KIỂU CỐT TRUYỆN PHÂN MẢNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ
ĐỔI MỚI
Th.s Nguyễn Thị Hải Phương (K.Văn - ĐHSPHN)
Quan sát văn học Việt Nam thời kì đổi mới, chúng tôi nhận thấy
bên cạnh việc cách tân mạnh mẽ của thơ và truyện ngắn, thể loại tiểu
thuyết cũng đang có sự chuyển mình và tìm tòi những hình thức nghệ
thuật mới tuy có vẻ chậm hơn, dè dặt hơn. Các nhà viết tiểu thuyết ý
thức được rằng, bây giờ vấn đề quan trọng không phải là viết cái gì
mà là viết như thế nào, không phải là kể nội dung mà là viết nội dung.
Với họ, tiểu thuyết rốt cục vẫn là vấn đề lối viết, là vấn đề chơi kết
cấu. Và các nhà văn đã thể nghiệm những kỹ thuật tự sự mới để
nhằm khai thác tiềm năng của thể loại, để cách tân tiểu thuyết, để góp
phần đưa tiểu thuyết Việt Nam dần dần thoát khỏi quỹ đạo của truyền
thống, bước đầu hòa nhập với tiểu thuyết hiện đại của thế giới. Bên
cạnh những tìm tòi, cách tân về nhân vật, về ngôn ngữ, giọng điệu,
nghệ thuật trần thuật…, tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới đã thực
sự có những cách tân đáng kể về mặt cốt truyện.
Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư
tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng
nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự
và kịch” (4). Cốt truyện chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khắc
họa nhân vật và tái hiện các xung đột xã hội. Các nhà văn khi cầm bút
luôn có ý thức sáng tạo, làm mới cốt truyện để có thể bộc lộ một cách
hiệu quả nhất quan niệm của mình về cuộc sống, về con người và để
lôi cuốn người đọc. Đọc tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới ta thấy
các nhà văn thường có xu hướng nới lỏng cốt truyện. Vai trò của cốt
truyện bị hạn chế đến mức tối đa, do nhà văn có xu hướng hạn chế
hoạt động của nhân vật. Nếu như trước đây, tiểu thuyết chủ yếu xây
dưng nhân vật thông qua các hành động, các sự kiện thì giờ đây nhân
vật lại “nghĩ” nhiều hơn là hành động. Chính vì thế, cốt truyện dễ rơi
vào lỏng lẻo, khó tóm tắt, cấu trúc định hình bị phá vỡ thay vào đó là
một cấu trúc lắp ghép rời rạc, lộn xộn. Và cốt truyện phân mảnh chính
là một kiểu cổt truyện tiêu biểu cho xu hướng nới lỏng cốt truyện này.
Cốt truyện phân mảnh là kiểu cốt truyện được tạo nên từ hệ thống các
mảng có tính độc lập tồn tại bên cạnh nhau. Đây là một kết cấu lắp ghép
mang hơi hướng của tư duy hội họa lập thể. Ở đây, cốt truyện đã bị nghiền
nát, đập vỡ thành từng mảnh vụn rời rạc, không theo một trình tự thời gian
hay mối liên hệ nhân quả nào và mỗi mảnh vụn chính là một mảnh của hiện
thực. Các nhà tiểu thuyết thời kỳ đổi mới rất có ý thức trong việc sử dụng
loại cốt truyện này để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình.
“Thiên thần sám hối” của Tạ Duy Anh có cấu trúc giống như một
vở kịch được tạo nên từ nhiều màn, mỗi màn kịch là một sự kiện không theo
quan hệ lôgíc, nhân quả. Đó là câu chuyện về một bà mẹ đã đến ngày sinh
mà đứa bé vẫn không chịu chui ra. Là câu chuyện về một cô gái bị gã sở
khanh lừa cho có bầu và cô đã vào bệnh viện trút con ra như một nghiệp
chướng, một cái ách. Đó còn là những câu chuyện về việc ăn đút lót của
những “lương y như từ mẫu” hay câu chuyện về nữ nhà báo Bằng Giang đã
đem cả thân xác và trinh tiết của mình ra “làm quà” để mong có được “tờ
giấy thông hành” qua cổng thiên đường. Và đó còn là câu chuyện về một bà
nông dân đẻ toàn con gái bị gã chồng nát rượu đánh đập, phải bỏ ra thành
phố nhặt rác, trở thành vợ chung của bốn gã đàn ông, có bầu mà không biết
đứa con trong bụng là ai, trút con ra và đồng ý cho ngâm cồn bốn đứa con
chưa thành người để được bồi dưỡng bốn triệu đồng… Nhìn toàn cục đó là
những mảnh văn bản rời rạc, phản ánh những mảng đời sống khác nhau. Ta
có thể xáo trộn những mảnh sự kiện này mà không làm ảnh hưởng nhiều đến
lôgíc tác phẩm. Qua những mảnh cốt truyện này, Tạ Duy Anh đã cho ta thấy
được sự tha hóa xuống cấp của con người trong xã hội hiện đại, thấy được
cái chết đau đớn của những sinh linh chưa được làm người.
Tiểu thuyết “Lão Khổ” (Tạ Duy Anh) cũng được chia làm hai phần
tương đối độc lập. Phần thứ nhất là “Chuyện chính yếu thay cho lời mở đầu”
dài 9 trang. Gọi là “Chuyện chính yếu” vì đó là những suy tư, trải nghiệm
được lão Khổ rút ra từ chính cuộc đời long đong, lận đận “chỉ toàn bỏ đi”
của mình. Phần thứ hai là “Những chuyện ngoài rìa” dài 201 trang. Mới đọc
lên, người đọc cảm thấy hơi ngạc nhiên vì “Những chuyện ngoài rìa” lại có
dung lượng lớn hơn “Những chuyện chính yếu”. Nhưng đằng sau vẻ bề
ngoài có vẻ phi lí đó chính là hạt nhân hợp lí của nó. Chính từ rất nhiều
những “Chuyện ngoài rìa” này, nhà văn mới có thể rút ra được một “Chuyện
chính yếu” như là một chân lý. Phần “Chuyện ngoài rìa” này được chia
thành 20 chương. Chương I có tên là “Hiện về từ quá khứ”. Chương II là:
“Chuyện tình của Lão Khổ”. Chương III là: “Thần số mệnh an bài”. Chương
IV là: “Tiền định một tai họa”. Chương V là: “Sụp đổ và phục sinh”.Chương
VI là: “Những nhân chứng của thời đại”. Chương VII là: “Trả thù”. Chương
VIII là: “Thiên thần và quỹ dữ”. Chương IX là: “Đối mặt với oan hồn”…
Nhìn vào tiêu đề của các chương ta dễ nhận thấy mỗi chương dường như đã
hoàn kết một sự kiện, ta có thể bắt đầu đọc từ bất kì chương nào mà vẫn
nắm bắt được tác phẩm một cách tương đối trọn vẹn.
“Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài cũng sử dụng kiểu cốt truyện phân
mảnh khá độc đáo này. Tác phẩm gồm 17 chương, kể lại những sự kiện diễn
ra xung quanh cuộc sống của cô bé Hoài, được nhìn nhận qua con mắt của
Hoài. Mỗi chương có một tiêu đề với nội dung độc lập giống như là những
màn kịch khác nhau trong một vở kịch. Chương I: Cửa sổ – giới thiệu chỗ
đứng nơi Hoài quan sát cuộc sống. Chương II: Mưa – hoàn cảnh gia đình và
tuổi thơ cay đắng bị bạn bè xa lánh của Hoài. Chương III: Bé Hon – sự ra
đời và từ biệt thế giới của thiên sứ. Chương IV: Chủ nhật – sự kiện Hoài
đình tăng trưởng. Chương V: Tủ sách – hành trình tiếp xúc với văn hóa nhân
loại. Chương VII: Biến cố – Bi kịch của chị Hằng. Chương IX: Mô hình I –
Quang lùn chứng minh ý chí khổng lồ của mình. Chương XII: Lễ cầu hôn.
Chương XIII: Đám cưới chị Hằng… Những mảnh sự kiện này được lắp
ghép lại với nhau không theo trình tự hợp lí và tính tất yếu của quan hệ nhân
quả.Với kiểu cốt truyện này, Phạm Thị Hoài đã cho ta thấy một bức tranh
sinh động về xã hội Việt Nam những năm quá độ từ chiến tranh chuyển sang
hòa bình, trong đó có sự nhốn nháo, hỗn loạn của văn hóa phương Đông và
phương Tây, của kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa, của cái đẹp và cái
xấu, tích cực và tiêu cực… Trong xã hội đó, con người bị sơ đồ hóa với
những mô hình được đánh số như Quang Lùn, Hùng… Trong xã hội đó, con
người bị bào mòn cá tính, con người rơi vào tình trạng “người không mặt”,
con người cạn kiệt khả năng yêu thương với quá trình người “homo z
hóa”…. Trong xã hội đó, con người phải chịu đựng nỗi cô đơn khủng khiếp
vô cùng.
Là một người luôn tâm niệm: “Nghệ thuật tiểu thuyết, theo như tôi
quan niệm, là sự nối kết các điểm chính với nhau chứ không phải nhẫn nại
đi theo tuần tự, đều đặn của thời gian và sự kiện” (8) nên Nguyễn Bình
Phương thường hay sử dụng kiểu cốt truyện phân mảnh này trong tác phẩm
của mình. “Thoạt kỳ thủy” có cấu trúc rất lạ. Tác phẩm được chia làm ba
phần: “Tiểu sử”, “Chuyện” và “Phụ chú”. Phần Tiểu sử gồm 18 nhân vật
được đánh số thứ tự từ 1 đến 18 nhưng sự sắp xếp này lại không tuân theo
một tiêu chí nào cả. Người già lẫn người trẻ, thế hệ trước chung với thế hệ
sau, người xếp lẫn với loài vật… Phần này được đặt tên là tiểu sử nhưng
cách viết lại hoàn toàn phi tiểu sử. Tác giả không hề chú ý đến các mốc thời
gian mà lối viết tiểu sử thường dùng như năm sinh, năm mất… mà lại chú ý
miêu tả ngoại hình nhân vật, những thói quen hay sở thích đặc biệt của nhân
vật… Nói cách khác, Nguyễn Bình Phương đã làm nhòe mờ, ảo hóa những
chi tiết thuộc về tiểu sử. Với phần “tiểu sử” này, nhà văn đã bước đầu gợi
cho ta một tâm lý hoang mang bởi sự lộn xộn, bừa bộn nằm ngay trong cái
tưởng như rõ ràng, quy củ. Cốt truyện của “Thoạt kỳ thủy” chủ yếu nằm ở
phần B – phần “Chuyện”, gồm hai mạch chuyện chạy song song, độc lập với
nhau không liên quan với nhau nhưng lại đan xen, lồng khớp với nhau.
Mạch chuyện thứ nhất kể về con cú và mạch chuyện thứ hai xoay quanh
cuộc đời Tính – một con người điên loạn sống hoàn toàn theo bản năng.
Như vậy, phần “Chuyện” đặt nối tiếp sau phần “Tiểu sử” nhưng không phát
triển của “Tiểu sử”. Những điều được tác giả dụng công xây dựng ở “Tiểu
sử” không trở lại trong “Chuyện”, “Tiểu sử” không phải là cơ sở của
“Chuyện”. Những con người trong “Chuyện” cũng là những mảng màu của
bức tranh lập thể. Họ tồn tại bên cạnh nhau, rời rạc, cô lập. Phần “Phụ lục”
bao gồm truyện ngắn “Và cỏ” của ông Phùng và mười một giấc mơ của
Hiền – Tính. Với hình thức cốt truyện phân mảnh, Nguyễn Bình Phương đã
tạo nên những tầng hiện thực khác nhau khiến người đọc phải rất khó khăn
để đi tìm mối dây liên hệ giữa chúng. Thông qua kiểu cốt truyện này, nhà
văn muốn thể hiện một thế giới hỗn loạn, mù mờ, “đẫm máu và nước mắt,
đẫm tang thương và đầy huyễn mộng” của buổi thoạt kì .
Còn nhiều tiểu thuyết thời kì đổi mới có sử dụng hình thức cốt truyện
phân mảnh như: “Đi tìm nhân vật” (Tạ Duy Anh), “Người sông Mê” (Châu
Diên), … Sự xuất hiện của kiểu cốt truyện phân mảnh trong tiểu thuyết Việt
Nam thời kì đổi mới hoàn toàn không phải là một việc ngẫu nhiên mà nó có
cái “lí” riêng của nó - đây chính là cái “lí” của hình thức hay nói cách khác
chính là “tính nội dung” của “hình thức nghệ thuật”.
Trước hết, việc sử dụng kiểu cốt truyện phân mảnh thể hiện nỗ lực
của các nhà văn nhằm cách tân tiểu thuyết, nhằm phá vỡ khung tự sự truyền
thống. Tiểu thuyết truyền thống đề cao tính chuyện rõ ràng,rành mạch, do đó
cốt truyện luôn giữ một vị trí quan trọng không thể thay thế, cốt truyện
chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho tác
phẩm. Các nhà viết tiểu thuyết theo khuynh hướng truyền thống thường
quan niệm rằng: tiểu thuyết nhất thiết phải tồn tại trên một cốt truyện, nếu
không có cốt truyện thì rất khó có thể có tiểu thuyết. Và độc giả chủ yếu tìm
đến tiểu thuyết vì cốt truyện của nó, họ yêu thích hay chán ghét một tiểu
thuyết chủ yếu vì cách mà nhà văn giải quyết vấn đề mà cốt truyện đặt ra.
Thông thường, cốt truyện trong tiểu thuyết truyền thống thường có cấu trúc
tương đối ổn định, gồm 5 thành phần: trình bày, thắt nút, phát triển, cao trào,
mở nút… Mặc dù không phải bất cứ tác phẩm nào cũng có một cốt truyện
với đầy đủ các thành phần như vậy nhưng hầu như trong các tiểu thuyết
truyền thống, tính tuyến tính, nhân quả vẫn thường nổi lên rất rõ. Phải chăng
việc phá vỡ khuynh hướng tuyến tính, đề cao tính bất định, đứt đoạn, phân
mảnh trong việc xây dựng cốt truyện là một trong những biểu hiện của chất
hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới. Bởi nói như
Nguyễn Hưng Quốc: “Chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương phi tâm hóa, chấp
nhận sự kết hợp lỏng lẻo giữa các thành tố trong tác phẩm như những thủ
pháp nghệ thuật quan trọng… Cũng có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là sự
sụp đổ của những cái đơn nhất và toàn trị để nhường chỗ cho phần mảnh và
những yếu tố ngoại biên, là sự khủng hoảng của tính nhất quán và là sự nở
rộ của những dị biệt, là sự thoái vị của tính hệ thống và sự thăng hoa của
tính đa tạp”(10)
Thứ hai, với kiểu cốt truyện phân mảnh, các nhà văn đã thể hiện một
quan niệm mới về hiện thực. Đó là một hiện thực không toàn vẹn, một hiện
thực rời rạc, đổ vỡ, rạn nứt, một cuộc sống đang tan rã dần dần, một cuộc
sống không dễ tìm mối tương giao, liên kết. Trong quan niệm của các nhà
văn thời kì đổi mới, hiện thực không phải là một khối duy nhất mà là có vô
số mảnh vỡ xuất hiện từ nhiều phương hướng khác nhau. Hiện thực không
phải là một khối đơn giản và đồng nhất trong nhãn quan của mọi người.
Ngay cả với bản thân một người thì cùng lúc họ cũng có thể nhìn thấy nhiều
thế giới khác nhau bởi mỗi người có thể cùng lúc chịu chi phối nhiều hệ quy