TRIẾT LÝ XUẤT THẾ VÀ NHẬP THẾ TRONG THI CA VIỆT NAM
Hai ý tưởng xuất thế và nhập thế, vô vi và hữu vi ở các nhà xã hội học tâm lý ngày nay là
trỏ vào hai thái độ nhân cách người ta trong phạm vi xử thế tiếp vật, tức là trong nhân sinh
hành vi ở nhân quần xã hội vậy.
Nhà xã hội học Mỹ Conklin, phân nhân cách ra làm ba loại là: nhân cách ngoại hướng
(extrovert), nhân cách nội hướng (introvert), và nhân cách triết trung (ambivert). Theo định
nghĩa của ông thì nhân cách ngoại hướng trỏ vào hạng người mà nhất thiết tư tưởng hành
động đều xu hướng phát biểu ra ngoài sẵn sàng tiếp thu mọi kích thích của giác quan, hay
ưa hoạt động mà không thích tư duy, trầm tư mặc tưởng. Những nhân cách thuộc về loại
này, theo Conklin thì tất cả sức chú ý thường bị những điều kiện khách quan bên ngoài nó
chế ngự chi phối.
Trái hẳn lại với nhân cách ngoại hướng là nhân cách nội hướng nhất thiết tư tưởng cùng
hành động đều có xu hướng quay trở vào, để tập trung sự chú ý và không hay để cho những
kích thích bên ngoài lôi kéo. Hạng người này rất sở trường về tưởng tượng và trầm ngâm tư
lự, không ưa hoạt động, không phóng tâm. Theo ý kiến của Conklin thì tất cả sức chú ý tinh
thần của nhân cách nội hướng thường không bị những điều kiện khách quan bên ngoài nó
chi phối.
Ở giữa hai hạng nhân cách ngoại hướng và nội hướng ấy là hai tiêu biểu cực đoan thì có
hạng triết trung thường là phần đông trong nhân loại. Đối với hạng nhân cách này thì bao
nhiêu lực chú ý của tinh thần hoặc bị điều kiện khách quan, hoặc bị điều kiện chủ quan chi
phối nhiều hay ít, nhưng thường ra thì điều kiện chủ quan của họ có thể dùng cho sự biểu
hiện nhân cách hoặc ra ngoài, hoặc vào trong, đều có thể được cả, tuỳ theo trường hợp.
Theo định nghĩa trên đây, chúng ta có thể xếp thái độ xuất thế vào loại nhân cách nội hướng
(introvert) và nhập thế hữu vi vào loại nhân cách ngoại hướng (extrovert). Còn thái độ
trung dung tức là loại nhân cách triết trung (ambivert) vậy.
Khỏi phải nói ba thái độ ấy đã chi phối tư tưởng và hành động của nhân loại Đông phương
một cách rõ rệt từ cổ lai, đến nỗi ngày nay muốn tìm một định luật tiến hóa trong lịch sử tư
tưởng Đông phương ở Ấn Độ, ở Trung Hoa hay ở Việt Nam chúng ta, tưởng như có thể lấy
hai thái độ xuất thế vô vi và nhập thế hữu vi làm cái quy mô để phô diễn sự tiến triển của
triết lý nhân sinh chung cho cái tư tưởng Đông phương và riêng cho tư tưởng Việt Nam
chúng ta nữa vậy.
Khổng Phu Tử trong một đoạn Luận Ngữ đã định rõ thái độ của mình đối với các loại nhân
cách nhập thế và xuất thế như sau:
“Dật dân. Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên. Tử viết:
bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân, Bá Di, Thúc Tề dư; Vị Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, giáng chi
nhục thân hỹ; ngôn trùng luân, hành trúng lự, kỳ tư nhi dĩ hỹ. Vị Ngu Trọng, Di Dật ẩn cư,
phóng ngôn, thân trùng thanh, phế trùng quyền. Ngã tắc di ư thị. Vô khả vô bất khả” (Luận
ngữ)
Nghĩa là:
“Hạng người ẩn dật là Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu
Liên – ngài nói: không chịu khuất chí mình, không chịu nhơ đến thân mình, phải chăng là
nhân cách của Bá Di, Thúc Tề? Về Liễu Hạ Huệ và Thiếu Liên thì bảo là chịu khuất chi mình,
chịu nhục đến thân mình vậy. Nói ra thì hợp luân lý, làm thì hợp tri lự, chỉ có thế mà thôi.
Ngài bảo bốn ông Di Dật và Ngu Trọng là ở ấn nói phóng, giữ mình được trúng đạo quân
bình. Còn ta thì khác, không có gì là nên hẳn, không có gì là không nên hẳn”.
Xem như thế thì biết rằng tư tưởng của họ Khổng thuộc về nhân cách triết trung (ambivert)
hay là trung dung cốt lúc nào cũng cố giữ được quân bình thời trung trong cái thế giới luôn
luôn biến dịch, tiến hóa chứ không tĩnh chi cố định.
Còn Bá Di, Thúc Tề hay Ngu Trọng, Di Dật là thuộc về hạng nhân cách xuất thế, đem tất cả
sức chú ý của tinh thần về nội hướng (introvert). Và Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên là nhập thế và
ngoại hướng (extrovert).
Ở Ấn Độ cũng có thể lấy những nhân cách xuất thế, nhập thế, tiết trung làm mục tiêu để
nghiên cứu lịch trình tiến hóa của tư tưởng truyền thống. Hạng thi sĩ ẩn dật Rishis của thời
Veda thuộc về nhân cách xuất thế nội hướng. Hạng võ sĩ hay tại gia là nhân cách nhập thế
ngoại hướng, và hạng làm việc đời cho đến khi về già thì bỏ nhà đi tu, ấy là thuộc về nhân
cách triết trung. Đại khái nền triết học tâm linh thực hiện của Ấn Độ đều căn cứ vào ba
khuynh hướng của tính lực tự nhiên ở nhân loại là Động (Rajas), Tĩnh (Tamas) và Hòa
(Sattva).
Lấy ngay cuộc đời của Đức Thích Ca mà nói, thì khi Ngài ở cung điện là nhân cách nhập thế
ngoại hướng, khi Ngài bỏ nhà vào rừng nhất trí tiềm tu là xuất thế nội hướng, còn khi Ngài
không đi thẳng vào Niết Bàn mà lại quay về với nhân quần xã hội vì lòng từ bi bác ái đối với
chúng sinh, là nhập thế ngoại hướng. Ba giai đoạn ấy đủ chứng tỏ nhân cách của Đức Phật
Thích Ca là thuộc về hạng triết trung hay trung đạo vậy.
Đạo sĩ Swami Vivékananda có bình luận tường tận hai con đường xuất, nhập, ở bộ sách
Karma-Yoga như sau:
“Ở trong các kinh sách của nước tôi người ta có vạch ra hai phương tiện, một đường gọi là
Neti Neti “không phải cái này, không phải cái này”, và một đường khác là “cái này”. Con
đường thứ nhất là phủ nhận, còn con đường thứ hai là khẳng nhận. Con đường phủ nhận là
con đường khó khăn lắm. Nó chỉ thích hợp cho những người có một tinh thần cao siêu đặc
biệt với một ý chí vĩ đại, hạng người đứng phắt dậy và tuyên bố một cách giản dị: “không,
tôi không muốn cái này”. Cả tinh thần và thân thể họ phục tùng ý chí của họ, và nghị lực
của họ đã đưa đến hiệu quả mĩ mãn. Những hạng này hiếm có lắm. Phần lớn nhân loại chọn
con đường tích cực, con đường ở trong thế gian và họ muốn rũ tung tất cả xiềng xích, dùng
chính những xiềng xích ấy để phá xiềng xích. Đấy cũng là một loại từ chối hỷ sả, nhưng
người ta thực hiện sự hỷ sả ấy dần dần và tuần tự, bằng cách nhận biết sự vật, hưởng thụ
sự vật và như vậy rút lấy kinh nghiệm bản thân, nghĩa là bằng cách hiểu biết chân tính của
sự vật đến chừng nào mà tinh thần vứt đi hết và trở nên thản nhiên tự do.”
Đi đôi với ý nghĩa xã hội học trên đây, hai chữ Xuất Nhập còn có ý nghĩa triết học của nó
nữa.
Albert Schweitzer tiến sĩ triết học, y học và thần học là một nhà tâm linh thực hiện ở Pháp,
đã dùng ý nghĩa triết học của hai chữ Xuất thế và Nhập thế làm tiêu chuẩn nghiên cứu tư
tưởng Đông phương. Xem như ông đã mở đầu cuốn triết lý so sánh của ông xuất bản 1945
nhan đề Les Grands Penseurs de l’Inde (Những đại gia tư tưởng của Ấn Độ).
“Ở Âu châu có một sự không hiểu lớn về các lối tư tưởng khác với tư tưởng của chúng ta, và
nhất là về tư tưởng của Ấn Độ. Chúng ta thấy khó gần với tư tưởng này vì trong ấy sự phủ
nhận cuộc đời và thế gian chiếm địa vị quan trọng, quan niệm có vẻ xa lạ ở tại nơi căn bản
với tư tưởng Tây phương cận đại lấy nguyên tắc là sự khẳng nhận đời sống và thế gian.
Nói khẳng nhận đời sống và thế gian, chúng tôi trỏ vào thái độ của hạng người đã thuận thụ
đời sống và thế gian, của người nào nhìn đời sống theo như đã ý thức ở tại chính bản thân
của mình, và theo như y đã cảm thấy ở trong vũ trụ, cho đời sống tự nó có một giá trị và do
đấy cố gắng để bảo thủ lấy, để đưa đến chỗ hoàn toàn riêng biệt của nó và để bảo đảm cho
nó được phát triển đầy đủ.
Nói phủ định đời sống và thế gian, chúng tôi hiểu thái độ của hạng người nhìn đời sống in
như nó ý thức được ở chính thực thể mình, và đúng như nó cảm thấy ở trong vũ trụ, thì cho
rằng đời sống không có chút ý nghĩa và đầy đau khổ, và do đấy mà đi đến chỗ huỷ hoại ý
chí ham sống ở mình và từ chối mọi hoạt động có tính cách tạo ra những điều kiện sinh sống
tốt đẹp hơn cho nó và cho những sinh linh khác nữa”.
Vậy ý nghĩa triết học của xuất thế và nhập thế là hai quan điểm nhìn sự vật hay là vũ trụ
quan. Quan điểm xuất thế tức là vô vi như ở Lão Tử không cho thực tại là chỉ có ở hiện
tượng hữu hình, thiên si vạn thù do cảm giác đem lại cho ta mà lại chú ý tìm ở đàng sau
hiện tượng đa nguyên biến đổi cái bản thể bất biến duy nhất miên tục gọi là Thường Đạo,
Thường Danh.
Còn quan điểm nhập thế có thể gọi là hữu vi thừa nhận sự vật hữu hình là có thật một cách
tương đối hay tuyệt đối. Khổng Tử thuộc về phái hữu vi nhập thế. Nhưng chỉ coi thế giới
hiện tượng hữu hình là có thật một cách tương đối thuộc về hình nhi hạ mà dùng làm
phương tiện, làm cái bè vượt bể sang sông đến thế giới hình nhi thượng của đạo tâm duy
nhất. Như vậy là Ngài chính thức thuộc về hạng Ambivert tức Trung Dung.
Trong bài thơ tuyệt tác của bà Huyện Thanh Quan trong nước ai cũng hâm mộ, chúng ta
thấy cả một chuyển vận tư tưởng của bà đi từ hữu vi vào vô vi, từ ngoại hướng vào nội
hướng:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.
Ở hai câu này bà chợt bước đến chỗ sự vật cụ thể, cảnh sắc hữu hình nó xúc động vào cảm
giác làm cho bà phải chú ý đến:
Lang thang dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Ở đây bà vẫn còn chú ý đến hiện tượng hữu hình, nhưng đã có hơi khác là trên kia thì sự vật
vô tri, vô giác mà ở đây đã bắt đầu để ý đến sự vật sinh hoạt, tức là người với cảnh quần cư
xã hội. Cái bà chú ý ở đây là tính cách sinh hoạt với đời sống tập đoàn của nhà với chợ.
Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc.
Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia.
Đến đây bà đi thẳng vào tình đoàn thể với đạo cương thường, bà không để sức chú ý của bà
vào thực tại cụ thể nữa mà lại tiến lên trình độ luân lý hay nghĩa lý của nhân loại có tư duy.
Bà nhận sự vật không ở chỗ lẻ tẻ của chúng mà chính ở chỗ “di luân” tương quan của
chúng.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Ở hai câu kết thì thực bà đã siêu lên trên cả sự vật thực dụng lẫn nghĩa lý nhân sinh. Bà
đứng một mình đối trước với đất trời bao la mênh mông vũ trụ, bất giác bà nhập hóa với vũ
trụ thiên nhiên, mà nội hướng vào cái điểm duy tinh quy nhất ở tại chính trong “mảnh tình
riêng” mà bà cho là chân thật nhất, tồn tại nhất. Vì cái gì là thật chung quanh ta, chung quy
chỉ là “ta với ta” nó không thay đổi. Chỉ có cái bản ngã tâm linh bất biến của ta là chân thật
hơn cả, cái chân thật nằm trong vũ trụ hiện tượng, trời đất hữu hình. Thật cả một tâm hồn
cao thượng của một phụ nữ quý phái Việt Nam đã biểu diễn trong bài thơ không kém phần
cao siêu hàm dưỡng của đạo thi Tagore vậy.
Nay chúng tôi xin hợp cả hai ý nghĩ của xuất thế và nhập thế; ý nghĩa xã hội học tâm lý với
ý nghĩa triết học để nghiên cứu tư tưởng Việt Nam như đã biểu lộ ra ở các áng văn còn lưu
truyền trong sử sách, chắc hẳn phần còn lại so với phần mai một đi thì chẳng là bao đối với
một dân tộc mà lịch sử thật là một lịch sử tranh đấu không phải của giai cấp với giai cấp mà
là của dân tộc với các thế lực thiên nhiên và ngoại xâm để bảo vệ lấy sự sống còn một cách
hết sức chật vật, còn hòng đâu nghĩ đến sự bảo vệ những di tích của tinh thần. Nhưng dù
với số lượng hiếm hoi về sản phẩm tinh thần so với các nước văn minh ngày xưa hay ngày
nay, chúng ta cũng có thể dựa vào nhân cách tiêu chuẩn trên kia mà vạch ra được một phần
khả quan cái chân tướng cá tính tư tưởng truyền thống của Việt Nam vậy.
Nói đến cá tính tư tưởng Việt Nam, chắc có nhiều người cho là tưởng tượng. Ở Việt Nam làm
gì có sáng tác. Chẳng qua chỉ là tư tưởng mượn tư tưởng gia Trung Hoa, hay tư tưởng gia Ấn
Độ, chứ tự mình quá nhỏ bé ở lọt vào giữa hai khối văn hóa cổ kính vĩ đại về phẩm cũng
như về lượng thì làm gì có cá tính tư tưởng được.
Nghĩ như thế cũng rất xác đáng, bởi vì chẳng phải tìm bằng cớ đâu xa, chỉ lấy ngay một việc
hiển nhiên này là hơn mười thế kỷ chịu ảnh hưởng trực tiếp của Hán học, lại hơn mười thế
kỷ sùng bái Thánh Khổng như một bậc vạn thế sư biểu, mà trong khi ấy ở tư tưởng giới
Trung Hoa đã xuất hiện ra bao nhiêu nhà tư tưởng đặc sắc của hệ thống lý học hay tâm học,
nào Chu, nào Trình, nào Lục, nào Vương mà ở Việt Nam tuyệt nhiên không thấy xuất hiện
một hệ thống đặc biệt nào của Khổng học. Vậy mà nay dám nói cá tính tư tưởng Việt Nam
thì chẳng là ngoa ngôn hay sao?
Chính bởi vì sự thực là như thế cho nên chúng tôi trước khi đi tìm cái cá tính tư tưởng Việt
Nam khó thấy ấy, chúng tôi phải dùng cái giả định hết sức bao quát, hết sức phổ biến là giả
định về nhân cách xuất thế, nhập thế, vừa có ý nghĩa xã hội tâm lý lẫn ý nghĩa triết lý thì
mới quy định được cá tính kia vậy. Bởi vì ở văn hóa Việt Nam cũng như ở văn hóa khắp cõi Á
Đông, người ta quan niệm tư tưởng chỉ là cái bóng phản chiếu hành động mà thôi. Phương
chi đã là một nhóm nhân loại, sống trên một khu vực địa lý khí hậu có tính cách riêng biệt,
có đoàn thể và tổ chức “văn hiến chi bang” để đối phó với thiên thời, địa lợi và nhân hòa
nghĩa là biết điều hòa thích ứng với điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội thì chắc chắn là
dân tộc ấy phải có ý thức tập thể. Cái ý thức tập thể ấy tuỳ các thời đại tất nhiên phải tập
trung kết tinh và biểu hiện vào những cá nhân có thái đổ xử thế tiếp vật rõ rệt và riêng biệt
của đoàn thể và được đoàn thể công nhận là của mình và suy tôn sùng bái. Đấy là nhân
cách mô thức của dân tộc. Và chính đấy là cá tính tư tưởng của nó vậy, theo quan niệm của
phương Đông này “tư tưởng chỉ là cái bóng phản chiếu hành động”. Như thế thì ở Việt Nam
quả nhiên người ta đã sớm ý thức được cái cá tính ấy lắm, khi người anh hùng họ Lý tuyên
bố:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
( Núi sông nước Nam, vua nước Nam ở,
Rõ ràng phận đã định ở cuốn sổ trời.)
Hẳn rằng Lý Thường Kiệt đã ý thức về điều kiện địa lý tự nhiên riêng biệt của nước Việt. Ý
chí của dân tộc ấy tượng trưng vào nhà vua đã nhất quyết lấy khu vực này làm cơ sở. Điều
kiện khách quan đã tự nhiên phân biệt Bắc Nam rõ rệt, đi đôi với điều kiện chủ quan lại nhất
trí muốn riêng biệt, thì ý thức cá tính đến như thế là rõ rệt phân minh, không có cách nào
hơn nữa. Vậy chúng tôi dám bạo dạn mà quả quyết là dân tộc Việt Nam có cá tính tư tưởng.
Trải qua thời gian và không gian nó đã chịu ảnh hưởng mạnh các nền tư tưởng vĩ đại của
văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, nhưng ngấm ngầm nó vẫn ý thức cá tính của nó trong sự hăm
hở thu hóa của các tư tưởng ngoại lai.
Nay chúng tôi xin chứng minh cái cá tính ấy trong văn thơ Việt Nam theo cái quy mô nhân
cách tiêu chuẩn Xuất và Nhập, để tìm định một cách khái quát vị trí của nhân cách Việt Nam
qua các văn thơ- từ văn thơ bình dân cho đến văn thơ bác học, chọn một vài điểm trong các
áng văn được truyền tụng tỏ ra đã biểu thị được xác đáng tâm hồn chung của đoàn thể.
Trước hết chúng tôi hãy đi tìm nhân cách của thằng Bờm. Thằng Bờm là vô số nông dân Việt
Nam gồm có đến chín phần mười dân tộc, trải hàng mấy ngàn năm lịch sử kể cả tiền sử.
Tâm trạng thằng Bờm đã được diễn tả một cách linh hoạt ở trong mấy câu ca dao giản dị
sau đây:
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông gạn đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy trâu”,
Phú ông gạn đổi một xâu cá mè,
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy mè”.
Phú ông gạn đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy lim”.
Phú ông gạn đổi con chim đồi mồi,
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy mồi”.
Phú ông gạn đổi nắm xôi. Bờm cười.
Ấy đấy nguyện vọng của Bờm chỉ có thế thôi, không cao xa khó khăn gì cho lắm. Nhân cách
của Bờm hồn nhiên, chất phác và thực tế thiển cận như vậy đó. Nó không xa với đứa trẻ
ngây thơ khờ dại, không suy nghĩ xa xôi, chẳng ôm đồm nào bò, nào trâu, nào gỗ, nào cá,
nào đồ chơi xa xỉ như chim đồi mồi. Vì nó còn đang đói mà tất cả gia tài của nó chỉ có cái
quạt mo, so với gia tài của thằng Bờm Chử Đồng Tử mấy ngàn năm về trước, bố con
nhường nhau cái khố, thì Bờm ngày nay có phần tiến bộ. Nhưng lại đang đói lòng thì nắm
sôi trả lời cho nguyện vọng thiết thực. Và còn là trình độ hồn nhiên chất phác quá, sống gần
bản năng hơn là suy nghĩ tư duy, vụng về đến nỗi “ngôn bất xuất khẩu”, chưa biết diễn đạt
cái ý muốn của mình, mà phải chờ người ta đoán trúng nơi mình muốn mới nhoẻn miệng
cười mãn nguyện. Cái tâm trạng này ngày nay chúng ta còn nhìn thấy tại đám dân quê như
là ở vùng trung châu Nam, Thái, và không những dân quê, cả những dân ngày nay ra đô thị
làm ăn ở các nhà máy, chiều tối lại trở về sau luỹ tre xanh. Họ hồn nhiên chất phác đến nỗi
đã đi làm công khó nhọc đồng lương chẳng đủ nuôi vợ con mà cứ ngày tết lại đem lễ vật
đến tết từ người cai cho chí đốc công nhà máy. Có người trả lại họ không nỡ lấy bắt họ phải
đem về, thì họ khẩn khoản van lơn, bịn rịn không sao mang về được. Đối với cái tâm lý dân
quê ấy thì các quan trên mang tên “dân chi phụ mẫu” không phải là mỹ từ đâu, tự trong
thâm tâm của họ nghĩ thế, trăm sự trông lên lòng nhân từ của chính phủ như cha mẹ,
“thương cho chúng con phận nào chúng con được nhờ phận ấy”. Là hạng người sống bằng
kinh nghiệm thô thiển, gần với bản năng giàu tình cảm, quanh năm nương náu sau luỹ tre
xanh bên vũng ao tù nước đọng, chuyên cần chăm chỉ công việc đồng áng, quyến luyến làng
mạc họ hàng không muốn rời xa. Năm nào mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt đẹp họ dễ
hứng khởi sinh hoạt nồng nàn, hội hè hí hởn:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai vui nghề.
Trời ra gắng, trời lặn về,
Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân triên
Dưới dân họ, trên quan viên,
Công bình giữ mực cầm quyền cho hay.
Cái xã hội nhỏ bé thân mật ấy thực là một bản vị dân chủ trong nước, mà chế độ dân chủ
đây là chế độ tự nhiên, không lập cước trên pháp lý mà lập trên tục lệ thói quen ăn ở với
nhau giữa người thân thích, có tình trong họ ngoài làng. “Sống ở làng sang ở nước”.
Chẳng may gặp phải năm trái tiết mất mùa, thì ngoài cái biết kinh nghiệm chất phát, họ nhà
Bờm chỉ còn trông cậy vào trời mà thôi, tự mình bất lực.
Lạy trời mưa xuống.
Lấy nước tôi uống.
Lấy ruộng tôi cầy.
Lấy bát cơm đầy.
Lấy khúc cá kho.
Và tuy sống trong “tình làng”, như trong giới hạn của một chủng tộc, nó cũng không đến nỗi
để cho đầu óc địa phương che lấp mất tinh thần “nợ nước”. Cho nên tuy: luật vua thua lệ
làng, mà nó vẫn lo nghĩ bổn phận đối với nước.
Khi thời hạn hán
Khi hay mưa rầm
Khi trời gió bão ầm ầm,
Đồng điền lúa thóc mười phần được ba.
Lấy gì đong nộp nữa mà?
Lấy gì công việc nước nhà cho đang?
Lấy gì sưu thuế phép thường?
Lấy gì bổ chợ đong lường làm ăn?
Trời làm khổ cực hại dân?
Sợ trời, kêu trời, nhưng chưa biết thân mật với trời, đấy là trình độ tinh thần của Bờm.
Nhưng không phải Bờm sống u mê vật dục như cầm thú đâu. Bầu tình cảm của Bờm nồng
nàn tự nhiên, lại luôn luôn làm lụng giữa cảnh thiên nhiên như rạng đông rực rỡ, như hoàng
hôn biến đổi màu sắc, như trăng trong gió mát, ruộng lúa bát ngát, lồng lộng trời cao, cảnh
ấy tình này cũng làm cho Bờm vỗn sẵn có tính không tham lam tích trữ để trở nên cởi mở
tâm tình cho những lý tưởng anh hùng cao cả.
Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
Nhưng làm anh hùng, hay là được tiếng anh hùng không phải chuyện dễ, ai ai cũng làm
được. Cho nên Bờm chỉ muốn “an phận thủ thường”, nếu không bị các chị em họ gái nhà
Bờm khéo thúc dục.
Công danh hai chữ tờ mờ.
Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.
Bởi vì các chị em thích mơ mộng, cái mộng một bước lên bà:
Võng anh đi trước.
Võng nàng theo sau.
Cho nên các chị em mới:
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.
Nhưng Bờm ta thiết thực hơn:
Công danh theo đuổi mà chi,
Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông.
Sớm khuya có vợ có chồng,
Cầy sâu, bừa kỹ mà mong được mùa.
Xem qua như thế cũng có thể cho chúng tôi kết luận là nông dân Việt Nam cũng như nông
dân các nước thuộc về hạng người thực tế, nhưng ở đây thì họ an phận thủ thường, không
thực tế đến nỗi duy vật chỉ biết sống một đời vật dục mà thôi.
Cái nhân cách của Bờm không tham lam, rất hào hứng và biết hy sinh cho lý tưởng chính
đáng, chủ nghĩa quốc gia, anh hùng dân tộc.
Đến đây xin hãy tạm rời tầng lớp nông dân để sang văn thơ bác học của thượng lưu trí thức,
chúng ta không thấy một vực thẳm cách biệt sâu xa về tinh thần tư tưởng. Chẳng qua khác
nhau phần lớn là bề ngoài hình thức, một bên thì nôm na, một bên thì chữ nghĩa kiểu cách.
Vẫn cái tư tưởng “muôn sự của chung” ấy, vẫn cái hoài bão “anh hùng” ấy, vẫn cái ý tưởng
trông vào trời của chú Bờm trên kia, mà ở đây thì diễn tả một cáh trau chuốt cao kỳ. Như ở
bài ca của một nhà nho vô danh:
Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó thác mặc khuôn thiêng.
Hay là như ở khẩu khí của Nguyễn Công Trứ:
Có sự nghiệp đứng cùng trời đất
Không công danh nát với cỏ cây.
Hai chữ công danh ở đây không phải là hư danh, vì là ở miệng một nhà Nho đã có cả một
cuộc đời để chứng thực.
Công danh đối với cụ Nguyễn Công Trứ là thực hiện cái địa vị chân chính của mình trong cái
hòa điệu của vũ trụ như cụ thường hay nói:
Vũ trụ chức phận nội
Hay là:
Trong vũ trụ đã đành phận sự.
Chúng ta sinh ra theo ý cụ thì đều có nợ, không phải chỉ là nợ nhà, nợ nước mà còn nợ vũ
trụ nữa. Muốn tự do phải cho sạch nợ. Và do đấy nhà Nho thông đạt cũng lại kết luận như
Bờm trên kia:
Người đời thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung
Riêng nhau hai chữ “anh hùng”.
Cụ Nguyễn Công Trứ đã là hạng sĩ phu tham dự chính quyền là một phần tử giai cấp “thống
trị”. Vậy mà lại cùng với giai cấp nông dân “bị trị” ôm ấp một lý tưởng chung. Như thế chẳng
là phản với định luật “lịch sử là lịch sử giai cấp đấu tranh” của các sử gia trứ danh thế kỷ 19
đó sao.
Xã hội Việt Nam vốn là một xã hội nông nghiệp thuần tuý, trải bao lâu vẫn giữ cái chất phác
đơn giản của nó. Trong một xã hội nhân loại bắt buộc phải có sự phân chia giai cấp, kẻ tiểu
nhân người quân tử, nhưng giai cấp khởi kỳ thuỷ có ý nghĩa là phân công hợp tác vì nhu cầu
thực tế. Điều ấy ở xã hội nào cũng thấy. Giai cấp chỉ mất dần ý nghĩa chính đáng phân công
và trở nên giai cấp tranh đấu chừng nào xã hội phân hóa, các phần tử tan lìa, sinh hoạt biệt
lập, kẻ đô thị, kẻ đồng ruộng, người lịch sự, kẻ quê mùa, suốt năm suốt đời ít có dịp gặp gỡ
thân cận với nhau, dần dần trở nên xa lạ. Thế rồi thì với tính ích kỷ tham lam bẩm sinh của
nhân loại, với tính bảo thủ tập quen sẵn có, mà giai cấp phân công đã trở nên giai cấp đấu
tranh, vì thế quân bình thực tế càng ngày càng chênh lệch vậy.
Xã hội Việt Nam cho tới gần đây vẫn còn giữ tính chất thuần tuý nông nghiệp của nó. Người
giàu chẳng qua “ai giàu ba họ”? Người khó chẳng qua “ai khó ba đời”? Hơn nữa, bao nhiêu
năng lực của dân tộc còn phải tập trung vào cuộc đấu tranh với các thế lực bên ngoài, cho
nên trong nội bộ vẫn chỉ là một xã hội nông nghiệp thuần tuý, chưa phân hóa và nghèo nàn.
Phương ngôn nói: “phi thương bất phú”, ở xã hội Việt Nam ta xưa nay vẫn coi rẻ thực
nghiệp, và cũng chưa có điều kiện thuận tiện và chính trị cho sự phát triển thực nghiệp. Còn
nông nghiệp chẳng qua nhất thời sản xuất ra một vài nhà “trọc phú” không được kính trọng
lắm. Câu “bần thanh còn hơn phú trọc” đã thành phương ngôn tục ngữ. Cho nên trong cơ
cấu xã hội chỉ có hai giai cấp chính là quan trọng đáng kể: giai cấp Sĩ và giai cấp Nông. Sĩ
phu thì là Hán Nho. Nông dân thì là Bần nông. Về đẳng cấp cả hai hạng người chưa có gì
cách biệt ở cơ sở sinh hoạt thực tế cả.
Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ.
Và cụ Nguyễn Công Trứ là người trí thức từng trải cũng nhận thấy ý nghĩa phân công của
giai cấp xã hội.
So lao tâm, lao lực, cũng một đoàn.
Người nhân thế muốn nhân sao được.
Vậy theo thiển ý của chúng tôi thì một phần lớn những nguyên nhân kinh tế xã hội và tâm
lý trên đây đã làm cho xã hội Việt Nam trí thức với nông dân, “thống trị và bị trị” đã cùng
với nhau nuôi chung một lý tưởng, lý tưởng “muôn sự của chung”, lý tưởng “anh hùng ngang
dọc”, bộc bạch ra ở giọng hát, lời thơ như trên kia.
Cụ Nguyễn Công Trứ đại biểu cho sĩ phu Việt Nam thời độc lập, xuất thân là Hán Nho sau khi
đã tham chính trở về vẫn ăn cơm với muối. Và:
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Nhân cách của cụ là do ba hệ thống tư tưởng chính ở Á Đông này cấu tạo là: Khổng Mạnh,
Lão Trang, và Phật đại thừa, mà cụ đã thực hiện lấy tinh thần tổng hợp một cách thuần nhất
ở cả con người thực nghiệm của cụ, cốt để điều hòa thích ứng với hoàn cảnh địa lý xã hội
của nước nhà vào lúc ngả nghiêng. Cái nhân cách lý tưởng của giai cấp sĩ phu Việt Nam mà
cụ đã tượng trưng bằng cả một cuộc đời hành động thực tế, thì cụ đã miêu tả hùng hồn vào
một áng văn đanh thép. Luận kẻ sĩ, trước hết cụ vạch sứ mệnh chỉ huy là nhiệm vụ lịch sử
của kẻ sĩ kiểu mẫu, tức là của giai cấp trí thức vậy.
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt.
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý.
Rồi cụ vạch con đường tu thân dưỡng khí, lập chí vững vàng, tức là con đường huấn luyện
lấy nhân cách lý tưởng để có thể ứng dụng được với đời, chỉ huy được công việc, điều động
được người trong xã hội nông nghiệp.
Chí đã lập nếu chưa gặp thời thì không phải là khoanh tay chờ đợi đâu. Xưa kia kẻ sĩ có hai
hạng, hạng ra làm quan với hạng không ra làm quan, nhưng chính hạng sĩ áo vải có nhiệm
vụ duy trì dư luận, có sự mệnh “chính danh” mà nhà cầm quyền cũng phải vì nể.
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí.
Đến khi gặp thời thì tha hồ vùng vẫy tỏ tài văn võ kiêm toàn, thi thố cái học thực nghiệm
chẳng phải lý không đâu:
Sĩ làm cho bách thế lưu phương
Trước là kẻ sĩ, sau là khanh tướng
Kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung;
Vũ trụ chi gian giai phận sự, Nam nhi đáo thử thị hùng.
Đến đây thì sứ mệnh kể đã trọn vẹn, chí hoài bão bình sinh đã thỏa mãn, không còn thèm
thuồng luyến tiếc xã hội nhân sinh, bấy giờ tự nhiên mới nghĩ đến thả tâm hồn vào vũ trụ,
ngao du sơn thuỷ di dưỡng tính tình vậy. Đến đấy là bắt đầu cuộc đời xuất thế:
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi
Ngẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh.
Đấy là tất cả cái triết lý thực hiện nhân sinh vũ trụ, cả một quan niệm lý tưởng tiêu chuẩn
của sĩ phu Việt Nam thời trước. Ở cụ Nguyễn Công Trứ nó đã là một sự thực. Nhân cách của
cụ là nhập để mà xuất, và theo tư tưởng của cụ thì kẻ nào không nhập thì cũng không có
thể xuất được. Phải nhập thế đã, hành động để đem cả thân tâm vào từng trải, cọ sát với
đời, với thực tế, với đau khổ, với thực tại, khác nào như Gandhi ngày nay đã làm những thực
nghiệm về chân lý (expériences de vérité), mục đích để thử thách “nếu thực sen thì chẳng
sợ bùn” vậy. Cụ tự lấy làm đắc ý với “chữ vô cầu là chữ thiên nhiên” vì nếu trong hành động
ở công việc làm mình không bo bo tư hữu vào mình tất cả kết quả một cách tham lam thì
tâm hồn mình tự nhiên được tự do không có chỗ để cho thế gian tục luỵ giàng buộc nữa. Cái
thuật tự làm cho mình chán dần, không còn đứng núi nọ nhìn núi kia, ấy là phương pháp
tuần tự giải thoát của tư tưởng giới Việt Nam. Bởi vậy mà vẫn đánh giặc, vẫn doanh điền,
vẫn đi lính, vẫn làm quan, vẫn “chơi cho phỉ chí tang bồng” mà trong lòng không hề quên tự
do, ý vị của tự do tinh thần. Đấy là thái độ bình thản, tự chủ của kẻ sĩ nhập thế, tinh thần
chung của các bậc nho “thông đạt” ở Việt Nam xưa, đã chịu chung ảnh hưởng cả tư tưởng
Lão Trang lẫn Khổng Mạnh. Riêng ở cụ Nguyễn Công Trứ và một số trí thức thì cả Phật, Lão,
Khổng đã có đường lối dung hòa nhất trí:
Chữ kiến tính cũng là xuất tính
Trong ống nhòm đổ tiếng hư vô.
Khác với một nhà nho và nhà sư nào đó đã vũ đoán cố chấp, mà phát biểu ra câu đối còn
truyền tụng:
Dọc ba trăm năm sáu quyển kinh, chẳng thần, thánh, phật, tiên nhưng khác tục.
Hay tám vạn ngàn tư mặc kệ, không quân, thần, phụ, tử, đếch ra người.
Cụ Nguyễn Công Trứ là một nhà nho không có sự cố chấp hẹp hòi độc đoán ấy. Cụ là một
tinh thần tự do:
Càng tài tử, càng nhiều tình trái
Mối sầu kia theo tình ấy mà ra
Mua sầu tại kẻ tài hoa.
Là một tinh thần tự do, nhưng tự do có nghị lực, có đạo tâm chắc chắn. Và cái nhân cách
thông minh, tài hoa, nghị lực ấy, không phải riêng gì cho cụ Nguyễn Công Trứ mà là chung
cho sĩ phu lỗi lạc xuất chúng ở các thời đại, thành công hay thất bại, có danh lưu truyền hay
vô danh mai một. Hết thảy đều một cái khí phách hào hùng, đều có chung một dòng tư
tưởng “vô trung sinh hữu”. Xuất ở chỗ nhập và nhập để mà xuất vậy.
Xuất ở chỗ nhập và nhập để mà xuất đấy là tính chất thực hiện chung của tư tưởng đạo học
phương Đông. Thực hiện chứ không phải thực tế. Thực hiện là làm cho thành sự thực cái gì
có sẵn ở bên trong. Còn thực tế chỉ có ý nghĩa thực dụng, thực hành, không vì một lý tưởng
gì hết, chỉ có tính cách công lợi trước mắt, thiển cận. Tư tưởng Việt Nam càng nhấn mạnh
vào phương diện thực hiện. Nó chưa từng đặt con người đối lập với vũ trụ, cá nhân tách khỏi
đoàn thể. Ngang tàng như Nguyễn Công Trứ chẳng qua cũng chỉ:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Hay là như vô danh sĩ:
Trót đã sinh trong vòng trời đất.
Vẫn là ý tưởng “nhân sinh thiên địa gian” chưa từng đặt mình ra ngoài khuôn thiêng vậy.
Trong một bài hát của cụ Nguyễn Công Trứ bắt đầu:
Hóa nhi đa hý lộng.
Coi tạo vật như đứa trẻ vô ý thức, hay trớ trêu những bậc anh hào. Cụ lại đi đến kết luận:
Mặc xui khiến, dám nghĩ đâu thành bại.
Đem thông minh mà đền lại hóa quân.
Từ hóa nhi đến hóa quân, từ vô ý thức đến ý thức, tựu trung nhà nho ngang tàng ấy cũng
không hề nghi hoặc một thế lực bao trùm cá nhân, đồng nhất với ý thức dân tộc, với hồn núi
sông. Bảo rằng đấy là tư tưởng tin vào số mệnh chăng? Không, đấy chỉ là tư tưởng cho trí
thức của nhân loại có giới hạn, có tính cách tương đối còn cứu cánh của cuộc đời lại trở về
nguồn gốc điều lý ở vũ trụ.
Nếu ở Ấn Độ tư tưởng thực hiện truyền thống biểu hiện là Siva lấy ý nghĩa ocn người tự chủ,
con người tâm linh làm lý tưởng, thì ở Việt Nam tư tưởng thực hiện truyền thống biểu hiện là
anh hùng dân tộc. Một đàng thực hiện bằng xuất thế tiềm tu, lặn vào tận đáy tâm hồn, tận
nơi nguồn gốc của sự vật, một đàng xem cả thân tâm mà dãi dầu với gió bụi, với trần ai,
một lòng “thượng vị đức, hạ vị dân”, để cố thực hiện lấy một chút “danh gì với núi sông”.
Chính cái tính chất thực hiện con người lý tưởng của dân tộc bằng thực nghiệm từng trải là
một khuynh hướng rõ rệt nhất trong tư tưởng truyền thống của Việt Nam qua các thời đại.
Không những ở con người lãnh đạo chỉ huy mà lại ở cả văn nghệ, tư tưởng giới Việt Nam
cũng đòi có thực nghiệm, từng trải, như câu thơ của cụ Tam Nguyên Vị Xuyên đây đã chứng
tỏ:
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Lấy tinh thần từng trải, lấy kinh nghiệm bản thân làm tiêu chuẩn cho chân lý, cho đạo lý,
đấy là tinh thần thực hiện tương tự với tư tưởng thực nghiệm ngày nay. Nhưng giữa hai loại
tư tưởng ấy có chỗ khác nhau ở căn bản là một đàng thực hiện lấy hành động hợp nội ngoại
để tạo nên nhân cách, thành tựu lý tưởng làm người. Ở tinh thần thực hiện người ta cố sống
đời đạo lý để làm cho đạo lý sống, linh hoạt nhật tân.
Cái tinh thần thực hiện ấy ở Việt Nam không phải riêng gì cụ Nguyễn Công Trứ. Trương Quốc
Dung cũng cùng một khẩu khí:
Có lưu lạc mới trải mùi thế vị
Hay là ở miệng nhà nho vô danh:
Chẳng lưu lạc, sao trải mùi nhân thế,
Còn trần ai, khôn tỏ mặt công hầu.
Như thế đủ thấy tư tưởng thực hiện là tư tưởng chung của giai cấp sĩ phu thưở trước. Đấy là
tư tưởng nhập thế nhưng là nhập thế với lý tưởng tiêu chuẩn, chứ không phải nhập thế cầu
lợi ích kỷ nhỏ nhen:
“Thượng vị đức, hạ vị dân” (Nguyễn Công Trứ) đấy là lý tưởng luân lý xã hội, dân tộc quốc
gia. Hay là:
“Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (Nguyễn Công Trứ) đấy là lý tưởng tự do tinh thần,
lương tâm giải thoát.
Ngoài thái độ nhập thế ngoại hướng trên đây là thái độ phổ thông nhất ở xã hội Việt Nam từ
xưa tới nay, thảng hoặc cũng còn một thái độ xấut thế nội hướng nữa. Trong văn thơ thì tư
tưởng này đã phát biểu ra ở áng văn tuyệt tác Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Nguyễn
Gia Thiều.
Cùng một luận điệu đi tìm tự do tinh thần tìm một chữ nhàn để được “thảnh thơi túi rượu
bầu” mà các nhà nho thông đạt như Nguyễn Công Trứ lại lăn xả vào hành động nhập thế,
còn Hầu Ôn Như lại tìm tự do ở con đường khác hẳn, con đường xuất thế.
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên.
Thoát trần một gót tiên thiên,
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời.
Ôn Như muốn thoát trần là vì yếm thế, chán đời, trước khi sạch nợ. Ông chán vì:
Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
Món tiện nghi chẳng trả phần ai.
Chán vì:
Tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Lẽ đương nhiên, về phương diện triết lý khi người ta nhận thấy đứng trước một cảnh tượng
hiện hữu giả trá, hiện tượng bầy ra hai bộ mặt tương đối đổi thay của thiện ác, của sống
chết, của sướng khổ theo nhau kế tiếp như bóng với hình, người ta phải chọn lấy một trong
hai thái độ: hoặc là thừa nhận sự thực trước mắt, thiện ác trà trộn, sống chết lẫn lộn, hai
phương diện của sự vật đi đôi, đều là thật, thật một cách tương đối. Và người ta lấy hành
động từng trải, lấy kinh nghiệm bản thân để dần dà tỉnh ngộ, sạch nợ tang bồng thảnh thơi
nơi tâm trí, không còn ham muốn cầu cạnh. Đấy là thái độ nhập thế như chúng ta đã biết,
thực hiện chữ vô cầu của Uy Viễn Tướng Công. Hoặc là người ta can đảm quyết đứng phắt
dậy phủ nhận cả hai bộ mặt giả mạo của sự vật, của đời sống thực tế đổi thay, nhất tâm rũ
áo ra đi tìm thực tại bất dịch tuyệt đối ở bên trên, ở bên trong cùng thẳm của vũ trụ. Đấy là
con đường xuất thế nội hướng của các bậc Tiên, Phật, mà Ôn Như Hầu thoạt kỳ thuỷ có ý
muốn khuyên nhủ chúng ta. Nhưng rồi Ôn Như Hầu lại vội nghĩ lại, cho rằng người ta sinh ra
đã sẵn có cái xã hội tính ở tại bản thân, loài người là một động vật xã hội như lời triết gia Hy
Lạp. Ông công nhận là:
Có Âm Dương có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thế.
Công nhận như thế mà trong tâm hồn vẫn nặng lòng với tư tưởng:
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời.
Đưa ra hai tiếng gọi cùng một giọng thống thiết não nùng, tiếng gọi về vũ trụ bản thể, và
tiếng gọi về nhân sinh hành vi, tiếng gọi do tâm linh và tiếng gọi của bổn phận cương
thường, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc đã tìm cách gì để giải quyết sự mâu thuẫn? Ông đành
thất vọng:
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh,
Thử xem con Tạo gieo mình đến đâu.
Như thế thì không tự tin vào sức của mình mà cũng không tin được vào lòng từ bi vô hạn
của Phật Trời. Khác thay với thái độ cao siêu của Nguyễn Công Trứ:
Hành tàng bất nhị kỳ quan
Hay là thái độ Nhân Bản của Nguyễn Du:
Thiện căn ở tại lòng ta.
Như vậy đủ thấy dòng tư tưởng xuất thế của Cung Oán chỉ đưa đến bước đường cụt, chỉ là
thái độ bất lực không có đưa người ta đến chỗ tinh thần tự do chân chính vì chưa cảm thông
được với cái thể đồng nhất của tâm linh và vũ trụ. Hình như có tới được mực cảm thông ấy
thì rồi bao nhiêu năng lực của tâm linh mới biến thành giọt lệ từ bi bác ái để phụng sự. Đàng
này, giọng bi đát của Cung Oán chẳng qua chỉ báo trước cái chết bất đắc chí của Cao Bá
Quát ôm hoài bão:
Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân
(Ta là người quân tử thấy động lòng mà nổi lên, muốn dựng lại giềng mối vua tôi đời Nghiêu
Thuấn. )
Trên đây chúng tôi đã dùng nguyên tắc triết lý nhân sinh xuất và nhập để nghiên cứu sơ qua
tinh thần truyền thống Việt nam như đã biểu lộ ở một vài tác phẩm thi ca phổ thông. Cái
nguyên tắc ấy tỏ ra phong phú và rộng rãi có thể cho chúng ta thu được cái cá tính tinh
thần dân Việt biểu hiện ra trong lịch sử. Cái bản sắc tinh thần ấy dù ở trình độ mà ý thức đã
rõ rệt như ở Bà Huyện Thanh Quan, Cụ Nguyễn Công Trứ, Ôn Như Hầu v.v… Hay là ở trình
độ còn thấp thoáng lờ mờ của đại chúng nông dân, chúng ta đều nhận thấy cái khuôn khổ
của hai thái độ nhân cách xuất, nhập, nội hướng và ngoại hướng. Chúng ta nhận thấy cái
bản sắc ấy đi về ngoại hướng, nhập vào hành động tích cực thực tế. Nhưng không phải thực
tế theo nghĩa thiển cận công lợi, hình thức bề ngoài mà chính là tích cực hành động với một
bản tính hướng thượng vững vàng về tự do tinh thần, tự do của bản ngã trường cửu, quảng
đại vô tư. Hầu Ôn Như với Cung Oán đã đi xa với tinh thần nông dân và tư tưởng chung của
sĩ phu, xa với tinh thần truyền thống. Tinh thần truyền thống ấy chính đã biểu thị ở tư tưởng
của Nguyễn Công Trứ một cách rõ rệt và của phần đông sĩ phu thông đạt. Sĩ phu Việt Nam
qua các thời đại với nông dân xưa kia không cách biệt nhau bằng một biên giới giai cấp đấu
tranh. Cả hai vẫn thường chung một lý tưởng “thiên hạ của chung”, “anh hùng ngang dọc”.
Giữa đôi bên vẫn có một mối đồng tình, đồng điệu do lịch sử và hoàn cảnh xã hội đã cấu
kết. Nông dân tuy lao lực lầm than cũng vẫn còn lý tưởng. Sĩ phu tuy lao tâm thanh bạch
mà chí những toan tế thế kinh bang. Cả hai bên đồng tình vào một ý chí chung sống, trong
một ý thức cộng tồn. Cái tinh thần truyền thống ấy, mà hai tâm hồn, tâm hồn của nông dân
và tâm hồn của kẻ sĩ, đã hòa đồng làm một nguồn sống bất tuyệt, lưu thông tràn ngập từ
thảo mộc đến núi sông, đến non nuớc đầy vơi, đến nhật nguyệt tuần hoàn, một nguồn sinh
sinh của dân tộc nông nghiệp phối hợp với nhịp điệu vận hành của thời tiết vũ trụ, thì đã
được diễn đạt trong mấy câu thơ ca dao rất phổ thông và đầy đủ ý nghĩa: ý nghĩa nhẫn nại
dãi dầu, ý nghĩa trượng phu từng trải, ý nghĩa vĩnh cửu miên trường, ý nghĩa vạn vật nhất
thể: Trời, Đất, Người, trong vòng sinh hoạt bất tuyệt.
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá treo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với Thông
Nguyễn Công Trứ