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài, soạn bài ở nhà bám sát chuẩn kiến thức,
kỹ năng, chuẩn bị các trang thiết bị, đồ dùng dạy học.
- Đọc kỹ phần Tiểu dẫn, đọc kỹ văn bản, các chú thích.
- Hướng vào trọng tâm bài học, chú ý rèn luyện các kỹ năng : đọc - hiểu văn
bản theo đặc trưng thể loại, kỹ năng phân tích đoạn thơ, trình bày một vấn đề, vận
dụng kết hợp các thao tác lập luận khi thảo luận, thuyết trình, làm bài tập ở nhà, kỹ
năng viết câu, đoạn văn
- Chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng bài dạy.
- Tích hợp các kiến thức đã được học trong chương trình THCS hoặc sẽ
được học trong chương trình THPT. Liên hệ với thực tế.
- Cần động viên, khích lệ những học sinh có tư duy độc lập, sáng tạo. Những
học sinh có tư duy sáng tạo, sau này khi bước vào cuộc sống sẽ rất chủ động, linh
hoạt "trước những điều xa lạ vô cùng với sách vở, nhà trường" (Phạm Văn Đồng).
- Một điều quan trọng là phải hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, vì thời gian
trên lớp có hạn. Bác Hồ đã dạy về phương pháp học tập là phải "lấy tự học làm
cốt". Việc tự học sẽ giúp học sinh nâng cao kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, giải
quyết được các vấn đề thiết thực đặt ra trong cuộc sống.
VI. KẾT LUẬN :
Việc nâng cao chất lượng, rèn luyện các kỹ năng trong tiết Đọc văn, đặc biệt
là rèn luyện kỹ năng đọc - hiểu văn bản cho học sinh không phải là một việc làm
hoàn toàn mới và quá khó khăn phức tạp. Điều quan trọng là người giáo viên phải
khơi dậy hứng thú học tập môn Ngữ văn cho học sinh. Để giờ học đạt hiệu quả
18
cao, người giáo viên phải tâm huyết với nghề, vận dụng sáng tạo các phương pháp
dạy học, thường xuyên sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học hỗ trợ cho bài
dạy. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng lớp học, từng đối tượng học sinh, người
giáo viên có cách thiết kế bài dạy phù hợp. Người giáo viên đóng vai trò hướng
dẫn, lấy học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy và học. Điều này đòi hỏi người
thầy phải có năng lực sư phạm, học sinh phải yêu thích văn học, nhạy cảm với cái
hay, cái đẹp của ngôn từ, của hình tượng văn học. Học sinh phải biết tự học nâng
cao kiến thức của mình trước yêu cầu của giáo dục, của cuộc sống.
Sáng kiến của tôi đang trong quá trình áp dụng vào thực tế, cần được tìm tòi,
bổ sung thêm cho hoàn chỉnh. Rất mong sự góp ý tận tình của đồng nghiệp.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - tập 1 - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2011.
2. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - tập 2 - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2011.
3. Sách giáo khoa Ngữ văn 11 - tập 1 - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2012.
4. Sách giáo khoa Ngữ văn 11 - tập 2 - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2012.
5. Sách giáo khoa Ngữ văn 12 - tập 1 - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2013.
6. Sách giáo khoa Ngữ văn 12 - tập 2 - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2013.
7. Sách hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Ngữ văn lớp 10 - Nhà xuất
bản Giáo dục - năm 2010.
8. Sách hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Ngữ văn lớp 10 - Nhà xuất
bản Giáo dục - năm 2011.
9. Sách hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Ngữ văn lớp 10 - Nhà xuất
bản Giáo dục - năm 2012.
NGƯỜI THỰC HIỆN
Huỳnh Thị Mỹ Trang
19