ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ KIM TIẾN
CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM
THỜI KỲ ĐỔI MỚI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
Hà Nội, 2011
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ KIM TIẾN
CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT
NAM
THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 62.22.32.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Trần Khánh Thành
2. PGS. TS. Đoàn Đức Phươg
Hà Nội, 2012
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu 10
4. Phương pháp nghiên cứu 11
5. Đóng góp mới của luận án 12
6. Cấu trúc luận án 12
Chương 1. QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI VÀ CON
NGƯỜI TRONG THỂ LOẠI TIỂU THUYẾT 13
1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người 13
1.1.1. Con người với tư cách là đối tượng chủ yếu của văn học 13
1.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người - một phạm trù thi pháp học 15
1.2. Con người trong thể loại tiểu thuyết 22
1.2.1. Con người trong tiểu thuyết trước 1986 23
1.2.1.1. Con người trong tiểu thuyết giai đoạn 1930 - 1945 23
1.2.1.2. Con người trong tiểu thuyết giai đoạn 1945 - 1975 27
1.2.1.3. Con người trong tiểu thuyết giai đoạn 1975 - 1985 29
1.2.2. Con người trong tiểu thuyết sau 1986 38
1.2.2.1. Tiếp tục khuynh hướng ca ngợi những phẩm chất con người ở
mức độ cao hơn 39
1.2.2.2. Con người cá nhân gắn với cảm hứng bi kịch 41
1.2.2.3. Con người trước nguy cơ tha hóa 45
1.2.2.4. Con người trong chiều sâu tự nhận thức 47
1.2.2.5. Con người đa nhân cách 49
1.2.2.6. Con người được khai thác ở góc bản năng tính dục 51
1.2.2.7. “Giải thiêng” miền bí ẩn của cõi tâm linh con người 62
Chương 2. HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT
THỜI KỲ ĐỔI MỚI 71
2.1. Con người dưới góc nhìn bản chất xã hội 72
2.1.1. Người lính 72
2.1.1.1. Con người cá nhân bi kịch 73
2.1.1.2. Con người tự nhiên trong cuộc sống đời thường 78
2.1.2. Người nông dân 82
2.1.2.1. Con người mang dấu vết “tha hóa” 83
2.1.2.2. Nạn nhân của những ràng buộc lạc hậu 87
2.1.3. Người trí thức 90
2.1.3.1. Con người của lương tri và trí tuệ 90
2.1.3.2. Con người của sự mưu toan, tư lợi, ích kỷ, hám danh. 95
2.2. Con người dưới góc nhìn loại hình văn học 99
2.2.1. Con người lịch sử - văn hóa 100
2.2.1.1. Con người đối thoại với lịch sử 100
2.2.1.2. Kết nối với cuộc sống hiện tại 108
2.2.2. Con người “huyền thoại” 115
2.2.2.1. Con người trong thế giới tâm linh và vô thức 115
2.2.2.2. Con người trên biên giới ảo - thực 120
2.2.3. Con người “dị biệt” 126
2.2.3.1. “ Méo mó” về thể xác 126
2.2.3.2. “Lệch lạc” về tinh thần 130
Chương 3. NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN CON NGƯỜI TRONG TIỂU
THUYẾT THỜI KỲ ĐỔI MỚI 135
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 135
3.1.1. Những cách tân từ truyền thống 135
3.1.1.1. Mô tả nhân vật qua phương diện bên ngoài 136
3.1.1.2. Miêu tả trực tiếp tâm lý qua nội tâm 142
3.1.2. Tiếp cận nhân vật với bút pháp hiện đại 147
3.1.2.1. Xây dựng nhân vật theo lối “ẩn danh” 147
3.1.2.2. Xây dựng nhân vật qua những mảnh vụn tâm lý, ký ức rời rạc
không liên kết 154
3.1.2.3. Xây dựng nhân vật với phương thức huyền thoại hóa 161
3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật 171
3.2.1. Ngôn ngữ có tính lịch sử cụ thể 172
3.2.2. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, dễ hiểu 175
3.2.3. Ngôn ngữ mang màu sắc dân gian 178
3.2.4. Ngôn ngữ có tính thế tục 181
3.2.5. Ngôn ngữ chứa đựng tính đối thoại và tính “cá thể hoá” cao 185
KẾT LUẬN 191
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ 197
TÀI LIỆU THAM KHẢO 198
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người chịu sự chi phối bởi cá tính
sáng tạo của nhà văn. Khi tư duy nghệ thuật của nhà văn vận động biến đổi
phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng trào lưu văn học thì quan niệm
nghệ thuật về thế giới và con người của nhà văn cũng thay đổi. Vì vậy, quan
niệm về con người là một trong những vấn đề then chốt của đổi mới văn học.
Thông qua việc nghiên cứu quan niệm con người, chúng tôi xác định được
mức độ chiếm lĩnh, thể hiện, cắt nghĩa về con người ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, ở
chiều sâu không gian lẫn thời gian của bất kỳ hiện tượng văn học nào. Nhờ
đó, chúng ta có thể đánh giá được sự đóng góp của một hiện tượng văn học
qua phương thức phản ánh nội dung và hình thức biểu đạt nghệ thuật cho tiến
trình phát triển văn học.
1.2. Từ sau 1986, với công cuộc đổi mới xã hội, các nhà văn Việt Nam
có sự thay đổi về tư duy nghệ thuật trong việc tiếp cận với hiện thực đời sống
con người. Theo đó, họ có cơ hội nhìn lại, làm mới quan niệm nghệ thuật về
con người theo một trường thẩm mỹ mới phù hợp với nhu cầu tiếp nhận văn
học. Con người trong văn học thời kỳ Đổi mới được các nhà văn quan niệm
không còn đơn giản, xuôi chiều, thay vào đó, nhà văn nhìn con người ở nhiều
thang bậc giá trị, ở những tọa độ ứng xử khác nhau, ở nhiều chiều kích, chân
thực và toàn diện hơn. Nhờ sự thay đổi quan niệm về con người, nhà văn đã
cắt nghĩa các vấn đề cuộc sống liên quan đến con người theo hướng đa chiều.
Chính vì vậy, cấu trúc thế giới nghệ thuật ở mọi thể loại văn học, từ đề tài,
chủ đề phản ánh, kiểu thức kết cấu cho đến thế giới nhân vật, đã có những
thay đổi sáng tạo, thử nghiệm mới mẻ, giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới
bên trong đầy bí ẩn và phức tạp của con người.
1.3. Tiểu thuyết được xem là một thể loại năng động và linh hoạt nhất.
Với tính chất tổng hợp cao, tiểu thuyết vừa có khả năng bao quát hiện thực
2
rộng lớn, vừa có khả năng đi sâu khám phá đời tư, tâm hồn con người một
cách toàn diện. Phát huy triệt để mọi khả năng thể loại, tiểu thuyết có cơ hội
đối thoại với cuộc đời, từ “cái hôm nay bề bộn, ngổn ngang bóng tối và ánh
sáng” đến những “âm vang của tiếng lòng bí ẩn trong con người” qua cấu trúc
ngôn từ “động” của nó.
Bằng việc đổi mới tư duy nghệ thuật và quan niệm thể loại, tiểu thuyết
sau Đổi mới 1986, vượt qua khung cấu trúc thể loại, đã đa dạng hóa các kiểu
hình nhân vật, mở rộng khả năng khám phá nhiều mặt khác nhau trong con
người, thể hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người, nhằm
đột phá và kiến giải một “thực tại mới”. Điều này khiến tiểu thuyết khẳng
định được bước tiến của thể loại với nhiều thành tựu nổi bật hơn cả so với thơ
và truyện ngắn, nhất là ở giai đoạn văn học sau 1986, trong hành trình phát
triển của toàn bộ nền văn học Việt Nam.
Vì những lý do trên, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài Con người trong
tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Thực hiện đề tài này, chúng tôi hướng
đến hai mục đích. Thứ nhất, chúng tôi tái khẳng định vấn đề con người luôn là
đối tượng trung tâm của văn học. Thứ hai, với tư cách là “công cụ hữu hiệu
của văn học”, tiểu thuyết đã giúp nhà văn đưa tâm điểm của văn học vào
trong một trường nhìn mới đầy cởi mở và đa chiều về giá trị con người “chưa
hoàn kết” trong xã hội hiện đại.
2. Lịch sử vấn đề
Là cách hiểu, cách cắt nghĩa về con người, quan niệm nghệ thuật về con
người quyết định đến việc miêu tả, thể hiện chủ đề, đề tài, nhân vật, ngôn ngữ…
trong sáng tác. Với vị trí quan trọng như vậy, vấn đề con người luôn được các
nhà nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm, đặc biệt là con người trong văn học
Việt Nam hiện đại. Nhiều tác giả đã đề cập và lựa chọn nó như cơ sở lý thuyết về
mặt quan niệm tư duy nghệ thuật có tác động trực tiếp đến mọi yếu tố của văn
học. Chúng tôi xin đề cập một số công trình nghiên cứu trực tiếp vấn đề này.
3
Đối với văn học trước 1975, các công trình tập trung nghiên cứu quan
niệm con người và biểu hiện của nó trong từng thời kỳ. Cụ thể:
Lê Thị Dục Tú có công trình Quan niệm về con người trong tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn. Tác giả khẳng định văn chương Tự lực văn đoàn đã có một
cách hiểu và cách quan niệm riêng về con người cá nhân của mình. “Sự tập
trung miêu tả những đột phá của con người cá nhân là chỗ mạnh và cũng là
chỗ yếu của văn học Tự lực văn đoàn” [245;18]. Ý thức hướng tới một cuộc
đời mới với một quan niệm sống mới là ý thức thường trực trong con người
Tự lực văn đoàn. Quan niệm sống mới, theo tác giả được tập trung ở ba cấp
độ. Thứ nhất là sự tung phá những ràng buộc của gia đình phong kiến để
khẳng định quyền sống của con người cá nhân về mặt xã hội. Thứ hai là sự
khẳng định ý thức cá nhân bằng những lối thoát trong tình yêu, trong thế giới
nội tâm hay trong ước mơ không tưởng về cải cách xã hội. Thứ ba là con
người cá nhân cực đoan với nhu cầu giải phóng bản năng, đứng trên hoặc bất
chấp các quan hệ xã hội.
Nguyễn Văn Long với Quan niệm nghệ thuật về con người và những
đặc điểm của sự thể hiện con người trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 -
1975 [184] đã chỉ ra sự xuất hiện của con người mới trong văn học được khảo
sát ở ba chặng: 1945 - 1954 (con người tập thể); 1954 - 1964 (con người
mới); 1964 - 1975 (con người sử thi) ở cả truyện và ký.
Tác giả Phùng Ngọc Kiếm trong chuyên luận Con người trong truyện
ngắn Việt nam 1945 - 1975 (bộ phận văn học cách mạng) khẳng định con
người quần chúng được nhìn nhận trong văn học giai đoạn 1945 - 1975 là
“con người trong sự gắn bó với lý tưởng xã hội tốt đẹp và khoa học, với lực
lượng cộng đồng, với ý thức tự giác thực hiện nhiệm vụ cách mạng [156;53 -
54], từ đó tạo ra những nhân vật khỏe khoắn, phơi phới trong cái giản dị rất
đời thường của con người. Văn học giai đoạn này xây dựng con người cụ thể
không phải để kể về số phận con người mà để khai thác những khía cạnh nội
4
dung của cuộc sống xã hội, ý thức giai cấp, ý thức dân tộc, cho nên ở thể loại
truyện ngắn, tuy đã có sự nhận thức về con người cá nhân nhưng nó lại được
đặt trong mối liên hệ có tính chất “giai cấp tính”.
Đồng tác giả Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Bình ra mắt cuốn Quan niệm
nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam sau cách mạng tháng Tám
[133], dành nhiều trang khảo sát những cuốn tiểu thuyết gây xôn xao dư luận
một thời, trong đó các tiểu thuyết đã chú ý đến vấn đề con người cá nhân với
quan hệ gia đình, xã hội như Mùa lá rụng trong vườn, Thời xa vắng…
Trong bài viết Mấy vấn đề trong quan niệm con người của văn học Việt
Nam thế kỷ XX, Trần Đình Sử nhận định con người trong văn học mất dần
tính nguyên phiến sử thi mà hiện ra chiều sâu mâu thuẫn, nhất là trong tình
cảm, đạo đức. Tác giả đã lý giải những biểu hiện của tính phi sử thi hóa qua
việc cho thấy sự hình dung nhiều chiều, không nguyên phiến về con người.
“Ngoài ý chí, tư tưởng tình cảm còn được khắc họa ở phương diện bản năng,
vô thức, tâm linh, nghịch lý” [238;12]. Đó là hình ảnh của sự trở lại với con
người cá thể. Từ đó tác giả đi đến khẳng định phương diện thể hiện con người
trong văn học Việt Nam thế kỷ XX được thể hiện qua ba phạm trù cơ bản
phản ánh cái mới, tính độc đáo và quy luật vận động của văn học: ý thức cá
nhân, sử thi hóa và phi sử thi hóa.
Có thể nói Trần Đình Sử là một trong những người tiên phong đưa ra
những nhận định về con người được phản ánh qua sáng tác của các nhà văn
trong giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại. Ở bài Con người trong văn học
Việt Nam sau 1945, tác giả chỉ ra cách nhìn về con người trong văn học giai
đoạn 1945 - 1954; 1954 - 1975 trong văn học chống Pháp và chống Mỹ. Ở
giai đoạn tiền đổi mới 1975 - 1985 con người vừa là đối tượng để ngợi ca hay
phê phán (như giai đoạn văn học trước) vừa là đối tượng để nghiên cứu phân
tích nhiều mặt mang khuynh hướng đạo đức thế sự. Các hiện tượng tiêu cực
của con người đã được văn học đem ra bàn tới như vấn đề chủ nghĩa cá nhân,
5
vấn đề đạo đức con người… và những vấn đề về số phận con người đời tư
đang trở nên bức thiết đòi hỏi văn học và tiểu thuyết khám phá một cách có
chiều sâu hơn. Trong bài viết này tác giả cũng đã nhận định năm 1986 các vấn
đề của văn học tiền đổi mới, trong đó vấn đề về con người thế sự đời tư, triết
lý văn hóa mới thực sự trở thành bước ngoặt.
Sau 1975, văn học có sự vận động nội tại theo quy luật của văn học
thời bình. Đặc biệt, sự cởi trói tư tưởng cho văn học của thời kỳ Đổi mới, các
thế hệ nhà văn đã có một sự thay đổi căn bản về tư duy nghệ thuật, khi họ có
điều kiện đánh giá lại tính chất “văn học minh họa” một thời, được tiếp xúc
giao lưu với các thành tựu văn học hiện đại phương Tây trong bầu không khí
cởi mở, dân chủ của văn học. Nhờ vậy, việc tìm hiểu về con người trong văn
học cũng được giới nghiên cứu tiếp cận, lý giải tập trung, đầy đủ từ những
nhân tố tác động khách quan và chủ quan, với sự thay đổi cả về lượng và chất.
Bài viết của Lê Ngọc Trà về Vấn đề con người trong văn học khẳng
định: “Nhiều năm qua văn học chúng ta còn mắc nợ cuộc đời về sự thật. Sự
thật về người nông dân Việt Nam trong cơn bão táp của cách mạng và chiến
tranh, về người lính suốt ba thế hệ cầm súng đánh giặc trên đủ loại chiến
trường với bao nhiêu vinh quang, hy sinh và mất mát, về anh cán bộ nghiêm
túc, lương không đủ ăn, về người trí thức cách mạng với lòng yêu nước và
những ngộ nhận ngây thơ, với niềm tâm huyết, say mê và bao điều dằn vặt”
[215;496]. Huỳnh Như Phương với Văn xuôi những năm 80 và vấn đề dân
chủ hóa nền văn học [235] đã cho rằng dấu hiệu dân chủ hóa nền văn học chủ
yếu là sự dân chủ hóa trong quan niệm về con người. Từ con người một chiều,
con người bị ràng buộc bởi những lề luật ở ngoài mình đến việc đi vào thế
giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con
người đích thực.
Bùi Việt Thắng trong Tạp chí Văn học số 6/1991 qua bài viết Văn xuôi
gần đây và quan niệm con người, lý giải tính chất “áp sát” tới cuộc sống và
6
con người của văn học trong đó bộc lộ một “quan niệm tiến bộ về con người”
được thể hiện qua những điểm mới. Thứ nhất con người và hoàn cảnh, hoàn
cảnh là nhân tố dễ làm tha hóa con người. Thứ hai, văn học đề cập đến những
mâu thuẫn, những nghịch lý cuộc đời và số phận con người. Thứ ba là những
“cái con người” trong con người.
Tôn Phương Lan với Một vài suy nghĩ về con người trong văn xuôi
thời kỳ đổi mới ở Tạp chí Văn học số 9/2001 đã nêu ra vấn đề con người trong
thế tương quan so sánh qua đó khẳng định cái mới trong việc thể hiện con
người. “Nếu như trước đây con người chỉ là đối tượng hầu như chỉ để ca ngợi
hay phê phán thì giờ đây nó được nhà văn đi vào thế giới nội tâm, đi vào số
phận của họ, tìm đến những vấn đề cụ thể, đời thường mà vẫn mang ý nghĩa
nhân loại” [171;43]. Việc đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người khiến
hệ thống nhân vật trong văn xuôi có sự thay đổi về nguồn gốc tính cách, số
phận. Sự đa dạng về góc nhìn nhân vật trong các sáng tác cho thấy “con người
đang được thông hiểu, đang được nhìn nhận từ nhiều phía để được hiện lên
đúng như những gì nó có” [171;47].
Trong bài Đổi mới văn học vì sự phát triển, Vũ Tuấn Anh cho rằng
“đổi mới văn học khởi đầu từ 1986 là sự tự ý thức của văn học trên một chặng
đường mới của lịch sử và của chính nó” [55;14], trong đó văn học đã thể
hiện một tư duy nghệ thuật về hiện thực và con người. Sự thay đổi tư duy
nghệ thuật về con người gắn liền với sự thay đổi quan niệm chính trị - xã
hội về con người. Vì thế hầu hết các tác phẩm, nhân vật trung tâm là
những con người bình thường, nhiều khi là những số phận thiệt thòi,
những con người bất hạnh. Yếu tố thực sự mới mẻ của văn học mười năm
qua (1985 - 1995) là nhà văn đã “cố gắng khám phá cái thế giới bí ẩn,
khuất lấp đầy bất trắc và bất thường bên trong mỗi con người, bên trong
bản thể Người” [55;18] qua thế giới tâm linh con người và con người tự
nhiên bản năng.
7
Nguyễn Bích Thu trong bài Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam
sau 1975 đưa ra ý kiến: Vấn đề con người cá thể được đặt ra một cách bức
xúc, mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn, trong đó số phận con
người trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn với quan niệm cá nhân
như “một nhân cách, một nhân cách kiểu mới” [185;232]. Song con người cá
thể trong văn học hiện nay không phải là “con người của cá nhân, của cái tôi
cực đoan, phủ nhận mọi nền tảng đạo đức đã được thiết lập, không chịu sự tác
động của xã hội. Mà ở đây số phận cá nhân được giải quyết thỏa đáng trong mối
liên hệ mật thiết với cộng đồng… con người với trăm ngàn mảnh đời khác nhau
đầy những vết dập xóa trên thân thể trong tâm hồn” [185;231].
Ngoài ra khi đề cập đến vấn đề con người qua thể loại truyện ngắn có
bài của Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Minh Châu những năm 80 và sự đổi mới
cách nhìn về con người trên Tạp chí Văn học số 3/1993; Lê Thị Hường -
Quan niệm con người cô đơn trong truyện ngắn hôm nay, Tạp chí Văn học số
2/1994; Bích Thu với Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975 ở Tạp chí
Văn học số 9/1996…
Trong quá trình khảo sát các yếu tố của văn học, giới nghiên cứu đều
thống nhất chung quan điểm, xem quan niệm con người là tư duy nghệ thuật
có tác động trực tiếp đến sự thay đổi của tư duy văn học, là chìa khóa vạn
năng mở cánh cửa khám phá các hình tượng văn học.
Nguyễn Thị Bình với Văn xuôi Việt Nam 1975 - 1995 những đổi mới cơ
bản, đã nêu ra những đổi mới của văn học giai đoạn này, trong đó có đề cập
đến nhân tố đổi mới về con người của các nhà văn ở chương Hai với hai đặc
điểm cơ bản. Thứ nhất từ quan niệm con người lịch sử, con người cộng đồng
chuyển dần sang quan niệm con người cá nhân phức tạp và bí ẩn. Thứ hai con
người được khám phá qua nhiều bình diện: con người như sản phẩm của lịch
sử; con người duy ý chí, ảo tưởng; con người mang tính nhân loại; con người
sản phẩm của tự nhiên; con người và đời sống tâm linh. Chúng tôi chú ý đến
8
bình diện thứ tư và thứ năm mà tác giả đề cập. Ở con người là sản phẩm của
tự nhiên tác giả nhấn mạnh đến phương diện nhu cầu tình dục, bản năng, tiềm
thức, vô thức. Con người và đời sống tâm linh, người viết nhận định đây là
phương diện mới của quan niệm về con người trong văn xuôi sau 1975 vì “nó
đem lại sự phong phú trong cấu trúc nhân cách nhân vật và góp phần xây
dựng một quan niệm toàn diện về con người, đối lập với lối tư duy cằn cỗi,
máy móc hoặc chỉ biết sùng bái lý tính” [78;109]. Thể hiện đắc địa khía cạnh
này theo tác giả chính là sự trở lại của phương thức huyền thoại hóa.
Nguyễn Văn Kha - Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt
Nam 1975 - 2000 [158], khai thác cách nhìn con người qua năm chương.
Chương 1: Vấn đề con người trong đời sống chính trị, xã hội và văn học Việt
Nam từ sau 1975. Chương 2: Con người với cộng đồng quê hương đất nước.
Chương 3: Con người cá nhân, mỗi con người có cuộc đời riêng, bản lĩnh
riêng. Chương 4: Con người phong phú, phức tạp. Chương 5: Một số biện
pháp nghệ thuật (thời gian - không gian, kết cấu, ngôn ngữ, các chi tiết nghệ
thuật và yếu tố huyền thoại). Đây là công trình nghiên cứu cách nhìn về con
người qua truyện ngắn và tiểu thuyết còn mang nhiều dấu ấn của thể loại
truyền thống.
Ngoài ra, trong luận án tiến sĩ của Mai Hải Oanh năm 2007 với đề tài
Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 - 2006
[229] ở chương Một có lý giải đổi mới về quan niệm nghệ thuật trong tiểu thuyết
trong đó có quan niệm mới về con người ở ba phương diện: con người xã hội,
con người tự nhiên, con người tâm linh. Tuy nhiên tác giả chỉ dừng lại ở giới
thuyết làm cơ sở để xây dựng nên những cách tân nghệ thuật của tiểu thuyết.
Luận án tiến sĩ của Trần Thị Mai Nhân (2008) - Những đổi mới trong
tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 - 2000 [202] được chia làm ba chương, trong đó
chương Hai khảo sát sự mở rộng biên độ tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2000 từ
quan niệm một hiện thực đa chiều đến một quan niệm về con người “phi sử
9
thi hóa”. Tác giả luận án nhấn mạnh đến hai phương diện đổi mới hơn cả so
với tiểu thuyết giai đoạn trước, đó là con người “chưa từng biết” và con người
“tổn thương tinh thần”.
Nhìn chung các công trình nêu trên đã khẳng định vị trí trung tâm của
văn học là con người - mối quan tâm hàng đầu để khám phá những biểu hiện
mới của văn học Việt Nam qua từng thời kỳ. Vấn đề về con người trong văn
học được các nhà nghiên cứu xem xét ở nhiều bình diện, qua đó phần nào đã
cho thấy sự vận động của văn học thể hiện đầu tiên ở những biến chuyển
trong quan niệm nghệ thuật về con người. Mối quan tâm đó được các bài
viết khảo sát và khai thác sâu chủ yếu ở giai đoạn 1945 - 1975. Mặt khác,
qua nhiều bài viết, các tác giả đều cho rằng, sự thay đổi về tư duy văn học
gắn với việc kinh tế xã hội, văn hóa tư tưởng đã có những tác động, đòi hỏi
nhà văn có một cái nhìn mới trong việc mô tả con người sau 1986. Điều này
sẽ giúp cho giới nghiên cứu có điều kiện khai thác nhiều góc độ, nhiều chiều
hướng, nhiều cách hiểu khác nhau trong văn học để đi đến tận cùng cái con
người chiều sâu phức tạp của đời sống hiện đại.
Như vậy, vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt
Nam thời kỳ Đổi mới đã có khá nhiều bài viết nhưng chưa có một công trình
nghiên cứu nào độc lập dành riêng cho thể loại tiểu thuyết. Tiếp nối và kế
thừa mối quan tâm về vấn đề đa dạng này, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài
này nhằm đánh giá rõ ràng hơn “mối bận tâm” của văn học về con người qua
thể loại tiểu thuyết sau 1986. Thứ nhất về mặt thời gian chúng tôi chọn lựa từ
năm 1986 đến nay vì chúng tôi cho rằng mốc 1986 đánh dấu sự “cởi trói” cho
văn học dưới tác động của cả xã hội lẫn văn hóa tư tưởng. Vì vậy, sự thể hiện
quan niệm nghệ thuật về con người theo chúng tôi cũng bộc lộ toàn diện và
mang tính chất đồng thuận rõ rệt. Thứ hai chúng tôi chỉ xét sự thay đổi quan
niệm nghệ thuật về con người qua thể loại tiểu thuyết, một thể loại có sự đổi
mới sau phóng sự và thơ nhưng lại là thể loại “xung kích” mạnh mẽ nhất
trong văn học thời kỳ Đổi mới.
10
3. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đề tài nghiên cứu về con người trong tiểu thuyết Việt Nam thực
chất là lý giải quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết thời kỳ
Đổi mới.
3.2. Do hiện tượng phản ánh phong phú nên trong quá trình triển khai
đề tài, chúng tôi chủ yếu tập trung vào một số tác phẩm tiểu thuyết Việt Nam
trong nước sau năm 1986 - 2010 gây tiếng vang và có dư luận như: Thiên sứ
(Phạm Thị Hoài); Thân phận tình yêu (Bảo Ninh); Đám cưới không có giấy
giá thú (Ma Văn Kháng); Lão Khổ, Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật (Tạ
Duy Anh); Tấm ván phóng dao (Mạc Can); Cơ hội của Chúa, Khải huyền
muộn (Nguyễn Việt Hà); Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Hồ Quý Ly, Mẫu thượng
ngàn (Nguyễn Xuân Khánh); Luật đời và cha con (Nguyễn Bắc Sơn); Mảnh
đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Lời nguyền hai trăm năm
(Khôi Vũ); những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và Hồ Anh Thái…
Một số tiểu thuyết của Chu Lai, Nguyễn Khải, Lê Lựu do có khá nhiều
bài viết bàn kỹ, sâu cả phương diện nội dung và nghệ thuật, để tránh sự lặp
lại, chúng tôi chỉ đưa ra những nhận định khái quát có tính chất kế thừa các
kết quả nghiên cứu trước đó nhằm tăng tính thuyết phục vấn đề chúng tôi đề
cập trong luận án. Thay vào đó, chúng tôi chọn một số tiểu thuyết tuy chưa
gây tiếng vang mạnh mẽ nhưng theo chúng tôi đã có dấu hiệu đổi mới về nội
dung thể loại trong việc thể hiện con người như Cõi tiền (Đỗ Vĩnh Bảo); Đêm
thánh nhân (Nguyễn Đình Chính); Đàn đáy (Trần Thu Hằng), Tiểu thuyết
đàn bà (Lý Lan) nhằm bổ sung, khẳng định sự đổi mới toàn diện về con
người qua tiểu thuyết của các nhà văn sau 1986 đầy đủ, phong phú hơn.
Đồng thời chúng tôi cũng có khảo sát một số hiện tượng văn học nổi
bật ở hải ngoại như: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác; Chinatown,
Pari 11- 8 và T. mất tích của Thuận; Gió từ thời khuất mặt của Lê Minh Hà;
Quyên của Nguyễn Văn Thọ, nhằm có cái nhìn toàn cảnh sự vận động về
11
quan niệm con người của văn học thời kỳ Đổi mới. Trong quá trình triển khai
đề tài chúng tôi cũng cố gắng cập nhật những tác phẩm xuất hiện gần đây
đang được chú ý trên văn đàn, với mục đích mở rộng vấn đề nghiên cứu có
liên quan chứ không xem đó là đối tượng khảo sát trong toàn bộ luận án.
3.3. Từ đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ của luận án là:
Khẳng định vai trò, vị trí đối tượng trung tâm của văn học là con người,
từ đó chúng tôi đi đến lý giải quan niệm nghệ thuật về con người trong sự vận
động và phát triển của các giai đoạn văn học Việt Nam, cho thấy sự chi phối
và biểu hiện của nó khi có sự chuyển đổi về mặt tư duy nghệ thuật của nhà
văn, đặc biệt ở thời kỳ văn học Đổi mới.
Phân chia con người dưới hai góc độ: con người bản chất xã hội và con
người loại hình, luận án nhằm chỉ ra “cõi không gian riêng” của con người qua
các hình tượng tiêu biểu, thấy được sự khác biệt của các kiểu nhân vật so với
văn học trước đó. Để tăng tính thuyết phục, luận án khảo sát những điểm kế
thừa tiểu thuyết truyền thống và khẳng định những thể nghiệm mới trong nghệ
thuật xây dựng nhân vật, bộc lộ tư duy sáng tạo của nhà văn, chịu khó làm mới
mình trong việc thể hiện cách nhìn nhận về con người hiện đại.
Dựa vào tiêu chí đề tài phản ánh, luận án dừng lại tìm hiểu ngôn ngữ
nghệ thuật, với mục đích bước đầu khẳng định sự mở rộng biên độ “lời nói”
trong tiểu thuyết đã phản ánh tính phức tạp của ngôn ngữ đời sống, khi tiếp cận
và “nói điều gì đấy” từ mọi góc độ về con người, nhằm góp phần vào sự thay
đổi về cuộc đời, con người của các nhà văn đương đại.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp lịch sử - xã hội
- Phương pháp loại hình
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học hiện đại, tự sự học
12
Các phương pháp này sẽ được chúng tôi thực hiện trong thao tác so
sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê để tiến hành nghiên cứu, xử lý và viết đề
tài. Đặc biệt việc sử dụng phương pháp loại hình kết hợp với thi pháp học cho
phép người viết có thể tiếp cận hình tượng con người trong văn học dựa theo
lý thuyết hiện đại có tính chất đổi mới tương xứng với nền văn học Việt Nam
ở thời kỳ Đổi mới trong cái nhìn tương quan với văn học giai đoạn trước.
5. Đóng góp mới của luận án
Luận án đã tổng quan, khái quát được sự phát triển, chi phối của quan
niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Từ
đó, luận án đi sâu khảo sát những biểu hiện của quan niệm về con người dưới
phương diện nội dung và hình thức tiêu biểu. Ở một góc độ nhất định, luận án
đã chỉ ra được những cái mới trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật.
Luận án có cơ hội bàn sâu hơn quan niệm nghệ thuật về con người gắn
với đặc điểm một thể loại cụ thể. Các kết quả nghiên cứu trong luận án đóng
góp một phần giá trị khoa học, về mặt lý thuyết và lịch sử văn học, đối với
người dạy - học lý luận văn học trong nhà trường cũng như trong giới phê
bình, sáng tác, tiếp nhận văn học Việt Nam hiện đại.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận án được triển khai thành ba chương:
Chương 1: Quan niệm nghệ thuật về con người và con người trong thể
loại tiểu thuyết
Chương 2: Hình tượng con người trong tiểu thuyết thời kỳ Đổi mới
Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện con người trong tiểu thuyết thời kỳ
Đổi mới
13
Chương 1
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI VÀ
CON NGƯỜI TRONG THỂ LOẠI TIỂU THUYẾT
1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người
1.1.1. Con người với tư cách là đối tượng chủ yếu của văn học
Con người là đối tượng nghiên cứu, miêu tả đồng thời cũng là đối
tượng tác động của văn học. Nói đến “văn học trước hết là việc khắc họa con
người. Không cần thiết sách nào cũng thể hiện con người với một tài năng
ngang nhau nhưng chính con người với những nét cá tính bộc lộ một cách nổi
bật nhất trong cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ” [94;32] là điều mọi nhà
văn đều tìm đến. Nói như Trần Đình Sử con người là “phạm trù của văn hóa,
là nội dung cơ bản của văn học và trình độ ý thức về con người, đánh dấu
trình độ phát triển của văn học” [240;750]. Những mặt liên quan tới con
người, thuộc về con người đều nằm trong phạm vi biểu hiện của văn học. Các
ngành khoa học xem xét con người tùy thuộc vào mục đích khoa học của
những lĩnh vực đó. Đặc biệt với triết học người ta nhìn nhận con người trong
mối quan hệ với tự nhiên để tìm hiểu bản chất con người. Lão Tử coi con
người là yếu tố của thiên - địa - nhân, nên con người phải gắn, hòa hợp với vũ
trụ. Tuy nhiên, mọi thành tựu của các ngành khoa học đều được văn học triệt
để khai thác khi biểu hiện, lý giải về con người, thể hiện trình độ tổng hợp của
nhận thức về thế giới nghệ thuật của nhà văn. “Văn học là phương tiện quan
trọng giúp con người trở thành con người vì nó mở ra những bí mật của con
người, giúp con người hiểu thêm về chính mình, trở nên phong phú hơn và
một phần từ chỗ hiểu mình, từ sự phong phú của chính mình, con người hiểu
thêm về thế giới, về sự phong phú của thế giới” [215;494]. Vì vậy, tầm vóc
của một nền văn học thể hiện ở cách đặt vấn đề về con người. Văn học thế
giới thế kỷ XX qua sáng tác của F. Kafka, A. Grillet đã mở ra một nhận thức
14
mới về con người: con người bị tha hóa, cô đơn và sa vào khủng hoảng tinh
thần triền miên, bị buộc chặt với hoàn cảnh không sao dẫy dụa được. Con
người, với bao mâu thuẫn phức tạp đang lo âu trước các hiểm họa của xã hội
hậu công nghiệp, của những mối quan hệ xa lạ và thù nghịch. Trong cái thời
hiện đại nhiều bất trắc, chủ nghĩa nhân văn của thế kỷ XX và XXI sẽ tính đến
cả tính phi nhân của con người. Tức là trong con người phần động vật cũng
như phần thần thánh, đều có nguy cơ bị phát điên, nguy cơ trở nên thái quá,
trở thành dã man. Nói như Francois Lyotard, cái phi nhân là một sức mạnh
hủy diệt vượt quá khả năng kiểm soát của cá nhân con người, một cái “không
thể trình bày được” tràn trề trong suy tư. Qua những tác phẩm của Proust,
Kafke, Melville mối bận tâm về con người được văn học khoác cho nó nhiều
màu sắc, trong đó biểu hiện của cái phi nhân là sự lo lắng về chính bản thể
con người. Xã hội hiện đại luôn đầy rẫy những điều nghịch lý bóp nghẹt con
người, nó đẩy con người đến sự chuyển đổi mong manh giữa cực người và
cực thú. Do đó “con người không bao giờ cũng cứ là vô cùng, chứa đầy
những điều đã biết và chưa biết, những tất nhiên và ngẫu nhiên, những hợp lý
và phi lý; và con người trong sự sinh tồn của mình bao giờ cũng chứa nhiều
phương án, nhiều khả năng, vừa xây dựng vừa phá hoại, vừa lạc quan vừa
yếm thế, vừa đầy sức mạnh vừa hết sức mong manh, bé nhỏ” [175;132].
Rõ ràng vấn đề con người giữ vị trí trung tâm của mọi khoa học, là vấn
đề cốt lõi của các lý luận xã hội và nhân văn, kinh tế, quản lý… Trong văn
học con người là điểm xuất phát, đồng thời cũng là đích cuối cùng của mọi sáng
tạo. Toàn bộ thế giới nghệ thuật trong văn học bộc lộ một quan niệm thẩm mỹ về
con người. Một tác phẩm văn học có thể không có nhân vật người nhưng nó
luôn phải là câu chuyện về cõi nhân sinh. Có như vậy, văn học mới làm cho
con người lương thiện hơn, nhân ái hơn và cũng làm cho con người đa dạng,
phong phú, từng trải và hiểu biết hơn.
15
1.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người - một phạm trù thi pháp học
Quan niệm là một điều cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật. Phải có một quan
niệm, nhà văn mới có thể lựa chọn, khái quát, nhào nặn, tạo ra hình tượng nghệ
thuật, thậm chí có thể biến đổi hình dạng sự vật hoặc miêu tả “không chính xác”
về đời sống. Theo D.X. Likhachiev, quan niệm nghệ thuật gắn với sự miêu tả
con người, cái nhìn nghệ thuật về con người trong sự miêu tả đó. Cho nên quan
niệm nghệ thuật về con người như là cơ sở trung tâm đưa văn học vào đúng quỹ
đạo “nhân học” của nó.
Nói quan niệm nghệ thuật là nói tới “phạm trù về các chỉnh thể nghệ
thuật, là công cụ để tư duy về các hiện tượng nghệ thuật như những chỉnh thể”
[237;126]. Trong đó, quan niệm nghệ thuật về con người có một cách hiểu
chung mang tính chất phổ biến, đó là “sự lý giải, cắt nghĩa sự cảm thấy con
người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức
thể hiện con người trong văn học” [239;59]. Chừng nào chưa có sự đổi mới
trong quan niệm nghệ thuật về con người thì sự tái hiện các hiện tượng đời sống
khác nhau chỉ có ý nghĩa mở rộng về lượng trên cùng một chiều sâu. Điều này
chứng tỏ sự phát triển của tư duy nghệ thuật phải song hành cùng sự mở rộng,
đào sâu các giới hạn trong quan niệm nghệ thuật về con người.
1.1.2.1. Một khi đã là đối tượng của văn học, con người phải được nhìn
nhận như một nhân cách đích thực và toàn vẹn, được soi ngắm từ nhiều mối
quan hệ, được thừa nhận ở mọi giá trị liên quan tới nó. Vì vậy quan niệm
nghệ thuật về con người trong văn học cũng sẽ khác với quan niệm về con
người trong các hình thái ý thức xã hội khác.
Triết học luôn giải quyết vấn đề bản chất của con người, xem xét vị trí
và vai trò của con người đối với thế giới như thế nào. Khổng Tử, Lão Tử,
Mạnh Tử… xem xét tính đa dạng và phong phú về vấn đề con người được đặt
trong mối quan hệ với chính trị, đạo đức. Trong khi đó triết học phương Tây,
ở Hy Lạp cổ đại, con người được xem là điểm khởi đầu của tư duy triết học.
16
Con người và thế giới xung quanh là tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Đến
thời Phục Hưng con người mới được nhìn nhận như một thực thể cá thể. Sang
triết học cổ điển Đức, Hegel đã khẳng định vai trò chủ thể của con người đối
với lịch sử, đồng thời là kết quả của sự phát triển lịch sử. Còn Fuerbach đã
xem con người là kết quả của sự phát triển của thế giới tự nhiên. Sau này
Marx - Engles đã khẳng định con người hiện thực là sự thống nhất giữa yếu tố
sinh học và yếu tố xã hội. Chính những lý giải về con người của triết học theo
quan điểm nhận thức đã giúp văn học có cơ sở để cắt nghĩa con người thông
qua cái nhìn bằng nghệ thuật.
Con người cũng là đối tượng mang tính chủ thể thẩm mỹ của mỹ học.
Đó là những con người xã hội có khả năng thưởng thức, đánh giá và sáng tạo
thẩm mỹ. Thông thường mỹ học nhìn nhận con người với giá trị của những
phạm trù thuộc về cái đẹp, ứng với thị hiếu thẩm mỹ hoặc lĩnh vực của sự
phán đoán thẩm mỹ từng thời kỳ, từng giai đoạn. Ngược lại, đạo đức học nhìn
con người trong sự thể hiện với các chuẩn mực, lấy những lời nói việc làm,
hành động của con người theo khung của nguyên tắc xử thế. Văn học không
quy mọi tính cách con người vào những chuẩn mực đạo đức một cách trọn
vẹn. Điều này cũng có nghĩa, mọi chuẩn mực của con người trong văn học,
được xây dựng từ những tình huống đơn giản đến phức tạp, nhằm bộc lộ tính
cách, dựa trên những lập trường xã hội khác nhau, với tiêu chí lý giải các
dạng thức quan hệ xã hội của con người trong tính toàn vẹn.
Còn tôn giáo lại là một ý chỉ tối cao đối với con người, nó lấy đức tin
đôi khi là sự chi phối con người để tồn tại và phát triển. Tôn giáo tự xem
mình như một tư tưởng chỉ đường cho ý thức của con người, buộc con người
tin vào thế giới siêu phàm có thực. Mặt khác, tôn giáo xem con người là đối
tượng để an ủi, chia sẻ tình yêu thương bằng đức tin và niềm tin. Nếu chính trị
đề cao vai trò con người trong lịch sử xã hội, đặt trong thế tương quan với xu
thế phát triển của lịch sử, xã hội, giai cấp, tầng lớp… thì văn học lấy con
17
người làm đối tượng phản ánh, khám phá, nhận thức và phục vụ cho chính
con người bằng nghệ thuật ngôn từ. Vì thế văn học luôn nhìn con người như
một chỉnh thể sinh động, toàn vẹn trong các quan hệ đời sống. Miêu tả hiện
thực nhưng hiện thực đó phát triển thế nào lại dựa vào các bình diện quan hệ
đời sống xã hội của con người thể hiện trong đó.
Như vậy, con người trong văn học được xem như là trung tâm giá trị,
trung tâm đánh giá, kết tinh của các kinh nghiệm quan hệ. Văn học khi cắt
nghĩa về con người đã có một cách nhìn riêng, cách chiếm lĩnh riêng. Con
người được văn học phản ánh sinh động, có chiều sâu mang tính toàn vẹn
giàu sắc thái thẩm mỹ ở cả tầm vi mô lẫn vĩ mô trong đó có cả những khía
cạnh mà khoa học, lịch sử, tôn giáo, triết học ít quan tâm.
1.1.2.2. Khi nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người trong tác
phẩm văn học, chúng ta cũng thấy điểm nhìn khác nhau về con người của các
nhà văn trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Trong thực tế sáng tác và tiếp nhận
văn học, người sáng tác có cách giải mã con người theo ý đồ riêng mình, người
tiếp nhận cũng đã dễ dàng nhận ra. Bởi vì, những thay đổi trong quan niệm
nghệ thuật qua các chặng đường sáng tác văn học, thể hiện ý thức của nhà văn
về việc miêu tả con người, cho thấy sự biến đổi mô hình nghệ thuật về con
người, được người nghệ sĩ cụ thể hóa trong các kiểu nhân vật.
Trong quá trình tư duy sáng tạo nghệ thuật, nhà văn bao giờ cũng mang
những quan niệm suy ngẫm về nhân sinh, về mọi điều trong quan hệ với con
người. Vì thế để những hình tượng trong thế giới nghệ thuật chứa đựng tính khái
quát, anh ta cần một cái nhìn, một lối nhìn về đối tượng nhận thức trên cơ sở của
tình cảm xã hội thẩm mỹ về đời sống, số phận con người qua từng thời kỳ. Tức
là yếu tố thời đại có ảnh hưởng đến quan niệm thẩm mỹ của nhà văn khiến quan
niệm nghệ thuật của nhà văn thay đổi. Văn học trung đại chịu ảnh hưởng của tư
tưởng Nho giáo, văn chương phải “tải đạo”. Con người trong con mắt của những
18
nhà nho được xem trọng và đề cao là con người đạo đức, con người của quân
thần, sống hết mình với cương thường đạo lý, mang tư tưởng kinh bang tế thế.
Trải qua bao biến động về mặt xã hội, cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1945
- 1975, nhà văn không phải không nhận biết được tính toàn diện của bản chất
con người. Nhưng để tồn tại và chiến thắng trước thử thách khắc nghiệt của
chiến tranh con người cần phải giản ước mọi ham muốn, không được phép nghĩ
nhiều về cá nhân, chỉ đề cao mọi phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn trong bản thân mình.
Đó là cơ sở cho sự xuất hiện kiểu con người hành động, con người giai cấp, con
người cộng đồng… Như vậy, trong tư duy nghệ thuật của nhà văn giai đoạn này,
con người như một tư tưởng, một tính cách, một mô hình được nhà văn nhào
nặn, sắp xếp hơn là một cá thể, một nhân vị trong quan hệ biện chứng với xã hội.
Mặt khác, khi quan niệm có tính chất là “cắt nghĩa” thế giới và con người, nhà
văn buộc phải có một phương pháp sáng tác thể hiện được những nguyên tắc
nghệ thuật nhất định để lý giải con người. Gắn với yếu tố thời đại và phương
pháp sáng tác, qua từng thời kỳ văn học, quan niệm nghệ thuật về con người
luôn có sự thay đổi, phản ánh sự chiếm lĩnh, thụ cảm về hiện thực và con người
khác nhau, kế thừa phát triển lẫn nhau. Nhìn vào văn học Việt Nam, nguyên lý
này càng rõ nét.
Giai đoạn 1930 - 1945 trong mắt của các nhà thơ Mới, con người chính
là cái tôi cô đơn hiu quạnh, buồn tẻ đến lay lắt. Văn học 1945 - 1975 đã có
một luồng không khí mới hào sảng theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng
lãng mạn được các nhà văn soi chiếu qua con người quần chúng ở nhiều
phương diện.
Suốt một thời gian dài văn học phục vụ cách mạng cho nên nhà văn chỉ
có điều kiện quan tâm đến cái chung, do đó vấn đề con người chưa được xem
xét ở vị trí xứng đáng của nó. Đó là con người - tập thể, con người - nhân dân,
chưa phải là những cá nhân, những số phận. Nhà văn say sưa nói đến lòng
quyết tâm, ý chí, sức mạnh của con người, “làm ngơ” trước nỗi cô đơn của
19
con người trong mọi tình huống. Vì vậy kiểu sáng tác chủ yếu dựa trên cảm
hứng lịch sử - xã hội để phản ánh cuộc sống mới, con người mới. Con người
lúc này buộc phải đứng khuất sau sự kiện, phong trào, trở thành phương tiện
để trình bày lịch sử.
Đại thắng mùa xuân 1975, mười năm sau đó là thời gian kịp cho nhà
văn có khoảng cách để cách nhìn thi vị nhường chỗ cho tính chất tỉnh táo, sâu
lắng. Con người giờ được nhìn nhận, xem xét, lý giải theo nhiều hướng, nhiều
chiều, nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời
sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người
cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát. Đâu chỉ là con
người của những anh hùng, khí phách, tràn đầy ý chí mà nay còn là con người
có ý thức biết trầm tĩnh, chấp nhận sự hy sinh lớn nhất có trong cuộc đời mà
chiến tranh để lại. Đã đến lúc tác phẩm của các nhà văn có xu hướng đi sâu
tăng cường ý thức về nhân cách con người dưới nhiều góc độ khác nhau, đa
diện, đa trị, lưỡng phân, trong con người có cả mặt sấp và mặt ngửa, ánh sáng
và bóng tối.
Rõ ràng cảm thức về thời cuộc đặt ra cho nhà văn những đòi hỏi mới
hơn để đánh giá toàn diện về con người. Nói cách khác, nếu tư duy hiện thực
của nhà văn trước đây phản ánh theo chiều rộng thì nay, nhà văn có xu hướng
hiện thực hóa đời sống tâm hồn một cá thể qua sự tinh lọc, khúc xạ bề sâu tâm
hồn con người.
1.1.2.3. Một nền văn học mang tầm vóc, chiều sâu và ý nghĩa chẳng
những phụ thuộc vào lý tưởng và mục đích phục vụ của nó, mà còn phụ thuộc
và cách hiểu biết, tiếp cận, sáng tạo nên hình tượng con người trong nó. Mỗi
một thời đại, một giai đoạn văn học có cách quan niệm, thể hiện con người
khác nhau. Thực chất, sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người chính là
quá trình vận động biện chứng của ý thức nghệ thuật cho phù hợp với đặc
điểm lịch sử, xã hội. Nói cách khác, việc chuyển đổi mối quan tâm của văn
20
học chính là nguyên nhân chi phối sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con
người trong văn học.
Theo Nguyễn Minh Châu, cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con
người mới thực sự lâu dài. Trong bối cảnh chiến tranh đã lùi xa, cơ chế xã hội
mới đặt con người ta vào hoàn cảnh mới. Xã hội đang có những bước đi lên,
cùng lúc cái nhìn về thời cuộc cũng khác trước. Nhà văn tước bỏ những ánh
hào quang văn chương đã khoác trước đây, để sự hy sinh và chiến công hiện
ra trần trụi trong ánh sáng đích thực của nó. Con người không chỉ khẳng định
phẩm chất tư tưởng xả thân mà điều quan trọng là được thể hiện ở các mối
quan hệ lịch sử, trên phương diện xã hội và với thiên nhiên.
Từ sau 1975, cuộc sống đã dần trở lại với quy luật bình thường của nó
cùng lúc con người đối mặt với những biến động, đổi thay của xã hội. Guồng
quay xã hội gián tiếp cho ý thức cá nhân thức tỉnh, họ quay về đối diện chính
mình với những đòi hỏi riêng của mỗi người, mỗi số phận. Khi “văn học và đời
sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người” (Nguyễn
Minh Châu), nhà văn phải có một cái nhìn đặc sắc, đầy xác thực về con người,
mới có thể kiến giải có ý nghĩa về cuộc sống và xã hội. Ý thức cá nhân con
người ngày càng có những khát vọng mạnh mẽ, chúng ta càng phải đặt ra vấn
đề chống chủ nghĩa cá nhân dưới một cái nhìn đa diện hơn, trên tất cả các mặt
của cuộc sống một cách quyết liệt. Đó cũng là lý do sáng tác của các nhà văn
không chỉ đơn thuần phê phán các tàn dư của xã hội cũ, các biểu hiện của chủ
nghĩa cá nhân, quan liêu bảo thủ mà còn đặc biệt lưu ý đến những hiện tượng
vi phạm chuẩn mực đời sống xã hội và đạo đức như Cù lao Tràm của Nguyễn
Mạnh Tuấn, Sao đổi ngôi của Chu Văn, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh,
Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng Không còn cách nào khác, “chúng ta phải
đào bằng ngòi bút cho đến cùng đáy cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm
nguồn cơn của con người đất nước mình thì sẽ gặp con người nhân văn, sẽ gặp
cái nhân bản của nhân loại” [151;68]. Đường hướng ấy chính là khởi điểm cho