Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

pháp trị của trần thủ độ - thực chất và ý nghĩa lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.27 KB, 7 trang )

PHÁP TRỊ CỦA TRẦN THỦ ĐỘ - THỰC CHẤT VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
1. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của chế độ phong kiến tại Việt Nam việc chuyển giao
quyền lực từ thời đại này sang thời đại khác thường gắn liền với những diễn biến lịch sử
mang tính bước ngoặt, khi triều đại đang thống trị đi vào khủng hoảng, tỏ ra bất lực trong
việc điều hành quốc gia, trở thành chướng ngại đối với tiến bộ, cần được thay thế. Khủng
hoảng (từ nguyên Hy Lạp krisis, nghĩa là sự giải quyết, hay khúc quanh) là điểm ngoặt hết
sức gay gắt, trạng thái chuyển tiếp của sự vật, khi trong bản thân nó diễn ra những biến đổi
trái với bình thường, đòi hỏi sự tự điều chỉnh, tự phủ định từng phần để tồn tại. Giải quyết
khủng hoảng có thể dẫn đến một trong hai kết quả: hoặc sự vật vượt qua “điểm chết”, tiếp
tục phát triển dưới hình thức đã được trẻ hóa; hoặc sự vật đi tới sự tự phủ định hoàn toàn,
được thay thế bằng sự vật khác, mà trước đó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, cá biệt.
Khủng hoảng toàn diện của triều Lý đòi hỏi cách giải quyết thứ hai.
Xét chung trong lịch sử phong kiến Việt Nam sự thay đổi triều đại diễn ra như một quá trình
khách quan, tất yếu, hợp tự nhiên, “thuận theo ý Trời”, phản ánh không chỉ tương quan giữa
các dòng họ có uy thế trong nước, mà cả nhu cầu ổn định chính trị đất nước, tạo thế chủ
động nhằm đối phó với các hiểm họa từ bên ngoài. Thời điểm chuyển giao quyền lực từ nhà
Lý sang nhà Trần không nằm ngoài tính tất yếu này. Với 215 năm tồn tại, đặc biệt từ Lý Thái
Tổ đến Lý Anh Tông, nhà Lý đã góp phần củng cố sức mạnh của nước Đại Việt độc lập.
Nhưng vào đầu thế kỷ XIII sức mạnh đó không còn nữa. Nói khác đi, nhà Lý đang đi đến
điểm kết thúc, sau khi phát huy hết khả năng tích cực của mình. Vì vậy sự thay thế chủ thể
quyền lực trở thành đòi hỏi cấp bách, không nhằm mục đích nào khác hơn là cứu lấy vận
nước. Cao Tông, Huệ Tông trên thực tế không còn đại diện cho lợi ích quốc gia lẫn lợi ích của
tầng lớp quý tộc phong kiến trong bối cảnh khắc nghiệt lúc ấy. Đất nước đứng trước họa
ngoại xâm, nếu thiếu những giải pháp kiên quyết, nhất định sẽ có thể dẫn đến thảm họa
dân tộc. Nhà Lý suy yếu do sự quan liêu, cửa quyền và vô trách nhiệm của bộ máy quyền
lực, vốn bị lũng đoạn bởi những kẻ gian thần, vây quanh nhà vua bạc nhược và thiển cận.
Kinh tế đình trệ, chính trị không ổn định, văn hóa và giáo dục bị thả nổi - đó là bức tranh
chung của Đại Việt cuối thế kỷ XII, đầu thế XIII. Trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp là
ngành chủ lực, nhưng sự đầu tư yếu kém và sự ban phát, chiếm đoạt đất công vô tội vạ đã
biến nhiều nơi thành vùng đất tiềm ẩn những cuộc bạo loạn và xung đột. Bên cạnh đó, lũ
lụt, động đất, mất mùa liên tiếp xảy ra, đẩy lĩnh vực trọng yếu này vào tình trạng đình đốn.


Những năm 1181 và 1208, hơn một nửa dân số bị chết. Về chính trị, sau sự ra đi của những
bậc trung thần, quyền lực thực sự rơi vào tay những kẻ cơ hội, biến công đường thành chỗ
trục lợi. Nhà vua thì tỏ ra yếu kém về chính trị, không nắm vững các nguyên tắc điều hành
quốc gia, lại đam mê tửu sắc và âm nhạc, bòn rút sức dân để xây cung điện, tổ chức cuộc
sống xa hoa, lãng phí, khiến cho dân chúng oán hận. Tình trạng thù trong giặc ngoài trở nên
phổ biến. “Triều đình cuối đời nhà Lý, - Nguyễn Đăng Thục đúc kết, - không còn chi là
nghiêm trang, chẳng khác gì vua tôi trên sân khấu, nếu chẳng phải điên cuồng. Mà quả thật
điên cuồng vì vua Thần Tông mắc bệnh hóa hổ, Cao Tông dâm dật chơi bời, Huệ Tông hóa
điên để đến nỗi cả một cơ đồ Đại Việt phải trao vào tay một người con gái mới lên bảy
tuổi” . Kinh tế, chính trị mà như thế thì giáo dục bị xem nhẹ là điều hiển nhiên. Những người
hiển đạt, theo Nguyễn Đăng Thục, dùng kiến thức của mình để “y a phụ họa” kẻ gian thần,
thu vén lợi ích riêng, giữ vững địa vị, mà xem nhẹ việc “mở rộng học vấn, bồi dưỡng khí
tiết”. Sự mù quáng và vô trách nhiệm của nhà vua đã khiến cho các bậc hiền tài bị truy bức,
vùi dập, hoặc bị vô hiệu hóa trong các dự án cải cách. Trong bối cảnh ấy, việc phế bỏ nhà
Lý, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đều được hiểu như giải pháp không thể trì hoãn. Tình
thế hai chọn một trong thực tiễn chính trị gắn với những nhu cầu cấp bách, mà việc giải
quyết nó dẫn tới khả năng phủ định, loại bỏ cái lỗi thời, không phù hợp. Nó diễn ra một khi
lực lượng đang chiếm địa vị thống trị tỏ ra bất lực, còn lực lượng chịu thống trị thì không thể
chấp nhận thực trạng của mình. Tuy vậy trong nhiều trường hợp tình thế ấy không đưa đến
bước ngoặt về quyền lực, nếu thiếu vai trò của người tổ chức. Vào cuối thời Lý, bước ngoặt
trong diễn biến chính trị được thực hiện nhờ những điều kiện khách quan lẫn năng lực tổ
chức của cá nhân. Hình thức phế truất, nhường ngôi phản ánh sự chuyển giao quyền lực hết
sức cổ điển theo kiểu phong kiến, chuyển từ dòng họ này sang dòng họ khác, song xét thực
chất lại phản ánh trung thực bầu không khí chính trị - xã hội ở buổi giao thời, nghĩa là thể
hiện tính tất yếu khách quan. Phế truất nhà Lý đang suy thoái chính là loại bỏ một chướng
ngại trên con đường phát triển của dân tộc, nhằm khắc phục sự khủng hoảng lòng tin, sự
suy giảm nội lực và sự mất phương hướng chính trị ở một bộ phận dân chúng. Nhu cầu giữ
vững thế nước là cái chung, còn phương thức đoạt lấy quyền lực từ triều đại nhà Lý sang
nhà Trần lại đòi hỏi những bước đi cụ thể. Tương tự như vậy, xu thế không đảo ngược của
đất nước vào đầu thế kỷ XIII là phải phế bỏ nhà Lý, nhưng việc “đọc” và xử lý các tình

huống chính trị lại cần đến sự nhạy bén và tài quyết đoán của cá nhân, của một nhóm đại
diện cho xu thế mới. Cá nhân kiệt xuất đó là Trần Thủ Độ - một hiện tượng ngẫu nhiên
trong điều kiện lịch sử tất yếu. Trong trường hợp này cái ngẫu nhiên chuyển hóa thành cái
tất nhiên.
2. Trần Thủ Độ không phải là nhà tư tưởng pháp trị, mà là người thực hành pháp trị. Ở một
đất nước như Đại Việt, nơi mà hoà bình chỉ là những chặng nghỉ giữa những cuộc chiến
chống ngoại xâm, thì tính quyết đoán, dứt khoát trong xử lý tình huống chính trị không chỉ
cần thiết, mà còn cấp bách, vì nó góp phần cứu vãn cả cơ đồ dân tộc một cách có hiệu quả.
Trần Thủ Độ, theo Đại Việt sử ký toàn thư, được phú bẩm một tố chất đặc biệt. Ông “không
có học vấn, nhưng tài lược hơn người” . Tài lược trong những hoàn cảnh đặc biệt không cần
được đào luyện một cách căn bản, chính quy, không cần được chuẩn bị theo một lộ trình
định sẵn. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng
minh điều đó qua các hình tượng huyền thoại lẫn hiện thực, từ Thánh Gióng đến các triều
đại Đinh, Lê, Lý, Trần và thời đại Hồ Chí Minh.
Sự thay thế nhà Lý bởi nhà Trần không chỉ nhằm ổn định chính trị trong nước, mà còn chuẩn
bị đối phó với nguy cơ ngoại xâm luôn rình rập. Trong tình thế “tồn tại hay là chết” đối với
vận mệnh dân tộc, việc phế bỏ nhà Lý dưới hình thức nhường ngôi dường như trái với hệ
thống các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo, nhưng lại đem đến hiệu quả thực sự, vượt xa
khuôn khổ của những lợi ích tông tộc hẹp hòi, hơn nữa gắn lợi ích tông tộc nhà Trần với lợi
ích “trăm họ”, lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, mặc dù “Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ
mưu sức của Trần Thủ Độ” , song không vì thế mà ông tập trung quyền lực vào tay mình,
dẫn tới lộng quyền. Ngược lại, sau thời gian thay vua trẻ chấp chính, ông từng bước trả lại
công việc ấy sau khi Thái Tông trưởng thành. Trần Thủ Độ luôn thể hiện mình là người
phụng sự trung thành triều đại nhà Trần, qua đó phụng sự đất nước theo tinh thần trung
quân ái quốc truyền thống. Sự đoàn kết của vua tôi nhà Trần là sự đảm bảo cho sức mạnh
của dân tộc. Vua Thái Tông từng nói với các tôn thất: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông,
người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài
có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là
đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho
con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc” .

Các nhà nghiên cứu gọi Trần Thủ Độ là một hiện tượng cá biệt lịch sử, nhưng đó là cá biệt
trong xu thế vận động phổ biến, mà hành vi phế nhà Lý, lập nhà Trần chỉ là một thao tác
chính trị nằm trong kịch bản đã vạch sẵn.
Pháp trị của Trần Thủ Độ trong thời điểm chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần
chứa đựng nhiều nội dung tích cực: thứ nhất, xem ổn định chính trị, thống nhất quốc gia là
điều kiện tiên quyết của sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước; thứ hai, xem
sự củng cố vương quyền, đoàn kết nội bộ triều đình là cơ sở cho sự đoàn kết toàn dân; thứ
ba, lấy kỷ cương nghiêm minh, thượng tôn luật pháp, kết hợp với phương pháp nêu gương,
làm kế thu phục nhân tâm; thứ tư, linh hoạt và uyển chuyển trong xử lý tình huống, biện
chứng “thời biến pháp biến”; thứ năm, lấy tính thực tiễn và tính hiệu quả làm thước đo cho
đường lối trị quốc, khiến cho dân “vừa kính vừa sợ”.
“Cứu cánh biện minh cho phương tiện” - nguyên tắc chính trị mà N. Makiơvêli (Machiavelli)
nêu ra vào cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, gắn với mục tiêu xây dựng quyền lực mạnh,
thống nhất nước Y , không có gì mới, nếu đem so sánh với “công nghệ quyền lực” đặc sắc
của Trần Thủ Độ tại Đại Việt trước đó ba thế kỷ! Để thống nhất quốc gia, Trần Thủ Độ sẵn
sàng trấn áp những thế lực cát cứ. Để củng cố vương triều nhà Trần, Trần Thủ Độ sau khi
cướp ngôi đã bức tử Lý Huệ Tông, cho dù vị vua bị phế truất này đang tìm kiếm sự thanh
thản nơi cửa Phật. Để tránh húy và “dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý”
ông cho đổi họ tộc nhà Lý thành nhà Nguyễn. Đến tháng 8 năm 1232 ông ra lệnh giết hết
tôn thất nhà Lý. Ngay trong gia tộc họ Trần ông cũng thực hiện một việc trái với luân
thường đạo lý là cướp vợ của Trần Liễu . Sau cùng, Trần Thủ Độ chủ trương con gái nhà Trần
phải lấy người trong họ. Bàn về những hành vi vô luân và cực đoan như thế, Song Bằng
đánh giá: “Đó là một việc loạn luân cổ lai chưa từng có, nhưng đối với Trần Thủ Độ là người
chỉ biết hết lòng hy sinh cho nước và đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân, đối
với một người chỉ muốn nhà Trần gây dựng bằng một căn bản bền vững thì vượt qua thói
thường của quần chúng, Trần Thủ Độ hẳn là có một quan niệm nhân sinh rất khác đời” Dù
kiên quyết “vượt qua thói thường” của ý thức dân chúng, song nhìn chung Trần Thủ Độ tin
vào dân, nhận thấy ở đó sức mạnh đoàn kết, thống nhất, chứ không cảnh giác đến mức
nhìn đâu cũng thấy “tính ác” như Hàn Phi, và cả Makiơvêli nữa! Nhà Trần dựa vào dân mới
trở nên cường thịnh, giữ được vận nước. Ngay cả những kẻ gây loạn, cát cứ, ông tìm mọi

cách xử sự hợp lý nhất, tránh tổn thất cho dân lành.
Sau khi giải quyết các vấn đề triều chính, loại bỏ các hiểm họa gia tộc, bình ổn tình hình tôn
thất nhà Trần, Trần Thủ Độ bắt tay vào việc chấn hưng đất nước, từ kinh tế, chính trị đến
văn hóa và giáo dục. Tinh thần pháp trị được thể hiện rõ nét qua những cải cách từ hạ tầng
cơ sở đến chính quyền trung ương. Trong quá trình tổ chức bộ máy chính trị Trần Thủ Độ
xem xã, thôn là đơn vị hành chính cơ sở tập quyền, công khai hóa mọi việc thông qua các
cuộc họp làng, gắn kết trực tiếp với uy quyền nhà vua. Có thể nhận thấy ở đây những yếu
tố dân chủ pháp trị nguyên thủy, được tiếp tục phát huy ở các đời vua sau, triều đại sau.
Dân chủ làng xã Đại Việt được nhà Trần, mà người góp công khai sinh là Trần Thủ Độ, nâng
lên thành nguyên tắc cơ bản của đời sống chính trị, biến những biểu hiện dân chủ tự phát
trong sinh hoạt cộng đồng thành tính tất yếu, thành chỗ dựa vững vàng cho các quyết sách
của nhà vua. Nó phát huy hiệu quả to lớn đặc biệt trong quá trình huy động nguồn lực
chống quân xâm lược Nguyên - Mông trong nhiều thập niên, buộc chúng từ bỏ dã tâm bành
trướng xuống vùng Đông Nam Á. Lịch sử còn khắc ghi lời Trần Thủ Độ vấn an nhà vua khi
quân xâm lược tràn vào nước ta: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” . Sở
dĩ Trần Thủ Độ khẳng khái tuyên bố như vậy, vì ông tin vào lòng dân và sức dân như tin vào
chính bản thân mình. Pháp trị của Trần Thủ Độ gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, thượng tôn
pháp luật gắn liền với chính sách đoàn kết toàn dân, hướng đến mục tiêu chung là độc lập
dân tộc và phát triển đất nước.
Pháp trị của Trần Thủ Độ không phải là thứ pháp trị hoàn toàn dựa trên những quy chuẩn và
luật lệ bất di bất dịch, thiên về hình phạt, răn đe, mà kết hợp với giáo dục, cảm hóa con
người. Ông và vua tôi nhà Trần cố gắng dung hòa pháp trị với đức trị, mặc dù vào thời kỳ
đầu yếu tố thứ nhất được đề cao hơn vì mục tiêu củng cố quyền lực. Bản thân hình pháp,
theo Trần Thủ Độ, cũng cần được chỉnh đốn thường xuyên bằng văn bản, được thể chế hóa,
loại bớt sự tùy tiện, tính cục bộ địa phương trong việc thi hành. Giáo dục được xem là quốc
sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, phát hiện, bồi dưỡng hiền tài cho đất nước, còn trình
độ học vấn được xác định là tiêu chuẩn ưu tiên trong việc chọn nhân sự cho chính quyền.
Năm 1227, Trần Thủ Độ cho tổ chức thi Tam giáo tử, đào tạo những người nối nghiệp Nho
giáo, Đạo giáo và Phật giáo; năm 1228 cho thi lại viên, hiểu như một cách tuyển chọn công
chức; năm 1232 tổ chức thi Thái học sinh; năm 1247 thi Tam khôi, và những cuộc tuyển

chọn khác. Trần Thủ Độ cũng đưa ra chính sách khẩn hoang, khuyến khích mở rộng ngành
nghề, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sửa sang đền miếu, chùa chiền, tôn trọng tự do tín ngưỡng,
nhờ đó đã tạo được lòng kính trọng trong các tầng lớp nhân dân.
Nét son trong pháp trị Trần Thủ Độ là tinh thần công bằng, bình đẳng, “quân pháp bất vị
thân”, trái hẳn với quan điểm Nho giáo, với đạo đức hóa chính trị một cách vô nguyên tắc.
Thượng tôn luật pháp và tính khách quan trong hành xử đã tạo nên một Trần Thủ Độ đầy
quyền uy, nhưng cũng rất đáng nể trong con mắt “trăm họ”. Câu chuyện sau đây càng
chứng minh điều đó. Một lần, vợ Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu ngồi kiệu đi qua thềm
cấm mà không xuất trình thẻ, bị quân thị vệ ngăn lại, đã khóc với Trần Thủ Độ rằng bà bị
làm nhục trước quân sỹ. Trần Thủ Độ giận dữ, sai quân đi bắt người lính ấy. Người thị vệ
nghĩ mình chết đến nơi, nên đã trình bày toàn bộ sự việc. Nghe xong, Trần Thủ Độ nói:
“Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”, sau đó lấy vàng bạc thưởng
rồi cho về. Có lần, nhân lúc Trần Thủ Độ xét duyệt số hộ khẩu, quốc mẫu xin cho người thân
một chức dịch nhỏ trong xã, ông gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt
đến xã ấy, tên ấy, đối tượng mừng rỡ chạy đến. Trần Thủ Độ liền đưa ra hình phạt “chặt một
ngón chân để phân biệt với người khác”. Đối tượng van xin mãi mới được tha. Từ đó không
ai, dù là người thân, dám xin chức xin quyền và bổng lộc ở Trần Thủ Độ. Thái Tông có lần
muốn cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tề tướng. Trần Thủ Độ tâu: “An Quốc
là anh thần, nếu cho là giỏi thì thần xin trí sỹ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể
cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao? Vua nghe ra,
không bàn đến chuyện đó nữa” .
3. Trong pháp trị của Trần Thủ Độ có cả các yếu tố pháp, thế và thuật, nhưng không quá
cứng nhắc về pháp, không quá lạm dụng thế, và thuật dùng người của ông hết sức minh
bạch, không có chỗ cho những kẻ gian thần. Sự thực hành pháp trị trong những thời điểm
mang tính bước ngoặt như cuối Lý, đầu Trần cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, khả năng bao
quát, nắm bắt tình huống và chớp lấy thời cơ của Trần Thủ Độ. Đó là phép biện chứng tự
phát trong “công nghệ quyền lực”, mà thiếu nó sẽ không có những bước đi vừa táo bạo,
mạnh mẽ, lại vừa tinh tế, uyển chuyển, biết mình biết người, nhằm đạt đến hiệu quả cao
nhất. Nhưng đâu là hiệu quả cao nhất, theo cách suy nghĩ của Trần Thủ Độ? Dõi theo quãng
đời đứng ở đỉnh cao quyền lực của Trần Thủ Độ có thể thấy rằng mọi quyết sách chính trị

của Trần Thủ Độ đều dựa trên lợi ích của nhà Trần và của quốc gia. Phần lớn các quyết sách
đều tỏ ra hợp lý do được cân nhắc kỹ lưỡng, bám sát vào điều kiện hiện thực. Ngay cả
những hành xử phi đạo đức mà ông thực hiện ở buổi đầu xác lập nhà Trần cũng được người
đời tha thứ, vì xét đến cùng, trong những trường hợp đó cái “có thể” và cái “cần phải” gắn
kết với nhau, trong đó cái sau chi phối cái trước. Sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị của Trần
Thủ Độ qua cách thức sử dụng quyền lực chính trị đã tạo nên điểm xuất phát cho sự phát
triển lâu dài của nhà Trần - một trong những triều đại hiển hách, vẻ vang, nhiều cống hiến
nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Trần Thủ Độ là một chân dung mâu thuẫn, phản ánh một trang sử đầy biến động trong pho
sử chứa đựng nhiều điều lạ lùng, thú vị mà các thế hệ người Việt lập nên. Trần Thủ Độ
không có học vấn, nhưng không bài xích Nho gia, đốt sách thánh hiền như Tần Thủy Hoàng
bên Trung Quốc, mà lại quan tâm thiết thực đến việc nâng cao dân trí, trọng dụng nhân tài,
chủ trương phát triển giáo dục như một trong những yếu tố góp phần nâng cao uy thế quốc
gia; Trần Thủ Độ cướp vợ của người khác, gây nên nhiều mối bất hòa lớn trong dòng họ,
song lại được chính những người trong cuộc tìm cách gạt sang bên để lo nghiệp lớn; Trần
Thủ Độ có lúc nắm trong tay quyền lực hầu như tuyệt đối, nhưng không lạm dụng nó, mà
một lòng phò vua giữ nước. Đó là một con người mâu thuẫn hiếm có và tài lược hiếm có
trong lịch sử .
Bài học sâu sắc nhất mà Trần Thủ Độ để lại cho các thời đại sau là: không thể vận dụng
đường lối và nguyên tắc pháp trị một cách máy móc, mà cần dựa trên sự hiểu biết thời thế,
bản tính con người, biết cách thu phục nhân tâm, thống nhất lợi ích cá nhân với lợi ích cộng
đồng, đoàn kết và đồng thuận toàn xã hội vì lợi ích chung. Pháp trị máy móc làm sao khơi
dậy được nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh chống Nguyên -
Mông, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ? Pháp trị máy móc làm sao củng cố được
nhà Trần, biến nó thành đầu mối của các quan hệ xã hội tích cực trong thời điểm đầy thách
thức đối với vận mệnh dân tộc? Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những cải cách chính trị dù
hấp dẫn đến đâu mà không biết thu phục nhân tâm thì không thể đi vào cuộc sống một cách
phổ biến và bền vững.
Pháp trị của Trần Thủ Độ khác với pháp trị của Hàn Phi bên Trung Quốc cổ đại, vì Trần Thủ
Độ không chỉ đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp, chủ trương mọi người đều bình đẳng

trước pháp luật, mà còn cùng với nhà Trần biết hướng đến “thứ dân” với chủ trương “an
dân, giáo dân, dưỡng dân, bảo dân”, vốn được xem là một trong những nguyên tắc của Đức
trị Khổng - Mạnh. Cả Nho gia lẫn Pháp gia, một khi đã du nhập vào Việt Nam, thì đều chịu
sự “khúc xạ” bởi bản sắc Việt Nam, chịu bản địa hóa cho phù hợp với đạo lý Việt Nam. Đó là
một mặt. Mặt khác, cần thấy rằng Trần Thủ Độ là người không sính điển tích bên Trung
Quốc, mà chỉ đơn giản thực hành đường lối pháp trị qua cách nhìn của người đời. Do đó nếu
nói rằng Trần Thủ Độ đã đọc Pháp gia Trung Quốc để vận dụng vào Đại Việt là thiếu cơ sở,
và thiếu cả lòng tự hào dân tộc. Chính vì không bị ràng buộc với Pháp gia như một hệ thống
quan điểm trị nước, một triết lý chính trị, nên pháp trị của Trần Thủ Độ tỏ ra uyển chuyển,
hiệu quả và linh hoạt. Pháp trị của Trần Thủ Độ, với tính linh hoạt đó, đã hướng đến yếu tố
dân chủ tự phát trong đời sống của người dân Đại Việt, rồi từ đó được vua tôi nhà Trần nâng
lên thành đạo lý trị nước, nhờ đó mà giữ được nước. “Dân là gốc nước” không hẳn là sự kế
thừa từ Nho gia, như nhiều người vẫn suy nghĩ một cách đơn giản theo thân phận nhược
tiểu, chỉ biết tiếp thu, cải biến những gì được tạo ra từ bên ngoài. Trái lại, “dân là gốc nước”,
trước khi được khái quát thành quan điểm chính trị, đã được minh chứng qua lịch sử, qua
sinh hoạt của các cộng đồng người Việt. Một đằng là hình thức dân chủ nguyên thủy nảy
sinh một cách tự phát trong quan hệ làng - xã Việt Nam, mà không một thế lực ngoại xâm
nào phá vỡ được, ngay cả thời Bắc thuộc hàng ngàn năm. Đằng khác là sự nhận thức về sức
mạnh của dân, về dân như nền tảng của hưng thịnh quốc gia, trên cơ sở của chất liệu lịch
sử. Ở phương diện này chúng ta đề cập đến tính kế thừa trong tư tưởng, đến việc hội nhập
của Nho gia, Pháp gia, Lão gia, Phật giáo v.v vào Việt Nam. Nhưng Trần Thủ Độ gắn kết
quá trình thực hành pháp trị của mình không phải với tư tưởng “dân vi bang bản” hay “dân
vi quý” do ông học được từ Khổng - Mạnh, mà với sự thực hành chính sách an dân xuất phát
từ nhu cầu và lợi ích quốc gia Đại Việt. Sau này, cho dù Thái Tông, Thánh Tông, Hưng Đạo
Đại Vương Trần Quốc Tuấn, hay Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu và nhiều nhà trí thức
Nho học khác trích dẫn điển tích của lịch sử Trung Quốc để làm cho quan điểm của mình
thêm sống động, thuyết phục, thì mục đích cuối cùng vẫn là con người Việt Nam, dân tộc
Việt Nam, thực tiễn xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, Người vận dụng nhiều
diễn đạt của Nho giáo cũng chỉ vì chúng phù hợp với cách nghĩ phổ biến, nhưng không bị
Nho giáo hóa trong phong cách tư duy và định hướng tư tưởng.

Trở lại với Trần Thủ Độ, có thể thấy rằng thành công trong thực hành pháp trị của ông, tạo
đà cho sự hưng thịnh sau này của nhà Trần, là không bị đặt trong khuôn khổ chật hẹp của
pháp trị như một đường lối đối lập với đức trị. Hơn nữa, pháp trị hay đức trị, xét đến cùng,
chỉ là một cách nhấn mạnh tính khuynh hướng trong đường lối trị nước, bởi lẽ trên thực tế
không tồn tại cái gọi là nền chính trị pháp trị thuần túy hay nền chính trị đức trị thuần túy,
mà luôn luôn có sự gắn kết và phản biện lẫn nhau, trong đó tinh thần thượng tôn luật pháp
vẫn là một tiêu chí không thể thiếu đối với bất kỳ quốc gia nào. Chẳng phải ngẫu nhiên mà
vua tôi nhà Trần dù theo Phật giáo, nhưng vẫn phải chú trọng đến hình phạt nghiêm khắc.
“Hình pháp nhà Trần rất tàn khốc, - Phan Huy Chú viết, - kẻ ăn trộm và kẻ trốn tránh thì bị
chặt ngón chân giao cho người (sự chủ) được thoả ý (xử trị) hoặc cho voi giày chết” . Về
phần mình thượng tôn luật pháp mà bất chấp điều kiện thực tế, không biết dựa vào lòng
dân và sức dân, thì không sớm thì muộn sẽ thất bại. Hồ Quý Ly là một bài học thất bại về
đường lối pháp trị cố chấp và một chiều, mặc dù tư tưởng cải cách của ông là không thể phủ
nhận. Thất bại trước tiên là tính không thể biện minh cho hành vi cướp ngôi nhà Trần
(1400). Hành vi đó được thực hiện mà bỏ qua điều kiện thực tế, không nhận thức đúng tình
huống chính trị và thái độ của dân chúng, cũng như các yếu tố khách quan khác. Thất bại
tiếp theo là Hồ Quý Ly đã bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của Nho học, đã thực hành pháp
trị quá tàn khốc, gây nên sự thú oán trong dân, sự phản ứng của một bộ phận giới quý tộc.
Cuối cùng, mặc dù mục tiêu của những cải cách do Hồ Quý Ly khởi xướng vẫn là củng cố thế
nước và làm yên dân (chú trọng giáo dục, nâng đỡ dân nghèo v.v…), song vẫn chưa đủ sức
kéo quần chúng về với mình. Để mất lòng dân - đó là thất bại đau đớn nhất, là nguyên nhân
sâu xa của thất bại trước quân Minh. Hồ Nguyên Trừng, con trai trưởng của Hồ Quý Ly, đã
nói với vua cha khi quân Minh xâm lược: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo
thôi” . Tình thế này hoàn toàn khác với khí thế sôi sục của “Sát Thát” và Hội nghị Diên Hồng
vào thời kỳ chống quân Nguyên - Mông do nhà Trần lãnh đạo.
Đã 736 năm sau khi Trần Thủ Độ mất, cuộc tranh luận về tính hợp lý của pháp trị hay đức
trị đã lùi vào dĩ vãng, cũng như tư tưởng trung quân ái quốc, đặc trưng cho ý thức hệ phong
kiến, đã không còn đóng vai trò tích cực nữa: nó bị vượt qua ngay từ cuối thế kỷ XIX trước
sự xâm lăng của thực dân Pháp và sự phản tỉnh của dân tộc. Đất nước Việt Nam đang bước
vào thời kỳ phát triển mới, với những bước đi phù hợp với quá trình hội nhập và toàn cầu

hóa, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nước ta là
một nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, mọi lợi ích đều hướng tới dân. Xu thế
lịch sử là không thể đảo ngược. Song, những bài học do quá khứ để lại, trong đó có bài học
về phép trị nước, về đoàn kết như tiền đề của thành công trong sự nghiệp dựng nước và giữ
nước, về ổn định chính trị như cơ sở để phát triển kinh tế, về sự kết hợp giữa kỷ cương với
giáo hóa con người, tiếp tục gia nhập vào cái toàn thể sống động tiến về phía trước trong
hành trang của dân tộc ta. Đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân, việc tìm hiểu một lần nữa hình
ảnh Trần Thủ Độ - người thực hành pháp trị có hiệu quả trong thời điểm chuyển giao quyền
lực từ nhà Lý sang nhà Trần, tạo tiền đề cho quá trình phát triển không chỉ của nhà Trần,
mà còn của cả nước Đại Việt, gợi mở ở mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa
truyền thống và hiện tại, giữa cái đã qua và cái đang đến trong một dòng chảy lịch sử
không phân chia.

×