Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

Những giá trị và hạn chế của tư tưởng triết học Đạo gia

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.15 KB, 21 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Lí do chọn đề tài
Nghiên cứu về triết học phương Đông nói chung, triết học Trung Quốc nói riêng,
thì Trung Quốc thời cổ đại tồn tại 3 tư tưởng triết học lớn, được gọi là Tam giáo, đó là
Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo. Trong đó Đạo là một khái niệm rất cổ xưa. Những ý
niệm về Đạo đã góp phần hình thành nên nền văn minh và kho tàng triết lý phương
Đông. Khởi đầu từ Lão Tử, các bậc thánh triết của Đạo gia đã xây dựng triết thuyết
của mình trên nền tảng ý niệm về Đạo như một nguyên lý tuyệt đối, tiên nguyên, vô
hình vô danh, huyền diệu và bất khả tư nghị. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, những
triết thuyết của Đạo gia không những không bị phai mờ mà còn có thể được vận dụng
kết hợp với nhiều triết thuyết khác, tạo nên kho tàng tri thức minh triết phương Đông,
thể hiện trọn vẹn cái nhìn của con người về thế giới vũ trụ và nhân sinh. Tuy nhiên, bất
cứ một học thuyết nào cũng đều có cái ưu và cái nhược. “TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC
ĐẠO GIA, GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ” sẽ nói một cách rõ hơn về những triết thuyết và
cái ưu, nhược điểm mà Đạo gia mang lại cho người Trung Quốc nói riêng và nhân loại
nói chung. Thông qua bài tiểu luận này, nhóm xin trình bày sự hiểu biết của mình về
tư tưởng Đạo gia và những giá trị, hạn chế của nó. Trong quá trình thu thập thông tin,
tài liệu liên quan, nhóm không tránh khỏi những thiếu sót, mong Thầy góp ý và chỉ
bảo thêm. Nhóm chúng em xin chân thành cảm ơn.
Mục tiêu của đề tài:
Trên cơ sở làm rõ hoàn cảnh ra đời và lý luận của triết học Đạo gia; ảnh hưởng của
nó với xã hội phương Đông, đề tài hướng đến mục tiêu: làm rõ yếu tố triết lý Đạo gia
trong đời sống xã hội hàng ngày của người phương Đông đặc biệt là người Việt Nam,
cũng như nhưng giá trị và hạn chế của trường phái Đạo gia.
Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Thuyết Đạo gia và sự ảnh hưởng của nó đến xã hội Châu Á và Việt Nam ngày nay.
Giá trị và hạn chế của Đạo gia
Phương pháp nghiên cứu
Thứ nhất: Phương pháp luận: người viết sử dụng phương pháp duy vật biện chứng
và duy vật lịch sử làm cơ sở phương pháp luận cho đề tài
Thứ hai, vận dụng phương pháp tổng hợp phân tích để phân tích, khái quát kết quả


nghiên cứu của các măt khác nhau trong đời sống xã hội hàng ngày có liên quan đến
đề tài
Kết cấu đề tài: gồm 4 chương
Chương 1: Sơ lược sự hình thành và phát triển Đạo gia
Chương 2: Nội dung tư tưởng trường phái Đạo gia
Chương 3: Ảnh hưởng của Đạo gia đến các nước Châu á, Việt Nam
Chương 4: Những giá trị, hạn chế của Đạo gia
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm được sự hướng dẫn tận tình của TS Ông
Văn Năm nhưng vẫn không thể tránh được những thiếu sót do phạm vi đề tài khá rộng,
hạn chế với về thời gian cũng như những hiêu biết về môn học. Nhóm hi vọng thầy và
các bạn trong lớp sẽ có nhiều góp ý, để nhóm có thể hoàn thiện kiến thức về đề tài nói
riêng và môn học nói chung.
CHƯƠNG I: SƠ LƯỢC SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO GIA
Trường phái Đạo gia xuất hiện vào Thời Xuân Thu (khoảng 722 – 481 trước Công
nguyên) còn gọi là thời Đông Chu. Về kinh tế: đây là thời kỳ nền sản xuất nông nghiệp
và tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Sự phân công lao động và chuyên môn
hóa sản xuất ngày càng cao. Sự phát triển của lực lượng sản xuất có tác động mạnh
đến hình thức sở hữu ruộng đất, kết cấu và địa vị kinh tế của các giai tầng trong xã hội.
Về chính trị: đây là thời kỳ tranh giành địa vị của các thế lực cát cứ, đẩy xã hội Trung
hoa cổ đại vào tình trạng chiến tranh liên miên, xã hội chuyển biến từ chế độ chiếm
hữu nô lệ sang chế độ phong kiến. Về tư tưởng triết học: triết học tư duy trực giác;
nhấn mạnh tinh thần nhân văn; tập trung vào lĩnh vực luân lý đạo đức; nhấn mạnh sự
hài hòa, thống nhất giữa các mặt đối lập. Sự biến chuyển sôi động của thời đại đã đặt
ra và làm xuất hiện những tụ điểm, những trung tâm các “kẻ sĩ” luôn tranh luận về trật
tự xã hội cũ và đề ra những hình mẫu của một xã hội tương lai. Lịch sử gọi thời kỳ này
là thời kỳ “Bách gia chư tử” (trăm nhà trăm thầy), “Bách gia minh tranh” (trăm nhà
đua tiếng). Chính trong quá trình ấy đã sản sinh các tư tưởng lớn và hình thành nên các
trường phái triết học khá hoàn chỉnh, trong đó có Đạo gia. Đạo gia được Lão Tử
(khoảng thế kỷ VI TCN), còn gọi là Lão Đam, tên Lỹ Nhĩ, người nước Sở, có thời gian
làm quan sử giữ kho sách ở Lạc Ấp, sáng lập ra và sau đó Trang Tử (369-286 TCN)

người nước Tống phát triển thêm vào thời Chiến quốc.
1.1. Lão Tử và Đạo Đức Kinh
Theo sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, người làng Khúc
Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ nước Sở. Ông có thời làm quan sử, giữ kho chứa sách của
nhà Chu. Với cương vị ấy, Lão Tử có cơ hội tiếp xúc với các văn bảng cổ cũng như
các tác phẩm vĩ đại đương thời, xây dựng hiểu biết uyên thâm đối với kho tang tri thức
thời Hoàng đế (2697 TCN) cho đến thời ông.
Lão Tử trao dồi đạo đức, học thuyết của ông ở cốt giấu mình, ẩn danh. Tương
truyền, ông ở nước Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy, bèn bỏ đi. Đến của quan, viên quan
coi cửa Doãn Hi bảo:” Ông sắp đi ẩn, rang vì tôi mà viết sách để lại”. Thế là Lão Tử
viết một cuốn gồm 2 phần thượng, hạ nói về ý nghĩa Đạo và Đức. Viết xong rồi đi,
không ai biết sống chết sao, như thế nào và ở đâu.
Đạo Đức Kinh gồm 2 quyển, khoảng 5000 từ, tổng cộng 81 chương, trình bày 2
chủ đề lớn: Thượng thiên nói về Đạo, cái gốc của muôn sự tạo hóa, quy luật vận hành
của vạn vật. Hạ thiên nói về Đức, năng lực vận hành và thành tựu của Đạo.
Tác phẩm trình bày quan hệ giữa con người và thiên nhiên, "người thuận theo đất,
đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên", rằng con người cần
sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, tu luyện
để sống lâu và gần với Đạo
Lão Tử đã phát triển khái niệm "Đạo", với nghĩa là "Con đường", thời Lão Tử mọi
ngành nghề đều có một chữ "Đạo" đằng sau, Lão Tử nói Đạo của mình là "Đạo khả
Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh" (Đạo mà nói ra được thì không
còn là đạo bình thường nữa, Tên mà đặt ra được thì không còn là tên bình thường nữa.
Chữ Đạo ngoài nghĩa là "Đường" còn có nghĩa là "Nói", Danh ngoài nghĩa là "Tên"
còn có nghĩa là "Đặt tên") và mở rộng nghĩa của nó thành quy luật hay nguyên lý của
vũ trụ tuần hoàn và tác động lên vạn vật: "đạo là cách thức của thiên nhiên". Ông nhấn
mạnh khái niệm vô vi, "Hư vô thanh tĩnh, tự nhiên vô vi", hay "hành động thông qua
không hành động", "hành động thuận theo tự nhiên không có mục đích phi tự nhiên".
Điều này không có nghĩa là người ta chỉ nên ngồi một chỗ và không làm gì cả, mà là
hành động thuận theo tự nhiên, hành động theo nguyên lý vũ trụ, không bị ràng buộc

vào mục đích cá nhân mạnh mẽ, vào dục vọng để đạt được một cái gì đó cụ thể.
Những hành động được thực hành theo Đạo rất dễ dàng và có hiệu quả hơn mọi cố
gắng để chống lại nó. Người ta hành động thuận theo tự nhiên khi thông qua tu luyện
để hiểu về nguyên lý của vũ trụ, tự nhiên, và cải biến bản thân mình thành sinh mệnh
cao cấp hơn. Lão Tử tin rằng cần phải tránh bạo lực khi có thể, và rằng một chiến
thắng quân sự nên là dịp để đau buồn thay vì ăn mừng chiến thắng. Lão Tử chỉ ra rằng
các luật lệ để chuẩn hóa và cai trị chỉ dẫn tới một xã hội khó kiểm soát hơn. Lão Tử
nói "Nếu dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì", người ta có thể hiểu rằng nếu đặt
ra quá nhiều luật lệ hà khắc để bắt nhân dân tuân phục nhưng trong tâm của họ không
phục thì sẽ gây nên những tình huống khó khăn hơn về sau.
1.2. Trang Tử và Nam Hoa Kinh
Trang Tử sống vào khoảng năm 369- 289 TCN, là một trong những đại hiền triết
của Đạo gia nguyên thủy, là người kế thừa và góp phần phát triển toàn bộ tư tưởng của
Lão Tử thành một hệ thống học thuyết hoàn chỉnh .
Sự tích truyền lại về cuộc đời Trang Tử rất mơ hồ. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, ông
họ Trang tên Chu, tự là Tự Hư, người xứ Mông. Ông thuộc gia đình quý tộc sa sút
từng làm quan nhưng sau đó từ chức về quê ở ẩn. Có lần ông được mời ra làm tướng
quốc nhưng ông từ chối vì không muốn mất thú sống tiêu dao với cỏ cây.
Sử ký Tư Mã Thiên viết về ông :” Sở học của ông không sách gì không xem,
nhưng cái gốc chủ yếu quy về lời Lão Tử, cho nên ông viết sách hơn10 vạn chữ, đại để
dung dụ ngôn. Lời văn của ông mênh mông phóng túng để thỏa thích ý mình.
Nam Hoa Kinh của Trang Tử gồm 33 thiên, chia làm 3 phần. Nội thiên có 7 thiên;
Ngoại thiên có 15 thiên; Tạp thiên có 11 thiên. Xét theo tư tưởng cùng văn phong, các
học giả cho rằng phần Nội thiên là do Trang Chu trước tác, hai phần còn lại do người
đời sau viết và mượn tên ông. Đây là một tập quán tá danh thường thấy trong văn học
Trung Hoa, để gây sự chú ý và gia tăng trọng lượng phát biểu của một tác gia nào đó.
Về mặt học thuật, mặc dù tinh thông học thuyết của các triết gia danh tiếng đương
thời, Trang Tử tự có triết thuyết riêng với tư tưởng cốt lõi thiên vầ đạo Lão. Bằng ngòi
bút của mình, ông biểu dương học thuyết của Lão Tử và phong cách trào lộng rất ý vị,
phê phán học thuyết của các triết gia khác, đặc biệt là Nho gia. Các thiên Nam Hoa

Kinh trình bày rất nhiều mẩu chuyện mà trong đó các bật thánh triết thuyết giảng lẽ
Đạo (theo tinh thần đạo Lão) cho các học giả thuộc trường phái khác.
CHƯƠNG II: NỘI DUNG TƯ TƯỞNG TRƯỜNG PHÁI ĐẠO GIA
2.1.Nội dung về Đạo và Đức
Theo Lão tử, Đạo là nguồn gốc chung vủa thế giới muôn vật và cũng nghĩa là “
quy luật tự nhiên”hoặc “ quy luật khách quan của thế giới vật chất”. đức là đặc tính
của sự tồn tại cụ thể, và cũng là sự thể hiện của đạo trong các sự vật cụ thể.
+ Đạo được tạm hiểu như là cái tự nhiên tĩnh mịch, yên lặng mộc mạc, hỗn độn, mập
mờ, thấp thoáng, không có đặc tính, không có hình thể, là cái mắt không thấy, tai
không nghe, tay không nắm bắt, ngôn ngữ không thể diễn đạt, tư duy không nhận thức
được, là cái năng động tự sinh sôi nãy nở…
+ Đạo vừa là cái có trước vừa là cái nằm trong bản thân sự vật nhưng khi có sự can
thiệp của con người thì đạo không còn là đạo nữa.
+ Đạo sinh ra vạn vật, đức nuôi nấng, bảo tồn vạn vật. Vạn vật nhờ đạo mà được sinh
ra, nhờ đức mà thể hiện, và khi mất đi là lúc vạn vật quay trở về với đạo. Đạo sinh ra
Một (khí thống nhất), Một sinh ra Hai (âm, dương đối lập), Hai sinh ra Ba (trời, đất,
người), Ba sinh ra vạn vật
+ Đạo không chỉ lả nguồn gốc, bản chất mà còn là quy luật của mọi cái đã, đang và sẽ
tồn tài trong thế giới.
Lão tử muốn dùng hai quan niệm đạo và đức để thuyết minh tính thống nhất và tính đa
dạng của các hiện tượng tự nhiên, thuyết minh nguyên nhân thúc đẩy chúng hình thành
và thay đổi biến hóa.
2.2. Quan niệm biện chứng về thế giới
Ông nêu lí luận Đạo thường là vô vi, đạo sinh ra vạn vật nhưng không hề có ý chí,
co dục vọng, có mục đích; quy luật của bản thân tự nhiên chính là quy luật mà đạo dựa
vào để sinh thành muôn vật. Những quan điểm đó đều bao hàm những nhân tố duy vật,
đối lập với thế giới quan tôn giáo truyên thống. Phần nổi bật nhất trong tư tưởng triết
học của Lão tử đó là những nguyên tắc quan trọng của phép biện chứng mà ông đã
cảm nhận một cách khá rõ ràng. Theo ông mọi vật đều tồn tại hai mặt: chính và phản
đối lập nhau, nương tựa vào nhau mà tồn tại. lão tử cũng biết đẹp là đẹp tức là có xấu;

hai mặt dài ngắn tựa vào nhau, mới có hình thể; hai mặt cao thấp liên hệ với nhau, mới
có chênh lệch. Trong vạn vật, các mặt đối lập không chỉ thống nhất mà còn xung đột,
đấu tranh, chuyển hóa lẫn nhau tạo ra sự thay đổi, biến hóa không ngừng của vạn vật
trong vũ trụ. Nhưng học thuyết Lão tử phản ánh ý thức tư tưởng của giai cấp quý tộc
cũ đang suy tàn. Tuy ông đã thấy được quy luật của sự chuyển hóa mâu thuẩn, nhưng
ông không chủ trương phát triển mâu thuẩn giải quyết mâu thuẫn mà lại chủ trương
ngăn cản mâu thuẫn phát triển, mong muốn các sự vật cứ giữ nguyên trạng. Vận dụng
quan điểm này vào sinh hoạt xã hội, ông cho rằng người ta nên ở vào chỗ “ yếu ớt thấp
kém”, “ giảm bớt dục vọng, ít giữ riêng tư:, có như vậy thì mới mong bảo toàn sinh
mạng, trành được những điều nguy hại.
Lão tử cho rằng càng cách xa đạo, xã hội càng chứa nhiều mẫu thuẫn. Mâu thuẫn
là tai họa của xã hội. Theo ông, khi đạo lớn bị phá bỏ thì xuất hiện nhân – nghĩa; Khi
trí tuệ ra đời thì sinh giả dối; khi nước loạn thì mới xuất hiện tôi trung; …. Vì vậy, để
xóa bỏ tai họa cho xã hội, phải thủ tiêu mọi mâu thuẫn mang tính chất xã hội, có
nguồn gốc chủ quan. Mâu thuẫn trong xã hội được thủ tiêu bằng cách đẩy mạnh một
trong hai mặt đối lập để tạo ra sự chuyển hóa theo quy luật phản phục, hay cắt bỏ một
trong hai mặt đối lập để làm cho mặt đối lập kia tự mất đi theo quy luật quân bình. Với
quan niệm này, ông cho rằng, trong đời sống xã hội, nếu dẹp bỏ trí tuệ thì dân sẽ chất
phác; nếu không tôn trọng người hiện thì dân không tranh nhau; nếu không coi trong
của cái quý bãu thì dân không trộm cắp.
Từ đó thấy rằng phép biện chứng của Lão Tử mang tính chất máy móc, đơn giản.
Vạn vật chỉ hoạt động tuần hoàn mà không có sự ra đời của cái mới, nghĩa là không có
sự phát triển.
2.3. Quan niệm vô vi về nhân sinh
Theo Lão Tử, con người vô vi, tự nhiên vô bất vi, thánh nhơn vô vi, bách tánh
vô bất vi, thiên địa vô vi, trừ đi sai lầm của “ hành động tạo tác của con người”, thì sẽ
trở về với sự tốt đẹp của tự nhiên, đây cũng là ý “ vô vi nhi bất vi của Lão Tử”. Bản
chất của vô vi là vô bất vi, trong hạn định các khó khăn của nhơn sanh, cần có trí tuệ
để nhìn nhận về sanh mạng có thể phá trừ chấp trước và hóa giải hành vi tạo tác của
con người, sanh mạng con người là tạm thời, tự nhiên mới là trường cửu, cơ thể con

người có thể bị hủy hoại nhưng thiên đạo thì vĩnh hằng. Theo Lão Tử thái độ sống “vô
vi” của con người đó là con đường duy nhất trừ đi “tạo tác của con người” để trở về
với tự nhiên. Con đường này chính là “đạo pháp tự nhiên” cũng chính là vô vi.
Vô vi là sống và hành động theo lẽ tự nhiên, thuần phác, không giả tạo, không
gò ép bản thân mình ngược với bản tính tự nhiên; là từ bỏ tính tham lam, vị kỷ để
không làm mất đức. Chỉ khi nào từ bỏ được thói tư lợi thì mới nhận thấy đạo; và chỉ
nhận thấy đạo mới có thể vô vi được. Lão tử phản đối mọi chủ trương hữu vi, vì ông
cho rằng hữu vi chỉ làm xáo trộn trật tự tự nhiên vốn mang tính hài hòa, làm mất bản
tính tự nhiên của con người, dẫn đến sự xa lánh và làm mất đạo. Từ thuyết vô vi Lão
Tử đã rút ra nghệ thuật sống cho con người là từ ái, cần kiệm, khiêm nhường, khoan
dung.
Cái Đạo “phi thường Đạo” được Lão Tử nói đến là thiên nhiên, năng lượng sức
sống và sự vận hành của thiên nhiên. Cũng có thể gọi là tự nhiên hoặc thiên lý. Và
Đức là cứ theo tự nhiên mà sống, thuận theo thiên lý mà lưu hành. Trong cái Đạo của
vũ trụ ấy, thiên nhiên và những qui luật của chúng tập hợp thành cái trụ cốt, cái bản
thể, còn đất trời và sinh linh, v.v. là những thực thể có vị trí thích hợp và chức năng
thích hợp, thao tác theo một thể thức tự nhiên. Đạo ấy chỉ được biết bằng trực quan,
không bằng lý trí. Lão Tử không lập luận về Đạo vì ông chống lý trí. Theo ông, lý trí
khiến ta nhìn cuộc đời với con mắt nhị nguyên, phân chia thế giới nội tâm và ngoại lai,
con người với thiên nhiên, thế gian với vũ trụ, thiện và ác, vinh và nhục, đúng và sai,
cao và thấp , làm ta xa lìa đạo. Lão Tử không mất công giảng giải về Đạo, ông chống
tri thức và trí năng. Ông cho rằng tri thức không giúp cho người ta sống theo Đạo và
Đức. Nó chỉ làm cuộc sống thêm phức tạp; nó chế tạo cơ khí khiến sinh ra “cơ tâm”;
nó bày đặt lý thuyết này nọ khiến đưa tới xung khắc Trí năng khiến người ta phân
biệt cái hay cái dở nên sinh ra ham muốn. Ông chủ trương bỏ trí năng, bỏ văn tự, bỏ
việc dạy dỗ dân, để dân chúng sống mộc mạc, tự nhiên. Lão Tử không chịu nói nhiều
về Đạo vì ông hiểu rõ giới hạn truyền đạt của ngôn ngữ.
2.4. Tư tưởng vô vi đối với vấn đề quốc trị an dân
Lão Tử sinh trưởng trong giai đoạn chiến tranh triền miên cho nên rất ưu tư về
vấn đề quốc trị. Ông thấy là “dân đói vì người trên lấy thuế nhiều cho nên dân đói, dân

khó trị vì người trên theo hữu vi cho nên dân khó trị,” “thiên hạ nhiều kiêng kỵ thì
dân càng nghèo; dân nhiều lợi khí thì quốc gia thêm mờ tối, người càng nhiều xảo
thuật thì vật kỳ lạ càng xuất hiện, pháp luật càng sáng tỏ thì trộm cướp càng nhiều.”
Và vì nhận xét như vậy cho nên Lão Tử chủ trương rằng người lãnh đạo quốc gia phải
áp dụng sách lược vô vi để trở về (phản phục) với đạo hay cái gốc tự nhiên ban đầu thì
mới có thể an bang tế thế.
Ông cho rằng với đường lối vô vi: lo cho dân no ấm, mạnh khỏe và dạy cho
dân sống tự nhiên hợp với môi trường chung quanh, không suy nghĩ hay thèm thuồng
mỹ vật. Một khi dân được ấm no, không bệnh tật và không ham chuộng của quý vật lạ
cũng như không có nhu cầu khoe tài hay ganh đua để được lãnh tụ yêu mến thì dân đã
thấm nhuần tinh thần vô vi (không làm); và khi đã theo vô vi rồi thì dẫu có kẻ tài trí,
tham lam xách động nhân dân nổi loạn thì họ cũng không làm (vô vi). Như vậy, nếu
muốn lòng dân không loạn thì người lãnh tựu của quốc gia phải biết lo cho dân, không
đặc ra sưu cao thế nặng, không bóc lột.
Lãnh tụ quốc gia phải biết thương dân, không thể chỉ đặt ra luật lệ và đợi dân
làm sai rồi hành hạ, giam cầm, xử trảm. Lãnh tụ quốc gia có nhiệm vụ chỉ bảo nhân
dân hướng thiện theo đạo chứ không thể đem cái chết ra hăm dọa nhân dân. Tương tự
như con thú khi bị dồn vào chân tường thì cắn lại, nhân dân khi bị bóc lột, khổ sở hết
mức thì hết sợ chết; mà khi nhân dân hết sợ chết thì sự dọa nạt của lãnh tụ trở nên vô
dụng. Kẻ nào dùng bạo lực để trị quốc thì “hiếm khi không bị thương ở tay”. Thương
dân thì phải lo cho dân no ấm, tránh sưu thuế cao và không ép buộc dân phục dịch.
Nếu kẻ ở trên sống xa xỉ, thâu sưu thuế cao mà còn bắt dân phục dịch thì nhân dân chỉ
có thể chịu đựng đến một mức độ nào đó rồi trở nên loạn bởi vì họ không còn sợ chết
nữa. Lãnh tụ quốc gia không nên đam mê cái bề ngoài xa xỉ mà ngược lại phải biết
thương dân, lo cho dân no bụng và tránh những hành động ép dân vào cái thế khinh tử.
Bậc thánh nhân chủ trương trị quốc theo phương pháp vô vi nhằm giảm thiểu
phép tắc vốn được đặt ra để áp bức và trừng phạt nhân dân. Lãnh tụ quốc gia theo đạo
sẽ hướng dẫn nhân dân noi theo gương của mình, dùng cái thanh liêm của mình để dạy
dỗ dân bỏ đi lòng tham dục cũng như các hành động xấu. Dần dần nhân dân trở thành
thuần hậu và sống theo tự nhiên, chất phác mà không bị phép tắc chính trị gò bó. Luật

lệ hà khắc được đặt ra (hữu vi) nhằm khiến người ta sợ nhưng hiếm khi tiêu diệt hết
được các tệ nạn xã hội; trong khi đó đường lối vô vi không dựa trên phép tắc rườm rà
lại có thể cảm hóa nhân dân để họ theo con đường thiện hợp với cái đạo của tạo hóa.
Lão Tử không chủ trương dùng pháp luật để trị quốc mà cổ võ cho sách lược
đạo trị (vô vi) để vạn vật phát triển tự nhiên (không bày ra phép tắc, xảo thuật để gò ép
nhân dân). Theo ông, nếu muốn hướng thiện thì đừng trừng phạt kẻ xấu mà nên dùng
tư cách thánh nhân để cảm hóa kẻ xấu.
Chính sách quốc trị cao nhất là đạo trị, rồi mới đến đức trị (nhân trị), và rồi đến
pháp chế; chính sách xảo trị (dùng xảo thuật để cầm quyền) là phương pháp thấp nhất
vì lãnh tụ không còn được nhân dân tin tưởng nữa mới dùng đến xảo thuật. Lãnh tụ
không tin dân cho nên mới bày kế để gò ép dân; dân không tin lãnh tụ cho nên phải
đóng kịch sợ sệt hay cung kính để lừa gạt lãnh tụ. Hai bên đều dùng bề ngoài xảo trá
để làm bình phong che giấu sự bất tín.
Quốc gia lý tưởng trong nhãn quan của Lão Tử là một quốc gia nhỏ mà trong
đó nhân dân sống thuận với thiên nhiên, biết vừa đủ mà không ham biết nhiều, không
muốn tư dục, không ganh đua bề ngoài, mà chỉ sống theo đạo vô vi. Trong quốc gia lý
tưởng này, người dân sống chất phác, hiền lành, thuần phục với thiên nhiên; bởi vì hài
lòng với cuộc sống thiên nhiên, con người không lìa xa nơi sinh trưởng, không có lòng
tham để tranh giành quyền lợi. Con người không tranh giành quyền lợi thì thiên hạ
không có chiến tranh cho nên quốc gia dẫu có xe cộ, thuyền bè, binh giáp cũng không
dùng đến. Khi người dân có đời sống thái hòa gần gũi với thiên nhiên thì lãnh tụ quốc
gia có thể “giũ áo, chắp tay, không làm (vô vi)” mà thiên hạ cũng được thái bình.
CHƯƠNG III: ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC NƯỚC CHÂU Á ĐẶC BIỆT LÀ
VIỆT NAM
Sự khác biệt giữa Đạo giáo triết học và Đạo giáo tôn giáo - được dùng ở đây vì
những nguyên nhân thực tiễn - có thể được hiểu như sau: Đạo giáo triết học theo lí
tưởng của một Thánh nhân, thực hiện Đạo bằng cách gìn giữ một tâm thức nhất định,
trong khi Đạo giáo tôn giáo tìm cách đạt Đạo qua việc ứng dụng những phương pháp
như Tĩnh toạ (Khí công, Thái cực quyền), sự tập trung cao độ, thiết tưởng
(visualization), hình dung, thuật luyện kim, nghi lễ và huyền học để tạo một thế giới vi

quan từ thân tâm - một ánh tượng của đại vũ trụ - và qua đó đạt được sự hợp nhất với
vũ trụ.
3.1. Ảnh hưởng đến chính trị
Vào thời Đinh Lê Lý Trần trong triều đình luôn có các tăng sư đạo sĩ làm cố
vấn, được vua hỏi ý kiến về việc quan trọng, ví dụ pháp sư Đỗ Pháp Thuận thời vua Lê
Đại Hành.
Nếu Nho giáo là công cụ của giai cấp thống trị để tổ chức an ninh xã hội, để cai
trị thì Đạo giáo lại xây dựng tư tưởng cho kẻ phản kháng chống lại chính quyền. Trung
Quốc và Việt Nam đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy mà kẻ lãnh đạo lợi dụng tôn
giáo đạo giáo, bua chú phép thuật để lôi kéo người nông dân nghe theo như đeo bùa thì
tên giáo, súng đạn bất xâm ( khởi nghĩa Hoàng Cân - giặc khăn vàng, nổi dậy của
Phan Xích Long )
Lão tử chủ trương rằng người người lãnh đạo quốc gia áp dụng sách lược sách
lược vô vi để trở về ( phản phục) với đạo hay cái gốc tự nhiên ban đầu thì mới có thể
an bang tế thế. Tư tưởng này đã có những ảnh hưởng rất tích cực đến chế độ chính trị
ngày nay: lãnh tụ quốc gia phải biết thương dân, khong thể chỉ bảo nhân dân hướng
thiện theo đạo chứ không thể đem những đạo luật, hình phạt ra hăm dọa nhân dân. Bộ
máy lãnh đạo quốc gia chăm lo cho đời sống của nhân dân để người người có một
cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hướng thiện, không tranh chấp, trộm cướp… Các lãnh
đạo cấp cao có sự mệnh phải là tấm gương sáng để nhân dân noi theo, dùng cái thanh
liêm của mình để dạy dỗ dân bỏ đi tham dục cũng như các hành động xấu; dần dần
nhân dân trở thành thuần hậu và sống theo tự nhiên, chất phác mà không bị phép tắc
chính trị gò bó.
3.2. Về mặt y dược học và các môn khoa học cổ
Từ việc tìm thuốc trường sinh, các vị đạo gia đã từng bước hoàn thiện hiểu biết
về các loài thảo mộc, cách bào chế thuốc, và từ đó các kinh nghiệm này được truyền
bá vào đời sống, trở nên có giá trị thực sự đối với con người. Các phương pháp luyện
tập nội đan của Đạo giáo khi được truyền ra dân gian thì trở thành các môn khí công,
dưỡng tâm, dưỡng thân, môn châm cứu, và thực sự đã chứng minh được tính thần diệu
của nó.

Mặt khác, nguyên lý “con người và vũ trụ là một” của Đạo giáo đã trở thành cơ
sở để hình thành y lý của Đông Y, dùng mô hình vũ trụ để giải thích các quan hệ trong
cơ thể con người, làm nguyên tắc chẩn trị bệnh (con người là tiểu vũ trụ, các quan hệ
sinh khắc áp dụng trong thế giới vật chất cũng được sử dụng để chẩn đoán và trị bệnh
trong cơ thể con người).
Ngoài ra, một mảng ảnh hưởng sâu đậm của Đạo giáo mà không thể không
nhắc tới là lĩnh vực phong thủy, tiên tri, chiêm bốc, tướng số, mà hiện nay vẫn đang
tồn tại và được gọi bằng cái tên “hiện đại” hơn là “các môn khoa học dự báo”. Đây là
các lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của rất đông đảo người dân, không chỉ dân
thường mà trước hết là tầng lớp quý tộc, cung đình. Ngay cả các học giả lớn của Việt
nam như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nổi tiếng với môn Thái Ất và những
lời sấm truyền trứ danh của ông. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cũng là một ví dụ.
Hoặc như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng từng nổi tiếng là một nhà phong thủy
với nhiều truyền thuyết ly kỳ về tài tầm long điểm huyệt của ông. Vua Quang Trung
từng phải viện tới ông xem đất để đặt Phượng Hoàng Trung Đô. Hoặc như nhà bác học
Lê Quý Đôn cũng đã từng trước tác nhiều tác phẩm về chủ đề này (ví dụ cuốn “Thái
Ất dị giản lục”, “Dịch kinh phu thuyết”).
Tuy rằng triết lý lý âm dương ngũ hành, kinh Dịch, Thái Ất, và các hệ thống
kiến thức cơ bản khác của triết lý Đông phương không phải là sản phẩm khởi nguồn từ
Đạo giáo, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng chính các các Đạo gia nổi tiếng
của Đạo giáo đã góp phần đáng kể vào việc phát triển, hoàn thiện, và truyền bá các
kiến thức ấy ra ngoài cuộc sống.
3.3. Về mặt tư tưởng văn học
Về nếp sống và văn thơ, mặc dầu không mấy ai thật sự là tín đồ một phái nào
của Đạo Giáo, nhưng hầu hết các nhà Nho Việt Nam, qua Đạo Đức Kinh, Nam Hoa
Kinh, hay thi văn cổ Trung Hoa, đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp những tư
tưởng của Lão Tử, Trang Tử.
Trong những nhà Nho đã thoát ra khỏi cuộc đời, đi ở ẩn để tiêu diêu tự tại giữa
thiên nhiên, trước hết có Nguyễn Trãi (1380-1442). Ông cáo quan về ẩn tại Côn Sơn
(Hải Dương), có nhiều câu thơ ca tụng thú thanh nhàn (một bầu phong nguyệt) tiêu

dao tự tại giữa thiên nhiên, đúng với lời dạy bảo trong Đạo thường mà không còn nghĩ
đến sự đua tranh
Qua thế kỷ 15-16, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đã theo phép xuất xử của
Nho giáo (Gặp thời có chính nghĩa thì ra giúp đời, không thì đi ở ẩn, mà cáo quan về ở
ẩn, nhưng tư tưởng của ông lại thấm nhuần thuyết “tính-tự-nhiên” của Trang Tử: tiêu
diêu hưởng nhàn giữa cảnh hữu tình (thiên nhiên), không tranh đua, không cần ai khen
chê:
Nhưng quan trọng nhất là Nguyễn Công Trứ (1778-1858), ra làm quan, bận rộn
với việc khẩn hoang lập làng nuôi sống cho dân nghèo, cầm quân đánh giặc chống
loạn Cao Miên, mà vẫn tìm cách sống theo các thuyết Đạo giáo, như ‘tri túc, tiêu diêu
xoay xở để hưởng nhàn’ (ngao du sơn thủy). Ông viết: biết đủ thì có đủ, còn đợi cho
đủ, biết bao giờ mới đủ? biết nhàn thì có nhàn, còn đợi cho nhàn, biết bao giờ mới
nhàn?
Theo thuyết ‘tri túc bất nhục‘ của Lão tử: nghĩa là “biết đủ thì khỏi bị nhục”
(Đạo Đức Kinh, chương 44), và theo thuyết Tiêu Diêu hưởng lạc thỏa thích giữa thiên
nhiên của Trang Tử. Dù được, dù mất, ông vẫn bình thản như người thượng cổ, thiên
hạ khen chê thế nào, ông vẫn là ông, trong tâm hồn có sự hòa đồng với vũ trụ, thoát
tục thần tiên, vui thuận theo tính-tự-nhiên trời phú cho.
Phải chăng, Nguyễn Công Trứ là một nhà Nho đã dung hòa được cái hữu vi của
Khổng giáo với cái vô của Lão Trang, trong tinh thần Việt hóa cố hữu của dân tộc ta.
Đề tài đời và mộng lẫn lộn nhau, ảnh hưởng của chuyện Trang Chu chiêm bao
làm bướm, đã được bao nhiêu văn thi sĩ lặp đi lặp lại, nhưng đặc biệt nhất có Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) là dông dài và sâu sắc hơn hết.
3.4. Về ứng xử với thời cuộc
Các nhà Nho ngày xưa thường theo chủ trương “Công toại, thân thoái” (Đạo
Đức Kinh, Chương 9). Trong lịch sử có nhiều vị quan, tướng sau khi phò giúp vua dẹp
loạn, lên ngôi, cảm thấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình thì lập tức rút lui thoái ẩn,
không màng đến danh phận như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi…
3.5. Về mặt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng
Sau giai đoạn thịnh hành ở thời Lý – Trần, Đạo giáo ở Việt nam bị Nho giáo

bài xích và phải ẩn vào trong chính Nho giáo và Phật giáo. Trên một phương diện nào
đó, có thể coi đó cũng là ảnh hưởng của Đạo giáo đối với Nho và Phật, mặc dù dưới
hình thức khá thụ động.
Học giả Phan Ngọc cũng cho rằng Đạo giáo khi du nhập vào Việt nam chỉ làm
thay đổi về mặt hình thức các tín ngưỡng bản địa đã có sẵn, còn nội dung thì không
thay đổi bao nhiêu.
Để phân biệt rạch ròi đâu là dấu hiệu của Đạo giáo trong các tín ngưỡng mang
tính dân gian thì rất khó. Bởi vì tín ngưỡng dân gian từ xa xưa của người Việt cũng
mang rất nhiều yếu tố phù thủy, và cũng rất nhiều yếu tố thần tiên. Vì vậy, điều dễ
thấy hơn là sự dung hòa Tam giáo trong tâm linh người Việt. Ví như biểu tượng chim
hạc, linh quy xuất hiện rất nhiều trong đình chùa miếu mạo và cả từ đường của tư gia.
Hạc hay rùa là các biểu tượng của tiên đạo, trường sinh.
Hoặc như thuật ngữ “buhda” vốn có nghĩa là “phật”, nhưng khi du nhập vào
nước ta và được bản địa hóa thành “bụt” thì lại không được dùng để chỉ “phật” mà
dùng để chỉ một ông tiên với nhiều phép biến hóa cứu giúp người nghèo khổ. Hình
tượng ông bụt, ông tiên, bà tiên, hay cô tiên đã trở nên rất quen thuộc và phổ biến
trong các câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em và cũng xuất hiện khá phổ biến trong các
hình thức văn học dân gian khác, như “Việt điện u linh”, “lĩnh nam chích quái”,
“truyền kỳ mạn lục”, “truyền kỳ tân phả” và các tác phẩm tương tự như thế.
Các khái niệm vốn đặc hữu của Đạo giáo như Bồng Sơn, Nhược Thủy, Bồng
Lai (nơi tiên ở) cũng xuất hiện khá nhiều trong đời sống của người Việt, đặc biệt là đối
với giới sỹ phu, có chữ nghĩa. Tương tự, khái niệm “tiên” cũng vậy. Những thành ngữ
kiểu như “được voi đòi tiên” hay “sướng như tiên” hoặc có liên quan tới “tiên” được
sử dụng khá thường xuyên trong đời sống. Thậm chí trong nhiều bài văn khấn gia tiên,
câu kết thường là “xin tiễn vong linh, lại về tiên giới”.
Đó đều mang bóng dáng của Đạo giáo.
Như vậy, có thể cho rằng Đạo giáo đã thẩm thấu một cách tự nhiên vào trong
đời sống tâm linh, và các tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, mặc dù nếu nói rằng đó
hoàn toàn là ảnh hưởng của Đạo giáo thì cũng là khiên cưỡng nhưng cũng không thể
phủ nhận sự hiện diện của Đạo giáo ở đó.

Ngày nay các phái Phù thủy, Thần tiên của Đạo giáo chắc là không còn tồn tại
nữa. Các thành phần trẻ và có học nước ta cũng không ai tin tưởng những chủ trương
vô vi nhi trị (trị quốc theo lối vô vi, kệ nó tự vận hành theo quy luật tự nhiên), trở về
đời sống thái thượng dân số ít, dân trí kém do Lão Tử đề xướng, nhưng rất có thể bị lôi
cuốn theo lập trường không phân biệt thiện ác, đúng sai, khiến cho cuộc sống sinh ra
bừa bãi, vô trách nhiệm, hoặc lẫn lộn hưởng nhàn với hành lạc sa đọa, hoặc theo
gương Trang Tử, phản đối tất cả những luật lệ, thể chế chính trị, học thuyết, tín
ngưỡng do người đời bày ra, đến mức có thể bị mất hết niềm tin, sống ngoài lề xã hội,
không biết quí trọng giá trị thiêng liêng của đời sống mà Trời đã phú cho.
Vì vậy, rất cần giúp lớp trẻ tìm hiểu và đánh giá đúng mức những chủ trương,
tư tưởng, học thuyết Lão Trang trong Đạo giáo để gạt bỏ những gì lỗi thời và tìm mọi
cách Việt hóa những gì có thể giúp cho sự tiến bộ về tư tưởng cũng về khoa học cho
dân tộc Việt Nam chúng ta.
CHƯƠNG IV: NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA ĐẠO GIA
Những tư tưởng triết học cơ bản của Đạo gia tuy đã được xây dựng cách đây
hơn hai ngàn năm, và có không ít hạn chế, nhưng đến nay vẫn còn ý nghĩa thiết thực
về mặt phương pháp luận, gợi mở cho chúng ta nhiều điều cả trong hoạt động nhận
thức lẫn trong hoạt động thực tiễn.
4.1. Giá trị
- Trong hoạt động nhận thức
Giúp nhìn nhận thế giới là sự chuyển hóa, dung hòa của 2 mặt đối lập, thế giới
luôn có sự chuyển hóa va bài trừ lẫn nhau và trong bản thân từng sự vật.
Giúp con người hướng thiện, hướng đến tự nhiên, dung hòa với tự nhiên, tĩnh tâm
và tự tại, tránh được những ham muốn đua chen của dục vọng, biết bằng lòng với cái
hiện có.
Về tư tưởng, chủ trương bất tử, tức là quan niệm lúc chết, sự sống con người được
thay đổi chứ không bị mất đi, cho nên con người có một thái độ tích cực đối với thân
phận chính mình.
Trong hoạt động nhận thức, con người cần tránh lối tư duy gán ghép, máy móc,
siêu hình, áp đặt chủ quan đối với mọi sự vật hiện tượng tự nhiên… Mà phải nhận thức

cái khách quan, cái bản tính tự nhiên thuần phác, vốn có của nó.
Đồng thời, thông qua luật quân bình (bù trừ) và luật phản phục, Đạo gia đã cung
cấp nhân sinh quan và nghệ thuật sống mang tính nhân văn sâu sắc, có tác dụng an ủi
con người hài lòng và hạnh phúc với những gì mình có trong cuộc sống, không nên
ham muốn, mơ tưởng hão huyền.
Đạo gia còn dạy con người phải biết sống khiêm tốn, giản dị, mà vẫn ung dung, tự
tại, không lo sợ, không đau buồn… trước mọi biến động xảy ra trong đời; không tham
lam, vụ lợi, giả dối; không đấu tranh, giành giật; không đua đòi, bon chen, đố kỵ… Mà
cần phải sống hòa nhã, trung dung, ngay thẳng, tự nhiên thuần phác, “thản nhiên mà
đến, thản nhiên mà đi”…
- Trong hoạt động thực tiễn
Đạo gia hướng con người về với tự nhiên, vì thế trong hoạt động thực tiễn giúp
con người điều chỉnh hành vi (hoạt động) của mình cho phù hợp với tự nhiên và cuộc
sống, tôn trọng các quy luật, tránh lỗi hành xử lỗ mãng, bất chấp.
Những quan điểm triết học cơ bản của Đạo gia đã góp phần chỉ ra cho chúng ta,
trong hoạt động thực tiễn, con người cần phải tôn trọng quy luật khách quan, nắm
vững và vận dụng phù hợp các quy luật tự nhiên vào cuộc sống, nếu không sẽ phải trả
giá và chuốc lấy hậu quả khôn lường, như Lão Tử cảnh báo: “Lưới trời lồng lộng, thưa
mà khó lọt”.
Đặc biệt, Đạo gia yêu cầu trong hoạt động thực tiễn, con người cần phải “thuận
theo tự nhiên”, không được làm trái quy luật tự nhiên, không được cải tạo tự nhiên
theo những toan tính lợi ích tầm thường của mình. Điều này có tính thời sự đặc biệt và
sâu sắc trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, với thiên tai và dịch bệnh
luôn đe dọa nghiêm trọng, cộng thêm những bất ổn về chính trị - xã hội, một hệ lụy
trực tiếp từ quá tr.nh con người “nhân tạo hóa thiên nhiên”, tạo dựng một nền “văn
minh” không tương thích với bản tính tự nhiên của vũ trụ vạn vật.
Đồng thời, trong hoạt động thực tiễn, con người cần phải biết quí trọng mọi sự
sống nói chung, gắn với quí trọng môi trường tự nhiên, không được tàn sát sinh vật và
hủy hoại môi trường một cách tùy tiện.
Bên cạnh đó, với việc chỉ ra luật quân bình (bù trừ) và luật phản phục, Đạo gia đòi

hỏi con người cần tránh mọi cực đoan, thái quá, nóng vội, chủ quan duy ý chí… Mà
phải luôn luôn tạo dựng sự cân bằng, hợp lý, tự nhiên; khách quan nhưng không ỷ lại,
thụ động trước các điều kiện khách quan.
4.2. Hạn chế
Tuy nhiên, nếu xét ngược lại, với những mặt tiêu cực và hạn chế, thì Đạo gia chủ
trương con người không nên tăng cường các hoạt động sáng tạo, không cần mở mang
trí tuệ, chấm dứt cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội, mà quay về sống như thời nguyên
thủy, đúng với bản tính tự nhiên thuần phác của một loài động vật bậc cao được sinh
ra từ “đạo”… phủ nhận mọi hoạt động thực tiễn của con người.
- Trong hoạt động nhận thức
Tư tưởng Đạo gia sẽ dẫn chúng ta đến với chủ nghĩa duy tâm thần bí về “đạo”, tư
tưởng biện chứng tuần hoàn thô thiển, chủ nghĩa khách quan tuyệt đối, thuyết bất khả
tri…Lão tử cho rằng: “Không cần ra cửa mà biết thiên hạ, không cần nhòm qua khe
cửa mà biết đạo trời”. Có yếu tố duy tâm trong tư tưởng, thể hiện ở chỗ đề cao tư duy
trừu tượng, coi khinh nghiên cứu sự vật cụ thể.
Đạo gia đã đề cập đến nguồn gốc, cách thức và khuynh hướng của sự vận động
biến đổi, nhưng còn hết sức đơn giản, tuần tự khép kín, chuyển hóa hình thức, không
có sự thâm nhập và phủ định biện chứng.
Lão Tử cho rằng trong đời sống xã hội, nếu dẹp bỏ trí tuệ thì dân sẽ chất phác; nếu
không coi trọng người hiền thì dân không tranh nhau; nếu không coi trọng của cải quí
báu thì dân không có trộm cắp. Những tư tưởng này khiến con người không có động
lực phấn đấu, dửng dưng trước thời thế.
Tư tưởng biện chứng đó tuy đã vẽ lên bức tranh muôn hình vạn trạng, đa dạng và
phong phú về vũ trụ vạn vật, với các mặt đối lập, các mối liên hệ phổ biến và sự vận
hành thống nhất của Đạo, nhưng về cơ bản nó vẫn còn chất phác, ngây thơ, trực quan
cảm tính, tiên nghiệm. Nó chưa có sơ sở để vạch ra cái bản chất, tất yếu bên trong của
sự vật hiện tượng. Vạn vật chỉ vận động tuần hoàn, lặp đi lặp lại một cách buồn tẻ mà
không có sự ra đời của cái mới, nghĩa là không có sự phát triển.
- Trong hoạt động thực tiễn
Đạo gia chủ trương con người không nên tăng cường các hoạt động sáng tạo,

không cần mở mang trí tuệ, chấm dứt cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội, mà quay về
sống như thời nguyên thủy, đúng với bản tính tự nhiên thuần phác của một loài động
vật bậc cao được sinh ra từ “đạo”… phủ nhận mọi hoạt động thực tiễn của con người.
Tư tưởng vô vi: sống và hành động theo lẽ tự nhiên, thuần phát, không giả tạo,
không gò ép. Lão tử phản đối mọi chủ trương hữu vi, vì ông cho rằng hữu vi chỉ làm
xáo trộn trật tự tự nhiên vốn mang tính điều hòa, làm mất bản tính tự nhiên của con
người.
Về đường lối trị nước an dân: Chính phủ yên tĩnh vô vi thì dân sẽ thành chất phác,
chính phủ tích cực làm việc thì dân đầy tai họa. Bậc Thánh nhân trị vì thiên hạ phải
bằng lẽ tự nhiên của đạo vô vi, và chủ trương xóa bỏ hết mọi ràng buộc về mặt đạo
đức, pháp luật. Đạo gia chủ trương xây dựng một xã hội phi thể chế, phi nhà nước, phi
giáo dục, phi khoa học – kỹ thuật, chẳng cần văn hóa với văn minh; một cộng đồng ít
dân ngu đần ấu trĩ, sống bằng săn bắn hái lượm gắn với trồng trọt và chăn nuôi tự cấp
tự túc, khép kín hoàn toàn, không trao đổi qua lại với bên ngoài. Đây là tư tưởng lạc
hậu và thụt lùi về quan điểm chính trị - xã hội.
Chủ trương phải toàn sinh và vị ngã, nghĩa là phải yên theo thời gian mà ở thuận,
vì cái tự nhiên nào cũng hợp lý cả; không khen chê phải – trái, tốt – xấu làm gì, phải
lánh nạn để bảo toàn sinh mạng. Tư tưởng này khiến cho con người nhu nhược, ích kỷ,
sống vì bản thân, không biết đấu tranh vì lợi ích chung.
KẾT LUẬN
Đạo gia là một trong những trường phái triết học lớn, ra đời ngay trong buổi
bình minh của lịch sử triết học Trung Quốc và nhân loại. Đạo gia còn có tác động
ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực ở nhiều nước châu Á. Nhìn chung, Đạo gia đã
đạt được những bước tiến bộ vượt bậc so với tư tưởng đương thời về một số quan
điểm duy vật và biện chứng nhưng lại lạc hậu và thụt lùi về quan điểm chính trị - xã
hội. Mặt dù tư tưởng triết học cơ bản của Đạo gia về nhận thức luận và nhân sinh
quan muốn ngăn cản tính năng động, sáng tạo của ý thức con người cả trong quá
trình hoạt động nhận thức lẫn trong hoạt động thực tiễn, song vượt lên tất cả, với
tinh thần cầu thị và tôn trọng lịch sử, chúng ta vẫn có thể rút ra rất nhiều bài học có
giá trị cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn trước bối cảnh toàn cầu hóa và cách

mạng khoa học công nghệ đương đại. Thông qua hoạt động nhận thức và thực tiễn
của con người, Đạo gia còn cung cấp cho chúng ta nghệ thuật sống vô cùng phong
phú, tinh tế và đáng vận dụng như: Lấy mềm thắng cứng, lấy tĩnh chế động, lấy mặt
đối lập để khống chế mặt đối lập, tôn trọng sự khác biệt… Đặc biệt là luật bù trừ và
luật phản phục. Từ đó, ông cha ta đã đúc kết nên những thành ngữ và phương châm
ứng xử trong hoạt động thực tiễn, như: Lạt mềm buộc chặt, lấy nhu thắng cương, lấy
ít địch nhiều, lấy độc trị độc, dĩ bất biến ứng vạn biến, không ai giàu ba họ không
ai khó ba đời, lá rụng về cội…
Học thuyết của Lão tử bổ túc cho học thuyết của Khổng, nén bớt tinh thần hăng
hái hữu vi, quá thực tiển của Khổng. Hiện nay người phương Tây chán nản nền văn
minh cơ giới, sản xuất để tiêu thụ rồi tiêu thụ để sản xuất, muốn trở lại đời sống thiên
nhiên, giản dị, nên Đạo đức kinh lại được nhiều người đọc. Mặc dù tồn tại xã hội và ý
thức xã hội đã thay đổi vượt bậc, song những tư tưởng triết học của Đạo gia vẫn có sức
sống và tác động đáng kể đối với đời sống con người, đặc biệt ở những nước vốn chịu
sự ảnh hưởng truyền thống của nó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Văn học Việt Nam trong mối quan hệ với Tư tưởng Lão Trang
/>voi.html
- ĐẠO GIA - BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU
hoivankhoa.blogtiengviet.net/2010/03/17/a_aono_gia_bamar_c_a_aobu_ta_m_hiar_u
- Đạo giáo du nhập vào Việt Nam ()
- Trang Tử và Nam Hoa Kinh - Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải, NXB Văn Hóa
Thông Tin, 1994
- Lão Tử và Đạo Đức Kinh - Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải, Nhà xuất bản: Nxb
Văn hóa,1993
- Tiểu luận triết học: Tư Tưởng Triết Học Đạo Gia & Những Giá Trị, Hạn Chế,
Nguyễn Thị Ngọc Hiền, 2010
- Tiểu luận triết học: Triết Học Đạo Gia Giá Trị và Hạn Chế Nguyễn Thị Ngọc Lan,
2010
MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU 1
Lí do chọn đề tài 1
Mục tiêu của đề tài: 1
Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu 1
Phương pháp nghiên cứu 1
Kết cấu đề tài: gồm 4 chương 2
CHƯƠNG I: SƠ LƯỢC SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO GIA 3
1.1.Lão Tử và Đạo Đức Kinh 3
1.2.Trang Tử và Nam Hoa Kinh 4
CHƯƠNG II: NỘI DUNG TƯ TƯỞNG TRƯỜNG PHÁI ĐẠO GIA 6
2.1.Nội dung về Đạo và Đức 6
2.3.Quan niệm vô vi về nhân sinh 7
2.4.Tư tưởng vô vi đối với vấn đề quốc trị an dân 8
3.1.Ảnh hưởng đến chính trị 11
3.2.Về mặt y dược học và các môn khoa học cổ 12
3.3.Về mặt tư tưởng văn học 12
3.4.Về ứng xử với thời cuộc 13
3.5.Về mặt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng 14
CHƯƠNG IV: NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA ĐẠO GIA 16
4.1.Giá trị 16
4.2.Hạn chế 17
KẾT LUẬN 19
TÀI LIỆU THAM KHẢO 20

×