Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

chất phóng sự trong tiểu thuyết vũ trọng phụng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.65 KB, 4 trang )

Tìm hiểu chất phóng sự trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
CHẤT PHÓNG SỰ TRONG TIỂU THUYẾT VŨ TRỌNG PHỤNG
NGUYỄN HOÀI THANH*
Những thiên phóng sự hay và những tiểu thuyết kiệt tác đã đưa Vũ Trọng Phụng lên hàng “chiếu nhất”
thuộc hai lĩnh vực tiểu thuyết và phóng sự. Đối với ông, tuy sự tôn vinh thuộc hai thể tài riêng, nhưng nếu
không có “ông vua phóng sự” thì cũng khó lòng có “tiểu thuyết gia trác tuyệt” Vũ Trọng Phụng, vì “trác
tuyệt” của ông so với các nhà tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là ở thể tiểu thuyết phóng sự.
Vũ Trọng Phụng viết 7 thiên phóng sự và 7 cuốn tiểu thuyết. Riêng về tiểu thuyết, theo trình tự thời gian
được viết như sau: Dứt tình (năm 1934); Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Làm đĩ (năm 1936); Lấy nhau vì tình
(năm 1937) và Trúng số độc đắc (năm 1938).
Ngay từ năm 1942, với con mắt “tinh đời” Vũ Ngọc Phan đã phát hiện ra mối quan hệ hữu cơ giữa “tố
chất” phóng sự và tiểu thuyết trong cây bút đa tài này: “cây bút của Vũ Trọng Phụng trong những năm
đầu là một cây bút phóng sự sắc sảo và khôn ngoan, sau ông luyện nó ra cây bút tiểu thuyết, nhưng cái
giọng phóng sự vẫn còn” (1)
Vũ Trọng Phụng đã “luyện” cây bút như thế nào; “cái giọng” phóng sự nhỏ to ra sao’ chất phóng sự đã
được “dẫn truyền” vào tác phẩm như thế nào và có tác động gì đến nghệ thuật tiểu thuyết? Đó là những
câu hỏi mà chúng tôi tự đặt ra, khi tìm hiểu yếu tố phóng sự trong một số tác phẩm được coi là tiểu
thuyết phóng sự của ông. Sau đây, chúng tôi xin nêu một số ý kiến bước đầu xung quanh những vấn đề
lý thú đó.
Có thể nói quá trình Vũ Trọng Phụng “luyện thành cây bút tiểu thuyết” đã diễn ra ngay từ khi ông viết
thiên phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (năm 1933). Tác phẩm này có kết cấu, cốt truyện và hệ thống
nhân vật, trong đó, một vài nhân vật có tâm lý, tính cách khá rõ rệt. Chính Vũ Trọng Phụng đã “trình làng”
tác phẩm với các tiêu đề “Tiểu thuyết phóng sự”, nhưng xét về tổng thể, chất tư liệu, lối văn phóng sự rất
đậm đặc, áp đảo chất tiểu thuyết. Vì vậy, có lẽ, chính xác hơn nếu ông gọi đó là một phóng sự tiểu
thuyết.
Năm 1934, cùng với việc cho ra đời thiên phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây nổi tiếng, Vũ Trọng Phụng đã viết
Dứt tình - cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Và cứ thế, quá trình “luyện” đã đem lại cho ngòi bút của Vũ Trọng
Phụng cả hai khả năng đặc biệt: một là, sự tinh nhạy nắm bắt một cách mau lẹ các vấn đề thời sự nóng
hổi, sự sắc sảo trong quan sát, miêu tả người thực, việc thực; hai là, năng lực khái quát tổng hợp, xử lý
những tư liệu để xây dựng những bức tranh cuộc sống và khả năng hư cấu, sáng tạo ra những hình
tượng, điển hìn. Đây chính là hai thế mạnh tạo nên sở trường của Vũ Trọng Phụng về tiểu thuyết phóng


sự mà đỉnh cao nhất là bộ ba tiểu thuyết phóng sự Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, trong đó có tác phẩm được
coi là kiệt tác, là “không tiền khoáng hậu” là “cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn
học”.(2)
Có thể nói, trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đều ít nhiều có chứa cái “giọng” phóng sự. Ở đây
chúng tôi chỉ xin khảo sát ba tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê vì thấy trong những tác phẩm này cái
“giọng” phóng sự diễn ra thường xuyên, rõ rệt, trở thành cái chất khá đậm đà trong tác phẩm.
Trong bộ ba tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, chất phóng sự được thể hiện khá rõ ở việc phản ánh kịp
thời những vấn đề thời sự của đời sống chính trị, xã hội đương thời vào tác phẩm. Bức tranh hiện thực
trong ba tác phẩm nói trên rất rộng lớn, bao quát cả cái xã hội thuộc địa thối nát và có giá tri như những
cuốn biên niên sử ghi lại những sự kiện, những vấn đề thời sự của xã hội Việt Nam những năm 30 của
thế kủ này.
Giông tố phản ánh những biến động dữ dội như những cơn lốc xoáy, gây ra nhiều nghịch cảnh, nhiều sự
đảo lộn từ trong tế bào gia đình đến toàn xã hội, sự tàn bạo, phản động của bọn thuộc địa chủ quan lại
mại bản; sự hoạt động của nhà cách mạng quốc tế cộng sản Đông phương ở Mốtxcu, về nước hợp nhất
Đảng, rồi bí mật xuất dương dự Hội nghị đỏ Viễn Đông.
Tất cả những sự kiện, biến cố như thế được đặt trên cái “phông” lịch sử là thời kỳ Mặt trận bình dân
khoảng từ 1936 đến 1939. Trong tác phẩm xuất hiện những từ như “óc bình dân”, “hạng bình dân”, “xã
hội bình dân”. Nhân vật tri huyện Cúc Lâm khoe với Nghị Hách (thực ra là ngầm ý đe doạ) : “ quan thầy
của tôi trong Đảng xã hội, nay mai mà có sang nhận chức Toàn quyền thì tôi sẽ lại làm quan cũng chưa
muộn” (3) (ở đây chỉ Đảng xã hội của Léon Blum, đứng đầu Chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp năm
1936).
Trong Vỡ đê cũng nổi lên những vấn đề thời sự đương thời: những cuộc đấu tranh của quần chúng,
những tai nạn, “thuỷ, hoả, đạo, tặc” gây bao cảnh đau thương, khốn cùng. Sự kiện “một uỷ ban đã làm
việc suốt ngày đêm để có thể kịp gởi những hồ sơ chính trị phạm về cho quan Tổng trưởng thuộc địa” (4)
phản ánh hoạt động của Ủy ban Đông Dương vận động đại xá tù chính trị được thành lập tháng 6-1936 ở
Sài gòn. Vụ đê vỡ, lụt lội cũng xảy ra đúng như trong lịch sử
Khác với Giông tố và Vỡ đê, Số đỏ đề cập đến phạm vi hẹp hơn. Đó là xã hội tư sản thành thị nhố
nhăng, đồi bại đương thời. Tuy được viết theo bút pháp trào phúng, sử dụng rộng rãi, thoải mái thủ pháp
phóng đại để tạo ra những tình huống và những nhân vật hài hước, phi lý, không có thực trong cuộc đời;
nhưng khi đọc tác phẩm, điều kỳ lạ là mọi người đều thấy những cái phi lý, tưởng như bịa đặt lại là

những cái có thật, thậm chí lại là những cái rất phổ biến trong xã hội thành thị đương thời, như phong
trào Âu hoá, phong trào Bình dân, chấn hưng Phật giáo Nhân vật Xuân Tóc Đỏ hai lần tự vỗ ngực cho
mình là: “dòng dõi nhà bình dân”, “Tôi không phải là quý phái! Tôi chỉ là bình dân mà thôi” (5). Hoặc có
nhân vật được giới thiệu là người của đương thời: “Đây là ông Hải, một tay quần vợt đại tài, quán quân
Bắc Kỳ năm 1936 ” (6)
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, đồng thời là một nhà báo. Đúng là nghề làm báo buộc ông phải gắn bó
với thời thế, phải cập nhật những vấn đề chính trị, xã hội theo cách nhìn riêng của mình. Chính vì vậy mà
các tác phẩm “Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê hệt như những cuốn phim thời sự, đương thời ít có cuốn tiểu
thuyết nào lại gần với không khí chính trị của thời đại như thế”.(7)
Chất phóng sự trong bộ ba tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng không chỉ biểu hiện bằng việc phản
ánh những “việc thực” như trên, mà còn ở chỗ nhiều nhân vật được dư luận “phát hiện” ra đó là những
“người thật” có nguyên mẫu bằng xương, bằng thịt ngoài đời. Chẳng hạn, khi bàn đến nhân vật bà Phó
Đoan trong Số đỏ, nhiều người đã liên hệ đến “bà” Bé Tý, có chồng Tây tên Betty để lại cho một gia tài
lớn, dinh cơ của mụ ở sát ngay nhà Vũ Trọng Phụng. Mụ mẹ Tây nhố nhăng này lại còn được “Nhà nước
bảo hộ” tặng thuởng bội tinh và mụ thích được phỉnh là “bà chúa Hàng Bạc”. Hoặc trước đó không lâu
một ả tên là “cô Tư Hồng” nổi tiếng về hành vi lẳng lơ, dâm đãng. Do luận đương thời luôn đàm tiếu, phỉ
nhổ vào mụ đàn bà “nổi danh” ấy. Đương thời, có một lão nghị viên khét tiếng tên là Nguyễn Hữu C, Hắn
vốn nổi tiếng là gã vô học, bất lương và gian dâm, phất lên thành bậc “phú gia địch quốc” nhờ vào những
thủ đoạn lưu manh, độc ác, tàn nhẫn Đọc Giông tố, nhiều người thấy cái chân dung lem luốc của nhân
vật Nghị Hách có nhiều điểm “đồng dạng” với cái lý lịch bất hảo của gã Nghị C nọ
Người đọc lại nhận thấy chất phóng sự trong Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê ở lối văn báo chí, lối văn tư liệu.
Trong tiểu thuyết mà có những chỗ, tác giả như trích nguyên lại một mẩu tin từ một tờ nhật báo đương
thời:
THỜI SỰ CÁC TỈNH
Phải chăng là một vụ cưỡng dâm?
Cúc Lâm (tin điện thoại) – Quan huyện
Cúc Lâm mới đây có chấp một lá đơn
của một ông đồ ở làng Quỳnh Thông,
kiện một nhà tai to mặt lớn kia, về tội
cưỡng dâm con gái ông ta ” (8)

Hoặc một mẩu tin chi ly với những số liệu chính xác “như thật”:
MỘT NGHĨA CỬ HIẾM CÓ
Nhà triệu phú Tạ Đình Hách
Ở Bắc Kỳ phát chẩn cho bần dân
Mấy đồng nghiệp ở Bắc đều đăng tin
rằng hôm 13 vừa rồi, nhà triệu phú Tạ
Đình Hách đã bỏ ra 250 tạ gạo và một
Nghìn đồng bạc, phát chẩn cho dân tỉnh ông ” (9)
Và có khi tác giả cho nhân vật này lật tẩy hành tung của nhân vật kia bằng một “trích đoạn lý lịch” như lấy
ở hồ sơ của toà án:
“Năm Tân Hợi tức là năm 1911, quan bác phạm tội thông dâm vợ người. Năm Quý Sửu ( ) Đến năm Kỷ
Mùi, tức là năm 1919, năm quan bác đúng ba mươi tuổi ( ) Lại đến năm Nhâm Tuất thì quan bác giết
người ” (10) Lối văn báo chí, tư liệu và những con số chính xác như vậy xuất hiện khá nhiều trong cả ba
tác phẩm.
Trên đây chúng tôi đã điểm một vài biểu hiện của chất phóng sự trong bộ ba tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ,
Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng. Sự năng động, xông xáo, tốc tả của ngòi bút phóng sự đã giúp cho nhà văn
bao quát hiện thực ở một qui mô rộng lớn. Rõ ràng cao trào Mặt trận dân chủ đã ảnh hưởng mạnh mẽ
đến cảm quan của Vũ Trọng Phụng, hướng ngòi bút của ông vào những vấn đề thời sự chính trị, xã hội
nóng bỏng để phản ánh và sáng tạo nên những tác phẩm này có sức tố cáo mạnh mẽ và tính chiến đấu
rõ rệt.
Chính cái chất thời sự, (tính “người thực, việc thực”, lối văn tư liệu, báo chí ) đã khiến cho không ít
người đồng ý với nhận định rằng nhiều tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng “chỉ là những thiên phóng sự
được tiểu thuyết hoá” (11).
Đúng là sự tiểu thuyết hoá những chất liệu phóng sự đã làm cho hai yếu tố tiểu thuyết và phóng sự trong
tác phẩm nói trên hoà quyện với nhau một cách tự nhiên. Những tư liệu, số liệu đã thành chất liệu nghệ
thuật của tiểu thuyết.
Các tư liệu mang chất phóng sự đi vào tác phẩm đã được xử lý một cách nghệ thuật, được sắp đặt đúng
vị trí khiến chúng trở thành những yếu tố hữu cơ của chỉnh thể nghệ thuật, ta có thể thấy những sự kiện
thời sự, những tư liệu được “đóng đinh” bằng những con số năm, tháng cụ thể đều được tác giả khéo léo
cài lồng vào các biến cố của cốt truyện. Chẳng hạn, đoạn văn tư liệu, liệt kê tội ác của nhân vật Nghị

Hách (đã dẫn ở trên), được tác giả đặt vào mồm nhân vật đối thoại hoà chung vào diễn tiến của mạch
câu chuyện, vừa làm đầy đặn thêm chân dung đểu, ác của Nghị Hách, vừa khắc họa được tính cách, bản
lĩnh, sự “cao tay” của nhân vật “nhà cách mạng” Hải Vân.
Việc sử dụng những nguyên mẫu “nổi tiếng” có thật trong xã hội đương thời như viên nghị Nguyên Hữu
C “cô Tư Hồng”, bà “Bé Tý” đã tạo nên tính sốt dẻo, tính đương thời cho tác phẩm. Tất nhiên, cuộc đời,
lịch sử có nhiều vấn đề, nhiều nguyên mẫu gợi ý nhà văn. Nhưng ngòi bút phóng sự của Vũ Trọng
Phụng lại có sở trường trong việc “đeo bám” những hiện tượng vận động, những đối tượng đang nhảy
nhót, lẩn quất và từ những nguyên mẫu, những tư liệu sống động ấy của cuộc đời, ông đã nhào nặn,
hư cấu được những điển hình có tầm khái quát cao: Nghị Hách - đại biểu lớn nhất của giai cấp địa chủ,
tư sản phản động, mại bãn; Xuân Tóc Đỏ điển hình tiêu biểu của xã hội tư sản thành thị lọc lừa Những
hình tượng điển hình được xây dựng trên những tư liệu nguyên mẫu có thật đã phơi bày ra sự thật xấu
xa, bản chất tàn bạo, kệch cỡm của cái xã hội thuộc địa.
Chất phóng sự còn đóng vai trò chi phối, góp phần hình thành những đặc điểm riêng trong thi pháp tiểu
thuyết của Vũ Trọng Phụng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong các tiểu thuyết của ông, thời gian sự
kiện luôn khẩn trương, dồn dập, hối hả; sự kiện này chưa qua, sự kiện kia đã ập đến. Sự dồn nén sự
kiện trong một khoảng thời gian ngắn đã gây nên sự gấp gáp về thời gian nghệ thuật. Vì vậy, thế giới
nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ngoài sự chịu đựng những đảo lộn bất ngờ, quay cuồng
trong cơn lốc còn bị khống chế bởi sự câu thúc nghiệt ngã về thời gian của nhịp sống hiện đại. Chúng
thường hối hả, khẩn trương, di chuyển với tốc độ nhanh, hành vi luôn hấp tấp, vội vàng; tâm trạng đầy lo
âu, căng thẳng: Phú (trong Vỡ đê) lúc thì lo lắng, lúc thì sốt ruột; Xuân Tóc Đỏ (trong Số đỏ) thường liến
láu, vội vã như thằng ăn cắp; Nghị Hách (trong Giông Tố) hay có những “pha” phóng xe phăng phăng,
hết tốc lực
Nhịp điệu thời gian, tốc độ vận động mau lẹ của lịch sử xã hội được thâu thái trong cây bút phóng sự,
không chỉ tạo nên nhịp điệu gấp gáp của thời gian nghệ thuật mà đã đem lại cách mô tả, diễn tả thời gian
theo lối hiện đại của ông. Nhiều biến cố trong Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê được mở đầu bằng một thời điểm
hết sức cụ thể, độ dài thời gian của biến cố cũng được đo bằng thời lượng lối tính hiện đại của phương
Tây như một tuần, một ngày, một giờ, một phút, một giây rõ ràng là do ảnh hưởng của lối văn tư liệu,
báo chí. Sự mô tả thời gian như vậy đã mở rộng thời gian, không gian cho sự linh hoạt, biến hoá trong
nghệ thuật trần thuật, kể chuyện
Sự hiện diện và hiệu quả nghệ thuật của chất phóng sự còn diễn ra ở nhiều phương diện khác của tác

phẩm tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Những khám phá bước đầu này góp phần xác định đặc điểm thể Tiểu
thuyết phóng sự một sự sáng tạo có ý nghĩa to lớn của ông đối với tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
INVESTIGATION ON REPORTAGE QUALITY IN NOVELS OF VŨ TRỌNG PHỤNG
NGUYỄN HOÀI THANH
Reportage quality in typical novels of Vũ Trọng Phụng is espressed in reflecting timely current events of
society, at the same time, in using a lot of “famous originals” at that time and in the press style and
documents These reportage qualities were novelized from the roots so that they could be integrated into
the world of art, creating the special achievements in which Giông Tố and Số Đỏ are considered the
masterpieces of modern literature of Vietnam.
CHÚ THÍCH
(1) Vũ Trọng Phan – Nhà văn hiện đại, NXB Khoa học xã hội, 1989, tr.525.
(2) Ý kiến của Nguyễn Khải về Số đỏ, tại Đại hội Nhà văn lần thứ 3 (tháng 9-1983).
(3) Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I NXB Văn học, 1987, tr.230.
(4) Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập II NXB Văn học, 1987, tr.113.
(5) Vũ Trọng Phụng - Số đỏ, NXB Văn học, 1988, tr.162-175.
(6) Vũ Trọng Phụng - Số đỏ, NXB Văn học, 1988, tr.175.
(7) Nguyễn Đặng Mạnh - Lời giới thiệu Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, S đd, tr. 47.
(8) Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I Sđd 195 –196.
(9) Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I Sđd 456.
(10)Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I Sđd 405.
(11) Lược thảo lịch sử Văn học Việt Nam, tập II NXB Văn học, 1956, tr.322.

×