ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN VĂN VỊNH
NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI CỦA LUẬN ÁN:
THẾ GIỚI QUAN
TRONG TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI
Chuyên ngành: CNDVBC VÀ CNDVLS
Mã số: 50102
Hà Nội - 2002
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
MỞ ĐẦU
1
CHƯƠNG 1: VŨ TRỤ QUAN
7
1.1 Sơ lược về lịch sử, văn hóa triết học và bối cảnh kinh tế - xã hội
Trung Quốc cổ đại
7
1.1.1 Đặc điểm lịch sử, văn hóa và triết học Trung Quốc cổ đại
7
1.1.2 Bối cảnh kinh tế - xã hội ở Trung Quốc thời Xuân thu - Chiến
quốc
10
1.1.3 Sự thay đổi về quyền sở hữu ruộng đất
13
1.1.4 Sự thay đổi quan hệ giai cấp
15
1.2 Khái luận chung về thế giới quan triết học và thế giới quan triết
học Trung Quốc cổ đại
18
1.3 Vũ trụ quan trong triết học Trung Quốc cổ đại
22
1.3.1 Thời kỳ manh nha
22
1.3.2 Khí và Đạo – Hai khái niệm quan trọng trong vũ trụ quan Trung
Quốc cổ đại
26
1.3.3 Quan niệm về nguồn gốc, các quy luật vận động của vũ trụ qua học
thuyết Âm dương và tác phẩm Kinh Dịch
29
1.3.4 Học thuyết Ngũ hành
41
1.3.5 Sự hợp nhất và ứng dụng của học thuyết Âm dương - Ngũ hành
43
1.4 Vấn đề thời gian và không gian
49
1.4.1 Thời gian và lịch số
51
1.4.2 Thiên văn học và Không gian
54
CHƯƠNG 2: XÃ HỘI QUAN
64
2.1 Quan niệm về quốc gia và sự phân tầng xã hội
64
2.1.1 Quan niệm về quốc gia
64
2.1.2 Quan niệm về sự phân tầng trong xã hội
66
2.2 Các đường lối trị quốc và tư tưởng chính trị
72
2.2.1 Tư tưởng chính trị trong Kinh Dịch và thiên Cửu trù Hồng Phạm
72
2.2.2 Tư tưởng đức trị của Nho gia
76
2.2.3 Tư tưởng chính trị vô vi của Đạo gia
92
2.2.4 Tư tưởng pháp trị của Pháp gia
97
2.2.5 Tư tưởng “kiêm ái” và “hỗ lợi” của Mặc gia
109
2.3 Những tư tưởng kinh tế
113
2.3.1 Tư tưởng kinh tế của Mặc gia
113
2.3.2 Tư tưởng kinh tế của Nho gia
117
2.3.3 Đường lối kinh tế của Pháp gia
121
2.4 Tính biện chứng trong tư tưởng kinh tế chính trị của Binh gia
124
2.4.1 Mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị
126
2.4.2 Mối quan hệ giữa chiến tranh và kinh tế
130
CHƯƠNG 3: NHÂN SINH QUAN
136
3.1 Con người là vũ trụ thu nhỏ
136
3.1.1 Nguồn gốc của con người và vấn đề thống nhất Thiên - Địa – Nhân
136
3.1.2 Vấn đề thiên mệnh
143
3.1.3 Vấn đề dự báo về số phận của con người
149
3.2 Vấn đề cá nhân và xã hội
153
3.2.1 Tính và dục
153
3.2.2 Quan niệm về tu dưỡng bản thân
160
3.2.3 Các triết lý về nhân sinh
164
Kết luận chung
175
Mục lục sách tham khảo
179
Các công trình liên quan đến đề tài đã công bố
188
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Tính cấp thiết về mặt lý luận
Hiện nay xu hướng nghiên cứu về văn hoá phương Đông nói chung và triết
học phương Đông nói riêng đã chiếm một vị trí quan trọng trong giới học thuật
của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta trong lĩnh vực khoa học lý luận triết
học cũng vậy. Ở một số các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, triết học
phương Đông trở thành một ngành nghiên cứu, một môn học bắt buộc và được
dành cho một thời lượng khá lớn. Trong khuôn khổ của đề tài này chúng tôi
không đề cập đến toàn bộ phần triết học phương Đông nói chung mà chỉ đề cập
đến vấn đề thế giới quan của nền triết học của Trung Quốc thời cổ đại (từ 221
Trcn về trước).
Mặt khác theo chỗ chúng được biết cho đến nay chưa có nhiều những công
trình chuyên biệt nghiên cứu riêng về thế giới quan của triết học Trung Quốc cổ
đại. Hơn nữa việc đánh giá chung về vai trò của triết học Trung Quốc còn tồn tại
nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Ngay tại Trung Quốc, cái nôi
sinh ra nền triết học này, qua các thời đại khác nhau, triết học cũng trải qua nhiều
thăng trầm với nhiều sự đánh giá khác nhau; khi thì đề cao đến sùng bái, khi thì
phê phán gạt bỏ hết mức. Vả chăng, triết học Trung Quốc nói chung và thế giới
quan triết học nói riêng, có những đặc điểm rất khác với các nền triết học khác
trên thế giới. Điều đó đòi hỏi cần có sự nghiên cứu tiếp tục sâu hơn nữa.
1.2. Tính cần thiết về mặt thực tiễn
Các nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử xếp Trung Quốc, Việt Nam, Nhật
Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Singapo là các quốc gia "đồng văn" - đây là một
khái niệm lớn, hàm chứa nhiều nghĩa sâu rộng. Trong lĩnh vực tư tưởng, triết học
của Trung Quốc chứa đựng những triết lý sâu xa về vũ trụ, nhân sinh, có ảnh
hưởng xuyên suốt hành trình lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc và các quốc
gia đồng văn trong đó có Việt Nam. Nó để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời
sống tinh thần cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội. Đặc
2
biệt trong thời kỳ hiện nay, với chủ trương mở cửa hội nhập với thế giới và với
các nước trong khu vực của Đảng và Nhà nước ta, thì yếu tố "đồng văn" trở
thành một chiếc cầu nối quan trọng giúp chúng ta hội nhập dễ dàng với các quốc
gia trong khu vực, trong đó trước hết với các "con rồng châu Á ". Vì vậy chúng
tôi cho rằng cần phải nghiên cứu triết học Trung Quốc nói chung và thế giới
quan triết học nói riêng một cách có hệ thống. Do vị trí, tầm quan trọng mang
tính kiến tạo hệ thống, việc nghiên cứu cũng phải bắt đầu (và đặc biệt) từ thời cổ
đại là hết sức cần thiết đối với chúng ta.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trước hết chúng ta thử lựợc lại một số quan điểm của giới nghiên cứu
Trung Quốc về triết học Trung Quốc:
Giáo sư triết học Phùng Hữu Lan: Ông đánh giá cao Nho học, coi Nho
học là bao trùm toàn bộ hệ thống học thuật Trung Quốc, các thế hệ sau
Khổng Tử đã đưa nho học phát triển đến độ cao của triết học trong việc
nhận thức con người, nhận thức vũ trụ. Nho học kết hợp với vũ trụ quan
biện chứng của Lão học, Phật học đã giúp con người có nhận thức mới
hơn về các qui luật tự nhiên trong thế giới khách quan. (50. 264, 265)
Nhà sử học, triết học Thang Nhất Giới cho rằng: Mệnh đề cơ bản của
triết học truyền thống Trung Quốc là "thiên nhân hợp nhất", "tri hành
hợp nhất", "tình cảnh hợp nhất", trong đó con người được coi là trung
tâm của vũ trụ, vạn vật xung quanh con người có ý thức đều tuỳ thuộc
vào con ngườì mà có nội hàm khác nhau, theo ông, tư tưởng ấy của triết
học Trung Quốc có ảnh hưởng sâu sắc đến tố chất tâm lý của dân tộc
Trung Hoa. (50. 264, 265)
Chúng ta hãy thử tham khảo tiếp một số nhận định của các học giả phương
Tây:
Nhà Trung Quốc học người Pháp Gian Rold: “Trí óc của người Trung
Quốc quen với những quanh co bất ngờ, sự tồn tại của anh ta đầy rẫy
những mâu thuẫn gắn liền với cái đó là một mối nguy sâu sắc hơn, một
3
căn bệnh trầm trọng hơn, đó là sự thiếu tuyệt đối cái khả năng phán
đoán một cách lô-gíc của người Trung Quốc” (48. 7,8)
Hê-ghen trong một nhận xét về tác phẩm triết học Trung Quốc cổ đại
khi ông đọc qua bản dịch đã nói: “để mua vui tôi xin trình bày chi tiết
cái cơ sở đó, tôi xin nói về ý nghĩa của những “quẻ” ấy để thấy rằng
người Trung Quốc họ hời hợt biết chừng nào” hay bằng một câu hỏi có
tính chất tu từ ông đã kết thúc nhận xét một tác phẩm của Đạo giáo:
“chúng ta sẽ tìm kiếm được cái gì bổ ích trong tất cả những cái đó”. Về
Khổng Tử ông nói một cách ngắn gọn: “để giữ niềm vẻ vang cho ông ấy
thì tốt nhất là đừng dịch những lời nói của ông ấy ra làm gì nữa”. Đối
với bộ Kinh Thư ông viết “như vậy một sự trừu tượng phổ biến chuyển
hóa vào một cái cụ thể trong đầu óc người Trung Quốc, mặc dù sự
chuyển hóa này được thực hiện theo một trật tự từ bên ngoài và không
chứa đựng một cái gì được suy nghĩ cả, đó là cái cơ sở của tất cả “sự
thông thái và khoa học Trung Hoa” (48. 7,8)
Đối với các nhà nghiên cứu triết học và tư tưởng Trung Quốc tại Việt
Nam cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn lại và đi đến các kết luận một
cách khoa học và khách quan. Ngoài một số các sách dịch còn hàng loạt
các bài viết, sách khảo luận, bình luận của các học giả trong nước về đề
tài này, chúng tôi chỉ xin chỉ ra thí dụ đơn giản trong các sách đang sử
dụng vào việc giảng dạy và đào tạo trong các trường đại học và đào tạo
cán bộ.
Giáo trình Triết học Mác-Lênin – Nxb Giáo dục 1996, cho rằng ở Trung
Quốc có nhiều học thuyết chính trị – xã hôi, triết học, tôn giáo “ra đời
và không ngừng đấu tranh với nhau trong suốt lịch sử của xã hội Trung
Hoa cổ đại”. Thừa nhận có một cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm
và chủ nghĩa duy vật, coi đây là nét nổi bật của lịch sử triết học Trung
Quốc.
4
Những nhận định về các tác giả Trung Quốc thời cổ đại (Khổng Tử,
Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Hàn Phi) trong các
trước tác của chúng ta cũng còn nhiều điểm bất đồng ở các giai đoạn
lịch sử khác nhau.
Còn hàng loạt những vấn đề lý luận đặt ra khi nghiên cứu triết học
Trung Quốc như: có hay không cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy tâm
và chủ nghĩa duy vật (?); sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội
Trung Quốc có theo con đường điển hình (nguyên thủy, nô lệ, phong
kiến, tư bản) không (?)
Trên đây là những vấn đề về mặt lý luận chúng ta gặp phải khi nghiên
cứu triết học Trung Quốc nói chung và triết học cổ đại Trung Quốc nói
riêng.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
3.l. Mục đích của luận án
Trên cơ sở các tài liệu, sách vở và công trình đã có, chúng tôi cố gắng nêu
rõ những nội dung, những đặc điểm căn bản của thế giới quan triết học Trung
Quốc cổ đại.
Với thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng mác-xít, chỉ ra
cách giải quyết các vấn đề cơ bản của triết học và thế giới quan triết học Trung
Quốc cổ đại.
3.2. Nhiệm vụ của luận án
Trình bày thế giới quan của triết học Trung Quốc cổ đại theo trình tự:
vũ trụ quan, xã hội quan và nhân sinh quan.
Xét các học thuyết tiêu biểu làm nên đặc trưng của thế giới quan triết
học Trung Quốc cổ đại.
So sánh và nêu rõ sự khác nhau về đặc trưng của thế giới quan triết học
Trung Quốc cổ đại với thế giới quan của các nền triết học cổ đại khác.
5
4. Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu
Sử dụng phương pháp biện chứng duy vật làm phương pháp luận chung
để phân tích nghiên cứu.
Sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: lô-gíc kết hợp với lịch sử,
phân tích với tổng hợp, qui nạp với diễn dịch, so sánh, đối chiếu và
phương pháp liên nghành.
5. Cái mới của luận án
Từ trước đến nay giới nghiên cứu triết học sử thường nghiên cứu và xếp
loại triết học Trung Quốc hoặc là theo lưu phái hoặc theo tác giả và thời gian lịch
đại. Ở đây chúng tôi chọn cách nghiên cứu phân loại vấn đề theo từng lĩnh vực
trên cơ sở hệ thống cấu trúc, coi triết học Trung Quốc thời cổ đại như một
chỉnh thể để tiếp cận, và chọn ra những vấn đề mà chúng tôi cho là tiêu biểu cho
quan niệm của người Trung Quốc cổ đại về thế giới quan triết học.
Các khái niệm các phạm trù thể hiện thế giới quan của triết học Trung Hoa
cổ đại, được làm nổi bật để thể hiện tính duy vật và biện chứng về vũ trụ (vũ trụ
quan – quá trình phát sinh phát triển, và các qui luật vận động của thế giới tự
nhiên); từ vũ trụ quan này áp dụng vào lĩnh vực xã hội (xã hội quan) và vào đời
sống tinh thần cũng như thân phận của con người (nhân sinh quan).
Từ trước tới nay trong các giáo trình lịch sử triết học chúng tôi chưa thấy
tư tưởng của Binh gia được đưa ra nhìn nhận dưới góc độ triết học, qua luận án
này chúng tôi mạnh giạn giới thiệu tư tưởng biện chứng của binh gia trong kinh
tế và chính trị của lịch sử triết học cổ đại Trung Quốc. Chính các binh gia đã góp
phần tạo nên, thay đổi cục diện xã hội Trung Quốc cổ đại.
6. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của luận án
6.l Ý nghĩa lý luận
Qua luận án chúng tôi muốn ít nhiều đóng góp thêm một cách nhìn, một
cách đánh giá mà chúng tôi cho là khách quan và khoa học bên cạnh các ý kiến,
6
quan điểm đã rất phong phú từ trước đến nay của giới nghiên cứu trong và ngoài
nước. Luận án có thể được coi như một chuyên luận độc lập.
6.2 Ý nghĩa thực tiễn
Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các ngành khoa
học xã hội nhân văn nói chung và sinh viên triết học chuyên về phương Đông và
Trung Quốc nói riêng. Ngoài ra còn là tư liệu tham khảo cho những người quan
tâm đến triết học phương Đông nói chung và triết học Trung Quốc cổ đại nói
riêng.
7. Kết cấu của luận án
Chúng tôi chia luận án thành 3 chương thứ tự như sau:
Chương 1: Vũ trụ quan
Chương 2: Xã hội quan
Chương 3: Nhân sinh quan
7
Chương 1
VŨ TRỤ QUAN
1.1 Sơ lược về lịch sử, văn hóa,triết học và bối cảnh kinh- tế xã hội Trung
Quốc cổ đại
1.1.1 Đặc điểm lịch sử, văn hóa và thế giới quan triết học của Trung Quốc
cổ đại
Là một nền văn minh xuất hiện từ rất sớm bên lưu vực của sông Hoàng Hà
rồi muộn hơn bên lưu vực sông Dương Tử với nền nông nghiệp canh tác khô là
chính, Trung Quốc đến nay có ngót 5000 năm lịch sử thành văn. Trung Quốc có
vị trí địa lý khá đặc biệt: phía đông là Thái Bình dương, phía tây là dãy Himalaya
hùng vĩ, phía bắc giáp miền cực bắc lạnh lẽo, phía nam là miền khí hậu nóng ẩm.
Những điều kiện tự nhiên như vậy tạo ra một chu trình vận hành thời tiết tuần tự
điển hình trong một năm với đủ bốn mùa chi phối trực tiếp đến tập quán của đời
sống và sản xuất nông nghiệp. Từ nghìn đời, mùa xuân gieo hạt, mùa hạ chăm
sóc, làm cỏ, mùa thu thu hoạch, mùa đông thì tàng chứa. Đời sống canh nông
thuần túy đơn tuyến kéo dài hàng ngàn năm ấy đã gắn chặt con người với trời
đất, tất cả mọi người một cách không tự giác đã gắn chặt vào vòng tuần hoàn ấy
tạo ra một nét điển hình văn hóa được gọi là "thiên nhân hợp nhất" hoặc "thiên
nhân tương tham ". Con người trở thành một thành viên cộng sinh với trời đất,
có một tương liên khăng khít giữa con người với tự nhiên, tạo ra khả năng hòa
mục với thiên nhiên. Vì vậy người ta coi trọng nghề nông, coi nhẹ buôn bán, coi
trọng và sùng bái tự nhiên dẫn đến những nghi thức rườm rà trong việc cúng tế
trời đất, sông núi. Mặt khác cũng chính từ đời sống như vậy mà người Trung
Quốc đã có những kinh nghiệm nông nghiệp, kinh nghiệm về thời tiết và lịch số
một cách phong phú. Từ đó rút ra những qui luật về sự vận hành của mặt trăng,
mặt trời, trái đất và các tinh tú trong vũ trụ.
8
Cũng chính sự gắn bó với nông nghiệp và đất đai như vậy tạo ra sự ổn định
của các quan hệ huyết thống - đây là quan hệ nguyên sơ nhất của nhân loại nói
chung - tổ chức tông tộc là tổ chức đầu tiên của xã hội loài người. Theo quan
điểm tiến hóa lịch sử của phương Tây thì khi xuất hiện bộ máy quốc gia, các tổ
chức hành chính, khu vực sẽ thay thế cho màng lưới tông tộc, huyết thống. Song
xã hội Trung Quốc do một "bí ẩn" nào đó ngay từ đầu đã đi theo con đường tông
tộc và sau này vẫn tồn tại song song với các thể chế nhà nước. Theo Trung Quốc
sử học, xã hội ba thời đại Hạ, Thương, Chu hoàn toàn lấy gia đình làm hạt nhân
với hình thức gia trưởng phụ hệ. Nhiều gia đình hợp lại thành bộ lạc tông tộc,
nhiều bộ lạc tông tộc ấy hình thành quốc gia. Gia đình có cha, con, tông tộc có
chi họ, quốc gia có quân thần. Các quan hệ này cũng dựa vào nguyên tắc đạo đức
"trung hiếu" gắn chặt với nhau, đồng thời tạo ra sự bền vững cho các quan hệ của
xã hội Trung Quốc và trở thành một đặc điểm quan trọng của văn hóa Trung
Quốc. Những quan niệm đó dẫn đến niềm tin rằng: tự nhiên có trời đất, vạn vật
có âm dương, nhân gian có nam nữ, trong đó trời cao, đất thấp, dương cứng, âm
mềm, nam sang, nữ hèn. Tự nhiên, xã hội và con người vốn khác biệt lại được
công nhiên thừa nhận và điều chỉnh trong những quan hệ giống nhau. Lão Tử
nói: "Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo". Đây cũng là
một trong những lý do chúng tôi trình bày luận án này theo trình tự: vũ trụ quan -
xã hội quan - nhân sinh quan.
Ở lĩnh vực triết học, Trung Quốc là một nền triết học lớn ở Phương Đông
và có nhiều sự khác biệt với triết học phương Tây, từ những vấn đề cơ bản của
triết học đến phương pháp, nội dung và mục đích. Chúng tôi chia sẻ cách tổng
kết các đặc điểm của triết học Trung Quốc qua giáo trình “lịch sử triết học” do
PGS Bùi Thanh Quất chủ biên-NXB giáo dục, Hà Nội 2001:
- Thứ nhất triết học không có nhiệm vụ gia tăng kiến thức hữu ích mà chủ
yếu để củng cố đời sống tinh thần làm cho con người tìm ra sự hài hòa trong trật
tự xã hội truyền thống cũng như trong quan hệ với thế giới khách quan tạo ra sự
thống nhất giữa tự nhiên xã hội và con người, con người là một bộ phận của một
thế giới nhất thể.
9
- Thứ hai triết học Trung Quốc rất giàu tính nhân văn, con người có một vị
trí đặc biệt, được xếp ngang hàng với trời đất thành một bộ tam tài (Thiên - Địa -
Nhân). Vì vậy trong triết học của “Bách gia chư tử” các vấn đề về nhân sinh,
chính trị, lịch sử được quan tâm nhiều hơn, những vấn đề triết học và khoa học
tự nhiên có phần mờ nhạt.
- Thứ ba triết học Trung Quốc coi đạo đức là vị trí thứ nhất của sinh hoạt
xã hội. Hầu như tất cả các lưu phái của triết học Trung Quốc cổ đại luôn tìm
kiếm những nguyên tắc, những chuẩn mực đạo đức cho con người trong những
hoàn cảnh và địa vị xã hội nhất định. Coi việc thực hành đạo đức như là hoạt
động thực tiễn căn bản nhất của đời sống con người.
- Thứ tư đa phần triết học Trung Quốc coi trọng tư duy trực giác, trực quan,
vì vậy thường thiếu luận chứng và phân tích cho nên các phạm trù và khái niệm
nhiều khi rời rạc, thiếu lôgíc, do đó thiếu phương pháp cần thiết để xây dựng một
hệ thống lý luận khoa học.
Những quan niệm trên sẽ được chúng tôi triển khai dần ở những mục có
liên quan.
Triết học Trung Quốc cổ đại chỉ thực sự phát sáng vào thời Xuân thu -
Chiến quốc, khi mà xuyên suốt tinh thần thời đại là sự băng hoại của lễ, nhạc, sự
đảo lộn trật tự các giá trị đã được xác lập mà nguyên nhân của nó là do sự thay
đổi của công cụ sản xuất, từ thời đại đồ đồng, xã hội cổ đại Trung Quốc bước
vào thời đại đồ sắt. Kinh tế xã hội phát triển làm cho nhiều quốc gia nhỏ mạnh
lên và tìm cách thôn tính lẫn nhau làm cho xã hội Trung Quốc cổ đại từ trật tự
đến vô trật tự, hay đúng hơn đó là những cơn khủng hoảng có tính chất kiến tạo
lại, khiến con người lâm vào cảnh thăng trầm khó định. Những biến động đó làm
cho các triết gia suy nghĩ tìm ra những con đường "cứu đời, cứu người" tạo cho
bộ mặt xã hội tri thức Trung Quốc cổ đại một bức tranh đa dạng người ta gọi là
thời đại của "Bách gia chư tử". Chỉ đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung
Quốc (221 TCN) thì lịch sử Trung Quốc bước sang một trang mới - quốc gia
10
phong kiến tập quyền. Trong luận án này khái niệm "triết học Trung Quốc cổ
đại" mà chúng tôi sử dụng cũng là chỉ thời đại từ 221 TCN trở về trước.
1.1.2 Bối cảnh kinh tế - xã hội ở Trung Quốc thời Xuân thu - Chiến quốc
Hiện tượng mới rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế thời Xuân thu là sự ra
đời của đồ sắt. Sắt bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc từ bao giờ, ngày nay chưa
xác định được. Chỉ đến thời Xuân thu thì mới có một số tài liệu để bảo đảm chắc
chắn rằng đồ sắt đã được sử dụng.
Giữa thời Xuân thu, trên một chiếc chuông của nước Tề, có một đoạn chữ
khắc trong đó có câu: "Người luyện sắt bốn nghìn".
Ở nước Tấn, năm 513 TCN, Nhà nước đã dùng sắt để đúc đỉnh, trên đó
khắc những điều luật của Phạm Tuyên Tử. Số sắt này do nhân dân nộp cho Nhà
nước dưới hình thức thuế khoá.
Hiện nay đã phát hiện được một số đồ sắt trong một ngôi mộ ở Hồ Nam mà
ngày xưa là đất nước Sở. Theo dự đoán định của các nhà khảo cổ học Trung
Quốc những đồ sắt này thuộc giai đoạn cuối thời Xuân Thu.
Những tài liệu nói trên chứng minh rằng thời Xuân Thu đồ sắt đã được sử
dụng tương đối phổ biến ở Trung Quốc.
Đến thời Chiến quốc, đồ sắt càng được dùng rộng rãi trong các ngành sản
xuất. Ngày nay, ở Trung Quốc đã phát hiện được nhiều loại công cụ bằng sắt
như lưỡi cày, lưỡi cuốc, xẻng, liềm, búa và một số khuôn đúc sắt.
Bên cạnh sự tiến bộ về công cụ sản xuất, trong lĩnh vực nông nghiệp ở
Trung Quốc thời Xuân Thu còn có một số hiện tượng mới khác là bắt đầu biết
dùng súc vật làm sức kéo. Thiên Tấn ngữ của sách Quốc ngữ chép rằng: "Những
súc vật làm vật hiến tế ở đền miếu có thể dùng trong công việc đồng áng".
Vấn đề thuỷ lợi đến thời kỳ này càng được coi trọng mà biều hiện rõ rệt là
nhiều công trình thuỷ lợi đã được xây dựng. ở nước Ngô thời Phù Sai (thế kỷ V
TCN) đã đào một hệ thống kênh nối Trường Giang với sông Hoài và nối sông
11
Hoài với một số con sông ở gần lưu vực Hoàng Hà. Đây là hệ thống kênh đào
đầu tiên ở Trung Quốc.
Đến thời Chiến quốc, các công trình thuỷ lợi lớn lại càng nhiều. Các công
trình thuỷ lợi ấy không những chỉ dùng để ngăn nước lụt, tưới và tiêu nước mà
còn có vai trò quan trọng trong việc giao thông vận tải từ Hoàng Hà đến Trường
Giang.
Những tiến bộ nói trên tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc khai phá
thêm đất hoang và thực hiện việc thâm canh tăng năng suất, do đó sản lượng
nông nghiệp tăng hơn trước. Theo sự tính toán của Lý Khôi, một chính khách ở
nước Nguỵ đầu thời Chiến quốc thì mỗi mẫu ruộng trung bình mỗi năm thu
hoạch được 1 thạch 5 đấu, năm được mùa có thể thu gấp 4 lần (tức 6 thạch).
Ngành thủ công nghiệp thời Xuân Thu cũng phát triển hơn trước. Trong các
nghề thủ công truyền thống, nghề đúc đồng thau có nhiều cải tiến rõ rệt. Sản
phẩm bằng đồng thau thời Xuân Thu nói chung có hình dáng thanh thoát, trang
trí đẹp mắt. Ngoài các thứ như chuông, đỉnh, đồ uống rượu, dao v.v thời kỳ
này còn có một số sản phẩm mới như kiếm ngắn, gươm đồng Nhờ có công cụ
bằng sắt,
1
nghề mộc cũng tiến bộ rất nhiều. Đáng chú ý hơn nữa là đến thời kỳ
này còn xuất hiện một số nghề mới như nghề luyện sắt, nghề sơn. Nghề làm
muối cũng rất được coi trọng. Vì vậy, có nước chư hầu đã đặt các chức quan để
chuyên quản lý về sắt, muối.
Đến thời Chiến quốc, ngành thủ công nghiệp lại càng có những bước tiến
mới. Trong số các nghề thủ công, nghề luyện sắt tuy ra đời tương đối muộn
nhưng kỹ thuật sản xuất tiến bộ rất nhanh. Lúc bấy giờ, không những người ta đã
biết rèn sắt mà đã biết kỹ thuật đúc, do đó đã luyện được cả gang và thép.
Cũng như trước kia, Nhà nước vẫn nắm một bộ phận quan trọng trong việc
sản xuất thủ công nghiệp. Tuỳ theo ngành nghề, Nhà nước tổ chức thành các
xưởng khác nhau như xưởng dệt, xưởng mộc, xưởng gốm, xưởng đồng, xưởng
sắt , trong đó sự phân công lao động khá tỉ mỉ. Đồng thời, nền thủ công nghiệp
1
Quốc ngữ - Tề ngữ
12
tư doanh cũng ngày càng phát triển. Một số nghề sản xuất đòi hỏi phải có nhiều
vốn như nghề luyện sắt, nghề làm muối thường do các nhà giàu kinh doanh.Họ
phải nộp thuế bằng 3/10 số thu nhập cho Nhà nước. Hiện tượng thủ công nghiệp
tách rời khỏi nông nghiệp cũng tăng lên. Chính bộ phận thủ công nghiệp này đã
cung cấp các loại đồ dùng hàng ngày cho quần chúng nhân dân.
Trên cơ sở phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, thời Xuân thu,
hoạt động thương nghiệp đã khá sôi nổi. Trong các nước chư hầu, Tề là nước có
nền thương nghiệp phát triển sớm nhất, vì nước Tề ở gần biển, nên từ xưa đã
thường đem hải sản trao đổi với vùng nội địa. Đến thế kỷ VII TCN, việc buôn
bán ở nước Tề càng thịnh. Quản Trọng nói: " Nay những người lái buôn ở
khắp các nơi, xem xét bốn mùa, chú ý các thổ sản của các địa phương mình để
biết giá chợ, đánh xe bò xe ngựa đi khắp bốn phương, đem cái có đổi lấy cái
không có, mua rẻ bán đắt "
Đến giữa thời Xuân thu, trung tâm của việc buôn bán giữa các nước chư
hầu là nước Trịnh, vì nước này là giao điểm của các đường giao thông ở Trung
Quốc lúc bấy giờ. Nhờ vậy, lái buôn nước Trịnh đã đặt chân đến nhiều nước
khác: Nam thì nước Sở, Bắc thì lên Tấn, Đông thì sang Tề. Qua tay lái buôn
nước Trịnh, thổ sản các nước được trao đổi với nhau.
Đến thời Chiến quốc, số lượng và chủng loại hàng hoá đem ra thị trường
buôn bán lại càng nhiều, trong đó bao gồm các loại nông sản, hải sản, sản phẩm
nghề chăn nuôi và các nghề thủ công. Trong xã hội đã xuất hiện một số lái buôn
lớn có số vốn lên đến hàng vạn lạng vàng, chuyên đầu cơ tích trữ và lũng đoạn
thị trường.
Việc lưu thông hàng hoá mở rộng làm cho tiền tệ ngày càng phát triển. Tiền
đồng ra đời vào cuối thời Xuân thu, đến thời Chiến quốc càng được dùng rộng
rãi trong nhiều lĩnh vực: trao đổi hàng hoá, nộp thuế, cho vay lấy lãi, trả tiền thuê
nhân công. Tuy vậy do tình trạng chia cắt đất nước, nên tiền tệ chưa thống nhất
mà ở mỗi nước có một loại tiền riêng.
13
Cùng với sự phát triển của công thương nghiệp, nhiều thành phố trở nên
phồn hoa đông đúc. Các thành phố lớn lúc bấy giờ chủ yếu là kinh đô của các
nước như Lâm Tri của Tề, Hàm Đan của Triệu, Đại Lương của Ngụy, Lạc
Dương của Chu Những thành phố này vừa là trung tâm chính trị vừa là trung
tâm công thương nghiệp. Dân cư trong thành phố rất đông đúc, ví như thành phố
Lâm Tri, theo Chiến quốc sách, có 7 vạn hộ (khoảng 35 vạn người).
Cuộc nội chiến triền miên thời Xuân thu - Chiến quốc đã gây nên nhiều
thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng có lẽ những cuộc chiến tranh đó còn
có một tác dụng khác, đó là sự thúc đẩy và tìm kiếm một cấu trúc mới cho xã hội
Trung Quốc cổ đại. Nhờ kinh nghiệm tích luỹ lâu đời, nhờ nhân dân kiên trì sản
xuất trong những nơi, những lúc không có chiến sự xẩy ra, nên nhìn chung các
ngành kinh tế đều có bước phát triển rõ rệt.Mặt khác bản thân các cuộc cuộc
chiến tranh trong một ý nghĩa nào đó cũng tạo ra sự giao lưu những kinh nghiệm
và công cụ sản xuất giữa các vùng khác nhau,mặt khác những con đường phục
vụ cho chiến tranh một cách vô hình chung cũng trở thành đường giao thông nối
các vùng với nhau trong các hoạt động kinh tế và thương mại.
1.1.2 Sự thay đổi về quyền sở hữu ruộng đất
Trong giai đoạn trước, toàn bộ ruộng đất ở Trung Quốc đều thuộc quyền sở
hữu của Nhà nước, nhưng sang thời Xuân Thu, tình hình đó đã thay đổi: chế độ
ruộng đất của Nhà nước dần dần tan rã, ruộng tư xuất hiện ngày một nhiều.
Thời Tây Chu, ruộng đất được phân phong theo thứ tự: thiên tử phong cho
chư hầu, chư hầu phong cho khanh, đại phu, khanh, đại phu chia cho sĩ.Vua các
nước chư hầu tuy được truyền lãnh địa cho con cháu, nhưng không có quyền sở
hữu. Còn thái ấp của khanh, đại phu thì vốn là bổng lộc của vua ban cho dưới
hình thức ruộng đất. Đối với những khanh đại phu khác họ với nhà vua khi thôi
chức, thái ấp phải trả lại nhưng lúc bấy giờ các chức vụ thường cha truyền con
nối. Tuy vậy, thái ấp cũng không phải thuộc quyền sở hữu của khanh, đại phu.
Nhưng đến thời Xuân thu, nguyên tắc ấy không được chấp hành nghiêm chỉnh
nữa.
14
Khi mới thi hành chính sách phân phong, sự ràng buộc của nhà Chu đối với
các nước chư hầu, một mặt dựa vào quan hệ họ hàng, mặt khác dựa vào quan hệ
giữa tôn chủ (người phong đất) với bồi thần (người được phong). Nhưng đến
thời Xuân thu, cái quan hệ họ hàng đó đã trở nên xa xôi, và quan trọng hơn, nhà
Chu với tư cách là lãnh chúa lớn, không còn đủ thế lực để bắt những người được
kế thừa đất phong phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Mặc dù vậy, trên danh nghĩa,
các nước chư hầu cùng họ vẫn công nhận vua Đông Chu là vua chung của Trung
Quốc, nhưng đồng thời các nước lớn thường thôn tính các nước nhỏ hoặc xâm
chiếm đất đai của các nước khác. Hơn nữa, trên thực tế, các nước chư hầu đều
coi lãnh địa được phong tước kia là thuộc quyền sở hữu của họ.
Ở trong các nước chư hầu tình hình cũng tương tự như vậy. Thời Xuân thu,
ngoài thái ấp làm bổng lộc ra, các khanh, đại phu còn được vua chư hầu ban
thưởng ruộng đất vì những công lao đặc biệt của họ. Ngoài ra, các khanh đại phu
còn tranh giành đất đai của nhau. Thậm chí khi thế lực vua chư hầu suy yếu, các
khanh, đại phu còn xâm chiếm đất đai của nhà vua. Những nguồn ruộng đất ấy
của khanh, đại phu đều hoà đồng làm một và biến dần thành ruộng đất tư của họ.
Đồng thời với hiện tượng chế độ phân phong ruộng đất bị phá vỡ, chế độ
tỉnh điền cũng tan rã dần. Do công cụ sản xuất được cải tiến và số dân lao động
tăng lên, người ta có khả năng khai khẩn thêm nhiều đất hoang. Trong hoàn cảnh
ấy, có một số nông dân cũng khai phá thêm được một số ít ruộng đất ngoài phần
đất được chia, do đó chênh lệch về tài sản trong hàng ngũ nông dân cũng ngày
càng rõ rệt. Hơn nữa, do kỹ thuật sản xuất tiến bộ, việc đầu tư công sức vào
ruộng đất cũng khác nhau, vì vậy việc định kỳ chia lại ruộng đất cũng ngày càng
lỏng lẻo. Do những nguyên nhân nói trên, đến thời kỳ này có một số nông dân
cũng có ruộng đất riêng.
Thời Tây Chu, ruộng đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nên không
được mua bán, nhưng đến thời Xuân thu, hiện tượng mua bán ruộng đất đã xuất
hiện. Sách Tả truyện chép: "Người Nhung Địch đến ở, dùng vật quý để đổi lấy
đất, đất có thể mua bán". Hiện tượng mua bán ruộng đất ra đời là kết quả tất yếu
15
của chế độ ruộng đất thuộc quyền sở hữu tư nhân, đồng thời việc mua bán ruộng
đất lại thúc đấy chế độ ruộng tư phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, quá trình thay đổi về quyền sở hữu ruộng đất ở thời Xuân thu
chỉ mới bắt đầu. Đến thời Chiến quốc, chế độ ruộng tư càng phát triển mạnh mẽ,
chế độ tỉnh điền đang đi đến chỗ tan rã hoàn toàn. Trong hoàn cảnh ấy, ruộng
đất ngày càng tập trung vào tay các địa chủ lớn, nông dân nhiều người bị mất
ruộng đất, do đó lúc bấy giờ có câu: "Nhà giầu ruộng liền bờ bát ngát, người
nghèo không có tấc đất cắm dùi".
Trước chiều hướng phát triển không thể ngăn chặn được của chế độ ruộng
tư, dẫn đến sự xáo trộn về ruộng đất, việc thu thuế đồng loạt như trước rõ ràng là
không thích hợp nữa, vì vậy, nhiều nước đã cải cách chế độ thuế khoá. Giữa thế
kỷ VII TCN, nước Tề đã áp dụng chúnh sách cải cách của Quản Trọng căn cứ
theo ruộng đất tốt xấu để đánh thuế. Năm 594 TCN, nước Lỗ bắt đầu đánh thuế
theo diện tích ruộng đất. Việc đó chứng tỏ nước Lỗ chính thức thừa nhận sự
chênh lệch về ruộng đất trong hàng ngũ nông dân và thừa nhận quyến tư hữu
ruộng đất của nông dân là hợp pháp. Năm 350 TCN, nước Tần thông qua luật cải
cách của Thương ưởng tuyên bố bỏ chế độ tỉnh điền, cho dân được mua bán
ruộng đất. Những chính sách ấy của Nhà nước càng tạo điều kiện cho chế độ
ruộng tư phát triển.
2.1.3 Sự thay đổi về quan hệ giai cấp
Sự phát triển của các ngành kinh tế và sự thay đổi về quyền sở hữu ruộng
đất làm cho cơ cấu giai cấp trong xã hội cũng thay đổi.
Trước kia, quyền sở hữu cao nhất về ruộng đất ở Trung Quốc thuộc về thiên
tử nhà Chu. Từ thời Xuân thu, vua, chư hầu thực tế trở thành kẻ sở hữu cao nhất
trong quốc gia của mình. Đồng thời, trong tầng lớp khanh, đại phu, sĩ có một số
cũng có ruộng đất riêng. Đến thời Chiến quốc, không những quan lại Nhà nước
mà một số nhà buôn giàu có cũng mua được nhiều ruộng đất. Như vậy, tầng lớp
địa chủ mới dần dần hình thành.
16
Tình hình giai cấp nông dân cũng có nhiều thay đổi. Do một bộ phận ruộng
đất trở thành tài sản riêng của quý tộc, những nông dân canh tác số ruộng đất trở
thành nông dân lệ thuộc. Một số nông dân khác vì không chịu nổi sự áp bức bóc
lột ở nơi này hoặc vì thiên tai đói kém đã đến nơi khác và trở thành nông dân lệ
thuộc của một chúa đất mới. Trong khi đó, có một số nông dân vẫn giữ được
phần đất được chia lại khai khẩn thêm được một ít đất hoang nên đã trở thành
nông dân tự canh. Tuy vậy, thời Xuân thu số đông nông dân vẫn tiếp tục cầy cấy
ruộng đất tỉnh điền.
Đến thời Chiến quốc, chế độ tỉnh điền tan rã nhanh chóng, hiện tượng mua
bán ruộng đất phát triển nên hàng ngũ nông dân bị phân hoá càng rõ rệt: một bộ
phận hoàn toàn không có ruộng đất nên phải làm tá điền hoặc cày thuê cho điạ
chủ, một bộ phận có khoảng 100 mẫu ruộng thì trở thành nông dân tự canh, một
bộ phận có ít ruộng đất thì phải lĩnh canh thêm ruộng đất địa chủ. Do sự phân
hoá trong giai cấp nông dân, hình thức bóc lột cũng khác trước. Những nông dân
cày cấy ruộng đất của mình phải nộp thuế 1/10 cho Nhà nước bằng sản phẩm,
ngoài ra còn phải nộp vải lụa và phải đi lao dịch. Những nông dân lĩnh canh thì
phải nộp tô 5/10 cho địa chủ.
Còn những người làm nghề công thương trước kia bị lệ thuộc vào Nhà nước
chứ chưa hình thành những tầng lớp độc lập thì đến thời Xuân thu, trong xã hội
đã xuất hiện một số thợ thủ công và người buôn bán tự do. Ví dụ: ở nước Tống
có một số thợ có chỗ ở cố định và được truyền nghề nghiệp từ đời này sang đời
khác. Cuối thời Xuân thu, đầu đời Chiến quốc, ở nước Lỗ có một người thợ mộc
lành nghề, nổi tiếng là Công Thâu Ban (thường gọi là Lỗ Ban), về sau được tôn
làm ông tổ của nghề thợ mộc ở Trung Quốc.
Thời Chiến quốc, tầng lớp thợ thủ công cá thể xuất hiện ngày càng nhiều.
Họ thoát ly khỏi nông nghiệp, chuyên làm nghề nghiệp của mình rồi trao đổi sản
phẩm để lấy các loại tư liệu sinh hoạt. Mạnh Tử nói: thợ gốm, thợ rèn đem sản
phẩm đổi lấy thóc. Hàn Phi cũng nói: "Người thợ đóng xe muốn người ta giàu
sang, người thợ đóng áo quan thì muốn người ta chết non".
17
Tầng lớp buôn bán cũng đã khá đông đảo, trong đó có một số người giàu có
nổi tiếng. Thời Xuân thu, nước Trịnh có nền thương nghiệp phát triển nhất, nên
ở đây có nhiều lái buôn giàu có. Ở các nước khác cũng có những nhà buôn lớn
nổi tiếng như Tử Cống, Phạm Lãi, Bạch Khuê ( Tử Cống là một học trò của
Khổng Tử, chuyên buôn bán ở nước Tào, nước Lỗ. Phạm Lãi là một công thần
của Việt Câu Tiễn, nhưng sau khi giúp Câu Tiễn giành được thắng lợi, liền bỏ
sang nước Tề buôn bán, đổi tên là Đào Chu Công. Còn Bạch Khuê cũng vốn là
một đại thần của Ngụy Huệ vương). Cuối thời Chiến quốc, nổi tiếng nhất là Lã
Bất Vi, một lái buôn kiêm địa chủ lớn ở nước Triệu đã dám bỏ ra một nghìn cân
vàng để buôn cả vua và về sau trở thành Tể tướng của nước Tần.
Do có thế lực lớn về kinh tế, nên họ cũng có ảnh hưởng đáng kể về chính
trị. Nước Tấn có một người tên là Tuân Oanh bị nước Sở bắt, nước Tấn phải nhờ
lái buôn nước Trịnh cứu về. Các nhà buôn bán thời Chiến quốc cũng thường giao
du với tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Ví dụ : Tử Cống thường chở hàng xe lễ
vật đến biếu các vua chư hầu.
Giai cấp nô lệ cũng có ít nhiều thay đổi. Nguồn nô lệ vẫn là tù binh, những
người phạm tội và những người phá sản phải bán vợ con hoặc bản thân mình làm
nô lệ. Nói chung nô lệ vẫn bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn như trước, nhưng dẫu sao,
địa vị của họ cũng có khá hơn ít nhiều. Hiện tượng tuỳ tiện giết nô lệ để chôn
theo chủ đã bị xã hội cho là phi lý, nên giảm bớt rất nhiều; do đó người ta thường
dùng hình nộm để tuỳ táng. Tuy vẫn bị coi là một món hàng để mua bán, nhưng
giá nô lệ đã đắt hơn trước. Ví dụ: cuối thời Xuân thu, Án Tử người nước Tề sang
nước Tấn, thấy một người nước Tề bị bắt làm nô lệ, bèn lấy một con ngựa kéo xe
của mình để chuộc về. Đồng thời do yêu cầu của sản xuất hoặc chiến tranh, hiện
tượng giải phóng nô lệ cũng đã xuất hiện. Nếu lập được chiến công, nô lệ có thể
được hoàn toàn tự do. Ví dụ: Triệu ưởng trong lời tuyên bố trước lúc xuất quân
đã hứa: "Nếu thắng được địch nô lệ sẽ được giải phóng". Nhiệm vụ của nô lệ
thời kỳ này vẫn là làm các công việc hầu hạ trong cung đình hoặc gia đình của
chủ như giữ ngựa, đánh xe, gĩa gạo, nấu rượu, hầu tiệc, ca múa v.v. Ngoài ra, có
một bộ phận nô lệ làm việc trong các ngành công thương nghiệp.
18
Tóm lại, thời Xuân thu - Chiến quốc là thời kỳ chế độ lãnh địa thái ấp dựa
trên sự bóc lột cống thuế của nông dân công xã dần dần tan rã, trong khi đó quan
hệ địa chủ tá điền xuất hiện và ngày càng có vai trò quan trọng. Chế độ phong
kiến dựa trên cơ sở giai cấp mới đang dần dần hình thành.
1.2 Khái luận chung về thế giới quan triết học và thế giới quan trong triết
học Trung Quốc cổ đại
Là một trong những khoa học xuất hiện sớm, nhưng triết học chỉ ra đời khi
năng lực tư duy của con người đạt đến một trình độ nhất định, tức là có thể sử
dụng các khái niệm để diễn đạt nhận thức của mình về một vấn đề nào đó. Có lẽ
một trong những vấn đề đầu tiên mà triết học quan tâm là vũ trụ xung quanh
mình là thế nào (?) nó từ đâu đến(?), nó vận động như thế nào(?); vấn đề thứ hai
là về chính bản thân mình (con người); tiếp theo là con người có nhận thức về vũ
trụ thì đi đến các quyết định hành động để can thiệp vào thế giới khách quan để
tìm kiếm sự tồn tại của mình. Các triết gia Hy-Lạp cổ đại đã chia triết học thành
ba bộ phận lớn,vật lý học (phisique), đạo đức học (ethique) và luận lý học
(logique). Nói theo thuật ngữ hiện đại thì triết học bao gồm: vũ trụ luận, nhân
sinh luận và tri thức luận. Cách phân chia này tương đối hợp lý nên được lưu
hành từ thời Platon cho đến thời đại gần đây. Còn cụ thể việc luận về những vấn
đề đó như thế nào là cơ sở để phân chia triết học thành duy tâm hay duy vật.
Cách đặt vấn đề của chủ nhĩa duy vật mang tính khoa học, vì vậy nó phải trải qua
những giai đoạn thử thách và kiểm nghiệm, còn chủ nghĩa duy tâm có một sự
tiện lợi,vì nó đặt niềm tin ở một đấng sáng tạo nào đó mà không cần sự phân tích
và kiểm nghiệm. Có lẽ đó cũng là lý do cho sự tồn tại như cặp bài trùng của chủ
nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật trong lịch sử triết học. Như vậy từ một quan
niệm về vũ trụ , đi đến những quan niệm về nhân sinh (nhân sinh quan)là một
trình tự cấu trúc chặt chẽ của triết học. Nhân sinh quan phải lấy vũ trụ quan làm
cơ sở căn bản để triển khai các luận điểm. Việc mở rộng các quan điểm nhân
sinh quan ra môi trường cộng đồng, trong đó con người tồn tại chúng tôi gọi đó
là xã hội quan. Triết học duy vật biện chứng coi toàn bộ thế giới với tất cả các
sự vật hiện tượng trong đó là một chỉnh thể thống nhất(trong đó có cả con người
19
và xã hội). Như vậy một hệ thống các quan điểm tổng thể về thế giới khách
quan, đương nhiên phải gồm cả con người và xã hội. Đây cũng là cơ sở để chúng
tôi trình bày về thế giới quan triết học gồm: vũ trụ quan, xã hội quan và nhân
sinh quan.
Theo từ điển triết học (NXB Tiến Bộ Mátxcơva - có bổ xung và sửa chữa
của NXB Sự Thật 1986): "Thế giới quan là hệ thống quan điểm, khái niệm và
quan niệm về toàn bộ thế giới xung quanh mình" ” Theo nghĩa tổng quát đó là
toàn bộ những quan điểm về thế giới về những hiện tượng trong tự nhiên và
trong xã hội: các quan điểm triết học, xã hội, chính trị, luân lý, mỹ học, khoa
học, v.v. các quan điểm triết học, hợp thành hạt nhân chủ yếu của mọi thế giới
quan. Vấn đề cơ bản của triết học cũng là vấn đề chủ yếu của thế giới quan, đó là
vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa vật chất và ý thức. Tùy theo cách giải
quyết vấn đề cơ bản đó mà người ta có thể chia thế giới quan triết học thành duy
vật hay duy tâm. Thế giới quan trực tiếp phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của con
người đạt được trong từng giai đoạn lịch sử. Như vậy thế giới quan mang tính
lịch sử. Trong xã hội có phân chia giai cấp thì thế giới quan cũng còn mang tính
giai cấp. Thế giới quan tiêu biểu của các xã hội bao giờ cũng là thế giới quan của
giai cấp thống trị xã hội đó”.
Thế giới quan triết học có một ý nghĩa không chỉ đơn thuần về mặt lý luận
và nhận thức, mà nó còn có ý nghĩa lớn lao về thực tiễn nữa, biểu hiện cách nhìn
bao quát đốí với vũ trụ, quyết định thái độ và là kim chỉ nam cho hành động của
con người. Nhờ đã phát hiện những qui luật khách quan của tự nhiên và của xã
hội nên thế giới quan khoa học và tiến bộ hướng những hoạt động của con người
đúng theo xu hướng phát triển. Ở đây chúng tôi cũng xin lưu ý thêm khái niệm
“thế giới quan “ và khái niệm “thế giới quan triết học “có một sự khác nhau rất
lớn, “thế giới quan”nhiều khi được hiểu đó là một cách quan niệm về một vấn đề
nào đó trong thế giới khách quan; còn “thế giới quan triết học” là những khái
niệm có tính hệ thống, lý luận và tổ chức theo một lôgic nhất định, trên cơ sở đó
có thể triển khai các thao tác suy luận của tư duy để gia tăng kiến thức, có thể
20
ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nói cách khác thế giới
quan triết học phải trở thành phương pháp luận.
Như vậy chúng ta nhận thấy với tính lịch sử, tính giai cấp, tính duy tâm hay
duy vật về mặt lập trường triết học, thế giới quan triết học nói chung biểu hiện
tính tương đối và do đó không có một hệ thống thế giới quan nào đạt được các
giá trị ổn định và bất biến, vấn đề là ở chỗ nó đạt được tính khoa học và khách
quan đến mức độ nào về mặt khoa học mà thôi. Cùng với sự phát triển của các
khoa học của nhân loại qua các thời đại khác nhau, thế giới quan triết học càng
ngày càng giúp cho con người có cái nhìn bao quát về thế giới khách quan đầy
đủ hơn. Tại đây chúng tôi cũng xin nói thêm rằng: dù là ở thời đại nào với trình
độ nào thì những tra vấn triết học đầu tiên vẫn là câu hỏi về thế giới khách quan
quanh mình, nó tóm tắt trong câu hỏi có tính chất nêu vấn đề "nhìn chung thế
giới quanh ta là gì?" những câu trả lời khác nhau trong các lĩnh vực là cơ sở cho
sự phân loại các ngành khoa học khác nhau. Sự phát triển mạnh mẽ của các
ngành khoa học làm cho chúng ta tưởng chừng các khoa học là độc lập và tách
biệt, song nhiệm vụ của triết học vẫn là đưa ra một cái nhìn tổng quan và khái
quát về thế giới trên cơ sở các thành tựu của những ngành khoa học khác nhau.
Theo chúng tôi có lẽ đây là “đối tượng riêng” mang tính truyền thống của triết
học nói chung và thế giới quan triết học nói riêng.
Trên cơ sở quan niệm như vậy về thế giới quan triết học chúng tôi mạnh
dạn đưa ra cách quan niệm của mình để sử dụng cho công việc: "thế giới quan
triết học là hệ thống lý luận về tồn tại và vận động của thế giới khách quan,
mang tính định hướng cho con người trong hoạt động thực tiễn".
Cụm từ “Hệ thống lý luận về tồn tại và vận động của thế giới khách quan”
mà chúng tôi dùng ở đây được hiểu là toàn bộ tri thức về thế giới khách quan bên
ngoài con người với tất cả các qui luật vận động của nó. Cụm từ “mang tính định
hướng cho con người” được hiểu là từ một quan niệm về thế giới bên ngoài đi
đến những quyết định cho các hành vi của con người trong các hoạt động của đời
sống và quan hệ xã hội. Khái niệm "họat động thực tiễn" mà chúng tôi dùng
trong định nghĩa này được hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ các hoạt động của con
21
người trong quá trình sản xuất ra các giá trị của đời sống vật chất cũng như các
giá trị của đời sống tinh thần. Như ở trên đã nói, cấu trúc của thế giới quan gồm:
vũ trụ quan, xã hội quan và nhân sinh quan. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày nội
hàm của các khái niệm trên.
Vũ trụ quan là hệ thống các học thuyết về qui luật cấu thành, phát sinh,
phát triển và vận hành của vũ trụ. Vũ trụ sinh ra từ đâu? Trái đất có từ khi nào?,
v.v. có lẽ đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác mặc dù khoa học đã có
những bước tiến rất cao siêu. Có một điều cả các triết gia phương Tây và phương
Đông đều thừa nhận đó là vũ trụ diễn biến từ trạng thái này đếm trạng thái khác
trong quá trình vận động, dường như bất tận. Hêraclít nói: "Tất cả đều qua, hết
thảy đều trôi, không một cái gì ngừng. Vũ trụ như một dòng sông: người ta
không tắm hai lần trên một dòng sông’’. Đối với người Trung Hoa có một trong
những nguyên lý quan trọng của vũ trụ là "biến dịch" điều này được thể hiện
xuyên suốt tác phẩm "Kinh Dịch". Có ý kiến đã nhận xét: "Từ sự thừa nhận
nguyên tắc biến hóa của trời đất, vạn vật đến dùng văn tự để hiểu chính lòng
người, Kinh Dịch đã dung hòa khoa học, triết học trong việc khám phá vũ trụ,
cải thiện nhân sinh, vũ trụ quan và nhân sinh quan của kinh dịch có một mối liên
hệ vô cùng mật thiết, chúng đã nối liền lại với nhau bằng một hệ thống dọc,
không một kẽ hở. Bởi vậy, người tinh thông dịch lý phải lĩnh hội lẽ cảm thông
hòa hợp giữa người và vũ trụ".
Vấn đề vũ trụ quan trong triết học theo chúng tôi không đơn giản chỉ là vấn
đề bản thể của vũ trụ, các qui luật vận hành của vũ trụ mà là quan hệ của con
người với vũ trụ ấy để từ đó đi đến một phương hướng, một quyết định cho hoạt
động thực tiễn của mình. Đây cũng là cơ sở cho sự thống nhất giữa vũ trụ quan
và nhân sinh quan.
Xã hội quan bao gồm hệ thống các quan điểm về chính trị, xã hội, về
các qui luật của các hình thái kinh tế - xã hội và các thiết chế tương ứng với
nó. Cho đến nay chúng ta tin rằng có một giai đoạn nào đó loài người chưa có
một xã hội với quan hệ đầy đủ của nó - nhà nước, pháp luật - mà chủ yếu xã
hội được tổ chức trên cơ sở huyết thống và kinh nghiệm là chính. Chúng tôi
22
tạm gọi là trạng thái "xã hội cảm tính". Theo lý thuyết mác-xít, chỉ đến khi có
sự phân công lao động xã hội, có sự phân chia giai cấp thì nhân loại mới có
những xã hội được tổ chức trên cơ sở "lý tính". Tuy nhiên trước ngưỡng cửa
này, phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng có những con đường
không giống với phương Tây, người ta có thể gọi đó là "phương thức sản xuất
châu Á" hay "chế độ nô lệ kiểu phương Đông", tùy theo nhãn quan của các
nhà nghiên cứu. Ở Trung Quốc cổ đại các triết gia cũng đưa ra những mô
hình xã hội mà họ hy vọng duy trì và đem lại sự phát triển cho xã hội. Có thể
là duy trì xã hội Lễ, Nhạc, Tông pháp của nhà Chu như quan niệm của Khổng
Tử, thậm chí quay lại xã hội "tiểu quốc, quả dân" hồn nhiên nguyên thủy như
Lão Tử hoặc là xã hội “Kiêm ái”, “Thượng đồng”, của Mặc Tử và sáng suốt
hơn là xã hội cai trị bằng pháp luật của Pháp gia, v.v.
Sự thay đổi các triều đại ở Trung Quốc cổ đại không theo con đường phát
triển cách mạng mà thực chất là các cuộc nội chiến của các lực lượng khác nhau
trong quá trình tiến đến nhà nước phong kiến tập quyền (nhà Tần).
Nhân sinh quan là các hệ giá trị đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, v.v. và
định hướng cho cuộc sống con người. Theo truyền thống những vấn đề triết
học về nhân sinh ở Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng, thậm chí chiếm
phần lớn sự quan tâm của nhiều trường phái triết học, nhất là Nho gia, Đạo
gia, Mặc gia. Người ta còn chia triết học Trung Quốc thành triết học xuất thế
và nhập thế, nhưng dù thế nào thì triết học giữ vai trò nâng cao và hoàn thiện
nhân cách của con người mới là mục đích mà các lưu phái triết học ở Trung
Quốc hướng đến. Có người nói: “Triết gia Trung Quốc đều là những Socrate
thuộc nhiều trình độ khác nhau”.
1.3 Vũ trụ quan triết học Trung Quốc cổ đại
1.3.1 Thời kỳ manh nha
Giống như các nền văn minh khác, thời kỳ xã hội nguyên thủy ở Trung
Quốc có thể đã kéo dài hàng vạn năm với các truyền thuyết về Tam hoàng