Chuyên đề 24:
NGHIỆP VỤ, KỸ NĂNG CÔNG TÁC CỦA CHỦ TỊCH
HỘI NÔNG DÂN XÃ
I. CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH HỘI
NÔNG DÂN XÃ
1. Chức trách của Chủ tịch Hội Nông dân xã
Chủ tịch cơ sở Hội là người đứng đầu tổ chức cơ sở Hội, phụ trách chung
công việc của Ban Chấp hành, có trách nhiệm chính trong công việc tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ của Ban Chấp hành, quán xuyến mọi mặt công tác của cơ sở
Hội.
Chủ tịch cơ sở Hội là người chịu trách nhiệm chính, tham mưu cho cấp
ủy về công tác vận động nông dân và trực tiếp quan hệ với chính quyền, với
các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để thực hiện các nhiệm vụ của Hội.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội Nông dân xã
Chủ tịch cơ sở Hội là người đứng đầu Ban Chấp hành, có những nhiệm vụ
chủ yếu sau đây:
- Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của
cấp uỷ, chính quyền cơ sở; nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch công tác của Hội cấp trên;
nắm vững tình hình sản xuất và đời sống, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông
dân. Trên cơ sở đó chủ động đề xuất với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đề ra chủ
trương, kế hoạch công tác sát hợp, đúng đắn.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chi hội thực hiện các nghị quyết của Ban
Chấp hành, Ban Thường vụ.
- Phản ánh, tham mưu với cấp uỷ đảng về tình hình tổ chức, hoạt động của
Hội; tâm tư, nguyện vọng của nông dân; những kiến nghị, đề xuất của Ban Thường
vụ, Ban Chấp hành với Đảng, Chính phủ về công tác vận động nông dân. Tiếp thu
ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ, ý kiến tham gia của chính quyền để tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với các ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong việc chăm lo bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong
nông dân.
- Duy trì nền nếp sinh hoạt Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Chủ trì việc
chuẩn bị nội dung các cuộc họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Thường xuyên
đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp.
- Chủ động đề xuất ý kiến để Ban Chấp hành phân công trách nhiệm các uỷ
viên Ban Thường vụ, uỷ viên Ban Chấp hành, đúng người, đúng việc. Tổ chức điều
hành các hoạt động của các bộ phận, các uỷ viên Ban Thường vụ, uỷ viên Ban
Chấp hành để tạo sự phối hợp chặt chẽ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, phát
huy tinh thần trách nhiệm và khả năng của mỗi người thực hiện chức trách được
giao; xây dựng Ban Chấp hành thành một tập thể đoàn kết, nhất trí, vững mạnh.
- Thường trực giải quyết công việc hằng ngày của Hội.
II. NGHIỆP VỤ, KỸ NĂNG CÔNG TÁC CỦA CHỦ TỊCH HỘI
NÔNG DÂN XÃ
1. Kỹ năng xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh
1.1. Củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy
- Tập trung đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức cán bộ Hội cấp xã tinh gọn, phù
hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Không ngừng nâng cao trí tuệ và phẩm chất; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tập
hợp quần chúng, năng lực vượt qua thách thức, khó khăn; biết tranh thủ các điều
kiện, thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và phong trào nông
dân.
- Cán bộ Hội cần phải năng động, nhạy bén, có sức đề kháng cao trước
những tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường.
- Tổ chức Hội phải thực hành dân chủ, đoàn kết rộng rãi trong cán bộ, hội
viên, nông dân.
- Kiện toàn bộ máy giúp việc Ban Chấp hành hợp lý và thống nhất đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
1.2. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Hội
- Chủ tịch cơ sở Hội thường xuyên quan tâm công tác xây dựng, củng cố tổ
chức cơ sở Hội vững mạnh. Thông qua hoạt động các chương trình, dự án hỗ trợ, tư
vấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các chương trình phối hợp để
nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mọi mặt.
- Chủ động triển khai thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ đến cán bộ, hội viên, nông dân. Tạo điều kiện để nông dân được học
nghề, được thụ hưởng những chính sách ưu tiên, ưu đãi của Đảng và Chính phủ.
- Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nông dân, lấy lợi ích làm động lực. Tập
trung làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tham gia thực hiện chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chú trọng việc phát triển hội viên
nông dân trong độ tuổi lao động, coi trọng phát triển hội viên là chủ hộ gia đình,
hội viên tham gia trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các ngành nghề khác.
- Đẩy mạnh công tác xây dựng quỹ Hội, nhất là các chi Hội, tổ Hội để tạo
nguồn lực kinh tế, tài chính hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xoá đói giảm
nghèo và phục vụ cho các hoạt động thiết thực của Hội.
1.3. Chỉ đạo phong trào
* Chỉ đạo phong trào chung
- Là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân
cơ sở đối với toàn bộ công tác Hội được cấp uỷ Đảng và Hội cấp trên giao cho.
Trong đó, Chủ tịch cơ sở Hội giữ vai trò là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các
phong trào của Hội.
- Muốn lãnh đạo, chỉ đạo được phong trào chung, Ban Chấp hành, Ban
Thường vụ và Chủ tịch cơ sở Hội phải nắm vững chủ trương, đường lối, Nghị
quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới về kinh
tế, chính trị, xã hội. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nông dân, nông nghiệp,
nông thôn; nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, các Nghị quyết, Chỉ thị, chủ
trương công tác của Hội cấp trên. Đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng loại
hình hoạt động và hình thức vận động, tập hợp hội viên, nông dân với phương
châm: “Thiết thực, hiệu quả”, đảm bảo cho các phong trào nông dân (tập trung vào
3 phong trào do Hội phát động) phát triển vững chắc cả chiều rộng và chiều sâu.
- Xây dựng được kế hoạch công tác tháng, quý, 6 tháng, một năm, một
nhiệm kỳ. Dân chủ bàn bạc, đi đến nhất trí lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; biết chọn
việc trọng tâm để ưu tiên, biết lồng ghép các hoạt động phù hợp để đạt kết quả cao
nhất.
- Lãnh đạo, chỉ đạo phong trào chung, phải đảm bảo chấp hành nghiêm túc
quy chế làm việc, thường xuyên nắm bắt thông tin 2 chiều, xử lý thông tin nhanh,
chính xác, trung thực, giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc diễn ra trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ.
* Chỉ đạo điểm
Chỉ đạo điểm là việc làm đi trước, làm mẫu ở một hoặc một số điểm nhất
định để rút kinh nghiệm cho chỉ đạo chung.
Để chỉ đạo điểm có kết quả, cần phải:
- Họp Ban Thường vụ bàn bạc thống nhất về chương trình, kế hoạch chỉ
đạo điểm.
+ Chọn điểm chỉ đạo phải đại diện cho khu vực (thôn, ấp, bản, làng) xã và
điểm chỉ đạo không quá thuận lợi cũng không quá khó khăn để có điều kiện thực
hiện nội dung chỉ đạo, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
+ Khi tiến hành phải khảo sát nắm chắc tình hình hiện trạng về phong trào,
về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ…Trên cơ sở đó lập
chương trình, kế hoạch chỉ đạo.
+ Phân công cán bộ chỉ đạo: Phải có năng lực chỉ đạo, tinh thần trách nhiệm,
quan điểm quần chúng và có kinh nghiệm thực tế phong trào.
- Chủ tịch cơ sở Hội phải thường xuyên quan tâm đến điểm chỉ đạo, không
được “khoán trắng” cho cán bộ chỉ đạo.
- Sau mỗi đợt chỉ đạo cần có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, bổ khuyết kịp
thời để nhân ra diện rộng.
1.4. Kỹ năng đi cơ sở (các chi hội, tổ hội)
- Nội dung cần làm khi xuống các chi hội, tổ hội:
+ Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào
nông dân mà Ban Chấp hành cơ sở Hội đã chỉ đạo.
+ Bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chi hội, tổ hội, giúp họ quán triệt được
nhiệm vụ của Hội trong từng thời gian; biết lập chương trình, kế hoạch công tác;
biết cách triển khai công việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi chức năng
của Hội; biết tranh thủ sự lãnh đạo của Chi uỷ, tổ Đảng; biết cách kết hợp với các
ngành, đoàn thể; biết nắm bắt nhiệm vụ trọng tâm (của cấp uỷ Đảng và của Hội) để
tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
+ Giúp cán bộ chi hội, tổ hội biết cách tập hợp tình hình phong trào, thông
qua đó mà nắm chắc mặt mạnh, mặt yếu của phong trào để có biện pháp chỉ đạo
tiếp. Mặt khác phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên Ban Chấp
hành Hội Nông dân cơ sở về diễn biến của phong trào, về tâm tư, nguyện vọng, khó
khăn, bức xúc của hội viên, nông dân và đề xuất, kiến nghị với cấp trên giải quyết.
+ Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước và Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình công tác Hội tới hội viên, nông dân.
+ Giúp chi hội, tổ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm nguồn và tạo
nguồn kinh phí để hoạt động.
+ Giúp chi hội, tổ hội biết sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề nghị cấp
trên động viên, khen thưởng kịp thời.
- Kỹ năng đi cơ sở (đến các chi hội, tổ hội):
+ Phải lập kế hoạch toàn bộ đợt đi công tác đến các chi hội, tổ hội.
+ Thông báo nội dung làm việc và thời gian xuống làm việc.
+ Nghe cán bộ chi hội, tổ hội báo cáo tình hình, có ý kiến chỉ đạo và biểu
dương kết quả đã đạt được.
+ Cần dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp
với hội viên, nông dân.
+ Để làm việc đạt kết quả tốt, Chủ tịch cơ sở Hội phải nắm chắc đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị
của cấp ủy Đảng, nhiệm vụ công tác Hội để cụ thể hóa nhiệm vụ cho các chi hội, tổ
hội; nắm được trình độ, năng lực, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng… của từng cán
bộ để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ công tác và động viên, khen
thưởng kịp thời.
+ Khi xuống làm việc với chi hội, tổ hội, cán bộ cơ sở Hội cần gặp gỡ chi uỷ
sở tại để trao đổi nội dung công tác và tranh thủ ý kiến tham gia chỉ đạo, có thể mời
chi uỷ cùng nghe cán bộ chi hội, tổ hội báo cáo.
2. Kỹ năng công tác quản lý, điều hành các nguồn vốn,
quỹ của Hội ở xã
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội, Ban Chấp hành cơ sở Hội phải quan
tâm công tác xây dựng tài chính Hội, coi đây là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh
các hoạt động của Hội, xây dựng Hội ngày càng phát triển.
Tài chính Hội bao gồm: Ngân sách Nhà nước cấp, hội phí, quỹ Hội, nguồn thu
từ tổ chức sản xuất, dịch vụ; nguồn thu do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
ủng hộ và các nguồn thu khác.
- Hội phí do hội viên đóng hằng tháng là 500đ/người/tháng. Hội phí được
trích nộp như sau: Để lại 85%, nộp lên huyện Hội 10%, nộp lên tỉnh, thành Hội 4%,
nộp lên Trung ương Hội 1%. Trong số 85% được trích để lại, Ban Chấp hành cơ sở
Hội có thể để lại một phần cho các chi hội.
- Quỹ hội:
+ Ngoài hội phí, các tổ hội, chi hội, Ban Chấp hành cơ sở Hội phải xây dựng
quỹ để có thêm kinh phí hoạt động.
+ Nguồn tiền xây dựng Qũy là do hội viên đóng góp; tổ chức hội viên lao
động, sản xuất, làm dịch vụ; vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, các tổ chức
kinh tế trên địa bàn ủng hộ
Tài chính của Hội được sử dụng như sau:
- Mua sổ sách, giấy bút, mua báo, chi tiền chè, nước uống trong các cuộc
sinh hoạt, khen thưởng cán bộ, Hội viên có thành tích xuất sắc.
- Mua quà thăm hỏi hội viên ốm đau, phúng viếng hội viên hoặc bố, mẹ, vợ
hoặc chồng hội viên qua đời.
- Trường hợp số dư của quỹ lớn có thể cho hội viên vay lãi xuất thấp hoặc
không lấy lãi để giúp hội viên đầu tư sản xuất hoặc xây dựng nhà cửa, mua sắm
trang thiết bị sinh hoạt gia đình.
- Việc thu, chi tài chính phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước, của Ban
Chấp hành Trung ương Hội và theo nguyên tắc tập thể, công khai, có sổ sách theo
dõi đầy đủ, rõ ràng. 6 tháng đầu năm và cuối năm phải làm báo cáo công khai tài
chính với chi hội hoặc Ban Chấp hành cơ sở Hội.
3. Kỹ năng phối hợp công tác với chính quyền và các tổ
chức chính trị - xã hội khác ở xã
3.1. Kỹ năng tham mưu cho cấp ủy Đảng
* Vai trò của tham mưu
- Tham mưu giúp cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm vận
động quần chúng của Đảng sát với thực tế cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên
hoạt động của phong trào nông dân, phấn đấu cho mục tiêu: “Dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
- Giúp cấp ủy Đảng đưa ra chủ trương, kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội ở địa phương phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước, phù
hợp với thực tiễn đang đặt ra và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nông
dân.
- Tham mưu để có các hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, điều chỉnh
phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cán bộ, hội viên, góp phần thực
hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.
* Nội dung tham mưu
- Tham mưu cho cấp ủy Đảng và Hội cấp trên thực hiện tốt quan điểm, chủ
trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác Hội và Nghị quyết chuyên đề về
công tác Hội.
- Có chương trình, kế hoạch chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện,
phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và để Hội
thực sự giữ vai trò là trung tâm và nòng cốt trong các phong trào hành động cách
mạng của nông dân xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nông nghiệp, nông thôn ở xã.
- Phân công nhiệm vụ cho đảng viên tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội
Nông dân (thực hiện Chỉ thị số 59 CT/TW của Bộ Chính trị: “Đảng viên ở nông
thôn có trách nhiệm tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Nông dân…”).
- Tham mưu cho cấp uỷ Đảng chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
cán bộ cơ sở Hội có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực làm việc (cả với cán bộ
đương nhiệm và cán bộ kế cận, cán bộ nguồn trong quy hoạch).
* Cách thức tham mưu
- Ban Thường vụ Hội Nông dân cơ sở có kế hoạch làm việc định kỳ với cấp
ủy Đảng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Cần chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo về tình
hình và kết quả công tác xây dựng Hội, phong trào nông dân, những mặt đã làm
được, mặt chưa làm được, nguyên nhân, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần giải
quyết trong thời gian tới và xin ý kiến chỉ đạo.
- Trân trọng lắng nghe ý kiến đánh giá của cấp ủy Đảng về công tác Hội và
phong trào nông dân; thường xuyên liên hệ, tranh thủ ý kiến của đội ngũ cấp ủy
phụ trách đoàn thể và các ngành liên quan để nhận sự giúp đỡ, tạo được sự đồng
tình, ủng hộ cao.
- Khi làm việc với cấp uỷ Đảng, cán bộ Hội phải chủ động, kiên trì thuyết phục.
3.2. Kỹ năng phối hợp với chính quyền và các ngành, đoàn thể
* Vai trò của phối hợp
- Hội Nông dân là một tổ chức chính trị - xã hội, là một thành viên trong hệ
thống chính trị (bao gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần
chúng), Hội có 3 chức năng và 5 nhiệm vụ đã được quy định cụ thể trong Điều lệ
Hội Nông dân Việt Nam. Muốn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ ấy, nhất
thiết Hội phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành, đoàn thể;
không có sự phối hợp thì không thể thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của
Hội.
- Mọi hoạt động của Hội và phong trào nông dân đều diễn ra ở cơ sở. Hội
Nông dân có vai trò trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân và công
cuộc xây dựng nông thôn mới, do đó cán bộ cơ sở Hội phải chủ động và tích cực
trong sự phối hợp.
* Nội dung cần phối hợp
- Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt cơ sở Hội cần căn cứ
vào chức năng, nhiệm vụ của Hội, các Nghị quyết, Chỉ thị hướng dẫn của Hội cấp
trên; căn cứ vào chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ của cấp uỷ Đảng, chính
quyền đề ra trong từng thời gian và căn cứ vào chức năng của từng ngành, đoàn thể
mà định ra nội dung phối hợp.
- Cùng với chính quyền cơ sở thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, Nghị
quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác Hội và phong trào nông dân để phát huy vai trò
của tổ chức Hội.
- Cán bộ cơ sở Hội cần nắm chắc nội dung mục (3) của Chỉ thị số 59 CT/TW
ngày 15/12/2000 của Bộ chính trị và nội dung Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ quy định “về trách nhiệm của các bộ, các cấp chính quyền
trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả” (gồm 8
điều) để cụ thể hóa nội dung phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở
địa phương.
* Những vấn đề cần lưu ý để phối hợp có hiệu quả:
- Cán bộ cơ sở Hội cần nghiên cứu, hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của từng
ngành, đoàn thể, trên cơ sở đó đề xuất với tổ chức Hội chương trình phối hợp với
ngành, đoàn thể đó.
- Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành
cơ cấu ở các ngành, đoàn thể.
- Khi phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể, cán bộ Hội cần chủ
động tích cực trao đổi để có sự thống nhất trong việc phối hợp công tác.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Câu 1: Anh, chị hãy cho biết muốn chỉ đạo phong trào nông dân ở xã, Chủ
tịch cơ sở Hội cần có phải thực hiện những công việc gì?
Câu 2: Khi đến làm việc với các chi hội, tổ hội, Chủ tịch cơ sở Hội cần rèn
luyện những kỹ năng gì?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Văn Kiện Đại Hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V.
- Nghị quyết Số 05-NQ/HNDTW, ngày 29/7/2011. Hội nghị lần thứ bảy Ban
Chấp hành Trung ương Hội (khóa V) về tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020.
- Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.
- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ
Quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2010 - 2020.
- Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây
dựng nông thôn mới”
- Báo cáo Chuyên đề xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao vai trò của nông
dân trong xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm của Ban chỉ đạo chương trình thí
điểm xây dựng nông thôn mớí do đồng chí Lê Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Ban chấp
hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì.
- Giáo trình Bồi dưỡng nghiệp vụ Công tác Hội Nông dân (chương trình 1
tháng).
- Giáo trình Bồi dưỡng nghiệp vụ Công tác Hội Nông dân (chương trình 3
tháng, tập 1 + tập 2).
- Giáo trình Chương trình Trung cấp Công tác xã hội, Chuyên ngành Công
tác Hội Nông dân.
- Sổ tay Cán bộ cơ sở Hội Nông dân.
- Sổ tay Công tác Kiểm tra và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam.