Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

Chuyên đề THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI TRONG HƯƠNG RỪNG CÀ MAU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (360.23 KB, 19 trang )

1
SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TIỀN GIANG
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TIỀN GIANG
Chuyên đề :
THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI
TRONG HƯƠNG RỪNG CÀ MAU (TẬP 1)

GIÁO VIÊN: LÊ THỊ HỒNG VÂN
TỔ NGỮ VĂN
2
MỤC LỤC
1. Thiên nhiên Nam Bộ tồn tại qua hai mặt đối lập nhau trong cuộc sống con người… 1
1.1. Thiên nhiên hoang dã, dữ dội 1
1.2. Thiên nhiên gần gũi, gắn bó với cuộc sống con người………… 6
2. Hình ảnh con người Nam Bộ trong Hương rừng Cà Mau (tập 1) 9
2.1. Con người Nam Bộ trong mối quan hệ với thiên nhiên 9
2.2. Con người Nam Bộ trong mối quan hệ với quê hương, đất nước 11
2.3. Con người Nam Bộ trong mối quan hệ với con người 14
3. Kết luận 16
Tài liệu tham khảo 17
3
THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI
TRONG HƯƠNG RỪNG CÀ MAU (TẬP 1)
“Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng soi dòng Cửu Long giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh
Tiếng rừng đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này…”
(Bài ca đất phương Nam, Lê Giang-Lưu Nhất Vũ)
“Đất phương Nam” – ba từ ngữ giản dị nhưng lại gợi lên trong lòng người, nhất
là những người con xứ sở này những tình cảm yêu thương tha thiết, tự hào mãnh liệt
về vùng đất quê hương. Trái tim ta càng không ngừng run lên vui sướng khi đọc được


những tác phẩm viết về vùng đất và con người của chính cha ông mình trong cuộc
mưu sinh đầy gian nan thời kì đầu khai phá và những năm thực dân Pháp xâm lược.
Sơn Nam - người con được sinh ra và lớn lên, thấu hiểu sâu sắc về miền đất và con
người Nam Bộ - đã phản ánh rất thực, sinh động về những gì ông đã đi qua, đã sống,
đã chứng kiến, nếm trải và chiêm nghiệm. Chính vì lẽ đó, đọc Hương rừng Cà Mau
(tập 1) - một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi Sơn Nam - sẽ thấy rất rõ hình ảnh
đặc trưng của miền đất và con người Nam Bộ thời kì nửa đầu thế kỉ XX.
1. Thiên nhiên Nam Bộ tồn tại qua hai mặt đối lập nhau trong cuộc sống con
người
1.1. Thiên nhiên hoang dã, dữ dội
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô hình
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng…
4
Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ,
Chướng khí mù như sương…”
Những dòng thơ đầu tiên thay cho lời tựa của tập truyện đã phần nào thể hiện
sự hoang sơ, dữ dội của vùng đất mới đối với người dân Nam Bộ buổi đầu đi khẩn
hoang. Trước tiên, sự hoang dã ấy được thể hiện qua những lời kể, lời đồn của những
người dân vùng khác về vùng Cà Mau - Rạch Giá. Trong truyện ngắn Con Bảy đưa
đò, Sơn Nam đã miêu tả: “Rạch Cái Mau là ngọn sông lớn ăn qua địa phận của tỉnh
Cần Thơ. Trên ba mươi năm về trước, đó là nơi sầm uất, lau sậy mọc um tùm quanh
mấy gốc bần to lớn cỡ hai người ôm không xuể. Sớm thì chim kêu, chiều thì vượn hú,

quang cảnh buồn bã làm sao! Thỉnh thoảng, có người bảo rằng: giữa đêm khuya nghe
tiếng cọp rống…” Sự hoang sơ, tiêu điều ấy dần dần đã không còn nữa bởi dấu chân
người đi khai hoang mở đất. Nhưng trong tư tưởng nhiều người, Cà Mau - Rạch Giá
vẫn là vùng đất “kì quái, hiểm nguy”. Đó là lí do bà Cả trong truyện Cô Út về rừng
nhất định không chịu gả con Út cho cậu Quỳnh. Bà lần lượt viện ra hàng loạt những
“dẫn chứng” để khẳng định ý kiến của mình:
“Tôi ngại quá. Mình có mụn con gái. Gả đi xa xôi không nói làm chi. Ngặt xứ
đó kì quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm…”;
“…Ông không nghe người ta hát sao?
Xứ đâu như xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh.”;
“…Nè, tôi nghe nói …phen đó cô dâu nọ ở chợ Cần Thơ gả xuống. Cổ xuống
bến làm cá, xong xuôi đem trút vô chảo, nấu canh chua. Dè đâu chừng dọn cơm ra,
cha mẹ chồng gắp lên thấy quả tang một con đỉa đeo trong khứa cá. Cô dâu nọ bị đuổi
vì tội… nấu canh chua bằng đỉa. Oan ức quá. Xứ đỉa nhiều, ai đâu dè trước. Tôi sợ
con Út nhà mình phải bị đuổi trở về mà mang nhục với xóm giềng.”;
“Gả con về rừng khổ lắm. Xưa nay người ta hát
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí rợ, dưa hường nấu canh
Đằng này mình gả con về rừng… Bao nhiêu người bị tai nạn rồi đó.”;
“…Xuống miệt Cạnh Đền, muỗi ăn thịt nó. Nó bỏ thây ở dưới, hai ba năm chưa
chắc về thăm mình một lần.”
5
Những lí lẽ của người mẹ thương con, không muốn xa con, sợ con gặp cực khổ,
hiểm nguy không phải không đáng lưu tâm. Có những lí do đúng nhưng cũng có
những lời đồn thổi về xứ Cạnh Đền. Nhưng điều đó lại thể hiện được một điều: trong
tâm thức người dân Việt Nam nói chung và dân Nam Bộ nói riêng nghĩ về vùng Cà
Mau - Rạch Giá là một nơi vô cùng xa xôi, hiểm nguy.
Những lời đồn đại, truyền miệng về sự hoang sơ, hiểm nguy của thiên nhiên xứ
Cà Mau - Rạch Giá không phải là không có căn cứ. Lần lượt đọc những truyện còn lại

của tập 1 Hương rừng Cà Mau, sự hoang dã, dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên nơi
đây hiện dần lên qua từng trang viết.
Đầu tiên đó là sự xa xôi, hẻo lánh của từng tên đất, tên làng: “Đường đi ấp Cà
Bây Ngọp quá xa vời! Chiếc tam bản nhún xuống một cái “ồ” rồi nhảy tới một cái
“sạt” theo nhịp chèo hai chèo. Nắng chang chang rắc vàng trên thảm cỏ xanh ngắt.
Vài nhánh bình bát gie ra, quất vào bụi sột soạt. Xế chiều, cò trắng điểm lấm tấm trên
dãy rừng tràm đằng xa. Lau sậy phất cờ như đón người khách lạ. Trích, cúm núm kêu
ré lên. Con rạch thâu hẹp lại. Chiếc tam bản lắc nghiêng như trái dừa khô trên mặt
nước đầy sóng gió…” (Tình nghĩa giáo khoa thư)
Buổi tối, “muỗi nhiều như sáo thổi”, người dân phải chui vô mùng, vô nóp để
tránh bị muỗi đốt mà sinh bệnh:
“Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi lưới mịn màng như màng
lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.
Tư Có bỏ mùng xuống, chun vô tấn ba phía rồi mời:
- Thầy Hai vô trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngoài muỗi cắn. Khói như
vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh trong thếp đèn dầu cá đó.
Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chun lẹ
vô ngồi kế bên:
- Xứ gì lạ quá! Anh Tư ở đây hoài sanh bệnh chết.
Tư Có đáp:
- Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu len
tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỉ niệm luôn… Bởi
vậy dân tình bênh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.
Thầy phái viên trố mắt:
- Vậy à? Còn mấy làng khác?
6
- Đông Thái, Đông Hòa, Đông Hưng, Vân Khánh Đông… không làng nào có
trường hết…”
(Tình nghĩa giáo khoa thư)
“Dạ, ở miệt dưới muỗi dữ lắm. Chạng vạng là cả, vợ chồng con cái rúc vô

mùng…nói chuyện. Ít ai đi đâu…”
(Cô Út về rừng)
Chẳng những muỗi, vắt nhiều vô số, khí hậu khắc nghiệt mà còn có rất nhiều
thú dữ (cọp, sấu, heo rừng), rắn độc luôn đe dọa mạng sống con người.
Buổi đầu đi khai hoang mở đất, người dân Nam Bộ gặp nguy hiểm nhiều nhất là
cá sấu. Không biết bao nhiêu người đã làm mồi cho cá sấu. Phương tiện giao thông
duy nhất lúc bấy giờ là đường thủy, người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề liên
quan đến sông nước như giăng câu, chèo đò, buôn bán trên sông, chặt - chở củi,v.v…
Nhưng dưới lòng sông lặng lờ tưởng chừng rất hiền hòa, bình yên luôn ẩn dấu một sự
nguy hiểm tột cùng: cá sấu. Cá sấu cắp người rửa chén, giặt đồ trên bờ sông. “Hôm
qua, sấu nổi lên lần nữa. Cô gái nọ ngồi rửa chén dưới bến, bị sấu táp, rinh luôn cái
cầu thang. Hồi lâu, sấu nhả ra, cô nọ tỉnh trí lội vào bờ” (Sông Gành Hào). Gặp
xuồng thì nó quẫy đuôi cho chìm xuồng để bắt người: “Hôm kia nó đập đuôi nhận
chiếc xuồng trên đó có hai mẹ con. Mẹ mất xác, đứa con gái bị táp cụt chân” (Sông
Gành Hào). Thậm chí, đám cưới còn bị sấu quẫy đuôi chìm ghe ăn mất cô dâu. Nỗi ai
oán, đau đớn, căm phẫn của người dân bị sấu ăn mất người thân không dứt. Vì thế,
không phải ngẫu nhiên mà có nghề câu sấu, bắt sấu ở vùng đất mới này.
Sự nguy hiểm của sấu, cọp luôn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày, cả những
lúc người dân sinh hoạt giải trí. Ở nơi “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”, người
dân muốn xem hát bội chỉ còn cách: “…cất một cái nhà sàn ở giữa sông, theo kiểu ba
căn hai chái. Ba căn giữa dùng làm sân khấu, hai chái dùng để đào kép ăn ở nấu cơm.
[…] Chung quanh sân khấu nọ, mình xốc cừ làm vòng thành, gốc cừ này khít gốc kia
chừng một gang tay. Ai muốn coi cứ việc bơi xuồng vô vòng rào nọ. Xong xuôi đóng
cửa lại. Cọp phải ngồi bơ vơ trên rạch, sấu thì đành ngóng mỏ, ngoài vòng.” (Hát bội
giữa rừng)
Cuộc sống luôn bị rình rập, tính mạng con người trước sự đe dọa của thú dữ
nhỏ nhoi như rau cỏ ven đường. Đã có biết bao nhiêu người đã chết oan uổng bởi sấu,
cọp, heo rừng,… Lời hát cầu hồn giải oan cho bao nhiêu người xấu số trong cuộc khai
7
hoang mở đất của ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh Hạ) được miêu tả như tiếng

khóc nài nỉ, phẫn nộ mà bi ai. Lời hát ấy cũng đã thể hiện rất rõ sự hoang dã, dữ dội
của thiên nhiên vùng Cà Mau:
Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Đầu bãi cuối gành,
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan…
Ngoài thú dữ là cá sấu, cọp và heo rừng, rắn còn là một loại động vật giết người
nguy hiểm ở đất đồng bằng, đặc biệt là ở bán đảo Cà Mau. Nước, rừng, đồng ruộng
đều là nơi sinh sôi phát triển của rắn. Chính vì thế, nghề trị rắn, thầy rắn cùng tồn tại ở
vùng đất này như những nghề khác.
Sự hoang dã, khắc nghiệt của thiên nhiên Nam Bộ không chỉ là thú dữ, rắn độc,
muỗi mồng mà còn có mùa nước lũ mỗi năm ở vùng tứ giác Long Xuyên. Nước lũ về
vào độ tháng tám hằng năm khoảng vài ba tháng rồi rút. Người ở xa mới đến không
khỏi thắc mắc “nước ở đâu mà nhiều quá, ngập đồng ruộng, sâu cỡ hai thước, mênh
mông không bờ bến như biển khơi” (Một cuộc biển dâu). Nước ngập sâu, đồng ruộng,
đất đai không còn cọng cỏ. Người nông dân phải gởi trâu – tài sản quý giá của nghiệp
nông – cho “tằn khạo” len đi tránh lũ lên vùng núi Ba Thê, Bảy Núi để tìm cỏ cho trâu
ăn. Hết mùa lũ, họ lại lùa trâu về trả cho chủ. Len trâu trở thành một nghề vào màu
nước lũ ở Long Xuyên. Nước lũ về đem phù sa cho đồng ruộng, đem lượng cá tôm vô
cùng phong phú cho người đồng bằng nhưng cũng mang lại những bất lợi khác, thậm
chí là nguy hiểm: “Sông rộng có giới hạn, bơi non một giờ là qua khỏi, giữa sông
nhiều cù lao nổi lên giúp người đi qua đường vững tinh thần, rủi chìm xuồng thì lội vô
cù lao. Vùng ruộng sạ này có khác! Bờ bến tận chân trời, nước tuy cạn nhưng có thể

giết người, nạn nhơn dầu lội giỏi, vượt năm bảy ngàn thước cũng không tìm được một
8
căn nhà sàn, một ngọn tre mà nương tựa” (Một cuộc biển dâu). Đau đớn hơn là cảnh
người chẳng may chết vào mùa nước lũ ở vùng này, không cách nào khác phải chọn
một trong hai cách chôn: “một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo trên mặt nước, chờ
khi nước giựt mới đem chôn lại dưới đất” hoặc “bỏ xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo
dưới đáy ruộng” (Một cuộc biển dâu). Đối với thằng Kìm, đó là nỗi đau đớn xé lòng:
“Đôi mắt thằng Kìm mở rộng, trừng trừng. Cả mặt nước giờ đây biểu hiện như con ác
thú khổng lồ há miệng ra nuốt trọn thân xác cha nó rồi ngậm miệng lại, giận dữ vì
chưa no” (Một cuộc biển dâu). Còn đối với người dân sinh sống, trồng trọt trên vùng
đất này như vợ chồng ông Hai Tích thì khi tới mùa nước giựt, họ đều chứng kiến:
“Đất ruộng này rải rác, lũ khũ…xương người ta với xương trâu, thứ trâu len đi xa bị
bịnh mà chết dọc đường. Tới mùa cày ruộng, năm nào cũng vậy, tôi gặp xương đó
hoài. […] Thì cày đất lấp lại, cho lúa sạ mọc lên”.
Sự hoang dã, dữ dội của vùng đất Nam Bộ còn được thể hiện qua cách gọi tên
đất, tên làng như Đầm Sấu, Lung Sấu, Bàu Sấu, rừng U Minh, Cà Bây Ngọp, Cái
Nước, Cái Răng, Cái Vồn, Cổ Tron, Gò Quao, Cù Lao Dung, Lung Trầm, Xẻo Bần,
Xẻo Rô, xóm Thuồng Luồng,… Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ngày xưa đi mở
đất lại đặt ra những tên đất, tên làng như vậy. Mỗi cái tên đều gắn với đặc điểm tự
nhiên của vùng đất đó. Điều đó càng làm sinh động thêm sự hoang sơ nhưng cũng đầy
nguy hiểm của thiên nhiên vùng đất mới.
Tóm lại, sự hoang dã, dữ dội của thiên nhiên là một đặc điểm nổi bật của vùng
đất đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là miệt Cà Mau - Rạch Giá thời ông cha mới đi
khai hoang mở đất. Tuy nhiên, để con người có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay,
thiên nhiên còn mang một đặc điểm đối lập với sự hoang dã, dữ dội là sự gần gũi, gắn
bó với cuộc sống của con người.
1.2. Thiên nhiên gần gũi, gắn bó với cuộc sống con người
“Trời sinh voi sinh cỏ” là câu thường được người dân Nam Bộ nhắc đến. Cơ sở
để người xưa truyền miệng nhau câu nói ấy là vì thiên nhiên với lượng sản vật phong
phú sẵn có là nguồn cung cấp lương thực cho con người. Chẳng những thế, thiên nhiên

còn là nơi vun đắp, bồi dưỡng tình yêu quê hương, xứ sở cho con người nơi đây. Đọc
Hương rừng Cà Mau (tập 1), ta thấy rất rõ sự gần gũi, gắn bó của thiên nhiên với
cuộc sống con người.
9
Trước hết, đối với người dân Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX - thời khai hoang mở
đất và thực dân Pháp cai trị - thiên nhiên là một nguồn sống của họ. Thiên nhiên vô
cùng phong phú với vô số sản vật. Nguồn lợi tự nhiên ấy giúp người dân, nhất là dân
nghèo có thể khai thác để sinh sống. Sản vật dưới sông như: cá, tôm, tép, lươn,
rắn,…nhiều vô số kể. Trên rừng thì có rùa, rắn, thú rừng, mật ong. Chưa kể người dân
còn sinh sống bằng nghề đốn củi hoặc dựa vào nguồn lợi của cây cối vùng đồng bằng
mà có thể không bao giờ lo phải chết đói. Chính vì thế ở vùng đất này, người dân sống
bằng những nghề gắn với thiên nhiên như nghề đốn củi, nghề ăn ong, giăng câu, bắt
rùa, rắn, thậm chí bắt sấu, câu sấu, trị rắn,v.v…
Thầy phái viên của báo Chim Trời (Tình nghĩa giáo khoa thư) đi tới xóm Cà
Bây Ngọp xa xôi của anh Tư Có. Ở xa mới đến, thầy phái viên mới thấy rõ cảnh nghèo
khó của vùng đất xa xôi. Nhưng sản vật thiên nhiên thì nhiều vô số kể: cá lóc, rùa, mật
ong,…lúc nào cũng có. Thầy phái viên được chiêu đãi bữa cơm chiều ngon lành với
“cá lóc nướng trui”. Còn anh Tư Có thì ngậm ngùi thú thật: “Thầy hiểu cảnh tôi.
Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả
cho nhà báo.” Tiền thì không có nhưng những sản vật thiên nhiên lúc nào cũng có sẵn.
Trong truyện ngắn Người mù giăng câu, ông già Vân Tiên dù mù đôi mắt
nhưng vẫn có thể sống được nhờ nghề giăng câu. Ông già sống giữa thiên nhiên, hiểu
sâu sắc về vòng đời, thói quen của cá và cảm nhận một cách tinh tế những thay đổi của
thiên nhiên xung quanh ông. Chính vì nguồn lợi thiên nhiên to tát, một người mù cũng
có thể sống được nơi đầy hoang dã, khắc nghiệt. Sơn Nam đã viết về nguồn lợi đó như
sau: “Ở Rộc Lá này, cá tôm nhiều so với mấy nơi khác. Từ tháng Mười đến tháng
Giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá
đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc
đớp mồi, cá trê chép miệng kế bên nhà. Nguồn lợi to tát vô cùng!”
Khi người dân ở Xẻo Bần nấu xà bông đem bán nhờ vào cách hướng dẫn của

dượng Hai bác vật thì cũng không cần phải tìm nguồn nguyên liệu ở đâu xa xôi:
“Mình cần dùng có hai món: dầu dừa với nước tro. Dầu dừa đã sẵn sàng: ra Hòn Tre
mua dừa khô về thắng lại. Nước tro thì nào là tro than đước, tro bẹ dừa, tro cây mắm.
Nhứt là cây mắm, mọc đầy bãi biển, tro nó mặn hơn hết và rẻ vốn hơn hết” (Bác vật
xà bông). Nguồn thiên nhiên phong phú ở vùng đất mới cũng là nguồn sống của người
dân.
10
Thiên nhiên gần gũi, gắn bó và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống
con người. Ông Từ Thông sống một mình ở hòn Cổ Tron không biết bao nhiêu năm
nhưng vẫn sống bình yên, hòa mình vào cuộc sống của thiên nhiên hòn Cổ Tron:
“Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mấy gốc săn đá cổ
thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có
những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự
nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập
chờn như muốn rời mấy nhánh mai hoằng lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mí nước…
Hôm nào vui cho bằng hôm mười bốn, hôm rằm! Ông Từ Thông ra sau rẫy, đào lên củ
khoai môn to lớn, đem luộc chín. Ngồi trên vồ cẩm thạch, ông chậm rãi ăn buổi chều,
thỉnh thoảng rứt từ miếng khoai, thảy xuống nước. Loài cá nhỏ bu lại nhởn nhơ mỗi
con khoe một vẻ riêng. Tận dưới đáy biển, loại sò, loại ốc, loại nhum đang hé miệng,
le lưỡi, bò chậm chạp trên nền đá tím nổi gân vàng, trên nền đá vàng nổi gân trắng.
Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới biển ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp
lánh như gấm. Đêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian!
Từng đợt rong chìm lững lờ mơn trớn, khoác thêm lớp xiêm lụa mỏng cho bầy cá
hường. và muôn vì sao trên dải Ngân Hà sa xuống đậu lấm tấm khắp nhánh san hô
trắng bạc.” (Hòn Cổ Tron)
Thiên nhiên chẳng những gần gũi, gắn bó với đời sống của con người mà còn là
nhân tố góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người thêm đẹp hơn, thêm yêu quê
hương, xứ sở.
Chú Tư Đinh (Mùa len trâu) khi nhớ lại nghề chăn trâu lúc còn nhỏ, lòng
không khỏi bồi hồi nhớ những sự gian nan, hiểm nguy đã trải qua đồng thời hứng khởi

kể về những kỉ niệm đẹp với nghề len trâu - nghề phải sống giữa thiên nhiên, sống với
thiên nhiên: “Cảnh núi non thanh lịch, trâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới, ngứa
lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chúa mà gãi sồn sột.[…] Từ Ba Thê cả bầy
trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp
đi hai ba con là nhiều; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Đằng này, trâu lội dưới
nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm dễ chứ muốn thấy được
cảnh đó không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn…[…] Ở Bảy
Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm; lắm thứ cỏ phảng phất
11
mùi gì giống như vị thuốc bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng
tụng kinh gõ mõ thì nhiều…” (Mùa len trâu)
Còn ở truyện ngắn Hương rừng, theo chân chú Tư Lập và thằng Kìm, người
đọc được chứng kiến cảnh rừng tuyệt đẹp với hương thơm bất tận - thứ hương làm say
lòng người. Phải là người tinh tế, sống nhiều với thiên nhiên, hòa mình, gắn bó với
thiên nhiên, Sơn Nam mới có thể “quay” được những “thước phim” hay như vậy:
“Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên, bất tận. Có tiếng
vượn hú. Từ bên này, con vượn bồng con, nắm sợi dây rau câu, lấy trớn đu mình sang
nhánh ở bên kia để hái trái vừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức
ném mạnh. Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng.[…] Bờ sông im lìm,
mặt nước thẫn thờ trả lại bóng dáng hiền hòa của cây chồi mọc sát mé bãi: bông vừng
buông thõng xuống từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành
mành. Nhánh vừng khô cằn, lá vàng rụng như mất hẳn. Đôi đọt non nhú lên, mỏng
mịn, chưa nhuốm được màu xanh vì thiếu nắng; ở xa, trông như những cánh bướm
khổng lồ đang phập phồng, ngứa ngáy, chưa đậu yên chỗ là đã muốn bay. […] Hương
rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc. Thằng Kìm hít mạnh để hửi
cho kĩ, để nhớ rõ nhưng nhớ mãi không ra. Chợt ngẩng đầu lên, nó trố mắt. Rừng cơ
hồ không còn chiếc lá nào cả! Trên hàng vạn nhánh to nhánh nhỏ, bàn tay thần nào
rắc lấm tấm hàng hà sa số đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ
phía. Rừng sáng lạng, ai dám nói rừng là âm u? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng
tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt.”

Vẻ đẹp thiên nhiên của vùng Nam Bộ có thể là cảnh rừng, có thể là cảnh đàn
trâu đang ăn cỏ, có thể là cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay… Trong tâm hồn
mỗi người dân Nam Bộ sẽ có một cảnh đẹp của riêng mình nhưng ẩn sau bức tranh
thiên nhiên đẹp đẽ ấy là tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm của người dân đi khai
hoang mở đất.
2. Hình ảnh con người Nam Bộ trong Hương rừng Cà Mau (tập 1)
Con người Nam Bộ được miêu tả trong Hương rừng Cà Mau (tập 1) sống vào
khoảng thời gian đầu thế kỉ XX: thời khẩn hoang rừng U Minh và thực dân Pháp xâm
lược nước ta. Nhân vật chính của tập truyện chính là những người dân nghèo khổ. Họ
vừa phải đối mặt với sự hoang sơ, khắc nghiệt của thiên nhiên, vừa phải chịu đựng
12
chính sách cai trị, bóc lột dã man của thực dân Pháp. Thế nhưng, chính hoàn cảnh sống
khắc nghiệt ấy đã tạo nên những đặc điểm của con người Nam Bộ.
2.1. Con người Nam Bộ trong mối quan hệ với thiên nhiên
Trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người luôn có sự ứng xử phù hợp, tùy
vào hoàn cảnh cụ thể.
Khi gặp môi trường tự nhiên khắc nghiệt, hoang dã, người dân Nam Bộ luôn
thể hiện bản lĩnh của mình: chinh phục sự hoang dã, khó khăn; lợi dụng những điều
kiện thuận lợi của thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống.
Đối với những khó khăn trong cuộc sống, người dân Nam Bộ luôn tìm cách
khắc phục. Nơi rừng thiêng nước độc, muỗi mồng nhiều, người dân luôn có nhiều biện
pháp để tránh muỗi, chống muỗi: dùng bếp un muỗi, ngủ trong nóp khi đi rừng, sinh
hoạt trong mùng khi trời tối (Tình nghĩa giáo khoa thư, Cô Út về rừng, Mùa len
trâu, Một cuộc biển dâu). Đối với nạn thú dữ, rắn độc, người dân Nam Bộ luôn có
những phương cách bảo vệ, chống trả, chinh phục. Điều này chẳng những thể hiện sự
dũng cảm, gan dạ mà còn chứng tỏ sự thông minh, tài trí của người dân Nam Bộ.
Trong truyện Bắt sấu rừng U Minh Hạ, nhân vật Năm Hên chỉ với tay không
đã bắt sống trọn bầy bốn mươi lăm con sấu. Không dùng sức mạnh cơ bắp, cũng chẳng
phải thầy pháp, Năm Hên đã dùng mưu kế bắt trọn đàn sấu vì đã tìm hiểu rất kĩ đặc
tính của sấu khi ở trên rừng. Ông làm nghề bắt sấu không phải để kiếm tiền mà vì

muốn trả thù cho người anh trai duy nhất bị sấu bắt mất trên đường đi phá rừng lập
rẫy. Lâu dần, ông vẫn làm nghề để giúp người.
Qua lời kể của nhân vật Tư Hoanh, Năm Hên bắt đàn sấu bốn mươi lăm con rất
nhẹ nhàng, điềm tĩnh: “Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi
xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày
một cạn từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một
nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc.
Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao.
Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần vì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo
con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu hả miệng hung hăng
đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng:
như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn hả miệng cho rộng để nhả ra cũng
không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm
13
xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị
liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây có kèn trói thúc hai chân sau của nó lại; chừa hai
chân trước để nó bơi tiếp với mình.”
Cũng giống như ông Năm Hên, chú Tư Đức (Sông Gành Hào) không dùng
nghề câu sấu để kiếm sống mà chỉ dụng nghề khi nơi nào có sấu dữ hại người.
Rắn cũng là loại động vật nguy hiểm đối với con người vùng rừng thiêng nước
độc, từng làm hại nhiều người đi khai hoang mở đất. Nhưng nghề thầy rắn cũng xuất
hiện liền ngay sau đó. Ở vùng đất Cà Mau, Rạch Giá, thầy rắn có nhiều người tài: “Họ
có thể cứu sống nạn nhơn, đảm bảo trăm phần trăm, nếu người bị rắn cắn không để
lâu quá hai giờ đồng hồ. Họ dùng toàn thuốc nam dễ kiếm như gừng, cỏ ống, vôi, trầu,
nhựa ống điếu, trứng rệp… Họ lại còn dám nuôi trong nhà vài con rắn để bắt chuột.
Lúc họ uống nước trà, rắn nằm vắt vẻo trên đòn dông nhà, nhìn xuống gục gặc đầu…”
(Cây huê xà).
Chẳng những có thể chinh phục thiên nhiên hoang dã, người dân Nam Bộ còn
luôn lợi dụng những điều kiện thuận lợi của thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống. Họ
sống chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên phong phú của vùng đất mới bằng các nghề

khai thác tự nhiên như: đốn củi, ăn ong, giăng câu, bắt rùa, rắn…
Khi gặp điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân Nam Bộ luôn sống hòa mình
với thiên nhiên, gắn bó, gần gũi với thiên nhiên như những người bạn. Ông Từ Thông
sống mấy chục năm một mình ở hòn Cổ Tron, sống hòa với thiên nhiên. Với ông, thiên
nhiên là người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời. Trong cuộc sống lao động hằng
ngày, những người dân chân đất luôn tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên. Sống bằng
nghề đốn củi, ăn ong thì gắn bó với rừng tràm, say sưa với hương rừng ngất ngây.
Sống bằng nghề len trâu thì từng trải từ những khu rừng tràm ngập nước bị trâu dẫm
đạp đến những chân núi đầy cỏ non thơm ngát, thuần khiết… Sống bằng nghề giăng
câu, ông Vân Tiên hiểu hơn ai hết khi nào cá về sông, nơi nào cá sống, nơi nào cá
không đi qua dưới dòng nước yên ả…
Thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long thời khai hoang mở đất, nhất là ở
miệt Rạch Giá – Cà Mau luôn là một nguồn lợi khổng lồ nhưng cũng là một sự đe dọa
khủng khiếp nhất cho mạng sống của con người bởi sự phong phú, đa dạng và sự
hoang dã, dữ dội của nó. Chính vì thế, để có thể tồn tại và phát triển ở vùng đất mới,
con người Nam bộ đã thể hiện sự thông minh, dũng cảm khi đối mặt với sự khắc
14
nghiệt của thiên nhiên. Và họ cũng luôn gắn bó, gần gũi với những điều kiện thuận lợi
của thiên nhiên nơi đây.
2.2. Con người Nam Bộ trong mối quan hệ với quê hương, đất nước
Thời gian được Sơn Nam đề cập trong Hương rừng Cà Mau (tập 1) là giai
đoạn người dân Nam Bộ đi khai hoang và thực dân Pháp xâm lược nước ta. Vì thế,
trong mối quan hệ với quê hương, đất nước, con người Nam Bộ có những đặc điểm
chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng do hoàn cảnh khách quan.
Đặc điểm chung không thay đổi dễ nhận thấy của người dân Nam Bộ trong mối
quan hệ với quê hương là tình cảm xóm giềng. Mối quan hệ làng xóm luôn được người
dân Nam Bộ coi trọng. Lí do dễ thấy nhất là do cuộc sống của người lưu dân từ xa đến
lập nghiệp. Anh em họ hàng không có. Nếu như tình cảm xóm giềng không tốt thì họ
khó có thể tồn tại trên vùng đất mới. Trong truyện ngắn Bác vật xà bông, người dân
Xẻo Bần có thể sinh sống bằng nghề làm xà bông đi bán khắp vùng lục tỉnh là do sự

thân tình, độ lượng của dượng Hai bác vật. Ông là người có ý định lập xưởng sản xuất
xà bông quy mô lớn để tạo công ăn việc làm cho bà con Xẻo Bần. Nhưng khi bí quyết
làm xà bông của ông vô tình bị bà con “học lóm” và tự làm, ông cũng không hề trách
ai mà chỉ trách mình “sinh bất phùng thời”. Khi bà con đi buôn bán xa về đều ghé
tặng ông gói trà thì ông còn căn dặn bà con giữ bí quyết cho kĩ… Tình cảm xóm giềng
thân thiết, gần gũi, “khi tối lửa tắt đèn có nhau” của người dân Nam Bộ là một đặc
điểm quan trọng khi nhắc đến mối quan hệ của người Nam Bộ đối với quê hương.
Trong tập Hương rừng Cà Mau (tập 1), ngoài mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp với
xóm làng, người dân Nam Bộ còn luôn sôi sục một tình yêu đối với đất nước. Tình yêu
ấy thể hiện rất rõ khi đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.
Lòng yêu nước trong tâm hồn mỗi người dân Nam Bộ được thể hiện qua nhiều
biểu hiện khác nhau. Trước tiên là niềm tự hào về tài trí, bản lĩnh, lòng nhân nghĩa của
người dân Việt Nam. Trong Sông Gành Hào, chú Tư Đức cảm thấy “buồn bực vô
cùng khi thấy ông kiểm lâm Rốp khinh rẻ người Việt Nam ra mặt”. Nhưng sau khi chú
Tư giết được con sấu dữ hại người, ông kiểm lâm Rốp đã thay đổi thái độ đối với
người dân Việt Nam: “Dân An Nam giỏi quá, hiền từ quá. […] Ông Rốp trầm ngâm
suy nghĩ. Ông dè đâu người đốn củi lậu mà có tài, có đức, biết thương người, thương
cuộc đời đến mức ấy.” Có thể nói, chính lòng tự tôn dân tộc đã khiến cho chú Tư Đức
15
cảm thấy khó chịu, buồn bực khi đồng bào bị khinh rẻ. Và cũng chính lòng tự tôn ấy
đã giúp cho người dân An Nam nghèo khổ ấy thể hiện bản lĩnh, tài đức của mình.
Tâm trạng đau xót, tủi nhục, buồn bã khi chứng kiến cảnh thực dân Pháp cai trị
đất nước còn là một biểu hiện nữa của lòng yêu nước của người dân Nam Bộ trong tập
truyện này.
Ông Từ Thông (Hòn Cổ Tron) sống ở hòn Cổ Tron một mình ung dung, thư
thả nhưng trong lòng ông luôn muốn biết tin tức về đồng bào sống ở đất liền: “Một
mối buồn len vào tâm não ông Từ Thông. Ông nghe gió thổi bốn bề, lạnh lùng. Lương
tri như rực sáng nhắc nhở ông món nợ gì đối với đồng bào, giang sơn. Không giúp
nước được thì ít ra ông cũng cần biết những gì xảy ra đau buồn trong nước. Cây có
cội, nước có nguồn. Chim có tổ. Cá có hang. Đôi mắt già của ông Từ Thông ngẩn ngơ

nhìn muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ấm, mấy đám mây tang bay thấp là đà… Ông hổ
thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con đỗ quyên đêm hè kêu khắc khoải.” Khi về đất
liền thăm bà con, ông Từ Thông phải buộc miệng “Buồn quá chú hương tuần à” khi
chứng kiến “…bà con mình nghèo hơn ngoài hòn Cổ Tron của tôi. Áo quần không có.
Mình mẩy cũng bị ghẻ khuyết ăn lở lói thâm niên. Nhà cửa xiêu vẹo, nay ở mai dời…”
Tình cảm yêu nước của Lục cụ Tăng Liêm và chú phó hương quản Hem trong
Chiếc ghe ngo không khỏi làm người đọc xúc động. Tham gia cuộc thi đua ghe ngo
“để ăn mừng một ngày lễ chẳng liên quan gì đến dân mình nghĩ cũng khó xử thật.
Không tham dự là chống lại với nhà nước Lang Sa, còn tham dự thì mất cả ý nghĩa
thiêng liêng”. Nhưng Lục cụ phải nghe theo lời chú phó hương quản: “Đây là chuyện
cực chẳng đã. […] Dầu muốn dầu không, mình cũng phải đua.” Đến khi ghe ngo của
nhà chùa giành chiến thắng và nhận phần thưởng danh dự của nhà nước Lang Sa là “lá
cờ tam sắc to tướng” thì chú phó hương quản và Lục cụ đều rất đau xót: “Gương mặt
chú lạnh như đồng, gượng chút gì buồn bã”; “Lục cụ không nói nửa tiếng, nuốt nước
miếng như cố nén chút gì tủi nhục, xót xa.”
Tuy không làm việc gì có ích để giúp để giúp dân, giúp nước trong lúc thực dân
Pháp xâm lược đất nước nhưng những tình cảm tủi nhục, xót xa, buồn bã của những
người dân Nam Bộ hiền lành, chất phác ấy không khỏi làm cho người đọc xúc động.
Chính những tình cảm ấy đã được lưu truyền, nuôi dưỡng để đến lớp con cháu sau này
bùng lên thành ngọn lửa đấu tranh kháng chiến chống giặc mạnh mẽ.
16
Sự căm phẫn sôi sục trước tội ác của giặc cũng là một biểu hiện lòng yêu nước
của người dân Nam Bộ trong Hương rừng Cà Mau (tập 1). Người đọc không khỏi
bàng hoàng khi nghe kể lại những cái chết oan ức của cả xóm Gò Mả Lạn trong truyện
Miễu bà Chúa Xứ. Vì thường đem chôn cất những xác chết của những nghĩa quân
Nguyễn Trung Trực và dân lương vô tội bị Tây xử bắn ở bờ Đìa Gừa mà trong một
đêm, cả xóm Gò Mả Lạn bị Tây bao vây, đốt nhà, bắn giết gần cả xóm. Ông Tư Đạt,
lúc bấy giờ chỉ là đứa bé chăn trâu, kể lại nghẹn ngào: “Người chết quá nhiều. Người
còn sống quá ít. Làm sao mà chôn? Ban đầu còn bó thây bằng chiếu, mỗi hầm chôn
một người. Sau cùng, cứ chôn chung một hầm, đủ già trẻ bé lớn. Khiêng nhiều chuyến

quá sanh ra mệt mỏi! Họ không đặt xác chết lên tấm ván để khiêng. Họ khiêng bằng
võng, đặt hai xác chết lên một võng, người trở đầu phía trước, người trở đầu phía
sau.” Truyện tuy kể về chuyện đã qua nhưng những tội ác của giặc ngày một chồng
chất không thể nào xóa nhòa trong kí ức của người dân Nam Bộ.
Yêu nước, căm thù giặc, người dân Nam Bộ cũng có những hành động chống
giặc theo cách riêng của mình. Sáu Bộ (Đảng Cánh buồm đen) theo học võ nghệ để
mong đạt được chức vị “chặt đầu Tây”. Sáu năm sau xuống núi, anh trở thành chúa
đảng Cánh Buồm Đen hùng cứ từ bán đảo Cà Mau đến địa phận Hà Tiên. “Hằng ngày,
các bộ hạ phải luyện tập võ nghệ cho tinh thông, cấm tuyệt không được xâm phạm tài
sản của người chài lưới ở ven biển. Hai kẻ thù chánh cần đánh đổ không nương tay là
đoàn tàu “đoan” của Tây và ghe buôn lậu Hải Nam.” Vì lỡ tay giết chết một người vô
tội trên tàu buôn lậu Hải Nam, Sáu Bộ mai danh ẩn tích về làm nghề thợ câu. Năm
1946, nhân dân sục sôi căm hờn khi Tây trở lại chiếm gần Rạch Giá. Khi thanh niên
tập trung lại tình nguyện đánh Tây thì ông Sáu Bộ _ lúc này đã trở thành một ông lão
râu tóc bạc phơ _ xuất hiện xin truyền lại đường quyền Lưu Thủy để thanh niên đi
đánh Tây với tâm sự yêu nước rất đáng trân trọng: “Nếu ngồi ì ở nhà, không ai làm gì
tôi, nhưng tôi cảm thấy nhục nhã như thiếu món nợ gì đối với trời đất, núi non.” Với
suy nghĩ đó, ông Sáu Bộ hiến luôn cây roi của sư tổ truyền lại để anh em làm cán mác
đánh Tây. Đến khi giặc vào đốt xóm, ông Sáu Bộ chết vì không chịu tản cư.
Tấm lòng yêu nước thủy chung, hành động chống giặc dù là tự phát của ông
Sáu Bộ nói riêng và người dân vùng đất mới luôn “lưu lại một tình cảm lạ lùng, khó
dứt khoát đối với những ai chưa hiểu rõ hoàn cảnh đặc biệt của phần đất Cà Mau tận
cùng này”.
17
Tình cảm xóm giềng gần gũi và tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt của
người dân Nam Bộ là một trong những đặc điểm quan trọng làm nên tính cách con
người Nam Bộ.
2.3. Con người Nam Bộ trong mối quan hệ với con người
Nhắc đến tính cách người Nam Bộ, điều đầu tiên ai cũng nghĩ đến là tinh thần
trọng nghĩa và tấm lòng hào hiệp. Mở đầu tập truyện, Sơn Nam cũng đã đề cập đến

tính cách này “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Tinh thần cao đẹp ấy giống như kim
chỉ nam hành động, đối nhân xử thế của người Nam Bộ từ xưa đến nay.
Ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh Hạ), chú Tư Đức (Sông Gành Hào) ra
tay hào hiệp bắt sấu dữ hại người dân vô tội mà không cần đền ơn, trả ơn, không màng
danh lợi cho bản thân. Ông Năm Hên đã nói với bà con ở rạch Cái Tàu một cách
khẳng khái: “Tôi không có tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như
người khác thì họ nói là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được
ngặt tôi không màng thứ phú quới đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sanh ra chỉ có
hai anh em tụi tui. Anh tôi xuống miêt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười năm về
trước. Sau được tin cho hay: Ảnh bị sấu ở Ngã ba Đình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù
cho anh”. Còn chú Tư Đức sau khi đã giết được con sấu hại người dưới sông Gành
Hào cũng đã thể hiện lòng nhân đức của mình: “…Vì đất vì nước chứ đâu phải vì danh
vì lợi. Sách có chữ: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”.
Công việc của tôi đã làm tròn. Tôi ao ước hương chức làng mình cất một cái miễu lá,
thờ cái đầu con sấu nọ. Bất luận là sấu hay cọp, hễ nó hại mình thì mình giết. Hễ giết
được rồi, mình nên thờ… […] Để tỏ rằng mình sợ nó nhưng cũng…không sợ nó. Phải
để cho nó tu tâm dưỡng tánh trong kiếp sau. Tôi không ưa sát sanh. Tôi muốn làm
nghề khác ”. Khi gặp người hoạn nạn giữa đường, họ sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang. Vợ
chồng ông Hai Tích, chú Tư Lập giúp đỡ cha con thằng Kìm hết mình khi họ gặp “một
cuộc biển dâu” dù không hề có họ hàng thân thích.
Cái tình, cái nghĩa của tình bạn tri âm tri kỉ dù chỉ gặp một lần trong đời giữa
thầy phái viên báo Chim Trời và anh Tư Có (Tình nghĩa giáo khoa thư) làm cho
người đọc không bao giờ quên. Tâm hồn họ cùng đồng điệu, háo hức khi nhắc lại
những bài học trong sách giáo khoa sơ học. Tình cảm ấy không dừng lại ở đó mà còn
là sự cảm thông sâu sắc hoàn cảnh nghèo khó của thầy phái viên đối với anh Tư Có.
Tuy anh Tư Có không nhiều chữ nghĩa nhưng luôn có tinh thần hiếu học, mến mộ
18
người tài. Ở vùng đất nghèo khổ “khỉ ho cò gáy”, chưa có trường học, anh luôn muốn
mở trường dạy học. Tình cảm bạn bè của họ không trải qua thời gian dài gắn bó nhưng
vẫn sâu đậm, luôn hướng về nhau dù có thể cả đời không thể gặp lại lần thứ hai: “Thầy

phái viên cười giòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai “Ôi! Cái cảnh biệt ly ở
xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy!”. Vĩnh biệt thì đúng hơn. Nghe nó buồn như một
câu hò, một câu rao vọng cổ, nhưng thầy chưa muốn nói ra, giờ này”.
Cũng chính lối sống trọng tình nghĩa mà cô Bảy (Con Bảy đưa đò) đã phải
sống cô đơn tới già để chờ người trượng nghĩa dẫu biết người đó vì nghĩa lớn đối với
đất nước có thể sẽ không bao giờ trở lại. Còn Hoàng Mai (Hương tràm) thì luôn mỏi
mòn chờ đợi anh Tư Lập trong sự héo hắt và tuyệt vọng.
Ở vùng đất mới, tinh thần “trọng nghĩa khinh tài” luôn được đề cao, ca ngợi.
Tính cách đặc trưng ấy đã chi phối rất lớn đến cách ứng xử, cuộc sống của con người
nơi đây.
3. Kết luận
Đọc xong Hương rừng Cà Mau (tập 1), ấn tượng đọng lại trong tâm trí người
đọc là hình ảnh thiên nhiên và chân dung con người vùng đất mới. Vừa sống dựa vào
những nguồn lợi to tát của thiên nhiên, vừa phải đối mặt với những điều kiện hoang sơ
của thiên nhiên, con người luôn dũng cảm, thông minh lợi dụng những điều kiện thuận
lợi phục vụ cho cuộc sống. Không vì vậy mà họ không yêu mến, gắn bó với thiên
nhiên. Với xóm làng, tình cảm của họ luôn thân thiết, gần gũi như đối với anh em ruột
thịt. Đối với đất nước, con người Nam Bộ luôn tự hào, căm thù giặc sâu sắc và luôn
sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước. Đặc biệt, với tính cách trọng tình nghĩa và luôn
làm việc nghĩa, hình ảnh người dân Nam Bộ đầu thế kỉ XX ở vùng đất mới Rạch Giá –
Cà Mau không thể lẫn lộn với con người nơi nào khác. Mười tám truyện ngắn trong
tập truyện là tấm lòng tưởng nhớ, tri ân của Sơn Nam về những bậc cha ông đã khai
sinh ra quê hương, xứ sở.
19
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sơn Nam, Tập truyện Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ, 2005.
2. Trần Hữu Tá (Nghiên cứu-Sưu tầm-Tuyển chọn), Nhìn lại một chặng đường văn
học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
3. Huỳnh Công Tín, Nhà văn Sơn Nam – Nhà nam bộ học, vannghesongcuulong.org,
2006.

×