MỘT SỐ BIỆN PHÁP HỖ TRỢ PHỤ HUYNH CÓ CON
BỊ KHIẾM THÍNH ĐỂ GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN
KHẢ NĂNG NGHE VÀ NÓI
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Khi con cất tiếng khóc chào đời là cả một trời hạnh phúc của các bậc
làm cha, làm mẹ trong mỗi gia đình. Tiếng cười và tiếng nói của trẻ làm
cho căn nhà như ấm áp, sinh động hẳn lên; giúp các bậc cha mẹ, ông bà
vứt bỏ đi những nỗi mệt nhọc, ưu phiền sau những giờ lao động vất vả; đó
là khi ta nói đến trẻ bình thường. Còn đối với những trẻ khi chào đời phải
gánh chịu tật nguyền (Câm điếc, mù, chậm phát triển trí tuệ ) thì đó lại là
nỗi buồn, sự lo âu, sợ hãi, mặc cảm tội lỗi to lớn đối với các bậc cha mẹ.
Họ không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau một thời gian tìm đến các bác sĩ
khoa tai mũi họng, họ được giới thiệu đến những trường khuyết tật để nhờ
sự hỗ trợ từ chương trình “Can thiệp sớm” với một hy vọng là con họ có
thể nghe và nói như bao trẻ em bình thường khác.
Nhìn những gương mặt ngây thơ, hồn nhiên của trẻ bù trừ với những
nỗi lo âu gần như tuyệt vọng của các bậc cha mẹ, làm tôi không khỏi băn
khoăn, trăn trở khi đang là một giáo viên dạy trẻ khiếm thính của trường
chuyên biệt kiêm công tác Can thiệp sớm. Tôi đã tiếp nhận rất nhiều ca
với sự phân công từ Ban Giám đốc, tôi cố gắng hết mình để giúp đỡ trẻ
cũng như phụ huynh. Sau một thời gian hỗ trợ tôi thấy vai trò của phụ
huynh là vô cùng quan trọng trong việc giúp đỡ cho con mình phát triển.
Ngay từ khi ra đời đứa trẻ đã được mẹ bế ẵm, chăm sóc suốt cả ngày. Mẹ
là người thường xuyên theo dõi sự thay đổi từng ngày của con mình. Do
đó mẹ có thể là người phát hiện ra những điều không bình thường ở con
mình trước tiên. Chính vì vậy phụ huynh đặc biệt là người mẹ đóng vai trò
quyết định trong việc phát hiện sớm những biểu hiện không bình thường
của trẻ. Mối quan hệ giữa phụ huynh và trẻ là mối quan hệ rất mật thiết
gắn bó với nhau và nếu như có một người nào đó thay thế thì mối quan hệ
mật thiết này sẽ bị phá vỡ, gây khó khăn trong giao tiếp cho trẻ rất nhiều.
Phụ huynh là người có kỹ năng trò chuyện bẩm sinh với con mình. Nhờ
vậy đây là điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển ngôn ngữ và tiếng nói một
cách dễ dàng. Phụ huynh chính là người hiểu trẻ nhiều nhất, nắm bắt, dò
đúng tần số của trẻ rõ ràng, nhanh chóng, chính xác nhất những nhu cầu
và khả năng của trẻ về mọi mặt: giao tiếp, biểu lộ cảm xúc và phát triển
thể chất. Hơn ai hết phụ huynh còn là người chịu trách nhiệm trong suốt
một thời gian dài, từ lúc trẻ chào đời cho đến khi trưởng thành, trong khi
những người khác (kể cả giáo viên) sẽ chỉ quan hệ với trẻ trong một thời
gian nhất định. Tóm lại phụ huynh là nhân tố chính trong chương trình can
thiệp sớm để quyết định sự thành công hay thất bại của con mình. Chính
1
vai trò quan trọng nêu trên nên nó đòi hỏi ở phụ huynh rất nhiều sự nỗ lực
cả về mặt vật chất lẫn tinh thần nhưng không hẳn ai cũng đều làm được.
Nhìn chung đại đa số phụ huynh đều vô cùng nóng vội, thiếu kiên trì,
thiếu kiến thức, kỹ năng để giúp con mình phát triển khả năng nghe - nói,
khiến trẻ không thích hợp tác, kéo dài thời gian mà không có hiệu quả,
làm cho phụ huynh dễ nản lòng dẫn đến hậu quả trẻ không tiến triển.
Chính điều đó đã thôi thúc tôi mạnh dạn áp dụng “Một số biện pháp hỗ
trợ phụ huynh có con bị khiếm thính để giúp trẻ phát triển khả năng
nghe và nói”, mong sau này trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng, nuôi sống bản
thân, gia đình và giúp ích cho xã hội.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
1.Cơ sở lý luận
Trong phần mở đầu của Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em có viết “Trẻ
em là hạnh phúc của gia đình là tương lai của đất nước, là lớp người kế
tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chính vì vậy việc giáo dục,
chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của gia đình, cơ quan nhà nước,
nhà trường, tổ chức xã hội và mọi công dân. Đặc biệt là trẻ em khuyết tật
lại càng đáng được quan tâm và chăm sóc hơn để các em có điều kiện hòa
nhập vào cộng đồng xã hội, quên đi khiếm khuyết của bản thân mình và
không còn tự ti, mặc cảm với các bạn đồng trang lứa. Bản thân là một giáo
viên dạy trẻ khiếm thính kiêm công tác can thiệp sớm, tôi nhận thấy rằng
gia đình là môi trường giáo dục đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Có thể
nói đây là môi trường xã hội đầu tiên trẻ được tiếp xúc và cũng là môi
trường thích hợp nhất cho trẻ phát triển trong những năm tháng đầu tiên
của cuộc đời. Mỗi gia đình có những phản ứng khác nhau, những suy nghĩ
khác nhau khi có con khiếm thính. Tuy nhiên một điều không thể phủ
nhận là họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đứa trẻ. Cả lý
luận và thực tiễn đã chứng minh rằng: bất kỳ một trẻ khuyết tật nào muốn
đạt hiệu quả đều cần phải có sự hợp tác chặt chẽ từ gia đình cộng với sự
nỗ lực và quan tâm của các thành viên là người thân của trẻ.
Gia đình là môi trường phù hợp với sự phát triển của trẻ, ở đó trẻ có
được cảm giác an toàn, trẻ được lớn lên trong tình thương yêu của những
người ruột thịt, nhờ cảm giác an toàn đó mà trẻ cảm thấy yên tâm, vui
tươi, hồn nhiên, mới mạnh dạn thăm dò, thử nghiệm tìm cách tác động lên
sự vật xung quanh để phát huy những khả năng về tâm, sinh lý đang sinh
sôi nảy nở, mất đi cảm giác đó đứa trẻ luôn buồn bã thụ động. Trong gia
đình trẻ được nuôi dưỡng theo phương thức đặc biệt, một phương thức mà
nhà trường ít có được; đó là gia đình không tiến hành giáo dục đồng loạt
mà chăm sóc dạy dỗ từng cháu, do vậy mà trẻ được chăm sóc bảo ban tỉ
mỉ. Gia đình còn là môi trường phong phú, trong gia đình còn có nhiều
mối quan hệ đa dạng giữa nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều công việc,
2
nhiều đồ dùng, vật nuôi… bởi vậy trẻ sẽ có được nhiều cơ hội học tập
được những kinh nghiệm sống cần thiết. Các thành viên trong gia đình
đều ít nhiều tham gia vào việc chăm sóc giáo dục trẻ. Điều này lại càng có
ý nghĩa hơn đối với trẻ khiếm thính, bởi ngoài sự hỗ trợ của máy trợ thính
thì việc tạo ra một môi trường giao tiếp phong phú với nhiều tình huống
gần gũi là yếu tố tích cực đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Người
lớn trong gia đình dạy trẻ thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi trong các tình
huống thực của cuộc sống xung quanh. Sự hỗ trợ của máy trợ thính chỉ là
điều kiện còn kết quả phát triển ngôn ngữ và sự phát triển toàn diện nhân
cách của trẻ phụ thuộc vào chính sự chăm sóc, giáo dục của gia đình.
Thông thường trong các gia đình có trẻ khuyết tật nói chung và trẻ
khiếm thính nói riêng thường có xu hướng đánh giá thấp khả năng của trẻ,
ít cho trẻ tham gia vào các công việc hằng ngày, vì nghĩ rằng trẻ sẽ khó
hoàn thành và nếu có làm được chăng thì cũng mất rất nhiều thời gian, cho
nên có nhiều gia đình đã làm thay trẻ mọi việc dẫn đến trẻ ngày càng thụ
động, thiếu tự tin, ngại giao tiếp. Gia đình không tin tưởng nơi trẻ, không
hiểu trẻ. Hay nói đúng hơn là phụ huynh chưa nắm rõ về tật khiếm thính,
chưa biết cách dạy và chơi cùng trẻ để giúp trẻ phát triển.
Từ những cơ sở nêu trên đã thôi thúc tôi mạnh dạn giúp đỡ phụ
huynh. Có thể bằng nhiều con đường, nhiều biện pháp, nhiều hình thức hỗ
trợ khác nhau; nhưng điều quan trọng là phụ huynh tin tưởng và cùng hợp
tác chặt chẽ để đi đến điểm chung cuối cùng là giúp trẻ khiếm thính phát
triển khả năng nghe và nói một cách thật tốt, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin
trong giao tiếp trên con đường hòa nhập cộng đồng xã hội.
2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài
2.1. Mục tiêu, yêu cầu đối với giáo viên hướng dẫn và phụ huynh
a. Mục tiêu hướng dẫn:
Giai đoạn đầu của cuộc sống con người có rất nhiều biến đổi to
lớn và vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển. Từ sơ sinh cho đến 6
tuổi, trẻ trải qua những sự phát triển nhanh chóng về trí tuệ, tình cảm, tính
cách và đặc biệt giai đoạn này trẻ phát triển ngôn ngữ nhanh nhất. Do vậy
giai đoạn này cần có những tác động giáo dục một cách kịp thời để giúp
trẻ phát triển đầy đủ các tiềm năng của mình, đặc biệt là về ngôn ngữ, nhờ
đó hạn chế đến mức tối đa những hậu quả xấu do tật nguyền gây ra.Ở giai
đoạn đầu, phần lớn trẻ tiếp xúc với phụ huynh hoặc người chăm sóc tại
nhà, nên công tác hướng dẫn phụ huynh khiếm thính tại gia đình đóng vai
trò trọng yếu đối với sự thành công của chương trình trợ giúp trẻ khiếm
thính phát triển ngôn ngữ - giao tiếp (còn gọi là Can thiệp sớm với trẻ
khiếm thính). Mục tiêu của công tác này là giúp cho phụ huynh biết cách
chăm sóc thính học, cách giao tiếp với trẻ cũng như cách giúp trẻ phát
triển ngôn ngữ và nhận thức.
3
b. Yêu cầu đối với giáo viên:
- Chuẩn bị nội dung, kế hoạch thật cụ thể trước khi gặp gỡ phụ
huynh.
- Có kiến thức về thính học:
+ Nắm bắt được khả năng nghe còn lại của trẻ.
+ Có một số kỹ năng: sử dụng máy trợ thính, hướng dẫn trẻ sử
dụng và luyện tập cho trẻ nghe qua máy.
+ Nhận biết và giải quyết ngay các sự cố của máy trợ thính.
- Biết cách tạo điều kiện cho trẻ nghe tốt.
+ Giọng nói của người giao tiếp (nói to hơn tiếng động nền).
+ Khoảng cách trẻ nghe càng gần càng tốt (< 2m).
+ Môi trường nghe yên tĩnh.
- Biết cách giao tiếp với trẻ và dạy trẻ học.
+ Nắm được đặc điểm giao tiếp của trẻ.
+ Biết cách giao tiếp với trẻ.
+ Có kỹ năng hướng dẫn trẻ phát triển ngôn ngữ nói.
+ Biết tận dụng những tình huống để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
+ Nắm bắt được ý tưởng của trẻ để có kế hoạch kịp thời giải
quyết, bổ sung và sửa sai cho trẻ.
- Có kỹ năng hợp tác.
+ Nhạy cảm và nắm bắt được ý tưởng của phụ huynh và những
khó khăn mà họ đang gặp phải.
+ Biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ với phụ huynh trong việc
chăm sóc, giáo dục trẻ.
+ Biết truyền đạt thông tin một cách có sức thuyết phục với gia
đình trẻ để thúc đẩy họ tích cực hợp tác.
+ Luôn trao đổi với các nhóm chuyên môn.
- Ghi chép nhanh nội dung cần ghi nhớ của cuộc trao đổi vào sổ.
- Đánh giá sau mỗi cuộc gặp gỡ và chuẩn bị kế hoạch cho lần gặp gỡ
tiếp theo.
c. Yêu cầu đối với phụ huynh:
- Cha mẹ là một đối tác quan trọng và cũng là một khách hàng chính
trong việc giúp trẻ phát triển khả năng nghe - nói. Vì phần lớn thời gian họ
đều ở cùng với con nên điều này tạo cho đứa trẻ có nhiều cơ hội phát triển
ngôn ngữ và kỹ năng nghe trong quá trình giao tiếp hằng ngày.
- Cha mẹ là người hiểu rõ con mình nhất và là đối tượng rất cần thiết
trong việc cung cấp, nắm bắt và xử lý các thông tin từ người hướng dẫn.
- Tóm lại gia đình là nơi có tác động mạnh mẽ, có ảnh hưởng nhiều
nhất đến cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Việc chúng ta giáo dục, nuôi dưỡng,
hướng dẫn trẻ như thế nào và đặc biệt là sự trợ giúp của cha mẹ và gia
đình sẽ có những ảnh hưởng quan trọng đến quá trình phát triển của trẻ.
4
Để thực hiện tốt vai trò của một phụ huynh có con bị khiếm thính,
đòi hỏi gia đình phải có sự hợp tác tốt đối với các nhà chuyên môn
(chuyên viên thính học, giáo viên hướng dẫn…) các thành viên trong gia
đình cần xóa bỏ mặc cảm, cởi mở bày tỏ những mong muốn, chủ động đề
xuất những vấn đề cần hỗ trợ, cần có những hiểu biết khoa học để phát
huy những điểm mạnh của mình hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của trẻ.
Như vậy, không chỉ người trực tiếp chăm sóc trẻ cần có kiến thức về quá
trình phát triển những nhu cầu đặc biệt của trẻ mà các thành viên khác
trong gia đình, những người ít nhiều có tham gia vào quá trình hỗ trợ trẻ
cũng cần được chia sẻ các kiến thức này.
Để có được một kết quả tối ưu cho sự hướng dẫn các bậc phụ huynh
có con bị khiếm thính, người giáo viên cần thực hiện các nội dung và các
biện pháp sau:
2.2. Gặp gỡ phụ huynh:
- Giai đoạn đầu giáo viên cần gặp gỡ trực tiếp với gia đình. Điều này
có thể tiến hành dưới các hình thức:
+ Giáo viên đến thăm gia đình để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh, các
thành viên, cách sinh hoạt, các hoạt động… nhằm hỗ trợ cho việc lập kế
hoạch sau này.
+ Gia đình đến trung tâm để có thêm nhiều cơ hội trao đổi với giáo
viên.
+ Tốt hơn hết là giáo viên linh động kết hợp cả hai hình thức.
- Hỗ trợ về mặt tâm lý cho gia đình: Khi biết con bị điếc nhiều gia
đình bị ảnh hưởng về mặt tâm lý rất nhiều. Gia đình cần được hỗ trợ,
không phải chỉ là những thông tin mà họ cần chia sẻ về mặt tình cảm.
Buổi gặp mặt đầu tiên giữa gia đình và giáo viên là cơ hội tốt để xây dựng
mối quan hệ tốt đẹp. Giáo viên có những cơ hội để tìm hiểu gia đình, tìm
ra những khó khăn mà gia đình đang vướng mắc hay tìm ra những điểm
mạnh của gia đình. Gia đình có thể tìm thấy ở giáo viên không đơn thuần
chỉ là một cán bộ chuyên môn có kiến thức mà còn là một người gần gũi,
thông cảm cho gia đình và còn là người mà phụ huynh có thể trông cậy
vào để có được sự hỗ trợ, lời khuyên và sự hướng dẫn thích hợp.
2.3. Hỗ trợ về mặt thính học:
Đa số bộ máy phát âm của trẻ khiếm thính đều bình thường, do hạn
chế về khả năng nghe mà trẻ có khó khăn về ngôn ngữ nói. Ngày nay với
sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta đã chế tạo ra các loại máy trợ
thính phục vụ cho việc hỗ trợ trẻ khiếm thính học nghe, nói và trẻ khiếm
thính hoàn toàn có thể nói được, thậm chí nói tốt. Nên việc trang bị cho trẻ
một máy trợ thính thích hợp với độ mất thính lực của trẻ ngay từ đầu là
một việc làm không thể thiếu của tất cả các bậc phụ huynh. Do vậy phụ
huynh cần phải có kiến thức về máy trợ thính.
5
a. Máy trợ thính:
Mặc dù trẻ bị khiếm thính. Nhưng không hẳn trẻ điếc hoàn toàn, mà
bất kỳ trẻ khiếm thính nào cũng còn lại một ít khả năng nghe. Vì thế “Máy
trợ thính” là một trong những phương tiện quan trọng giúp trẻ sử dụng sức
nghe tốt hơn trong quá trình tiếp nhận ngôn ngữ. Để giúp trẻ sử dụng sức
nghe một cách hữu hiệu qua máy trợ thính, điều trước tiên là:
- Máy trợ thính phải hoàn toàn thích hợp với trẻ: cần có các nhà
thính học hỗ trợ để đo khám chính xác độ mất thính lực của trẻ, lựa chọn
máy, chỉ định máy phù hợp với sức nghe của trẻ.
- Huấn luyện cho trẻ có thói quen đeo máy: khi đã có thói quen, máy
sẽ là người bạn đồng hành với trẻ mọi lúc, mọi nơi.
- Trẻ được đeo máy càng sớm càng tốt: đeo máy sớm giúp trẻ sớm
nghe được âm thanh, tạo điều kiện cho việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
- Máy trợ thính nên đeo suốt ngày (trừ khi tắm và ngủ): trẻ tiếp xúc
với âm thanh càng nhiều thì càng đẩy nhanh quá trình hình thành và phát
triển ngôn ngữ.
- Bảo đảm máy luôn hoạt động tốt: nếu máy không hoạt động tốt thì
vô hình trung chúng ta làm cho trẻ “điếc” thêm, vì khi đeo máy người ta
thường đeo vào bên tai còn có khả năng nghe tốt hơn.
Sau khi trẻ đã được trang bị một máy trợ thính thích hợp thì môi
trường nghe cũng là một yếu tố không nhỏ góp phần vào việc học nghe và
nói cho trẻ.
b. Môi trường nghe thích hợp:
- Nếu môi trường nghe ồn ào trẻ khiếm thính rất khó nghe âm thanh
lời nói. Vì vậy, môi trường nghe càng ít tiếng ồn thì trẻ khiếm thính càng
nghe rõ hơn.
- Khoảng cách của người đối thoại với trẻ càng gần thì trẻ càng nghe
rõ hơn.
- Giọng nói của người hướng dẫn cần phải rõ ràng, mạch lạc, chậm
rãi.
c. Cấu tạo máy trợ thính:
Máy trợ thính có nhiều loại, mỗi loại có tác dụng khác nhau cho
những tật điếc khác nhau. Hiện nay có nhiều loại máy được sử dụng thông
dụng: máy trước ngực, máy sau tai và máy trong tai… Tuy hình dáng bên
ngoài khác nhau nhưng nguyên lý cấu tạo giống nhau.
Máy trợ thính bao gồm:
- Nút điều chỉnh âm lượng (volume)
- Microphone (thu âm thanh từ ngoài vào máy)
- Nút tắt mở: O – T – M hay O – H – M (tùy theo kiểu máy)
- Kẹp gài.
- Dây
6
- Loa tai (tai nghe)
- Núm tai.
- Nơi tiếp nhận âm thanh từ dụng cụ khác.
Máy trợ thính trong tai Máy trợ thính sau tai
Máy trợ thính hộp Máy trợ thính sát màng nhĩ
d. Sử dụng máy trợ thính: (cho phụ huynh thực hành)
Lắp pin vào MTT:
- Mở nắp pin ở chỗ lõm trên máy.
- Đặt pin vào ngăn đựng pin sao cho sợi dây kéo pin lên nằm ở dưới,
cực pin đúng chiều cực của máy.
Cách gắn thân máy vào loa tai:
- Dây máy có hai đầu, mỗi đầu có hai giắc cắm (một đầu nằm ngang
– một đầu thẳng), đầu nằm ngang nối với thân máy, đầu thẳng nối với loa
tai.
Nút tắt mở:
- Tắt máy: đưa nút tắt mở về vị trí “0”
- Mở máy: Tùy từng kiểu máy mà đưa nút tắt mở về các vị trí “H”
hay “N”; “T” hay “M”; “MT” hay “M”
+ Vị trí “N” hay “M” sử dụng trong môi trường âm thanh bình
thường.
7
+ Vị trí “H” sử dụng khi nghe những âm vực cao hoặc trong môi
trường quá ồn.
+ Vị trí “T” hay “MT” nghe điện thoại hoặc nghe qua hệ cảm
ứng.
Cách gắn núm tai vào tai trẻ:
- Tắt máy trước khi gắn núm tai vào tai trẻ.
- Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ cầm loa tai lên rồi gắn phần núm
tai bằng nhựa vào trong vành tai, xoay nhẹ, khẽ kéo vành tai ra và ấn núm
tai cho sát.
Cách lấy núm tai ra khỏi tai:
- Tắt máy, khẽ kéo nhẹ vành tai ra sau, một tay cầm núm tai xoay
nhẹ cho đến khi núm tai rời khỏi tai.
e. Bảo quản máy trợ thính:
- Không làm rơi máy, va đập máy vào các vật cứng rất dễ hỏng máy.
- Không dùng vật cứng, nhọn chọc vào máy.
- Không làm nước, thức ăn rơi vào máy.
- Khi tắm không đeo máy.
- Máy phải được để nơi khô ráo.
- Tránh phơi máy dưới nắng mặt trời hay để gần nguồn nhiệt.
- Khi máy không sử dụng phải tháo pin ra khỏi máy.
- Thường xuyên làm vệ sinh máy bằng cách: dùng vải mềm lau
ngoài máy, tháo núm tai ra khỏi tai, lau sạch loa tai bằng nước sạch hoặc
cồn.
g. Phát hiện lỗi và sửa chữa:
Vấn đề Nguyên nhân (có
thể)
Hướng giải quyết
Máy trợ thính không rít
khi ta vặn nút volume tối
đa
Không có pin Lắp pin vào
Máy trợ thính không rít
khi ta vặn nút volume tối
đa
Hết pin Thay pin mới
Máy trợ thính không rít
khi ta vặn nút volume tối
đa
Núm tai bị đóng đầy
rái tai hoặc đầy nước
Lau khô – Lau
sạch núm tai
Đôi khi máy rít lên (chỉ
khi nào dây di động)
Dây hỏng – Đứt Thay dây
Máy trợ thính không rít
khi ta vặn nút volume tối
đa
Lỗi loa tai Thay loa tai
8
Máy trợ thính không rít
khi ta vặn nút volume tối
đa
Lỗi do hệ thống điện
tử bên trong máy
Gửi đi sửa
h. Các biện pháp luyện nghe cho trẻ
Phụ huynh có thể dùng các vật dụng phát ra âm thanh (trống, thanh
la, xúc xắc, hoặc một vật nào đó có thể phát ra âm thanh…) hoặc dùng lời
nói để luyện nghe cho trẻ theo cách dưới đây:
Luyện nghe với âm thanh:
- Đứng ở phía sau, dùng trống hoặc vật phát ra âm thanh ở mức độ
vừa phải, nếu trẻ nghe được ta giảm cường độ âm thanh xuống; nếu trẻ
nghe được ta lại giảm cường độ âm thanh xuống và cứ tiếp tục như vậy
cho đến khi nào trẻ không còn nghe được nữa.
- Nếu trẻ không nghe được ta tăng cường độ âm thanh lên, nếu trẻ
không nghe được ta lại tiếp tục tăng cường độ âm thanh lên và cứ tiếp tục
như vậy cho đến khi trẻ nghe được…Từ đó ta có thể chẩn đoán trẻ có khả
năng nghe ở mức độ nào.
Luyện nghe với lời nói:
- Đứng ở phía sau trẻ khoảng 1 mét, dùng nguyên âm (a,u,e,i,o) thử
khả năng nghe của trẻ. Trước tiên ta nói giọng nói bình thường, nếu trẻ
nghe được ta giảm cường độ âm thanh xuống, nếu trẻ nghe được ta lại
giảm cường độ âm thanh xuống và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi nào trẻ
không còn nghe được nữa. Dựa vào thang đo cường độ âm thanh phụ
huynh có thể sơ bộ chẩn đoán trẻ bị giảm thính lực ở mức độ nào.
- Nếu trẻ không nghe được ta tăng cường độ âm thanh lên, nếu trẻ
không nghe được ta lại tiếp tục tăng cường độ âm thanh lên chút nữa và
cứ tiếp tục như vậy nhưng nếu trẻ vẫn không nghe được. Chúng ta có thể
kết luận trẻ bị giảm thính lực ở mức độ nặng trở lên (giọng nói bình
thường khoảng 65-70 db)
Bằng cách trên cha mẹ trẻ bước đầu có nhận định sơ bộ mức độ
giảm thính lực của trẻ, để có những tác động hỗ trợ kịp thời.
Sự hỗ trợ của phương tiện trợ thính mới chỉ là điều kiện, còn kết quả
phát triển ngôn ngữ nói riêng và sự phát triển toàn diện nhân cách trẻ phụ
thuộc vào chính sự chăm sóc, giáo dục của gia đình. Vậy thì phụ huynh
phải làm gì để giúp trẻ đây? Cha mẹ trẻ cần được hỗ trợ, giúp đỡ về cách
giao tiếp với trẻ.
2.4. Hỗ trợ về cách giao tiếp với trẻ
Phải khẳng định trẻ khiếm thính trước hết là trẻ em. Giống như
những đứa trẻ bình thường, chúng có nhiều nhu cầu trong đó có giao tiếp.
Chúng ta hy vọng trẻ khiếm thính sẽ trải qua những bước phát triển như
đứa trẻ bình thường; mong rằng trẻ hình thành chức năng tâm lý và nhận
9
thức bình thường. Về ngôn ngữ, chúng ta mong trẻ có thể phát triển theo
những cách thức và trật tự như vẫn thường diễn ra ở trẻ nghe được bình
thường.
Chúng ta có thể tạo môi trường cho trẻ học nghe và nói bằng cách:
- Trẻ học và phát triển ngôn ngữ hiệu quả nhất là thông qua mối tương tác
một – một (mẹ - con; bà - cháu ) đầy ý nghĩa, tự nhiên và hấp dẫn với
một nhân vật đặc biệt đối với trẻ đó là cha mẹ hoặc những người thân
trong gia đình. Trẻ không phải ngồi vào bàn để học bài, không cần nhiều
đồ chơi cầu kỳ, đắt tiền, không đòi hỏi phải là chất lượng. Cái chính ở đây
là cách phụ huynh sử dụng những hoạt động, những thói quen hàng ngày
với những mục tiêu đặc biệt đối với việc nghe, nói, ngôn ngữ, nhận thức
và giao tiếp của trẻ.
- Hãy cho trẻ tham gia vào các công việc hằng ngày ở nhà. Công việc của
người lớn là trò chơi của đứa trẻ. Trẻ nhỏ rất thích giả bộ những công việc
của người lớn. Có rất nhiều cơ hội để trẻ nghe và tiếp nhận ngôn ngữ mỗi
khi nấu ăn, tắm giặt, mặc quần áo, quét dọn, đi mua hàng, ngay cả những
lúc dạo chơi hay đi bộ… Việc học nghe và nói cần được tận dụng hàng
ngày ở mọi lúc, mọi nơi.
- Hãy nói chuyện và biểu hiện xúc cảm trong giao tiếp với trẻ, sử dụng
những ngữ điệu phù hợp trong các tình huống khác nhau.
- Hãy quan sát và lắng nghe trẻ. Khi trẻ sử dụng những cử chỉ tự nhiên để
giao tiếp, phụ huynh hãy nói thay những gì trẻ đang cố gắng muốn diễn
đạt (VD: Khi trẻ đẩy tay mẹ ra thì mẹ có thể nói “ Ồ! Mẹ đừng chạm vào,
để con làm. Con muốn tự làm.” Nếu trẻ chỉ vào đồ vật gì đó như quả
bóng, hãy nói “ Ô! Con thích quả bóng à, đây quả bóng đây, quả bóng
tròn, quả bóng lăn lăn.” Nếu trẻ chỉ vào tai khi nghe thấy tiếng chuông
điện thoại hãy nhấn mạnh thay lời của trẻ: điện thoại, con nghe thấy tiếng
điện thoại, reng reng reng.)
- Hãy tạo mọi cơ hội để trẻ nghe một cách rõ ràng. Ngôn ngữ mà phụ
huynh sử dụng nên được lặp đi lặp lại nhiều lần và nói với những câu
ngắn gọn (VD: Nón đẹp của con đây. Con lấy nón đi. Mình đội nón đi
chơi nhé! ) Không nên nói TỪNG TỪ ĐƠN - vì chúng rất ngắn và khó
nghe.
- Những từ chỉ số lượng và màu sắc không phải là những từ cần chú trọng
đầu tiên, nó sẽ hạn chế sự phát triển ngôn ngữ cơ bản của trẻ.
- Hãy nói với trẻ bằng nhiều loại từ khác nhau như động từ, danh từ, tính
từ…Hãy nhấn mạnh những từ hay những khái niệm mà PH muốn dạy trẻ
khi nói các cụm từ ngắn (VD: Giày của con đâu rồi? Sao chỉ có một chiếc
giày nhỉ? Một chiếc giày nữa đâu? Chiếc giày nữa đâu? Chiếc giày dưới
ghế kia à? Tìm chiếc giày nữa đi? Hãy nói trước khi làm việc gì đó để cho
trẻ có cơ hội nghe, nghe, nghe – sau đó là việc làm sao cho phù hợp với
10
những gì trẻ vừa nghe được (VD: Con có muốn uống sữa không? Mẹ lấy
sữa nhé? Xiịt…sữa nóng quá! Xiịt…)
- Hãy tạo nên những cơ hội khiến trẻ có nhu cầu giao tiếp (VD: Phụ
huynh có thể vặn nắp chai thật chặt, trẻ muốn mở nhưng không thể mở
được. Xếp số ghế ít hơn số người cần được ngồi. Dắt trẻ vào phòng kín và
chờ cho trẻ bắt đầu giao tiếp… )
- Hãy nhớ rằng đối với trẻ nghe được bình thường, trẻ phải nghe một năm
trước khi nói được những từ có nghĩa. Dần dần, bằng việc lắng nghe
những lời nói được lặp đi lặp lại khi giao tiếp với trẻ, trẻ sẽ có những từ cơ
bản. Trẻ sẽ bắt đầu liên kết những từ đã biết để diễn đạt suy nghĩ, hành
động và cảm giác của mình.
- Khi con bạn bị khiếm thính, việc học ngôn ngữ quả là một thách thức
lớn. Những trẻ bị điếc nặng và sâu không có những cơ hội “nghe lỏm”
như ở trẻ nghe được bình thường. Vì vậy trẻ khiếm thính sẽ học ngôn ngữ
tốt nhất bằng việc cho trẻ hàng ngày “tắm mình” bằng những ngôn ngữ đã
được lựa chọn trong khi giao tiếp một – một.
* Một số lưu ý khi giao tiếp với trẻ:
- Bình đẳng khi nói chuyện với trẻ:
Ngay từ khi còn nhỏ, người ta đã có nhu cầu cần phải được đối xử
bình đẳng (ở trẻ nghe và trẻ khiếm thính). Những suy nghĩ và tình cảm ở
trẻ bao giờ cũng chia ra làm hai: Những điều mà trẻ tự nói (thể hiện) thì
quan trọng và thường có vẻ có giá trị tích cực hơn cái điều mà người lớn
đóng góp vào.
- Chăm chú nghe trẻ:
Thái độ chăm chú, tôn trọng khi nghe của người lớn đóng vai trò
quan trọng làm thúc đẩy, khuyến khích trẻ nói. Một nụ cười, một cử chỉ
tán thưởng, một ánh mắt của người lớn có tác động trực tiếp đến đứa trẻ.
Người lớn nên chăm chú nghe, chờ đợi và đáp ứng nhu cầu giao tiếp của
trẻ.
- Trò chuyện chứ không phải dạy trẻ nói:
Người lớn tỏ ra quan tâm về những điều mà trẻ đang chú ý đến bằng
cách nói về chính cái mà trẻ đang nhìn, đang chơi.
Chỉ có trò chuyện như vậy trẻ mới tự giác học như những điều mà
trẻ cần học ở mẹ: tiếng nói, cách nói, những điều mới lạ mà mẹ dạy.
- Nhạy bén với sự nhầm lẫn của trẻ:
Người lớn chú ý quan sát kỹ trẻ trong quá trình trò chuyện và phát
hiện ra những hiểu lầm, hiểu sai ý để kịp thời giải thích lại cho trẻ hiểu
đúng hơn.
- Phản hồi:
Trong khi trò chuyện với trẻ người lớn cần có những phản hồi bằng
những câu “đúng”, “hay lắm”, “không”, “không phải thế”…
11
Phụ huynh có một đứa con rất đặc biệt nhưng nên nhớ rằng mình
cũng rất đặc biệt. Cha mẹ có thể tạo ra những cơ hội tuyệt vời làm thay
đổi những khó khăn mà con mình đang gặp phải. Phụ huynh là cầu nối
giữa con mình tới việc nghe và nói.
III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
Sau khi mạnh dạn áp dụng một số biện pháp “Hướng dẫn phụ huynh
có con bị khiếm thính để giúp trẻ phát triển khả năng nghe và nói ” tôi
nhận thấy có một số kết quả khả quan như sau:
1. Từ phía giáo viên hướng dẫn:
- Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh ngày càng thắt chặt.
- Kỹ năng lập kế hoạch ngày một hiệu quả trong đó bao gồm việc tiếp
nhận, cung cấp, ghi chép thông tin sau những lần gặp gỡ, tiếp xúc.
- Hiểu rõ hơn về cấu trúc từng gia đình (một thế hệ, hai thế hệ, ba thế hệ)
cũng như vai trò và cách ứng xử của mỗi thành viên khác nhau để từ đó
giáo viên có thể đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết một cách hài hòa,
ổn thỏa.
- Mạnh dạn, tự tin, quyết đoán hơn trong công việc.
2. Từ phía phụ huynh:
- Giải tỏa tâm lý và xuất hiện những tình cảm tích cực.
- Hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào chương trình và cộng tác ngày một tốt
hơn.
- Ngày càng hiểu rõ hơn về con mình, tin tưởng vào việc học nghe và nói
của trẻ.
- Có kỹ năng trò chuyện một cách tự nhiên nhằm giúp trẻ ngày một tiến
bộ.
- Thăm dò, tìm hiểu thị trường máy trợ thính để trang bị cho con mình một
máy tốt nhất.
- Luôn dành tất cả tình yêu thương và sự hy sinh cho sự phát triển tốt nhất
của trẻ.
3. Từ phía trẻ:
- Ngày càng mạnh dạn, tự tin, hòa đồng, vui vẻ.
- Phát triển khả năng tập trung chú ý ngày càng cao.
- Biết hưởng ứng cảm xúc khi giao tiếp với mọi người .
- Khả năng độc lập, ý thức tổ chức kỷ luật ngày càng nâng lên.
- Khả năng phối hợp nghe, nhìn và đọc cũng tốt hơn.
- Vốn từ được mở rộng và nâng cao dần.
- Sử dụng từ ngày một thành thạo và đúng tình huống.
Chẳng hạn như trường hợp bé Nguyễn Thanh Phương. Sinh năm
2007. Quê quán xã Tân Bình – Vĩnh Cửu. Ngày tham gia chương trình
tháng 3 năm 2009. Thời gian đầu gia đình thật khó khăn vì sự tập trung
12
của cháu chưa cao. Máy trợ thính lại làm cho cháu khó chịu. Nhưng với sự
tận tình của giáo viên hướng dẫn và đặc biệt là sự kiên trì của phụ huynh,
cháu đã dần thích nghi và cho đến hiện nay, cháu đã nói được khá nhiều
từ, đã biết gọi “ông, bà, ba, mẹ, cô ”, gọi đúng tên các vật dụng trong nhà
“chổi, ca, khăn ” và một số con vật quen thuộc “ gà trống, gà mái, gà
con, chó Ki, meo meo ”. Hiện nay cháu đang theo học lớp mẫu giáo hòa
nhập ở xã, cháu rất thích múa hát cùng các bạn. Mỗi khi đi học về cháu
hay hát cho cả nhà nghe bài “Cả nhà thương nhau”. Tuy giọng của cháu
chưa được tròn trịa, rõ lời lắm, nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc tràn ngập
trong gia đình. .
Trường hợp thứ hai là bé Anh Thi. Sinh năm 2008.Tham gia can
thiệp tháng 10 năm 2009. Cậu bé rất hiếu động và ngỗ nghịch. Sau 6 tháng
tham gia chương trình phụ huynh gần như bất lực và tuyệt vọng trước tánh
ương bướng của Thi (không hợp tác, tập trung chú ý kém, thích làm theo ý
mình ) vì thế Thi tiến bộ rất chậm làm cho phụ huynh mất lòng tin. Thế
thì những cuộc viếng thăm bé và gia đình đã được thực hiện một cách
thường xuyên hơn, giáo viên không ngừng động viên, chia sẻ cùng gia
đình, tìm ra biện pháp thích hợp để uốn nắn, dạy dỗ Thi. Kết quả sau một
năm bé trầm tĩnh, tự tin hơn vì phụ huynh đã biết cách lắng nghe và kiên
nhẫn tìm hiểu cháu muốn gì, qua các lời lẽ động viên, khích lệ, khen ngợi.
Hiện nay Thi nghe rất tốt và đã phát âm được rất nhiều từ, nhiều câu ngắn
trong sinh hoạt hàng ngày như “ăn cơm, uống sữa, đi tắm, đi ngủ, chào cô,
dạ bà, cảm ơn ”. Những tiếng bập bẹ tưởng đâu rất bình thường đó,
nhưng đã làm lóe lên tia hy vọng, niềm tin và nỗi vui mừng thật sự của gia
đình. Đến hôm nay thì ngôn ngữ của bé đang được đong đầy theo năm
tháng. Với hai chiếc máy sau tai sẽ là hành trang theo bé suốt cuộc đời.
• Số liệu thống kê :
Thời gian
Sĩ
số
PH
tha
m
gia
Thiếu
tự tin
Tự tin
Chưa
hiểu
về
MTT
Đã
hiểu
về
MTT
Chưa
biết
cách
giao
tiếp
Đã
biết
cách
giao
tiếp
S
L
% S
L
% S
L
% S
L
% S
L
% S
L
%
Trước khi
thực hiện
đề tài
10 7 70 3 30 8 80 2 20 8 80 2 20
Sau khi
thực hiện
đề tài
10 2 20 8 80 2 20 8 80 3 30 7 70
13
Đặc biệt với sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa giáo viên và phụ
huynh thông qua những lần gặp gỡ tự nhiên, thân mật, tích cực đã giúp
các bậc cha mẹ giải tỏa những phiền muộn, tự tin, hy vọng vào tương lai
của con mình. Còn riêng trẻ thì ngày càng làm giàu thêm vốn sống, nâng
cao vốn hiểu biết về ngôn ngữ, hình thành kỹ năng giao tiếp bằng ngôn
ngữ nói một cách mạnh dạn trên con đường hòa nhập cộng đồng, xã hội.
IV/ ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG:
Để phụ huynh thật sự yên tâm và tin tưởng vào chương trình “Can
thiệp sớm” nhằm giúp trẻ phát triển khả năng nghe – nói một cách tốt nhất
tôi đề nghị:
1. Giáo viên hướng dẫn cần phải:
- Có đủ kiến thức, kỹ năng về “Can thiệp sớm”, không ngừng cập
nhật, trao dồi, củng cố, nâng cao các kiến thức và kỹ năng trên.
- Thật sự nhạy bén và linh hoạt trong mọi tình huống giao tiếp.
- Tạo dựng niềm tin, nâng cao lòng tự trọng cho gia đình.
- Hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng phụ huynh
cũng như gia đình trẻ để định hướng giúp đỡ cụ thể.
- Nhạy cảm nắm bắt được ý tưởng của phụ huynh và những khó
khăn mà họ đang gặp phải.
- Giúp phụ huynh vượt qua cảm giác bị cô lập, thất vọng vì sự có
mặt của trẻ khiếm thính trong gia đình.
- Luôn trên tinh thần đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ.
- Có sự kiên nhẫn, lòng đam mê, hiểu biết trong công việc và niềm
yêu thương trẻ.
2. Phụ huynh cần:
- Phát hiện sớm tật điếc của trẻ.
- Có một tâm lý lành mạnh trong việc chấp nhận trẻ bị khiếm thính.
- Liên hệ và hợp tác chặt chẽ với giáo viên hướng dẫn cũng như các
nhà chuyên môn.
- Trang bị cho trẻ một máy trợ thính thích hợp với độ mất thính lực
và cần thường xuyên đưa trẻ đi kiểm tra thính lực định kỳ.
- Phải thật sự yêu thương, gần gũi, quan tâm, chia sẻ với con em
mình.
- Tất cả mọi người trong gia đình luôn là những thành viên tích cực
giúp trẻ nghe và nói.
- Mọi người luôn sử dụng ngôn ngữ nói khi trò chuyện với trẻ.
- Trò chuyện với trẻ mọi lúc, mọi nơi trong mọi tình huống.
3. Trung tâm cần:
- Tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên hướng dẫn.
14
- Hỗ trợ một phòng cách âm tốt và trang bị thêm một số đồ dùng đồ
chơi phù hợp lứa tuổi.
- Tạo điều kiện cho các phụ huynh được giao lưu mở rộng nhằm
chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lẫn nhau trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
- Kết hợp các ban ngành đoàn thể giúp đỡ về vật chất, động viên
phụ huynh khi gặp khó khăn về kinh tế.
- Mở rộng thông tin tuyên truyền để phụ huynh kịp thời nắm bắt từ
đó giúp trẻ phát triển một cách sớm nhất.
- Phối kết hợp với chuyên viên thính học và y tế để kịp thời phát
hiện và chăm sóc tai trẻ khi có vấn đề.
Chương trình hướng dẫn phụ huynh có con bị khiếm thính tại Trung
tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai ngày càng được đông đảo phụ
huynh tin tưởng và hợp tác. Lòng chúng tôi tràn đầy niềm vui và hạnh
phúc khi đã đem lại sự hiểu biết cho phụ huynh. Họ đã chấp nhận điều
kiện thực tế của con mình, từ đó chủ động trong công việc giúp đỡ trẻ. Rồi
đây đứa con khiếm thính của họ sẽ nói tốt hơn, sẽ mạnh dạn tự tin hơn
trên bước đường hòa nhập cuộc sống.
* Một thông điệp mà tôi muốn gởi đến các bậc phụ huynh là: “Hãy
quan tâm đến con mình. Nếu phát hiện con mình có dấu hiệu bị điếc,
hãy mạnh dạn đưa trẻ đến nơi chuyên trách càng sớm càng tốt”. Đừng
chần chừ một sự màu nhiệm nào đó sẽ tự nhiên xảy đến. Sự màu nhiệm
chỉ xảy đến trong hành động tích cực, sau những nỗ lực của chính phụ
huynh và gia đình.
Trên đây là một số biện pháp giúp phụ huynh có con bị khiếm
thính, để họ giúp con mình phát triển khả năng nghe - nói mà cá nhân tôi
rút ra trong quá trình hướng dẫn. Sáng kiến còn nhiều thiếu sót về nội
dung cũng như hình thức. Rất mong nhận được sự đóng góp của Hội đồng
khoa học các cấp và bạn bè đồng nghiệp để chuyên đề thêm hoàn chỉnh.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nội dung và phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật – Viện khoa học giáo
dục Việt Nam.
- Nâng cao khả năng dạy học trẻ khiếm thính – Viện Chiến lược và phát
triển Việt Nam.
- Phương pháp dạy ngôn ngữ – Bộ Giáo dục & Đào tạo.
- Giúp đỡ trẻ điếc - Nhà xuất bản lao động.
Biên Hòa, ngày 02 tháng 5 năm 2012
Người thực hiện
15
Nguyễn Thị Phương Lang
16