PGD & ĐT HUYỆN KRÔNG BUK
TRƯỜNG TH TÔN ĐỨC THẮNG
Họ và tên: Nguyễn Thị Thanh
Năm học : 2013 - 2014
PHẦN THỨ NHẤT : ĐẶT VẤN ĐỀ
1
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Môn học Tiếng Việt ở trường tiểu học có nhiệm vụ quan trọng vào bậc nhất là trau
dồi ngôn ngữ cho học sinh, trang bị cho học sinh những tri thức Việt ngữ học và quy tắc
sử dụng chúng trong hoạt động giao tiếp.
Trong các phân môn của bộ môn Tiếng Việt, chính tả là một trong những phân môn
có vai trò quan trọng, bởi đây là phân môn hình thành, rèn luyện và phát triển kỹ năng viết.
Rèn chữ viết chính tả cung cấp cho học sinh biết quy tắc chính tả và thói quen viết chữ ghi
âm Tiếng Việt đúng và chuẩn. Nắm vững chính tả học sinh mới có thể nói được, viết được,
nói hay, viết hay… góp phần giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, thứ của cải vô cùng
quý báu của dân tộc ta.
Sự thống nhất chính tả thể hiện tính thống nhất của một ngôn ngữ. Chính tả có thống
nhất thì việc giao tiếp bằng ngôn ngữ viết mới không bị trở ngại giữa các địa phương, cũng
như giữa các thế hệ với nhau.
Mục tiêu đầu tiên của giáo dục tiểu học là rèn luyện cho học sinh kỹ năng “đọc
thông, viết thạo”. Giải quyết lỗi chính tả trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ
quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục đề ra.
Đối với học sinh bậc tiểu học việc rèn để các em viết đúng, viết chuẩn là vấn đề vô
cùng cần thiết. Đặc biệt là đối với học sinh lớp 4, lớp gần cuối của bậc tiểu học, số lượng
môn học nhiều hơn vì lẽ đó các em chỉ tập trung vào viết đủ chữ nên việc sai lỗi chính tả
khi viết và trình bày bài chưa khoa học là khá phổ biến.
Qua nhiều năm giảng dạy tại trường tôi thấy nhiều học sinh khi viết chính tả chỉ chú
ý nghe giáo viên phát âm để viết đúng chữ, chứ chưa coi trọng nghĩa của từ, hoặc các em
viết theo cách đọc của phát âm tiếng mẹ đẻ, do đó các em chỉ nghe để viết đủ, đúng chữ ở
tất cả các môn học nhưng thực sự các em viết còn mắc lỗi chính tả khá nhiều. Vì lẽ đó dạy
chính tả trong trường tiểu học có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển trí thông minh, khả
năng tư duy (vì phải sử dụng các thao tác như phân tích, so sánh đối chiếu, khái quát hoá
và trừu tượng hoá để rút ra quy tắc chính tả) và khả năng ghi nhớ máy móc cho các em.
Góp phần giáo dục ý chí và đức tính tốt như tính kỉ luật, tính cẩn thận, cần cù, nhẫn nại, óc
thẩm mĩ; đồng thời bồi dưỡng cho các em lòng yêu quý Tiếng Việt, cách biểu thị tình cảm
tốt đẹp khi giao tiếp.
Xuất phát từ những lí do trên tôi mạnh dạn tìm hiểu và đưa ra “ Một số biện pháp
giảng dạy phân môn chính tả lớp 4” trường Tiểu học Tôn Đức Thắng trong năm học
2013- 2014. Vì có viết đúng chính tả học sinh mới có điều kiện để học tốt các môn học
khác và cũng là tiền đề để các em bước vào lớp học cuối cấp của bậc Tiểu học.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ LÍ LUẬN.
Tiếng Việt là ngôn ngữ chung thống nhất trên toàn đất nước Việt Nam, nhưng mỗi
vùng đều có sự khác biệt nhiều cách phát âm của từng địa phương khác nhau.Những cách
phát âm đó làm cho Tiếng Việt thêm giàu đẹp, phong phú. Cho nên khi đối thoại người ở
các vùng miền trên đất nước ta đều nghe và hiểu được. Nhưng mặt khác của sự khác biệt
về phát âm giữa các địa phương lại dẫn đến tình trạng viết sai chính tả do phát âm. Trong
cuộc sống của con người, cụ thể là người Việt Nam không chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ nói
mà còn giao tiếp bằng ngôn ngữ viết. Như trong lĩnh vực học tập nghiên cứu tài liệu cũng
như việc giao tiếp giữa những người ở xa nhau, hoặc giữa các thế hệ đời trước với đời sau.
Tiếng Việt là công cụ để giao tiếp tư duy và học tập, trong thực tế cuộc sống của con
2
người, người ta vẫn thường có câu: “Văn hay không bằng chữ tốt”. Chính vì vậy yêu cầu
đặt ra trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ viết là làm sao phải đảm bảo được người đọc
hiểu đúng hoàn toàn ý nghĩa, nội dung trong văn bản của người viết. Viết đúng chính tả là
giúp cho học sinh có điều kiện sử dụng Tiếng Việt đạt hiệu quả cao trong việc học tập các
môn học khác trong nhà trường. Để đạt được yêu cầu này trên lĩnh vực chữ viết phải được
thể hiện một cách thống nhất trên từng con chữ, từng âm tiết Tiếng Việt. Nói một cách
khác là mỗi âm vị sẽ được thể hiện bằng một hay một tổ hợp chữ cái đồng thời mỗi từ
cũng có một cách viết nhất định, thống nhất trong cộng đồng người Việt.
Về cơ bản chính tả Tiếng Việt là chính tả ngữ âm, mỗi âm vị được ghi bằng một
con chữ. Nói cách khác, giữa cách đọc và cách viết chính tả Tiếng Việt là thống nhất với
nhau. Đọc như thế nào sẽ viết như thế ấy. Trong giờ chính tả, học sinh sẽ xác định được
cách viết đúng ( viết đúng chính tả) bằng việc tiếp nhận chính xác âm thanh của lời nói(
hình thức chính tả nghe- viết). Cơ chế của cách viết đúng là xác lập được mối liên hệ giữa
âm thanh và chữ viết. Giữa đọc và viết, giữa tập đọc và viết chính tả (chính tả nghe – viết:
tức là nghe đọc để viết lại) có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhưng lại có quy trình hoạt
động trái ngược nhau. Nếu tập đọc là sự chuyển hoá văn bản dưới dạng âm thanh thành
văn bản viết. Có như vậy, khi giao tiếp bằng ngôn ngữ, người đọc mới hiểu đúng hoàn
toàn nội dung, ý nghĩa mà người viết gửi gắm, việc viết đúng thống nhất như thế còn gọi
bằng thuật ngữ quen thuộc là: chính tả. Bởi theo nghĩa gốc thì “chính tả” tức là “ phép
viết đúng” hay “ lối viết hợp với chuẩn”.
Qua các bài viết chính tả rèn luyện cho học sinh “ có tính kỉ luật, tính cẩn thận và
óc thẩm mĩ”.Đồng thời bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu quý Tiếng Việt, chữ viết, cách
biểu thị tình cảm được thể hiện trong việc viết đúng chính tả.
Xuất phát từ tính chất và tầm quan trọng của việc viết đúng chính tả như thế nên
phân môn chính tả đã được đưa vào chương trình giảng dạy của trường phổ thông. Cụ thể
ở đây là các lớp bậc tiểu học, phân môn chính tả đã được giảng dạy ở tất cả các lớp trong
bậc học tiểu học (trừ học kì I của chương trình lớp 1 là chưa dạy) với nhiều hình thức
chính tả khác nhau: Từ chính tả nhìn bảng, nhìn sách để chép (ở cuối lớp 1 và đầu lớp 2)
rồi đến chính tả so sánh, chính tả nghe- viết, chính tả nhớ-viết. Với những hình thức chính
tả này giúp học sinh có thể hiểu về quy tắc chính tả để viết đúng chính tả. Tuy việc viết
đúng chính tả là quan trọng và cần thiết như vậy nhưng thực tế việc dạy và học và học
chính tả ở tất cả các lớp trong bậc học tiểu học nói chung và học sinh lớp 4 trường tiểu học
Tôn Đức Thắng nói riêng vẫn còn mắc nhiều lỗi khi viết chính tả. Đây là nhiệm vụ của
người học sinh cần phải rèn luyện chữ viết sao cho đúng “chính tả” và cũng là trách nhiệm
đặc biệt quan trọng của tập thể giáo viên trường tiểu học Tôn Đức Thắng nói chung và cá
nhân tôi là một giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 4, trách nhiệm đó đặc biệt cần chú trọng
hơn.
III. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI.
Tìm và đưa ra một số biện pháp giảng dạy phân môn chính tả lớp 4 góp phần
trang bị cho những cơ sở lí luận, vào việc hoàn thiện nội dung và phương pháp dạy chính
tả ở bậc tiểu học nói chung, dạy chính tả lớp 4 nói riêng:
1. Tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi để xác định nội dung dạy học chính tả.
2. Phân tích thực trạng lỗi chính tả về âm, vần, dấu thanh.
3. Bổ sung nguyên tắc chính tả cho học sinh.
3
4. Xây dựng bài tập khắc phục lỗi chính tả cho học sinh.
5. Giáo viên phải gương mẫu về chữ viết và phát huy tính tích cực của học sinh
khi chấm, chữa bài viết cũng như bài tập chính tả.
IV. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Học sinh lớp 4A1 Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng – xã EaNgai- huyện Krông
Buk – Đăk Lăk.
V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
1. Phương pháp khảo sát chất lượng chữ viết của học sinh.
2. Phương pháp thống kê, phân tích.
3. Phương pháp thực nghiệm.
4. Phương pháp đối chiếu và so sánh kết quả sau khi vận dụng các biện pháp trên.
PHẦN THỨ HAI: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. NHỮNG THỰC TRẠNG BAN ĐẦU.
1.Khái quát tình hình học sinh.
- Năm học 2013 – 2014 này tôi được phân công phụ trách lớp 4A1 trường tiểu học
Tôn Đức Thắng . Hầu hết học sinh lớp tôi đều là người miền Trung nên các em phát âm
theo tiếng địa phương quá nhiều. Các em còn viết theo sự phát âm của mình nên dẫn đến
viết sai chính tả
- Học sinh miền Trung chúng ta thường mắc các lỗi phổ biến là các tiếng có vần :
En / ăn / eng / ăng
Am / om / ân / âng
Un / uôn / uông
- Hoặc tiếng có phụ âm đầu là: c / k; s / x; gi / d; ng / ngh; g / gh.
- Các tiếng có phụ âm cuối c / t; n / ng.
- Thanh hỏi và thanh ngã.
- Bên cạnh đó còn một số em chưa nắm được cách ghép âm, vần nên dẫn đến các em viết
sai chính tả rất nhiều.
* Qua khảo sát chất lượng đầu năm học 2013-2014, kết quả phân môn chính tả của lớp tôi
như sau:
Tổng số bài được khảo sát là: 15 bài.Trong đó:
Điểm giỏi Điểm khá Điểm TB Điểm yếu
0/ 15 bài 1 / 15 bài 9 / 15 bài 5 / 15 bài
4
Do xác định được vai trò và tầm quan trọng của việc rèn chữ viết cho học sinh tiểu
học, tôi đã tìm hiểu vấn đề này. Trước hết nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho các em.
Đồng thời cũng góp phần đúc rút kinh nghiệm và làm phong phú thêm một số biện pháp
chỉ đạo chuyên môn trong nhà trường. Rèn cho học sinh có kỹ năng: đọc, nghe, nói, viết
thành thạo. Chính vì vậy, tôi đã chọn đề tài “ Một số biện pháp giảng dạy phân môn chính
tả lớp 4 ”.
2.Thực trạng lỗi chính tả về âm, vần, dấu thanh.
Ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt có các phân môn như: Tập đọc; Luyện từ và câu;
Tập làm văn; Tập viết; Kể chuyện; Chính tả. Phân môn chính tả có nhiệm vụ : “ Cung cấp
cho học sinh các quy tắc viết đúng và rèn luyện để các em có kỹ năng và thói quen viết
đúng chính tả, rèn luyện cho học sinh một số phẩm chất: Tính kỉ luật, tính cẩn thận( vì
phải viết thẳng hàng, ngay ngắn, đẹp đẽ, đúng cỡ chữ). Đồng thời bồi dưỡng cho các em
lòng yêu quý Tiếng Việt, cách biểu thị tình cảm tốt đẹp trong đó có việc viết đúng chính
tả”.
Chất lượng học tập các phân môn của môn Tiếng Việt có quan hệ chặt chẽ, chi phối
nhau, phân môn này có ảnh hưởng và hỗ trợ cho phân môn kia. Nếu học tốt phân môn
chính tả học sinh có một công cụ hết sức đắc lực và hữu ích để ghi chép bài chính xác,
nhanh, đẹp.
Thế nhưng chất lượng học phân môn chính tả của học sinh hiện nay ở trường tiểu
học Tôn Đức Thắng nói chung và học sinh ở các trường khu trung tâm nói riêng còn ở
mức độ thấp. Biểu hiện tập trung nhất là tình trạng viết sai chính tả còn phổ biến.
Dù là học sinh trong cùng một địa phương hay cùng một lớp song không phải em
nào cũng mắc lỗi giống hệt nhau, một số thường viết sai: i/iê;iêt/iêc,… một số em lại sai:
d/r/gi; n/ng; c/t…Một điều đáng lưu tâm hơn là hầu hết các em trong đơn vị trường đọc là
viết sai một số âm đầu cũng như phần vần đọc gần giống nhau: iêng/ iêc; iết/iếc; anh/ ach;
ên/ ênh;… hay các tiếng có dấu thanh: hỏi/ ngã… Nếu giáo viên cứ chú trọng đến các lỗi
mà các em sai phổ biến còn những lỗi khác không chú ý đến thì sẽ là một trong những
nguyên nhân sai lỗi đó một cách truyền thống không sửa được, vì lẽ đó mỗi giáo viên cần
nhận thức và xác định được cho mình nhiệm vụ quan trọng số một của phân môn chính tả
là cung cấp các quy tắc, rèn luyện kỹ năng và thói quen viết đúng chính tả.
Trước hết cần phân ra từng nhóm đối tượng học sinh, nhóm nào thường mắc những
lỗi nào thì tìm ra phương pháp khắc phục cho học sinh sửa lỗi đó. Khi viết những từ có
liên quan đến những lỗi mà nhóm học sinh hay mắc phải, cần gọi những em đó lên viết
trên bảng lớp, viết thường xuyên. Có như vậy, các em mới phát hiện ra lỗi sai để kịp thời
giúp học sinh khắc phục.
3. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó.
- Người miền Trung phát âm hoàn toàn không phân biệt được các tiếng có âm cuối
là n hay ng; c hay t thanh hỏi hay thanh ngã do đó lỗi về âm cuối , về dấu thanh là lỗi khó
khắc phục đối với học sinh miền Trung.
- Học sinh không nắm được một số quy ước về chữ Quốc ngữ
- Học sinh chưa nắm được một số quy tắc viết chính tả Tiếng Việt .
- Học sinh chưa cẩn thận trong khi viết bài còn viết hoa hoặc không viết hoa tuỳ thích.
Muốn khắc phục được những hạn chế, thiếu sót đó người giáo viên cần bổ sung,
điều chỉnh mục tiêu môn chính tả sao cho phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình phụ
5
trách và nhắc nhở phân tích các từ ngữ mà học sinh thường viết sai, thường gặp trong các
môn học khác để học sinh hiểu nghĩa của từ và luôn viết đúng chính tả. Hơn nữa khi đọc
bài các em thường đọc chưa chính xác các tiếng có thanh hỏi, thanh ngã, vần en/eng;
ên/ênh,âm cuối c/t… Vì thế cho nên khi viết hay nhầm lẫn, giáo viên cần phân tích rõ ràng
cho học sinh hiểu để tránh viết sai. Trong khi viết chính tả cần phân tích, so sánh để học
sinh nắm được nghĩa của từ thì học sinh mới viết đúng mọi lúc, mọi nơi. Như vậy bằng
phương pháp này học sinh sẽ có thói quen viết chính tả theo nghĩa của từ.
4.Kết quả thống kê lỗi.
- Qua kết quả thống kê các loại lỗi, tôi thấy học sinh lớp tôi nói riêng, học sinh miền
Trung chúng ta thường mắc phải các loại lỗi sau:
- Về thanh điệu: Tiếng việt có 6 thanh điệu (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) thì học
sinh không phân biệt được 2 thanh hỏi, ngã.
- Về âm đầu: Học sinh thường viết lẫn lộn một số tiếng có âm đầu là c / k; g /gh; ng /ngh;
s / x ; d / gi
- Về âm chính: Học sinh thường viết lẫn lộn một số tiếng có âm chính là :
a / oa; iê / yê
- Về âm cuối: Học sinh thường viết lẫn lộn một số tiếng có âm cuối là :
c / t; n / ng
- Học sinh viết hoa hoặc không viết hoa một cách tuỳ tiện.
II.MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIẢNG DẠY PHÂN MÔN CHÍNH TẢ LỚP 4.
Việc tìm và đưa ra các biện pháp giảng dạy phân môn chính tả lớp 4, là vấn đề mà
mỗi giáo viên cần phải có trách nhiệm giúp đỡ các em. Muốn vậy chúng ta những giáo
viên đang trực tiếp giảng dạy bậc học tiểu học phải có cách làm khoa học, cụ thể phải
nghiên cứu các phương pháp dạy học, có nhiều phương pháp và cách nghiên cứu. Tôi
nghiên cứu theo các bước sau:
1. Khảo sát chất lượng chữ viết của học sinh.
2. Phát hiện lỗi sai mà các em mắc phải.
3. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến học sinh viết chưa đúng chính tả.
4. Đưa ra một số biện pháp rèn viết chính tả và trực tiếp vận dụng các
phương pháp đó trong quá trình giảng dạy phân môn chính tả.
Trong thời gian thực nghiệm tôi đã mạnh dạn đưa ra một số biện pháp để khắc phục
những lỗi chính tả mà các em thường mắc và rèn cho các em viết đúng chính tả.
*Biện pháp 1: Bổ sung quy tắc chính tả cho học sinh.
Trong quá trình giảng dạy và truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, đòi hỏi
người giáo viên cần xác định được trọng tâm của bài, dạy chính tả phải biết kết hợp với
việc dạy chuẩn âm, tức là “ phát âm đúng”. Yêu cầu giáo viên phải là người chuẩn mực
trong việc đọc, nói. Vì cơ sở cơ bản của chính tả Tiếng Việt là nguyên tắc ngữ âm.Chính tả
âm vị đọc thế nào, nói thế nào viết thế ấy. Hầu hết học sinh chưa nắm vững nguyên tắc
chính tả nên dẫn đến viết sai chính tả.
- Giáo viên cần cho học sinh ghi nhớ một số quy tắc chính tả Tiếng Việt như với
những tiếng có âm đầu là ng hay ngh học sinh thường lẫn lộn không xác định được khi
6
nào thì viết âm đầu là ng khi nào thì viết âm đầu là ngh (Vì hai âm này khi phát âm nó
hoàn toàn giống nhau chính vì vậy mà học sinh rất dễ lẫn lộn ) .
Ví dụ: Tiếng “nga” khi ta phát âm là ngờ- a -nga; tiếng “nghe” khi ta phát âm cũng
ngờ- e -nghe .
Nên giáo viên cần cho học sinh nắm được quy tắc sau: Khi một tiếng nào đó nếu em
không xác định được là âm ng hay ngh thì ta phải xét sang phần vần của tiếng đó. Nếu
phần vần của tiếng đó bắt đầu bằng các nguyên âm i, e, ê thì âm đầu của tiếng đó nhất
định phải là âm ngh còn nếu phần vần của tiếng đó bắt đầu bằng các âm khác ba nguyên
âm trên thì âm đầu của tiếng đó sẽ là âm ng. Tương tự đối với âm đầu là c hay k, g hay gh
giáo viên cũng hướng dẫn cho học tương tự như vậy.
- Đối với học sinh lớp 4 mặc dầu các em đã được học về quy tắc viết tên người, tên địa
lí Việt Nam và nước ngoài , cách viết câu văn, đoạn văn nhưng đa số học sinh còn viết hoa
hoặc không viết hoa một cách tuỳ tiện. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi người giáo
viên phải kiên trì nhắc nhở các em trong mọi lúc, mọi nơi chứ không riêng gì trong lúc dạy
chính tả chúng ta mới chú ý nhắc nhở .
Ví dụ : Khi nhìn vào nhãn vở học sinh thấy em không viết hoa họ tên mình thì giáo
viên yêu cầu học sinh nhắc lại cách viết tên người Việt Nam và yêu cầu học sinh xem lại
cách viết tên họ tên của mình trong nhãn vở và sửa lại cho đúng hoặc khi chấm bài tập
làm văn, các môn học khác nếu thấy học sinh không viết hoa danh từ riêng , chữ cái đầu
câu hoặc viết hoa một cách tuỳ tiện thì giáo viên phải gạch chân dưới các tiếng đó và gọi
học sinh đến để nhắc nhở . Nếu chúng ta thực hiện thường xuyên như vậy thì việc học sinh
không viết hoa hoặc viết hoc tuỳ tiện nhất định sẽ được khắc phục.
- Đối với chữ viết có “i" hay “y”.
+ Viết “ i ” khi đứng sau các phụ âm: x, m, r, ch, tr, gh, ngh, l,…( xinh xắn, thông
minh, rì rào, chính tả, trí tuệ, ghi nhớ, nghỉ hè, lí lịch,…)
+ Viết “ y” khi đứng độc lập hay nó không có âm đứng trước ( y tá, yêu thương, yên
lặng, âu yếm, yết kiến,…).
- Đối với chữ viết chứa nguyên âm đôi iê hay yê.
+ Viết “ iê”khi đứng sau các phụ âm: d, đ, h, k, l, m, n, x, s, t, th, ch,…( diệu kì,
điêu đứng, huy hiệu, kiêu kì, lo liệu, miêu tả, nồi niêu, siêu sao, xiêu vẹo, tiền tiêu, thiếu
thốn,…)
+ Viết “ yê” khi đứng sau các phụ âm: d, đ, h , l, x, t, th, ch, tr ( xét duyệt,huyết
tương, luyện tập, xao xuyến, tuyệt đối, thuyền bè, kể chuyện, truyền thuyết).
Khi học sinh nắm chắc nguyên tắc chính tả thì mỗi khi viết bài các em sẽ viết chính
xác và viết đúng chính tả. Cũng từ đó giáo dục ý chí và đức tính tốt, tính cẩn thận, óc thẩm
mĩ đồng thời bồi dưỡng cho các em lòng yêu quý Tiếng Việt, cách biểu thị tình cảm tốt
đẹp khi giao tiếp.
*Biện pháp 2: Ghi nhớ mẹo luật chính tả.
- Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt
từ, giúp giáo viên khắc phục lỗi chính tả cho học sinh một cách rất hữu hiệu .Giáo viên có
thể cung cấp cho học sinh một số mẹo luật như sau:
- Để phân biệt âm đầu s / x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s
7
Ví dụ : cây sả, cây sồi, cây sứ, cây sắn, cây sậy, cây sặt, sầu đâu, sầu riêng, cây sim, cây
sếu, cây si, con vật như con sán, con sâu, con sên, con sò, con sếu, con sóc, con sói, con
sứa, con sáo sậu, con sư tử, con sơn dương,
- Các từ gộp âm chỉ mang thanh hỏi không mang thanh ngã
Ví dụ : Trong + ấy = trổng (thanh hỏi)
ngoài + ấy = ngoải
anh + ấy = ảnh
bên + ấy = bển
ông + ấy = ổng
cô + ấy = cổ; .v.v
- Một số từ có vần ênh chỉ trạng thái bấp bênh, không vững chắc: gập ghềnh, công
kênh, khấp khểnh, bấp bênh, chông chênh, lênh khênh, bập bềnh, chệnh choạng, chếch
choáng,
- Hầu hết các từ tượng thanh đều có tận cùng là ng hoặc nh: đùng đoàng, đoàng
đoàng, oang oang, huỳnh huỵch , sang sảng, lẻng kẻng, đùng đùng, thùng thùng, thình
thịch, xập xình, oăng oẳng, ằng ặc, lẻng xẻng,
- Vần uyu chỉ xuất hiện trong các từ: khuỷu tay, khúc khuỷu, ngã khuỵu, khuỵu chân.
- Vần oeo chỉ xuất hiện trong các từ: ngoằn ngoèo, khoèo chân.
*Biện pháp 3: Luật viết dấu hỏi, dấu ngã trong từ láy.
- Trong từ láy, tiếng có thanh ngã bao giờ cũng đi với các tiếng có thanh huyền,
thanh nặng, hoặc thanh ngã; ngược lại, tiếng có thanh hỏi bao giờ cũng đi với các tiếng có
thanh sắc, thanh ngang hoặc thanh hỏi.
- Nên khi một chữ của từ láy đã viết dấu huyền, dấu nặng, dấu ngã thì chữ kia phải
viết dấu ngã (chứ không viết dấu hỏi)
Ví dụ: sẵn sàng, vẽ vời, dữ dội, đẹp đẽ, lạnh lẽo,
- Khi một chữ của từ láy đã viết dấu sắc, không dấu hoặc dấu hỏi thì chữ kia phải
viết dấu hỏi ( chứ không viết dấu ngã).
Ví dụ: mát mẻ, vất vả, thảm thiết, thong thả, hớn hở,
- Vận dụng những mẹo luật trên ta có thể viết đúng dấu hỏi, dấu ngã trong từ láy .
Nhưng trong thực tế có những từ láy mà cách viết dấu hỏi, dấu ngã lại không theo luật đã
trình bày ở trên. Đây là trường hợp ngoại lệ mà chúng ta cần ghi nhớ:
- Ngoại lệ 1: Những từ láy theo luật thì viết dấu ngã nhưng thực tế lại viết dấu hỏi:
niềm nở, luồn lỏi, bền bỉ, hẳn hòi, dòm dỏ, phỉnh phờ, xoàng xỉnh, vẻn vẹn, lẳng lặng.
- Ngoại lệ 2: Những từ láy theo luật thì viết dấu hỏi nhưng thực tế lại viết dấu ngã:
ngoan ngoãn, khe khẽ, se sẽ
(Số lượng ngoại lệ rất ít)
*Để nhớ luật này chúng ta chỉ cần cho học sinh nhớ câu ca dao sau:
Chị huyền mang nặng ngã đau
Anh sắc không hỏi một câu gọi là.
- Nhớ câu này là các em đã nhớ được nội dung luật viết hỏi ngã trong từ láy .
*Biện pháp 4: Phân tích, so sánh.
8
- Trong tiết dạy chính tả, với những tiếng khó giáo viên nên cho học sinh luyện viết
vào bảng con. Cần áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng hoặc so sánh với những tiếng
dễ lẫn lộn, nhấn mạnh những điểm khác nhau để học sinh ghi nhớ.
- Ví dụ: Khi viết tiếng biết trong từ hiểu biết học sinh rất dễ lẫn lộn viết là biếc ta cần
phân tích cấu tạo tiếng này :
- Biết = b + iêt + thanh sắc
Các em cần phân biệt với tiếng biếc trong từ xanh biếc.
*Biện pháp 5: Cho học sinh hiểu nghĩa của từ.
- Giải nghĩa từ cũng là biện pháp hữu hiệu để giúp học sinh khắc phục lỗi chính.
Học sinh sẽ viết đúng chính tả nếu các em hiểu được nghĩa của từ. Việc giải nghĩa từ
thường được thực hiện trong các tiết như luyện từ và câu, tập làm văn, tập đọc, nhưng nó
cũng là việc làm rất cần thiết trong tiết chính tả , khi học sinh không thể phân biệt được từ
khó dựa vào cách phát âm.
Ví dụ : Phân biệt “chiêng” và “chiên”
- Nếu giáo viên yêu cầu các em viết cho cô chữ ghi tiếng chiêng thì học sinh rất dễ
viết sai nên chúng ta cần giải nghĩa chiêng là nhạc cụ bằng đồng, hình tròn, Hoặc muốn
viết tiếng chiên thì giáo viên phải cung cấp chiên này có nghĩa là làm cho chín thức ăn
bằng cách cho thức ăn vào chảo dầu, mỡ đun trên bếp.
- Đối với những từ có chứa tiếng cũ mà nghĩa của từ đó có nghĩa là cổ xưa thì tiếng
cũ đó được viết bằng thanh ngã.
Ví dụ : bạn cũ, cũ kĩ, cũ rích, năm cũ, đồ cũ, sách cũ,
- Đối với những từ có chứa tiếng củ mà nghĩa của từ đó có nghĩa là củ quả thì tiếng
củ đó được viết bằng thanh hỏi.
Ví dụ: củ khoai, củ chuối, củ cải, cải củ
- Đối với những từ có chứa tiếng nghĩ mà nghĩa của từ đó có nghĩa là nói lên ý nghĩ
thì tiếng nghĩ đó được viết bằng thanh ngã.
Ví dụ : Suy nghĩ, nghĩ ngợi, nghĩ bụng, lo nghĩ, ngẫm nghĩ, ý nghĩ,
*Biện pháp 6: Xây dựng bài tập khắc phục lỗi chính tả cho học sinh.
Dạy chính tả trong trường tiểu học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát
triển trí thông minh, khả năng tư duy và khả năng ghi nhớ của học sinh. Nếu học tốt phân
môn chính tả học sinh sẽ có một công cụ hết sức đắc lực và hữu ích để ghi chép bài chính
xác, nhanh và đẹp.
Trong quá trình dạy học chính tả giáo viên phải tổ chức cho học sinh thực hành
luyện tập các bài tập, bởi thông qua quá trình thực hành luyện tập các bài tập sẽ dần hình
thành ở các em kỹ năng viết thành thạo, thuần thục chữ viết Tiếng Việt theo chuẩn chính
tả, nghĩa là hình thành kỹ xảo chính tả. Khi các em làm bài tập một cách tích cực, chủ
động thì các em sẽ tự nhận biết được viết như thế nào là viết đúng và nếu viết khác đi thì
sẽ sai, từ đó các em ghi nhớ cách viết đúng sâu sắc hơn, bền vững hơn.
Trong quá trình giảng dạy, sau khi học xong bài mới, giáo viên giao cho học sinh
những bài tập để thực hành luyện tập. Đối với các em việc thực hành luyện tập sẽ giúp các
em ghi nhớ kiến thức đã học nhanh hơn và biết khắc phục những lỗi mà mình thường mắc
phải. Còn đối với bản thân tôi là một giáo viên trực tiếp giảng dạy sau khi chấm tất cả các
9
bài tập này, thứ nhất là có thể đánh giá được kết quả học tập của mỗi học sinh. Thứ hai là
có thể thu được thông tin ngược lại từ phía học sinh, xem mức độ tiếp thu bài của các em
tới đâu? hay còn vướng mắc ở chỗ nào? phần nào? Với phương pháp dạy học đó đã phù
hợp chưa? Từ đó điều chỉnh lại cách thức, phương pháp dạy học sao cho đạt hiệu quả tốt
nhất.
Từ kết quả khảo sát thực tế đối với học sinh lớp 4A1 trường tiểu học Tôn Đức
Thắng. Khi viết bài các em viết sai chính tả rất nhiều, trình bày bài cẩu thả, viết còn nhầm
lẫn giữa các phụ âm đọc gần giống nhau. Do đó tôi mạnh dạn xây dựng một số bài tập
chính tả dưới hình thức tổ chức cho các em làm bài kiểm tra. Nhằm củng cố và bổ sung kỹ
năng nắm chắc nguyên tắc chính tả để các em không còn gặp khó khăn khi viết bài, nhằm
hạn chế lỗi chính tả trong các môn học khác.
BÀI KIỂM TRA SỐ 1.
1. Điền vào chỗ trống an hay ang.
- Mấy chú ng…con d… hàng ng… lạch bạch đi kiếm mồi.
- Lá bàng đang đỏ ngọn cây,
Sếu gi… m… lạnh đang bay ng… trời.
2. Tìm tiếng có vần iên hay uyên thích hợp với mỗi chỗ trống dưới đây.
Chỉ có ………… mới hiểu
………… mênh mông nhường nào
Chỉ có ………… mới biết
………… đi đâu về đâu.
3. Điền vào chỗ trống r , d hay gi.
… ây mơ ….ễ má
… ấy trắng mực đen
… eo ……ó gặt bão
… ối … ít tít mù
… anh lam thắng cảnh
… út … ây động rừng
… ương đông kích tây
… ãi ….ó … ầm mưa.
4.Đặt trên chữ in đậm dấu hỏi hay dấu ngã.
Bình minh hay hoàng hôn?
Trong phòng triên lam tranh, hai người em nói chuyện với nhau. Một người bao:
- Ông thư đoán xem bức tranh này ve canh bình minh hay canh hoàng hôn.
- Tất nhiên là tranh ve canh hoàng hôn.
- Vì sao ông lại khăng định chính xác như vậy?
- Là bơi vì tôi biết họa si ve tranh này. Nhà ông ta ơ cạnh nhà tôi. Ông ta chăng bao
giờ thức dậy trước lúc bình minh.
Tôi tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra vào chiều ngày mồng 15/ 11/ 2013 kết quả
như sau:
10
Sau khi cho học sinh thực hành làm bài kiểm tra, các em còn nhầm lẫn rất nhiều
giữa các âm cũng như các vần đọc gần giống nhau. Từ kết quả trên tôi tiếp tục cho học
sinh làm bài kiểm tra số 2.
BÀI KIỂM TRA SỐ 2.
1.Tìm tiếng chứa vần iêu , êu hay ươu thích hợp vào chỗ trống.
…….yếu đào tơ
Gầy cao …… đêu
Dáng đi liêu ……
Cánh … no gió
Con ốc …… vàng
Người con …… thảo
Con ……. cao cổ
2.Gạch chân những chữ viết sai và sửa lại cho đúng.
Tìm nơi thăm thẵm rừng sâu ………………………….
Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa bang …………………………….
Tìm nơi bờ biễn sóng tràng ………………… ……
Hàng cây chắn bảo, dịu dàn mùa hoa …………………………….
Tìm nơi quần đão khơi xa …………………………
Có loài hoa nỡ như là không tên ……………………………
3. Tìm tiếng chứa vần ên, ênh điền vào chỗ trống cho thích hợp.
Lên thác xuống ……… Bóng trăng ………. chếch
Ăn ….làm ra Ăn ……. ngồi trốc
Mây trời bồng ………… Nước chảy …….láng
Của ……. tại người Áo mũ ……… xang.
4. Điền vào chỗ trống uôn hay uông?
- …nước nhớ ng…
- Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ anh rau m…, nhớ cà dầm tương.
- Đố ai lặn x… vực sâu
Mà đo miệng cá,… câu cho vừa.
- Người thanh tiếng nói cũng thanh
Ch… kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.
5. Điền vào ô trống tiếng có vần ât hay âc?
Khúc nhạc đưa mọi người vào… ngủ yên lành. Âm thanh cồng chiêng, trang
nghiêm và linh thiêng như tiếng…. trời, làm mọi người tạm quên đi những lo toan ….
vả đời thường.
Điểm giỏi Điểm khá Điểm TB Điểm yếu
1 / 15 bài 2/ 15 bài 7/ 15 bài 5/ 15 bài
11
Bài kiểm tra số 2 tôi cho học sinh làm vào chiều thứ tư ngày 14/ 12/ 2013, kết quả
như sau:
Tổng số bài kiểm tra: 15 bài
Sau khi cho học sinh thực hành làm bài kiểm tra số 2, mặc dù đã có nhiều cố gắng
xong vẫn còn một số em khi làm bài còn nhầm lẫn giữa các âm cũng như các vần đọc gần
giống nhau. Từ kết quả trên tôi tiếp tục cho học sinh làm bài kiểm tra số 3, để nhằm giúp
học sinh khi viết bài đúng và đẹp hơn.
BÀI KIỂM TRA SỐ 3.
1. Khoanh tròn chữ cái trước từ viết đúng.
A. Sóng biểng D. Bông hồng
B. Tưởng tượng E. Thức giất
C. Ngựa gổ G. Dòng sông
H. Thân thiếc I. Thời tiết
2. Điền vào chỗ trống vần iên hay uyên.
Đón mừng ch… thắng Chia tay lưu l…….
Ch…… tàu xuôi ngược Ăn nói l… thoắng
Thầy cô kh…… bảo L… hoan tổng kết
Nhà trường t…… dương Học tập ch…… cần
Học sinh t… t ……… Đội quân t…… phong
4. Điền vào chỗ trống uôt hay uôc?
- Cày sâu c… bẫm.
- Mua dây b… mình.
- Th… hay tay đảm.
-Ch… gặm chân mèo.
5. Tìm âm,vần thích hợp với mỗi chỗ trống( iên/ uyên, c/t )
GIỮA CƠN HOẠN NẠN.
Một chiếc… th……… ra đến giữa dòng sông thì dò. Chỉ trong nháy mắt, th…`…
đã ngập nước.
Hành khách nhốn nháo, hoảng hố , ai nấy ra sức tá… nước cứu th….`…, duy chỉ có
một anh chàng vẫn thản nh… , coi như không có ch…… gì xảy ra. Một người khách thấy
vậy, không dấu nổi tứ… giận, bảo:
- Th…`… sắp chìm xuống đáy sông rồi, sao anh vẫn thản nh…. vậy?
Anh chàng nọ trả lời:
- Việc gì phải lo nhỉ? Th…`… này đâu phải của tôi!.
Bài kiểm tra số 3 tôi cho học sinh làm vào chiều ngày 10/ 3 / 2014, sau khi chấm
bài tôi nhận thấy sự tiến bộ của các em được thể hiện cụ thể trong bài kiểm tra, sự nhầm
Điểm giỏi Điểm khá Điểm TB Điểm yếu
2 / 15 bài 5/ 15 bài 6/ 15 bài 2/ 15 bài
12
lẫn giữa các âm, vần đọc gần giống nhau vẫn còn song đó chỉ là một con số rất nhỏ . Mặc
dù vậy chữ viết của các em vẫn còn cẩu thả, một số em viết chưa đúng cỡ chữ, mẫu chữ,
trình bày bài chưa khoa học, kết quả như sau:
Tổng số bài kiểm tra: 15 bài
*Biện pháp 7:Giáo viên phải gương mẫu về chữ viết và phát huy tính tích cực
của học sinh khi chấm, chữa bài viết cũng như bài tập chính tả.
Để khắc phục lỗi chính tả và nâng cao chất lượng chữ viết của học sinh lớp 4A1
trường Tiểu học Tôn Đức Thắng. Giáo viên phải nắm vững quy tắc chính tả, thuật ngữ
chính tả, thuật nhớ và mẹo chính tả. Nắm vững cơ sở ngữ âm, ngữ nghĩa của chính tả
Tiếng Việt. Có hiểu biết đầy đủ về khả năng kết hợp của các thành phần trong âm tiết
Tiếng Việt. Mặt khác phải quán triệt nguyên tắc chính tả tại địa phương ( cụ thể ở đây là
học sinh trường tiểu học Tôn Đức Thắng ). Cũng xuất phát từ tình hình thực tế mắc lỗi
chính tả của học sinh trường tiểu học Tôn Đức Thắng nói chung, học sinh lớp 4A1 trường
tiểu học Tôn Đức Thắng nói riêng. Để giúp học sinh viết đúng và chuẩn chính tả người
giáo viên phải rèn chữ viết thường xuyên, viết chữ đúng mẫu, chuẩn, đẹp. Phải gương mẫu
về chữ viết trên bảng, chữ viết nhận xét, chữa lỗi trong vở học sinh. Đặc biệt phải quan
tâm độ cao, kích thước của từng con chữ, khoảng cách giữa các con chữ, các tiếng phải
đều, đúng quy định, cách trình bầy bài phải khoa học. Muốn rèn chữ viết của học sinh có
hiệu quả đòi hỏi người giáo viên phải có ý thức trách nhiệm cao, nhiệt tình chỉ bảo uốn nắn
chữ viết cho các em, dành nhiều thời gian cũng như tâm huyết với nghề, thực sự yêu
thương học sinh, quan tâm và thường xuyên nhắc nhở, động viên khen ngợi các em kịp
thời, đúng mức ở các bài viết ( khen, chê hợp lí, tránh tình trạng khen ngợi quá mức để rồi
các em không cố gắng hay chê trách nhiều để các em tự ti mặc cảm với các bạn).
Một vấn đề cần lưu ý trong khi học sinh viết bài đó là tư thế ngồi viết, giáo viên yêu
cầu học sinh ngồi viết đúng tư thế, không ngồi tuỳ tiện như: ngồi nghiêng người, cúi sát
vào vở, bàn ghế chưa đúng quy cách, … Việc ngồi không đúng tư thế sẽ ảnh hưởng trực
tiếp đến nét chữ của các em, gây cong vẹo cột sống,…Ngoài ra yêu cầu các em cầm bút
đúng cách để khi viết bài được dễ dàng.Thường xuyên chú ý nhắc nhở học sinh giữ sách
vở cẩn thận không để nhàu nát. Muốn thành công trong việc rèn viết chính tả cho các em
phải có sự bàn bạc ở tập thể chuyên môn, phải phối hợp với nhiều người, phối hợp giữa gia
đình và nhà trường. Điều cần chú ý là rèn chữ viết cho học sinh ngay từ các lớp đầu cấp,
nhằm rèn cho các em có ý thức ngay từ khi bắt đầu bước vào lớp học đầu tiên của bậc học
tiểu học. Từ đó các em sẽ có thói quen viết cẩn thận, đúng, đẹp. Khi đã hình thành được
thói quen các em sẽ có ý thức viết đẹp hơn, trình bầy khoa học và một điều quan trọng hơn
là sẽ hạn chế tới mức thấp nhất việc viết sai chính tả.
Trong mỗi bài viết chính tả hay bài tập chính tả, sau khi viết hay làm bài tập xong
các em đều được chấm và chữa bài, nhiều giáo viên thu tất cả vở học sinh để tự mình chấm
Điểm 9-10 Điểm 7-8 Điểm 5-6 Điểm 3-4
3 / 15 bài 6/ 15 bài 5/ 15 bài 1/ 15 bài
13
(ở lớp hay ở nhà). Như vậy giáo viên đã bỏ qua bước cho học sinh tự chữa lỗi trong bài
viết hay bài tập của mình hoặc của bạn (hình thức đổi vở cho nhau để chữa bài). Bằng
cách này giáo viên chỉ có một điểm thuận lợi là giảm bớt thời gian trong tiết học, nhưng
mặt khác học sinh không được một lần nữa tiếp xúc với bài viết, bài tập vừa được viết,
được làm, không tự phát hiện ra lỗi sai dưới sự hướng dẫn, sửa chữa của giáo viên. Do đó
cần để cho học sinh phát huy tính tích cực, sáng tạo của bản thân các em bằng cách tự
chữa bài viết cũng như bài tập chính tả của mình cũng như của bạn.
Đối với các em học sinh lớp 4A1 trường tiểu học Tôn Đức Thắng, ngay từ đầu năm
học 2013- 2014 (tháng 09 năm 2013), bản thân tôi đã vận dụng tối đa tính tích cực, sáng
tạo của học sinh trong việc chấm, chữa bài nhằm phát triển tư duy, sự nhận thức của các
em để các em tự nhận biết mình đã sai, nhầm lẫn như thế nào? Rồi qua đó các em sẽ hiểu
rằng mình cần phải ghi nhớ để không lặp lại những lỗi đó nữa. Trong thời gian thực
nghiệm đối với học sinh hai lớp 4A1 , tôi đã vận dụng để phát huy tính tích cực, sáng tạo
của học sinh khi chấm, chữa bài. Cụ thể bằng hai cách:
* Cách thứ nhất: Sau khi viết chính tả cũng như làm bài tập xong yêu cầu học sinh
đọc lại bài và tự soát lỗi, chữa bài bằng cách dùng bút chì gạch chân những lỗi mà mình
viết sai, làm sai.Giáo viên khuyến khích học sinh tự đánh giá bài viết hay bài tập chính tả
của mình (nghĩa là tự chấm điểm bài của mình vào phiếu đánh giá mà giáo viên đã chuẩn
bị cho các em hoặc ghi điểm vào góc vở của các em). Sau đó giáo viên thu bài xem kết quả
mà học sinh đã tự chữa bài, đánh giá và dùng bút mực đỏ gạch chân những chỗ sai mà học
sinh chưa phát hiện rồi chữa lại cho đúng ra lề vở.
* Cách thứ hai: Học sinh đổi vở chính tả hay vở bài tập cho bạn ngồi kế bên để chữa
lỗi (dùng bút chì gạch chân những lỗi mà bạn viết sai hay làm sai). Giáo viên khuyến
khích học sinh đánh giá bài viết hay bài tập chính tả của bạn. Tiếp đó giáo viên thu bài,
kiểm tra kết quả học sinh chữa lỗi chính tả, bài tập chính tả và đánh giá bài của bạn có
chính xác không? giáo viên có thể gọi một số học sinh đối thoại trực tiếp vì sao lại đánh
giá, ghi điểm bài của bạn mình như vậy và đặt ra một số câu hỏi gợi ý để hướng cho học
sinh tìm những lỗi mà các em chưa chỉ ra được.
Vì vậy trước khi luyện viết một bài chính tả giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm
hiểu khái quát bài cần viết, để học sinh lưu ý phân biệt các hiện tượng chính tả, giải thích
từ khó, nguyên tắc chính tả,… Ngôn ngữ gắn liền với tư duy nên học sinh có hiểu mới viết
đúng được và sửa lỗi trong bài một cách chính xác. Thêm vào đó khi chấm, chữa bài cho
học sinh giáo viên cần chú ý đến cách trình bày bài viết của các em sao cho khoa học,
sạch, đẹp.
Ngoài một số biện pháp cơ bản trên, trong quá trình giảng dạy tôi còn vận dụng một
số biện pháp khác như: Yêu cầu học sinh tự luyện viết ở nhà mỗi tuần ít nhất hai bài , tổ
chức thi vở sạch, thi viết chữ đẹp,… động viên các em kịp thời tạo cho các em niềm tin.
Từ đó các em sẽ có ý thức học tập tốt hơn không riêng gì phân môn chính tả mà trong tất
cả các môn học.
III: KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM.
1.Kết quả đạt được.
Trong năm học 2013- 2014 vừa qua tôi đã vận dụng các biện pháp trong đề tài vào
việc giảng dạy phân môn chính tả cho học sinh. Sau gần một năm học kết quả được nâng
lên rõ rệt. Học sinh biết cách trình bày bài một cách khoa học hơn, chữ viết tương đối đều,
14
đẹp, cẩn thận và ít sai lỗi chính tả. Điều đáng mừng hơn là khi học phân môn tập làm văn
và các môn học khác các em có thói quen viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp.
Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm có được kết quả như vậy tôi rất phấn khởi
và tự tin với những thành công khi vận dụng các biện pháp này. Mặc dù trong kết quả đạt
được vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Kết quả đạt được tuy còn rất khiêm tốn nhưng đã
góp một phần nhỏ bé nâng cao chất lượng chữ viết của 15 học sinh trong lớp, do tôi chủ
nhiệm. Qua các đợt kiểm tra trong năm học chất lượng viết chính tả của học sinh đạt được
cụ thể như sau:
Tổng số học sinh được tham gia kiểm tra là: 15 em, với 15 bài kiểm tra, đây là kết
quả rèn luyện của các em trong năm học 2013- 2014.
XẾP LOẠI
Đầu năm học
GKI
CKI
GKII
Tổng số
15
Tỉ lệ
Số
lượng
Tỉ lệ Số lượng Tỉ lệ
Số
lượng
Tỉ lệ
Điểm giỏi 0 1 6,7% 2 13.3% 3 20.0%
Điểm khá 1 6.7% 2 13.3% 4 26.7% 6 40.0%
Điểm TB 9 60,0% 8 53.3% 7 46.7% 5 33.3%
Điểm yếu 5 33,3% 4 26.7% 2 13.3% 1 6.7%
2. Bài học kinh nghiệm:
Sau khi sử dụng các biện pháp sửa lỗi chính tả cho học sinh lớp 4 , bản thân tôi rút
ra được những kinh nghiệm:
- Giáo viên cần luyện phát âm đúng, chính xác và yêu cầu học sinh cũng phải thực
hiện tốt trong khâu này.
- Cần cho học sinh nắm và ghi nhớ các mẹo luật chính tả Tiếng Việt
- Học sinh phải nắm được một số quy tắc viết chính tả Tiếng Việt.
-Cần vận dụng các biện pháp phân tích, so sánh, giải nghĩa từ trong tiết dạy chính tả.
- Chọn nội dung bài tập phù hợp với học sinh của lớp mình, vùng mình.
- Phải nắm vững từng đối tượng học sinh của lớp mình phụ trách . Thường xuyên
theo dõi, nhắc nhở, động viên và tuyên dương kịp thời, phải sửa sai, uốn nắn , thay đổi
biện pháp thích hợp cho từng học sinh .
- Kết hợp tốt việc giáo dục giữa nhà trường và gia đình phụ huynh học sinh để giúp
các em tiến bộ .
- Cần bổ sung những nội dung cần thiết mà sách giáo khoa chưa đề cập đến cho phù
hợp với việc dạy chính tả cho học sinh .
- Giúp học sinh thống kê những lỗi mà các em hay sai vào sổ tay Tiếng việt .
- Cần thường xuyên học tập, bồi dưỡng khả năng phát âm chuẩn và trình độ viết
15
chính tả của bản thân .
PHẦN 3: KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ.
I.Kết luận
- Trên đây là một số kinh nghiệm mà tôi vận dụng trong quá trình giảng dạy thực tế của
lớp mình. Tuy kết quả bước đầu áp dụng kết quả chưa cao, nhưng với sự nhiệt tình và nỗ
lực của khả năng tôi, tôi cũng có được một số kinh nghiệm trên. Rất mong nhận được ý
kiến đóng góp của BGH nhà trường cùng các bạn đồng nghiệp để việc giảng dạy bộ môn
Chính tả trong nhà trường nói chung và trường TH Tôn Đức thắng nói riêng được nâng
cao và hiệu quả. Xin chân thành cám ơn.
II.Kiến nghị.
Qua thực tế giảng dạy phân môn chính tả ở trường tiểu học nói chung và lớp 4 nói
riêng tôi nhận thấy người giáo viên phải luôn tự tìm tòi,học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Từ những kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, để giúp học sinh viết đúng, viết đẹp,
tôi có một số kiến nghị sau:
*Đối với cấp trên.
- Tổ chức thi “ Vở sạch chữ đẹp” và “ Viết chữ đẹp” cho học sinh để kích thích phong
trào thi đua viết đúng, viết đẹp của học sinh.
- Đẩy mạnh phong trào giữ “ Vở sạch chữ đẹp”. Kết thúc mỗi năm học, trường
nên giữ lại những bộ vở đẹp để lưu lại phòng Truyền thống của nhà trường làm
chuẩn để kích thích phong trào “Vở sạch chữ đẹp”cho năm học tiếp theo.
* Đối với giáo viên:
- Thường xuyên tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, nghiên cứu các tài
liệu luôn học hỏi để nâng cao tay nghề.
- Thường xuyên kiểm tra đánh giá việc viết chính tả của học sinh và ghi nhận kết
quả của các em hay một tiến bộ rất nhỏ.
*Đối với phụ huynh:
- Mua đầy đủ vở viết, bút viết cho các em, động viên khuyến khích cho các em luyện
viết thêm ở nhà…
- Thường xuyên quan tâm tới việc học ở nhà của các em.
- Kết hợp chặt chẽ với nhà trường để tạo điều kiện cho các em học tập được tốt hơn.
III.Tài liệu nghiên cứu
1. Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1+ 2.
2. Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4, tập 1+ 2.
3. Để học tốt Tiếng Việt 4 tập, 1: Ngô Trần Ái, Nguyễn Qúy Thao (chủ biên) Nhà
xuất Báo Giáo Dục và Thời đại.
4. Bồi dưỡng học Văn - Tiếng Việt tiểu học: Nguyễn Kim Dung – Hồ Thị Vân Anh:
Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
5. Bài tập thực hành trắc nghiệm Tiếng Việt 4, tập 1, 2 : Đinh Ngọc Bảo (chủ biên),
Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm.
16
6. Sổ tay chính tả Tiếng Việt tiểu học: Nguyễn Đình Cao, Nhà xuất bản Giáo Dục.
7. Dạy và học chính tả ở tiểu học, Hoàng Văn Thung- Đỗ Văn Thảo, Nhà xuất bản
Giáo Dục.
8. Chữa lỗi chính tả cho học sinh, Phan Ngọc, Nhà xuất bản Giáo Dục.
9. Giúp em luyện chữ đẹp lớp 4, tập 1: Nhà xuất bản Giáo Dục.
V. Lời cảm ơn.
Có được sự thành công này, lời đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và
sâu sắc tới BGH nhà trường cùng các anh chị em đồng nghiệp đã có những đóng góp quý
báu để đề tài của tôi hoàn thiện hơn.
Đặc biệt tôi chân thành cảm ơn các em học sinh lớp 4A1 đã giúp đỡ tôi trong quá
trình khảo sát chữ viết đầu năm cũng như trong quá trình thực nghiệm đề tài.
Eangai, ngày 16 tháng 03 năm 2014
Người thực hiện
Nguyễn Thị Thanh
MỤC LỤC
Stt Nội dung công việc Trang
01
02
03
04
05
06
Phần thứ nhất: Đặt vấn đề
I. Lí do chọn đề tài
II.Những vấn đề về lí luận
III.Nhiệm vụ của đề tài
IV.Đối tượng nghiên cứu
V. Phương pháp nghiên cứu
2
2
2
3
4
4
17
07
08
09
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
Phần thứ hai: Giải quyết vấn đề
I: Những thực trạng ban đầu
1. Khái quát tình hình học sinh.
2. Thực trạng lỗi chính tả về âm, vần, dấu thanh.
3. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó.
4. Kết quả thống kê lỗi.
II: Một số biện pháp giảng dạy phân môn chính tả lớp 4
* Biện pháp 1: Bổ sung nguyên tắc chính tả cho học sinh.
* Biện pháp 2: Ghi nhớ mẹo luật chính tả.
* Biện pháp 3:Luật viết dấu hỏi, dấu ngã trong từ láy.
* Biện pháp 4:Phân tích, so sánh.
* Biện pháp 5: Cho học sinh hiểu nghĩa của từ.
*Biện pháp 6:Xây dựng bài tập khắc phục lỗi chínhtả cho học sinh.
*Biện pháp 7:Giáo viên phải gương mẫu về chữ viết và phát huy
tính tích cực của học sinh khi chấm, chữa bài viết cũng như bài tập
chính tả .
III. Kết quả và bài học kinh nghiệm.
4
4
4
5
5
6
6
6
7
8
8
9
9
12
14
22 Phần thứ ba : Kết luận – Kiến nghị 15
23VII. Tài liệu nghiên cứu 16
Xác nhận của HĐKH Nhà trường.
18
……………………………………………………………………………………………….
……………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………
… ……………………………………………………………………………………………
Xác nhận của HĐKH Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Krông Buk
19